Hôm 28/2/2017 vừa qua, Donald Trump đã đọc một bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội với tiếng vỗ tay ào ào của Đảng Cộng Hòa. Nhưng đài BBC nhận xét rằng "với bài diễn văn của Trump, người ta nhận thấy nhiều ý tưởng vẫn như cũ... nhưng cách ông truyền tải thông điệp có vẻ êm tai hơn. Lần này, người ta thấy ông nói chứ không gào thét. Trong những bài diễn văn như thế này, câu chữ thường nhẹ về chính sách và nặng về sáo ngữ, mơ hồ".
Donald Trump tuyên bố "The time for small thinking is over", nhưng chúng ta thấy ông đang nghĩ và làm những chuyện lặt vặt, hay đưa ra các kế hoạch hoang tưởng vượt ra ngoài tầm tay của ông, hoặc nói xuôi rồi nói ngược như trở bàn tay. Trump nói : "Tôi ở đây hôm nay để đưa ra một thông điệp về đoàn kết và sức mạnh, và đó là thông điệp từ đáy lòng tôi". Nhưng ông lại đang mở cuộc chiến rất gay cấn với các cơ quan truyền thông, với các cơ quan tình báo, với Đảng Dân Chủ… và với cả tòa án !
Nghe tin Tổng thống Donald Trump xin tăng ngân sách quốc phòng 54 tỷ USD và tăng võ khi nguyên tử, tờ The Diplomat viết : "Ngành công nghiệp vũ khí thông thường và hạt nhân đang trông thấy một tương lai xán lạn, nhưng đây hoàn toàn không phải là tin vui với nhân loại".
Putin và giới tài hiệt lo ngại
Qua một tháng Donald Trump lãnh đạo chính quyền nước Mỹ theo mô thức lãnh đạo một cơ sở kinh doanh, nhóm tài phiệt Mỹ và Tổng thống Putin đang lo sợ Donald Trump sẽ làm hỏng các kế hoạch họ đã hoạch định.
Hôm 20/2/2017, hãng thông tấn NBC News loan tin cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Fedorov đã cho biết Nga đang soạn một hồ sơ tâm lý của Trump cho Putin trong bối cảnh điện Kremlin đang quan ngại Donald Trump không có đủ quyền lực chính trị để cải thiện quan hệ với Nga. Ông Fedorov nói rằng việc yêu cầu báo cáo về một lãnh đạo quốc gia đồng minh hay đối thủ là bình thường, nhưng việc yêu cầu cung cấp một hồ sơ chi tiết về tâm lý như trường hợp của Trump lại là điều bất ngờ và hiếm thấy.
Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump - Ảnh minh họa
Tài liệu và các phân tích của các chuyên gia sẽ giúp chúng ta thấy được chính quyền Donald Trump đang đưa nước Mỹ đi về đâu. Trong bài này chúng tôi sẽ trình bày các hư chiêu mà Donald Trump đã tung ra sau một tháng cầm quyền với những hậu quả không mong muốn. Trong bài tới chúng tôi sẽ nói về những lo sợ của giới tài phiệt Mỹ và Tổng thống Putin về sự nông nổi, háo thằng và vụng về của Donald Trung có thể phá vỡ những kế hoạch mà họ muốn dùng con bài Donald Trump để thực hiện.
Donald Trump : Tề thiên đại thánh !
Khi được đắc cử, vì thiếu hiểu biết về tổ chức và lãnh đạo chính quyền, Donald Trump tưởng rằng Tổng thống là Tề thiên đại thánh, có thể "hô phong hoán vũ", muốn làm gì thì làm, nên đã làm loạn. Ông không hiểu rằng trong chế độ tam quyền phân lập của Hiến pháp Mỹ, Tổng thống chỉ có quyền thi hành các chính sách và đạo luật do Quốc Hội ấn định, chứ không có quyền làm luật. Việc thi hành luật cũng phải theo đúng các quy tắc do Hiến pháp và luật pháp ấn định, nếu không sẽ bị các cơ quan tư pháp ngăn chặn.
Về phương thức hành động, Donald Drump tin rằng có thể lãnh đạo nước Mỹ gióng như điều khiển Trump Organization : có thể dùng tiểu xảo (trick) hay mánh mung (dodge) để chiến thắng các đối thủ. Mặc dầu phải đối phó với 4.085 vụ tranh tụng, trong đó có 150 khai phá sản, nhưng với các tiểu xảo và mánh mung, Trump vẫn đưa Trump Organization đi lên. Tuy nhiên, với nước Mỹ thì khác hẳn.
