Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tướng Nga thứ 8 tử trận trên chiến trường ?

Trọng Nghĩa, RFI, 17/04/2022

Theo tiết lộ từ hai tờ báo Nga, vào hôm 16/04/2022, thành phố Nga Saint Petersburg đã tổ chức lễ an táng thiếu tướng Vladimir Frolov, phó tư lệnh Quân Đoàn số 8 của Nga, đã tử trận tại Ukraine. Nếu các thông tin từ phía Ukraine đưa ra được xác nhận là đúng, thì đây là viên tướng thứ 8 của Quân Đội Nga bị thiệt mạng trên chiến trường từ ngày Moskva xua quân xâm lược Ukraine hôm 24/02.

ukraina1

Quân xa Nga trên đường phố Kherson (Ukraine) ngày 01/03/2022. Vùng Kherson là nơi đã có hai tướng Nga bị tử trận kể từ ngày nổ ra cuộc chiến tranh Ukraine  via Reuters

Trích dẫn cơ quan báo chí của chính quyền thành phố Saint Petersburg, bản tin trên trang mạng hai cơ quan truyền thông Nga là Fontanka và Kommersant cho biết là là thiếu tướng Vladimir Frolov đã qua đời trong "chiến dịch đặc biệt của quân đội Nga ở Ukraine", tên Moskva đặt cho cuộc tấn công xâm chiếm nước láng giềng được khởi động từ hạ tuần tháng Ba.

Theo hai nguồn tin trên, lễ tang theo nghi thức quân đội, đã diễn ra tai nghĩa trang Serafimovsky, với sự hiện diện của Alexander Beglov, thống đốc Saint Petersburg. Nhân vật này đã ca ngợi sự hy sinh "dũng cảm" của tướng Frolov "trong các trận chiến với kẻ thù Ukraine".

Theo báo chí phương Tây, cái chết của ông Frolov đã nâng số lượng tướng lãnh Nga tử trận tại Ukraine từ đầu cuộc chiến đến nay lên thành 8 người, dựa theo các thông tin do phía Ukraine đưa ra, và dĩ nhiên là không được phía Nga xác nhận.

Cách nay ba tuần, hôm 27/03, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết đã hạ sát được trung tướng Yakov Rezantsev tư lệnh quân đoàn 49 của Nga gần thành phố Kherson, miền nam Ukraine. Đây là viên trung tướng thứ hai bị thiệt mạng sau trung tướng Andrei Mordvichev, tư lệnh Quân Đoàn số 8, cũng bị giết gần Kherson.

Bộ Quốc phòng Ukraine khi ấy khẳng định đã có đến 7 viên tướng Nga thiệt mạng, một con số gộp luôn cả thiếu tướng Magomed Tushayev, tư lệnh một sư đoàn của Chechenya cùng tham chiến bên cạnh lực lượng Nga.

Dù Moskva cho không xác nhận các thông tin nói trên, nhưng theo giới quan sát, tính ra, tỷ lệ tướng lãnh Nga tử vong trong không đầy hai tháng trên chiến trường Ukraine quả là cao bất thường, vì như vậy Quân đội Nga đã mất đi hơn 30% trong số khoảng 20 tướng lãnh được tung vào cuộc chiến.

Một trong những nguyên nhân có thể là vì Ukraine đã áp dụng chiến thuật "đánh rắn phải dập đầu", cố tìm cách tiêu diệt các tầng lớp sĩ quan cấp cao để phá vỡ dây chuyền chỉ huy của quân đội Nga.

Chiến thuật này lại lợi dụng được thiếu sót từ phía Nga : Vì hệ thống chỉ huy yếu kém, các tướng lãnh Nga phải mạo hiểm lên tuyến đầu, phương tiện thông tin lại kém bảo mật nên dễ bị tình báo Ukraine phát hiện.

