Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nước Pháp năm nay long trọng kỷ niệm 80 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên Normandie (Bắc Pháp) mở mặt trận thứ hai dẫn đến sự vỡ trận của quân đội Đức ở phía tây.

tuyentruyen1

Nước Pháp năm nay long trọng kỷ niệm 80 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên Normandie

Đây thực sự là một lễ kỷ niệm quốc tế với sự tham gia của tất cả các nguyên thủ các nước lớn : Anh Pháp, Mỹ, Đức… tổng cộng trên 20 người. Điểm đặc biệt về các nguyên thủ là Putin không được mời. Thay vào đó là tổng thống Ukraine, Zelensky.

Nhưng các khách mời đặc biệt nhất, danh giá nhất là vài chục cựu chiến binh trực tiếp tham gia đổ bộ với tuổi đời gần hoặc trên 100. Trong số các cụ này có cụ Harold Terens 100 tuổi, người Mỹ, đã làm lễ cưới tại chỗ với cụ bà Jeanne Swerlin 96 tuổi. Hai cụ vẫn đi lại nói cười bình thường và rất hạnh phúc. Cụ ông còn nói : "Đây là khoảnh khắc đẹp nhất của đời tôi trong 100 năm trên trái đất", "Tôi trở lại đây cũng để mời 9.836 những người bạn chiến binh đã hy sinh và nằm tại bãi biển Omaha Beach dự đám cưới của tôi. Tôi tin tâm linh. Tất cả họ đều chấp nhận lời mời của tôi. Điều đó làm cho tôi rất hạnh phúc".

tuyentruyen2

Cụ Harold Terens 100 tuổi, người Mỹ, đã làm lễ cưới tại chỗ với cụ bà Jeanne Swerlin, 96 tuổi.

Lịch sử nhân loại chưa từng có và sẽ không có nữa một cuộc động quân khủng khiếp như vậy qua biển để đổ bộ lên đất liền. Trước khi đổ bộ, tại nước Anh đã tập trung một lực lượng khổng lồ binh lính (3 triệu) và các phương tiện chiến tranh. Cuộc đổ bộ này đã phá vỡ nhiều kỷ lục trong quân bị :

- Một chiến dịch vĩ đại nhất trên biển. Riêng trong ngày 06/06/1944, 156.000 lính đã đổ bộ lên bãi biển Normandie. Số lượng tầu thủy để chuyên chở binh lính và vũ khí là trên 7.000, trong đó có 1.200 tầu chiến.

- Chiến dịch đã huy động 11.000 máy bay để chuyên chở lính dù, vũ khí và ném bom.

- Tạo cảng nhân tạo không lồ (cảng Mulberry) và cầu nổi lớn để thuận lợi cho việc vận chuyển.

- Chiến dịch làm tin giả là một chiến dịch khổng lồ nhất để đánh lạc hướng quân Đức. Quân Đức đã biết từ lâu là sẽ có đổ bộ nhưng đã hoàn toàn bị đánh lạc hướng.

- Số lượng binh sĩ tử trận, mất tích hay bị thương trong ngày này cũng là con số khủng khiếp, khoảng 10.000 người. Trong đó số binh sĩ chết của 3 nước chính là :

- Mỹ : 2.501

- Anh : 1641

- Canada : 381.

Cho đến ngày kết thúc chiến tranh, khoảng 2,5 triệu quân đã đổ bộ lên Normandie.

Nhân tiện tôi cũng cung cấp về số lượng thiệt hại của quân đồng minh kể từ ngày đổ bộ đến ngày kết thúc chiến tranh :

Quốc tịch      Chết        Bị thương   Mất tích và bị bắt

Mỹ               125.000   386.000     72.000

Anh              30.000     96.000       16.000

Canada         13.000     53.000       5.000

Pháp            12.000     40.000

Ngoài ra còn có rất nhiều thiệt hại về người khác của các nhiều nước khác nữa

Tổng cộng     200.000   625.000     93.000

Nếu các bạn được xem những thước phim tài liệu về cuộc đổ bộ này, thì các bạn cũng sẽ thấy được sự hy sinh vô cùng cao cả, lòng dũng cảm vô biên của các chiến sĩ, đặc biệt là Mỹ và Canada. Đa số họ là những người lính tình nguyện. Đất nước của họ ở bên kia Đại Tây Dương, không liên quan trực tiếp đến cuộc chiến này. Vậy mà họ đến đây để lao đầu vào cuộc chiến và chết trên đất người, như có một nhà văn nào đó đã tả như một đàn cừu vào lò sát sinh.

