Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại diễn đàn APEC ở Bangkok (Thái Lan) vào trung tuần tháng 11/2022, nơi ông Emmanuel Macron là tổng thống Châu Âu duy nhất được mời tham dự, nguyên thủ Pháp đã quảng bá chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp. Trước đó, ông Macron đã gặp rất nhiều nhà lãnh đạo trong vùng bên lề thượng đỉnh G20. Sau đó, đến lượt bộ trưởng quốc phòng Pháp đến Indonesia.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 04/11/2021. AP - Lewis Joly

Có thể thấy hàng loạt hoạt động ngoại giao của Paris trong thời gian gần đây cho thấy khu vực Đông Nam Á giữ vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được Paris công bố năm 2018. Việc lần đầu tiên, một tổng thống Pháp và cũng là nguyên thủ Châu Âu đầu tiên được mời dự thượng đỉnh APEC là một thành công của ngành ngoại giao Pháp trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, hiện trở thành "một ưu tiên đối với Pháp".

Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt ngày 01/12/2022, giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul-Valéry Montpellier, đánh giá những hoạt động ngoại giao cấp cao gần đây ở Đông Nam Á cho thấy "sự liên tục trong chính sách của Pháp" đối với một khu vực "ngày càng có vị trí trung tâm trong nền kinh tế, trong các vấn đề chiến lược của thế giới đương đại". Liệu Việt Nam sẽ có vai trò nào đó trong chiến lược của Pháp không ? Việt Nam có lợi ích gì từ chiến lược này ?

***

RFI : Tổng thống Emmanuel Macron gặp đồng nhiệm Indonesia, nước chủ tịch luân phiên G20 tại Bali. Sau đó, bộ trưởng quốc phòng Pháp đến Jakarta họp với đồng nhiệm Indonesia. Dường như Paris hiện nhấn mạnh đến "sự gắn bó chiến lược đang được hình thành giữa Pháp và Indonesia", đối tác quân sự quan trọng nhất của Paris ở trong vùng ?

Pierre Journoud : Đúng, Indonesia là một đối tác quan trọng, có thể là quan trọng nhất, không chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự, mà có lẽ còn do trọng lượng của nước này : đông dân nhất khu vực với 276 triệu dân, là quần đảo lớn nhất thế giới. Indonesia có chính sách đối ngoại tương đối cân bằng từ trước đến giờ. Đây là nước duy nhất tham gia G20, do đó hai tổng thống Pháp và Indonesia đã gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở Bali.

Indonesia là một quốc gia quan trọng, then chốt, từ lâu đã có ảnh hưởng lớn trên thế giới, cụ thể là từ Hội nghị Bandung năm 1955, khởi nguồn cho phong trào không liên kết 1961 cho đến Hội nghị Paris chấm dứt cuộc xung đột giữa Việt Nam và chế độ Khmer đỏ Cam Bốt - ở Pháp gọi là "chiến tranh Đông Dương lần thứ 3" - trong đó Indonesia đóng vai trò quan trọng. Vì thế, đối với Pháp, phát triển mối quan hệ với một đất nước lớn ở Đông Nam Á không phải là điều gì mới, trong khi nước này cũng muốn giữ vai trò ngoại giao lớn hơn. Indonesia và Pháp cũng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Indonesia cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Pháp năm 2011, tăng cường quan hệ trong nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng đến kinh tế và văn hóa. Sau đó, Pháp ký thỏa thuận tương tự với Singapore năm 2012 và với Việt Nam năm 2013.

RFI : Việt Nam có thể có vai trò nào đó trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp không ?

Pierre Journoud : Về câu hỏi này, có thể thấy hai thực trạng. Trước tiên là những điểm yếu. Không thể phủ nhận là hai nước chúng ta không hẳn phát triển được một số lĩnh vực, như kinh tế, thương mại. Đây là điểm yếu chính trong mối quan hệ giữa hai nước và cần phải được nhìn thẳng, cải thiện theo thời gian. Dù trao đổi đã tăng, Pháp vẫn chưa chiếm thị phần lớn ở Việt Nam và ngược lại. Cho nên, hai nước còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp. Có thể họ chưa biết rõ Việt Nam, nên cần khuyến khích họ đầu tư và phát triển trao đổi, quan hệ với các đối tác Việt Nam.

Ngược lại, hai quốc gia có mối quan hệ chính trị rất tốt vì thường xuyên có những chuyến thăm cấp cao, thậm chí là cấp Nhà nước, dĩ nhiên trừ giai đoạn dịch bệnh. Hợp tác tác phi tập trung, giữa các vùng, tỉnh, đô thị của hai nước cũng rất quan trọng, đa dạng và có từ lâu. Đây là một lợi thế không thể phủ nhận. Ngoài ra còn phải kể đến mối quan hệ văn hóa song phương có từ rất lâu, rất mạnh, nhưng cũng cần được cải thiện, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ.

Từ những ưu điểm nói trên, dù hiện chưa phải là ưu tiên của tổng thống Pháp, nhưng tôi hy vọng rằng mối quan hệ đó đủ vững mạnh để ông đến Việt Nam trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương năm 2023. Chúng tôi đang chuẩn bị một số sự kiện văn hóa, học thuật… cho sự kiện này. Ông Macron được mời thăm Trung Quốc, và nếu ông đi, cũng có thể hy vọng là ông sẽ đến Việt Nam vào dịp này. Nếu không, cũng hy vọng là ông công du Việt Nam trước khi hết nhiệm kỳ để cho thấy rằng Việt Nam là một quốc gia quan trọng, không chỉ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp với những lý do tôi nêu ở trên, mà còn vì cả Pháp và Việt Nam đều có lợi khi phát triển mối quan hệ song phương tốt đẹp, cho dù vẫn còn nhiều điểm yếu cần cải thiện.

RFI : Việt Nam có thể bị rơi vào thế tế nhị khi nghiêng thêm về phía Pháp, nhất là về mặt quân sự ?

Pierre Journoud : Tôi không tin điều đó lắm, vì chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp không thể so sánh được với chiến lược của Mỹ. Thứ nhất, cả hai nước không có phương tiện như nhau. Một bên là một siêu cường quốc tế, bên kia có thể nói là một cường quốc cấp vùng muốn có vai trò trên thế giới.

Điều có vẻ trấn an là chiến lược hiện nay của Paris trung thành về mặt lịch sử với những chiến lược được các tổng thống Pháp phát triển trước đó, trong những bối cảnh khác nhau. Ví dụ tướng De Gaulle đối mặt với "Chiến tranh Việt Nam" và ông đã cố giữ vai trò ngoại giao để tạo điều kiện thoát khỏi khủng hoảng. Tôi nghiên cứu về chủ đề này trong nhiều năm và điều làm tôi ngạc nhiên là sự năng động của ngành ngoại giao Pháp, có thể là do còn bị ám ảnh, đã giúp các bên xung đột để tìm ra các giải pháp ngoại giao hoặc chính trị-quân sự để thoát khỏi cuộc chiến.

Tôi nghĩ tổng thống Macron hiện nay hoàn toàn trung thành với khái niệm truyền thống này của ngành ngoại giao Pháp. Ngoại giao Pháp không đi theo hướng xung đột giữa các khối mà đề xuất "con đường thứ ba", cụm từ cũng thường được ông Macron sử dụng. Có thể đây là khái niệm thứ hai về một "cường quốc tầm trung". Nếu như Pháp có tham vọng trở thành một cường quốc tầm trung và có thể mở ra "con đường thứ ba" cùng với những nước khác, thì Việt Nam yên tâm.

Chúng ta vẫn biết là Việt Nam không thể cắt đứt với Trung Quốc, mà ngược lại, rất gần gũi với nước láng giềng phương Bắc. Hai nước hiểu rõ nhau, có mối quan hệ trong mọi lĩnh vực và Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tôi nghĩ là Pháp không thể và không có ý định tách rời hai nước này mà ngược lại, có thể sẽ tìm được cách hành động để đóng vai trò cân bằng và tránh rơi vào kịch bản gần như kiểu Chiến tranh lạnh. Điều đó sẽ dẫn đến đối đầu hoặc cạnh tranh, như tình hình rất căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, chúng ta cũng thấy Biển Đông là khu vực có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam và những nước khác trong vùng, trong khi Trung Quốc lại có những đòi hỏi, hoạt động hàng hải và hải quân nhiều lần đặt Việt Nam và các nước lân cận như Philippines, Indonesia vào thế vô cùng khó xử. Do đó, tôi hy vọng Châu Âu, đặc biệt là Pháp, có thể đóng vai trò hữu ích trên phương diện ngoại giao, cũng như về kinh tế và văn hóa để tránh cho một đất nước, như Việt Nam, bị cuốn theo cuộc đối đầu Mỹ-Trung, và rơi vào thế trở thành con tin.

