Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị cảnh sát Liên bang Đức liệt vào hạng nguy hiểm như khủng bố ?
– Có ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
– Vụ việc dẫn độ này đã xảy ra cách đây hơn 4 tháng, trước đây hoàn toàn không có một hình ảnh nào được phổ biến, nay đúng vào lúc phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam sắp sửa bắt đầu thì bỗng nhiên xuất hiện những ảnh chụp dẫn độ nghi can Nguyễn Hải Long dưới sự canh phòng cực kỳ cẩn mật của đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" của Đức.
Ảnh chụp trang nhất tờ Oberpfälzischer Netz trong số báo cuối tuần 05 – 07/01/2018
Tờ nhật báo Đức Oberpfälzischer Netz trong số báo cuối tuần 05 – 07/01/2018 đã đăng nguyên trang báo bài tường thuật về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt trong đó có đăng những hình ảnh nghi can Nguyễn Hải Long bị dẫn độ về Đức dưới sự canh phòng cực kỳ cẩn mật của đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" của Đức.
Sau đây là những chi tiết trong bài báo mà đề cập đến nghi can Nguyễn Hải Long.
Hồi 12/08/2017 nghi can Nguyễn Hải Long, chủ văn phòng chuyển tiền MoneyGram tại chợ Sapa Cộng hòa Séc, đã bị cảnh sát Cộng hòa Séc bắt ở thủ đô Prag. Theo điều tra của cảnh sát, Nguyễn Hải Long là người đứng ra thuê mướn ở Prag chiếc xe 7 chỗ ngồi, hiệu Multivan VW (Volkswagen) của Đức, trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 24/07/2017 và đã đích thân lái chiếc xe đến Berlin trong ngày đầu tiên thuê mướn. Vào ngày 23/07/2017 chiếc xe này được đội mật vụ đến từ Việt Nam sử dụng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.
Mười một ngày sau khi bị cảnh sát Cộng hòa Séc bắt, nghi can Nguyễn Hải Long, 46 tuổi, đã bị dẫn độ từ Prag về nước Đức vào ngày 23/08/2017.
Trong bài báo cũng có mô tả việc dẫn độ nghi can Nguyễn Hải Long từ Prag về Đức.
Phía Đức và Cộng hòa Séc thỏa thuận với nhau địa điểm bàn giao nghi can Nguyễn Hải Long là ngôi làng Waidhaus của Đức, nằm sát biên giới Đức- Cộng hòa Séc.
Làng Waidhaus, nơi cảnh sát Cộng hòa Séc bàn giao nghi can Nguyễn Hải Long cho cảnh sát Đức
Việc dẫn độ được thực hiện theo các biện pháp bảo vệ an ninh cao nhất và với sự hỗ trợ của đơn vị đặc nhiệm "BFE +" (tên gọi của lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố, chuyên bắt giữ và bảo vệ nhân chứng của Cảnh sát
Đầu tiên chiếc trực thăng chuyên dụng "Super-Pumas" của Cảnh sát Liên bang Đức đáp xuống một bãi cỏ gần đồn Cảnh sát Liên bang Đức ở làng Weidhaus. Từ phía Cộng hòa Séc, những chiếc ô tô của cảnh sát Cộng hòa Séc áp tải nghi can Nguyễn Hải Long từ Prag tiến đến. Nghi can này đã được bàn giao tại đồn Cảnh sát Liên bang Đức ở đường Vohenstrauss.
Đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" đưa nghi can Nguyễn Hải Long vào đồn Cảnh sát Đức
Sau khi làm xong thủ tục bàn giao, các thành viên của đội đặc nhiệm "BFE +" đã đưa nghi can ra chiếc trực thăng chuyên dụng „Super Puma" trên một bãi cỏ gần đó để chở về giam trong nhà tù Berlin. Những nhân viên chống khủng bố này được trang bị súng ống hạng nặng và mặc áo giáp chống đạn. Nghi can Nguyễn Hải Long cũng được cho mặc áo giáp để đề phòng bị ám sát diệt khẩu.
Đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" áp tải nghi can Nguyễn Hải Long lên trực thăng
Vụ việc dẫn độ này đã xảy ra cách đây hơn 4 tháng, trước đây hoàn toàn không có một hình ảnh nào được phổ biến, nay đúng vào lúc phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam sắp sửa bắt đầu thì bỗng nhiên xuất hiện những ảnh chụp dẫn độ nghi can Nguyễn Hải Long dưới sự canh phòng cực kỳ cẩn mật của đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" của Đức. Điểm đáng lưu ý, tất cả những ảnh chụp trên đều được chú thích rõ là của Cảnh sát Liên bang Đức.
