Tập Cận Bình tái cam kết khai mở kinh tế Trung Quốc, giảm thuế nhập khẩu (VOA, 11/04/2018)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Ba hứa hẹn sẽ khai mở nền kinh tế của nước này hơn nữa và giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm bao gồm xe hơi, trong một bài diễn văn được xem là một nỗ lực nhằm hóa giải tranh cãi thương mại đang leo thang với Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại những cải cách đã được loan báo trước đó trong một bài diễn văn tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2018 ở Bác Ngao, tỉnh Hải Nam ở miền nam Trung Quốc, ngày 10 tháng 4, 2018.
Dù hầu hết những cam kết này nhắc lại những cải cách đã được loan báo trước đó, điều mà các doanh nghiệp nước ngoài than phiền là lẽ ra phải được tiến hành từ lâu, song các phát biểu của ông Tập đã khiến thị trường chứng khóa n và đồng đôla khởi sắc với hy vọng một thỏa hiệp có thể tránh được một cuộc chiến tranh thương mại.
Ông Tập nói Trung Quốc sẽ mở rộng nhanh chóng sự tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, một lời than phiền chính của các đối tác thương mại của Trung Quốc và một điểm tranh cãi cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính quyền đã đe dọa đánh thuế hàng tỉ đôla đối với hàng hóa của Trung Quốc.
Bài diễn văn tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao tại tỉnh Hải Nam ở phía nam đã được nhiều người kỳ vọng là một trong những bài diễn văn quan trọng đầu tiên của ông Tập trong một năm mà Đảng Cộng sản cầm quyền kỷ niệm 40 năm cải cách kinh tế mang tính bước ngoặt và mở cửa dưới thời cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
"Năm nay, chúng tôi sẽ giảm đáng kể thuế nhập khẩu ôtô, và đồng thời giảm thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm khác", ông Tập nói.
Ông cho biết Trung Quốc sẽ nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong ngành ôtô, đóng tàu và máy bay "sớm nhất có thể", và thúc đẩy các biện pháp khai mở ngành tài chính mà đã được loan báo trước đây.
Ông cũng nói "tư tưởng Chiến tranh Lạnh" và thái độ kiêu căng đã lỗi thời và sẽ bị khước từ. Bài diễn văn của ông không nêu đích danh Mỹ hay các chính sách thương mại của Mỹ bị truyền thông nhà nước Trung Quốc đả kích trong những ngày gần đây.
Cam kết mà ông Tập nhắc lại về việc khai mở thị trường xe hơi được đưa ra sau khi ông Trump hôm thứ Hai chỉ trích Trung Quốc trên Twitter về việc duy trì thuế nhập khẩu 25 phần trăm đối với xe hơi so với mức thuế 2,5 phần trăm của Mỹ, gọi mối quan hệ này với Trung Quốc không phải là thương mại tự do mà là "thương mại ngu xuẩn".
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào của Trung Quốc về xe hơi, dù đáng hoan nghênh, sẽ là một chiến thắng tương đối dễ dàng mà Trung Quốc có thể dành cho Mỹ, vì kế hoạch khai mở ngành đó đã bắt đầu từ trước khi ông Trump nhậm chức khá lâu.
Tuy nhiên Phó Bộ trưởng thương mại Tiền Khắc Minh phát biểu tại diễn đàn hôm thứ Ba rằng những cải cách kinh tế của Trung Quốc là do các yếu tố trong nước thúc đẩy chứ không phải do áp lực bên ngoài.
Quyết định của ông Trump hồi tuần trước đe dọa áp thuế lên 50 tỉ đôla hàng hóa của Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh phải giải quyết điều mà Washington nói là tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ vốn thâm căn cố đế ở Trung Quốc, và việc Trung Quốc bắt ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.
Các quan chức Trung Quốc cáo buộc Washington là nước gây hấn và khuyến khích chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch toàn cầu, dù các đối tác thương mại của Trung Quốc từ nhiều năm qua than phiền rằng nước này lạm dụng những qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới và thi hành những chính sách thương mại bất công nhằm ngăn các công ty nước ngoài tiếp cận các lĩnh vực trọng yếu của nước này để tạo điều kiện cho các công ty trong nước phát triển.
************************
Trung Quốc sẽ cho đầu tư thêm vào lĩnh vực tài chính (RFA, 11/04/2018)
Trung Quốc sẽ cho phép các công ty tài chính trong và ngoài nước cạnh tranh bình đẳng ; đồng thời mở rộng phạm vi kinh doanh cho các ngân hàng nước ngoài.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc tại Bắc Kinh vào Chủ Nhật, ngày 25 tháng 3 năm 2018. AP
Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, ông Dịch Cương, phát biểu như vừa nêu tại diễn đàn thường niên Bác Ngao đang diễn ra ở Hải Nam. Ông này nêu rõ là đến thời điểm cuối năm nay Trung Quốc sẽ cho phép giới đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực ủy thác, cho thuê tài chính.
Bắc Kinh cũng sẽ không qui định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty quản lý tài sản.
Ngoài ra Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cũng cho biết hầu hết những biện pháp mở cửa lĩnh vực tài chính sẽ được thực hiện vào cuối tháng sáu tới đây ; tuy nhiên vị này không nói cụ thể đó là những biện pháp gì.