Có thể thấy sự năng động của tổng thống Pháp hiện nay, dù ông không phải là người đầu tiên đề xuất, nhưng ông có vẻ kiên định với đường lối ngoại giao này. Tôi cho rằng những phát biểu của ông Macron khiến một nước như Việt Nam yên tâm. Tôi không nghĩ là Việt Nam có thể bị rơi vào thế tế nhị khi kết hợp mật thiết hơn với Pháp bởi vì Paris không theo hướng đối đầu, dù là với Trung Quốc hay Hoa Kỳ, một đồng minh truyền thống của Pháp.

RFI : Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp, cũng như chiến lược của Mỹ, nhằm mục đích khống chế sức mạnh và sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng ?

Pierre Journoud : Có và không. Như vừa nói ở trên là chiến lược của Pháp không phải chỉ nhắm vào mỗi Trung Quốc nhưng có thể đó là một ưu tiên. Mỹ và các nước phương Tây khác đều bận tâm, không chỉ về sức trỗi dậy của Trung Quốc mà còn về một số bất đồng giữa Bắc Kinh và phương Tây nói chung (Trung Quốc ủng hộ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine, bất đồng về số phận của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tận Cương bị "truy bức" và chính sách ngoại giao "chiến lang"…). Có thể thấy căng thẳng vẫn tái diễn phần nào nhưng Pháp không theo đường lối của Mỹ - hiện giờ là như vậy. Paris muốn khác, như tôi vừa nói là Pháp không có đủ điều kiện về quân sự và tài chính như Hoa Kỳ.

Ngoài ra, cần lưu ý là Pháp cũng có lợi ích riêng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chiến lược đó của Pháp nhằm kiềm chế một chút "nhiệt huyết" của Trung Quốc ở trong vùng nhưng cũng nhằm bảo vệ tốt hơn những lợi ích kinh tế, văn hóa và người dân Pháp vì Pháp có nhiều vùng lãnh thổ trong vùng, như Polynésie, Nouvelle Calédonie, Wallis và Futuna ở Thái Bình Dương. Cũng cần nhắc lại rằng Pháp cũng là láng giềng của Trung Quốc, thông qua các vùng đặc quyền kinh tế vì Pháp đứng thứ hai thế giới về diện tích các vùng đặc quyền kinh tế.

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được tổng thống Macron công bố năm 2018. Chúng ta biết rõ trong quan hệ quốc tế, cần có thời gian để thấy được hiệu quả của một chiến lược. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Pháp có phương tiện nào về nguồn lực, tài chính, kinh tế và quân sự có thể tác động đến khu vực rộng lớn này. Đây chính là điểm mà tôi thắc mắc vì khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương rất rất lớn về mặt địa lý : Liệu có hơi quá tham vọng với một nước như Pháp trong khi không có nhiều khả năng tài chính như Mỹ hay Trung Quốc ? Theo tôi, chiến lược này dù sao vẫn thích đáng nếu bao trùm được cả về chính trị, quân sự và đặc biệt là về kinh tế, văn hóa.

Tôi cũng cho rằng Pháp có khả năng đáng kể về vai trò ngoại giao trong việc giải quyết một số xung đột trong vùng. Ví dụ trường hợp Biển Đông, tôi ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu và Pháp đóng vai trò lớn hơn, không phải về quân sự, bởi vì Châu Âu có một chính sách ngoại giao quốc phòng khá tích cực nhưng theo tôi, có vẻ vẫn chưa đủ. Do đó, cần phải gia tăng, tăng cường vai trò của ngành ngoại giao Châu Âu về khả năng giải quyết các cuộc xung đột phức tạp, từ lâu và có thể xấu đi, đặc biệt là ở Biển Đông hay Đài Loan.

Nhìn từ quan điểm đó, tôi nghĩ rằng ngành ngoại giao có thể làm tốt hơn nữa, phối hợp nhiều hơn với các tác nhân, không hẳn là ngoại giao, mà ví dụ như với các chuyên gia, giảng viên đại học hoặc đại diện xã hội dân sự để cùng cố tìm ra được giải pháp cho những xung đột có thể xấu đi hoặc cản trở nền kinh tế, quan hệ chính trị giữa các nước trong vùng. Hy vọng sẽ thấy được vai trò lớn hơn của ngành ngoại giao Pháp trong những lĩnh vực này.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul-Valéry Montpellier, Pháp.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 05/12/2022

Giáo sư Pierre Journoud vừa cho xuất bản tập nghiên cứu của nhiều tác giả La Mer de Chine méridionale au prisme du soft power (Nouvelles approches franco-vietnamiennes d'un vieux conflit maritime) (tạm dịch : Biển Đông qua lăng kính quyền lực mềm (Những cách tiếp cận Pháp-Việt mới đối với một cuộc xung đột hàng hải cũ), Nhà xuất bản L'Harmattan. 

Published in Diễn đàn

Trong năm 2021 vừa kết thúc, chính quyền Joe Biden đã từng bước cụ thể hóa chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ mà mục tiêu là nhằm đối phó với Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, để đạt hiệu quả, chiến lược này phải bao gồm cả thành tố quốc phòng lẫn kinh tế, thế nhưng cho đến nay, vế kinh tế chưa được Washington quan tâm đúng mức, điều mà theo giới quan sát sẽ được bổ khuyết trong năm 2022.

ando1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Biden tại Đại Học Jakarta (Indonesia) ngày 14/12/2021.  © Reuters

Vế quốc phòng của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương dĩ nhiên vẫn là nhân tố tối quan trọng. Ngày 27/12/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng NDDA 2022 (National Defense Authorization Act) tức là ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2022.

Ngân sách cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương tăng gấp ba

Trong ngân sách này, đó có hơn 7 tỷ đô la được dành cho "Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương - Pacific Deterrence Initiative" - tăng hơn gấp ba lần so với năm 2021.

Sáng kiến này chính là thành tố quốc phòng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhằm ứng phó với Trung Quốc. Theo ghi nhận của hãng tin Nhật Bản Kyodo, Đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua với đa số áp đảo trước đó đã yêu cầu tổng thống Mỹ đưa ra một "chiến lược lớn" về Trung Quốc để đối phó với những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra cho trật tự quốc tế.

Có hai điều được nêu lên một cách cụ thể. Trước hết là cấm Bộ quốc phòng Mỹ mua sắm các sản phẩm đến từ lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương (Trung Quốc), kế đến là duy trì khả năng chống lại việc áp đặt "sự đã rồi" tại Đài Loan, ám chỉ việc Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đảo này.

Đạo luật đặc biệt yêu cầu mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận Vành Đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2022, một sự kiện mà Trung Quốc đã bị loại ra ngoài từ năm 2018 vì những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa vùng Trường Sa ở Biển Đông.

Tổng thống Mỹ loan báo "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương"

Nếu vế quốc phòng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ càng lúc càng rõ nét, thì vế kinh tế vẫn còn mơ hồ trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình ở Châu Á và trên toàn thế giới. Chính quyền Biden như đã nhận thức rõ điểm yếu này và sẽ tìm cách bổ khuyết ngay năm 2022 này với việc khởi động kế hoạch mang tên "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương - Indo-Pacific Economic Framework".

Ý tưởng phát triển khuôn khổ kinh tế này đã được được tổng thống Mỹ Joe Biden loan báo lần đầu tiên trong các hội nghị thượng đỉnh khu vực trực tuyến vào mùa thu vừa qua, và có thể được hình thành ngay vào đầu năm nay nhân các cuộc đàm phán với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Một kế hoạch cần tăng tốc vì Trung Quốc đi trước rất xa

Cho đến lúc này, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn còn mang định nghĩa mơ hồ là một thỏa thuận về "các mục tiêu chung", như tạo điều kiện phát triển thương mại, kinh tế kỹ thuật số và công nghệ, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng…

Đối với ông Matthew Goodman, chuyên gia về chính sách kinh tế quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, "chính quyền Biden phải biến khuôn khổ kinh tế này thành một cái gì đó có thực chất hơn, có nghĩa là phải bổ sung một phần chi tiết".

Hoa Kỳ cần phải tăng tốc vì lẽ trong thời gian qua, Trung Quốc đã ngày càng chiếm lĩnh khu vực về mặt kinh tế.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP mà Trung Quốc được cho là đầu tàu vào lúc Hoa Kỳ không tham gia, bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm.

Đe dọa các thành viên CPTPP chống việc kết nạp Trung Quốc ?

