Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/02/2017

Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : Paris báo động nguy cơ tin tặc Nga

RFI tiếng Việt

Tại Mỹ, ba tháng sau khi đắc cử, tổng thống Donald Trump vẫn phải tiếp tục cải chính cáo buộc nhờ "chiến tranh mạng" của Nga. Tại Pháp, ban vận động của ứng viên Emmanuel Macron, nạn nhân của hàng loạt vụ tấn công vi tính, tố cáo chiến dịch tuyên truyền của báo chí thân điện Kremlin ủng hộ hai ứng cử viên cánh hữu và cực hữu, François Fillon và Marine Le Pen, cả hai đều chủ trương hoà hợp với Nga. Tổng thống Pháp đòi được phúc trình chi tiết về mối đe dọa này trong khi điện Kremlin vội vàng phủ nhận trách nhiệm.

tintac1

Nỗi lo tin tặc phá hoại đang bao phủ chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp. Ảnh minh họa.Reuters

Sau Hoa kỳ, phải chăng đến lượt nước Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung nằm trong tầm nhắm "khuynh đảo" của Moskva ? Ông Alix Desforges, chuyên gia chống tin tặc của Castex de Cyberstratégie, phân tích chiến thuật, mục tiêu của loại chiến tranh "khuynh đảo mới", thuộc loại khó chống đỡ, mà công chúng chỉ thấy phần nổi của tảng băng.

Tổng thống Pháp lo ngại

"Trong tháng 01/2017, chúng tôi bị 2000 vụ tấn công từ những tin tặc có phối hợp. Những cuộc tấn công này đến từ biên giới Nga". Trên đây là lời tố cáo của Richard Ferrand, giám đốc vận động tranh cử của ứng viên Emmanuel Macron, hôm 14/02/2017. Ông dẫn chứng hàng loạt vụ xâm nhập vào hệ thống máy vi tính của phong trào Tiến Bước (En Marche) của cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp.

Chính phủ Pháp phản ứng ngay lập tức. Hôm sau, tại Quốc Hội, ngoại trưởng Jean Marc Ayrault tuyên bố "nhìn những gì xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nước Pháp phải bảo vệ tiến trình dân chủ và không chấp nhận mọi hành động can thiệp vào bầu cử tổng thống" vào tháng Tư và tháng Năm năm nay. Cùng ngày, tổng thống Pháp François Hollande yêu cầu giới hữu trách báo cáo "đầy đủ tình tiết" về nguy cơ bầu cử bị đánh phá cũng như các biện pháp cảnh giác và bảo vệ.

Khác với chính quyền Mỹ trước - giám đốc An Ninh Quốc Gia James Clapper và tổng thống Barack Obama, trước khi mãn nhiệm kỳ, gọi đích danh Nga là thủ phạm tin tặc và đã ban hành một số biện pháp trừng phạt và trục xuất hơn 30 nhân viên ngoại giao Nga - tổng thống Pháp không đề cập đến xuất xứ hay bản chất của mối đe dọa này. Cho dù Paris không chính thức lên án chính quyền Nga, nhưng mọi cặp mắt đều nhìn về Moskva.

Chuyên gia Alix Desforges lần lượt trả lời các câu hỏi của chương trình Décriptage của RFI :

RFI : Ban tham mưu của ứng cử viên Emmanuel Macron cho biết bị tin tặc tấn công. Cụ thể, những loại nguy cơ nào đe dọa tiến trình bầu cử tổng thống Pháp ?

Alix Desforges : Chính phủ Pháp lo ngại nhiều loại tấn công. Ít nhất là có hai loại : Trước hết như ban tham mưu của ứng cử viên Emmanuel Macron nói bên trên, tin tặc xâm nhập vào máy chủ để đánh cắp thông tin, dữ kiện và phát tán. Đó là trường hợp đảng Dân Chủ của Mỹ bị tấn công trong kỳ bầu cử vừa qua.

Tin tặc cũng có thể đánh cắp thông tin rồi để đó, chờ sau này sử dụng. Họ nắm bắt trước lập trường của một đảng nào đó về một hồ sơ nào đó để phòng hờ khi phải đàm phán với chính quyền do đảng này thành lập, sau khi đắc cử. Những thông tin đánh cắp bây giờ rất hữu ích trong tương lai.

Tin tặc cũng có thể đánh cắp tài liệu liên quan đến nguồn tài chính của một ứng cử viên, thư điện tử và lập luận trao đổi giữa các thành phần cốt cán để từ đó có thể bắt chẹt ứng cử viên.

RFI : Phong trào Tiến Bước của ứng viên Emmanuel Macron nói đến tin đồn từ các trang báo mạng của Nga như Russia Today và Spuknik. Là một chuyên gia an ninh mạng, bà có quan tâm đến hình thức tấn công này không ?

Alix Desforges : Tuy chuyên môn của chúng tôi là nghiên cứu về tin tặc nhưng hai hình thức tấn công này liên quan mật thiết với nhau và gây ra những hệ quả dây chuyền. Một vụ tấn công của tin tặc nếu thành công sẽ tác động đến kinh tế, chính trị và địa chính trị. Một thí dụ điển hình mà chúng ta đã biết, đó là vụ công ty điện ảnh Sony Pictures bị đánh cắp một kịch bản phim đã đưa đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.

RFI : Tại sao người ta nói nhiều đến hiện tượng tin tặc trong thời gian gần đây. Quy mô của chiến tranh mạng như thế nào ?