Ban đầu dự kiến đổ bộ vào ngày 5/6, nên đêm 4/6 các tầu biển đã xuất phát từ Anh sang Pháp, nhưng không may, một cơn bão đã nổi lên, các tầu được lệnh quay trở lại. Binh lính phải nằm trên tầu thêm một ngày để lại xuất phát đêm hôm sau, nhắm tới 5 bãi biển của Normandie. Trước khi khởi hành lần đầu, họ đã lên tầu trước một ngày.

Nói qua vậy để thấy cái nhọc nhằn gian khổ của những người lính. Khi tới gần bãi biển, họ phải chuyển từ tầu lớn sang tầu nhỏ bằng các thang dây, giữa lúc sóng biển vẫn còn rất lớn làm cho tất cả đều chòng chành liên tục. Rất nhiều người đã bị say sóng và ói mữa nhưng họ vẫn ào ào nhảy xuống nước, rồi chạy xông lên trước họng súng đại liên, đại bác của quân thù. Xác người chết phủ đầy bãi biễn, trôi nổi bồng bềnh đầy dặc trên mặt nước. Và ngay cả khi đã đặt chân lên đất liền rồi, họ vẫn phải tiếp tục chiến đấu ròng rã với quân phát xít nhiều tháng trời. Quân phát xít được tăng viện chống trả điên cuồng nhằm hất quân đồng minh xuống biển. Tuy nhiên với lòng dũng cảm và sự thông minh, quân đồng minh đã quét sạch và truy đuổi quân phát xít đến tận Berlin và gặp Hồng quân ở đó.

tuyentruyen3

Rất nhiều người đã bị say sóng và ói mữa nhưng họ vẫn ào ào nhảy xuống nước, rồi chạy xông lên trước họng súng đại liên, đại bác của quân thù. Xác người chết phủ đầy bãi biễn, trôi nổi bồng bềnh đầy dặc trên mặt nước. 

Cuộc đổ bộ của quân đồng minh đưọc tuyên truyền như thế nào trong thế giới cộng sản ?

Trước tiên, chúng ta phải minh định với nhau rằng, Liên Xô là nước bị thiệt hại nhiều nhất trong cuộc chiến này (ước tính phải từ 25 đến 29 triệu người chết cả về quân sự lẫn dân sự). Liên Xô là nước có công lao lớn nhất trong cuộc chiến tranh diệt phát xít Đức. Sự hy sinh và lòng dũng cảm của nhân dân Liên Xô là vô bờ bến.

Chúng ta phải biết ơn nhân dân Liên Xô đã có vai trò lớn lao trong việc diệt trừ một thảm họa của nhân loại là chủ nghĩa phát xít. Ở đây, để tránh lòng thòng, tôi không nói đến những trò ma quái của Stalin làm cho Liên Xô cũng bị thiệt hại thêm, hoặc gây thêm thiệt hại cho nước khác. Ba Lan là một thí dụ về nạn nhân của Liên Xô.

Tôi, lúc nhỏ, học ở Hà Nội, khi lớn có được đi học ở Liên Xô. Cả hai nơi đều có cùng một giọng điệu về của cuộc đổ bộ của quân đồng minh mà tôi xin nói tóm tắt trong vài dòng :

Mỹ và đồng minh, không muốn mở mặt trận thứ hai sớm để chia sẻ gánh nặng cho Liên Xô, họ chỉ chờ cho đến khi phát xít Đức sắp thất thủ thì mới mở mặt trận thứ hai để dây máu ăn phần.

Thực tế thì như thế nào ? Đức biết chắc là quân đồng minh sẽ đổ bộ ở bắc Pháp nên đã cử tướng Romel lập hệ thống phòng thủ được gọi là không thể xuyên thủng. Việc đổ bộ hàng triệu quân, lên một bờ biển là cả một vấn đề khổng lồ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Nó đòi hỏi phải giải quyết rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, về logistic, về nghệ thuật chiến tranh… Nó cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị.