Bên cạnh đó, vào tháng 9 năm 2021, Bắc Kinh đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP bao gồm 11 thành viên với Nhật Bản làm đầu tầu sau khi Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận vào năm 2017.

Cho dù hiện có nhiều thành viên của CPTPP như Nhật Bản hay là Úc, còn dè dặt trong vấn đề kết nạp Trung Quốc, theo chuyên gia Goodman được hãng tin Kyodo trích dẫn, Bắc Kinh đang liên tục thúc ép các nước thành viên hiệp định này mở cửa cho Trung Quốc, bằng cách hạ thấp các tiêu chí kết nạp. Thậm chí Bắc Kinh còn ngầm đe dọa trả đũa các nước nào chống lại việc thu nhận Trung Quốc.

Đối với giới chuyên gia, Bắc Kinh rất có thể sẽ thành công trong việc xin gia nhập Hiệp định CPTPP, nhất là trong bối cảnh chính quyền Biden vẫn tránh gia nhập các khối tự do thương mại quan trọng trong khu vực, kể cả CPTPP, vì đây là một vấn đề nhạy cảm và bị chống đối đặc biệt là tại Quốc hội Mỹ.

Nội tình nước Mỹ khiến việc củng cố vế kinh tế của chiến lược gặp khó khăn

Chính bối cảnh phức tạp tại Hoa Kỳ kể trên là một trong những nguyên nhân khiến cho chính quyền Joe Biden cho đến nay vẫn im lặng trước những lời kêu gọi từ một số đồng minh và đối tác Châu Á muốn Mỹ trở lại tham gia Hiệp Định CPTTP, mà chủ trương thúc đẩy Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Theo bà Mireya Solis, chuyên gia về thương mại tại Viện Brookings, một tổ chức tham vấn khác ở Washington, chính quyền Biden rõ ràng coi khuôn khổ mới là là một kế hoạch "dễ triển khai hơn" vì có khả năng không cần Quốc hội phê chuẩn.

Washington dường như mong muốn gắn kết các quốc gia cùng chí hướng bằng cách nêu bật các quy tắc và chuẩn mực mà Mỹ muốn thúc đẩy, trước những lo ngại về chính sách trợ cấp của Trung Quốc, chủ nghĩa bảo hộ kỹ thuật số, chế độ kiểm duyệt internet và hạn chế luồng dữ liệu, cũng như sự xói mòn một số giá trị dân chủ.

Tuy nhiên, theo bà Solis, nỗ lực của Mỹ sẽ bị coi là "nửa vời" nếu không đề cập gì đến "một hiệp định thương mại thực thụ, với các cam kết có thể thực hiện được và mang tính ràng buộc nhằm tiến tới hội nhập kinh tế".

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương phải đáp ứng lợi ích của đối tác

Còn theo ông Goodman, các "chuẩn mực cao" mà Hoa Kỳ đòi hỏi cho từng lãnh vực cần phải được cân bằng với những "lợi ích cụ thể" mà các đối tác của Mỹ có thể thu hoạch.

Chuyên gia này cho rằng một Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương có ý nghĩa sẽ không chỉ tập hợp các đồng minh và các nền kinh tế tiên tiến đã có quan hệ chặt chẽ với Mỹ, mà cả các nền kinh tế kém phát triển hơn, nhưng quan trọng về mặt chiến lược, như Việt Nam, vốn có chung lo ngại về thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Goodman nêu bật ví dụ trước đây của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, tiền thân của CPTPP. Vào khi ấy, Washington đã sẵn sành mở cửa thị trường Mỹ cho Việt Nam, đáp ứng mong muốn của Việt Nam là xuất khẩu được nhiều quần áo và giày dép hơn qua nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Có điều là trong tình hình hiện nay, việc hạ thấp hàng rào thuế quan cho các đối tác Châu Á khó có thể được Quốc hội Mỹ chấp nhận. Tuy nhiên, theo ông Goodman, "những ràng buộc chính trị" đối với chính quyền Biden về thương mại sẽ giảm bớt, ít nhất là sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 và Washington sẽ có thể chủ động hơn về vấn đề này.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 07/01/2022

Published in Diễn đàn

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương : EU đổi hẳn cách nhìn với Bắc Kinh


Les Echos hôm 21/04/2021 phân tích "Châu Âu cố gắng tập trung chiến lược đối phó với Trung Quốc". Trong một văn bản công bố hôm thứ Hai 19/04, Hội Đồng Châu Âu triển khai một chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương" nhằm đối phó với thách thức từ Bắc Kinh. Tuy không nêu đích danh, nhưng chính bản thân tài liệu này đã chứng tỏ có sự chuyển biến trong cách nghĩ về Trung Quốc.

indo1

Một người lính Hải quân Pháp bên cạnh chiến hạm Courbet neo đậu ở căn cứ Guam, nhân cuộc tập trận chung Mỹ, Nhật, Pháp, Anh tại Thái Bình Dương. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/05/2017.  AP - Haven Daley

Mới cách đây hai năm, những người hiếm hoi nêu ra ý tưởng này đều vấp phải một bức tường do dự. Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) tập trung cho một "chiến lược hợp tác Ấn Độ-Thái Bình Dương". Một chiến lược không bao giờ nêu tên Trung Quốc, nhưng cho thấy sự cần thiết phải có lời đáp nhất quán trước một cường quốc Châu Á ngày càng đáng lo ngại.

Về hình thức, tài liệu này tránh công khai chỉ trích Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Frédéric Grare của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) ghi nhận "tất cả những nhập nhằng của EU về chủ đề này : tất cả mọi người đều muốn hợp tác với Bắc Kinh, nhưng chỉ một số nhìn thẳng vào những khác biệt về giá trị, trong khi số khác tìm cách xóa mờ những phương diện có thể gây rắc rối trong quan hệ".

Với lời kêu gọi đồng thuận trong việc hợp tác và quan hệ đối tác, Hội Đồng Châu Âu nêu ra danh sách các mục tiêu chiến lược, mà một số cho thấy khoảng cách giữa Châu Âu với Trung Quốc.

Nhân quyền, Biển Đông : Những bất đồng lớn

Về mặt kinh tế, đó là "đa dạng hóa các chuỗi cung ứng… đặc biệt đối với các hệ sinh thái công nghiệp nhạy cảm nhất". Cuộc khủng hoảng Covid khiến Châu Âu nhận ra đã quá lệ thuộc vào một số mặt hàng y tế Trung Quốc. Tài liệu cũng nêu ra "các nguyên liệu tối cần thiết". EU biết mình bị trói buộc vào đất hiếm của Trung Quốc như thế nào, một nguyên liệu ngày càng hiếm hoi.

Một số đòn khác : văn bản kêu gọi hợp tác với các đối tác trong khu vực để đối mặt với tình trạng "tính phố quát của nhân quyền đang bị thách thức". Tài liệu cũng định ra mục tiêu "bảo vệ các tuyến đường hàng hải tự do và rộng mở", ý nói căng thẳng trên Biển Đông. Tuy nhiên thực tế đặt ra vấn đề về năng lực hàng hải của EU : Brexit khiến Liên hiệp mất đi một trụ cột quân sự mà Đức còn lâu mới thay thế được, khiến Pháp trở thành nhân tố vững chắc duy nhất của cả khối.

Theo chuyên gia Frédéric Grare, còn hơn cả nội dung, "ngay chính sự hiện hữu của văn bản này đã là một điểm mới thực sự". Được thúc đẩy bởi một nước Pháp từ lâu vẫn đơn độc, tài liệu chỉ có thể ra đời sau khi Đức thay đổi quan điểm – Berlin đã công bố chủ trương về đề tài này của nước mình vào mùa thu 2020. "So với những ngần ngại ban đầu, đây là một bước tiến rõ rệt", chứng tỏ Châu Âu đã có cái nhìn khác về Trung Quốc, đặc biệt kể từ sau đại dịch.

Nhưng đây còn là việc xích lại gần hơn với Mỹ. Trong một thế giới mà Hoa Kỳ - dù tổng thống là ai đi nữa - vẫn coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, khó thể là đối tác khả tín của Washington mà không chứng tỏ rằng Châu Âu cũng cân nhắc mối quan hệ với cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới.

Putin bất cần phương Tây, nhưng mong đối thoại ngang hàng với Mỹ

Về phía Nga, "Moskva nhìn sang Washington và duy trì phương Tây dưới áp lực", theoLa Croix. Tuy Vladimir Putin không còn quan tâm đến việc thích nghi với phương Tây, ông vẫn hy vọng hòa thuận được với Mỹ, đồng thời mở rộng vùng ảnh hưởng truyền thống.