Trong bài "Donald the Destroyer" (Donald Trump kẻ hủy diệt) Simon Johnson, nguyên kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã viết :
"Lời hứa hẹn của Trump "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" là một sự bịp bợm chính trị. Các chính trị gia dân túy hứa hẹn bất cứ điều gì, kể cả những chính sách không tưởng có thể dẫn đến những thảm họa hiển nhiên. Các chính sách mà Trump đề xuất cũng vậy : chúng sẽ phá hoại an ninh nước Mỹ, gây khủng hoảng kinh tế và hủy hoại hệ thống tài chính".
Theo Simon Johnson, với các chính sách đó, sự sụp đổ kinh tế đầy đau đớn sẽ xảy ra, trong đó người giàu tiếp tục giàu hơn, tầng lớp trung lưu dần dần trở nên nghèo khó hơn, và mạng lưới an sinh xã hội sẽ bị xé vụn…
Chúng ta có thể kiểm chứng những gì mà chuyên gia kinh tế Simon Johnson và các chuyên gia khác tiên đoán sau quá trình Donald Trump điều khiển chính quyền trong một tháng vừa qua.
Những hư chiêu của Trump
Bỏ ra ngoài những văn kiện liên quan đến việc tổ chức và chỉnh đốn nội bộ, chúng ta thấy trong hơn 20 văn kiện mà Donald Trump đã ban hành, có 4 vấn đề đang gây tranh luận lớn đó là (1) văn kiện hủy bỏ Obamacare, (2) văn kiện về nhập cư, (3) văn kiện về xây bức tường giữa Mỹ và Mexico và (4) văn kiện tạo thêm công ăn việc làm. Văn kiện thứ tư được ca tụng như một công trình sáng tạo mới mẻ của Trump có thể đưa đất nước này đi lên, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược.
1. Obamacare : đạo luật nguy hiểm nhất !
Sau khi đắc cử, hai công việc ưu tiên của Donald Trump là phá bỏ hiệp định TPP và Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA-Affordable Care Act), thường được gọi là Obamacare. Tại sao phải ưu tiên hủy bỏ Obama Care ?
Tạp chí Economist, dưới tiêu đề "Tại sao Đảng Cộng hòa ghét Obamacare ?", đã giải thích rằng các nhà bảo thủ thuộc Đảng Cộng Hòa cho rằng Obamacare là "đạo luật nguy hiểm nhất từng được thông qua", "có tác động phá hoại tới các quyền tự do con người và cá nhân giống như Đạo luật Giải quyết Nô lệ bỏ trốn". Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã đứng đầu trong việc chống lại Obamacare gọi nó là một thứ "thuốc xã hội hóa" (socialised medicine), một liều thuốc nổ chính trị trong thời kỳ chống cộng dữ dội. Nói một cách rõ ràng hơn, họ thấy rằng Đạo luật Obamacare phương hại đến quyền lợi của giới kinh doanh ngành y tế nên tìm mọi cách để ngăn chặn.
Nhưng việc tiêu hủy đạo luật Obamacare không phải là chuyện dễ. Viện Urban cho biết việc hủy bỏ Obamacare sẽ khiến nước Mỹ có thêm 28,9 triệu người không được đóng bảo hiểm vào năm 2019, nâng tổng số người không đóng bảo hiểm lên 58,7 triệu người. Đặc biệt, những hộ gia đình lao động sẽ bị từ chối đóng bảo hiểm nhiều nhất, lên tới 82%, phần lớn là những lao động không có nhiều trình độ.
Trước thực trạng nói trên, Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan thuộc Đảng Cộng Hòa nói rằng sẽ không có quyết định nào đột ngột, mọi chuyển biến sẽ trong vòng trật tự và "không muốn 2017 là năm sẽ rút chiếc thảm dưới chân những gia đình đang khó khăn thụ hưởng Obamacare, trong khi chúng tôi đem đến sự thay thế". Đó là thất bại đầu tiên
2. Sắc lệnh nhập cư : một đòn biểu diễn vừa vi hiến vừa vi luật
Hôm 27/1/2017 Tổng thống Trump ký đã sắc lệnh tạm thời không nhận người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt cấm vô thời hạn đối với người tị nạn Syria. Cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Nhưng Sắc lệnh này đã bị tòa án liên bang ngăn chặn vì vừa vi hiến (violates their rights to Due Process and Equal Protection guaranteed by the United States Constitution) vừa vi luật (điều 202 Đạo luật về Di trú và Quốc tịch 1965).