Cũng nhân tiện nói để các bạn biết là quân đồng minh đã phải làm một cuộc tấn công trước đó vào bãi biển Dieppe ngày 19/08/1942 như là một cuộc diễn tập thực về đổ bộ. Thành phố Dieppe bây giờ thuộc về hành chính của tỉnh Normandie Thượng, cách các bãi đổ bộ khoảng 200 km. Cuộc thử nghiệm bằng xương máu này làm chết, bị thương, bị bắt khoảng từ 4.000 đến 6.000 binh sĩ, chủ yếu là người Canada. Tuy hoàn toàn thất bại, nhưng tất cả các bài học rút ra từ trận này đã được áp dụng cho lần sau. Như vậy không thể nói họ không muốn mở mật trận thứ hai sớm hơn… Nếu cuộc đổ bộ này thất bại thì hàng triệu người sẽ phải chết một cách vô ích. Trách nhiệm của những người cầm quân là vô cùng lớn lao, chứ không phải chuyện nói khơi khơi như mấy ông tuyên giáo.

Chúng tôi cũng chỉ được học là quân đồng minh đổ bộ vào Normandie và không có một vai trò nào cho cuộc chiến. Chúng tôi không hề được biết họ đã chiến đấu và hy sinh như thế nào, thiệt hại là bao nhiêu. Do vậy chúng tôi biết rằng chỉ có Liên Xô thắng phát xít Đức.

Sự đóng góp của người Anh, Mỹ, Canada, Úc… về người và của cũng vô cùng lớn lao. Theo một số nguồn dữ liệu về tổng số quân được động viên tham chiến trong cuộc chiến này ta thấy : Mỹ 16 triệu, Liên hiệp Anh 8,6 triệu, Canada 1,1 triệu, Úc một triệu ...

Cuộc đổ bộ lên Normandie, không những chỉ là một sự kiện lịch sử quân sự trọng đại tạo nên một bước ngoặt rất quan trong trong chiến tranh thế giới thứ hai, nó còn là biểu tượng của của sự đoàn kết tương trợ của các nước dân chủ trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, biểu tượng của sự hy sinh, đóng góp lớn lao của nước Mỹ cho nhân loại nói chung.

Rất tiếc rằng 78 năm sau (2022), Liên bang Nga, một nước có công lao lớn chống phát xít lại trở thành một nước phát xít, lại tái lập việc xâm lược trắng trợn một nước khác, tái lập những tội ác rùng rợn của thế chiến thứ II. Và nực cười thay họ lai nhân danh chống phát xít.

Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 80 năm đổ bộ, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói : "Ngoảnh mặt đi với Ukraine lúc này là quên đi những gì đã xẩy ra ở đây". Đáp lại, Tổng thống Macron nói : "Chúng ta hãy xứng đáng với lòng dũng cảm của những người đã đổ bộ vào nơi đây". Còn nhiều câu nói khác nữa nhưng tôi không muốn dài dòng. Thế cũng đủ để nêu quyết tâm của phương tây giúp Ukraine chống quân xâm lược Nga.

Việt nam chúng ta cũng là nạn nhân của chủ nghĩa phát xít (cụ thể là Nhật). Nếu chúng ta biết ơn nhân dân Liên Xô bao nhiêu trong việc diệt phát xít thì cũng phải biết ơn bấy nhiêu những chiến sĩ của quân đồng minh đã ngã xuống. Kết quả là họ đều phải chết vì nhân loại, vì chúng ta. Không công nhận sự đóng góp to lớn của họ là một sự phỉ báng lịch sử. Không công nhận sự hy sinh của họ là vô ơn.

Tôi viết bài này, chủ yếu là để các bạn cùng được "hưởng" nền giáo dục xã hội chủ nghĩa như tôi, có thêm thông tin và từ đó, có thể chấm dứt suy nghĩ sai lệch về một sự kiện vô cùng lớn lao của lịch sử.

80 năm đã trôi qua, thế giới đã thay đổi rất nhiều. Thậm chí có những thay đổi rất kỳ lạ. Thí dụ như nước Đức trước đây là kẻ thù của cả thế giới, là quân phát xít ghê tởm và tàn bạo, bây giờ lại trở thành một nước văn minh phát triển, đầu tầu của Châu Âu. Ngược lại, nước Nga lại đi ngược dòng lịch sử để trở thành nước Đức của năm 1939 (nước Đức nazi xâm lược Ba Lan ngày 01/09/1939). Hai nước phát xít khác là Nhật Bản và Italia cũng trở thành hai nước văn minh và phát triển.