Vẫn luôn ngự ở điện Kremlin, Putin đã nhìn thấy nhiều tổng thống Mỹ "đi qua đời mình" : Bill Clinton, George W.Bush, Barack Obama, Donald Trump và nay là Joe Biden. Hôm nay trong bài diễn văn truyền thống trước Quốc hội, quan hệ với Mỹ hẳn được ông đề cập đến. Putin biết rõ ông Biden, vào thời Obama đã cố gắng thúc đẩy quan hệ Mỹ-Nga nhưng không thành công. Ngày nay tuy thế giới đã thay đổi, nhưng với các vụ tấn công tin học, trục xuất các nhà ngoại giao, tập trung quân ở biên giới Ukraine, Moskva vẫn chiếm hàng đầu trong báo cáo tuyệt mật "Daily Brief" mà tình báo Mỹ trình lên tổng thống mỗi buổi sáng.

Nhà đối lập Alexei Navalny, cái gai trong mắt Putin lâu nay đã bị đầu độc rồi bị tống vào tù. Với việc sửa đổi Hiến pháp, Putin có thể tại vị đến tận năm 2036, nên yên tâm theo đuổi một chính sách đối ngoại bất cần phương Tây. Điểm mới là từ các vùng ảnh hưởng truyền thống của Liên Xô cũ, nay Moskva mở rộng sang các khu vực khác như Libya, Venezuela, Trung Phi ; với các hoạt động từ ngoại giao cho đến việc đưa sang lính đánh thuê, cố vấn quân sự.

Đề nghị tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ của Joe Biden hôm 13/04, được điện Kremlin hoan nghênh, cho dù hai ngày sau là một loạt trừng phạt. Putin không từ bỏ hy vọng đối thoại ngang hàng với Hoa Kỳ, mà theo giáo sư Cyrille Bret của Science-Po Paris, "vì quan hệ với Trung Quốc mất cân bằng, Moskva lo ngại bị rơi xuống hàng thứ hai trong địa chính trị". Do bất đồng trên các hồ sơ lớn như Ukraine, Putin mong đồng tình được với Mỹ về các chủ đề khác như kiểm soát vũ khí hay biến đổi khí hậu.

Tổng thống Tchad tử thương trên chiến trường ngay hôm tái đắc cử

Tổng thống Tchad ở Châu Phi tử trận khi vừa tái đắc cử là đề tài chính của các báo Pháp hôm nay. La Croixchạy tựa "Idriss qua đời, Tchad bất ổn". Le Figaro đăng ảnh chân dung kèm theo lời bình, với cái chết của tổng thống Tchad Idriss Déby, Pháp mất một đồng minh trong cuộc chiến ở Sahel. Libérationdành hẳn bốn trang báo và đăng bức ảnh lớn ngoài bìa, với dòng tít "Tổng thống Tchad tử trận, nước Pháp mất đi Déby".

Le Figarotrong bài "Idriss Déby, chết trong lúc đang cầm vũ khí", thuật lại tình hình ở Tchad lúc vị tổng thống cầm quyền từ 30 năm qua ngã xuống trong một trận đánh với quân nổi dậy. Déby đã sống và chết như một chiến binh. Tin đồn bắt đầu lan ra vào chiều thứ Hai 19/04, khi các xe thiết giáp bỗng bao quanh Phủ tổng thống. Được chờ đợi vào buổi tối hôm đó để mừng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 với 79% số phiếu, ông vẫn không thấy xuất hiện. Sáng thứ Ba, các đài truyền thanh chỉ phát toàn nhạc, và đến trưa phát ngôn viên quân đội, bao quanh là các tướng lãnh, mới đọc một thông cáo ngắn : "Tổng thống Idriss Déby Itno vừa trút hơi thở cuối cùng trên trận địa".

Thông tín viên của Libération thuật lại, tối thứ Hai những tràng súng đã nổ ra vang dội để mừng chiến thắng của Déby. Liệu ông có còn nghe thấy hay đã qua đời lúc 21 giờ hôm đó, khi ủy ban bầu cử loan báo kết quả ? Le Figaro cho biết theo nhiều nguồn tin, vị tổng thống 68 tuổi vừa tự phong thống chế cách đây không lâu, dẫn đầu một toán quân đi đẩy lùi nhóm nổi dậy FACT toan xâm nhập từ Libya. Trận đánh dữ dội nổ ra, tổng thống bị thương nặng và sau đó tử vong. Chuyên gia Roland Marshall nhận định, Déby là như vậy, rất can đảm và lại khá vô ý thức. Ông sẽ được an táng ở thủ phủ ở miền đông, sau lễ tưởng niệm long trọng ở quảng trường Nation. Bốn ngày sau loạt súng chào mừng tái đắc cử tổng thống, người chiến binh Déby lại được tiễn đưa bằng những loạt đại bác quốc tang.

Phương Tây trong thế lưỡng nan

Cái chết của ông để lại một khoảng trống lớn đầy nguy hiểm. Quân đội loan báo nắm quyền, Hiến pháp và Quốc hội bị tạm ngưng, ban hành lệnh giới nghiêm, đóng cửa biên giới trên bộ và không phận. Một Ủy ban Quân sự chuyển tiếp được thành lập, đứng đầu là tướng bốn sao Mahamat Idriss Déby - thường gọi là Mahamat Kaka, một trong những người con của tổng thống quá cố. Vị tướng 37 tuổi kín tiếng này tuy chỉ huy DSSIE, một lực lượng tinh nhuệ, nhưng không có được hào quang của người cha. Đối lập sau nhiều thập niên bị đàn áp, vẫn chưa chính thức phản ứng.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Hỗn loạn", Libérationnhận xét Idriss Déby là một sản phẩm thuần túy của Pháp thời kỳ thuộc địa, và nhất là đồng minh của Paris tại khu vực Trung Phi đầy bất ổn.

Nằm giữa Libya, Niger, Cameroun, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và Soudan, Tchad có vị trí chiến lược trong cuộc chiến của Pháp chống quân thánh chiến ở vùng Sahel. Quân đội Tchad, một trong những đội quân thiện chiến nhất của G5 Sahel, là mũi nhọn trong các trận đánh từ Mali, Nigeria tới Trung Phi. Déby lên nắm quyền năm 1990 nhờ sự hỗ trợ của DGSE (Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp), và Paris đã nhiều lần cứu chế độ của ông khi bị quân nổi dậy đe dọa. Pháp vốn trông cậy vào Déby để củng cố lực lượng Barkhane, trở nên dễ tổn thương hơn.

Les Echoscho rằng đây là một bước ngoặt trong cuộc xung đột ở vùng Sahel. Vùng đất có gần 100 triệu dân, giống như một nồi súp-de với các vụ bắt con tin, khủng bố, buôn lậu vũ khí, ma túy, xăng dầu và cả buôn người. Phương Tây trong thế lưỡng nan : tiếp tục một cuộc chiến không lối thoát và không thể chiến thắng, hay để mặc cho khu vực này rơi vào hỗn loạn với nguy cơ phải chịu đựng làn sóng người tị nạn – và cả vấn đề này cũng không có được giải pháp. Bài xã luận của Le Figarochơi chữ, cho rằng vào lúc quân Mỹ rút khỏi Afghanistan, Pháp không nên trở thành con tin trong chiếc bẫy "Africanistan".

Mỹ rút khỏi Afghanistan, Pakistan hy vọng mở rộng ảnh hưởng

Từ Kaboul, Le Figaro có bài phóng sự cho biết "người Afghanistan lo sợ quân Taliban quay lại sau khi Mỹ ra đi". Một tài xế taxi nói : "Thế là chúng tôi sắp phải đơn độc, không chừng vài tháng nữa phụ nữ sẽ bị buộc phải mặc burqa (loại áo trùm kín người)". Khi Taliban nắm quyền từ 1996 đến 2001, phụ nữ Afghanistan không được đi làm, đi học, thậm chí không được ra khỏi nhà nếu không có nam giới đi kèm. Âm nhạc, điện ảnh, khiêu vũ đều bị cấm ; những ai vi phạm có thể bị ném đá, tùng xẻo hoặc treo cổ. Một thiếu nữ thất vọng : "Người Mỹ đã bỏ rơi chúng tôi !"

