LTS : Mỹ là một quốc gia vĩ đại với những con người tuyệt vời. "Giấc mơ Mỹ" vẫn nguyên vẹn với nhiều người. Nước Mỹ đã vĩ đại trước khi có Trump và sẽ tiếp tục vĩ đại sau khi Trump ra đi. Trump là một tổng thống có chính danh vì được bầu lên một cách dân chủ. Tuy nhiên việc chỉ trích Trump là chuyện hoàn toàn khác. Người dân quan tâm đến đất nước và muốn đất nước tốt lên thì phải chỉ trích những sai trái của chính phủ và người đứng đầu. Bài viết của tác giả rất khách quan, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hoàn toàn đồng ý và chia sẻ.
Việt Hoàng
America - Land of the free, Home of the brave
Sống ở Mỹ hơn 19 năm, là công dân Mỹ 14 năm, tôi không dám nói mình biết hết ngõ ngách của Mỹ nhưng là một người thích đi đây đó, tôi cũng biết khá nhiều về nước Mỹ. Nếu ai đó hỏi tôi nước Mỹ có vĩ đại không, câu trả lời của tôi là chắc chắn có ! Nước Mỹ của tôi vĩ đại ! Và đây là những lý do :
Về địa lý
Nước Mỹ rộng lớn bao la trải rộng trên vùng đất mà máy bay phải bay mất 5 giờ từ Đông sang Tây. Chỉ tính phần lục địa của 48 bang, nước Mỹ đã lớn như Trung Quốc nhưng giàu có hơn nhiều vì có hai bờ đại dương, và gần như chổ nào cũng có thể ở được. Nước Mỹ còn sở hữu một phần rất lớn của Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương đến tận đảo Guam.
Nước Mỹ có bao nhiêu kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ mà bạn phải chứng kiến tận mắt mới thấy được cái đồ sộ, vĩ đại của nó. Ngắm thác nước Niagara Falls hay bay trên Ngũ Đại Hồ mới thấy mình nhỏ bé. Lượn vòng Yosemite hay Yellowstone mới thấy được thế nào là thiên nhiên hùng vĩ... Tôi chưa đi hết nước Mỹ vì sẽ không bao giờ đi hết nhưng những chuyến đi chơi xuyên bang làm cho tôi yêu và tự hào về nước Mỹ hơn...
Tôi yêu thành phố New York năng động, hay những bờ biển đầy sức sống Miami, Key West... Tôi yêu vẻ đẹp của San Francisco. Và tôi cũng yêu thành phố âm nhạc ồn ào Nashville hay sự yên bình của Boston... Tôi thích Orlando, hay Atlanta nóng ấm nhưng cũng thích thành phố trên cao 1 mile Denver... Nước Mỹ vừa rộng, vừa đẹp lại vừa trù phú... không thể nào tả hết !
Thành phố New York, Mỹ
Về khoa học kỹ thuật
Nước Mỹ là trung tâm của nền khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới. Nếu có dịp đến thăm NASA, hay vào các viện bảo tàng về không gian của Mỹ mới nể phục sức mạnh vĩ đại của nước Mỹ.
Về công nghệ máy bay thì có công ty nào trên thế giới có thể theo đuổi kịp với Boeing ? Các hãng xe hơi của Mỹ GM, Ford... cũng đã từng thống lĩnh thế giới.
Nói đến nước Mỹ, không thể không nói đến Silicon Valley, nơi có những hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook, Oracle, Cisco, Uber, Tesla... Nói đến nước Mỹ, không thể không nói đến MAGA ! (Microsoft, Apple, Google, Amazon) là bốn đại công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Về quân sự
Nói về quân sự thì nước Mỹ là một gã khổng lồ không có đối thủ. Tôi sống ở Connecticut, nơi từng là trung tâm sản xuất vũ khí của Mỹ... từ hãng súng Colt nổi tiếng đến các xưởng sản xuất AR15, đến máy bay trực thăng Sikorsky, hay hãng đóng tàu ngầm hạt nhân Electric Boat nơi tôi có diễm phúc làm việc gần 4 năm để viết phần mềm trong chương trình máy tính cho tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia...
Năng lực sản xuất vũ khí của Mỹ rất lớn. Hiện tại, các khu vực sản xuất vũ khí đều chỉ làm việc từ 25% đến 50% năng lực. Nếu có chiến tranh, Mỹ sẽ dễ dàng tăng tốc mức độ sản xuất vũ khí của mình lên hàng chục lần !
Nước Mỹ có những tập đoàn công nghiệp quốc phòng không có đối thủ như Lockheed Martin hay General Dynamite... và khi cần, có thể huy động các nguồn lực khác từ các công ty tư nhân khác.
Về giáo dục
Nếu bạn hỏi tôi điều gì bạn thích nhất về nước Mỹ, thì câu trả lời của tôi là trường đại học ! Ở Việt Nam, tôi thi đại học đậu thủ khoa nhưng bị cấm cửa vào đại học... nên lúc nào cũng ước ao được đi học. Đến Mỹ, tôi thường dẫn con đi thăm các trường đại học. Cha con tôi dẫm hết các sân trường đại học nổi tiếng nhất của Mỹ từ Harvard, MIT, Brown, Columbia, Cornell, Princeton, Johns Hopkins, Stanford, Berkeley, Emory, Vanderbilt...
