Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/02/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Hòa đàm về Syria tại Geneve

RFI tiếng Việt

Hòa đàm về Syria tại Geneve, một trắc nghiệm về quan hệ Trump-Putin

"Syria : Các đối tác của cuộc khủng hoảng quay lại bàn đàm phán tại Genève". Đó là tựa bài viết của báo Le Figaro, nhân dịp các bên liên quan ngày hôm nay, tiến hành vòng đàm phán mới nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Theo tờ báo, sự kiện này là một trắc nghiệm trong quan hệ giữa nguyên thủ Mỹ Donad Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin.

syria1

Donald Trump (T) và Vladimir PutinREUTERS

Đây là lần thứ tư Liên Hiệp Quốc tổ chức đàm phán nhằm tái lập hòa bình cho Syria, nhưng vòng thương lượng lần này diễn ra trong bối cảnh khác hẳn so với trước : Mỹ giảm bớt can thiệp vào Trung Đông, Châu Âu có vai trò mờ nhạt vì không còn lá bài tác động đến cuộc khủng hoảng Syria. Các cường quốc khu vực, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhẩy vào chỗ trống này, nắm lại hồ sơ Syria, tiến hành can thiệp quân sự trên thực địa và tổ chức được cuộc gặp tại Astana, Kazakhstan, giữa Damas và một bộ phận thuộc phe đối lập.

Cuộc gặp ở Astana không đạt được kết quả cụ thể gì, nhưng giúp khẳng định vai trò đỡ đầu của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong hồ sơ Syria. Theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề Syria, Staffan de Mistura, thì "thỏa thuận hưu chiến mới có nhiều cơ may được tôn trọng so với các thỏa thuận hưu chiến trước kia vì các nước đứng ra bảo đảm (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran), có nhiều lợi thế trên thực địa, các binh sĩ của họ hiện diện trên lãnh thổ Syria có thể tác động đến các bên liên quan". Đại diện của Liên Hiệp Quốc ủng hộ quan điểm "chính trị thực tiễn – Realpolitik", nếu chính sách này đi đúng hướng.

Theo Le Figaro, nếu như số phận của tổng thống Syria vẫn gây bất đồng giữa các bên, thì hiện nay, Bachar al-Assad đang ở thế mạnh và không có ý định nhượng bộ. Phe đối lập thì ngày càng bị thu hẹp và không còn được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ nữa.

Trong lúc đó, lập trường của Hoa Kỳ trong hồ sơ Syria vẫn là một ẩn số. Lập trường không rõ ràng, bấp bênh của tân chính quyền Mỹ đe dọa nghiêm trọng cơ may đạt được kết quả trong vòng đàm phán ở Geneve. Sự im lặng của Mỹ cho đến lúc này đã làm đặc phái viên Liên Hiệp Quốc khó chịu. Ông nói :" Hoa Kỳ ở đâu ? Tôi không thể nói với các vị được vì tôi cũng không biết". Đặc phái viên của tổng thống Donald Trump, phụ trách liên minh chống khủng bố Daesh, ông Brett McGurk, đưa ra câu trả lời : "Chúng tôi trở thành quả bóng bàn trong trò chơi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ".

Sự thoái lui của Mỹ trong hồ sơ Syria đã bắt đầu từ thời tổng thống Barack Obama. Theo ông McGurk, tổng thống Obama đã phạm một sai lầm lớn : thay vì sử dụng sức mạnh quân sự, ông Obama muốn dùng các biện pháp chính trị để chống lại Bachar al-Assad và đối đầu với Daesh về quân sự mà không đưa ra giải pháp chính trị nào.

Le Figaro nêu câu hỏi : Donald Trump sẽ khẳng định hay bác bỏ chủ trương này ? Trong khi đó, lãnh đạo tổ chức Human Rights Watch thì than thở : Thượng đế hãy cứu giúp người dân Syria nếu như phải chờ đợi ông Trump đưa ra một giải pháp.

Mexico sẵn sàng đương đầu với một "Donald Trump quá đáng"

Hôm nay, tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đón tiếp ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và bộ trưởng An Ninh Nội Địa Mỹ John Kelly để mở lại các hồ sơ về thương mại, nhập cư, biên giới.