Trong khi đó Pakistan hy vọng mở rộng được ảnh hưởng. Ngay từ khi Taliban mới nổi lên, tình báo Pakistan đã cung cấp phương tiện và hậu cứ, quan hệ chặt chẽ đến nỗi khi cuộc chiến Afghanistan bắt đầu cho đến nay, tất cả tổng thống Mỹ đều yêu cầu Pakistan trước hết phải vô hiệu hóa các lãnh đạo Taliban trên lãnh thổ mình và sau đó thuyết phục đối thoại. Nếu Taliban quay lại, Pakistan có thể tranh thủ để ngăn chặn ảnh hưởng của Ấn Độ trong vùng, và yên tâm tiến hành việc xây dựng đường ống dẫn dầu TAPI. Islamabad đã được Bắc Kinh chuyển cho trên 60 tỉ đô la chủ yếu là cho vay để thực hiện dự án này, Pakistan hy vọng nhờ đó sẽ thoát khỏi tình trạng phá sản.

Thụy My

Published in Quốc tế

Theo chuyên gia Derek Grossman (*) trên Nikkei Asia Review ngày 12/09/2020, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Donald Trump đã tăng tiến mạnh trong những tháng gần đây, nhằm đạt mục tiêu duy trì một khu vực tự do và rộng mở trước sự hung hăng của Trung Quốc. Thật là trớ trêu khi chính Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này.

asia1

Người biểu tình ở Manila ngày 21/06/2019 dẫm lên cờ Trung Quốc để phản đối sự kiện một tàu Trung Quốc tấn công tàu Philippines. © AP Photo/Aaron Favila, File

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong vấn đề Hồng Kông, Đài Loan cũng như các bên tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, rồi nay thậm chí còn gây hấn với Ấn Độ dọc theo dãy Himalaya, đã dẫn đến một sự đồng thuận tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và xa hơn nữa, rằng việc giương oai diễu võ của Trung Quốc là một hành động không được hoan nghênh trong khu vực.

Nhiều quốc gia liên quan đã tăng cường sâu sắc quan hệ an ninh với nhau và với Hoa Kỳ, nhằm giảm thiểu mối đe dọa. Nếu Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến, sẽ có thêm những nước khác có thể đi theo, khiến Trung Quốc càng bị cô lập hơn.

Tạm lấy ví dụ Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là Bộ Tứ (Quad) gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Bốn quốc gia này đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự và các chuẩn mực hành vi quốc tế trên cơ sở luật lệ. Sự hợp tác an ninh của Bộ Tứ ngày càng sâu hơn.

Hôm 01/07/2020, bộ Quốc Phòng Úc đưa ra chiến lược cập nhật và kế hoạch bố trí lực lượng nhằm đối phó với Trung Quốc. Vài ngày sau đó, Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý kết thúc việc đối đầu quân sự dọc theo vùng biên giới tranh chấp, nhưng hậu quả thì đã rõ. Giờ đây ngay cả những người ủng hộ Trung Quốc nhiệt thành nhất tại Ấn Độ cũng trở nên cứng rắn hơn.

Rồi đến ngày 14/07, Tokyo công bố Sách Trắng quốc phòng thường niên, tố cáo các mưu toan đơn phương không ngừng nghỉ của Trung Quốc nhằm "thay đổi nguyên trạng bằng cách cưỡng bức ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku".

Thái độ hung hăng của Trung Quốc cũng có nghĩa là Washington đang có quan hệ khá tốt ở Đông Nam Á – vùng cạnh tranh ảnh hưởng chủ yếu.

Việt Nam là một đối tác an ninh đang lên của Mỹ, và là chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay. Tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hôm 09/09, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định : "Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp nhanh nhạy, mang tính xây dựng của Hoa Kỳ trước nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông".

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Việt Nam cập nhật chính sách quốc phòng "Ba Không" tháng 11 năm ngoái, nêu rõ Hà Nội sẽ không bao giờ khơi mào chiến tranh, nhưng nếu bị gây chiến, Việt Nam có thể tăng cường quan hệ với các đối tác của mình – có thể hiểu là Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang củng cố quan hệ an ninh với một loạt các quốc gia khác, trong đó có Úc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Còn tại những nước khác trong khu vực, Malaysia đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc công hàm ngày 29/07, bác bỏ "toàn bộ" những yêu sách lâu nay của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.

Trước đó ngày 02/06, tổng thống thân Trung Quốc và chống Mỹ của Philippines, Rodrigo Duterte, đã hoãn lại quyết định về việc có chấm dứt thỏa ước VFA (Visiting Forces Agreement) hay không, chủ yếu do Bắc Kinh tiếp tục tỏ ra hiếu chiến trên Biển Đông. Thỏa thuận này cho phép Mỹ đưa quân đến và tập trận tại Philippines để đối phó với những tình huống bất ngờ từ phía Trung Quốc.

Indonesia hôm 22/07 đã tổ chức một cuộc tập trận lớn trong khu vực, rõ ràng nhằm ngăn chận việc Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Ngay cả Brunei, vốn lặng lẽ nhất trong các bên yêu sách, ngày 20/07, đã gây ngạc nhiên khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tuân thủ các quy định của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển) để giải quyết tranh chấp.

Đài Loan cũng cam kết duy trì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hòn đảo này phải đối mặt với áp lực không ngừng tăng lên của Trung Quốc trên mọi mặt, và như vậy Bắc Kinh đã góp phần vào những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan.Cách hành xử tồi tệ của Bắc Kinh cũng đã thúc đẩy các quốc gia bên ngoài khu vực ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Đáng chú ý nhất là Anh và Pháp trong năm 2018 đã tham gia các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải, hiện diện trên Biển Đông để thách thức các yêu sách của Trung Quốc. Hôm 17/06, Anh, Pháp cùng với các nước khác trong nhóm G7, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông.

Tất nhiên không phải tất cả các nước trong khu vực đều cảm thấy thoải mái khi ủng hộ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, và Washington không nên chờ đợi nhiều từ Cam Bốt, Lào, Miến Điện ; hoặc đáng ngại hơn là Thái Lan, nước vẫn là đồng minh của Mỹ. Cảnh báo của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 29/07 rằng Hoa Kỳ nên ngưng "coi Trung Quốc là kẻ thù", cũng khiến Washington tạm lơi tay. Singapore trên thực tế là đồng minh về an ninh, vốn là cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc, là trái tim của khu vực.

Và việc nhiều nước ủng hộ mục tiêu của Hoa Kỳ, không nhất thiết có nghĩa là họ đã chọn lựa Washington thay vì Bắc Kinh. Hầu hết, nếu không phải là tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều muốn giữ thế trung lập, để tránh đối kháng với bên này hoặc bên kia.

Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương ngày càng lo lắng trước những hành vi của Trung Quốc, và nếu khuynh hướng này tiếp tục duy trì, Bắc Kinh có thể xa rời họ hoặc các nước khác nữa. Rất có thể những quốc gia này sẽ ủng hộ tích cực hơn các mục tiêu của Mỹ.

Thế nên không phải là ngẫu nhiên khi bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) tuần trước đã bắt đầu đi thăm Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines để vận động.

Nếu quan hệ không được thúc đẩy trở lại, Bắc Kinh có thể sẽ phải dựa vào những người bạn ít ỏi tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương như Bắc Triều Tiên, Pakistan, Cam Bốt, Nga. Đó sẽ là một thảm họa.

Thụy My

Nguồn : RFI, 17/09/2020

(*) Chuyên gia Derek Grossman từng là cố vấn Lầu Năm Góc, hiện là nhà phân tích của tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation.

Published in Diễn đàn

Indonesia lo ngại ASEAN không đạt đồng thuận về Ấn Độ-Thái Bình Dương (RFI, 16/06/2019)

Trong lúc Thượng Đỉnh lần thứ 34 của khối ASEAN, tổ chức tại Thái Lan, đang đến gần (22-23/06/2019), chính quyền Indonesia bất ngờ để lọt ra ngoài một số thông tin cho thấy Jakarta lo ngại Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á không đạt được một lập trường chung về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, do thái độ bất hợp tác của Singapore.

asean1

Ảnh tư liệu : Tại Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 33 ở Singapore, thủ tướng Thái Lan (t) nhận chức chủ tịch luân phiên ASEAN 2019 từ tay đồng nhiệm Singapore ngày 15/11/2018. Reuters

Nhật báo Jakarta Post hôm thứ Năm 13/06 dẫn lời một giới chức ngoại giao Indonesia, cho hay kế hoạch thông qua một lập trường chung của ASEAN về khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương" tại thượng đỉnh ở Thái Lan tuần tới có thể sẽ không thành công, do thái độ lừng chừng của chính quyền Singapore.

Theo quan chức ẩn danh này, phía Singapore nói rằng vấn đề này cần được tiếp tục thảo luận, tuy nhiên, lại không chỉ rõ đâu là các nội dung cần được xem xét. "Câu trả lời (của phía Singapore) hoàn toàn không rõ ràng, trong lúc hồ sơ này đã được xem xét từ cả một năm nay".