Trọng Nghĩa

***********************

Nga thắt chặt vòng vây Mariupol, ra tối hậu thư yêu cầu binh sĩ Ukraine đầu hàng

Thùy Dương, RFI, 17/04/2022

Bộ Quốc phòng Nga ra tối hậu thư cho những binh sĩ Ukraine cuối cùng còn đang chiến đấu bảo vệ thành phố cảng chiến lược Mariupol đầu hàng trong ngày Chủ nhật 17/04/2022 để giữ tính mạng. Quân đội Nga cũng cho biết hôm nay đã ném bom thêm một nhà máy sản xuất vũ khí của Ukraine gần Kiev.

ukraine2

Xe tăng phe thân Nga trên đường phố Mariupol ngày 11/04/2022.  Reuters - S tringer

Theo AFP, Nga tuyên bố là sau các cuộc giao tranh ác liệt,họ đã kiểm soát gần như hoàn toàn thành phố cảng miền nam Mariupol, ngoại trừ các ổ kháng cự. Bộ Quốc phòng Nga yêu cầu các binh sĩ Ukraine cuối cùng còn đang cố thủ trong khu liên hợp luyện kim Azovstal ngưng giao tranh lúc 6 giờ sáng Chủ Nhật 17/04, theo giờ Moskva (3giờ GMT) và sơ tán khỏi vị trí đó trước 13 giờ (10 giờ GMT). Moskva tuyên bố cơ hội duy nhất của binh sĩ ở Mariupol để giữ mạng sống là hạ vũ khí, quy hàng.

Còn bộ tổng tham mưu Ukraine hôm nay cho biết Nga đã không kích thành phố Mariupol từ vùng Donetsk. Chiếm được thành phố cảng này sẽ là một chiến thắng quan trọng đối với Nga bởi nó sẽ cho phép Moskva mở rộng vùng lãnh thổ chiếm được dọc bờ biển Azov bằng cách nối vùng Donbass, một phần do phe thân Nga kiểm soát, với bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập hồi năm 2014.

Ở miền tây Ukraine, quân Nga hôm qua đã ném bom một nhà máy lọc dầu chỉ cách thành phố Lyssytchansk 4 km. Nhìn lên phía bắc, quân đội Nga cho biết đã phóng tên lửa có độ chính xác cao vào một nhà máy sản xuất vũ khí khác gần Kyiv sáng hôm nay. Đó là nhà máy sản xuất đạn dược gần Brovary.

Thị trưởng thành phố này khẳng định một số cơ sở hạ tầng đã bị bắn trúng. Thủ đô Kiev và vùng phụ cận đã tránh được các vụ oanh kích kể từ khi quân Nga rút khỏi miền bắc Ukraine, nhưng hôm nay là ngày thứ ba bị ném bom trở lại sau khi soái hạm Moskva của Nga bị Ukraine đánh chìm ở Hắc Hải hôm thứ Năm 14/04.

Về phía Nga, hôm qua 16/04 Bộ Quốc phòng công bố 1 video khoảng 30 giây quay cảnh tư lệnh hải quân Nga gặp gỡ khoảng 30 người được cho là đã kịp thoát khỏi soái hạm Moskva.

Thùy Dương

********************

Tổng thống Ukraine kêu gọi Tây phương cung cấp vũ khí hạng nặng ngay lập tức

Thùy Dương, RFI, 17/04/2022

Trong bối cảnh quân Nga đang tấn công dữ dội thành phố cảng miền nam Mariupol, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 16/04/2022 kêu gọi phương Tây cung cấp ngay lập tức các loại vũ khí hạng nặng mà Ukraine đã đề xuất từ nhiều tuần nay.

ukraine3

Vũ khí viện trợ cho Ukraine đang được chuẩn bị đưa lên máy bay tại căn cứ Không Quân Dover (bang Delaware, Hoa Kỳ) ngày 21/01/2022.  AP - Mauricio Campino

Theo ông Zelensky, chỉ có hai khả năng, hoặc các đối tác cung cấp ngay lập tức cho Ukraine tất các vũ khí hạng nặng cần thiết để giảm sức ép nhắm vào Mariupol, hoặc thông qua con đường đàm phán, mà các đối tác của Kiev cũng giữ một vai trò mang tính quyết định.