Về sự kiện, Bộ Tư Pháp đã đưa ra một số tài liệu cho thấy di dân đến từ 7 nước nói trên và Syria là nguy hiểm, cần phải ngăn chặn, nhưng tòa nói những gì mà Bộ Tư Pháp trình bày chỉ là những suy đoán, nên không có giá trị.
Có ba vụ khủng bố lớn đã xáy ra tại Mỹ :
- Vụ thứ nhất là vụ 9/11 phá sập tòa tháp đôi ở New York. Trong 19 thủ phạm có đến 15 người là từ Saudi Arabia.
- Vụ thứ hai là vụ hai quả bom nổ tại cuộc đua Marathon Boston vào ngày 15/4/2013, giết chết 3 người và làm bị thương 282 người khác. Hai thủ phạm Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev đều là người gốc Nga.
- Vụ thứ ba là vụ khủng bố xảy ra tại San Bernardino, California, ngày 2/12/2015 làm 14 người thiệt mạng. Hai thủ phạm là Syed Farook và Tashfeen Malik đếu có gốc Pakistan. Tại sao không ngăn chặn Saudi Arabia, Nga và Pakistan mà lại đi ngăn chặn Syria và 7 nước nói trên ?
Donald Trump tuyên bố rằng "tòa án xấu xa", nhưng không dám kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện vì biết chắc kháng cáo của ông sẽ thua 100%. Để vuốt mặt, Donald Trump ra lệnh trục xuất các cư dân bất hợp pháp dựa theo các luật lệ hiện hành và la thật lớn để chứng tỏ "ta đây đang hành động".
Nên nhớ năm 2016, Tổng thống Obama đã ra lệnh trục xuất 451.000 người, trong đó có 390.000 bị đẩy ra ngay từ biên giới, 40.000 có tiền án và 23.000 đã bị bắt ở Mỹ vì không có giấy tờ hợp pháp.
3. Sắc lệnh xây bức tường ngăn biên giới : có cũng như không.
Trong bài "Xảo thuật xây bức tường Mexico – Mỹ" chúng tôi đã đưa ra các sự kiện cho thấy với một biên giới dài 3.169 km (1.969 dặm), đi qua những địa hình rất phức tạp, Hoa Kỳ đã cho xây dựng một bức tường dài hơn 1.100 km, kèm theo một hàng rào điện tử kiểu "phòng tuyến McNamara", nhưng chẳng ngăn chặn được nạn nhập cư bất hợp pháp.
Ngày nay, các nhóm buôn bán ma túy và buôn người không vượt qua bức tường nữa mà đi qua những hệ thống đường hầm chằng chịt. Bọn buôn lậu ma túy còn xử dụng hệ thống tàu ngầm ở cả Thái Bình Dương lẫn Đại Tây Dương để chuyển hàng. Xây tường mà làm gì ?
Vả lại, việc ngăn chặn người và ma túy đi qua Mỹ tùy thuộc rất nhiều về phía chính quyền Mexico. Nếu Donald Trump bắt trả tiền hay đánh thuế cao các hàng xuất khẩu của Mexico, chính quyền Mexico sẽ thả lỏng biên giới, số người và ma túy sẽ vượt qua biên giới gấp ba hay bốn lần.
Giữ lại việc làm hay làm mất việc ?
1. Lẫn lộn giữa kinh tế vĩ mô với kinh tế vi mô
Hôm chúa nhật 4/12/20126, Donald Trump tuyên bố sẽ "có hậu quả và hình phạt" đối với những công ty Mỹ muốn chuyển công việc của người lao động Mỹ ra nước ngoài. Sau đó, Donald Trump khoe thành công bước đầu trong việc thuyết phục công ty Carrier ở Indiana, quê nhà của Phó Tổng thống Pence, giữ hơn 1.000 công việc trong nước, thay vì chuyển sang Mexico. Đổi lại, bang Indiana dành cho công ty này khoản ưu đãi thuế 7 triệu USD.
Trong khi đó tỷ phú Wilbur Ross, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại Mỹ, đã bị các nhân vật thân cận của Trump chê trách vì chủ trương chuyển công việc ra nước ngoài. Ông "vua phá sản" này đã chuyển một số nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi sang Mexico, xây dựng một nhà máy bông sợi hiện đại, có vốn đầu tư tới 80 triệu đô la Mỹ và sử dụng 1.500 công nhân ở Việt Nam.
Ông Justin Wolfers, một giáo sư kinh tế và chính sách công ở Đại học Michigan nói : "Nếu đây là những gì mà nhóm của ông Trump nghĩ là chính sách kinh tế vĩ mô, thì họ không hiểu về quy mô của nền kinh tế. Thỏa thuận không phải công việc của kinh tế vĩ mô. Chúng ta nên hiểu nó là chính trị, hơn là kinh tế".