Nước Nga với tiềm năng trí tuệ và tài nguyên thiên nhiên, nếu không bị tàn phá bởi chủ nghĩa cộng sản thì không có lý do gì để có thể kém phát triển hơn mấy nước phát xít cũ. Rất mong có bạn nào đó có khả năng chứng minh điều ngược lại.

tuyentruyen4

Quân đội và xe tăng Nga bị tiêu hủy trong một trận chiến ở thị trấn Bucha, cạnh thủ đô Kiev, ngày 3/4/2022 (AP Photo/Rodrigo Abd)

Nếu bạn đã từng yêu nước Nga xô viết ngày xưa, điều đó là hoàn toàn bình thường. Nếu bạn bây giờ vẫn còn yêu nước Nga, vẫn ủng hộ những việc nước Nga đang làm (xâm lược và chiếm đóng lãnh thổ nhiều nước khác…) thì điều đó chứng tỏ tư duy của bạn đã không thay đổi theo những thay đổi của thực tế thế giới.

Tôi nói nước Nga ở đây là nói chung chung. Thực tế là phải nói là những kẻ lãnh đạo nước Nga, đã và đang đẩy nước Nga vào tình trạng ngày nay, tình trạng một mình gây chiến với cả thế giới, giống như Đức trước đây. Không biết họ muốn thắng bằng kiểu gì ?

Hoàng Quốc Dũng

(14/06/2024)

Additional Info

  • Author Hoàng Quốc Dũng
Published in Quan điểm

Kỷ niệm 80 năm D-Day : Những bí mật cuối cùng trong cuộc đổ bộ của Đồng minh

Le Point dành hồ sơ tuần này để kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ, trong đó có bài viết "Ngày 06/06/1944 Đồng minh đã đánh lạc hướng được phe quốc xã như thế nào".

day1

Một nhóm cựu chiến binh Đệ nhị Thế chiến chuẩn bị lên phi cơ ở phi trường Dallas, Texas (Hoa Kỳ) sang Pháp dự lễ kỷ niệm D-Day, nhân 80 năm ngày đồng minh đổ bộ Normandie. Ảnh chụp ngày 31/05/2024. AP - LM Otero

Từ Montgomery giả đến đoàn quân ma

Đủ mọi cách đã được dùng đến để giữ bí mật cuộc đổ bộ đại quy mô xuống Normandie cho đến phút chót. Quân Đức biết rằng cuộc tấn công sẽ đến từ phía tây, nên đã thiết lập phòng tuyến vô cùng kiên cố tại vùng duyên hải nước Pháp. Nhưng vùng này quá rộng lớn, liệu cuộc đổ bộ sẽ diễn ra ở Bretagne, Normandie, Cotentin hay Pas-de-Calais ?

Phát hiện được một cựu diễn viên đang phục vụ trong quân đội Anh giống tướng Montgomery như hai giọt nước, người sĩ quan này được giao nhiệm vụ đóng thế. Vị tư lệnh giả hiệu được dạy phong cách, thói quen và cả tật cà lăm nhẹ của Montgomery rồi gởi đi "tuần tra" ở Địa Trung Hải : Gibraltar, Alger. Trong các cuộc tiếp tân, ông nhắc qua một "Kế hoạch 303" bí ẩn để sau đó đến tai người Đức. Quân Đức quyết định giữ quân đoàn 19 ở miền nam Pháp, bớt được một lực lượng ở bờ biển Normandie.

Để làm ra vẻ sắp có đổ bộ xuống Calais, vùng duyên hải gần Anh nhất, Đồng minh tạo ra hẳn một đoàn quân ma với xe tăng bơm hơi, phi cơ và giàn pháo bằng gỗ xếp hàng trên những cánh đồng, với chiến hạm giả trong cảng, phà, và cả một cảng dầu giả ; phi cơ thám sát Đức có thể nhìn thấy từ xa. Người ta cho phát các âm thanh như quân đội đang đóng quân, các tần số radio dày đặc...

Quân Đức bị bất ngờ hoàn toàn

Sợ nhất là tin bị rò rỉ, từ tháng 4/1944 việc di chuyển và liên lạc giữa các nhà ngoại giao ở Luân Đôn đều được giám sát, còn tình báo có nhiệm vụ tung tin giả tối đa. Chẳng hạn Juan Pujol Garcia, tức điệp viên hai mang "Garbo" với mạng lưới đặc tình giả 20 người đưa tin sắp đổ bộ ở Pas-de-Calais khiến Hitler phải để lại quân đoàn 15 phòng hờ... Số 175.000 quân nhân tham gia đợt đầu bị cấm ra khỏi căn cứ.

