Nhất cử nhất động của doanh nhân tổng thống Mỹ đều bị theo dõi và phê phán. Theo giới phân tích, chính quyền Donald Trump dự tính thay đổi phương pháp thống kê thương mại với thâm ý làm tăng ảo tỷ số thâm thủng cán cân thương mại và để gây sức ép với Quốc Hội ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch.
Tổng thống Donald Trump (trái) làm việc với giám đốc Cơ quan quản lý ngân sách Mick Mulvaney (giữa) và bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin (phải) tại Nhà Trắng Washington ngày 22/02/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Theo nhật báo tài chính Wall Street Journal, một phương pháp mới để đo lường thâm thủng trao đổi thương mại đã được chính quyền Trump sử dụng. Tuần qua, các cơ quan đại diện Mỹ về ngoại thương đã phải cung cấp số liệu về cán cân thương mại qua cách tính mới.
Cụ thể là trong báo cáo, phần "tái xuất khẩu" hàng hóa không còn xuất hiện trong thống kê. Nói cách khác, những mặt hàng như xe hơi của Mỹ, chế tạo tại Mexico, quá cảnh tại Mỹ, bán sang Canada hay ở các nước khác không còn nằm trong danh sách hàng xuất khẩu. Một khi các loại hàng hóa tái xuất khẩu bị đưa ra khỏi thống kê xuất-nhập thì tự nhiên mức thâm thủng thương mại của Mỹ tăng vọt lên một cách giả tạo. Tỷ lệ nhập siêu sẽ còn tăng thêm nếu hàng tái xuất chỉ bị hủy bỏ ở cột "xuất" mà vẫn giữ nguyên ở cột "nhập".
Theo AFP, lối tính mới này đã gây ra một làn sóng tranh cãi tại Mỹ. Một số nghị sĩ đồng ý thì cho rằng phương pháp thống kê mới phản ảnh thực tế tình trạng mậu dịch của Hoa Kỳ. Trái lại những người khác thì tố cáo thâm ý của tổng thống Donald Trump là muốn dùng những số liệu phóng đại này để thuyết phục lập pháp ủng hộ chủ trương "nước Mỹ trước đã" của lãnh đạo hành pháp.
Phá NAFTA
Chuyên gia Lori Wallach của tổ chức cấp tiến Public Citizen thẩm định : Với cách tính này, nhập siêu giữa Mỹ và Mexico, sẽ tăng từ 60 tỷ đôla lên 109 tỷ. Tổng thống Donald Trump sẽ khai thác " con số được trang điểm " này để thuyết phục thêm một số nghị sĩ chống Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA. Cùng phân tích này, cựu bộ trưởng Thương Mại Larry Summers thời tổng thống Bill Clinton cho rằng đây là một phương pháp thống kê "ngu xuẩn, bất lương và nguy hiểm" nhằm khuyến khích xu hướng bảo hộ mậu dịch.
Chơi dao đứt tay
Theo chuyên gia Caroline Freund của Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson Institut for International Economics ở Washington, nếu không tính lượng hàng tái xuất khẩu thì mức thâm thủng của kinh tế Mỹ sẽ được phóng đại một cách phi lý. Dù vậy, không có gì bảo đảm là phương pháp thống kê mới sẽ giúp tổng thống Donald Trump đạt được mục tiêu. Trái lại, nó có thể là đòn "gậy ông đập lưng ông". Thao túng số liệu sẽ làm chính quyền Trump mất uy tín.
Được AFP đặt câu hỏi, bà Jeannine Aversa, phát ngôn viên của phòng phân tích kinh tế, bộ Thương Mại Mỹ bảo đảm là cho đến hôm nay, chưa có đề nghị chính thức nào về việc thay đổi phương pháp thống kê.
Trong suốt mùa tranh cử, Donald Trump luôn chỉ trích một cách thô bạo các số liệu thống kê chính thức từ tỷ lệ thất nghiệp cho đến kết quả bầu cử hay là số lượng ủng hộ viên tham gia lễ nhậm chức của ông.
