An ninh mạng : Hoa Vi đáng để EU phải lo ngại (RFI, 08/12/2018)
Sau vụ bắt giữ nữ giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc, Hoa Vi, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu phụ trách công nghệ số ngày 07/12/2018, báo động nguy cơ an ninh mạng tại Châu Âu liên quan đến những sản phẩm của Hoa Vi cũng như của các công ty Trung Quốc khác.
Quảng cáo công nghệ 5G của Hoa Vi (Huawei) tại triển lãm PT, Bắc Kinh, ngày 26/09/2018. Reuters/Stringer
Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Pierre Bénazet tường thuật :
"Ủy Ban Châu Âu cho rằng việc sử dụng điện thoại và máy tính do Hoa Vi chế tạo hẳn là có thể khiến người tiêu dùng Châu Âu gặp phải rủi ro về an toàn. Đó cũng là ý kiến của ông Andrus Ansip, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.
Theo ủy viên phụ trách thị trường kỹ thuật số này, các thiết bị đó được sử dụng như là một con ngựa thành Troie cho các gián điệp. Andrus Ansip nhắc đến ví dụ như các cổng hậu của phần mềm. Những cổng đó cho phép xâm nhập vào trong toàn bộ các dữ liệu của một thiết bị qua chương trình bí mật cài đặt trong các phần mềm.
Ông nói : "Chúng ta có nên lo lắng về vấn đề của Hoa Vi hay của các công ty Trung Quốc khác ? Có, tôi nghĩ là chúng ta nên lo lắng vì các công ty đó bị buộc cộng tác với các cơ quan tình báo. Tôi luôn phản đối các cổng sau bắt buộc hay cài xen các loại chíp để lấy bí mật của chúng ta chẳng hạn.
Đó không phải là tín hiệu tốt khi các công ty buộc phải mở hệ thống của mình cho các cơ quan mật vụ. Là những người bình thường, tất nhiên chúng ta phải sợ điều đó".
Báo động về an toàn mạng gửi đến người tiêu dùng Châu Âu như vậy có khả năng gây tổn hại đến hình ảnh thương mại của Hoa Vi, cũng như vụ bắt giữ nữ giám đốc tài chính của hãng tại Canada".
Anh Vũ
**********************
Hoa Kỳ cáo buộc phó chủ tịch Hoa Vi "gian lận" (RFI, 08/12/2018)
Hôm 07/12/2018, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi ra trình diện trước tòa án Vancouver. Bà bị bắt giữ tại Vancouver hôm thứ Bảy 01/12/2018 theo yêu cầu của phía Mỹ. Vụ việc đang làm cho quan hệ Trung Quốc và Canada trở nên căng thẳng.
Giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu. Reuters/Huawei/Handout
Theo giải thích của thông tín viên đài RFI, Pascale Guéricolas tại Québec, Hoa Kỳ cáo buộc giám đốc tài chính Hoa Vi tội "gian lận".
"Theo các thông tin được tiết lộ từ tòa án, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Hoa Vi dường như đã thông qua một chi nhánh là Skycom để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran trong vòng 5 năm. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đã đề nghị đồng minh, quốc gia láng giềng phía Bắc bắt giữ và đòi dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu.
Theo nhiều nhà phân tích, một vụ bắt giữ như thế tại một nước thứ ba là không bình thường, bởi vì thông thường chỉ có những tay trùm buôn ma túy hay buôn vũ khí mới là đối tượng của kiểu quy trình này. Thủ tướng Canada giờ đang trong thế khó xử. Quả thật, phe đối lập chỉ trích ông không bảo vệ được Canada trước các sản phẩm viễn thông do Hoa Vi sản xuất.
Các đồng minh của Canada như Mỹ, Úc, New Zealand cáo buộc doanh nghiệp rất gần gũi với chính quyền Trung Quốc này có hoạt động dọ thám mạng. Hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc hiện cung cấp một công nghệ mới, mạng 5G, mà vấn đề an ninh dường như có nhiều khe hỡ".
RFI tiếng Việt
*******************
Chính phủ Nhật Bản sẽ ngừng mua thiết bị của Huawei, ZTE (VOA, 08/12/2018)
Các công ty công nghệ Trung Quốc đang bị Washington và một số nước đồng minh lớn săm soi về các mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc, xuất phát từ lo ngại rằng họ có thể được Bắc Kinh sử dụng để do thám.