Về phía Mỹ, Washington dự kiến trong những ngày tới đây sẽ chuyển máy bay trực thăng và xe bọc thép cho Ukraine, nhưng Moskva cảnh báo Washington sẽ phải gánh những hậu quả mà chính phủ Mỹ "không lường hết được". Đối với chuyên gia Marie Dumoulin, thuộc trung tâm tham vấn Hội Đồng Châu Âu về Quan Hệ Quốc Tế, Tây phương sẽ phải đối mặt với những nguy cơ, rủi ro nếu tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng Âu - Mỹ cũng không thể bỏ mặc Ukraine. Chuyên gia Marie Dumoulin giải thích :

"Ukraine đề nghị các nước cung cấp vũ khí cho họ nhiều hơn và nhanh hơn bởi vì họ sẽ sớm phải đối mặt với một đợt tấn công mới của Nga. Nguồn dự trữ của họ đang cạn kiệt dần ở một số nơi, vì vậy họ cần phải tiếp đầy kho đạn dược, vũ khí và phải thật nhanh chóng trước khi đợt tấn công mới bắt đầu.

Trên thực tế, nguy cơ là Nga, khi không thành công trong việc giành ưu thế quân sự, sẽ chọn leo thang về loại vũ khí mà nước này sử dụng ở Ukraine. Nga sẽ sử dụng những loại vũ khí có tính sát thương rất cao, chẳng hạn vũ khí hóa học. Không phải bằng cách ngưng cung cấp vũ khí mà chúng ta sẽ vượt qua được nguy cơ đó, nhưng nếu chúng ta không hỗ trợ Ukraine thì có thể tin chắc rằng rằng nước này sẽ bại trận và Ukraine sẽ buộc phải đầu hàng, và điều này không có lợi cho phương Tây".

Tổng thống Zelensky kêu gọi thế giới chuẩn bị cho khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân

Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi thế giới "chuẩn bị trước khả năng Nga sử dụng vũ khí nguyên tử". Lời cảnh báo trên được đưa ra trong cuộc nói chuyện của ông Zelensky với nhiều phương tiện truyền thông trong nước. 

AFP cho biết, khi trao đổi với giới truyền thông Ukraine hôm 16/04, tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh "Nga có thể sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào" và "Chúng ta không nên đợi đến lúc Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng ta cần chuẩn bị cho điều đó". Tổng thống Nga lưu ý phải chuẩn bị thuốc chống phóng xạ, và hầm trú ẩn…

Trước đó, hôm thứ Sáu, ông Zelensky đã cho rằng "toàn thế giới" nên "lo lắng" về nguy cơ Vladimir Putin, do thất bại quân sự ở Ukraine, sẽ dùng đến cũ khí hạt nhân chiến thuật.

Theo chuyên san Bulletin of the Atomic Scientists, Nga hiện có 1.588 đầu đạn hạt nhân được triển khai, trong đó 812 đầu đạn hạt nhân được trang bị cho tên lửa trên mặt đất, 576 đầu đạn trong các tàu ngầm và 200 đầu đạn trên các oanh tạc cơ.

Thùy Dương

*********************

Chiến tranh Ukraine : Cuộc sống của người chọn ở lại Kramatorsk

Minh Anh, RFI, 17/04/2022

Vào lúc Nga hôm 17/04/2022 tiếp tục oanh tạc phá hủy một nhà máy quân sự ở vùng phụ cận Kiev, cũng như là nhiều vùng khác của Ukraine, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc HCR đưa ra bảng tổng kết ảm đạm về tình hình nhân đạo : Hơn 4,8 triệu người dân Ukraine phải bỏ chạy khỏi đất nước, tính từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/02/2022. 

ukraine4

Nhà ga Kramatorsk (Ukraine) nơi đã bị Nga oanh kích ngày 08/04/2022 đúng vào lúc thường dân đang được di tản, khiến hành cục người thiệt mạng.  © RFI/Marie Normand

Cơ quan HCR còn cho biết khoảng 7,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, di tản ở trong nước. Trong khi đó, chính quyền Kiev hôm nay, 17/04/2022, thông báo ngưng các hành lang nhân đạo để sơ tán thường dân Đông Ukraine, do không đạt được thỏa thuận ngưng bắn với quân Nga. 

Riêng ở Donbass, phía Đông Ukraine, thành phố và làng mạc hầu như bị bỏ trống vào lúc Nga sắp tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn. Tại Kramatorsk chẳng hạn, khoảng 70% dân số đã chạy sang lánh nạn ở phía Tây Ukraine.

Tuy nhiên, vẫn có một số người quyết định ở lại, bất chấp các cuộc oanh tạc, thiếu thốn mọi bề và cuộc chiến sắp đến gần. Nhìn chung, những người ở lại là những người già, nghèo khó hay không có người thân để đón tiếp họ ở những nơi an toàn. 