Có ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Đặc biệt bài báo kể rõ, nhờ hệ thống định vị GPS gắn trên xe VW-Multivan do nghi can Nguyễn Hải Long thuê mướn (trong ngày xảy ra vụ bắt cóc, nghi can Nguyễn Hải Long không có mặt ở Berlin, mà ở Prag) nên cảnh sát điều tra biết được chính xác lộ trình của xe và xác định được hành trình di chuyển đúng từng giây. Theo điều tra của cảnh sát, ngay sau khi bị bắt cóc, chiếc xe đã chở Trịnh Xuân Thanh và cô tình nhân Đỗ Minh Phương (26 tuổi, trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cô bị dùng để "chim mồi") từ công viên Vườn Thú (Tiergarten) về Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và chiếc xe bắt cóc VW-Multivan màu xám bạc đã đổ xe trong sân suốt 5 tiếng đồng hồ.
Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy vụ bắt cóc này là do mật vụ Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức từ đầu đến cuối. Có ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trong số đó 2 người đã bị Bộ Ngoại giao Đức trục xuất về Việt Nam.
Người thứ nhất bị trục xuất là Đại tá tình báo Nguyễn Đức Thoa. Qua hình ảnh thu được từ những máy quay phim giám sát của khách sạn "Sylter Hof" thì thấy Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin là đại tá Nguyễn Đức Thoa, đại diện của tình báo Việt Nam tại Đức đã đến khách sạn gặp nhóm đặc vụ bắt cóc. Ngoài ra chính Đại tá Nguyễn Đức Thoa là người đứng ra đặt phòng khách sạn này. Với những bằng chứng đó, sau này phía Đức đã trục xuất đại tá Nguyễn Đức Thoa về Việt Nam.
Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam Nguyễn Đức Thoa, đại tá tình báo, đại diện của tình báo Việt Nam tại Đức
Trong thời gian nhốt Trịnh Xuân Thanh ở Đại sứ quán, lúc đó một cô nhân viên của đại sứ quán đã gọi điện thoại đến một công ty du lịch ở Berlin và đặt mua 3 vé máy bay về Việt Nam cho buổi tối cùng ngày 23/07/2017. Đây là hãng máy bay Trung Quốc, máy bay cất cánh từ sân bay Tegel ở Berlin lúc 19 giờ 40 bay về Hà Nội ngang qua Bắc Kinh và Soul (thủ đô Nam Hàn).
Hai tiếng đồng hồ trước khi máy bay cất cánh, Đại sứ quán đã cử người đến dọn phòng khách sạn Sheraton, nơi Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Minh Phương trú ngụ. Người được cử đi dọn phòng là một nam nhân viên cấp cao, Bí thứ thứ nhất, phụ trách về bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Đức tại Berlin.
Bí thứ thứ nhất này đã dùng xe công vụ của Đại sứ quán đến đón một người phụ việc (một người đàn ông) để cùng đi dọn phòng. Người này nhận được một tờ giấy Ủy nhiệm được ký bởi một nữ nhân viên cấp cao, phụ trách về bộ phận chính trị của Đại sứ quán Đức tại Berlin.
Sau đó lúc 19 giờ 40, trên máy bay ngoài cô Đỗ Minh Phương còn có 2 người đi kèm theo, áp tải cô về Việt Nam. Một trong 2 người là nam nhân viên phụ trách về công việc hành chính cho Đại sứ quán. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhân viên này đã trở lại Berlin làm việc như cũ. Có lẽ đó là người thứ hai của Đại sứ quán đã bị phía Đức trục xuất về Việt Nam.
Cho đến nay 2 người trong số ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đã bị trục xuất về nước. Không biết trong thời gian tới số phận của 3 nhân viên Đại sứ quán còn lại sẽ ra sao ? Và phía Đức còn tiếp tục phát hiện ra những nhân viên nào khác nữa hay không ?
Linh Quang
Nguồn : Tiếng Dân, 07/01/2018
Vụ án Trịnh Xuân Thanh sẽ giải quyết ra sao ? Đây là điều nhức đầu nhất hiện nay của Bộ Chính trị và chế độ độc đảng quen ngồi trên luật pháp.
Trịnh Xuân Thanh trên VTV.
Vụ án trở nên gay gắt, cấp bách, phức tạp vì dính đến quan hệ với Cộng hòa liên bang Đức, cường quốc hàng đầu trong khối Liên Âu có 27 nước thành viên.
Việt Nam bỗng phải đối đầu về mặt pháp lý quốc tế với một cường quốc phương Tây trong một vi phạm nghiêm trọng quả tang dùng bạo lực phi pháp trong một quốc gia có chủ quyền, xong lại không chịu nhận lỗi, do đó có thể bị trừng phạt nặng nề.
