Một thế giới không có nước Mỹ
Hoa Kỳ đơn độc chống lại Châu Âu và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại ; nước Ý sắp có chính quyền dân túy mới ; Nicolas Maduro tái đắc cử tổng thống Venezuela nhưng thiếu ánh hào quang là những chủ đề thời sự được các báo Pháp ngày 22/05/2018 quan tâm nhiều nhất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, 08/05/2018. Reuters/Jonathan Ernst
Nhưng trước hết xin được giới thiệu một bài nhận định trên Les Echos. Trước các hành động đơn phương tự quyết của Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực khí hậu, hạt nhân Iran, thương mại… ông Jean-Marc Vittori, một cây bút bình luận của nhật báo cho rằng nên chăng cần có một "Thế giới không có Hoa Kỳ".
Mở đầu bài bình luận, tác giả nói rõ : nước Mỹ được lãnh đạo bởi một ông lái buôn giỏi mặc cả. Trên sân khấu quốc tế, Donald Trump đàm phán không khác gì các cuộc thương lượng hợp đồng giữa các chủ doanh nghiệp xây dựng và các chính quyền địa phương. Trước kia, ông tìm cách làm giàu. Giờ đây, khi làm tổng thống, ông tìm cách củng cố "nguồn vốn chính trị" của mình bằng cách giành giật các nhượng bộ từ phía những quốc gia khác, những nơi không có cử tri Mỹ.
Theo Les Echos, thế giới đang chứng kiến một sự mới lạ hoàn toàn, được bắt đầu từ nửa thế kỷ qua và đồng thời cũng là sự tiếp tục truyền thống của nước Mỹ. Mới lạ vì chưa bao giờ, lãnh đạo một cường quốc lớn lại có cách hành xử như vậy. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh sự đi xuống của cường quốc Hoa Kỳ, kể từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ngược về quá khứ xa hơn một chút, thì tư duy co cụm đã từng nhiều lần xuất hiện trong lịch sử Hoa Kỳ, từ thời George Washington và Alexandre Hamilton.
Như vậy, hiện nay, nước Mỹ đang tự tách mình ra khỏi thế giới và đã đến lúc thế giới phải có cách ứng xử phù hợp, không để cho các "hạt mầm chia rẽ" mà tổng thống Mỹ gieo rắc, có thể nẩy mầm và phát triển. Thực ra, thế giới đã và đang hành động theo hướng này. Tại những định chế mà Hoa Kỳ tìm cách đánh sập, lãnh đạo các nước khác đã nỗ lực cứu chữa, khắc phục và duy trì.
Les Echos dẫn ra nhiều ví dụ : Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), UNESCO, Hiệp định Khí hậu Paris, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Ngân hàng Thế giới (WB)…
Tuy vậy, Les Echos nhấn mạnh, khó có thể hình dung một trật tự thế giới mới mà lại không có Mỹ. Do vậy, để có thể tồn tại mà không phụ thuộc vào Mỹ, thế giới cần phải hành động chống lại Hoa Kỳ và đó sẽ là một thời kỳ bão tố lớn.
Cuộc chiến thương mại : Hoa Kỳ, "một chọi hai"
Căng thẳng quan hệ thương mại giữa Mỹ với Châu Âu và với Trung Quốc được báo Les Echos quan tâm với nhiều bài viết và phân tích. Theo tờ báo, "Thương mại : một bản hòa tấu khó khăn đối với Châu Âu khi phải đối mặt với Trump". Hội nghị cấp bộ trưởng của Liên Hiệp Châu Âu họp tại Bruxelles, hôm nay (22/05), phải làm rõ sẽ tiến hành đối thoại, thương lượng như thế nào với Hoa Kỳ.
Còn về quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, Les Echos cho rằng đó là một "Thỏa thuận tối thiểu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ", bởi vì để giảm xuất siêu sang Mỹ, và tránh chiến tranh thương mại, chính quyền Bắc Kinh chỉ cam kết mua một khối lượng "đáng kể"hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ, nhưng không có các cam kết cụ thể, rõ ràng. Các cuộc thương lượng song phương sẽ tiếp tục.
Theo phân tích của Les Echos, "cuộc đối thoại giữa Bắc Kinh và Washington không giải quyết được gì những vấn đề cơ bản" trong quan hệ thương mại song phương. Điều mà Donald Trump đã đạt được là Trung Quốc tăng mua hàng hóa của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, nguyên thủ Mỹ có thể làm hài lòng các cử tri vốn ủng hộ ông trong bối cảnh sắp có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Về phần mình, Tập Cận Bình cũng không bị mất mặt : Bắc Kinh đã kháng cự được trước các đòi hỏi của Nhà Trắng là phải giảm 200 tỉ đô la xuất siêu trong cán cân thương mại, đồng thời, Trung Quốc lập luận rằng việc nhập thêm hàng hóa Mỹ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của tầng lớp trung lưu.
Tuy vậy, vấn đề cơ bản trong quan hệ kinh tế giữa hai nước không hề được giải quyết, và có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng. Tuyên bố Bắc Kinh-Washington không đề cập đến chính sách công nghiệp cũng như kế hoạch chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" nâng cao trình độ sản xuất và công nghệ của Trung Quốc, hiện đang gây nhiều tranh cãi và lo ngại tại Hoa Kỳ.
Vẫn theo báo Les Echos, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ gây khó khăn cho Châu Âu : Khi tăng nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc sẽ phải giảm nhập khẩu từ Châu Âu. Do vậy, bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire báo động : "Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ thỏa thuận với nhau trên lưng Châu Âu nếu như khu vực này không có khả năng tỏ rõ sự cứng rắn".
Con thuyền Ý đi về đâu trong Liên Hiệp Châu Âu ?
Các báo Pháp hôm nay cũng bình luận nhiều về tình hình chính trị nước Ý. Sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng và không kém phần gây cấn, cuối cùng nền kinh tế xếp hàng thứ tư trong Liên Hiệp Châu Âu sắp có một chính phủ chính thức. Tuy nhiên, chính phủ tương lai này lại khiến Châu Âu lo sợ.
Trên trang nhất, Les Echos cảnh báo : "Nước Ý đang trên đà lao vào cuộc phiêu lưu chủ nghĩa dân túy". Libération bấm nút tính năm : "Ý, Năm số Không". Le Figaro có bài đề tựa "Ý : Liên minh chống hệ thống trên đường ray".
Liên minh chống hệ thống giữa phe cực hữu và phong trào 5 Sao đã đề nghị ông Giuseppe Conte, một nhân vật chưa từng được biết đến làm thủ tướng chính phủ, đồng thời để thực hiện một loạt các chính sách đang gây lo ngại cho Châu Âu, đưa đất nước Ý đi vào bất định.
Trong bối cảnh này, xã luận Les Echos nhận định nền chính trị nước Ý lúc này chẳng khác gì "Quả bom tự chế theo kiểu Ý". Quả bom là vì lãnh đạo của cả hai đảng dân túy này đều chống lại cách điều hành của Bruxelles và muốn chấm dứt chính sách "thắt lưng buộc bụng" bằng cách giảm thuế ồ ạt, đồng tăng chi cho các chính sách hỗ trợ xã hội, ước tính mỗi năm tiêu tốn hết 100 tỉ euro.
Tất cả những chương trình này còn được lồng trong một chính sách bài người tị nạn. Les Echos nhắc lại nợ công của Ý chiếm đến 132% tổng thu nhập quốc dân, tuy thấp hơn của Hy Lạp, nhưng mức nợ này tương đương với một số tiền khổng lồ 2.300 tỉ euro. Nói tóm lại, như tựa đề bài viết của La Croix "Liên minh chống hệ thống của Ý đang thách thức Bruxelles".
Venezuela : Thắng lợi không vinh quang của Nicolas Maduro
Tại Châu Mỹ La-tinh, thắng lợi của ông Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela được tổ chức hôm Chủ Nhật 20/05/2018 vẫn được báo chí Pháp tiếp tục đề cập đến. Bài viết trên Le Figaro nhận xét ông Maduro "tái đắc cử tổng thống nhưng không vẻ vang".
Không vinh quang là vì tuy nhận được 68% lá phiếu ủng hộ, tức khoảng 5,8 triệu cử tri so với tỉ lệ 21% cho ứng viên đối lập Henri Falcon và 10% cho Javier Bertucci, nhưng tỉ lệ vắng mặt cao ngất ngưỡng hơn 53% so với mức 20% cách nay 5 năm.
Les Echos lấy làm lo lắng trước việc ông "Maduro tái đắc cử, đất nước Venezuela càng bị cô lập hơn nữa". Ngay sau khi công bố thắng lợi của ông Nicolas Maduro, thế giới đã có phản ứng tức thì. Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào chế độ Caracas.
Hoa Kỳ, Canada và Liên Hiệp Châu Âu trước hôm bỏ phiếu đã lên án cuộc bầu cử này là một "trò hề". Các nước láng giềng cũng lên tiếng không công nhận kết quả bầu cử. Mười bốn nước trong nhóm Lima hôm thứ Hai 21/05 đã cho triệu hồi các đại sứ ở Caracas. Nói một cách ngắn gọn như tựa bài viết trên Libération "Nicolas Maduro là kẻ chiến thắng, đất nước Venezuela mới là người thua cuộc".
Môi trường : Phòng phẫu thuật cũng là kẻ gây ô nhiễm ?
Phải chăng các phòng giải phẫu cũng góp phần gây hiệu ứng nhà kính ? Le Figaro trích dẫn kết quả một khảo sát do nhóm các nhà khoa học Canada thực hiện tại 3 bệnh viện nói tiếng Anh đăng trên tờ The Lancet khẳng định "Các phòng phẫu thuật cũng là những nguồn gây ô nhiễm thầm lặng".
Các nhà khoa học còn nêu rõ thủ phạm thường xuyên nhất gây ô nhiễm là từ loại khí dùng để gây mê. Nếu tính gộp hết các thao tác y khoa trong phòng phẫu thuật, lượng khí thải phát ra trong phòng mổ trung bình từ 150-230 kg khí CO2. Le Figaro so sánh mức khí thải này tương đương với hành trình đi Paris – Lyon bằng xe ô tô dài khoảng 600km.
Khảo sát này được thực hiện tại 3 bệnh viện nói tiếng Anh : Bệnh viện tổng quát Vancouver (Canada), Trung tâm Y khoa trường đại học Minnesota (Hoa Kỳ) và bệnh viện John Radcliffe (Anh Quốc). Nghiên cứu được tiến hành theo 3 tiêu chí : tiêu thụ năng lượng (ánh sáng, sưởi…), khí thải từ chất gây mê (được tính theo lượng khí CO2 thải ra) và cuối cùng ô nhiễm từ các chất thải dụng cụ y khoa của bệnh viện.
Minh Anh
Davos : Lãnh đạo các nước kêu gọi toàn cầu hóa cần "có đạo lý" hơn (RFI, 27/01/2018)
Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 48 tại Davos, Thụy Sĩ kết thúc hôm qua, 26/01/2018. Hơn 3.000 người tham dự Diễn đàn, trong số đó có hơn 1.900 lãnh đạo doanh nghiệp, 70 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng. Một trong những tiêu điểm của Diễn đàn kinh tế đa phương này là sự hiện diện của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nổi tiếng với quan điểm bảo hộ mậu dịch.
Diễn đàn Kinh tế Davos, Thụy Sĩ, kết thúc ngày 26/01/2018. Reuters/Carlos Barria
Tuy nhiên, lo ngại trước một viễn cảnh khủng hoảng kinh tế mới, cùng đòi hỏi tiến trình toàn cầu hóa phải công bằng hơn là những nét chính của tuần lễ nhiều hoạt động này, như nhận định của đặc phái viên RFI Mounia Daoudi từ Davos :
"Nếu như có một điều gì tạo được đồng thuận năm nay tại Diễn đàn Davos, thì đó là kinh tế toàn cầu đã được cải thiện và đây là điều không thể phủ nhận. Tăng trưởng trở lại trên mọi Châu lục. Thế nhưng, có một nghịch lý là các bất trắc đè nặng lên chiều hướng phục hồi này cũng chưa bao giờ lớn đến như vậy. Cơn hưng phấn của các thị trường tài chính, lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, khiến người ta lo ngại một bong bóng tài chính, và một khủng hoảng mới còn kinh hoàng hơn nhiều so với năm 2008.
Tại Davos, tất cả các lãnh đạo chính trị kế tiếp nhau lên diễn đàn đều kêu gọi tiến trình toàn cầu hóa cần phải có đạo lý hơn, có nghĩa là cần ưu tiên chia sẻ các nguồn phúc lợi, phương tiện duy nhất để chống lại các xu thế cực đoan các loại.
Diễn đàn Davos cũng chứng kiến sự trở lại của nước Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron có một bài phát biểu rất được hoan nghênh, trong đó ông đặt vấn đề xem xét lại dự án xây dựng Châu Âu và thế giới, với việc xác lập một "khế ước nhân loại’ về các tài sản chung. Một khế ước để mọi người chung tay đầu tư, chia sẻ và bảo vệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đến Davos để ca ngợi cuộc cải cách thuế vừa được Quốc Hội thông qua, và kêu gọi các chủ lớn đầu tư. Ông Trump quảng bá : "Đây là thời điểm tốt nhất cho đầu tư". Tuy nhiên khẩu hiệu mới của Donald Trump, "Nước Mỹ trước đã, không phải là nước Mỹ một mình" không khiến ai bị mắc lừa".
Trọng Thành
*******************
Bảo tàng muốn cho ông Trump mượn bồn cầu vàng thay vì tranh Van Gogh (VOA, 26/01/2018)
Viện bảo tàng Guggenheim ở New York từ chối khi Tòa Bạch Ốc hỏi mượn một bức tranh của danh họa Van Gogh nhưng, thay vào đó, mở lời sẵn sàng cho mượn một tác phẩm nghệ thuật khác : chiếc bồn cầu hoạt động đầy đủ, bằng vàng 18 karat.
Chiếc bồn cầu vàng 18 karat được đặt tên 'America' tại bảo tàng Guggenheim, New York.
Chiếc bồn cầu này được dùng một một vật trưng bày tương tác tạm thời tại một trong những phòng vệ sinh công cộng của viện bảo tàng. Chiếc bồn cầu có tên gọi ‘America’ được mô tả như một sự châm biếm sự giàu có thặng dư.
Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania đã hỏi mượn bức tranh ‘Phong cảnh tuyết’ của họa sĩ lừng danh Van Gogh để trưng bày tại nhà riêng.
Tờ Washington Post loan tin ngày 25/1 rằng người phụ trách bảo tàng, Nancy Spector, đã email tới Tòa Bạch Ốc thông báo viện bảo tàng không thể đáp ứng lời đề nghị ‘mượn’ bức họa, nhưng bà cho hay nghệ nhân chế tác ra chiếc bồn cầu vàng, Maurizio Cattelan, "muốn cho Tòa Bạch Ốc mượn một thời gian dài".
"Chiếc bồn cầu dĩ nhiên là cực kỳ giá trị và có phần mong manh, nhưng chúng tôi sẽ cung cấp cách hướng dẫn lắp đặt và bảo quản", bà Spector viết trong email, theo tường thuật của Washington Post.
Phát ngôn nhân viện bảo tàng Guggenheim, bà Sarah Eaton, xác nhận rằng bà Spector đã gửi email tới Tòa Bạch Ốc hôm 15/9 năm ngoái.
Tòa Bạch Ốc không phản hồi yêu cầu bình luận từ báo Washington Post về việc này.
********************
Chính sách mới của Mỹ về vũ khí hạt nhân gây lo ngại (RFI, 25/01/2018)
Vào tuần tới, Lầu Năm Góc sẽ công bố chính sách của tổng thống Donald Trump về vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ. Một bản dự thảo của chính sách mới này vừa được báo chí Mỹ tiết lộ và đang gây lo ngại cho các chuyên gia, vì họ sợ nó sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm tăng thêm nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh nguyên tử.
Các nhà tranh đấu phong trào chống vũ khí hạt nhân quốc tế ICAN biểu tình với mặt nạ tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trước Đại sứ quán Bắc Triều Tiên, Berlin, ngày 13/09/2017. Britta Pedersen / dpa / AFP
Trong bản Đánh giá Khả năng Hạt nhân (Nuclear Posture Review), bộ quốc phòng Hoa Kỳ muốn xem xét lại kho vũ khí hạt nhân của nước này và muốn phát triển một loại vũ khí nguyên tử mới, có cường độ hạn chế. Như vậy là Washington nay có chính sách khác hẳn chính sách của cựu tổng thống Barack Obama, người mà vào năm 2009 ở Praha đã ra lời kêu gọi tiêu hủy hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân.
Đánh giá rằng tình hình thế giới hiện nay phức tạp hơn rất nhiều so với năm 2010 (thời điểm mà bộ Quốc phòng Mỹ công bố bản đánh giá mới nhất), Lầu Năm Góc cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ phải thích ứng với những mối đe dọa mới, đặc biệt là từ Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.
Trong lời mở đầu của bản dự thảo nói trên, bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ nay đang đối đầu với một mối đe dọa hạt nhân đa dạng hơn và lớn hơn bao giờ hết. Cho nên, Lầu Năm Góc đề nghị phát triển những loại vũ khí nguyên tử mới, với cường độ hạn chế, còn được gọi là "vũ khí hạt nhân mini". Những vũ khí này có khả năng phá hủy các căn hầm hoặc các cơ sở chôn sâu dưới đất.
Đặt trong giả thuyết là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ sử dụng các vũ khí hạt nhân quy ước, quá mạnh và có sức tàn phá quá lớn, Lầu Năm Góc dự trù phát triển những vũ khí có sức công phá thấp hơn, nhưng có khả năng đánh sâu vào hàng phòng thủ của đối phương, chẳng hạn như các tên lửa hải đối địa.
Đối với ông Barry Blenchman, đồng sáng lập viên trung tâm nghiên cứu chính sách Stimson Center ở Washington, một chuyên gia về chống phổ biến hạt nhân, bản đánh giá nói trên là một bước lùi so với những nỗ lực của những chính quyền trước đây nhằm làm giảm bớt nguy cơ xung đột hạt nhân.
Về phần Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, ông cho rằng chiến lược quân sự của Mỹ không cần đến một loại vũ khí nguyên tử mới. Theo ông Kristensen, có thể dự trù một kịch bản trong đó tổng thống Mỹ sẽ bớt ngần ngại sử dụng một vũ khí nguyên tử, nếu ông nghĩ rằng nó sẽ không gây nhiều thương vong cho thường dân.
Trong khi đó, dân biểu Adam Smith (Dân Chủ), thuộc Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ, tức là ủy ban giám sát các hoạt động của Lầu Năm Góc, thì nhận định rằng những đề xuất của bộ quốc phòng không giúp gia tăng bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ, mà trái lại sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, đối với ông Matthew Costlow, một nhà phân tích quốc phòng thuộc Viện quốc gia chính sách công, những mối quan ngại nói trên là quá đáng, vì trật tự hạt nhân của thế giới sẽ không thể bị xáo trộn do việc thêm bớt một vài đầu đạn nguyên tử bởi một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm như Hoa Kỳ.
Vấn đề là vào năm 2010, cựu tổng thống Obama đã ký với tổng thống Nga thời đó là Dmitri Medvedev một hiệp ước gọi là START mới, dự trù giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của hai nước. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021, thời điểm có thể ông Donald Trump làm tổng thống nhiệm kỳ hai. Một số chuyên gia sợ rằng ngôn từ của chính sách mới về vũ khí hạt nhân Mỹ có thể khiến cho thương thuyết với Nga về việc triển hạn hiệp ước này thêm khó khăn.
Thanh Phương
Tổng thống Donald Trump làm thế giới mất phương hướng
Ông Donald Trump vẫn đang thu hút chú ý của báo chí Pháp với chuyến công du dài ngày ở Châu Á và đặc biệt là ngày mai, 8/11, đánh dấu đúng một năm ông đắc cử tổng thống Hoa Kỳ với khẩu hiệu nổi tiếng "nước Mỹ trước tiên". Nhật báo Công giáo La Croix nhân sự kiện này nhìn lại phong cách và những việc đã làm của người lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới. Tựa trang nhất của La Croix nhận định : "Trump làm thế giới mất phương hướng".
Chính sách đối ngoại của tổng thống Donald Trump làm thế giới đảo điên. Ảnh minh họa. Reuters/Toru Hanai
Xã luận của La Croix viết : Với khẩu hiệu tôn chỉ "America first - Nước Mỹ trước tiên", một năm sau khi đắc cử tổng thống, "Donald Trump đã thành công trong việc làm suy yếu mọi logic của quan hệ đối tác vô cùng cần thiết trong một thế giới bất ổn". Một năm, Donald Trump cũng đã cho thấy ông là một vị tổng thống với "nguyên tắc hoài nghi".
La Croix nhắc lại : Trả lời truyền hình Mỹ trước chuyến công du dài 12 ngày tại Châu Á, khi phóng viên lưu ý ông là ở bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn còn có nhiều vị trí khuyết chưa bổ nhiệm, nhất là các vị trí cho khu vực Châu Á (cho đến giờ vẫn chưa có đại sứ Mỹ ở Seoul), tổng thống Trump đã ngạo nghễ nói : "Ngoại giao Mỹ là tôi, chỉ có tôi". Ông cũng nhấn mạnh thêm"Tôi là một doanh nhân" vì thế mọi quyết định cuối cùng phải thuộc về cá nhân ông.
La Croix nhận định : Với phong cách lãnh đạo của là một doanh nhân, ông Trump thích tạo mối tương quan lực lượng. Tổng thống Mỹ phủ nhận các mối quan hệ quốc tế đa phương, một phương thức vẫn tồn tại trong hầu hết các tổ chức quốc tế hay định chế tài chính kinh tế. Trong năm 2017, theo ý kiến của ông, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi nhiều tổ chức hay thỏa thuận ngoại giao, thương mại. Lý do chỉ vì ông Donald Trump nhận thấy các tổ chức và thỏa thuận đó chỉ gây bất lợi cho lợi ích trước mắt của công dân Mỹ. Đó là các thỏa thuận TPP ngay ngày đầu bước vào Nhà Trắng tháng Giêng, rồi đến thỏa thuận khí hậu Paris tháng 6, gần đây nhất là rút khỏi Unesco và hôm 13/10 vừa qua ông thông báo có thể không phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân Iran….
La Croix nhận xét : Donald Trump vừa qua hai đêm ở Nhật Bản, ông sẽ còn một đêm ở Seoul trong khi đó mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên liên quan đến Hàn Quốc nhiều hơn cả. Đơn giản là vì tân tổng thống Hàn Quốc, một người ủng hộ đối thoại với Bắc Triều Tiên, không hợp ông Trump lắm.
Sau màn đấu khẩu hiếu chiến trên Twitter với Bắc Triều Tiên và Kim Jong-un, ông Donald Trump lại bất ngờ tuyên bố có thể sẵn sàng gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Theo La Croix, những ngày tới ở Trung Quốc mới là thách thức lớn của tổng thống Trump. Chuyến đi sẽ cho thấy mối ưu tiên thực sự của Mỹ ở Châu Á có phải là mối lo ngại sự gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc ? Liệu Mỹ có còn giữ được ưu thế chiến lược ở Châu Á ?
Với Trung Quốc, người ta đã thấy những lời nói tiền hậu bất nhất của ông Trump. Khi còn tranh cử tổng thống, ông Trump không ngớt lời mắng nhiếc Trung Quốc "đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ". Nhưng trên cương vị tổng thống, tiếp chủ tịch Tập Cận Bình tại Florida hồi tháng 4, ông Trump lại ve vãn ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc hết lời. Thế nhưng ba tháng sau ông lại lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc thụ động trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.
La Croix nhấn mạnh : Không ai ở Châu Á giải mã được chính sách ngoại giao của Donald Trump. Hơn nữa, "phương pháp" của ông không thể hiện rõ ràng ngay từ đầu với người đối thoại. Chuyên gia Jean-Eric Branaa về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Paris 2 - Assas, đánh giá phương pháp của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ như sau : "Donald Trump thích làm đảo lộn các lá bài. Chính sách của ông ta dựa trên cái gọi là 'nguyên tắc không chắc chắn'".
Theo nhà phân tích Branaa tổng thống Mỹ chưa hẳn là người khó lường mà ông muốn tỏ cho thấy mình là người không thể hiểu được. Ông làm rối tung vấn đề lên để sao cho thế giới phải chạy theo ông ta và như vậy ông ta làm chủ cuộc chơi.
Thách thức của Mỹ ở Châu Á
Vẫn liên quan đến chuyến công du Châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Châu Á, trên trang "ngôn luận" của nhật báo Le Figaro có bài phân tích "Thách thức nào cho nước Mỹ tại Châu Á ?".
Theo tác giả Renaud Girard, tổng thống Mỹ biết ông có hai thách thức chiến lược phải vượt qua ở Châu Á, một ngắn hạn và một dài hạn. Về ngắn hạn, ông phải giải quyết vấn đề đang đặt ra cho nước Mỹ và các đồng minh lịch sử là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là sự gia tăng đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo đến từ Bắc Triều Tiên.
Về dài hạn, ông phải tìm được thỏa hiệp với Trung Quốc, quốc gia đang ngày càng tỏ tham vọng bành trướng trên biển làm tổn hại đến thế thượng phong của hải quân của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á (vốn đã được duy trì từ năm 1945 đến giờ). Đồng thời đà gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc đang gây lo ngại cho nhiều quốc gia nằm bên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tác giả nhận định : Ông Trump khẳng định Hoa Kỳ sẽ không thể chấp nhận thấy Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân. Thế nhưng Hoa Kỳ sắp tới đây sẽ không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận thực tế đó. Tất cả mọi người từ ở Mỹ đến Nhật Bản hay Hàn Quốc đều hiểu rằng một cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên sẽ là thảm họa cho cả Mỹ cũng như cho các đồng minh. Một thách thức khác của ông Trump là làm sao để Nhật-Hàn gạt sang một bên những hiềm khích lịch sử, bắt tay nhau đoàn kết trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Về lâu dài, theo tác giả bài viết, Mỹ sẽ phải chấp nhận phần nào tham vọng lãnh thổ và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khi Bắc Kinh đang cố gắng đẩy Mỹ ra ngoài các tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khu vực.
Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á không còn chính đáng nữa. Trong khi đó tất cả các nước ven biển trong khu vực này đều mong muốn Mỹ trở lại. Tác giả nhận định : Trong mối tương quan Mỹ-Trung, Hoa Kỳ đang bị thiếu chiến lược dài hạn như kiểu "Con đường tơ lụa" mà tập Cận Bình đã vẽ lên. Nhưng Hoa Kỳ lại có những người bạn thực sự ở Đông Á, trong khi Trung Quốc thì không có ai.
Vụ Paradise Papers : vấn đề đạo đức hay kẽ hở của hệ thống ?
Một thời sự khác được các báo Pháp chú ý nhiều là vụ "Paradise Papers" phát lộ một hệ thống cất giấu tài sản để né thuế trên quy mô toàn cầu, liên quan đến hàng trăm quan chức và những nhà tài phiệt, các tập đoàn giầu có nhất thế giới.
Le Monde là tờ báo tham gia vào cuộc điều tra quốc tế này cho nên Paradise Papers là chủ đề lớn phủ kín nhiều trang báo ra hôm nay. Tựa lớn trang nhất của Le Monde nêu con số ấn tượng : 350 tỷ (euro) bí mật trốn thuế. Đây là số tiền mà các quốc gia trên thế giới bị thâm hụt được ước tính từ những khối tài sản được cất giấu nhằm tránh thuế trong vụ Paradise Papers, vừa được 95 hãng truyền thông trên thế giới vừa đồng loạt công bố.
Tuy nhiên theo Le Monde : "Khác với vụ Panama Papers, cuộc điều tra mới này không liên quan mấy đến các hành vi rửa tiền bẩn từ gian lận thuế hay các hoạt động phạm pháp khác (như buôn bán vũ khí, ma túy…). Trong vụ này chỉ là những thao tác tài chính hợp pháp do một đội chuyên gia tiến hành giúp khách hàng trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế dựa trên những kẽ hở của hệ thống quản lý thuế quốc tế".
Vậy ai là những người tránh thuế ? Cuộc điều tra của Le Monde chỉ ra nhiều cái tên thân cận với tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Canada Justin Trudeau, nữ hoàng Anh Elizabeth II và không ít các tập đoàn đa quốc gia giàu có. Những thao tác cất tiền tránh thuế trong hồ sơ Paradise Papers không hề vi phạm luật, nhưng đạo đức và lương tâm của những người muốn lẩn tránh nghĩa vụ thuế là vấn đề cần phải bàn. Chỉ một nhóm nhỏ các công ty và cá nhân khá giả được ưu ái về kinh tế nhưng lại không muốn tuân thủ quy định bình đẳng với những công dân bình thường. Xã luận của Le Monde gọi vụ Paradise Papers là "mặt trái của toàn cầu hóa"
Nga không muốn gây chia rẽ xã hội vì Cách Mạng tháng 10
Hôm nay đánh dấu 100 năm sự kiện Cách Mạng tháng 10 Nga. Tuy nhiên, sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu này được "nước Nga của Putin kỷ niệm một cách kín đáo" như ghi nhận của báo Les Echos.
Thông tín viên của Les Echos tại Moskva ghi nhận : "Đúng một trăm năm sau cuộc cách mạng Bôn-sê-vích, giờ đây ở nước Nga của ông Vladimir Putin, Lenin vẫn được nhìn nhận tích cực nhưng ông không còn vị thế của người anh hùng dân tộc nữa".
Thời điểm 1917 giờ đây cũng chỉ là một trong nhiều mốc lịch sử đất nước. Trong tuần lễ này, chính quyền Nga thận trọng không muốn kỷ niệm ồn ào cuộc Cách Mạng tháng 10 cũng như tôn vinh cha đẻ của nó, V. Lenin. Thậm chí nhiều người có cảm giác là cuộc cách mạng này đang bị lãng quên ở Nga cho dù vẫn có một số hoạt động của các nhà chuyên môn về lịch sử trước thời điểm kỷ niệm.
Chính quyền Nga cho thấy họ có ưu tiên là không muốn gây thêm chia rẽ mới trong xã hội về di sản cách mạng còn gây nhiều tranh cãi này, theo nhận định của Les Echos.
Anh Vũ