Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tỷ phú Donald Trump thắng cử trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 được dư luận quốc tế nhìn nhận như là một thách thức mới cho quan hệ Mỹ-Trung, vốn đã trải qua sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trên một số vấn đề ngoại giao, Trung Quốc có thể sẽ tìm được lợi thế với nhiệm kỳ tổng thống của đảng Cộng hòa.

duocmat1

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/06/2019. AP - Susan Walsh

Chính quyền Trung Quốc chắc chắn đang chuẩn bị đối phó với 4 năm nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của Donald Trump với không ít lo lắng trước nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại và vấn đề Đài Loan.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh hoàn toàn ý thức được những thách thức và cả cơ hội đối với Trung Quốc đặt ra sau chiến thắng của ông Trump. Trong thông điệp chúc mừng ông Trump đắc cử tổng thống hôm 07/11, lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng "mối quan hệ xung đột (Trung-Mỹ) sẽ gây tổn hại cho tất cả, trong khi lịch sử cho chúng ta thấy hợp tác có lợi cho cả hai nước". Sự hợp tác mà Bắc Kinh mong muốn có thể sẽ là điều hiếm hoi trong nhiệm kỳ tới đây của Donald Trump. Mikko Huotari, phó giám đốc Mercator Institute for China Studies (Merics), một cơ quan tư vấn lớn về Trung Quốc tại Châu Âu, hôm thứ Năm tuần qua đã nhận định, "đường lối chủ đạo trong chính sách với Trung Quốc của chính quyền Trump tới đây sẽ còn cứng rắn hơn".

Nhiều dấu hiệu như vậy được giới quan sát dự báo qua những nhân vật được cho là những người thân cận với tổng thống đắc cử trong chiến dịch tranh cử vừa rồi. Mặc dù chưa có sự lựa chọn chính thức nào được thông báo nhưng giới quan sát đã thấy trong vòng thân cận nhất của Donald Trump "không thiếu những nhân vật diều hâu, cứng rắn với Trung Quốc", Zeno Léoni, chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại Trường King’s College London nhận xét. Gần đây báo chí nhắc nhiều đến cái tên Robert Lighthizer, người từng là cố vấn về thương mại của Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu và bị Bắc Kinh coi là kẻ thù của Trung Quốc. Nhân vật "diều hâu" này có nhiều khả năng trở lại chính quyền Trump 2.0.

Lập trường cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc trước tiên có thể sẽ là trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể là thuế hải quan. Nhiệm kỳ trước, Donald Trump đã khai chiến thương mại với Trung Quốc thứ vũ khí này, áp thuế 20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Lần này ông Trump hứa trong chiến dịch tranh cử sẽ còn tăng thuế lên 60% đánh vào tổng thể hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Việc trừng phạt các công ty xuất khẩu của Trung Quốc theo cách này sẽ là một đòn rất nặng nề đối với kinh tế Trung Quốc, đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, mối đe dọa về thuế hải quan 60% có thể là "điểm khởi đầu cho một cuộc đàm phán", chuyên gia Zeno Leoni nhận định. Donald Trump có thể không đẩy cao mức thuế đến mức đó, vì như vậy sẽ làm giá cả tiêu dùng ở Hoa Kỳ tăng mạnh. Trên thực tế, các hộ gia đình Mỹ giờ đây tiêu thụ đa số các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc hoặc có chứa các chi tiết Trung Quốc.

Có điều, Donald Trump không theo logic đó, theo tổng thống tỷ phú này thì việc giảm thuế cho tầng lớp giầu có và các tập đoàn lớn sẽ kích thích họ đầu tư mạnh vào nền kinh tế Mỹ và góp phần giữ giá và tạo ra nhiều sản phẩm Mỹ, trên thị trường.

Theo chuyên gia Mikko Huotari cuộc xung đột thương mại mới cũng có nguy cơ trở nên dữ dội hơn vì lần này, "Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn và sẵn sàng hơn để đáp trả bằng cách nhắm vào các công ty cụ thể". Nếu cần, Bắc Kinh rất có thể gây áp lực lên Elon Musk, một đồng minh lớn của Donald Trump, bằng cách gây trở ngại cho sự phát triển sản xuất xe hơi điện Tesla, ở Trung Quốc.

Nếu như đã chuẩn bị hứng đòn kinh tế của Washington, thì Bắc Kinh "có thể hy vọng tận dụng nhiệm kỳ thứ 2 của Donald Trump, về mặt ngoại giao", chuyên gia Zeno Léoni nhận xét. Đang đắc thắng với chủ trương biệt lập, liệu tổng thống Trump có để Trung Quốc tự do mở rộng ảnh hưởng ? Để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc tại Châu Á , chính quyền "Joe Biden đã mất nhiều công sức để tạo được mạng lưới các liên minh, các hiệp ước phòng thủ với các đồng minh trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc". Trong khi đó, mọi người đều đã thấy Donald Trump là người không thích thú gì với các mối quan hệ đồng minh, mà theo ông chỉ gây tốn kém cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, có những hồ sơ mà Trung Quốc có thể hy vọng giành được lợi thế. Đầu tiên là vấn đề gai góc Đài Loan. Zeno Leoni lưu ý : Không thể biết chiến lược của nhiệm kỳ tổng thống Trump tới đây sẽ là gì và trong chiến dịch tranh cử, ông ấy đã đưa ra những tuyên bố có thể gây nghi ngờ về cam kết của ông ấy với hòn đảo này". Ông phàn nàn rằng Đài Loan đã "đánh cắp" thị trường bán dẫn chiến lược từ Mỹ. Ông cũng gợi ý rằng vùng lãnh thổ mà Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền nên "trả tiền để được Mỹ bảo vệ".

Điều này có thể hiểu đó là cách gợi ý rằng số phận của đảo Đài Loan là có thể thương lượng với điều kiện một cái giá nào đó. Khả năng này, nếu có, Bắc Kinh chắc sẽ không ngại thương lượng với Washington. Tuy nhiên theo chuyên gia Zeno Léoni được trích dẫn ở trên, "chiến lược của Mỹ với Đài Loan đã hằn sâu bằng tính liên tục đến mức ngay cả Donald Trump có lẽ cũng không thể lật ngược lại được".

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 11/11/2024

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Diễn đàn


Nhiều công ty đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á do lo ngại mức thuế cao mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ áp đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

dongnama1

Công nhân tại nhà máy sản xuất xe điện của BYD (Trung Quốc) ở thành phố Rayong, Thái Lan

Sự dịch chuyển này thực chất đã xảy ra trước khi cuộc bầu cử có kết quả, theo lời các nhà phát triển công nghiệp trong khu vực nói với Reuters.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - cao hơn nhiều so với mức 7,5-25% mà ông đã áp trong nhiệm kỳ đầu tiên. Các nhà quan sát nhận định động thái này đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà phân tích và giám đốc điều hành trong khu vực nói với Reuters rằng các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia sẽ hưởng lợi lớn từ sự dịch chuyển nhà máy này, đặc biệt trong các ngành xe hơi, điện tử.

Những nhà phát triển, xây dựng khu công nghiệp Đông Nam Á đang tuyển thêm người nói tiếng Trung cũng như chuẩn bị mặt bằng trống cho các nhà máy mới. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy ông Trump - người sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025 - có thể tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội lớn cho Đông Nam Á

Khi ông Trump bắt đầu chiến dịch vận động cho cuộc đua năm nay, tập đoàn WHA - một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Thái Lan - đã nhận hàng chục cuộc gọi từ các khách hàng ở Trung Quốc.

"Đã có một đợt dịch chuyển (2017-2021) tới Đông Nam Á, nhưng lần này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn", CEO của WHA Jareeporn Jarukornsakul trả lời Reuters.
WHA đang tuyển thêm người nói tiếng Trung vào các nhóm giám sát việc bảo trì và quản lý các khu công nghiệp trải dài trên diện tích hơn 12.000 ha tại Việt Nam và Thái Lan.

Ông Vikrom Kromadit, người sáng lập và chủ tịch của tập đoàn bất động sản Amata, cho biết trong số 90 nhà máy đã mở cửa trong năm 2024 tại các khu công nghiệp do Amata điều hành, khoảng 2/3 là các công ty chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ "giáng đòn" mạnh vào Trung Quốc, theo ông Vikrom Kromadit. Vị chủ tịch Amata nói thêm rằng lượng khách hàng từ Trung Quốc muốn chuyển đến các khu công nghiệp của Amata trên khắp Đông Nam Á có thể tăng gấp đôi trong lần dịch chuyển này.

Ông cho biết trong tháng này sẽ khởi công một khu công nghiệp Amata ở Lào, nơi Trung Quốc đã làm một tuyến đường sắt cao tốc nối thành phố Côn Minh ở miền tây nam Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào.

"Chúng tôi muốn có nhiều khoản đầu tư từ Trung Quốc để có hàng bán cho Mỹ. Tôi tin rằng điều này sẽ xảy ra. Cả Mỹ và Trung Quốc đều yêu mến chúng tôi nên chúng tôi không cần phải chọn phe", Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan nói với báo giới vào hôm 7/11.

Malaysia cũng có thể hưởng lợi lớn từ sự sắp xếp lại của chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Sự thay đổi này có thể mang đến cho Malaysia những cơ hội mới để nắm thị phần lớn hơn trong xuất khẩu sang Mỹ cũng như các thị trường quan trọng khác", Soh Thian Lai, Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia, nói với Reuters.

Lợi và hại đối với Việt Nam

dongnama2

Người dân đi làm ở khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang - Linh Pham/Bloomberg

Sự dịch chuyển này vừa đem đến cơ hội nhưng cũng mang tới rủi ro cho Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nhà phân tích Robert Law, Giám đốc Tư vấn và Thông tin chi tiết của Asialink Business thuộc Đại học Melbourne (Úc), nhận địn với BBC vào cuối tháng 10/2024 :

"Trump đã tuyên bố áp mức thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 20% với các nơi khác. Sự di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, vốn đã xảy ra trước đó, có thể được đẩy mạnh hơn nữa.

Tuy nhiên, không thể nói trước chắc chắn điều gì bởi sự khó lường của Trump. Có thể ông ấy sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Ông ấy cũng có thể nhắm đến Việt Nam và Mexico nếu nghĩ rằng các nước này đang được sử dụng như bên thứ ba để các công ty Trung Quốc lách thuế".

Việt Nam đã chứng kiến làn sóng đầu tư và di dời nhà máy từ Trung Quốc mạnh mẽ từ khi ông Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu.

Trong chín tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là nước dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ hai về vốn đầu tư với hơn 3,2 tỷ USD, theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Việt Nam cũng ghi nhận xuất khẩu sang Mỹ tăng cao trong những năm trở lại đây. Theo Tổng cục Thống kê, xuất siêu sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm đạt 86,1 tỷ USD, hơn 26,9% so với cùng kỳ 2023.

Trong 10 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính tới hết tháng 9/2024, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ tư tới Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Mexico.

Trước cuộc bầu cử Mỹ, hai quan chức cấp cao của Việt Nam nói với Reuters rằng Việt Nam muốn duy trì nguyên trạng trong chính sách thương mại, điều mà họ mong đợi dưới thời một tổng thống Dân chủ khác, thay vì sự khó đoán của ông Trump.

Tiến sĩ Benjamin Sacks chuyên về chính sách và địa chính trị từ RAND Corporation cũng đồng tình với điều này.

Nhận định với BBC vào đầu tháng 11/2024, ông Sacks cho rằng Hà Nội có thể muốn làm việc với chính quyền của Đảng Dân chủ hơn vì trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, mối quan hệ song phương về mặt kinh tế đã xấu đi khi ông Trump cho rằng Việt Nam lạm dụng thương mại với Mỹ để trục lợi.

Trong khi đó, Tổng thống Biden đã đảo ngược nhiều chính sách bảo hộ của người tiền nhiệm.

Năm 2019, tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump đã tỏ thái độ không hài lòng vì thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam đối với Mỹ. Trả lời phỏng vấn với Fox về việc liệu ông có muốn áp thuế đối với Việt Nam không, ông nói :

"Việt Nam gần như là quốc gia tệ nhất - nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc - nhưng gần như là quốc gia lạm dụng [thương mại] tồi tệ nhất".

Các nhà quan sát nhận định Việt Nam có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của các biện pháp bảo hộ mà ông Trump có thể đề ra trong nhiệm kỳ thứ hai, đặc biệt ở các ngành dệt may, điện tử, sản xuất đồ nội thất và chịu tổn hại to lớn.

Nhận xét về ưu và nhược điểm của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, ông Robert Law nói :

"Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua mạng lưới rộng lớn các hiệp định thương mại và tự hào với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng chi phí lao động cao hơn so với Ấn Độ.

Cơ sở hạ tầng còn kém phát triển so với các nền kinh tế ASEAN tiên tiến như Malaysia và Thái Lan, dù rằng chính phủ Việt Nam đang tập trung cải thiện. Năng lực tiếng Anh cũng thấp hơn Ấn Độ, Malaysia hoặc Philippines nhưng trí thông minh nhân tạo (AI) có thể giúp khắc phục thách thức này trong những năm tới".

Nguồn : BBC, 11/11/2024

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Quốc tế

Mặc dù đã đưa ra những lời đe doạ nhưng việc Tổng thống Trump ngừng tài trợ cho WHO thực sự giúp ích cho Trung Quốc trong chiến lược mới đầy tinh vi của nước này nhằm tạo dựng ảnh hưởng.

who0

Tổng thống Trump đã quyết định ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với cáo buộc rằng tổ chức này đã nhún nhường Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19 khi khen ngợi sự minh bạch của Chính phủ Trung Quốc và mặc nhiên chấp nhận các tuyên bố của Bắc Kinh như virus SARS-CoV-2 không thể lây từ người sang người. Trump cho rằng WHO đã quá ưu ái Trung Quốc.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng động thái này là hành vi né tránh trách nhiệm, một kiểu đe doạ hay một biểu hiện của chủ nghĩa cô lập thiển cận mang phong cách đặc trưng của Trump. Tuy nhiên, đối với những người đã và đang theo dõi sát sao các hoạt động ngày một tích cực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, việc WHO tôn trọng Trung Quốc chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên. Trên thực tế, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - và Trump đang nhắm thẳng vào đó.

Không thể hiểu được ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với WHO nếu tách rời nó khỏi một chiến dịch dài hơi và trên quy mô rộng lớn hơn nhằm điều chỉnh quỹ đạo quản trị toàn cầu theo hướng thiển cận, ưu tiên lợi ích của các bên tham gia độc đoán.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đưa các công dân của mình vào vị trí lãnh đạo một loạt cơ quan của Liên hợp quốc một cách có hệ thống. Từ năm 2019, Khuất Đông Ngọc – cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc – đã đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc. Năm 2018, Triệu Hậu Lân – ban đầu chỉ là một cán bộ của Bộ Bưu chính viễn thông – đã trúng cử Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế nhiệm kỳ hai, một cơ quan trọng yếu có nhiệm vụ đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các mạng viễn thông. Triệu Hậu Lân đã tận dụng chức vụ của mình để đưa Hoa Vi trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông 5G trên toàn thế giới. Năm 2017, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã bổ nhiệm Lưu Chấn Dân, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào một vị trí chủ chốt trong Vụ Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội - một cơ quan được giao nhiệm vụ xúc tiến chương trình đặc trưng của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy sự phát triển, chống biến đổi khí hậu và giảm bớt tình trạng bất bình đẳng. Ngay cả Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, cơ quan của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm điều tiết hoạt động hàng không toàn cầu do Lưu Phương, một công dân Trung Quốc, đứng đầu cũng đã bị cáo buộc không thông báo cho Đài Loan về kế hoạch phòng chống dịch Covid-19.

Việc các công dân Trung Quốc nắm quyền chi phối những cơ quan chủ chốt của Liên hợp quốc phần nào phản ánh thủ đoạn ngoại giao tinh vi của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy, và vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của nước này. Tuy nhiên, điều này cũng có khả năng là do khoảng trống mà nước Mỹ dưới thời Trump đã để lại sau khi thoái thác vai trò lãnh đạo trước đây của họ trong các tổ chức quốc tế. Khi Trung Quốc tìm cách cải tổ lại Liên hợp quốc và các thể chế quốc tế khác theo hướng có lợi cho mình, họ sẽ để lại một hệ thống toàn cầu đã bị mất cân bằng do thiếu vắng khả năng lãnh đạo vững vàng của Mỹ. Ngay cả giữa đại dịch toàn cầu, Washington vẫn tiếp tục gửi đi những tín hiệu mập mờ về cam kết của họ về chủ nghĩa đa phương.

Trong bối cảnh này, việc Trump quyết định ngừng tài trợ cho WHO không chỉ là hành động nhỏ mọn mà còn phản tác dụng, làm lợi cho Trung Quốc. Việc Mỹ hạ thấp vai trò của mình trong WHO và các tổ chức khác của Liên hợp quốc đồng nghĩa với việc họ sẽ nhường cho Trung Quốc vị trí và tầm ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn. Đây chính là điều mà Trung Quốc mong muốn.

Vì vậy, đối với những người Mỹ hiện đang đổ lỗi cho WHO vì đã không làm tốt hơn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, có một câu hỏi quan trọng cần họ giải đáp : Nếu Mỹ muốn các tổ chức quốc tế hành động theo tiêu chuẩn của Mỹ và phản ánh các giá trị của Mỹ, thì nước này sẽ sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu đến mức nào ?

Không nên bỏ qua việc Trung Quốc lợi dụng dịch Covid-19 để củng cố vị thế quốc tế của mình. Quả thật, khi đại dịch này phá vỡ mọi giả định về cách thức hoạt động của Liên hợp quốc, thì đó có lẽ là cơ hội tốt nhất để Washington tăng cường cam kết về việc đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình. Sẽ là như vậy nếu Tổng thống Mỹ sẵn sàng thay đổi lập trường.

Khi cuộc Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm vào năm 1974, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đứng trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và tố cáo Mỹ theo đuổi bá quyền thế giới. Ông đã cảnh báo về việc các siêu cường như Mỹ khi đó đang gây ảnh hưởng quá lớn đối với Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế khác, cũng như kêu gọi chống lại bất kỳ nước nào đang thiết lập phạm vi ảnh hưởng của mình. Hơn 40 năm sau, Trung Quốc lại làm đúng điều mà họ cáo buộc Mỹ đã làm khi đó.

Trong một bài phát biểu vào tháng 10/2017 tại Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phác hoạ tầm nhìn của ông về việc tích cực tham gia cải cách hệ thống quản trị toàn cầu. Mặc dù ông chỉ đưa ra những nét đại cương về việc dân chủ hóa các mối quan hệ quốc tế và đặt các nước đang phát triển ở vị trí ngang hàng nhau trong hệ thống quản trị toàn cầu, nhưng giới quan sát Trung Quốc hiểu rằng đó là mục tiêu then chốt đã được theo đuổi trong nhiều năm.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã nhanh chóng chuyển sang áp đặt các giá trị của họ đối với các tổ chức quốc tế. Bằng việc kết hợp giữa khéo léo xây dựng liên minh, tính toán thời điểm chiến lược khi đóng góp tài chính và nỗ lực định hình các câu chuyện, Bắc Kinh đã đạt được tiến triển trong việc biến Liên hợp quốc thành một diễn đàn có lợi cho chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của họ, bao gồm việc thúc đẩy lợi ích kinh tế của Trung Quốc, làm xói mòn trật tự dựa trên quy tắc.

Có thể nhận thấy những nỗ lực này ở gần như mọi ngóc ngách của Liên hợp quốc. Ngoài vai trò lãnh đạo trong các cơ quan cụ thể khác nhau như Liên minh Viễn thông quốc tế và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp, Trung Quốc cũng đang điều chỉnh lại các sáng kiến đa phương đặc trưng của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy các mục tiêu hạn hẹp cả về kinh tế và chính trị của nước này. Trung Quốc đang thách thức điều mà họ nhìn nhận là nguyên trạng có lợi cho phương Tây trong các thể chế quốc tế và thay thế nó bằng các chuẩn mực mới (dưới vỏ bọc cải tiến công nghệ). Trung Quốc đang sử dụng sáng kiến "Vành đai và Con đường" đặc trưng của Tập Cận Bình, một nỗ lực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu, như một công cụ vạn năng để đẩy mạnh sự phát triển bền vững (ngay cả khi nó tạo ra công ăn việc làm cho các công ty Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng chính trị của nước này trong thế giới các nước đang phát triển).

Trong Chương trình phát triển Liên hợp quốc năm 2019, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất xây dựng cái gọi là Liên minh Phát triển xanh quốc tế trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" với mục đích xây dựng các tiêu chuẩn, bí quyết và thói quen tốt xung quanh việc bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo rằng sáng kiến "Vành đai và Con đường" mang lại sự phát triển xanh và bền vững trong dài hạn cho tất cả các nước liên quan. Đây là một chiêu quảng bá thông minh, vì các dự án "Vành đai và Con đường" đã hứng chịu nhiều lời chỉ trích vì coi thường các biện pháp bảo vệ môi trường. Nói rộng ra, Trung Quốc đã lấy Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc làm cái cớ để thúc đẩy chiến lược kinh tế "Vành đai và Con đường" của Tập Cận Bình ; Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres khi phát biểu tại Diễn đàn "Vành đai và Con đường" năm 2019 ở Bắc Kinh đã ca ngợi việc gắn kết sáng kiến "Vành đai và Con đường" với Các mục tiêu phát triển bền vững.

Bắc Kinh thậm chí còn tận dụng các gã khổng lồ công nghệ của mình trong nỗ lực xây dựng lại thương hiệu quản trị toàn cầu. Liên hợp quốc gần đây đã đưa ra thông báo rằng họ đang hợp tác với Tencent, công ty phần mềm giám sát lớn nhất Trung Quốc, để tổ chức các hội nghị trực tuyến và các hoạt động thông tin trực tuyến khác liên quan tới lễ kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức này vào tháng 9 tới. Năm 2018, Chương trình phát triển Liên hợp quốc cũng đã hợp tác với Tencent để giải quyết các thách thức về môi trường và đô thị ở những nước đang phát triển thông qua các nền tảng kỹ thuật số kết nối các cơ quan của chính quyền địa phương với các doanh nhân.

Và khi công nghệ của họ đã len lỏi vào toàn bộ tổ chức này, Trung Quốc đã bắt tay với Nga thể chế hóa các chuẩn mực quốc tế xung quanh hoạt động giám sát và kiểm duyệt, bao gồm cả việc thông qua nghị quyết chung của Liên hợp quốc về tội phạm mạng vào tháng 11/2019.

Hầu như chẳng có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh, sau nhiều năm xây dựng nền móng, đã có thể biến dịch Covid-19 từ một sự kiện gây bối rối thành cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của họ tại Liên hợp quốc. Cho dù Trung Quốc ban đầu phủ nhận khả năng virus lây nhiễm từ người sang người và cản trở các chuyên gia của WHO vào nước này, nhưng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn nhiều lần ca ngợi Chính phủ Trung Quốc về phản ứng của nước này trước sự bùng phát của dịch Covid-19. (Có lẽ điều trớ trêu là dù nhận được nhiều tin tức về những bước đi sai lầm của Chính quyền Trump trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng Tedros cũng không chỉ trích phản ứng của Mỹ).

Hẳn là Tedros không muốn bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc xa lánh vào thời điểm ông muốn đưa các điều tra viên của WHO tới Vũ Hán. Tuy nhiên, đối với các cơ quan Liên hợp quốc đang gặp khó khăn, nguồn tài trợ và ảnh hưởng đi đôi với nhau. Tháng 3, chỉ vài tuần trước khi Trump bắt đầu nói về việc cắt tài trợ cho WHO, Trung Quốc đã tuyên bố quyên góp 20 triệu USD cho tổ chức này để chống dịch Covid-19.

Thế nhưng, Trung Quốc đã có ảnh hưởng lớn trong WHO từ rất lâu trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2017, Tedros đã ca ngợi vai trò của sáng kiến "Vành đai và Con đường" trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và nhắc lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc tạo ra "Con đường tơ lụa y tế" để quảng bá mô hình chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc tại các quốc gia thuộc dự án "Vành đai và Con đường". Điều này diễn ra chỉ vài tháng sau khi các đại diện của Ethiopia, quê hương của Tedros, tham dự Diễn đàn "Vành đai và Con đường" lần thứ nhất của Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh, đánh dấu thời điểm đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào Ethiopia trong những năm qua đã đạt đỉnh. Trung Quốc hiện đang thúc đẩy "Con đường tơ lụa y tế" để khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu thông qua việc tiến hành các cuộc trao đổi ngoại giao với các nhà lãnh đạo trên khắp Châu Âu, Mỹ Latinh và Châu Phi khi triển khai các hoạt động cung cấp trang thiết bị y tế và viện trợ cho các quốc gia bị tổn hại nặng nề như Ý.

Các chính phủ trên khắp Châu Á và phương Tây vẫn đang bận rộn với việc kiềm chế sự lây lan của virus khi dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế và làm suy giảm dân số của họ. Tuy nhiên, một khi cuộc khủng hoảng này qua đi, Bắc Kinh và Liên hợp quốc sẽ có cơ hội để kiểm nghiệm mọi việc.

Khi vai trò lãnh đạo tinh thần của họ không bị thách thức bởi một lựa chọn thay thế, Trung Quốc có thể trở nên táo bạo hơn trong việc lôi kéo Liên hợp quốc và đẩy nhanh các xu hướng hiện tại nhằm biến tổ chức này thành một diễn đàn ủng hộ các sáng kiến chính sách đối ngoại của mình. Dịch Covid-19 đã cho thấy hình hài của một thế giới như vậy : Các quốc gia phần lớn sẽ phải tự bảo vệ mình trong một cuộc khủng hoảng xuyên biên giới trong khi Đảng cộng sản Trung Quốc tung ra chiến dịch tuyên truyền về vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này. Điều đáng tiếc là vì không có một cơ quan điều phối quốc tế đứng ra thu thập thông tin nhất quán, minh bạch và đưa ra các chỉ dẫn rõ ràng, nên chính phủ và dân chúng các nước đã không có sự chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sự tàn phá của dịch Covid-19 – và điều này sẽ còn lặp lại trong tương lai.

Nếu không thể chấp nhận tầm nhìn đó thì đây là lựa chọn thay thế : Đại dịch và hậu quả của nó có thể khuyến khích Mỹ cùng các đồng minh và đối tác dân chủ của nước này chung tay ủng hộ các giá trị chung. Giờ đây, các nhà lãnh đạo Mỹ phải quyết định có nên tái khẳng định cam kết của Mỹ về chủ nghĩa đa phương và hợp tác với các đồng minh để chống lại nỗ lực của Trung Quốc trong việc làm xói mòn trật tự dựa trên các quy tắc hiện tại hay không và cách thức tiến hành việc này.

Điểm xuất phát sẽ là một chiến dịch tìm kiếm sự thật về nguồn gốc của dịch Covid-19 và những sai lầm ban đầu của ban lãnh đạo Trung Quốc. Có thể bắt đầu chiến dịch này bằng việc gây sức ép buộc WHO phải cung cấp thông tin trung thực về cách Bắc Kinh xử lý dịch bệnh, ngoài những thông tin mà Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra thông qua bộ máy tuyên truyền của nhà nước. Đáng chú ý là Chính quyền Trump và các thượng nghị sĩ Mỹ đã bắt đầu kêu gọi điều tra, cho dù họ chưa đưa ra một cách thức tiến hành rõ ràng nào ; việc cắt tài trợ cho WHO chắc chắn đã khiến Mỹ hầu như chẳng có đồng minh để tiến hành cuộc điều tra này.

Trên thực tế, Mỹ lẽ ra có lợi thế đáng kể để làm điều đó. Mỹ và các đồng minh vốn là những nước đóng góp hàng đầu cho WHO : Chỉ riêng Mỹ đã cung cấp khoảng 22% ngân sách cho tổ chức này, so với mức đóng góp 12% của Trung Quốc. Trung Quốc là nước có đóng góp tài chính lớn thứ hai cho toàn bộ hệ thống của Liên hợp quốc, nhưng vẫn còn kém xa Mỹ - nước đóng góp nhiều nhất.

Tuy nhiên, Mỹ nên tận dụng lợi thế đó để thúc đẩy một câu chuyện thay thế chứ không phải ngừng tài trợ cho WHO. Trong bài phát biểu vào năm 1942 nhân dịp kỷ niệm ngày ký kết Hiến chương Đại Tây Dương, Franklin D. Roosevelt đã đề cập đến một chương trình gồm các mục đích và nguyên tắc chung mà trong đó, niềm tin vào cuộc sống, tự do, độc lập, quyền tự do tôn giáo, cũng như việc bảo vệ nhân quyền và công lý là kim chỉ nam cho việc thành lập Liên hợp quốc.

Dịch Covid-19 đã cho thế giới thấy dưới ảnh hưởng của Trung Quốc, Liên hợp quốc đang dần biến thành một tổ chức xa rời các nguyên tắc sáng lập ra nó. Thay vì phục vụ các lợi ích của thế giới, tổ chức quốc tế này đang ngày càng ủng hộ các bên tham gia độc đoán, đặc biệt là Trung Quốc.

Vì vậy, nếu các nhà lãnh đạo Mỹ không thích cách WHO xử lý dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, thì câu hỏi là liệu họ có sẵn sàng gánh vác trách nhiệm hay không ? Dịch Covid-19 đã cho thấy việc kỳ vọng các tổ chức quốc tế sẽ đứng lên chống lại Trung Quốc trong khi nền dân chủ hàng đầu thế giới lại thoái thác vai trò lãnh đạo toàn cầu là điều nực cười. Các quốc gia đang khao khát những lựa chọn có ý nghĩa để thay thế vai trò lãnh đạo của Trung Quốc, và sẽ ủng hộ Mỹ nếu nước này quyết định tái can dự với Liên hợp quốc. Đương nhiên, bước đi đầu tiên của Mỹ sẽ phải là khôi phục nguồn tài trợ cho WHO.

Kristine Lee

Nguyên tác : It’s Not Just the WHO : How China Is Moving on the Whole U.N., Politico, 15/04/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 13/05/2020

Kristine Lee là nghiên cứu viên trong Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm an ninh Mỹ mới. Bài viết được đăng trên Politico.

Additional Info

  • Author Kristine Lee
Published in Diễn đàn