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, hôm thứ Sáu 14/06, Bộ Ngoại giao Indonesia đã không hồi đáp các chất vấn của truyền thông về chủ đề này. Phái bộ Singapore tại trụ sở ASEAN ở Jakarta chỉ tái khẳng định nguyên tắc "ủng hộ mọi sáng kiến khu vực để duy trì vị trí trung tâm và sự thống nhất của ASEAN", thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực và cổ vũ cho trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Quan niệm mới về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng trở nên một khái niệm quan trọng đối với vùng Đông Nam Á. Kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, nhân thượng đỉnh khối APEC tại Việt Nam tháng 11/2017, nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, nhiều quốc gia trong khu vực cũng tìm cách xây dựng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, để phối hợp với Washington, trước hết là Ấn Độ và Úc.

Theo Jakarta Post, Indonesia đã kiên trì thúc đẩy Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á đưa ra lập trường chung về vấn đề này, nhằm khẳng định vị trí trung tâm của khối ASEAN trong kiến trúc an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang hình thành. Jakarta Post cảnh báo, nếu không đạt được một lập trường chung về hồ sơ này, cộng đồng các nước ASEAN sẽ khó lòng đối phó với tình trạng cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực ngày càng trở nên quyết liệt hơn.

Trọng Thành

**********************

Biển Đông : Ngoại trưởng Philippines kêu gọi Mỹ giúp bảo toàn chủ quyền (RFI, 16/06/2019)

Philippines kêu gọi Hoa Kỳ sử dụng uy lực để chủ quyền của các nước trong vùng Biển Đông được tôn trọng. Lời kêu gọi được ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đưa ra ngày 15/06/2019, sau khi đại sứ quán Mỹ tại Manila lên tiếng về vụ tàu Trung Quốc đâm tàu của Philippines rồi bỏ chạy.

asean2

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. và đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo tại Manila, thủ đô Philippines ngày 01/03/2019. US State Department - Ron Przysucha - Wikipedia

Theo thông tấn xã Philippines PNA, ngoại trưởng Locsin so sánh : "Quyền tự do lưu thông ở Biển Đông không chỉ là quyền được đi lại trong sở thú, nơi đặt những chiếc lồng nhốt thú. Tự do hàng hải phải bao hàm mọi ý nghĩa, kể cả việc sẵn sàng sử dụng uy lực của Hoa Kỳ để bảo toàn chủ quyền của các nước Đông Nam Á ven Biển Đông trong vùng biển, bằng không thì đó là điều vô nghĩa".

Phát biểu của ngoại trưởng Philippines được cho là nhằm đáp lại thông cáo ngày 14/06 mang tính chung chung của đại sứ quán Mỹ ở Manila về vụ đụng tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), gần quần đảo Trường Sa.

Trong thông cáo, Mỹ tái khẳng định "lập trường rõ ràng về Biển Đông... ủng hộ việc sử dụng nguồn tài nguyên biển một cách hợp pháp, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, hòa bình và ổn định".

Ngoại trưởng Locsin không ngần ngại nhắc lại vụ chính quyền Obama kêu gọi Philippines và Trung Quốc rút khỏi bãi cạn Scarborough trước đây : "Philippines đã rút. Trung Quốc thì ở lại. Còn Hoa Kỳ im lặng. Sự im lặng đó có nghĩa là đồng ý. Chúng ta đã mất (Scarborough). Dưới thời Tổng thống Trump, điều này được cho là thay đổi. Các nhà ngoại giao hèn nhát của (chính quyền)Obama phải bị loại khỏi chính quyền Mỹ".

Ngoài việc kêu gọi Mỹ ủng hộ chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, trên Twitter vào hôm nay 16/06, ngoại trưởng Locsin thông báo đã cho phép đại sứ quán Philippines ở Luân Đôn gửi văn kiện "phản đối" đến Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Locsin cũng công bố một văn bản của chính phủ Manila gửi đến Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế khẳng định rằng các ngư dân Philippines "đã bị (tầu Trung Quốc) bỏ rơi một cách tàn nhẫn" và có thể đã bị thiệt mạng ngoài khơi nếu không được tàu cá của Việt Nam giúp đỡ.

Thu Hằng

*******************

Biển Đông : Manila lên án Trung Quốc hèn nhát khi đâm tàu Philippines (RFI, 12/06/2019)

Philippines hôm 12/06/2018 lên án "hành động hèn nhát" của một tàu cá bị nghi là của Trung Quốc, đã đâm vào một tàu đánh cá Philippines rồi bỏ mặc tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

asean3

Cộng đồng mạng Philippines giận dữ sau vụ tàu nước này bị tàu Trung Quốc đâm

Chiếc tàu này đã tông vào một tàu Philippines đang neo đậu gần Reed Bank, ngọn núi ngầm dưới biển mà Trung Quốc gọi là Lễ Nhạc ở Trường Sa, khiến tàu này bị chìm cùng với 22 thủy thủ, rồi bỏ đi.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố : "Chúng tôi cực lực lên án hành động hèn nhát của chiếc tàu bị nghi ngờ là của Trung Quốc vì đã bỏ mặc thủy thủ đoàn Philippines. Đó không phải là hành vi của một dân tộc có trách nhiệm và hữu nghị". Ông Lorenzana kêu gọi mở điều tra vụ đánh đắm tàu này, và có những hành động ngoại giao để tránh những sự cố tương tự tái diễn.

Bộ trưởng Lorenzana cũng cảm ơn các thủy thủ một tàu cá Việt Nam ở gần đó đã cứu giúp các ngư dân Philippines.

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Philippines chưa thể xác nhận chiếc tàu thủ phạm có phải là của Trung Quốc hay không, dù các ngư dân Philippines đã khẳng định.

Reed Bank ở cách đảo Palawan 93 hải lý, theo Reuters thì nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, rất xa so với đất liền gần nhất của Trung Quốc ; và Việt Nam cũng đòi hỏi chủ quyền, gọi là Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 2011, Manila từng tố cáo các tàu Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò ở ngoài khơi Reed Bank.

Năm 2016, Philippines đã thắng kiện với việc Tòa án Trọng tài Thường trực tuyên bố yêu sách chủ quyền dựa trên đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ nên là bất hợp pháp, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương gác tranh chấp biển đảo qua một bên, với hy vọng nhận được nhiều đầu tư và thương mại từ Bắc Kinh. Tuy nhiên ; đến tháng Năm vừa rồi, ông Duterte đã phải phát biểu : "Liệu có đúng khi một nước yêu sách chủ quyền trên toàn bộ đại dương ?"

Thụy My

Published in Châu Á

Từ đầu năm 2018, Pháp liên tục triển khai nhiều hoạt động nhằm gia tăng hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và bảo vệ lợi ích hàng hải tại vùng biển, nơi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng.

phap1

Hai trực thăng Puma trên tầu sân bay trực thăng Dixmude đậu tại căn cứ Hải Quân Changi, Singapore, ngày 24/04/2015. ©ROSLAN RAHMAN / AFP

Đầu tiên phải kể đến Đối Thoại Quốc Phòng Pháp-Việt lần hai, diễn ra ngày 11/01/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh (lần đầu tiên tại Paris vào tháng 11/2016). Dù không nêu chi tiết, nhưng theo The Diplomat, hai bên thỏa thuận tăng cường các chuyến thăm Việt Nam của chiến hạm Pháp.

Ngày 10/03, nhân chuyến thăm Ấn Độ, tổng thống Macron và thủ tướng Modi cùng ký thỏa thuận hợp tác quân sự, mở cửa các căn cứ Hải Quân của nhau cho đối tác. Chỉ sau đó hai ngày, ngày 12/03, hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire ghé cảng Manila. Sự kiện được đại sứ Pháp tại Philippines đánh giá : “Pháp đảm nhận đầy đủ vai trò cường quốc Thái Bình Dương”của mình, cũng như thực hiện “cam kết quân sự đối với an ninh khu vực Đông Nam Á”.

Đến ngày 02/05, tổng thống Pháp thăm Úc và khẳng định “không một quốc gia nào có quyền thống trị khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” trong buổi họp báo chung với thủ tướng Turnbull tại Canberra.

Ngày 01/06, đội tầu Jeanne d’Arc thăm Việt Nam, dường như theo thỏa thuận được nêu trong Đối Thoại Quốc Phòng hồi đầu năm. Nhưng trước đó, đội tầu Jeanne d’Arc đã được triển khai tại khu vực quần đảo Trường Sa. Thông tin này chỉ được bộ Quân Lực Pháp nêu trong thông cáo ngày 20/06 và cho biết “chuyến đi đã diễn ra chỉ vài ngày trước Đối Thoại Shangri-La về an ninh và quốc phòng ở châu Á-Thái Bình Dương, từ ngày 01 đến 03/06/2018 tại Singapore”.