Vào đúng ngày xuất kích, để làm cho địch tin rằng đổ bộ ở miền bắc Pháp, Đồng minh oanh tạc duyên hải, gởi một đoàn tàu ra ngoài khơi Picardie và Calais trang bị những loa phóng thanh công suất lớn, ẩn sau những màn sương mù để làm địch ngỡ rằng có một hạm đội khổng lồ, thả xuống những người rơm.

Khi quân Đức thấy xuất hiện đoàn tàu đổ bộ thực sự ở Normandie, tác động bất ngờ khiến lợi thế nghiêng về phía Đồng minh. Dựa vào thời tiết xấu và tin tức giả, thống chế Rommel về Đức mừng sinh nhật vợ. Còn Hitler đang ngủ say ở Berghof vì thuốc bác sĩ cho. Các tướng Đức không dám đánh thức vì không chắc chắn là có đổ bộ. Bấy nhiêu thời gian quý báu đã mất đi, giúp Đồng minh củng cố được đầu cầu ở Normandie.

Câu chuyện của những chứng nhân D-Day

La Croix Hebdo dành đất cho ba nhân chứng là kháng chiến quân, lính Mỹ, thường dân thuật lại những gì họ đã trải qua trong D-Day. Ba giờ sáng ngày 06/06/1944, Irving Locker, anh thanh niên Mỹ 19 tuổi đi quân dịch chuẩn bị tham gia cuộc đổ bộ chỉ mới được cho biết trước đó vài giờ. Anh được phà đưa đến Utah Beach. "Go !". Vừa nhảy xuống, nước đã ngập đến cổ, ba lô 20 ký trên lưng, cố gắng lội lên bãi thật nhanh. Cũng như Irving, hàng ngàn quân nhân cũng đang lao lên bãi biển Utah, Omaha, Gold, Juno, Sword. Phía sau họ là 7.000 chiến hạm yểm trợ, trên trời trên 11.000 phi cơ không kích các vị trí Đức. Nhưng trên bãi biển, những chàng trai một mình dưới lưới đạn quân thù. Xung quanh Irving rất nhiều xác chết đồng đội…

Bernard Duval cũng 19 tuổi, làm liên lạc cho kháng chiến quân Pháp, bị chỉ điểm và bị quân Đức bắt nhốt, tra tấn, sau đó đưa lên một toa tàu chở súc vật hướng về trại tập trung Neuengamme gần Hambourg. Anh không ngờ mình sống sót nhờ bị đưa đi đày : Nghe tin Đồng minh đổ bộ, Gestapo ra lệnh bắn chết tất cả các bạn tù của Bernard trong trại giam Caen sáng 06/06. Anh gặp may lần thứ hai khi chuyến tàu đến nơi, được lính SS ra lệnh đi về phía trái – những người đi sang bên phải không ai còn gặp lại.

Còn Jacqueline Arcade, 10 tuổi sống cùng gia đình tại Saint-Lô, thành phố nằm tại trục lộ quan trọng phải oanh tạc để chận quân Đức tiếp viện. Đồng minh đã thả truyền đơn trước đó nhưng do gió mạnh đã không đến được với dân chúng mà rơi vào tay quân Đức. Đài BBC phát lời kêu gọi di tản, nhưng tất cả radio đã bị quân chiếm đóng tịch thu cách đó vài tháng. Quân Đức tăng viện chiến đấu quyết liệt, trong vòng một tuần lễ Saint-Lô ngày nào cũng bị không kích. Bị phá hủy trên 90%, thành phố chỉ được giải phóng vào ngày 18/07/1944, đúng vào sinh nhật 4 tuổi của Geneviève, em gái Jacqueline nhưng bé đã chết vì mảnh bom.

Năm nay gần 90, Jacqueline vẫn còn sợ hãi khi nghe tiếng máy bay. Bernard khi các cháu cố yêu cầu kể chuyện kháng chiến, ông luôn bắt đầu bằng câu : "Không có gì tuyệt vời hơn là việc hòa giải Pháp-Đức". Chàng GI Irving chiến đấu cho đến khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, và sẽ có mặt tại Normandie để mừng kỷ niệm 80 năm Đồng minh đổ bộ. Những gì còn đọng lại đối với ông về ngày 06/06/1944 ? Người lính già gần 100 tuổi trả lời "Freedom is not free" (Tự do không miễn phí).