Alix Desforges : Điều chắc chắn là trong nhiều năm qua số lượng vụ tin tặc gia tăng không ngừng nhưng công chúng không biết nhiều. Chúng ta chỉ thấy phần nổi của tảng băng sơn vì có rất nhiều vụ tấn công mà công chúng không biết. Ngay chính nạn nhân cũng không hay biết.

Song song với nhịp độ tấn công gia tăng là sự tham gia của truyền thông và mạng xã hội chụp lấy, khai thác và phổ biến những tin giựt gân làm cho dân chúng chú ý, quan tâm. Cuối cùng là do mức độ nguy hại khiến cho Nhà nước phải can thiệp, lên tiếng cảnh giác về những mối đe dọa mới nầy và mới được nhận dạng.

Lá chắn điện tử bảo đảm an toàn bầu cử

RFI : Ông Louis Gautier, trợ lý thủ tướng Pháp về quốc phòng và an ninh quốc gia, tuyên bố là cuộc bầu cử sắp tới đây sẽ an toàn, không thể nào bị tin tặc phá hoại. Có thật vậy không ?

Alix Desforges : Đúng như ông ấy nói, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới được bảo vệ an toàn. Các máy móc điện tử cũng như kết quả bầu phiếu của cử tri ở hải ngoại được chuyển về Paris cũng được bảo vệ. An toàn vi tính 100%. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tác hại của tin đồn, của tuyên truyền đánh phá một ứng cứ viên nào đó. Điều này gọi là "Cyber-khuynh đảo chính trị". Nguy cơ này thì không thể nói là ngăn chận được.

Vấn đề là giới chuyên môn không thể kết luận là tác hại này nguy hại đến mức độ nào. Chẳng hạn như chiến thắng của Donald Trump và thất bại của Hillary Clinton. Công cuộc nghiên cứu đang diễn ra và chờ kết luận mới rõ được bà Clinton thua là do những yếu tố nào kết hợp lại. Bao nhiêu phần trăm là lỗi của bà ấy và bao nhiêu phần trăm là do tài liệu mật của đảng Dân Chủ bị phát tán, bao nhiêu phần trăm là tin tặc tung tin đồn thất thiệt và những tin đồn này ảnh hưởng như thế nào vào lựa chọn của cử tri. Cho đến bây giờ chúng ta chưa có đủ dữ kiện để trả lời.

RFI : Không riêng gì Washington, tình báo Đức cũng nghi ngờ chính quyền Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới, đánh phá uy tín và chính sách của thủ tướng Angela Merkel. Theo những dữ kiện mà trung tâm nghiên cứu chống tin tặc Castex de Cyberstratégie có được, liệu những nghi ngờ này có cơ sở hay không và vì sao tổng thống Pháp không gọi đích danh nước Nga ?

Alix Desforges : Những lời tố cáo này đáng tin cậy. Nhưng tại sao Pháp dè dặt không gọi đích danh chính quyền Nga ? Để có thể truy ra nguồn cội của một vụ tấn công tin tặc bằng giấy trắng mực đen thì dễ còn bằng công nghệ số thì khó lắm. Trong thế giới gián điệp lừa đảo mà bí mật là nguyên tắc thì gần như không thể nào chứng minh ai là thủ phạm bằng công nghệ số. Nước Pháp quyết định không tố cáo đích danh nước Nga nhưng ai cũng nghĩ chính Nga là thủ phạm.

Vì sao Pháp thận trọng ? Một mặt, Pháp biết không thể sử dụng bằng chứng mã số để buộc tội thủ phạm. Thứ hai vì lý do ngoại giao, Paris không muốn leo thang khẩu chiến và gây chiến tranh với Nga.

Một lý do khác nữa là Nga hiện còn chậm trễ so với Tây phương về khả năng gián điệp mạng. Nếu bây giờ Nga bị tố cáo là thủ phạm thành công đánh phá được hệ thống an ninh mạng của tây phương thì Nga được tiếng : nào là thừa khả năng can thiệp vào một cuộc bầu cử dân chủ ở Tây phương, nào là xứng đáng là một đại cường quốc tế…

Về phần nước Pháp, tổng thống Hollande tỏ ra mập mờ không chỉ tên Nga cũng không nói về những biện pháp phòng vệ là vì ông không muốn đối phương suy đoán hệ thống an ninh chống tin tặc của Pháp để rồi từ đó kiện toàn vũ khí tấn công của họ.

Chuyên gia Alix Desforges nhìn nhận là rất khó có thể kết tội Nga. Thứ nhất, không phải chỉ có chính quyền Nga sử dụng gián điệp mạng. Các nước phát triển mà đứng đầu là Hoa Kỳ, Trung Quốc và kể cả Pháp cũng thế. Cái khó thứ hai là cho dù biết rõ tin tặc phát xuất từ Nga thì cũng không thể kết luận chính xác thủ phạm là ai : là chính phủ Nga, là điện Kremlin hay qua trung gian mafia được tình báo Nga sử dụng. Biết đâu các băng đảng xã hội đen này cũng thừa cơ hội được đèn xanh để "làm ăn riêng".

Trả lời câu hỏi của một phóng viên về sự kiện Nga bị tố cáo khuynh đảo bầu cử Pháp để hậu thuẫn cho những ứng cử viên có lập trường thân Moskva, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã phủ nhận một cách tự tin : Nếu có chứng cớ thì hãy đưa ra !

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 784 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)