Vương quốc Anh : Elizabeth II qua đời, nền quân chủ lung lay ?
Sự kiện nữ hoàng Elizabeth II từ trần sau 70 năm trị vì tại Vương quốc Anh dĩ nhiên là chủ đề thống trị các báo ra ngày 09/09/2022, với các hồ sơ đặc biệt và đủ kiểu chân dung xuất hiện trên trang nhất. Các báo đều ca ngợi nhân cách của người được xem là chất keo gắn kết người dân Anh trong gần 3/4 thế kỷ và tự hỏi là hoàng gia Anh sẽ ra sao với người kế vị là quốc vương Charles III.
Bức tranh Nữ hoàng Anh Elizabeth II trên một tòa nhà ở Belfast, Bắc Ireland, ngày 09/09/2022. Reuters - CLODAGH KILCOYNE
Gây ấn tượng mạnh nhất có lẽ là trang bức ảnh toàn thân màu đen trắng Elizabeth II trong chiếc áo khoác màu đen tuyền rất quý phái chụp năm 1968 tại Luân Đôn phủ trọn trang nhất nhật báo thiên tả Pháp Libération, với hàng tựa ngắn gọn cũng màu đen ở góc dưới bên trái : "Nỗi đau buồn của nước Anh - La Peine d’Angleterre" - khai thác âm hưởng gần giống nhau giữa hai từ "peine" (nỗi đau) và "reine" (nữ hoàng) để gợi lên sự kiện nữ hoàng Anh qua đời.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng đăng một tấm ảnh bán thân nhìn nghiêng của Elizabeth II trên trang nhất, nhưng với chiếc áo màu xanh dương thường thấy, nổi bật trên một khung màu đen, với tựa lớn màu trắng là một từ duy nhất bằng tiếng Anh "Farewell", nghĩa là từ biệt, kèm theo lời giải thích : "Nữ hoàng Elizabeth II qua đời hôm thứ Năm sau 70 năm trị vì. Sự ra đi của bà có nguy cơ làm suy yếu chế độ quân chủ Anh".
Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng dành trọn trang nhất cho sự kiện, với bức ảnh màu chiếm ba phần tư trang báo cho thấy Elizabeth II đang vẫy tay chào, ngay phía dưới là hàng tựa "Vĩnh biệt nữ hoàng". Ngay bên dưới, Le Figaro cho biết là nữ hoàng Anh vừa qua đời hôm qua bên cạnh người trong gia đình tại dinh thự mùa hè của bà ở Balmoral, Scotland, ở tuổi 96. Đối với tờ báo, triều đại Elizabeth II, kéo dài 70 năm, sẽ ghi dấu ấn trong lịch sử. Le Figaro đồng thời ghi nhận là Vương quốc Anh đang khóc thương nữ hoàng của mình, trong lúc sự ra đi của bà đã làm dấy lên một làn sóng xúc động trên toàn thế giới.
Như các đồng nghiệp khác, nhật báo công giáo La Croix cũng dành trang nhất cho sự kiện Elizabeth II từ trần. Bên trên một tấm ảnh tư liệu đen trắng chụp từ năm 1956, cho thấy nữ hoàng Anh ngồi ngay ngắn trong bộ triều phục, đầu đội vương miện, tờ báo chạy tựa "Một đời nữ hoàng". Tờ báo nhấn mạnh : "Trong suốt 70 năm, nữ hoàng Elizabeth II là hiện thân đầy tôn nghiêm của Vương quốc Anh, một phẩm cách có gốc rễ từ đức tin của bà".
Chất keo ổn định gắn kết Vương quốc Anh
Về nữ hoàng Elizabeth II, các báo đều có chung một nhận định : Trong thời gian 70 năm vừa qua, bà chính là nhân tố gắn kết toàn dân Anh, một tác nhân ổn định trong một thế giới đầy biến động.
Trong bài xã luận mang tựa đề "Souveraine", vừa mang nghĩa là "nữ hoàng", vừa mang nghĩa là "ngự trị", La Croix không ngần ngại khẳng định như sau về nữ hoàng Elizabeth II : "Từ 70 năm nay, bà chính là Vương quốc Anh. Tuổi thọ cũng như là đức tính trước sau như một của bà đã khiến bà trở thành một điểm bám cố định hiếm hoi trong 4 thế hệ của một đất nước và thế giới bị đảo lộn".