Kharkiv vẫn đứng vững, Ukraine được Biden bật đèn xanh

Về chiến tranh ở Ukraine, các báo ra cuối tuần nhận xét "Kharkiv, thành phố không thể chiếm được nhưng vẫn luôn bị oanh kích". Phóng sự của Libération cuối tuần cho biết tại Kharkiv Nga vẫn dùng cách thức tai ác là oanh kích hai lần vào cùng một địa điểm để sát hại luôn đội ngũ cứu hộ và y tế đến giúp các nạn nhân. Tờ báo thuật lại trường hợp của Anna, sau khi một hỏa tiễn S-300 của Nga rơi xuống tòa nhà, nhờ bỗng có ý định ra ngoài lượm lại tấm lưới chống muỗi bị rơi sau vụ nổ, bà thoát chết vì một chiếc S-300 thứ hai lại tấn công. Những người hàng xóm thiệt mạng trong đống đổ nát.

Chịu áp lực nặng nề của hỏa lực Nga, Ukraine có được một nhượng bộ quan trọng từ tổng thống Joe Biden sau khi ngoại trưởng Antony Blinken từ Kiev trở về, và sau nhiều tuần lễ thương lượng trong hậu trường. Để ngăn chặn những vụ tấn công này, Ukraine cần vũ khí tầm xa mà Biden vừa cho phép sử dụng để đánh vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, nhưng chỉ ở Kharkiv mà thôi. "Một bước tiến về phía trước" - tuy không nói về "bước ngoặt", nhưng tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Sáu nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh quyết định của ông Biden.

Le Figaro ghi nhận những hệ thống ATACMS đầu tiên được Hoa Kỳ cung cấp có tầm bắn 160 km thay vì 300 km như hiện nay, Kiev cũng có được một số Storm Shadow của Pháp và Anh (500 km) và Himars (80 km). Lúc chưa được bật đèn xanh, quân đội Ukraine chỉ sử dụng các drone tự sản xuất để tấn công các mục tiêu trên 1.500 km. Còn tại Crimea và Donbass bị chiếm đóng, Kiev đã sử dụng vũ khí phương Tây. Theo chân Mỹ, Đức cũng đã cho phép Ukraine dùng vũ khí của mình, nhưng vẫn chưa chịu chi viện hỏa tiễn Taurus mà Kiev đang rất cần.

Donald Trump, vụ án lịch sử

Sự kiện thứ hai rất được chú ý trong tuần là cựu tổng thống Donald Trump bị bồi thẩm đoàn cho là đã phạm 34 tội danh gian lận kế toán trong vụ Stormy Daniels. Theo Le Figaro, vụ này cho thấy ông Trump hồi 2015-2016, chập chững bước vào chính trường, đã quan tâm đến danh tiếng của mình đến nỗi sẵn sàng chi tiền để bịt miệng các nhân chứng về những cuộc phiêu lưu tình ái. Còn Donald Trump năm 2024, bị kết tội hình sự và truy tố về tội danh mưu toan đảo chánh, đã trở thành một người khao khát trả thù, tấn công vào các định chế cản trở ông quay lại Nhà Trắng - Một nhân vật chẳng cần phải giữ gìn cẩn trọng tên tuổi.

Le Nouvel Obs thiên tả dùng từ ngữ nặng nề hơn "Donald Trump, một ‘bố già’ trước tòa", so sánh cựu tổng thống với trùm mafia và bộ ba tiền, tình, chính trị. Le Monde cuối tuần cho đây là một vụ án mang tính lịch sử để làm gương. Đảng Cộng hòa vốn được cho là "đảng của luật pháp và trật tự" từ lâu đã mất đi la bàn đạo đức. Dù kết quả chính thức ngày 11/07 ra sao đi nữa, chiến dịch tranh cử của ông Trump vẫn sẽ tiếp tục, bản án chung cuộc sẽ là kết quả bầu cử tối 05/11.

Israel có bị cô lập trước thế giới ?

Tại Trung Đông, L’Obs nói về "Israel đối mặt với thế giới". Liệu người Israel có ý thức được rằng họ đã thua trong cuộc chiến truyền thông ? Courrier International trích dịch Foreign Policy đặt vấn đề "Phải chăng Israel bị các nước xa lánh?".