Nói cách khác, Donald Trump không phân biệt được giữa kinh tế vĩ mô (macroeconomy) và kinh tế vi mô (microeconomy), không biết rằng việc điều khiển nước Mỹ khác với việc điều hành Trump Organization rất xa. Muốn các công ty và các hãng buôn không đầu tư hay kinh doanh ở ngoại quốc, Hoa Kỳ phải có một chính sách chung cho cả nước, bao gồm tất cả các cơ sở kinh doanh, chứ không thể đi thương lượng với từng công ty như Trump đang làm được.
2. Các công ty lớn chẳng coi đe dọa của Trump ra gì
Trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội hôm 28/2/2017, Donald Trump khoe đã thương lượng được với các tập đoàn Ford, Fiat-Chrysler, General Motors, Sprint, Softbank, Lockeed, Intel, Walmart… để họ đầu tư ở Mỹ, nhưng trong thực tế Trump chỉ có thể thương lượng và thỏa thuận với các công ty nhỏ chứ không thể thương lượng với các công ty siêu quốc gia (metanational corporations) như Exxon Mobil, Apple, v.v.
Trữ lượng dầu mỏ của Mỹ hiện nay có thể được coi là lớn nhất thế giới, nhưng Exxon Mobil không chỉ khai thác ở Mỹ mà còn khai thác tại khoảng 50 quốc gia trên thế giới với số doanh thu hàng năm có khi lên đến 450 tỷ USD. Chính sách của Exxon Mobil về cơ bản gắn liền với đường lối của chính quyền Mỹ nhưng nếu thấy chính sách của Mỹ không phù hợp với lợi ích của họ, tập đoàn này sẵn sàng phớt lờ các giới chức cầm quyền Mỹ. Nếu ép buộc được Exxon Mobil "mua hàng Mỹ" và thuê người Mỹ" thì có thể đem về hàng triệu công ăn việc làm, nhưng chỉ ít lâu sau tập đoàn này sẽ khai phá sản.
Ngày 25/11/2016, Donald Trump đã trực tiếp yêu cầu Giám Đốc Diều Hành Tim Cook của Apple chuyển dây chuyền sản xuất của Apple về Mỹ với hứa hẹn ưu đãi thuế. Tim Cook đã đáp lại bằng câu trả lời ngắn gọn và không có lời hứa chắc chắn : "Tôi hiểu điều điều đó". Đây là một cách từ chối. Donald Trump nói : "Tôi nghĩ sẽ tạo ra ưu đãi cho ông và tôi nghĩ ông sẽ thực hiện theo. Chúng tôi sẽ cắt giảm nhiều thuế cho tập đoàn và ông sẽ hạnh phúc về việc này". Dĩ nhiên Apple không dại gì nghe lời dụ dỗ vớ vẩn của Trump.
3. Vai trò của thuế rất nhiều lắc léo
Mức thuế công ty tại Hoa Kỳ hiện nay là 35%, tức thuộc vào hạng cao nhất thế giới khiến các công ty Hoa Kỳ đua nhau chạy ra ngoại quốc. Mức thuế của Canada là 15%, Đức 16%, Anh 20%, Tây Ban Nha 25%, Ý 28%, Úc 30%, v.v.
Việc đánh thuế lên các sản phẩm ngoại nhập của Mexico hay Trung Quốc như Donald Trump đã dọa cũng có thể khơi mào một cuộc chiến thương mại. Trung Quốc đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể phản kháng lại bằng cách kìm hãm doanh số của các hãng sản xuất xe hơi và điện thoại iPhone của Mỹ, và sẽ đặt mua máy bay từ hãng Airbus của Châu Âu thay vì Boeing của Mỹ.
Vào năm 2009, chính quyền Obama đã đánh thuế lên lốp xe Trung Quốc, nhằm giúp đỡ nhà sản xuất lốp xe Mỹ tránh khỏi số lượng nhập khẩu tăng vọt. Bắc Kinh trả đũa bằng cách nâng thuế trên thịt gà Mỹ lên tới 105%.
Hậu quả những chuyện Trump đang làm
Trong bài "Thời đại của chính sách giả" (The Age of Fake Policy), Paul Krugman, Giáo sư về kinh tế và là bình luận gia của tờ New York Times đã viết :
"Việc can thiệp vào từng trường hợp một từ bên trên không bao giờ có một tác động đáng kể gì đến nền kinh tế trị giá (GDP) 19 nghìn tỉ USD. Vậy tại sao những câu chuyện như vậy lại chiếm rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông ?"