Sau khi tổng thống Mexico tuyên bố nước này không trả tiền xây bức tường ngăn cách biên giới hai nước theo yêu cầu của Donald Trump, chuyến thăm Washington hồi tháng 01/2017 của tổng thống Mexico bị hủy bỏ, Hoa Kỳ và Mexico đã tạm ngưng bàn về các chủ đề nói trên.

Tờ Libération nhận định "Đối mặt với thái độ quá đáng của Trump, Mexico sẵn sàng chiến đấu". Bộ trưởng Thương Mại Mexico thậm chí đã đe dọa là nếu Washington từ chối thương lượng lại về thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ theo hướng có lợi cho tất cả các bên, thì Mexico sẽ không hợp tác với Mỹ nữa trên các hồ sơ nhập cư và an ninh, có nghĩa là Mexico sẽ thả lỏng kiểm soát biên giới, để mặc cho ma túy và người di cư tràn sang Hoa Kỳ.

Việc Mexico phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ về thương mại (80% xuất khẩu của Mexico là sang Mỹ) giải thích tại sao Mexico cần thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ, theo dự kiến sẽ được thương lượng lại vào tháng 06/2017. Trọng tâm của thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ liên quan tới sản xuất công nghiệp cho xuất khẩu, chẳng hạn công nghiệp sản xuất xe hơi mà Mexico đặc biệt thu được nhiều lợi nhuận nhờ có chi phí nhân công rẻ. Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump lại coi đây là canh tranh thiếu lành mạnh của Mexico và yêu cầu hãng xe hơi Ford hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Mexico.

Libération đặt câu hỏi là liệu Mexico có chấp nhận chịu thiệt để Mỹ được hưởng lợi theo logic của Donald Trump ? Các nhà kinh tế của Mexico cho biết là nếu Donald Trump muốn tạo thêm việc làm cho người Mỹ, thì việc hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Mexico là không đủ, mà phải hủy bỏ cả một chu trình sản xuất, kể cả với các nhà cung cấp của Mỹ. Nhưng điều này là không tưởng. Trong khi đó, kể cả trong tương lai, nếu các nhà đầu tư Mỹ tập trung vào thị trường nội địa thì các dây chuyền lắp ráp xe hơi cũng được tự động hóa. Điều đó có nghĩa là về mặt công ăn việc làm, cả hai nước đều chịu thiệt.

Còn người dân Mexico, vốn không còn tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của mình, thì đặt cược vào sai lầm của Donald Trump. Họ nói rằng sai lầm của Trump sẽ khiến Mexico khoái trí.

Nhật Bản : Con của những nạn nhân bom nguyên tử đòi Nhà Nước trợ cấp xã hội và chăm sóc y tế

72 năm sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật, trong mấy ngày qua, 47 người Nhật có cha mẹ bị nhiễm xạ trong vụ nổ bom nguyên tử năm 1945 tại hai thành phố này đã cùng nhau kiện Nhà nước Nhật. Họ đấu tranh để được hưởng chế độ giống như chế độ trợ cấp xã hội và chăm sóc y tế dành cho nạn nhân trực tiếp của vụ nổ bom nguyên tử. Đây là chế độ mà cha mẹ họ - những người được gọi là thế hệ "Hibakusha" được hưởng.

Bà Katsushiro Hirano, đại diện cho thế hệ "Hibakusha" thứ hai cho thông tín viên của báo La Croix tại Tokyo biết họ đã đấu tranh từ năm 1970 để Nhà nước Nhật có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của con cái nạn nhân còn sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, nhưng không đạt được kết quả. Thế hệ "Hibakusha" thứ hai hiện đã khoảng 60 tuổi và đối với họ, thời gian không còn nhiều. Những người này rất lo lắng là việc cha mẹ họ bị nhiễm phóng xạ để lại hậu quả xấu tới sức khỏe của họ và thế hệ con cháu của họ sau này.