Sau tuần tra trên biển, Pháp sẽ thực hiện nhiệm vụ trên không vào tháng 08/2018, với quy mô chưa từng có tại Đông Nam Á mang tên “Pegase”. Theo trang tahiti-infos.com, chiến dịch sẽ quy tụ 3 chiến đấu cơ Rafale, 1 máy bay vận tải quân sự A400M, một máy bay A310 và một máy bay tiếp liệu, bay từ Úc đến Ấn Độ. Đội bay sẽ dừng ở nhiều chặng khác nhau tại các nước đối tác, nhằm “góp phần tăng cường hiện diện của Pháp tại khu vực mang lợi ích chiến lược này”.

Vậy chiến lược ngoại giao quân sự của Pháp tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là gì ? Việt Nam muốn giữ quan hệ như thế nào trong chiến lược của Pháp ?

RFI tiếng Việt đã đặt một số câu hỏi với đại tá Jean-Claude Allard, giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), chuyên gia về chính sách quốc phòng và an ninh, quản lý khủng hoảng, hàng không quân sự…

RFI : Thưa đại tá Allard, đầu tháng 06/2018, đội tầu Jeanne d’Arc đã đi vào khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Liệu hoạt động này có nhằm mục đích nào khác ngoài việc Pháp muốn bảo vệ quyền tự do hàng hải ?

Jean-Claude Allard : Đội tầu Jeanne d’Arc có nhiệm vụ đào tạo hạ sĩ quan và họ được điều đến khắp nơi trên thế giới, hoặc đến một số điểm địa-chính trị và ngoại giao cần chú trọng.

Tại Đông Nam Á, chúng ta thấy rõ là có nhiều chuyện đang xảy ra, ví dụ như Hải Quân Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, đó là ý thứ nhất. Điểm thứ hai là phải nhấn mạnh đến trục hàng hải vô cùng quan trọng đối với giao thương quốc tế. Pháp có xu hướng bảo vệ con đường hàng hải này, vì dù sao Pháp cũng là cường quốc kinh tế thứ 5 trên thế giới.

Ngoài ra, việc thiết lập ngoại giao với các nước láng giềng trên trục đường đó cho phép giữ cân bằng quan hệ với các nước khác nhau.

RFI : Với nhiều sự kiện quan trọng từ đầu năm của Pháp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, liệu có thể nói rằng Pháp ngày càng quan tâm đến khu vực này ?

J-C Allard : Đúng, nói chung là Pháp quan tâm đến gần hết thế giới vì Pháp có nhiều vùng lãnh hải ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đó là còn chưa kể các vùng đất ở Đại Tây Dương. Do đó, đây là chuyện bình thường.

Lý do thứ hai chính là thương mại quốc tế. Các eo biển ở Đông Nam Á là một trong những tuyến đường thương mại thế giới quan trọng nhất. Rất nhiều tầu thuyền của Pháp đi qua khu vực này. Phải nhắc lại là tập đoàn thương mại lớn thứ hai trên thế giới là tập đoàn CMA CGM của Pháp. Vì vậy, nước Pháp và Hải Quân Pháp phải hiện diện ở bất kỳ nơi nào mà tầu thuyền dân sự, cũng như quân sự của Pháp đi qua.

RFI : Pháp bán tầu ngầm cho Úc, chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ. Ngoài lợi ích kinh tế, Paris còn nhắm đến chiến lược gì ?

J-C Allard : Đúng là phải kể đến lợi ích tài chính rất lớn được ký kết. Trong nhiệm kỳ tổng thống trước (François Hollande), Pháp đã có được thị phần tương xứng trong lĩnh vực thương mại vũ khí. Đây là điều quan trọng vì tạo nguồn thu ngoại tệ và giúp các ngành công nghiệp Pháp hoạt động.

Cần phải nói rõ ở đây là tại Pháp, ngành công nghiệp vũ khí là một trong những ngành công nghiệp cuối cùng không thể sản xuất ngoài lãnh thổ vì đó là ngành công nghiệp cho phép bảo vệ chủ quyền quốc gia. Có nghĩa là chúng tôi sản xuất vũ khí để tự trang bị cho quân đội và nếu có thể, chúng tôi cũng xuất khẩu. Tiếp theo, cần phải xem nước Pháp xuất khẩu cho ai ? Chúng tôi xuất khẩu sang các nước đồng minh hoặc các nước mà chúng tôi cho rằng sẽ không phải là kẻ thù tương lai, như Ấn Độ nằm trong trường hợp này, còn Úc là một nước đồng minh.

Về trường hợp của Việt Nam, tôi nghĩ rằng Việt Nam đang cố gắng phát triển quan hệ ngoại giao và tiếp tục cải thiện các mối quan hệ của họ. Nếu Việt Nam cần trang thiết bị quân sự và hướng về phía Pháp, dĩ nhiên là Pháp sẽ mở cửa thị trường của mình. Điều này không bị loại trừ. Không có chiến tranh ở Việt Nam, nên không có lý do nào để Pháp từ chối, nếu Việt Nam cần vũ khí để phòng vệ và muốn mua vũ khí của Pháp.

RFI : Với sự kiện tầu sân bay trực thăng Dixmude của Pháp ghé cảng Phú Mỹ và khinh hạm tàng hình thăm cảng Sài Gòn vào đầu tháng Sáu, ngoài ra còn phải kể đến Đối Thoại Quốc Phòng, Pháp và Việt Nam thu được lợi ích gì ? Và Việt Nam có vai trò như thế nào trong chiến lược ngoại giao quân sự của Pháp tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ?

J-C Allard : Về phía Pháp, lợi ích mà Pháp muốn hướng đến là càng có quan hệ với nhiều nước trên thế giới thì càng tốt. Đó phải là những mối quan hệ có chất lượng bằng cách thiết lập đối thoại. Pháp muốn trao đổi với các nước quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương, như Việt Nam chẳng hạn, để tìm ra được giải pháp cho các vấn đề, như vấn đề an ninh, rộng hơn nữa là phát triển lĩnh vực thương mại và tạo dựng sự phồn thịnh song phương. Đó là bước đầu, bên phía Pháp.

Nhìn từ phía Việt Nam, cá nhân tôi không nắm rõ về ý muốn xích gần Pháp và đối thoại với nước Pháp của Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ rằng thường thì các nước muốn đối thoại với một cường quốc thứ ba, vì điều này giúp họ thoát khỏi một cường quốc khác. Việt Nam có một cường quốc trong vùng ngay sát sườn là Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp có thể giúp Hà Nội cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc.

Với tôi, trường hợp như thế này từng tồn tại trong những năm 1960 khi người ta nhắc đến Phong trào không liên kết : không liên kết với Liên Xô, không liên minh với Hoa Kỳ. Hiện nay, chúng ta có hai cường quốc nổi bật là Trung Quốc và Mỹ. Với tôi, một số nước, có thể trong đó có Việt Nam, tìm cách đi theo con đường thứ ba. Và con đường thứ ba này được Sukarno (Indonesia), Sihanouk (Cam Bốt), từng đi theo.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 23/07/2018

Published in Diễn đàn

Châu Á : Mỹ làm rõ chiến lược mới với Ấn Độ có vai trò quan trọng (RFI, 03/04/2018)

Washington đã đề cập nhiều đến khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương, thay cho khái niệm cũ là Châu Á-Thái Bình Dương, với chủ trương được tuyên bố là thiết lập một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do. Ngày 02/03/2018, chiến lược Châu Á mới của Mỹ đã được làm rõ, với yếu tố nổi bật là vai trò của Ấn Độ được coi trọng.

TAIWAN-USA

Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, Alex Wong (USAweekly)

Phát biểu với báo chí tại Washington, ông Alex Wong, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã giải thích rõ hơn về chiến lược của chính quyền Donald Trump ở khu vực được gọi là Ấn Độ - Thái Bình Dương mà mục tiêu là tạo ra được một vùng " tự do (free) và mở (open)".

Theo nhân vật này, ý nghĩa của thành tố tự do trong chiến lược của Mỹ nằm ở chỗ là Hoa Kỳ muốn các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được tự do theo đuổi con đường mình chọn mà không bị bất cứ một sự ép buộc hay cưỡng bức nào từ một nước khác.

Còn ở cấp độ quốc gia, Mỹ muốn các nước trong vùng ngày càng được tự do hơn, quản trị tốt hơn, bảo đảm các quyền cơ bản của người dân, minh bạch và chống tham nhũng.