Từ Kramatorsk, hai đặc phái viên đài RFI, Marie Normand và Julien Boileau gởi về bài phóng sự : 

"Maxim, 16 tuổi, đi dọc theo con lộ, tay ôm đầy các chai nước. Những ai chọn ở lại Kramatorsk đều mua đồ dự trữ tại các cửa hàng hiếm hoi còn mở cửa. Cậu thổ lộ : "Tại sao phải ra đi ? Chúng tôi không biết là tình hình này sẽ còn kéo dài bao lâu. Ở phía Tây Ukraine, chẳng có việc làm, chẳng có tiền để mà sinh sống. Giải pháp còn lại chính là ở lại Kramatorsk và hy vọng tình hình sẽ tốt hơn". 

Lena cũng vậy, dự trữ tất cả những gì có thể. Cô thừa nhận dạo chỉ này chỉ ăn toàn là cháo. Một số dịch vụ, như 8 tuyến đường xe buýt của Kramatorsk, vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Valentin, một trong số 24 tài xế xe buýt của thành phố khẳng định "chẳng có gì thay đổi cả".

Duy chỉ có khi nào còi hụ báo động vang lên, thì anh phải đưa hành khách đến nơi trú ẩn gần nhất. Còn chuyện ra đi ư ? Anh chưa bao giờ nhắm đến. Anh nói : "Ở đây chính là nghĩa trang của tôi và ở đó là nhà của tôi. Vậy tôi phải đi đâu chứ ?" 

Bà Marina ở lại cùng bầy thú cưng của mình nhưng lại rất lo sợ mỗi khi những đoàn xe quân sự đi qua dưới cửa sổ nhà. Bà run rẩy nói : "Chúng tôi sợ rằng nhà của chúng tôi sẽ không thoát và chúng tôi cũng vậy". 

Trong vòng 48 giờ, khu công nghiệp Kramatorsk đã bị hai quả tên lửa hành trình nã xuống". 

Về tình hình chiến sự, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tính đến hôm nay, phía Ukraine có 2.500-3.000 binh sĩ tử trận.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Tổng thống Mỹ thăm Ba Lan

Thanh Hà, RFI, 25/03/2022

Ba Lan là chặng dừng thứ nhì trong vòng công du Châu Âu của nguyên thủ Mỹ, Joe Biden. Hôm 25/03/2022 tổng thống Biden sẽ dừng lại tại thành phố Rzeszow, cách biên giới Ukraine chừng 80 cây số.

ukraine1

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với báo giới tại Bruxelles, Bỉ, ngày 24/03/2022.  Reuters – Evelyn Hockstein

Rzeszow cách thành phố Lviv miền tây Ukraine khoảng hơn hai giờ lái xe và nhiều cơ quan đại diện ngoại giao của phương Tây đã dọn về đây từ trước khi xảy ra chiến tranh hôm 24/02/2022. Lviv cũng là nơi một phần dân Ukraine xem là một địa điểm an toàn.

Tại Bruxelles, nguyên thủ Mỹ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Washington thông báo 1 tỷ đô la viện trợ nhân đạo cho Ukraine và sẵn sàng đón nhận đến 100.000 người Ukraine trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda ra tận sân bay Rzeszow đón đồng nhiệm Mỹ. Sau khi được báo cáo về những điều kiện đón nhận người tị nạn Ukraine, Joe Biden đến thăm một căn cứ quân sự gần đó, gặp gỡ một phần trong số 100.000 quân nhân Mỹ được triển khai tại Châu Âu.

Chuyến công du Ba Lan trong hai ngày của tổng thống Hoa Kỳ sẽ kết thúc tại thủ đô Warszawa. Tại đây ông Biden sẽ đọc một bài diễn văn về những "nỗ lực chung của thế giới tự do để yểm trợ người dân Ukraine" và lên án nước "Nga gây ra một cuộc chiến thô bạo" theo như thông cáo của Nhà Trắng.