Ông cho rằng chính sách giả tạo của Trump là đối tác tự nhiên của chủ nghĩa dân túy giả tạo. Nó là một chiến lược quảng cáo cho cá nhân, ít ra là trong một thời gian. Việc thông tin lại những lời tuyên bố của Trump mà "không truyền đạt sự giả tạo của những tuyên bố đó là sự phản bội nghề làm báo".
Trên đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ ngày 13/1/2017, ông Brian Katulis thuộc Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, nhận định :
"Về chính sách đối ngoại, ông Trump không thể hiện bất cứ kinh nghiệm nào, ông không có thành tích nào khả dĩ có thể trấn an bất cứ một ai về khả năng của ông có thể ứng phó với môi trường toàn cầu phức tạp của ngày nay".
Chuyên gia Simon Johnson cho rằng những hành động thiếu nghiên cứu kỹ càng của Trump sẽ biến Trump thành Kẻ hủy diệt (Donald the Destroyer).
Ngày 2/3/2017
Lữ Giang
Nhất cử nhất động của doanh nhân tổng thống Mỹ đều bị theo dõi và phê phán. Theo giới phân tích, chính quyền Donald Trump dự tính thay đổi phương pháp thống kê thương mại với thâm ý làm tăng ảo tỷ số thâm thủng cán cân thương mại và để gây sức ép với Quốc Hội ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch.
Tổng thống Donald Trump (trái) làm việc với giám đốc Cơ quan quản lý ngân sách Mick Mulvaney (giữa) và bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin (phải) tại Nhà Trắng Washington ngày 22/02/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Theo nhật báo tài chính Wall Street Journal, một phương pháp mới để đo lường thâm thủng trao đổi thương mại đã được chính quyền Trump sử dụng. Tuần qua, các cơ quan đại diện Mỹ về ngoại thương đã phải cung cấp số liệu về cán cân thương mại qua cách tính mới.
Cụ thể là trong báo cáo, phần "tái xuất khẩu" hàng hóa không còn xuất hiện trong thống kê. Nói cách khác, những mặt hàng như xe hơi của Mỹ, chế tạo tại Mexico, quá cảnh tại Mỹ, bán sang Canada hay ở các nước khác không còn nằm trong danh sách hàng xuất khẩu. Một khi các loại hàng hóa tái xuất khẩu bị đưa ra khỏi thống kê xuất-nhập thì tự nhiên mức thâm thủng thương mại của Mỹ tăng vọt lên một cách giả tạo. Tỷ lệ nhập siêu sẽ còn tăng thêm nếu hàng tái xuất chỉ bị hủy bỏ ở cột "xuất" mà vẫn giữ nguyên ở cột "nhập".
Theo AFP, lối tính mới này đã gây ra một làn sóng tranh cãi tại Mỹ. Một số nghị sĩ đồng ý thì cho rằng phương pháp thống kê mới phản ảnh thực tế tình trạng mậu dịch của Hoa Kỳ. Trái lại những người khác thì tố cáo thâm ý của tổng thống Donald Trump là muốn dùng những số liệu phóng đại này để thuyết phục lập pháp ủng hộ chủ trương "nước Mỹ trước đã" của lãnh đạo hành pháp.
Phá NAFTA
Chuyên gia Lori Wallach của tổ chức cấp tiến Public Citizen thẩm định : Với cách tính này, nhập siêu giữa Mỹ và Mexico, sẽ tăng từ 60 tỷ đôla lên 109 tỷ. Tổng thống Donald Trump sẽ khai thác " con số được trang điểm " này để thuyết phục thêm một số nghị sĩ chống Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA. Cùng phân tích này, cựu bộ trưởng Thương Mại Larry Summers thời tổng thống Bill Clinton cho rằng đây là một phương pháp thống kê "ngu xuẩn, bất lương và nguy hiểm" nhằm khuyến khích xu hướng bảo hộ mậu dịch.
Chơi dao đứt tay
Theo chuyên gia Caroline Freund của Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson Institut for International Economics ở Washington, nếu không tính lượng hàng tái xuất khẩu thì mức thâm thủng của kinh tế Mỹ sẽ được phóng đại một cách phi lý. Dù vậy, không có gì bảo đảm là phương pháp thống kê mới sẽ giúp tổng thống Donald Trump đạt được mục tiêu. Trái lại, nó có thể là đòn "gậy ông đập lưng ông". Thao túng số liệu sẽ làm chính quyền Trump mất uy tín.
Được AFP đặt câu hỏi, bà Jeannine Aversa, phát ngôn viên của phòng phân tích kinh tế, bộ Thương Mại Mỹ bảo đảm là cho đến hôm nay, chưa có đề nghị chính thức nào về việc thay đổi phương pháp thống kê.