Israel không phải là một quốc gia cô độc, mà hoàn toàn hội nhập với thế giới nhờ thương mại, đầu tư và du lịch, nhất là mối liên hệ văn hóa, giữa các trường đại học và các nhà khoa học. Việc chưởng lý Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đề nghị khởi tố thủ tướng Netanyahou cho thấy thách thức mà Israel phải đối phó, sau 8 tháng chiến tranh ở Gaza. Liệu các tập đoàn đa quốc gia và nhà đầu tư sẽ từ chối làm việc với Jerusalem, hay các chính phủ sẽ trừng phạt kinh tế ? Khó thể trả lời được.

Là một nước giàu nhưng nhỏ bé, thị trường nội địa Israel không thể hấp thụ hết các sản phẩm từ xe hơi, thép cho đến smartphone. Lãnh vực công nghệ cao, động cơ tăng trưởng trong 20 năm qua chỉ có thể phát triển trong một thế giới toàn cầu hóa. Kỹ nghệ quốc phòng Israel rất tinh tế, nhưng không thể tự đáp ứng nhu cầu phi cơ tiêm kích, tàu ngầm, bom, và cuộc chiến với Hamas khiến Israel càng lệ thuộc vào đạn pháo do Hoa Kỳ cung cấp.

Mối đe dọa đáng kể nhất đến từ giới đại học và văn nghệ sĩ, họ đe dọa tẩy chay Israel. Ngược lại, những người chống đối Israel khó thể huy động được người tiêu thụ và doanh nghiệp. Một thăm dò hồi tháng 3 của Pew Research Center cho thấy 58% người Mỹ được hỏi nói rằng Israel có lý khi chiến đấu chống lại Hamas. Đặc biệt nơi những người Mỹ từ 50 tuổi trở lên, thường có một vai trò ở nơi làm việc, có đến 78% ủng hộ Nhà nước Do Thái ; còn giới trẻ 18 đến 29 tuổi khá lạnh nhạt.

Giải pháp hai Nhà nước : Người Do Thái và Palestine đều nghi ngại

Trong khi đó tuần báo cánh hữu Le Point phân tích "Trò đùa bi kịch về Nhà nước Palestine", với nhận định nếu được thành lập ngay bây giờ, một Nhà nước như vậy có nhiều khả năng trở thành trung tâm khủng bố, gây bất ổn.

Chiến tranh đang dữ dội ở Gaza, việc một số nước Châu Âu đơn phương nhìn nhận một Nhà nước Palestine có nguy cơ làm giảm sút hy vọng hòa bình tại Cận Đông. Sau Tây Ban Nha, Na Uy, Ireland đã loan báo sẽ công nhận còn Pháp và Anh đang cân nhắc. Động thái tự cho là có lương tâm này chẳng tốn kém mấy, nhưng không có lợi cho hai dân tộc liên quan. Chính phủ xã hội của Pedro Sanchez chống lại phe ly khai Catalunya, nhưng lại muốn áp đặt cho Israel "giải pháp hai Nhà nước sống cạnh nhau trong hòa bình và an ninh", mà ông từ chối đối với chính Tây Ban Nha !

Về căn bản, Mỹ và Châu Âu đều đồng ý là phải tách rời hai Nhà nước để hai dân tộc sống hòa bình. Đó cũng là quan điểm chính thức của Liên đoàn Ả rập và đa số quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Họ có lý, vì các khả năng khác như giữ nguyên hiện trạng vĩnh viễn, trục xuất người Palestine, trừ khử Israel, lập ra liên bang Israel-Palestine, hoặc không thể chấp nhận, hoặc là ảo tưởng. Cho đến nay, quốc tế vẫn thất bại trong việc thuyết phục hai dân tộc về giải pháp hai Nhà nước.

Nguy cơ bất ổn với "Nhà nước Palestine do Hamas lãnh đạo" 

Gần hai phần ba người Do Thái Israel bác bỏ ý tưởng một Nhà nước Palestine, điều không lấy gì làm ngạc nhiên sau vụ thảm sát của Hamas ngày 07/10/2023. Phía Palestine, 72% cho rằng một Nhà nước như vậy khó thể thành lập được trong 5 năm tới. Dưới mắt chính phủ Netanyahou, công nhận một Nhà nước Palestine là tưởng thưởng cho sự dã man của Hamas. Thăm dò mới nhất của viện nghiên cứu dư luận PSR của Palestine hồi tháng 3 cho thấy Hamas sẽ dẫn đầu nếu tổ chức bầu cử tại Tây Ngạn (West Bank/Cisjordanie), Đông Jérusalem và Gaza.