Hệ thống trường đại học ở Mỹ đã và đang là một nền giáo dục đi trước thế giới khá xa. Hàng năm có hàng triệu sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về Mỹ để du học. Phần nhiều trong số họ sẽ trở về để làm việc và giúp ích cho đất nước của họ. Một số ít thì ở luôn tại Mỹ để tiếp tục nghiên cứu và làm việc.
Nền giáo dục Mỹ mở cửa cho mọi người. Miễn là bạn quyết tâm, bạn có thể học bất cứ cái gì bạn muốn. Đến Mỹ ở tuổi 36, không biết tiếng Anh, vừa đi làm vừa đi học, tôi vẫn có thể tốt nghiệp đại học trong vòng 5 năm... và có thể bắt đầu cuộc đời làm việc chuyên môn ở tuổi 41 ! Nếu như ở Việt Nam, tôi sẽ không bao giờ làm được điều đó...
Về y tế
Từ Việt Nam, chân ướt chân ráo đến Mỹ, tôi xin được vào làm trong một bệnh viện thuộc loại lớn nhất của tiểu bang... Nhưng công việc của tôi chỉ là đẩy thức ăn từ nhà bếp đến phòng bệnh nhân ! Hơn 4 năm làm cho bệnh viện (trong lúc đi học đại học), mặc dù không biết chuyên môn y tế nhưng tôi cũng học được rất nhiều về nền y tế của Mỹ.
Hoàn toàn khác với y tế Việt Nam, mỗi người bệnh được chăm sóc trong một căn phòng rộng rãi và tiện nghi hơn cả khách sạn 3 sao ! Bệnh nhân muốn ăn gì thì chỉ cần nói với y tá là thực đơn sẽ gửi xuống nhà bếp và phần ăn sẽ được chúng tôi đem tới tận phòng. Tất nhiên là khi nhập viện, người nhà không cần phải "biết điều với bác sĩ...".
Bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt với những công nghệ hiện đại nhất. Bệnh viện Mỹ liên tục thay thế máy móc và công nghệ hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh. Về nhân lực, Mỹ có một lực lượng bác sĩ, y tá được đào tạo bài bản, chất lượng cao. Con đường trở thành một bác sĩ ở Mỹ cực kỳ khó khăn... nên chỉ có những người vừa giỏi vừa có nghị lực, ý chí mới có thể trở thành bác sĩ.
Về giải trí
Không chỉ về kinh tế, quân sự, các ngành giải trí và nghệ thuật của Mỹ cũng là một phần sức mạnh của cường quốc Hoa Kỳ. Mặc dù không được tài trợ của chính phủ như ngành điện ảnh của các nước khác, nhưng không có nền điện ảnh của nước nào trên thế giới có thể so sánh với Hollywood !
Ngành công nghiệp giải trí và du lịch của Mỹ cũng là hàng đầu thế giới... by far... Các khu liên hợp giải trí của Walt Disney hàng năm đón hàng chục triệu du khách. Las Vegas với hàng trăm show diễn hàng đêm... và những chiếc cruise ships như những thành phố nổi... chở hàng ngàn du khách...
Về nông nghiệp
Chạy xe dọc theo tiểu bang California từ Bắc xuống Nam, bạn sẽ thấy những nông trại trồng cam, nho, quít... bạt ngàn.., những trại nuôi bò dài hàng chục dặm... Trên những vùng trung Mỹ như Tennessee, Colorado... hay những tiểu bang phía Bắc như New York, Maine... cũng vậy, nông trại nối tiếp nông trại. Những cái farm bắp mà lái xe 5, 10 phút vẫn chưa qua hết...
Nền nông nghiệp của nước Mỹ không phải là một nền nông nghiệp nhỏ lẻ như các nước Đông Nam Á. Đã nghe nói về nó khi chưa đến Mỹ nhưng đến khi "tận mục sở thị" tôi mới thấy tầm vóc của nền nông nghiệp khủng long của Mỹ. Nước Mỹ không làm gì cho hết thực phẩm họ sản xuất ra. Mặc dù chỉ có chừng 4% dân số làm nông nghiệp, Mỹ phải bán nông sản đi khắp thế giới...
Về cơ hội cho những Immigrants
Tôi không nghĩ có đất nước nào có thể có cơ hội cho những người nhập cư như nước Mỹ. Rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đã về đây và có nhiều người thành công. Nếu Elon Musk còn ở Nam Phi, nước Mỹ đã không có Tesla. Nếu David Tran còn ở Việt Nam thì nước Mỹ sẽ không có tương ớt Huy Fong nổi tiếng ! Nếu Hamdi Ulukaya còn ở Thổ nhĩ kỳ thì sẽ không có yogurt Chobani...
Riêng gia đình tôi, năm 2001, vợ chồng tôi và hai đứa con đến Mỹ với hai bàn tay trắng và không ai biết tiếng Anh ! Cả bốn người chúng tôi đều nỗ lực hết mình và nước Mỹ đã cho chúng tôi những cơ hội mà không có một đất nước nào có thể ! Sau những năm vùi đầu vừa học vừa làm, tôi trở thành một software engineer. Vợ tôi trở thành accounting manager. Thằng con lớn tốt nghiệp trường luật Berkeley và làm luật sư ở California. Thằng con nhỏ đã xong chương trình cử nhân toán và master Computer Science ở đại học Harvard...
Chúng tôi không phải là những kẻ ăn bám để nước Mỹ phải bố thí. Chúng tôi đã và đang làm việc để góp phần xây dựng nước Mỹ hùng cường và vĩ đại hơn. Tất nhiên chúng tôi yêu đất nước này, và muốn nó vẫn luôn luôn vĩ đại. Vấn đề là nước Mỹ đã vĩ đại trước khi Donald Trump lên làm Tổng thống, và nó sẽ vẫn vĩ đại sau khi ông ta ra đi. Donald Trump không làm cho nước Mỹ vĩ đại. Ông ta chỉ làm cho nó bị chia rẽ một cách vĩ đại... và các Tổng thống sau sẽ phải làm việc để hàn gắn lại.
Biết ơn nước Mỹ
Tôi luôn luôn biết ơn nước Mỹ nhưng không phải vì đã "cưu mang" chúng tôi mà vì nó đã cho chúng tôi cơ hội. Nhưng để trả ơn nước Mỹ thì không phải tung hô một nhà vua nào đó vạn tuế... Chúng tôi đã trả ơn nước Mỹ bằng cách ra sức học tập và làm việc. Chúng tôi trả ơn nước Mỹ bằng cách không ăn bám nước Mỹ mà mỗi người trong gia đình đều làm việc và đóng thuế cho nước Mỹ. Chúng tôi trả ơn nước Mỹ bằng cách đi bỏ phiếu và tham gia thảo luận chính trị...
Khi tôi đi xin visa vào Mỹ, thì nhân viên của tổng thống Bill Clinton cấp. Tôi đến Mỹ thì nhân viên của Bush đón và cho thẻ xanh. Khi tôi vào quốc tịch cũng nhân viên của Bush cho tôi tuyên thệ. Nếu phải mang ơn một Tổng thống Mỹ nào đó thì tôi mang ơn hai ông Clinton và Bush. Tôi không có ân huệ gì với Trump cả. Tôi không cần tung hô ông ta vạn tuế. Với tôi, nước Mỹ đã vĩ đại từ lâu lắm rồi, từ ngày tôi chưa đến Mỹ... Vì nếu nó không vĩ đại thì ngu gì tôi phải đến đây ?
Trong cái nhìn của tôi, ông Trump không làm cho nó vĩ đại hơn mà làm cho nó xấu đi. Bạn tin thế nào thì tùy bạn, nhưng tôi có lá phiếu của tôi và tôi sẽ đi bầu cho bất cứ người nào tốt hơn ông Trump. Đơn giản là tôi thấy ông ta có hại cho nước Mỹ hơn là có lợi. Nước Mỹ không cần người hô khẩu hiệu hay tung hô vạn tuế vì nước Mỹ không có vua. Nước Mỹ cần những người biết nỗ lực học hỏi, và có trách nhiệm với xã hội. Trong các trách nhiệm đó có trách nhiệm phê phán chính quyền !
Và tôi nghĩ đó là cách tôi trả ơn tốt nhất cho nước Mỹ.
Một công dân Mỹ.
Đoản Kiếm
(5/4/2020)
Nguồn : https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1493091214205339&id=100005134239619
Điều tra kết thúc, nhưng gần 50% người Mỹ vẫn cho rằng Tổng thống Trump thông đồng với Nga (VOA, 27/03/2019)
Gần phân nửa người Mỹ vẫn tin rằng Tổng thống Donald Trump đã làm việc với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos mới được thực hiện sau khi Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller kết luận rằng ông Trump không phạm phải tội trạng đó.
Tổng thống Trump vẫy chào khi đến dự một sự kiện của đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol, 26/3/2019
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận Mỹ được công bố hôm 26/3 thì một số người Mỹ có cái nhìn tích cực hơn một chút về ông Trump sau khi biết kết quả của cuộc điều tra kéo dài 22 tháng về cáo buộc là Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nhưng bản tóm tắt dài 4 trang của Bộ trưởng Tư pháp William Barr về cuộc điều tra của công tố viên Robert Mueller không mấy thay đổi công luận về chuyện tổng thống Trump bị cáo buộc có liên hệ với Nga, và cũng không dập tắt được niềm khát khao trong công chúng, đòi biết thêm thông tin về vụ việc.
Theo bản tóm tắt của ông Barr, được công bố hôm 24/3, ông Mueller không thấy có bằng chứng cho thấy ban vận động tranh cử của ông Trump toa rập với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, tuy nhiên văn bản này không dứt khoát tuyên bố ông Trump vô tội trước cáo buộc cản trở điều tra.
Khi được hỏi cụ thể về các cáo buộc về tội thông đồng và cản trở công lý, 48% số người được hỏi nói họ tin rằng "ông Trump hoặc ai đó trong ban vận động tranh cử của ông đã làm việc với Nga để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016", con số này giảm 6 điểm phần trăm so với tuần trước.
33% nói "ông Trump cố tình cản trở các cuộc điều tra về ảnh hưởng của Nga đối với chính quyền của ông", giảm 2 điểm phần trăm so với tuần trước.
Dư luận bị chia rẽ mạnh mẽ theo đảng phái, với những người của đảng Dân chủ có xu hướng cao hơn người bên đảng Cộng hòa tin rằng ông Trump đã thông đồng với Nga và cản trở công lý.
Cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện đo lường phản ứng của công chúng ở Hoa Kỳ trong hai ngày 25 và 26/3, sau khi bản tóm tắt kết quả điều tra được công bố, ghi nhận những phản hồi trực tuyến từ 1.003 người lớn, trong đó 948 người cho biết họ đã nghe về kết quả nêu trong bản tóm tắt.
Mức độ tín nhiệm dành cho ông Trump đã tăng nhẹ, với 43% người Mỹ nói họ tán thành cách điều hành của ông, là mức khảo sát cao nhất mà ông Trump nhận được trong năm nay, tăng 4 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò tương tự vào tuần trước.
********************
Tranh cãi về tình trạng khẩn cấp quốc gia : Hạ viện không vô hiệu hóa được phủ quyết của Trump (VOA, 27/03/2019)
Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát ngày 26/3 không quy tụ đủ phiếu để vô hiệu hóa phủ quyết đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, trao thắng lợi cho kế hoạch của ông Trump muốn chi thêm hàng tỷ đô la để xây dựng rào chắn dọc theo biên giới Mỹ-Mexico nhiều hơn ngân khoản mà Quốc hội chuẩn chi.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Cuộc biểu quyết của Hạ viện về việc bãi bỏ phủ quyết của Tổng thống kết thúc với tỷ lệ 248-181, không đạt đa số 2/3 cần có.
Kết quả này mở đường cho ông Trump xúc tiến lời hứa thời tranh cử về ‘bức tường biên giới.’
Tháng này, Quốc hội gửi cho Tổng thống một nghị quyết bác tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia do ông Trump đưa ra mà qua đó ông có thể vượt qua Quốc hội có được ngân khoản cần thiết xây tường thành.
Nghị quyết này ngay lập tức bị Tổng thống Trump phủ quyết.
Cuộc biểu quyết ở Hạ viện là ‘nước cờ’ lập pháp cuối cùng trong ‘ván bài’ gay cấn kéo dài nhiều tháng qua. Thượng viện sẽ khỏi bỏ phiếu về vụ này nữa, và lệnh phủ quyết của ông Trump được giữ nguyên.
Dù là sự phủ quyết của Tổng thống không bị đảo ngược, nhưng ông Trump sẽ không thể nhanh chóng chi ngân quỹ cho hàng rào biên giới vì các vụ kiện có thể mất nhiều năm mới giải quyết xong.
*******************
Ủy ban Hạ viện đồng lòng yêu cầu giao hồ sơ điều tra của FBI nhắm vào Trump (VOA, 27/03/2019)
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ hôm 26/3 nhất trí phê chuẩn một nghị quyết chỉ thị Bộ Tư pháp phải trao cho Quốc hội tất cả các hồ sơ về các cuộc điều tra cản trở công lí hoặc phản gián nhắm vào Tổng thống Donald Trump.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ chỉ thị Bộ Tư pháp phải trao cho Quốc hội tất cả các hồ sơ về các cuộc điều tra nhắm vào Tổng thống Donald Trump.
Các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện (Ủy ban này do phe Dân chủ lãnh đạo) biểu quyết với tỉ lệ 22-0 để đưa nghị quyết ra biểu quyết trước toàn bộ Hạ viện, vài ngày sau khi Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói với Quốc hội rằng ông không thấy có lập luận vững chắc củng cố tuyên bố ông Trump cản trở ông lí.
Nếu toàn bộ Hạ viện chấp thuận nghị quyết, ông Barr có 14 ngày để tuân thủ yêu cầu giao nộp tất cả hồ sơ và thông tin liên quan đến các cuộc điều tra của FBI về ông Trump, cũng như bất kì cuộc thảo luận nào trong Bộ Tư pháp về việc bí mật ghi âm Tổng thống hoặc tìm cách thay thế ông bằng việc viện dẫn tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ. Tu chính án đó vạch ra những thủ tục cho việc thay thế Tổng thống hoặc Phó Tổng thống trong trường hợp tử vong, bị truất quyền, từ chức hoặc mất năng lực làm việc.
Các nhà lập pháp đang xem xét cụ thể các cuộc điều tra cản trở công lí và phản gián mà cựu Giám đốc FBI Andrew McCabe nói ông đã khởi động sau khi ông Trump sa thải người tiền nhiệm James Comey vào tháng 5 năm 2017.
Nỗ lực đó sau đó đã được chuyển qua cho Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller, người tuần rồi vừa khép lại cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Theo bản tóm tắt của ông Barr, ông Mueller không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ban vận động Trump âm mưu với Nga nhưng cũng không nói rằng Tổng thống không phạm tội về vấn đề cản trở công lí.
Ông McCabe từng nói Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã cân nhắc đeo thiết bị nghe lén để bí mật ghi lại các cuộc nói chuyện với ông Trump, một tuyên bố mà Rosenstein đã bác bỏ. Ông McCabe cũng cho biết đã có các cuộc thảo luận tại Bộ Tư pháp về việc liệu các thành viên Nội các có thể bãi nhiệm Tổng thống theo tu chính án thứ 25 hay không.
Một quan chức Bộ Tư pháp từ chối bình luận với Reuters, còn ông McCabe thì chưa hồi đáp.
Tạo ra thế giới và sắp đặt thế giới là một trò chơi ham thích, mê mải, nhiều sáng tạo nhưng cũng đầy bất ngờ của tạo hóa.
Và tạo hóa đã chơi trò sắp đặt với loài người như sau :
- Người da đen đầy sức mạnh bản năng, đầy năng lực sinh sản và mang tố chất nghệ sĩ bẩm sinh cho ở trong những dải rừng nhiệt đới nguyên sơ và mênh mông châu Phi.
- Người da vàng hay lam hay làm cho ở trên những đồng cỏ chồn vó ngựa phi và trên những cánh ruộng nước thẳng cánh cò bay ở châu Á.
- Người da trắng hay nghĩ ngợi, thích lí sự cho ở xứ lạnh châu Âu, cứ đóng cửa lại, đốt lò sưởi lên mà ngồi nghĩ ngợi và lí sự rồi liên tục cho ra đời các định luật, các triết lí, các học thuyết làm nghiêng ngả cả thế giới.
- Người da đỏ ít ỏi cho ở một góc châu Mỹ. Phần còn lại của châu Mỹ, tạo hóa dành một không gian đủ rộng để tạo ra sự pha trộn, cho cả bốn sắc da đen, trắng, vàng, đỏ sống lẫn lộn với nhau, tạo nên nước Mỹ, hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Tạo ra thế giới và sắp đặt thế giới là một trò chơi ham thích, mê mải, nhiều sáng tạo nhưng cũng đầy bất ngờ của tạo hóa
Thực hiện bản thiết kế sắp đặt đầy lãng mạn đó, tạo hóa liền cho nổ ra những cuộc cách mạng long trời lở đất ở châu Âu, từ những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đến cách mạng xã hội. Tạo ra những thảm họa đói nghèo triền miên ở châu Phi. Giáng xuống châu Á những cuộc chiến tranh xâm lược và nội chiến đẫm máu. Cách mạng, đói nghèo và chiến tranh đã tạo ra dòng người da trắng, da den, da vàng từ châu Âu, châu Phi, châu Á hối hả, cấp tập vượt biển kéo đến nước Mỹ xa xôi nhưng yên ổn. Dòng người đủ màu da lánh nạn đến nước Mỹ kéo dài suốt mấy thế kỉ. Trong dòng người lánh nạn đổ bộ lên nước Mỹ có tổ tiên của ông nhà giầu kinh doanh đất đai, nhà cửa Donald Trump đến từ trung tâm châu Âu, nước Đức.
Nước Mỹ đa chủng - Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ
Đa chủng tộc là sắp đặt của tạo hóa với nước Mỹ, là định mệnh của nước Mỹ. Mỗi chủng tộc đều có một nền văn hóa rực rỡ và độc đáo, đều có một tín ngưỡng thần bí, cao siêu và linh thiêng. Đa chủng tộc là đa văn hóa và đa tôn giáo. Văn hóa Mỹ là tinh hoa folklore, văn hóa dân gian của cả loài người. Đó là sự ưu ái của tạo hóa dành cho nước Mỹ, là may mắn của định mệnh nước Mỹ. Lịch sử hình thành nước Mỹ đã đòi hỏi và đã cho nước Mỹ tấm lòng bao dung với cả loài người. Nước Mỹ là loài người. Nước Mỹ vĩ đại không chỉ bởi đứng đầu thế giới về kinh tế, về khoa học kĩ thuật và về quân sự mà nước Mỹ vĩ đại còn bởi gương mặt nước Mỹ là gương mặt loài người và tấm lòng nước Mỹ là tấm lòng bao dung con người.
Bốn mươi bốn đời Tổng thống Mỹ đều là con cháu những người từ mọi miền trái đất đến nhận nước Mỹ là Tổ quốc. Họ đều mang trong máu sứ mệnh loài người và mọi thảm họa của loài người dù xảy ra ở châu Âu hay châu Á xa xôi, cách nước Mỹ cả Đại Tây Dương, hoặc Thái Bình Dương, nước Mỹ đều mang máu của mình ra ngăn chăn. Họa phát-xít ở châu Âu giữa thế kỉ trước, họa cộng sản ở châu Á nửa sau thế kỉ trước, các Tổng thống Mỹ đều đưa quân đội Mỹ vượt Đại Tây Dương đến châu Âu diệt phát--xít, đưa quân đội Mỹ vượt Thái Bình Dương đến Triều Tiên năm 1950 và đến Việt Nam năm 1965 mang máu người lính Mỹ ra chống lại thảm họa cộng sản của loài người, thứ thảm họa còn tàn bạo, man rợ, hủy hoại tính người, hủy hoại văn hóa, tàn phá thế giới và di hại lâu dài gấp nhiều lần thảm họa phát-xít. Hơn một triệu lính Mỹ đã bỏ xác rải rác từ châu Âu đến châu Á trong những cuộc chiến chinh vì nghĩa cả, vì loài người đó. Những dòng máu Mỹ đó cũng làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ.
Cũng bởi mang tư cách loài người, nước Mỹ đã dựng ngay giữa thủ đô Washington D.C đài tưởng niệm hơn 100 triệu người đủ mọi màu da chết thê thảm, chết tức tưởi vì thảm họa cộng sản.
Trở thành Tổng thống thứ bốn mươi nhăm của đất nước mang tấm lòng bao dung và tầm vóc vĩ đại hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ông tỉ phú làm giầu bằng kinh doanh đất đai nhà cửa Donald Trump đưa ra tiêu chí "Nước Mỹ trên hết", "Nước Mỹ vĩ đại" nhưng ông lại đang ngạo ngược theo đuổi những việc làm đi ngược với truyền thống Mỹ, giá trị Mỹ, đi ngược với thời đại toàn cầu hóa, làm cho nước Mỹ bao dung và vĩ đại thành nhỏ nhen, hẹp hòi, chật chội, tầm thường và lạc lõng. Chỉ nhìn ba việc ông nhà giầu Donald Trump đang hăm hở làm với tư cách Tổng thống Mỹ cũng thấy rõ điều đó.
Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ : Donald Trump
Vừa ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ, Donald Trump liền kí ngay sắc lệnh xua đuổi không cho vào nước Mỹ đối với công dân bảy nước ở vùng đất chịu ảnh hưởng lớn của tôn giáo Islam và là vùng đất đang có chiến tranh đẫm máu, cuộc chiến tranh của lương tâm loài người tiêu diệt những kẻ nhân danh một tôn giáo chống lại cả loài người. Dân lành Islam phải bỏ nhà cửa, bỏ thánh đường tứ tán đi lánh nạn khắp thế giới và họ đã bị nước mỹ thời Donald Trump xua đuổi. Sắc lệnh của Tổng thống Trump xua đuổi cả những người Islam đã sống nhiều năm ở Mỹ, đã được nước Mỹ cấp thẻ công dân màu xanh, công dân dự bị của nước Mỹ.
Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump vừa ban ra, lập tức quan tòa liên bang ra phán quyết ngưng thi hành. Đó là sự lên tiếng của luật pháp nước Mỹ và cũng là sự lên tiếng của lương tâm nước Mỹ, của trái tim Mỹ bao dung.
Chỉ có nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, manh mún, tự cấp tự túc mới khép kín trong từng vùng và trong một nước. Bước vào thời công nghiệp là bước vào thời mở cửa ra thế giới, thời toàn cầu hóa. Ngay từ khi nền sản xuất công nghiệp vừa ra đời, chủ nghĩa tư bản vừa hình thành, những người con quả cảm của nền công nghiệp non tơ, của chủ nghĩa tư bản thơ ấu đã lái con tàu gỗ bé nhỏ vượt sóng dữ Đại Tây Dương, vượt bão biển Thái Bình Dương tìm đất mới, tìm thị trường, tìm nguyên liệu, tìm sức lao động, tìm cả không gian để mở rộng sản xuất.
Bản chất của sản xuất công nghiệp là toàn cầu. Sản xuất công nghiệp đòi hỏi nguồn nguyên liệu vô cùng lớn và đa dạng, một nước không thể đáp ứng. Nền sản xuất công nghiệp tạo ra năng suất ngày càng cao, sản phẩm công nghiệp đòi hỏi phải được phủ toàn cầu. Sản phẩm công nghiệp nào không thể phủ toàn cầu, ngành công nghiệp đó không thể phát triển. Thời tư bản hoang dã, nhà tư bản làm giầu chủ yếu nhờ bóc lột sức lao động. Thời hoang dã đã đi vào quá vãng lịch sử. Xã hội công nghiệp, xã hội tư bản hôm nay là hiện thân của văn minh nhân loại không thể chấp nhận một nền sản xuất và một thể chế chính trị tồn tại bằng chà đạp lên phẩm giá con người, coi con người chỉ là công cụ, là nô lệ. Ở các nước công nghiệp phát triển, giá trị sức lao động ngày càng cao, ngày càng chiếm tỉ lệ lớn trong giá thành sản phẩm. Trong khi ở các nước chưa phát triển đang trống vắng sản xuất công nghiệp, đang dư thừa sức lao động nên giá trị sức lao động quá thấp đến tội nghiệp. Đưa sản xuất công nghiệp từ nơi sức lao động đắt đỏ đến nơi sức lao động rẻ mạt làm cho giá thành sản phẩm giảm rất lớn thì trước hết người dân ở nước phát triển hưởng lợi nhiều hơn người dân ở nước chưa phát triển vì sức mua của người giầu phải lớn hơn nhiều lần sức mua của người nghèo. Đó là cái lợi lớn của nước Mỹ và của người dân Mỹ khi đưa những ngành sản xuất công nghiệp dân dụng của Mỹ ra nước ngoài.
Nhà sản xuất không phải chỉ đầu tư vào nước chưa phát triển mà đầu tư cả vào nước phát triển. Nhà sản xuất Mỹ đầu tư ra nước ngoài thì lại có nhiều nhà sản xuất từ nhiều nước khác đầu tư vào Mỹ. Đầu tư ra nước ngoài là đòi hỏi của nhà sản xuất nhưng cũng là đòi hỏi của người tiêu dùng, là đòi hỏi của thời cạnh tranh quyết liệt và là đòi hỏi của thời đại mà nền sản xuất công nghiệp hiện đại đã nâng con người lên tầm vũ trụ. Con người với tầm vóc vũ trụ, trái đất đã trở nên quá bé nhỏ và đã thực sự là ngôi nhà chung của loài người thì nhà máy đặt ở nước này hay nước khác mà mang lại lợi ích cao nhất cho con người đều cần thiết và là một đặc trưng của thời toàn cầu hóa. Làm giầu bằng kinh doanh đất đai, nhà cửa, không phải là nhà sản xuất công nghiệp, Donald Trump không thấm thía điều này và ở cương vị Tổng thống, ông đòi hỏi các nghiệp chủ Mỹ phải đưa nhà máy đặt ở nước ngoài về Mỹ tạo việc làm cho người lao động Mỹ là một đòi hỏi lạc lõng, thực sự chỉ là hành xử mị dân nông nổi.
The Trump Organization
Thành công trong kinh doanh đã cho ông chủ nhà đất Donald Trump lòng tự tin quá lớn. Chưa từng tham gia chính trường dù chỉ ở cấp tiểu bang nhưng khi trở thành Tổng thống liên bang, với sự tự tin đó, Tổng thống Donald Trump liền hủy bỏ dấu ấn chính trị đẹp đẽ, lớn lao và cần thiết của người tiền nhiệm và nước Mỹ của Donald Trump đã hủy bỏ hiệp định TPP mà Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đã dành rất nhiều thời gian, công sức và trí tuệ thiết kế, hình thành, hoàn thiện, chỉ còn chờ những thủ tục cuối cùng để đi vào đời sống chính trị thế giới.
TPP là một hiệp định kinh tế nhưng thực chất là một đối sách chính trị của nước Mỹ và của thế giới trước hiểm họa bành trướng, Hán hóa thế giới của các hoàng đế Trung Hoa. Khởi xướng TPP, nước Mỹ nhận lấy trách nhiệm dẫn dắt thế giới trước thách thức đang đặt ra cho loài người.
Khởi xướng TPP, nước Mỹ nhận lấy trách nhiệm dẫn dắt thế giới trước thách thức đang đặt ra cho loài người
TPP ra đời nhằm ngăn chặn hậu quả nguy hiểm do sai lầm của hai Tổng thống tiền nhiệm từ hơn bốn mươi năm trước. Tổng thống Richard Nixon đi đêm với cộng sản Trung Hoa, phản bội đồng minh Việt Nam Cộng hòa, phản bội hơn nửa triệu người lính Mỹ đã bỏ xác ở Việt Nam, phản bội sứ mệnh ngăn chặn thảm họa cộng sản ở châu Á, làm ngơ trước hành động xâm lược của cộng sản Trung Hoa cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa, giúp cộng sản Trung Hoa đặt được bước chân xâm lược vào biển Đông, đặt được sức mạnh quân sự cộng sản Trung Hoa vào giữa các nước Đông Nam Á, đưa sức mạnh quân sự cộng sản Trung Hoa đứng chân giữa dòng giao thương đường biển huyết mạch nhất, tấp nập nhất thế giới, chiếm giữ được vị trí chiến lược toàn cầu. Kế tiếp Richard Nixon, Tổng thống Jimmy Carter giúp vốn liếng, kĩ thuật vực dậy nước Trung Hoa cộng sản nghèo đói, tan hoang sau cách mạng văn hóa trở thành nước có sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, trở thành mối đe dọa ngày càng lớn của an ninh thế giới.
TPP là tầm vóc chính trị Barack Obama, là tư cách, là trách nhiệm loài người của nước Mỹ trước hiểm họa mới của loài người.
Từ lúc đất nước còn tan hoang, nghèo đói và dân tình còn hoang mang, li tán, nhà nước Trung Hoa cộng sản đã kích thích máu dân tộc hẹp hòi, đánh thức tham vọng Đại Hán để tập hợp dân chúng bằng việc động binh cướp đất Tây Tạng, lấn chiếm biên giới Ấn Độ.
Cũng trong cảnh nghèo đói tan hoang đó, từ giữa thế kỉ trước Mao Trạch Đông, người đứng đầu nhà nước Trung Hoa cộng sản đã chăm chăm nhìn xuống Đông Nam Á với nỗi thèm khát truyền kiếp : "Tôi sẽ là chủ tịch dẫn 500 triệu nông dân Trung Quốc đi xuống Đông Nam Á". Đông Nam Á là hơn mười quốc gia độc lập, có chủ quyền. Một hòn đảo chơ vơ giữa biển ở đó dù nhỏ nhoi cũng đã có chủ. Không cần biết đến chủ quyền của các nước Đông Nam Á đã được lịch sử xác nhận từ ngàn năm trước, Mao Trạch Đông coi Đông Nam Á như miền đất vô chủ.
Chỉ có khẩu tiểu liên AK 47 và chiếc xe tăng T54 cổ lỗ, nhà nước Trung Hoa cộng sản đã mang sức mạnh biển người của đội quân Bát Nhất đông đúc đi xâm lược láng giềng, đã nhăm nhe thôn tính Đông Nam Á. Nay đội quân biển người đó lại có vũ khí hạt nhân, có tàu sân bay và hạm đội mang tên lửa đạn đạo tầm xa thì tham vọng của họ không phải chỉ là các nước láng giềng, không phải chỉ là Đông Nam Á. Với vũ khí hạt nhân và hạm đội mang tên lửa đạn đạo tầm xa họ đang hiện thực hóa tham vọng ngàn đời của các hoàng đế Trung Hoa, họ đang hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình.
Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình cũng giống như lí thuyết chủng tộc Aryan của Adolf Hitler. Tự huyễn hoặc chủng tộc Aryan là chủng tộc thượng đẳng (master race), chủng tộc ưu tú nhất của loài người phải nắm quyền thống trị thế giới, Adolf Hitler ráo riết phát triển công nghiệp quân sự, xây dựng quân đội hùng mạnh, gây chiến tranh xâm lược nhằm thống trị thế giới. Với Giấc mơ Trung Hoa, Tập Cận Bình cũng đang hối hả hiện đại hóa đội quân biển người, dùng đội quân biển người có sức hủy diệt hạt nhân khuất phục loài người, Hán hóa thế giới. Loài người đang đứng trước hiểm họa bành trướng còn khủng khiếp hơn thảm họa phát-xít giữa thế kỉ trước vì giữa thế kỉ trước phát-xít Hitler chỉ có lò thiêu người chứ chưa có vũ khí hạt nhân.
Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình cũng giống như lí thuyết chủng tộc Aryan của Adolf Hitler
Hán hóa thế giới, từ nửa thế kỉ trước, Trung Hoa cộng sản đã âm thầm đưa đàn ông ra thế giới để khắp thế giới có họ Mao, họ Tập, họ Bành... Hán hóa thế giới, nhà nước Trung Hoa cộng sản đang ráo riết theo đuổi một tội ác man rợ : đầu độc loài người. Tẩm chất độc vào thực phẩm, vào trái cây, dùng nguyên liệu độc hại sản xuất hàng tiêu dùng. Hàng hóa độc hại China gây ung thư, gây vô sinh đội lốt hàng nhiều nước khác tràn ngập thế giới, hấp dẫn người tiêu dùng nhẹ dạ bằng giá rẻ bất ngờ.
Hán hóa thế giới, Trung Hoa cộng sản đang ném tiền ra mua những kẻ cầm quyền độc tài và tham nhũng ở châu Phi để ào ạt đưa người Hán đến làm chủ châu Phi, hối hả bòn rút tài nguyên châu Phi, đưa châu Phi vào thời thực dân hiện đại, sau thời thực dân cũ, thực dân mới. Tàn phá môi trường tự nhiên hoang dã hùng vĩ châu Phi. Tàn phá môi trường chính trị châu Phi, nuôi dưỡng những chế độ độc tài, tham nhũng trung cổ. Tàn phá môi trường nhân văn châu Phi, dìm những người chủ đích thực có tâm hồn nghệ sĩ của châu Phi trong nô lệ tăm tối.
Hán hóa thế giới, Trung Hoa cộng sản đang cố sống cố chết quân sự hóa những hòn đảo đã cướp được ở biển Đông, biến những hòn đảo đó thành những kho thuốc súng, thành những trận địa hạt nhân, thành ngòi nổ chiến tranh thế giới mới, một cuộc chiến tranh được kẻ gây chiến trù tính : "Chiến tranh hạt nhân nổ ra, người Hán có chết vài trăm triệu thì cũng còn vài trăm triệu làm chủ thế giới" như lời Mao Trạch Đông đã răn đe loài người từ khi Mao Trạch Đông đang lăm le dẫn đầu 500 triệu nông dân Hán tràn xuống Đông Nam Á.
Còn đâu Giấc mơ Hoa Kỳ ?
Trước mối đe dọa đó, TPP là cánh tay liên kết của loài người, là vành đai sức mạnh kinh tế và sức mạnh văn hóa của loài người ngăn chặn tham vọng Hán hóa thế giới của Trung Hoa cộng sản. Hủy bỏ TPP, Donald Trump tự phủ nhận là người kế nhiệm xứng đáng của tầm vóc Barack Obama, từ bỏ tư cách loài người của nước Mỹ, đánh mất tầm vóc vĩ đại của nước Mỹ.
Nước Mỹ vĩ đại vì lịch sử cận đại của loài người đã trao cho nước Mỹ vai trò dẫn dắt thế giới chống lại cái ác, để thế giới phát triển bình yên, để con người được hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Với Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ chỉ biết có nước Mỹ, nước Mỹ trên hết, thì nước Mỹ dù giầu có của cải cũng quá nghèo túng giá trị nhân văn, nước Mỹ rộng lớn mênh mông cũng trở thành nhỏ bé, hẹp hòi, chật chội. Để rồi ngày càng xuất hiện nhiều người Mỹ như Adam Purinton, cầm súng xả đạn vào người nước ngoài đến làm việc ở Mỹ với tiếng thét : Hãy cút xéo khỏi đất nước của tao.
Phạm Đình Trọng
(08/03/2017)