Bài xã luận của Le Figaro cũng không nói gì hơn khi cho rằng Elizabeth II là "Một bàn thạch vững chắc cho vương quốc của bà". Theo tờ báo, trong gần 70 năm, "bà đã là cây cầu nối người dân Anh và lịch sử ngàn năm của họ. Chỉ cần nhìn thấy nữ hoàng trên ban công, hoặc đi trên một cỗ xe ngựa, ngay cả người ít bảo hoàng nhất trong số những người Anh cũng cảm thấy như mình được kết nối với thiên tài của đất nước lừng lẫy của mình".
Đối với Le Figaro, "Elizabeth II chính là hiện thân của khối đá mà trên đó vương quốc của bà được xây dựng. Thế giới có thể run sợ, bản sắc nước Anh có thể bị đe dọa, bản thân gia đình có bị những bi kịch và những vụ tai tiếng, nhưng vẻ thanh thản, yên bình và không gì lay chuyển được của bà đã có sức trấn an. Khi bà có mặt, các tin tức thời sự như trở thành tầm thường, những việc cấp bách bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Là người bảo đảm cho sự thống nhất của vương quốc, bà đã gánh vác được phần chủ yếu".
Nền quân chủ Anh sẽ ra sao ?
Chính vì nữ hoàng quá cố đã có một vai trò ổn định như kể trên mà báo chí Pháp đã không tránh khỏi lo ngại, sợ rằng việc Elizabeth II ra đi có thể khiến nền quân chủ Anh suy yếu, đẩy cường quốc kinh tế thứ 6 của thế giới vào tình trạng bấp bênh.
Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn "Rơi vào vô định", tờ Libération cho rằng mặc dù người Anh đã chuẩn bị từ lâu cho khả năng nữ hoàng từ trần, nhưng sự kiện này là một sự thay đổi to lớn đối với họ, cũng như đối với tất cả những ai nhìn thấy trong triều đại của bà là một ốc đảo ổn định.
Theo ghi nhận của tờ báo, cái chết của nữ hoàng Anh đã tạo ra một làn sóng chấn động khắp thế giới, vì nó vừa tự nhiên vừa gây bất ổn. Bất ổn là vì trong suốt 70 năm qua, Elizabeth II đã hiện diện hầu như mọi nơi, mọi lúc, xuyên qua mọi cuộc khủng hoảng thế giới, các bi kịch cá nhân và những vật phẩm văn hóa từ tem, ảnh, chân dung, tiền giấy, cho đến phim ảnh, truyền hình, tác phẩm âm nhạc hay trang bìa tạp chí, ấn phẩm. Lễ đăng quang của bà vào năm 1953 chẳng hạn, là một trong những sự kiện đầu tiên được truyền hình đi khắp thế giới.
Đối với Libération, cái chết của nữ hoàng Elizabeth II đưa đất nước của bà vào tương lai còn mơ hồ… Sau những ngày tang lễ chắc chắn sẽ rất hoành tráng và đầy xúc động, mọi người sẽ phải đối mặt với Charles III, một tân vương dường như rất khác với mẹ của mình, mà chưa ai biết sẽ hành động ra sao.
Tuy nhiên, tờ báo Pháp cũng cố tự an ủi : Rất có thể là Charles III đã kế thừa được bản năng sinh tồn của mẹ mình là Elizabeth II, và có thể gây bất ngờ.
Les Echos cũng lo ngại cho tương lai chế độ quân chủ Anh vì lẽ người kế nhiệm Elizabeth II là Charles III ít được lòng dân hơn và uy quyền có thể bị thách thức. Tồi tệ hơn nữa là ngay cả nền móng của chế độ quân chủ Anh cũng có thể lung lay vì thường bị coi là quá tốn kém, thậm chí nhiều khi bị coi là cổ hủ, quá xa vời với người dân.
Tờ báo trích dẫn một cuộc thăm dò của Viện Ipsos công bố vào tháng Giêng vừa qua, cho thấy mức độ hài lòng đối với Elizabeth II đạt tới 82%, so với vỏn vẹn 61% đối với Thái tử Charles. Thậm chí, có đến 73% người được hỏi cho rằng ông nên thoái vị để nhường ngôi lại cho con là hoàng tử William.
Những lần hòa nhập hiếm hoi với thần dân
Các báo dĩ nhiên là đều điểm lại tiểu sử của nữ hoàng Elizabeth II, với rất nhiều chi tiết khác nhau. Đáng chú ý nhất là bài viết rất đầy đủ mang tựa đề tiếng Anh "God Save The Queen" trên báo Libération.
Điểm nổi bật và có lẽ là xúc động nhất trong cuộc đời của nữ hoàng Anh được nhà báo Libération kể lại là hai lần hiếm hoi mà khi còn là Công Chúa, Elizabeth đã còn dịp thực sự hòa nhấp với người dân bình thường.
Khi chiến tranh sắp kết thúc, vào năm 1944, Elizabeth lúc ấy 18 tuổi và nhất quyết gia nhập lực lượng phụ trợ lãnh thổ, nơi cô đã thi lấy bằng lái xe tải và học những kiến thức cơ bản về cơ khí và thực sự nhúng tay vào dầu bẩn, và rất yêu thích công việc của mình. Trong một vài khoảnh khắc ngắn ngủi, cô cảm thấy giống như những người khác, những thần dân trong tương lai của mình, không hoàn toàn cùng đẳng cấp, nhưng gần gũi với họ hơn nhiều so với những năm trước hoặc sau đó trong các cung điện hoàng gia.
Cô đến gần hơn quần chúng vào ngày 8 tháng 5 năm 1945. Sau năm năm tám tháng, chiến thắng của lực lượng Đồng minh đã chấm dứt chiến tranh thế giới. Chiến tranh đã qua rồi. Ngày này, đã trở thành "Ngày VE" (nghĩa là "Ngày Chiến thắng ở Châu Âu") đối với người Anh, là một thời khắc kỷ niệm vui mừng.
Elizabeth khi ấy mới 19 tuổi. Cô vẫn chưa biết rằng cô sẽ là nữ hoàng của thời kỳ hòa bình dài nhất mà lục địa Châu Âu sẽ biết. Ngày hôm đó, với cô em gái 15 tuổi Margaret, tất cả những gì cô ấy muốn là chia sẻ sự hưng phấn chung của dân chúng. Hai công chúa nhỏ cầu xin cha mẹ cho họ trốn thoát trong vài giờ và được chấp thuận, miễn là họ đi cùng với một "đoàn tùy tùng" kín đáo gồm mười sáu người.
Nữ hoàng tương lai mặc đồng phục và đoàn người vui vẻ băng qua cánh cổng vàng của điện Buckingham vào khoảng 9 giờ tối, hòa vào đám đông. Trên đường phố, người ta khiêu vũ, người ta vui cười, hôn nhau, ôm nhau. Bầu không khí thật phi thường. Trong một khoảnh khắc, Elizabeth và Margaret, ở giữa đám đông đang tụ tập trước cung điện hoàng gia, nhìn cha mẹ của họ, Vua George VI và Nữ hoàng Elizabeth, đang chào từ ban công của cung điện. Với những người khác, với những người bình thường, các cô vỗ tay, cười, thậm chí có thể hét lên "God save the King !"
Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi này, nữ hoàng tương lai hòa thành một với thần dân tương lai của mình, cô ấy là họ và họ là cô ấy. Không ai nhận ra các công chúa và khoảng nửa đêm, quả bí ngô lại trở thành cỗ xe, họ trở về cung điện của mình. Cánh cửa đóng lại. Đây sẽ là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Elizabeth kết hợp ẩn danh với người Anh. Bà sẽ nói về đêm này như một trong những "đáng nhớ nhất trong cuộc đời".
Le Monde không bắt kịp thời sự
Nếu hầu như tất cả các tờ báo đều tập trung cho sự kiện nữ hoàng Anh từ trần, duy nhất tờ Le Monde, vì ra vào buổi trưa hôm qua, cho nên đã không đưa tin kịp mà đã dành trang nhất cho thời sự chính trị Pháp
Dưới hàng tựa lớn "Hội đồng cải cách quốc gia : Macron đối mặt với những hoài nghi", Le Monde nhắc lại rằng nguyên thủ nhà nước Pháp đã thành lập cơ chế mang tên Hội Đồng Cải Cách Quốc Gia (Conseil National de la refondation (CNR) vào thứ Năm, mà các đề xuất, theo ông, có thể "dẫn đến trưng cầu dân ý".
Theo tờ báo, đây là một công cụ thuộc diện gọi là "dân chủ cộng đồng (démocratie participative)" với những đường nét còn mơ hồ, vừa bị phe đối lập tẩy chay vừa làm dấy lên những câu hỏi từ phe đa số.
Các nghị sĩ thuộc đảng của ông Macron rất miễn cưỡng với cơ chế mới này, vì sợ rằng nó sẽ qua mặt một Nghị Viện đã trở lại trung tâm của cuộc chơi.
Le Monde ghi nhận : CNR đặc biệt sẽ kiểm tra sự tương ứng của các chỉ số tăng trưởng của Pháp với các cú sốc về khí hậu và năng lượng.
Trọng Nghĩa
Nữ hoàng Elizabeth II băng hà : Dân Anh đau buồn vô hạn
Thanh Phương, RFI, 09/09/2022
Nữ hoàng Elizabeth II, rất được thần dân yêu mến, qua đời hôm 08/09/2022, là một cú sốc lớn mà thật ra người dân Anh đã chuẩn bị đón nhận ngay từ giữa buổi chiều khi điện Buckingham ra một thông cáo về tình trạng sức khỏe rất đáng lo ngại của bà.
Người dân Anh tập trung đông trước điện Buckingham ở Luân Đôn, sau khi được tin nữ hoàng Elizabeth II qua đời, thọ 96 tuổi, ngày 08/09/2022. Reuters – Henry Nicholls
Trước điện Buckingham, Luân Đôn, đặc phái viên Thomas de Saint-Leger tường trình về phản ứng của dân Anh :
Giữa những tiếng còi hụ và tiếng trực thăng, vào giữa buổi chiều, trước điện Buckingham, chưa có đông dân Anh tụ tập, nhưng tin đồn lan truyền nhanh chóng, gây thêm lo ngại cho mọi người.
Một người dân nói : "Làm việc xong là tôi đến đây ngay. Trái tim của Luân Đôn chính là ở đây, nhà của Nữ hoàng, chính là nơi mà chúng tôi phải có mặt bây giờ, cho dù tôi vẫn hy vọng sẽ không có chuyện gì xảy ra" .
Nhưng chẳng mấy ai tin là sẽ không có tin xấu. Dưới cơn mưa, Luân Đôn thật buồn thảm, mọi ánh mắt đều vô hồn. Một nữ du khách Pháp nói : "Tôi muốn đến đây để ủng hộ Người Bà của Châu Âu". Người ta vẫn nói về Elizabeth II vào lúc này.
Vào đúng 18 giờ 30, giờ địa phương, thông tin mà ai cũng sợ đã rơi xuống và được đám đông đón nhận trong im lặng. Lá cờ của Hoàng cung để rủ. Những dòng lệ chảy dài trên mặt một phụ nữ. Bà nói : "Đây là một thời điểm thật đau buồn. Chúng tôi sẽ rất nhớ bà. Ai cũng biết là chuyện này sẽ đến, nhưng ai cũng bàng hoàng, sững sờ. Tôi không biết là sau bà, đất nước của tôi sẽ giống như hiện nay không".
Một đất nước đau buồn, nhưng đoàn kết một lòng. Từng đợt, từng đợt, người dân Anh đủ mọi thế hệ kéo đến điện Buckingham, tay cầm bó hoa, để vĩnh biệt Nữ hoàng của họ và vĩnh biệt cả một thời đại.
Thái tử Charles lên ngôi vua
Trong thông cáo chính thức chiều 08/09/2022, điện Buckingham loan báo nữ hoàng Anh, Elizabeth Đệ Nhị từ trần, thọ 96 tuổi. Bà ra đi "thanh thản tại lâu đài Balmoral", miền bắc Scotland. Thái tử Charles lên ngôi lấy niên hiệu Charles Đệ Tam.
Tân vương và hoàng hậu Camilla trong ngày hôm nay 09/09 trở lại Luân Đôn. Trên nguyên tắc, nhà vua sẽ đọc bài diễn văn đầu tiên với quốc dân. Phát biểu của tân vương Anh sẽ được phát trên đài truyền hình vào tối nay.
Thông tín viên Emeline Vin từ Luân Đôn trở lại với thời điểm khi đài truyền hình BBC chính thức loan báo tin nữ hoàng băng hà :
"Vào lúc 18 giờ 30, sau những giây phút im lặng kéo dài, kênh truyền hình BBC loan báo tin : "Đây là đài BBC từ Luân Đôn. Điện Buckingham thông báo nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị băng hà". Từ một vài giờ qua, các xướng ngôn viên của đài đã mặc đồng phục với cà-vạt đen. Mới chỉ 48 giờ trước đó, nữ hoàng còn xuất hiện trước công chúng, chính thức chỉ định bà Liz Truss vào chức vụ thủ tướng.
Tân thủ tướng Anh là người đầu tiên phát biểu chiều qua. Bà nói : "Nữ hoàng băng hà là một cú sốc mạnh đối với mỗi chúng ta. Vững như bàn thạch, Elizabeth II là điểm tựa để xây dựng một Vương quốc Anh hiện đại. Bà là linh hồn của đất nước và tinh thần đó vẫn còn sống mãi. Với cá nhân tôi và nhiều người dân Anh, nữ hoàng là một tấm gương sáng. Bà đã tận tụy với nghĩa vụ và chúng ta cần noi theo".
Thủ tướng Liz Truss đã thông báo niên hiệu tân vương : Vua Charles Đệ Tam. Nhà vua đã tỏ lòng thương tiếc "người mẹ thân yêu, một nữ hoàng được muôn dân yêu mến".
Hàng lọạt những cử chỉ tưởng nhớ nữ hoàng Anh đã diễn ra và tất cả đều kết thúc bằng một câu mà tất cả mọi người đã mong đợi từ 70 năm qua : God Save The King - Thượng Đế ban phúc lành cho Nhà Vua".
Thanh Phương
*********************
Thế giới tiếc thương và ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth II
Anh Vũ, RFI, 09/09/2022
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị ra đi ở tuổi 96 đã gây xúc động khắp thế giới. Từ các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ, chính khách lớn đến những người nổi tiếng trong giới văn hóa nghệ thuật đều lên tiếng bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ, kính yêu nhất đối với người đã trị vì Vương quốc Anh trong 7 thập niên.
Một khu vực ở phố Crimea, gần đường Shankill, Belfast, Bắc Ireland, được dọn dẹp để mọi người đặt hoa tưởng niệm Nữ hoàng Anh Elizabeth II, ngày 09/09/2022. AP - Mark Marlow
Ngay sau khi tin Nữ hoàng Elizabeth II qua đời chiều tối hôm qua (08/09), khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương. Các cuộc họp ở Liên Hiệp Quốc dành một phút mặc niệm, ở Paris tháp Eiffel tắt đèn chiếu sáng, tại Washington, Nhà Trắng hạ cờ rủ. Những dấu hiệu bày tỏ cảm xúc tương tự có thể thấy không chỉ ở những nước trong khối Thịnh vượng chung - Commonwealth gồm 51 quốc gia thành viên trong đó có 21 nước Châu Phi.
Trong 70 năm trị vì Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II đã gặp gỡ tiếp xúc với các nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tất cả đều lưu lại những kỷ niệm xúc động và những tình cảm tôn kính đặc biệt với Nữ hoàng. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đều dành những lời ca ngợi cao đẹp nhất để tôn vinh con người cuộc đời của vị quốc vương nước Anh vừa qua đời.
Tổng thống Joe Biden cùng phu nhân hôm qua đã đến sứ quán Anh tại Washington chia buồn và lưu bút trong sổ tang. Tổng thống Mỹ ca ngợi Elizabeth II còn hơn cả "một vị quốc vương. Bà là hiện thân của một thời đại".
Năm cựu tổng thống từ Jimmy Carter, Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama đến Donald Trump, hôm qua đều dành những lời ca ngợi tôn vinh tốt đẹp nhất về hồi ức của Nữ hoàng Elizabeth qua các thông cáo riêng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi Elizabeth II là "người bạn của nước Pháp, một Nữ hoàng nhân ái" và bà "hiện thân cho sự tiếp nối và đoàn kết quốc gia Anh trong hơn 70 năm".
Với thủ tướng Justin Trudeau, Elizabeth II là "một phần quan trọng của lịch sử" Canada, thủ tướng Canada bày tỏ trên Twitter.
Giáo hoàng Francis đã dành những lời xúc động nhất ngay sau khi hay tin Nữ hoàng Anh qua đời và ca ngợi bà là người đã dành cả cuộc đời phụng sự đất nước không mệt mỏi, là một tấm gương cho lòng tận tụy. Lãnh đạo Tòa thánh Vatican đã gửi điện chia buồn đến Hoàng gia, nhân dân Anh về mất mát này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn đến vua Charles III vừa mới nối ngôi. Trong thông cáo của điện Kremlin, ông Putin ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth II là "người được mọi người kính trọng, và yêu mến và uy quyền trên trường quốc tế". Hôm nay, truyền thông chính thức Trung Quốc đưa tin, chủ tịch Tập Cận Bình đã "chia buồn sâu sắc với Hoàng gia, chính phủ và nhân dân Anh".
Trên các mạng xã hội, từ hôm qua, phủ kín những dòng cảm xúc của nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong đủ các giới chính trị, văn hóa nghệ thuật cũng như người dân bình thường để bày tỏ lòng tôn kính và niềm tiếc thương đối với Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Anh Vũ
***********************
Bà Elizabeth, nữ hoàng đi cùng với một thế giới đổi thay
Reuters, VOA, 09/09/2022
Thành tích của Nữ hoàng Anh Elizabeth, người qua đời hôm 8/9 sau 70 năm trên ngai vàng, là duy trì sự mến chuộng của chế độ quân chủ qua nhiều thập kỷ thay đổi chính trị, xã hội và văn hóa vốn đe dọa biến chế độ này thành một chủ nghĩa sai niên đại.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Là một nhân vật được tôn trọng, đáng tin cậy, người trị vì lâu hơn bất kỳ quốc vương Anh nào khác, bà Elizabeth đã giúp hướng thể chế này vào thế giới hiện đại, loại bỏ các nghi lễ của triều đình và làm cho nó trở nên cởi mở và dễ tiếp cận hơn, tất cả trước ống kính của phương tiện truyền thông ngày càng xâm nhập và thù địch.
Trong khi quốc gia mà bà trị vì đôi khi phải vật lộn để tìm vị trí của mình trong một trật tự thế giới mới và gia đình của chính bà thường không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng, thì bản thân nữ hoàng vẫn là một biểu tượng của sự ổn định. Bà cũng cố gắng vượt qua rào cản giai cấp và giành được sự tôn trọng miễn cưỡng của ngay cả những người cộng hòa cứng rắn.
Đối với phần lớn thế giới, bà là hiện thân của nước Anh, nhưng bà vẫn là một cá nhân bí ẩn, không bao giờ trả lời phỏng vấn và hiếm khi bày tỏ cảm xúc hay đưa ra quan điểm cá nhân trước công chúng - một người phụ nữ được hàng triệu người công nhận nhưng hầu như không được ai biết rõ.
"Tôi nghĩ bà đã mang lại cuộc sống, năng lượng và niềm đam mê cho công việc của mình, bà đã tìm cách để hiện đại hóa và làm chế độ quân chủ tiến hóa không giống những chế độ khác", cháu trai của bà, Hoàng tử William, người thừa kế ngai vàng, cho biết trong một bộ phim tài liệu truyền hình năm 2012.
Nữ hoàng trẻ
Elizabeth Alexandra Mary sinh ngày 21/04/1926 tại số 17 phố Bruton ở trung tâm London.
Người ta không kỳ vọng cô công chúa trẻ này sẽ lên ngôi : chỉ sau khi chú của bà là Vua Edward VIII thoái vị vào năm 1936 vì tình yêu của ông với bà Wallis Simpson, người Mỹ đã ly hôn, thì vương miện được trao cho thân phụ bà, Vua George VI, khi bà 10 tuổi.
Bà chỉ mới 25 tuổi khi cha bà qua đời và bà trở thành Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 6/2/1952, trong khi đang công du ở Kenya cùng với chồng là Hoàng tử Philip. Ông Winston Churchill là thủ tướng đầu tiên trong số 15 thủ tướng phục vụ dưới thời trị vì của bà.
Bà nói trong một bộ phim tài liệu năm 1992 : "Theo một cách nào đó, tôi không có học việc, cha tôi qua đời khi còn quá trẻ và vì vậy mọi chuyện diễn ra rất đột ngột và tôi hoàn thành công việc tốt nhất có thể".
Trong suốt 70 năm trên ngai vàng, nước Anh đã trải qua một sự thay đổi đáng kể.
Những năm 1950 khắc khổ sau chiến tranh đã nhường chỗ cho những năm 60 dao động, sự lãnh đạo gây chia rẽ của bà Margaret Thatcher trong những năm 80, kỷ nguyên Lao động Mới ba nhiệm kỳ của ông Tony Blair, sự trở lại của nền kinh tế thắt lưng buộc bụng và sau đó là đại dịch Covid-19.
Các chính phủ Lao động và Bảo thủ đến rồi đi, chủ nghĩa nữ quyền đã thay đổi thái độ đối với phụ nữ, và nước Anh trở thành một xã hội đa sắc tộc, mang tính quốc tế hơn nhiều.
Bà Elizabeth lên ngôi trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh kể từ cái chết của nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin. Trong thời gian trị vì của bà, có 14 tổng thống Hoa Kỳ, từ Harry S. Truman đến Joe Biden, và bà đã gặp tất cả trừ Tổng thống Lyndon Johnson.
Việc Anh bỏ phiếu rời Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2016 đã phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Anh, trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc tiếp tục thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý mới về nền độc lập của Scotland có khả năng chia rẽ Vương quốc Anh.
Người Scotland đã bỏ phiếu để ở lại Vương quốc Anh.
Bình đẳng nhiều hơn
Theo thời gian, nước Anh đã phát triển thành một xã hội bình đẳng hơn, nơi mà giai cấp thống trị phải nhường chỗ cho một tầng lớp trung lưu đang phát triển, nơi giới quý tộc không còn thống trị các trường đại học hàng đầu và phần lớn những người cha truyền con nối mất ghế trong Thượng viện.
Lúc đầu, bà Elizabeth chủ yếu dựa vào đội ngũ cố vấn cũ của cha mình nhưng dần dần bà đã mang thêm nhiều nhà ngoại giao chuyên nghiệp và giám đốc kinh doanh vào triều đình khi bà và chồng tìm cách hiện đại hóa chế độ quân chủ.
"Bà thông minh, giàu lòng trắc ẩn, bà có cái nhìn sâu sắc và có những đức tính điển hình và truyền thống liên kết với người Anh", cựu Thủ tướng John Major nói trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của bà.
"Nếu bạn đang xây dựng một người nào đó trở thành quốc vương Anh ở đây, tôi nghĩ bạn nên xây dựng một người giống hệt như bà Elizabeth II".
Năm 1992, nữ hoàng đáp trả những lời chỉ trích về sự giàu có của hoàng gia bằng cách đề nghị đóng thuế thu nhập và cắt giảm số lượng người thân trong gia đình trong bảng lương nhà nước.
Nhưng những năm bà ở trên ngai vàng thường không thuận buồm xuôi gió.
Bà đã dành phần lớn thời gian đầu của triều đại để từ biệt Đế quốc Anh vốn được tích lũy dưới thời tổ tiên của bà, từ Kenya đến Hong Kong. Barbados là quốc gia gần đây nhất loại bỏ bà làm nguyên thủ quốc gia vào tháng 11/2021.
Tuy nhiên, bà vẫn là quốc vương của 15 quốc gia và là người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung.
Cuộc hôn nhân của bà với ông Philip, một hoàng tử Hy Lạp mà bà kết hôn ở tuổi 21, vẫn bền chặt suốt 73 năm cho đến khi ông qua đời vào tháng 4/2021, nhưng chị em của bà, con gái và hai con trai của bà không may mắn trong tình yêu.
Bà nổi tiếng khi mô tả năm 1992 là "năm khủng khiếp" nhân kỷ niệm 40 năm lên ngôi sau khi cuộc hôn nhân của ba trong số bốn đứa con của bà thất bại và một vụ hỏa hoạn tại dinh thự lâu đài Windsor của bà.
Cái chết của Công nương Diana
Cái chết vào năm 1997 của Công nương Diana, người vợ đã ly hôn của con trai cả Charles của bà Elizabeth, gây tổn hại thêm cho uy tín của hoàng gia khi nữ hoàng và những người thân khác ban đầu giữ im lặng, trong khi dân chúng rất đông tụ tập ở London để thương tiếc Diana.
Giáo sư Vernon Bogdanor, một chuyên gia về lịch sử hiến pháp Anh nói : "Không phải là bà không bao giờ sai, mà tích cực hơn là - bà hiểu người dân Anh".
Những lời chỉ trích chính đối với bà là bà quá trang trọng, xa cách và không thân thiện.
Các nhà phê bình cho biết lần duy nhất bà thể hiện cảm xúc thực sự trước công chúng là khi hoàng gia chia tay trong nước mắt với chiếc du thuyền lộng lẫy Britannia của họ, vài tháng sau phản ứng nghiêm nghị của bà trước cái chết của Diana.
Nhưng theo những người làm việc gần gũi với bà, về mặt riêng tư, bà là người nhạy bén, vui tính và nhận thức sâu sắc về tâm trạng của đất nước.
Một cựu nhân viên bảo vệ, ông Richard Griffin, đã kể lại hồi đầu năm nay về việc hai du khách người Mỹ đã tiếp cận ông và nữ hoàng trong khu đất của bà ở Scotland và không nhận ra bà.
Bà đã đồng ý chụp ảnh một trong số họ với ông ta. Ông Griffin sau đó đã chụp ảnh cho họ với nữ hoàng.
Ít hình thức
Trong 20 năm qua, được hỗ trợ bởi hoạt động truyền thông chuyên nghiệp và tinh vi hơn, càng ngày càng ít hình thức hơn xung quanh nữ hoàng và gia đình của bà.
Hàng triệu người đã đến dự lễ kỷ niệm đánh dấu năm thứ 50, 60 và 70 của bà trên ngai vàng, trong khi vai diễn chính của bà trong một bộ phim James Bond giả đã trở thành điểm nhấn của lễ khai mạc Thế vận hội Olympic London 2012.