Thông báo của ông Dịch Cương được đưa ra sau khi vừa qua chính phủ Bắc Kinh cũng có những cam kết mở cửa ngành tài chính ; cũng như vào khi căng thẳng mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra.
Dịp này Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cũng kêu gọi Washington nên giải quyết các vấn đề mậu dịch một cách hợp lý.
Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có phá giá đồng Nhân Dân Tệ nhằm đối phó với biểu thuế mới của Hoa Kỳ áp lên một số mặt hàng của Trung Quốc hay không, thì ông Dịch Cương trả lời rằng cơ chế ngoại hối do thị trường quyết định và vận hành theo cách đó nhưng không hề nói thẳng là Bắc Kinh sẽ cho phá giá đồng tiền của Hoa Lục hay không.
Theo lời của ông Dịch Cương thì sai biệt về lãi suất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn nằm trong phạm vị không có gì đáng lo ngại ; và Bắc Kinh đã sẵn sàng cho bình thường hóa chính sách tiền tệ quốc tế.
*******************
Hoa Kỳ cáo buộc các công ty Trung Quốc tráo xuất xứ hàng hóa (RFA, 11/04/2018)
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cáo buộc các công ty Việt Nam giúp chuyển các mặt hàng kim loại cho Trung Quốc ; tuy nhiên các công ty trong nước lập luận đó là thương mại toàn cầu.
Công nhân làm việc tại một nhà máy thép ở Hải Dương, Hà Nội. Reuters
Tờ Wall Street Journal hôm 10 tháng loan tin tại một khu biển gần Thành phố Hồ Chí Minh, hàng chục nhà máy vận hành theo mô hình kinh doanh đơn giản là nhập khẩu thép từ Trung Quốc, mạ điện, gia cố và sau đó xuất đi, thường là sang Mỹ với giá thấp hơn sản phẩm của các nhà sản xuất Mỹ.
Cũng theo tờ Wall Street Journal, chỉ trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, một số công ty Việt Nam đã sử dụng biện pháp này để làm cho Việt Nam trở thành một trong những nhà cung cấp thép phát triển nhanh nhất vào nước Mỹ. Hiện thép xuất từ Việt Nam vào Mỹ chiếm tỷ lệ khoảng 2% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ.
Phản ứng của các công ty, từ Hà Nội cũng như Bắc Kinh, cho rằng họ đang tuân thủ đúng các quy tắc cuộc chơi thương mại toàn cầu, mua nguyên liệu thô rẻ nhất, biến chúng thành những sản phẩm cao cấp hơn và bán chúng cho những người mua chào giá cao nhất.
Tuy nhiên, các quan chức thương mại Hoa Kỳ nói rằng các công ty và nhà cung cấp Trung Quốc đang phạm luật thông qua biện pháp chuyển hàng qua nước khác để tráo xuất xứ một cách bất hợp pháp.
Theo số liệu do Wall Street Journal đưa ra, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đã đưa 1,2 triệu tấn thép vào Mỹ năm ngóa i.
*******************
Trung Quốc khiếu nại Mỹ lên WTO về thuế nhôm thép (VOA, 11/04/2018)
Trung Quốc đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới về việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu lên thép và nhôm, Reuters dẫn nguồn cơ quan thương mại thế giới cho biết hôm 10/4.
Thép ống đang chờ vận chuyển ra cảng ở Trung Quốc.
Tranh chấp thuế quan là một phần của cuộc tranh chấp thương mại lớn giữa Tổng thống Trump và chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Trump còn đe dọa tăng thuế lên 50 tỷ đôla hàng hóa của Trung Quốc trong một cuộc xung đột khác về chính sách công nghệ.
Theo WTO, Trung Quốc đã yêu cầu 60 ngày tham vấn với Mỹ về tranh chấp thép và nhôm. Nếu thất bại, bước tiếp theo có thể là Bắc Kinh sẽ yêu cầu một phán quyết từ một hội đồng chuyên gia thương mại.
Bắc Kinh nói quyết định của ông Trump áp thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm là vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.
Thép và nhôm nằm trong số các ngành công nghiệp của Trung Quốc có cung vượt quá cầu. Các đối tác thương mại của Trung Quốc than phiền rằng các nhà máy của nước này đang xuất khẩu vượt mức cầu và bán sản phẩm ra với giá rẻ một cách phi lý, đe dọa đến công ăn việc làm ở Hoa Kỳ và Châu Âu.
Hoa Kỳ đã mua số lượng ít thép và nhôm của Trung Quốc sau khi tăng thuế quan trước đó để bù lại những gì mà Washington nói là Bắc Kinh trợ giá không chính đáng cho các nhà sản xuất của họ. Nhưng các nhà kinh tế nói Bắc Kinh phản ứng để cho thấy nước này sẽ tự vệ.
Ngày 23/3, chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra một danh mục hàng hóa của Mỹ, bao gồm thịt lợn, táo và ống thép, có thể sẽ là mục tiêu trả đũa nếu ông Trump không thương lượng giải quyết tranh chấp về thuế nhôm thép.