Thanh Hà

******************

Chiến tranh Ukraine hàn gắn quan hệ Mỹ-Ba Lan

Thanh Hà, RFI, 25/03/2022

Là nơi đón nhận hơn 2 triệu người tị nạn Ukraine, là một "trung tâm phối hợp" viện trợ quân sự quốc tế cho Ukraine, cộng thêm với lo ngại là sau Ukraine, Ba Lan có thể là mục tiếu kế tiếp của Nga, những yếu tố này đã khiến Warszawa trở thành một mắt xích quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Chuyến công du Ba Lan trong hai ngày 25 và 26/03/2022 của tổng thống Mỹ Joe Biden là bằng chứng rõ rệt nhất minh họa cho điều này. 

ukraine2

Warszawa Phi cơ trực thăng Mỹ Black Hawk tuần tra trên sân bay Rzeszow-Jasionka (Ba Lan) trước lúc tổng thống Mỹ Joe Biden đến nơi trong khuôn khổ chuyến thăm Ba Lan. Ảnh chụp ngày 25/03/2022. Reuters – Kacper Pempel

Quan hệ giữa chính quyền Biden và đảng bảo thủ cầm quyền tại Warszawa không mấy thắm thiết. Vậy mà tổng thống Biden đã dành đến hai ngày thăm Ba Lan trong vòng công du Châu Âu. Chiến tranh Ukraine và cái bóng đe dọa của Nga đã đẩy quan hệ song phương sang một khúc quanh mới. 

Warszawa bước lên tuyến đầu từ khi Nga khởi động chiến dịch xâm chiếm Ukraine. Về mặt nhân đạo, trong ba tuần lễ đầu chiến tranh Ba Lan đón nhận đến 2/3 trong số hơn 3 triệu người tị nạn Ukraine. Để so sánh, Đức trong 5 năm, từ 2015 đến 2019 mở vòng tay đón nhận 1,5 triệu người tị nạn Syria. 

Ba Lan còn là ngã chính đưa viện trợ nhân đạo đến tay người dân Ukraine : chỉ riêng hôm 21/03/2022 hơn 55 tấn hàng viện trợ của Pháp cho Ukraine (gồm từ thuốc men, đến máy phát điện …) đã phải đi qua Ba Lan.

Về quân sự, Ba Lan là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, của NATO. Từ hai thập niên qua, Washington đã đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa chống tên lửa tại Ba Lan. Đây cũng là nơi Hoa Kỳ mở một căn cứ quân sự với hàng ngàn quân nhân ở Powidz, cách thủ đô Warszawa hơn 250 km về phía tây. 

Vì tình hình chiến sự Ukraine, Washington đã điều thêm quân sang Ba Lan đặc biệt là tại Rzeszow ở miền nam, cách biên giới Ukraine chừng 80 cây số, nâng tổng số lính Mỹ tại Ba Lan lên hơn một chục ngàn người.

Hàng tỷ đô la viện trợ quân sự của Mỹ, Liên Âu hay Canada cho Ukraine để đối phó với quân đội Nga cũng đã được vận chuyển qua lãnh thổ Ba Lan. Sau cùng tổng thống Biden không quên rằng, Warszawa là một khách hàng lớn của các tập đoàn công nghiệp vũ khí Hoa Kỳ. Trong ba năm năm gần đây, Ba Lan mua đến 10 tỷ đô la trang thiết bị quân sự của Mỹ, mua chiến đấu cơ F35 và nhất là hệ thống phòng thủ Patriot. Vì vậy, tổng thống Biden cần vuốt ve Ba Lan ít ra là trong thời điểm này, nhất là Washington và Warszawa không phải lúc nào cũng có chung một tầm nhìn về chiến lược. 

Tháng trước, Mỹ dứt khoát bác bỏ đề nghị đưa chiến đấu cơ MIG/29 của Ba Lan đến căn cứ quân sự Ramstein tại Đức do NATO điều hành, để rồi những chiếc chiến đấu cơ đó được giao cho Ukraine. Nhà Trắng bác bỏ sáng kiến của Ba Lan vì muốn tránh trực diện đối đầu với Nga. Thêm một bất đồng thứ nhì liên quan đến đề nghị của Warszawa điều một lực lượng duy trì hòa bình quốc tế sang Ukraine. Đề xuất này cũng đã bị Washington bác bỏ, bởi một lần nữa Mỹ muốn tránh mọi hình thức can thiệp có thể bị Moskva coi là một "hành động chiến tranh". 