Đằng sau nỗi sợ hãi triền miên này của thế hệ "Hibakusha" thứ hai là câu hỏi mà khoa học vẫn chưa có lời giải đáp chính thức. Ông Akira Hashizume, giám đốc cơ quan nghiên cứu về hệ quả của phóng xạ, nằm dưới quyền đồng quản lý của chính phủ Nhật và Mỹ cho biết chưa tìm thấy bằng chứng về hậu quả của nhiễm xạ lên thế hệ thứ hai nhưng đảm bảo với báo chí là sẽ tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này.

Nhưng tuyên bố này không làm thế hệ "Hibakusha" thứ hai hài lòng. Mọi người lo lắng khi biết rằng các thí nghiệm trên chuột đã chỉ ra rằng nhiễm xạ được di truyền sang thế hệ sau. Điều duy nhất thế hệ "Hibakusha" thứ hai có thể làm lúc này là kiên nhẫn chờ đợi phán quyết của tư pháp.

Cúm gia cầm : Trung Quốc lo ngại về biến thể của virus H7N9

Dịch cúm gia cầm do virus H7N9 đã làm 87 người chết tại Trung Quốc trong vòng chỉ có 2 tháng qua. Báo Le Monde cho biết : "Một biến thể của virus H7N9 đã được phát hiện tại Trung Quốc". Việc phát hiện H7N9 biến thể tại Quảng Đông lại càng làm các quan chức y tế Trung Quốc lo ngại vì biến thể này có thể sẽ làm tăng độc lực của virus lên gia cầm.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về cúm và các dịch bệnh mới thuộc Đại học Hồng Kông giải thích là virus H7N9 chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và hô hấp của gia cầm, nhưng H7N9 biến thể lại có thể tác động tới tất cả các cơ quan trong cơ thể gia cầm, tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho gia cầm, và vì thế mà cũng tăng nguy cơ lây bệnh từ gia cầm sang con người.

Hồi tháng 01/2017, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc đã báo cáo lên tổ chức Y Tế Thế Giới sau khi phát hiện biến thể của virus H7N9 trên hai bệnh nhân ở tỉnh Quảng Đông.

Biến thể của virus H7N9 hiện vẫn chưa được nghiên cứu nhiều trong phòng thí nghiệm, nhưng theo quan sát ban đầu, biến thể này không làm tăng nguy cơ lây nhiễm từ người sang người. Nhưng để đề phòng, những người đã từng tiếp xúc với hai bệnh nhân bị nhiễm virus H7N9 biến thể vẫn đang được theo dõi.

Chicago : Những năm tháng "súng đạn"

"Chicago : Những năm tháng "súng đạn"" là tiêu đề một bài viết trên tờ Le Monde. Trong mấy tuần đầu của tháng 02/2017, 5 người đã bị bắn chết và khoảng 20 người bị thương tại thành phố bạo lực có 2,7 triệu dân này. Tính từ ngày 01/01/2017 tới ngày 20/02/2017, đã có tới 90 người bị giết chết và 380 người bị thương. Nếu nhịp độ chết chóc này vẫn tiếp tục, thì năm 2017 sẽ đẫm máu không kém năm 2016. Năm ngoái, tổng cộng 784 người dân Chicago chết vì bạo lực và tới 4.000 người bị thương. Đây là con số cao kỷ lục từ suốt hơn hai thập kỷ qua.

Phần lớn các vụ bạo lực diễn ra ở những khu phố nghèo phía nam và tây thành phố. Và nạn nhân chủ yếu là người da đen, những người chiếm tới 31% dân số Chicago. Le Monde cho biết là trong hơn ba phần tư tổng số vụ giết người, thủ phạm không hề bị trừng trị. Đối với các vụ xả súng không có người thiệt mạng, tỉ lệ phá án chỉ là 5%. Đôi khi, cảnh sát còn không thèm tới xem xét hiện trường.

Chẳng phải vô cớ mà người dân thành phố gọi Chicago là "Chiraq". Đây là lối nói ghép rút gọn của hai từ Chicago và Iraq, với hàm ý tình trạng mất an ninh ở Chicago cũng tồi tệ chẳng kém gì chiến tranh ở Iraq.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 654 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)