Nhật Bản dự định cấm mua các thiết bị cho chính phủ từ công ty Huawei Technologies của Trung Quốc và Tập đoàn ZTE để tăng cường phòng vệ chống lại những vụ rò rỉ tình báo và các vụ tấn công mạng, các nguồn tin nói với Reuters.
Một lệnh cấm đối với chính phủ ở Nhật Bản sẽ được ban hành sau khi Huawei không được phép vào thị trường Mỹ và sau khi Úc và New Zealand ngăn cản họ xây dựng các mạng lưới 5G. Huawei đã nhiều lần khẳng định rằng họ không chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
Báo Yomiuri, cơ quan thông tấn đầu tiên loan tin về lệnh cấm được hoạch định này của Nhật Bản trước đó trong ngày thứ Sáu, cho biết chính phủ dự kiến sẽ sửa đổi các quy định nội bộ của mình về mua sắm trang thiết bị vào sớm nhất là ngày thứ Hai.
Chính phủ không định nêu đích danh Huawei và ZTE trong những quy định được sửa đổi, nhưng sẽ ban hành các biện pháp nhằm tăng cường an ninh áp dụng cho các công ty này, Reuters dẫn lời một người biết trực tiếp và một người được báo cáo về vấn đề này cho hay.
Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga, từ chối bình luận. Nhưng ông lưu ý rằng nước này liên lạc chặt chẽ với Mỹ về nhiều lĩnh vực, bao gồm cả an ninh mạng.
"An ninh mạng đang trở thành một vấn đề quan trọng ở Nhật Bản", ông nói trong một cuộc họp báo thường kì. "Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau".
Reuters nói ZTE từ chối bình luận. Huawei không bình luận ngay tức thì.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ "lo ngại thực sự" về các bản tin.
Bản chất của hợp tác kinh doanh và kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản là đôi bên cùng có lợi, và cả hai công ty này đã hoạt động hợp pháp tại Nhật Bản trong một thời gian dài, ông nói trong một cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh.
"Chúng tôi hi vọng phía Nhật Bản có thể cung cấp một môi trường cạnh tranh công bằng cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại Nhật Bản và không làm bất cứ điều gì gây tổn hại hợp tác song phương và sự tin tưởng lẫn nhau", ông nói.
*******************
Marriott : Dấu ấn tin tặc Trung Quốc trong vụ đánh cắp dữ liệu (RFI, 07/12/2018)
Các tin tặc thâm nhập vào kho dữ liệu khách hàng của chuỗi khách sạn Starwood, thuộc tập đoàn Mỹ Marriott International, đã để lại một số dấu vết cho thấy khả năng họ làm việc cho chương trình thu thập thông tin của chính phủ Trung Quốc.
Khách sạn W, nằm trong chuỗi khách sạn Starwood, Luân Đôn, Anh (Ảnh chụp ngày 04/03/2014) Reuters/Toby Melville/File Photo
Hãng tin Anh Reuters vào hôm qua, 06/12/2018, trích dẫn nguồn tin thông thạo hồ sơ, cho biết, trong tuần qua, Marriott đã thông báo vụ tin tặc, từ 4 năm nay, đã thâm nhập được vào kho dữ liệu và đánh cắp thông tin liên quan đến 500 triệu khách hàng của Starwood.
Ba nguồn tin xin ẩn danh, cho biết là các nhà điều tra tư nhân đã khám phá những công cụ, kỹ thuật, cũng như cách thức thâm nhập đã từng thấy trước đây trong các vụ tấn công được cho là do tin tặc Trung Quốc tiến hành.
Cho dù Trung Quốc bị xem là kẻ tình nghi hàng đầu trong hồ sơ này, nhưng các nhà điều tra xác định rằng họ phải thận trọng, vì thủ phạm có thể là người khác, do các công cụ cũng như cách thức thâm nhập đã từng được đưa công khai lên mạng.
Bên cạnh đó, việc nhận diện thủ phạm vụ đánh cắp cũng phức tạp, vì nhiều nhóm có thể cùng một lúc tấn công vào hệ thống của Marriott từ năm 2014.
Riêng bộ Ngoại Giao Trung Quốc thì đã lên tiếng phủ nhận mọi trách nhiệm, khẳng định rằng Bắc Kinh "chống mọi hình thức tin tặc, và có biện pháp trừng trị theo luật pháp".
Mai Vân