Trong suốt mùa tranh cử, Donald Trump luôn chỉ trích một cách thô bạo các số liệu thống kê chính thức từ tỷ lệ thất nghiệp cho đến kết quả bầu cử hay là số lượng ủng hộ viên tham gia lễ nhậm chức của ông.
Liệu chính quyền Trump có thể ngụy tạo các số liệu chính thức hay không ? Katherine Wallman, nguyên là người trách nhiệm về thống kê của Nhà Trắng cho rằng chủ nhân mới không làm gì được vì có nhiều chốt phối kiểm. Tuy nhiên, bà cảnh báo : Với chủ trương cắt giảm ngân sách dành cho các cơ quan thu thập dữ liệu, chất lượng của thống kê cũng sẽ giảm theo.
Tú Anh
**********************
EU hoang mang vì thông điệp của Tòa Bạch Ốcb (VOA, 22/02/2017)
Cố vấn cấp cao cho Tổng thống ông Steve Bannon.
Trong tuần lễ trước chuyến viếng thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Brussels với lời hứa Mỹ giữ cam kết "lâu dài và bền vững" đối với Liên hiệp Châu Âu, chiến lược gia trưởng của Tòa Bạch Ốc Steve Bannon đã gặp một nhà ngoại giao Đức và đã chuyển đi một thông điệp khác, các nguồn thạo tin cho Reuters biết.
Những người này nói ông Bannon cho Đại sứ Đức tại Washington biết là ông xem Liên hiệp Châu Âu là một cơ cấu có nhiều khuyết điểm và ông muốn có những mối liên hệ với Châu Âu trên căn bản song phương.
Ba người được nghe thuyết trình về cuộc gặp này nói với Reuters với điều kiện ẩn danh vì tính cách nhạy cảm của vấn đề. Chính phủ Đức và Đại sứ Peter Wittig, từ chối bình luận nêu lý do về tính cách bí mật của cuộc thảo luận.
Một giới chức Tòa Bạch Ốc kiểm chứng với ông Bannon đáp yêu cầu bình luận của Reuters xác nhận có cuộc gặp này nhưng nói tin cung cấp cho Reuters là không chính xác. Giới chức này nói "Họ chỉ nói chuyện với nhau khoảng 3 phút, và chỉ chào nhau mà thôi".
Trong khi các nguồn tin cho biết cuộc gặp ấy dài hơn và ông Bannon đã nhân cơ hội này thể hiện quan điểm của mình về thế giới. Nguồn tin này cho hay thông điệp ông Bannon đưa ra tương tự như ông đã nêu lên trong một hội nghị Vatican vào năm 2014 khi ông đang điều hành một trang web cánh hữu Breitbart News. Lúc bấy giờ, phát biểu qua Skype, ông Bannon tỏ vẻ ủng hộ các phong trào dân túy Châu Âu và mô tả về những khao khát dân tộc chủ nghĩa trong lòng những người "không tin vào Liên minh xuyên Châu Âu này". Lúc đó, ông Bannon còn tuyên bố Tây Âu được xây dựng trên nền tảng "các phong trào dân tộc mạnh mẽ" và rằng đó là điều "có thể giúp chúng ta tiến tới".
Cuộc gặp vừa rồi không làm cho những người trong chính phủ Đức lay chuyển, một phần vì một số giới chức hy vọng là ông Bannon có thể đã dịu bớt quan điểm khi bắt đầu nhiệm sở và đưa ra thông điệp uyển chuyển hơn về Châu Âu trong những cuộc gặp riêng tư.
Một nguồn tin được thuyết trình về cuộc gặp nói cuộc họp đã xác nhận quan điểm rằng Đức và các đối tác Châu Âu phải chuẩn bị cho một chính sách "thù nghịch đối với Châu Âu".
Một nguồn tin thứ hai bày tỏ lo ngại, căn cứ trên sự tiếp xúc của ông đối với chính quyền, rằng vai trò của Liên hiệp Châu Âu trong việc đảm bảo hòa bình và thịnh vượng EU thời hậu chiến không được đánh giá cao.
Ngày 20/2/2017 là tròn một tháng ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 trong lịch sử của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nhân dịp này, BBC Việt ngữ cùng các nhà bình luận, quan sát thử nhìn lại chặng đường này của tân tổng thống Mỹ và nội các của ông từ khía cạnh chính sách, nhân sự tới truyền thông.
Tổng thống Donald Trump trả lời phóng viên CNN tại cuộc họp báo ở Nhà trắng hôm 16/2/2017.