Sau khi đã bác bỏ kế hoạch chuyển chiến đấu cơ MIG/29 cho Ukraine, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã sang tận Warszawa để xoa dịu đồng minh Châu Âu này. Chưa đầy một tháng sau, đến lượt tổng thống Biden dừng chân tại Rzeszow, một căn cứ tạm thời nơi khoảng 1.000 lính Mỹ đã đổ bộ từ vài tuần qua, trước khi ông lên đường tới thủ đô Ba Lan. 

Điểm cuối cùng thúc giục Joe Biden đến Ba Lan lần này, là nguy cơ "Vladimir Putin không dừng lại ở Ukraine". Nguyên thủ Nga đã viện cớ Kiev là một chế độ phát xít, muốn tiêu diệt cộng đồng Nga tại Ukraine để xâm chiếm nước láng giềng. Còn cựu tổng thống Dmitri Medvedev, một con rối trong tay chủ nhân điện Kremlin, hôm 21/03/2022 đã mạnh mẽ lên án Ba Lan "căm thù nước Nga". Thực vậy Ba Lan tỏ lập trường rất cứng rắn lên án Nga xâm lược Ukraine. Thủ tướng Mateusz Morawiecki đòi quốc tế gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga mà ông cho là một "Nhà nước toàn trị".

Theo giới quan sát, thái độ cứng rắn nói trên chứng tỏ Ba Lan lo ngại sẽ là "mục tiêu kế tiếp" trong chiến lược của Nga. Vụ Ba Lan trục xuất gần 50 nhà ngoại giao Nga vì bị tình nghi là gián điệp không giúp làm hạ nhiệt tình hình.

Do vậy cũng có thể hiểu rằng, chuyến công du của tổng thống Biden đến Warszawa lần này nhằm nhắc nhở Moskva về nguyên tắc "vuốt mặt thì cũng nể mũi" : Ba Lan có một điểm tựa chiến lược là Hoa Kỳ. 

Thanh Hà

************************

Chiến tranh Ukraine : Mỹ trừng phạt các nghị sĩ và ngành công nghiệp quốc phòng Nga

Phan Minh, RFI, 25/03/2022

Theo một thông cáo của Nhà Trắng, Hoa Kỳ hôm 24/03/2022 đã công bố các biện pháp trừng phạt tài chính mới nhắm vào các chính trị gia, giới tài phiệt và ngành công nghiệp quốc phòng Nga nhằm tiếp tục gây áp lực, đáp trả hành động xâm lược Ukraine. 

ukraine3

Toàn cảnh trụ sở Hạ viện Duma Nga, Moskva, ngày 15/09/2020.  AFP – Natalia Kolesnikova

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình : 

Các trừng phạt của Mỹ chưa bao giờ được áp dụng mạnh mẽ như thế với một quốc gia và Nhà Trắng không ngừng nhấn mạnh rằng các biện pháp này có hiệu quả và có thể sẽ được tăng cường. Như vậy, Nhà Trắng nói là làm, và cho thấy rằng Washington vẫn còn các phương án trừng phạt khác.

Hơn 400 cá nhân và thực thể của Nga đã bị phong tỏa tài sản. Đầu tiên là 328 nghị sĩ Duma và cả Hạ viện Nga bị trừng phạt vì đã ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine. Các nhà tài phiệt và doanh nhân khác của Nga cũng như 48 công ty Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng của Nga cũng bị ảnh hưởng bởi việc mở rộng lệnh trừng phạt này. Trong số đó có một tập đoàn sản xuất tên lửa mà hệ thống vũ khí này được triển khai ở Ukraine và được sử dụng trong các cuộc bắn phá các mục tiêu dân sự.

Tất cả các trừng phạt này được ban hành trong sự phối hợp với Châu Âu và các nước G7 khác. Các nước này cũng khởi xướng sáng kiến chia sẻ thông tin về những ý đồ của Nga nhằm lách các lệnh trừng phạt. Cuối cùng, Hoa Kỳ, G7 và Liên Âu muốn tiếp tục ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng nguồn dự trữ của mình, bao gồm cả vàng, để tài trợ chiến tranh. Và cảnh báo rằng sẽ có thêm biện pháp trừng phạt khác nếu cuộc chiến vẫn tiếp tục.

Phan Minh

Published in Quốc tế