Về thành tố mở ở trong chiến lược mới này, ông Alex Wong xác định rõ là Mỹ muốn nói đến các tuyến giao thông trên biển và trên không phải cũng phải được tự do, không bị bất kỳ ngăn trở nào. Các tuyến đường biển là huyết mạch của khu vực, với 50% lượng giao thương quốc tế đi qua Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là qua Biển Đông.

Thành tố kinh tế của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng được quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ nêu bật khi ông khẳng định rằng Washington muốn giúp phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng hội nhập khu vực và tăng trưởng kinh tế. Mỹ cũng muốn một môi trường đầu tư thông thoáng, thương mại công bằng trên cơ sở bên nào cũng có lợi.

Alex Wong đặc biệt giải thích vì sao Mỹ lại dùng khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương thay vì Châu Á - Thái Bình Dương như các chính quyền Mỹ tiền nhiệm. Theo ông, thực tế đang cho thấy là Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng ở Thái Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á.

Chính vì vậy mà việc Ấn Độ gia tăng vai trò trong toàn khu vực mang lại lợi ích cho nơi đây : " Ấn Độ là quốc gia đã hết sức quan tâm đến một trật tự mở và tự do. Ấn Độ là một nền dân chủ có thể trở thành mỏ neo cho trật tự mở và tự do ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Quan chức ngoại giao Mỹ không ngần ngại khẳng định : "Chính sách của Mỹ là bảo đảm sao cho Ấn Độ thực hiện được vai trò đó, và dần dần trở thành một tác nhân có ảnh hưởng lớn hơn trong vùng", điều mà theo ông, đã được thấy gần đây khi thủ tướng Ấn Độ Modi mời các lãnh đạo ASEAN đến New Delhi để củng cố thêm quan hệ.

Đối với người chuyên trách Châu Á tại bộ Ngoại Giao Mỹ, thì chiến lược mới của Mỹ hoàn toàn không nhằm đối phó với Trung Quốc, bởi vì theo ông, bản thân khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã lớn hơn Trung Quốc nhiều, ví dụ như về mặt dân số, các nước ASEAN và Ấn Độ cộng lại đã có 1,8 tỉ dân.

Tóm lại, theo phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Châu Á, sau giai đoạn giới thiệu chính sách Châu Á mới của mình, giờ đây đã đến giai đoạn triển khai chiến lược.

Trọng Nghĩa

******************

Ai nói 'Tứ đại phát minh' là của Trung Quốc ? (BBC, 03/04/2018)

Trung Quốc khẳng định phát minh ra đường tàu cao tốc, thanh toán di động, thương mại điện tử và xe đạp công cộng nhưng thực ra chúng bắt nguồn nhiều thập kỷ trước từ các nước khác.

indo2

Thanh toán di động đã phủ sóng tới các chợ của Trung Quốc. Trong ảnh, một phụ nữ đang thanh toán bằng cách quét mã QR trên điện thoại

Khẳng định : Trung Quốc phát minh ra đường tàu cao tốc, thanh toán di động, thương mại điện tử và xe đạp công cộng.

Thực tế : Trung Quốc không phát minh ra bất cứ công nghệ nào kể trên - nhưng đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai rộng rãi các phát minh này.

Đây là 'bốn phát minh' được nhắc đi nhắc lại trên truyền thông Trung Quốc từ 5/2017.

Nhưng những công nghệ này không bắt nguồn từ Trung Quốc mà được phát minh từ nhiều thập kỷ trước.

Khẳng định này đến từ đâu ?

indo3

Xe đạp công cộng ở Trung Quốc - AFP/GETTY IMAGES

Khẳng định này dường như có xuất xứ từ cuộc khảo sát của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh 5/2017, yêu cầu những người trẻ tuổi đến từ 20 quốc gia liệt kê công nghệ mà họ 'muốn mang về' cho đất nước họ từ Trung Quốc.

Câu trả lời được nhiều người chọn nhất là đường sắt cao tốc, thanh toán di động, xe đạp công cộng và thương mại điện tử.

Kể từ đó, truyền thông và giới chức Trung Quốc đã nỗ lực quảng bá các công nghệ này như 'bốn phát minh vĩ đại mới của Trung Quốc' thời hiện đại.

Tại sao vẫn tiếp tục khẳng định ?

indo4

Lễ kỷ niệm 50 năm tàu cao tốc Shinkansen tại Tokyo năm 2014

Thuật ngữ 'tứ đại phát minh' tương tự như 'bốn phát minh vĩ đại' của Trung Quốc cổ đại - làm giấy, thuốc súng, in và la bàn.

Trung Quốc tập trung vào phát triển công nghệ mới vì muốn trở thành 'quốc gia sáng tạo' vào năm 2020.

"Sau nhiều năm phụ thuộc vào quyền lực tối cao về công nghệ của các nước phát triển ở phương Tây, Trung Quốc đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các công nghệ cốt lõi của riêng mình, vì chỉ làm như vậy mới có thể giành được độc lập và sự tôn trọng từ cả đối tác lẫn đối thủ", Tân Hoa Xã nói.

Trung Quốc là nước có thu nhập lớn thứ hai trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sau Hoa Kỳ, chiếm 21% trong tổng số gần 2000 tỷ đôla vào năm 2015, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Đường sắt cao tốc

indo5

Đơn đặt hàng mua sắm trực tuyến đầu tiên ở Gateshead : Bà Jane Snowball, 72 tuổi, sử dụng TV để đặt bơ thực vật, bắp và trứng từ siêu thị địa phương

Không có định nghĩa chuẩn về 'đường sắt cao tốc'. Liên Hiệp Châu Âu định nghĩa 'tốc độ cao' ít nhất 250km / h trên đường ray mới và 200km / h trên đường ray cũ.

Theo Tổ chức Đường sắt Toàn cầu (UIC), dịch vụ tàu cao tốc đầu tiên bắt đầu vào năm 1964 - tàu Shinkansen cao tốc của Nhật Bản.

Trung Quốc mở đường sắt cao tốc đầu tiên năm 2008, từ Bắc Kinh đến Thiên Tân, ngay trước Thế vận hội Olympic.

Thanh toán di động

Một số thanh toán đầu tiên qua thiết bị di động được thực hiện vào năm 1997 tại Phần Lan, với máy hát tự động và máy bán hàng tự động - bao gồm một máy bán Coca-Cola tại sân bay Helsinki.

Tuy nhiên, một số người cho rằng công nghệ thanh toán di động thật sự bắt đầu khi Apple Pay ra mắt lần đầu năm 2014.

Thương mại điện tử

Michael Aldrich, người Anh, được cho là đã sáng tạo ra khái niệm mua sắm trực tuyến năm 1979.

Sử dụng công nghệ có tên là Videotex, ông Aldrich kết nối một chiếc TV thông thường với máy tính qua đường dây điện thoại.

Nhưng mãi cho đến những năm 1990 thương mại điện tử mới trở nên phổ biến, khi Amazon và eBay ra đời trang web của mình năm 1995.

Xe đạp công cộng

Cuối cùng, khái niệm chia sẻ xe đạp đầu tiên - được gọi là "kế hoạch xe đạp trắng" - được giới thiệu tại Amsterdam vào những năm 1960 bởi phong trào phản văn hóa Provo của Hà Lan.

Các chương trình xe đạp công cộng quy mô lớn đầu tiên bắt đầu vào những năm 1990 ở các thành phố Châu Âu - Copenhagen được cho là thực hiện đầu tiên.

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc như Mobike và Ofo là những người tiên phong trong việc xe đạp công cộng 'không bến đỗ'. Đây là một hệ thống mới giúp người dùng định vị xe đạp bằng điện thoại thông minh và để chúng ở bất cứ đâu mà không cần phải gửi ở bến cụ thể.

'Người chơi chính'

Trung Quốc đã vượt qua các nước khác trong việc áp dụng rộng rãi và thích nghi với tất cả bốn công nghệ.

Trung Quốc hiện có hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới - khoảng 25.000 km - và mục đích mở rộng gấp đôi năm 2030.

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, tổng thanh toán di động nước này trong 10 tháng đầu năm 2017 đạt 12,7 nghìn tỷ đôla, doanh thu lớn nhất thế giới.

Theo thống kê năm 2017 của PricewaterhouseCoopers, với hơn 700 triệu người sử dụng internet, Trung Quốc cũng là thị trường thương mại điện tử lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Tháng 2/2017, thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết, có 400 triệu người đăng ký sử dụng xe đạp công cộng và 23 triệu xe đạp công cộng được sử dụng ở Trung Quốc.

Published in Quốc tế