Liệu chính quyền Trump có thể ngụy tạo các số liệu chính thức hay không ? Katherine Wallman, nguyên là người trách nhiệm về thống kê của Nhà Trắng cho rằng chủ nhân mới không làm gì được vì có nhiều chốt phối kiểm. Tuy nhiên, bà cảnh báo : Với chủ trương cắt giảm ngân sách dành cho các cơ quan thu thập dữ liệu, chất lượng của thống kê cũng sẽ giảm theo.
Tú Anh
**********************
EU hoang mang vì thông điệp của Tòa Bạch Ốcb (VOA, 22/02/2017)
Cố vấn cấp cao cho Tổng thống ông Steve Bannon.
Trong tuần lễ trước chuyến viếng thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Brussels với lời hứa Mỹ giữ cam kết "lâu dài và bền vững" đối với Liên hiệp Châu Âu, chiến lược gia trưởng của Tòa Bạch Ốc Steve Bannon đã gặp một nhà ngoại giao Đức và đã chuyển đi một thông điệp khác, các nguồn thạo tin cho Reuters biết.
Những người này nói ông Bannon cho Đại sứ Đức tại Washington biết là ông xem Liên hiệp Châu Âu là một cơ cấu có nhiều khuyết điểm và ông muốn có những mối liên hệ với Châu Âu trên căn bản song phương.
Ba người được nghe thuyết trình về cuộc gặp này nói với Reuters với điều kiện ẩn danh vì tính cách nhạy cảm của vấn đề. Chính phủ Đức và Đại sứ Peter Wittig, từ chối bình luận nêu lý do về tính cách bí mật của cuộc thảo luận.
Một giới chức Tòa Bạch Ốc kiểm chứng với ông Bannon đáp yêu cầu bình luận của Reuters xác nhận có cuộc gặp này nhưng nói tin cung cấp cho Reuters là không chính xác. Giới chức này nói "Họ chỉ nói chuyện với nhau khoảng 3 phút, và chỉ chào nhau mà thôi".
Trong khi các nguồn tin cho biết cuộc gặp ấy dài hơn và ông Bannon đã nhân cơ hội này thể hiện quan điểm của mình về thế giới. Nguồn tin này cho hay thông điệp ông Bannon đưa ra tương tự như ông đã nêu lên trong một hội nghị Vatican vào năm 2014 khi ông đang điều hành một trang web cánh hữu Breitbart News. Lúc bấy giờ, phát biểu qua Skype, ông Bannon tỏ vẻ ủng hộ các phong trào dân túy Châu Âu và mô tả về những khao khát dân tộc chủ nghĩa trong lòng những người "không tin vào Liên minh xuyên Châu Âu này". Lúc đó, ông Bannon còn tuyên bố Tây Âu được xây dựng trên nền tảng "các phong trào dân tộc mạnh mẽ" và rằng đó là điều "có thể giúp chúng ta tiến tới".
Cuộc gặp vừa rồi không làm cho những người trong chính phủ Đức lay chuyển, một phần vì một số giới chức hy vọng là ông Bannon có thể đã dịu bớt quan điểm khi bắt đầu nhiệm sở và đưa ra thông điệp uyển chuyển hơn về Châu Âu trong những cuộc gặp riêng tư.
Một nguồn tin được thuyết trình về cuộc gặp nói cuộc họp đã xác nhận quan điểm rằng Đức và các đối tác Châu Âu phải chuẩn bị cho một chính sách "thù nghịch đối với Châu Âu".
Một nguồn tin thứ hai bày tỏ lo ngại, căn cứ trên sự tiếp xúc của ông đối với chính quyền, rằng vai trò của Liên hiệp Châu Âu trong việc đảm bảo hòa bình và thịnh vượng EU thời hậu chiến không được đánh giá cao.