Theo Le Point, việc khẩn cấp không phải là đua nhau công nhận một Nhà nước phôi thai vốn không kiểm soát được lãnh thổ và không có chính quyền thực sự, mà là bảo đảm chính phủ này không rơi vào tay bọn khủng bố như khi quân đội Israel đơn phương rút khỏi Dải Gaza năm 2005.

Muốn vậy phải có những định chế mới vững chắc, chống khủng bố, bảo đảm phi quân sự hóa, các nhà lãnh đạo không chỉ công nhận biên giới mà cả tính chính danh của Nhà nước Do Thái. Đồng thời có chương trình chống nạn bài Do Thái, trong khi cơ quan quyền lực Palestine hiện nay tiếp tục các bài học thù hận trong nhà trường và trợ cấp cho gia đình những người "tử đạo" - tấn công tự sát.

Nhiều nước Châu Á cấm ăn thịt chó

Tại Châu Á trên lãnh vực xã hội, The Economist nhận thấy việc cấm ăn thịt chó đã mở rộng ra nhiều nước. Mỗi năm có khoảng 30 triệu con chó bị trở thành những món ăn mà nhiều người Châu Á cho là bổ dưỡng, ngon miệng và "mát". Đa số là chó hoang, chó nhà và dù có được nuôi hàng loạt để giết thịt, khác với heo, bò, chó có nguy cơ mang mầm bệnh dại, việc chích ngừa không bảo đảm. Từ tháng Giêng, Hàn Quốc đã cấm buôn bán thịt chó, như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore trước đó. Thịt mèo đôi khi cũng bị cấm. Hồi tháng 2, chính quyền Hồng Kông đã bắt năm người Việt bán thịt chó mèo đông lạnh. Ngay cả ở Việt Nam, nơi việc buôn bán thịt chó vẫn hợp pháp, các cửa hàng lần lượt đóng cửa.

Lý do trước tiên là sự gia tăng số người nuôi thú cưng, cùng với việc giảm sinh đẻ. Hàn Quốc và Đài Loan có số chó mèo tương đương với số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sở hữu 6 con chó và 8 con mèo. Tại Thái Lan, thú cưng nhiều hơn trẻ nhỏ. Thị trường thức ăn cho thú nuôi ở Châu Á tăng 9% một năm, cao hơn Châu Âu và Châu Mỹ.

Nguyên nhân thứ hai là nỗ lực vượt bực của các nhà đấu tranh. Những nhóm như Dog Meat Free Indonesia gây chú ý trên toàn thế giới với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ tên tuổi, khiến cảnh sát phải tổ chức bố ráp. Nhóm bảo vệ súc vật Vshine của Trung Quốc đã giúp gạt thịt chó ra khỏi thực đơn ở Bạng Phụ (Bengbu) và Trịnh Châu (Zhengzhou). Cuối cùng là nhờ mạng xã hội : các nội dung liên quan đến chó mèo luôn thu hút. Tân tổng thống Indonesia Prabowo Subianto được cử tri trẻ tuổi yêu mến nhờ các video trên Instagram đang vuốt ve chú mèo. Khi thú cưng trở thành bạn bè chứ không phải thức ăn, ông không phải là nhà lãnh đạo cuối cùng bày tỏ tình yêu mến thú cưng.

Tựa chính các tuần báo Pháp

Hồ sơ của Courrier International tuần này được dành cho "Những cuộc cách mạng Mexico". Ngày 02/06, lần đầu tiên một phụ nữ sẽ được bầu lên làm tổng thống, tại một đất nước bạo lực đang lan tràn. The Economist chạy tít lớn "Ba người phụ nữ sẽ định hình Châu Âu", với ảnh bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, thủ tướng Ý Georgia Meloni và thủ lãnh cực hữu Pháp Marine Le Pen. L’Express tiết lộ "Những bí mật của ngoại giao Pháp", Le Point thì nói về "Những bí mật cuối cùng" trong cuộc đổ bộ của đồng minh tháng 6/1944. Le Nouvel Obs chọn một đề tài nhẹ nhàng "Nghệ thuật chia tay".

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế