EU ngừng tài trợ cho bầu cử Campuchia (VOA, 12/12/2017)
Liên Hiệp Châu Âu đã tạm dừng viện trợ cho cuộc bầu cử năm 2018 của Campuchia bởi vì – theo một thư của tổ chức này gửi cho ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia hôm thứ 3 (12/12) – cuộc đầu phiếu không khả tín sau khi đảng đối lập chính bị giải thể.
Một người ủng hộ đảng đối lập Cứu quốc Campuchia (CNRP) dâng cao tấm ảnh của người đứng đầu đảng Kem Sokha trong một cuộc tuần hành tại Phnom Penh hôm 26/9. Ông Kem Sokha bị bắt vì cáo buộc phản quốc. Liên Hiệp Châu Âu quyết định tạm ngừng cung cấp tài chính cho cuộc bầu cử vào năm sau của nước này.
Đảng cứu quốc Campuchia (CNRP) bị tòa án cao nhất của nước này giải thể theo yêu cầu của chính phủ của Thủ tướng Hun Sen sau khi thủ lãnh của đảng này, Kem Sokha, bị bắt vì cáo buộc phản quốc.
Bức thư có đoạn viết : "Một quy trình bầu cử trong đó đảng đối lập chính bị loại ra một cách tùy tiện không thể được coi là hợp pháp. Theo đó, Liên Hiệp Châu Âu không tin tưởng rằng sẽ có được một quy trình bầu cử đáng tin cậy".
Một số nhà tài trợ phương Tây lên án việc giải tán đảng CNRP là ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới nền dân chủ kể từ hiệp ước hòa bình quốc tế và cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc điều hành vào đầu những năm 1990, chấm dứt mấy mươi năm chiến tranh và nạn diệt chủng Khmer Đỏ đã giết chết ít nhất 1,8 triệu người Campuchia vào thập kỷ 1970.
Một người phát ngôn của chính phủ nói quyết định của Liên Hiệp Châu Âu sẽ không ảnh hưởng tới cuộc bầu cử, trong đó Thủ tướng đương nhiệm Hun Sen được kỳ vọng sẽ kéo dài thêm nhiệm kỳ đã hơn 30 năm của ông. Ông Hun Sen hiện là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trên thế giới.
"Đó là ý muốn của họ," người phát ngôn Phay Siphan nói với Reuters hôm thứ 3 (12/12) về quyết định của EU. "Về phần mình, chúng tôi có tiền".
Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản là 2 nhà tài trợ lớn nhất cho ủy ban bầu cử của Campuchia, mà theo lý thuyết là độc lập.
Được hỏi nếu Nhật cũng sẽ tạm ngưng viện trợ cho cuộc bầu cử hay không, sứ quán Nhật cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ công cuộc cải cách bầu cử và sẽ theo dõi tình hình một cách chặt chẽ.
"Cuộc bầu cử toàn quốc vào năm sau là tối quan trọng để thể hiện ý nguyện của người dân Campuchia," theo trả lời qua mail của tham tán Đại sứ quán Nhật, Hironori Suzuki, với Reuters.
Tháng trước, Liên Hiệp Quốc cho biết họ sẽ ngừng tài trợ cho cuộc bầu cử này. Sau đó, tổ chức này nói họ sẽ áp dụng lệnh cấm visa đối với những người tham gia vào các hành động cản trở dân chủ của của chính phủ Campuchia.
Người đứng đầu CNRP, ông Kem Shokha, bị bắt vì bị cáo buộc có âm mưu lật đổ chính phủ với sự hậu thuẫn của Mỹ. Ông đã phủ nhận những cáo buộc đó, và cho rằng đó là một âm mưu chính trị.
Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 10 đã cảnh cáo Campuchia có thể bị cắt quy chế miễn thuế mà nước này đang được hưởng theo một hiệp định giành cho những nước nghèo nhất thế giới, nếu tình hình nhân quyền ở Campuchia tiếp tục xấu đi.