Hôm 19/2, nhà nghiên cứu cáo cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas) của Singapore, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đưa ra bình luận với BBC, ông nói :
"Ông Trump là một người cực kỳ đặc biệt, ông đi hết từ những quyết định này sang quyết định khác, rất là nhanh, nhưng có những quyết định bị phản ứng ngay lập tức.
"Ví dụ như là sắc lệnh chống nhập cư và chống những người tị nạn ở bảy nước mà có đạo Hồi, rồi một loạt những chính sách khác, những tuyên bố về đối ngoại, những tuyên bố về an ninh, những tuyên bố về kinh tế, đặc biệt là tuyên bố cốt lõi của ông khi tranh cử là "Trước hết là nước Mỹ".
"Thì cũng có rất nhiều những tiếp cận khác nhau, những ý kiến khác nhau đánh giá về cái đó và thường người ta đánh giá theo hướng tiêu cực".
Về những điều được cho là thử thách, thách thức liên quan bộ máy nhân sự, nội các đã và đang chuyển giao quyền lực, nhà nghiên cứu chính trị này nói tiếp :
"Thử thách lớn nhất của nội các của Tổng thống Donald Trump là vừa đây đã xảy ra sự kiện là ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đã từ chức với lý do trước đây có những mối quan hệ với phía Nga.
"Và lời tuyên bố từ chức, ông nói là ông đã không cố ý khi đã không nói cụ thể mối liên hệ với người Nga, trong thời gian sau khi Donald Trump đã thắng cử.
"Đây là khó khăn nhất trong nội các của ông Trump. Tất nhiên còn có những khó khăn khác, nhưng tôi nghĩ đây là khó khăn nhất mà hiện nay Donald Trump đang gặp phải.
"Có một điều là sau hai hôm ông Flynn tuyên bố từ chức, ông Trump đã chọn một người khác để thay là ông (Robert) Harward, ông Harward cũng không nhận. Theo tôi biết, hôm nay, ông Trump có gặp bốn ứng cử viên mới, trong đó có ông (Keith) Kellogg, hiện đang làm quyền cố vấn an ninh quốc gia và một người đặc biệt bảo thủ là ông John Bolton và hai người khác (Tướng McMaster và tướng Robert Caslen).
Việc cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn phải rời khỏi nội các là một thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Donald Trump sau một tháng đầu cầm quyền, theo nhà quan sát.
'Phát biểu rất căng thẳng'
Về quan điểm từ nội bộ của Đảng Cộng hòa, mà ông Donald Trump từng là ứng viên Tổng thống được đề cử của đảng này, đối với tân Tổng thống và ê-kíp quyền lực của ông, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận :
"Tôi thấy trong vòng bốn ngày vừa qua, Thượng nghị sỹ John McCain có ba phát biểu rất căng thẳng về bản thân ông Trump và chính quyền của ông Trump.
"Phát biểu căng thẳng nhất mà ông nói là ở Hội nghị G20 và cái sau đó cũng rất căng thẳng là ông nói ở Hội nghị an ninh Munich, hôm kia, trước khi có Hội nghị an ninh Munich, những lời nói đó phê phán một cách toàn diện tất cả những gì mà chính quyền của ông Trump đã làm từ khi ông nhậm chức đến giờ".
Mới đây, theo truyền thông Mỹ, ông McCain đã tỏ ra quan ngại khi ông nói rằng tình hình ở Nhà trắng là 'rối loạn' và ông không rõ ở đó 'ai đang cầm lái'.
Vị Chủ tịch Ủy ban Quân vụ thuộc Quốc hội Hoa Kỳ còn đưa ra bình luận rằng chỉ có 'các tên (hay chế độ) độc tài mới đàn áp tự do báo chí', mặc dù ông cũng nói thêm rằng ông không nói ông Trump là nhà độc tài.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cũng bình luận thêm một số khía cạnh khác nhìn nhận một tháng nhậm chức của chính quyền ông Trump trên các khía cạnh 'đánh giá' bước đầu về một số thành viên nội các Trump như Phó Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Chiến lược gia chính, Cố vấn truyền thông v.v... cho tới các vấn đề và quan hệ, diễn biến đối nội, đối ngoại khác, trong đó có quan hệ Mỹ - Việt...
Chịu áp lực trong suốt một tháng, Tổng thống Trump và nhóm cố vấn thử tìm lại mô hình vận động qua nhóm quần chúng đã ủng hộ và bỏ phiếu cho ông để cân bằng lại.