Bộ Chính trị hiện có 3 lựa chọn : thứ nhất là "kiên định nói dối", một mực phủ định lập luận của phía Cộng hòa liên bang Đức là Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, khẳng định Thanh tự về đầu thú, bất chấp những bằng chứng, hình ảnh quá rõ. Kiểu lỳ lợm, cù cưa, lý sự cùn quen thuộc lần này khó có tác dụng với thế giới dân chủ văn minh. Sẽ bị ăn đòn tới tấp không kịp đỡ, cả về chính trị, kinh tế, tư pháp… Sẽ là tự dẫn mình vào bãi lầy bi đát nhất.
Hai là "thành khẩn nhận tội" với Cộng hòa liên bang Đức, với nhân dân, đã có hành động bạo lực phi pháp, bắt cóc trên đất Đức, trao trả lại Trịnh Xuân Thanh cho Cộng hòa liên bang Đức như họ yêu cầu, xin lỗi về hành động phi pháp này, hứa sẽ xử lý kẻ phạm tội một cách nghiêm minh theo luật pháp và kỷ luật. Điều này rất khó vì cái "bệnh sĩ" hơi bị nặng trong cơ quan lãnh đạo cộng sản. Nền văn hóa nhận tội và xin lỗi không có mặt trong phong cách ứng xử cộng sản. Vả lại nhận Trịnh Xuân Thanh, phía Đức chỉ vớ được thêm một nhân vật cồng kềnh khó xử.
Mới đây Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Xuân Phú có một bài viết dài hơn 10 trang nghiên cứu khá công phu về giải pháp cho vụ án nóng bỏng này. Giáo sư Phú là nhà toán học kiệt xuất, lãnh đạo Viện Toán học Việt Nam, cũng là nhà báo lão luyện, là Tổng biên tập tập san Toán Học ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp với đẳng cấp cao nhất tại Cộng hòa liên bang Đức, thành viên Viện Hàn lâm Toán học Đức và thành viên Liên đoàn Toán học quốc tế.
Trong bài báo dài được phổ biến khá rộng trên các mạng Chuyển Hóa, Thông Luận, Tiếng Dân "Những điều cần trao đổi nhân vụ án Trịnh Xuân Thanh", Giáo sư Phú mở rộng đề tài, phân tích sâu các đạo luật của Cộng hòa liên bang Đức liên quan đến dẫn độ, xử án, án hình sự, kinh tế và án chính trị, đến sự kiểm soát quyền lực ứng vào vụ án này. Cuối cùng ông nhận xét rằng phía Việt Nam có vẻ lựa chọn giải pháp "kiên định lừa dối", lý sự cùn rất nguy hiểm.
Ông cũng cho rằng phía Việt Nam thiếu dũng khí để dám chọn giải pháp "thành khẩn nhận tội" tuy rằng đó là lối thoát danh dự, khôn ngoan, gọn ghẽ để sửa mình, đổi mới thật sự, tận gốc nền tư pháp độc đảng.
Do đó nhà toán học đề ra biện pháp mà ông cho rằng tối ưu hiện nay là giải pháp thứ 3, giải pháp "win – win", hai bên cùng thắng, hai bên có thể chấp nhận.
Theo giải pháp này, phía Việt Nam thương lượng với phía Cộng hòa liên bang Đức, nhận sai lầm và xin lỗi về vụ bắt cóc, hứa trừng phạt kẻ làm sai, nhưng yêu cầu được giữ Trịnh Xuân Thanh lại trong nước để xét xử, với thỏa thuận cam kết sẽ có mặt đại diện Cộng hòa liên bang Đức, các luật gia Đức, các luật sư riêng người Đức đang bảo vệ Trịnh Xuân Thanh khi xử án. Hai bên cùng thắng, có nghĩa là có mặc cả, nhân nhượng nhau để đi đến thỏa thuận, vui vẻ cả.
Phía Việt Nam thắng ở chỗ giữ được Thanh ở trong nước, không phải thả hổ về rừng, phía Cộng hòa liên bang Đức thắng khi đòi được chứng kiến các vụ xử án công bằng, theo luật, buộc phía Việt Nam phải vào khuôn phép, không được tùy tiện xử án như xưa nay.
Đây là lối ra khỏi bế tắc không phải chỉ có 2 bên – Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức – cùng thắng, mà nhân dân Việt Nam sẽ là bên thắng to nhất. Từ nay sẽ không còn có thể có những phiên xử tàn nhẫn như kết án 10 năm tù cô gái yêu nước kiên cường Mẹ Nấm - Như Quỳnh có mẹ già con dại, kết án 9 năm tù cô Nguyễn Thị Thúy 9 năm tù, như kết án nhà kinh doanh Trịnh Vĩnh Bình 11 năm tù và cướp đoạt hết tài sản.
Rất nên mời nhà toán học Hoàng Xuân Phú về Phủ Thủ tướng làm cố vấn chính trị và tư pháp, hoặc về làm quân sư cho ông Tổng Trọng, thì thật là may mắn hạnh phúc cho đất nước và nhân dân.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 29/08/2017
Giữa thời điểm tình hình thế giới biến động từ Trung Đông tới Bản đảo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump băn khoăn về cam kết của Washington với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dường như Đức có nhiều lý do để cảm thấy không an toàn. Tuy nhiên liệu Đức có trở thành một cường quốc quân sự hay không vẫn là một dấu hỏi lớn ?
Quân đội Đức đã được điều động đến nhiều địa điểm từ Lithuania (Litva) tới Afghanistan và Mali. Bên cạnh đó Thủ tướng Merkel cam kết tăng ngân sách quốc phòng cho nước này. Tuy nhiên có một vấn đề cơ bản đó là hầu hết người dân Đức cảm thấy miễn cưỡng để đi theo con đường này.
Hải quân Đức hiện tham gia vào liên minh chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria
Việc triển khai binh sĩ Đức ra nước ngoài bị hạn chế khá nhiều bởi luật và quốc hội của nước này. Trên tất cả, những thái độ này được định hình từ cái bóng của lịch sử.
BBC (Anh) cho biết người dân Đức rất nhạy cảm với quá khứ nhiều tội ác liên quan tới Phát xít. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, có rất nhiều tranh cãi về việc liệu Đức có nên duy trì lực lượng vũ trang hay không.
Vào thời kỳ còn tồn tại Đông Đức và Tây Đức, đã có sự khác biệt. Đông Đức lập ra quân đội nhân dân trong khi đó Tây Đức tạo ra Bundeswehr để phòng vệ cho lãnh thổ này và những người được tuyển dụng sẽ chỉ coi họ là "công dân mặc đồng phục".
BBC dẫn lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Franz Josef Jung nhận định rằng "người dân Đức có quan điểm được hình thành bởi chủ nghĩa phản chiến". Ông Josef Jung cho rằng Đức cần phải có chính sách mới để "vượt qua thách thức an ninh ở trong và ngoài nước".
Sau khi nước Đức tái thống nhất vào năm 1990, Berlin đã có lần đầu tiên cử quân đội ra nước ngoài. Nhưng vào năm 2009 xuất hiện cáo buộc về việc giấu giếm cuộc không kích tại Afghanistan khiến người dân thường thiệt mạng dẫn đến hậu quả là ông Jung buộc phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Ý tưởng về quân đội nhân dân tại Đức đã gặp nhiều khó khăn. Đức đã loại bỏ chế độ nhập ngũ bắt buộc và thay vào đó tập trung vào lực lượng chuyên nghiệp quy mô nhỏ.
Gần 1.000 binh sĩ Bundeswehr hiện đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Mali.
Ông Bethold Kohler làm việc tại tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung nhận xét rằng việc Tổng thống Mỹ Trump vào tháng 1 vừa qua nói với tờ Bild (Đức) rằng NATO đã lỗi thời và ông này còn tỏ ra băn khoăn về an ninh tập thể, thực sự đã gây bất ngờ lớn cho Đức. "Không một ai có thể tưởng tượng rằng một Tổng thống Mỹ sẽ nói ra những điều như vậy", ông Zeitung bổ sung.
Ông Zeitung cũng bày tỏ quan điểm riêng rằng nước Đức cần sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng nước này. Ông này bên cạnh đó thừa nhận rằng sau hàng thập niên sống yên ổn dưới sự che chắn của Mỹ và NATO thì rất ít người Đức muốn điều đó.
Hiện nay Đức chi khoảng 1,2% GDP cho quốc phòng và nước này sẽ không làm theo kêu gọi của Tổng thống Trump tăng chi tiêu. Tuy nhiên việc tiết kiệm đôi khi cũng gây ra những tình huống ngượng ngùng như trong cuộc tập trận của NATO năm 2014 nhiều xe tăng của Bundeswehr (lực lượng vũ trang Cộng hòa liên bang Đức) đã được lắp thêm gậy sơn màu đen giả làm súng máy để che lấp đi sự thiếu thốn vũ khí của họ.
BBC dẫn lời một nhân vật quen biết Thủ tướng Merkel cho biết nữ lãnh đạo này hy vọng về "quân đội Đức hùng mạnh có thể đảm nhận trách nhiệm quốc tế" tuy nhiên khó khăn hiện nay là từ quan điểm khác biệt của người dân Đức.
Có lẽ Đức sẽ nỗ lực trở thành quyền lực quốc tế mà không cần nhiều cố gắng quân sự đặc biệt.
Hà Linh