Nhà tài trợ và đầu tư lớn nhất ở Campuchia hiện nay là Trung Quốc – nước đã lên tiếng ủng hộ việc đàn áp đảng đối lập và cho biết họ ủng hộ những nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế.
****************
'Các chính phủ EU đồng lõa với việc tra tấn di dân' (BBC, 12/12/2017)
Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc rằng các chính phủ Châu Âu chủ tâm đồng lõa trong việc tra tấn và lạm dụng người tỵ nạn, di cư ở Libya.
Các thuyền chở người nhập cư thường bị lính Libya chặn lại
Trong nỗ lực ngăn di dân, các nước EU đang tích cực ủng hộ "tình trạng lạm dụng và bóc lột" trên các bờ biển Libya, báo cáo của tổ chức này cho biết.
Các nguồn tài trợ của EU được trao cho các chính quyền bắt tay với lực lượng dân quân và buôn người, theo bản báo cáo.
EU cung cấp tàu, huấn luyện và tài trợ cho Lực lượng Phòng vệ bờ biển Libya.
Libya là tuyến đường chính cho người di cư có ý định tìm đến Châu Âu. Lượng người đến được Ý - điểm đến chính của người vượt biên - giảm mạnh sau khi EU cấp quỹ cho Lực lượng Phòng vệ bờ biển Libya.
Nhưng Tổ chức Ân xá Quốc tế nói lực lượng phòng vệ bờ biển đang bắt tay với các băng nhóm tội phạm và buôn người, và giới chức EU biết điều đó.
Họ cáo buộc mục tiêu ngăn người di cư dẫn đến hệ lụy là "giam giữ hàng loạt, tùy tiện và vô hạn định" với người tỵ nạn và người di cư.
***********************
Di dân Libya : Ân Xá Quốc Tế cáo buộc nhiều nước Châu Âu "đồng lõa" (RFI, 12/12/2017)
Một số chính phủ Châu Âu "đồng lõa" với các vụ vi phạm nghiêm trọng mà nạn nhân là những người nhập cư tại Libya. Trong bản báo cáo công bố ngày 12/12/2017, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) lên án sự ủng hộ của các nước Châu Âu đối với các chính quyền thường xuyên hợp tác với các mạng lưới buôn người.
Di dân Châu Phi bị giữ trong trại Gharyan, Libya 12/10/2017. Reuters/Hani Amara
Bản báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền, được Reuters trích dẫn, cho biết có đến 20.000 người hiện đang bị nhốt tại các khu giam giữ ở Libya và bị "tra tấn, lao động khổ sai, tống tiền và sát hại".
Ông John Dalhuisen, giám đốc tổ chức Ân Xá Quốc Tế tại Châu Âu, khẳng định : "Các chính phủ Châu Âu không ý thức đầy đủ về những vụ vi phạm này. Thông qua việc ủng hộ tích cực chính quyền Libya trong hoạt động của họ nhằm ngăn chặn các vụ vượt biển Địa Trung Hải và giam giữ những người này tại Libya, họ trở thành đồng lõa của những tội ác này".
Hiện tại Ủy Ban Châu Âu bình luận về cáo buộc nói trên của Amnesty International.
Libya là trạm chung chuyển của di dân Châu Phi tìm cách vượt Địa Trung Hải để đến Châu Âu. Trong vòng 4 năm gần đây, hơn 600.000 người đã đến được Ý qua ngả Libya.
Nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư ồ ạt, Liên Hiệp Châu Âu trợ giúp tài chính cho chính quyền quốc gia Bắc Phi này, huấn luyện lực lượng tuần duyên và tài trợ nhiều triệu euro cho các tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc để cải thiện điều kiến sống trong các trại tị nạn.
Tuy nhiên, Ân Xá Quốc Tế tố cáo lực lượng tuần duyên Libya hợp tác với các mạng lưới buôn người, thậm chí tra tấn người nhập cư để đòi tiền.
Thu Hằng