Về quan hệ của ông Trump với truyền thông, cũng hôm Chủ Nhật, chuyên gia về báo chí, truyền thông từ Đại học Bournemouth, Anh quốc, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức An nói :
"Hôm trước, cách đây ba tháng, sau bầu cử, BBC có hỏi tôi có dự đoán mối quan hệ giữa báo chí, truyền thông với ông Trump như thế nào, thì tôi nói càng ngày nó sẽ trở nên căng thẳng.
"Và mức độ căng thẳng đó bây giờ không chỉ trở thành hiện thực mà nó đang tới một mức độ một số người bắt đầu gọi nó là một 'cuộc chiến' đúng nghĩa, giữa một bên là Trump, hệ thống truyền thông của Trump và một bên là báo chí chính thống của Mỹ và thế giới".
'Chỉ tìm cách đánh đổ'
Bàn về thực chất của 'cuộc chiến' này, chuyên gia về báo chí, truyền thông từ Anh nói thêm :
"Hiện nay, giữa ông Trump và báo chí Mỹ, khi ông Trump thắng cử, vai trò của báo chí rất thấp, trên thực tế, báo chí gần như là phản ứng ngược lại với Trump trên quá trình bầu cử, bây giờ khi ông Trump lên, ông đặt ra nhiều vấn đề.
"Vì giá trị của ông Trump có khác giá trị của báo chí chính thống và của giới tinh hoa lâu đời này, thì nó đặt ra rất nhiều vấn đề từ lệnh cấm công dân của 7 nước Hồi giáo, rồi tất cả những vấn đề về bổ nhiệm những nhân vật chủ chốt trong chính phủ đều gây ra rất nhiều quan ngại cho công luận của Mỹ và nói chung công luận, các chính trị gia và công dân trên toàn cầu.
"Ông Trump khi bị đặt rất nhiều vấn đề như thế, thì ông bao giờ cũng đặt vị thế của mình đối ngược với báo chí và cho rằng cái gì mà ông Trump không đồng ý là đều là bịa đặt, và ông không chỉ phát biểu với tư cách cá nhân mà thực ra trước công luận và trước báo chí.
"Cách đây ba ngày, hôm 16/2, cho tới giờ chót, ông quyết định một cuộc họp báo, kêu gọi báo chí toàn thế giới lại để chỉ làm một việc một tiếng rưỡi đồng hồ mà chưa có một cuộc họp báo nào 'vô tiền, khoáng hậu' từ xưa tới giờ của Tổng thống Mỹ mà kêu gọi báo chí để để mắng mỏ và chỉ trích báo chí là không phục vụ ông và chỉ tìm cách đánh đổ ông", ông Nguyễn Đức An nói với BBC.
Vợ chồng Tổng thống Trump xuất hiện trong một buổi họp mặt chính trị ở Florida hôm 18/2/2017.
Tuy nhiên, cũng trên một số mạng xã hội và bộ phận truyền thông Mỹ ít nhiều được cho là thân thiện và ủng hộ ông Trump, một số ý kiến cho rằng tân Tổng thống và nội các, cộng sự đã và đang làm được nhiều việc tốt và quan trọng cho đất nước.
Các ý kiến này cho rằng Tổng thống đã giữ lời hứa về đảm bảo việc làm cho người dân Mỹ, giảm tải các quy định giúp giải phóng sức sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, quan tâm tốt hơn đến chống nhập cư ồ ạt và đảm bảo an toàn, an ninh nội địa trước các nguy cơ khủng bố. Ngoài ra, ông còn giúp cho vị thế của nước Mỹ được coi trọng hơn ở khu vực cũng như trên trường quốc tế (so với thời Barack Obama).
Bản thân Tổng thống Trump tự đánh giá là ông đáng được cảm ơn vì đã làm được nhiều việc có ý nghĩa và quan trọng.
"Ít thấy ai cảm ơn tôi, nhưng chính Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một người tuyệt vời, trong một cuộc gặp với tôi mới đây đã cảm ơn tôi vì nhờ tôi mà ông ấy và nước Nhật đã giảm được chi phí mua phi cơ chiến đầu của Mỹ"...
Về nội bộ Nhà trắng, ông Donald Trump nói :
"Mọi việc đang diễn ra rất êm thấm ở Nhà trắng", Tổng thống tự đánh giá trước một đám đông quần chúng ủng hộ ông tại một buổi họp mặt ở Melbourne, Florida, vốn có dáng đáp của một 'cuộc vận động bầu cử' mà trong suốt hơn một năm vừa qua đã gắn kết ông cùng khối cử tri, quần chúng trên đất nước Mỹ đã đưa ông lên cầm quyền.
Quốc Phương