Trong đoạn phim ngắn, bà chào nam diễn viên Bond Daniel Craig tại Cung điện Buckingham, chỉ thốt ra bốn từ trước khi hiệu ứng hình ảnh cho thấy bà dường như đang cùng anh lên trực thăng và nhảy dù xuống sân vận động.
Các phụ tá của bà cho biết bà hay pha trò với các nhà lãnh đạo thế giới, dễ dàng làm quen với những người đứng đầu chính phủ của Khối thịnh vượng chung lâu năm và thích đặt cược vào ngựa đua. Đua ngựa là một niềm đam mê lâu dài của bà.
Bà cũng được tháp tùng trong hầu hết thời gian trị vì của mình bởi những chú khuyển corgi, chúng nổi tiếng vì đã bám gót các nhân viên hoàng gia và là hậu duệ của con chó có tên Susan mà bà nhận được như một món quà sinh nhật lần thứ 18 từ cha mẹ mình.
Ông Matthew Dennison, một người viết tiểu sử về bà Elizabeth nói : "Những gì chúng ta thực sự biết về nữ hoàng là rất ít".
"Chúng tôi biết rằng bà thích đua ngựa. Chúng tôi biết rằng bà thích chó corgis. Chúng tôi biết rằng bà thích chăn và tấm trải giường hơn chăn lông vũ. Nhưng ngoài ra, chúng tôi hầu như không biết gì về bà".
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, bà học trở thành một người lái xe và một thợ cơ khí khi phục vụ trong Dịch vụ lãnh thổ phụ trợ (chi nhánh phụ nữ của Quân đội Anh).
Tình yêu của bà đối với hoạt động ngoài trời và động vật đã được ghi lại rõ ràng.
Vợ của Hoàng tử William, bà Kate, nói rằng đằng sau những cánh cửa đóng kín, nữ hoàng tránh xa sự phô trương của hoàng gia.
"Bạn sẽ kỳ vọng sẽ có nhiều sự hoành tráng và nhiều ồn ào nhưng thực sự điều thực sự cộng hưởng với tôi là tình yêu của bà dành cho những điều đơn giản, không ồn ào và tôi nghĩ đó là một phẩm chất đặc biệt cần có", bà Kate nói với một bộ phim tài liệu truyền hình để đánh dấu sinh nhật lần thứ 90 của bà Elizabeth.
Đăng quang
Bà Elizabeth trở thành nữ hoàng vào năm 1952 và được trao vương miện vào ngày 2/6/1953 trong một buổi lễ truyền hình ở Tu viện Westminster, là quốc vương thứ 40 trong dòng dõi hoàng gia có nguồn gốc từ William Nhà chinh phạt vào năm 1066.
Vào tháng 9/2015, bà đã vượt qua Nữ hoàng Victoria để trở thành quốc vương trị vì lâu nhất của đất nước, một thành tích mà bà nói rằng bà chưa bao giờ mong muốn và năm sau có nhiều lễ kỷ niệm hơn cho sinh nhật lần thứ 90 của bà.
Bà lên ngôi cùng tuổi với bà Elizabeth I, nhưng trong khi Elizabeth đệ nhất chứng kiến đất nước của mình đạt được vị thế của một quốc gia thương mại quan trọng vào thế kỷ 16, thì tên tuổi của bà đã dẫn dắt một nước Anh tuột khỏi vị trí dẫn đầu thế giới về ngành công nghiệp và công nghệ.
Khi vị trí của nước Anh thay đổi, nữ hoàng đứng ra ủng hộ sự thống nhất, và sự hào nhoáng xung quanh gia đình bà - với những cỗ xe mạ vàng và đám cưới hoàng gia hoành tráng - là nguồn tự hào dân tộc của nhiều người.
Cuộc hôn nhân của Hoàng tử William vào năm 2011 với thường dân Kate Middleton chứng kiến hơn một triệu người trên đường phố London và thu hút khoảng hai tỷ người xem toàn cầu, là minh chứng cho điều đó.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đất nước vẫn chủ yếu tin tưởng vào vị quân chủ cha truyền con nối làm nguyên thủ quốc gia.
Tuy nhiên, với cái chết của bà, tương lai của chế độ quân chủ sẽ phải đối mặt với sự giám sát hơn bao giờ hết.
Một số nhà bình luận nói rằng công chúng Anh, vốn gắn bó với nữ hoàng đã phục vụ lâu dài, có thể không cảm thấy như vậy đối với Thái tử Charles và các cuộc thăm dò cho thấy ông ít được ưa chuộng hơn.
Quyết định của Hoàng tử Harry và người vợ Mỹ Meghan, một cựu nữ diễn viên, từ bỏ các vai trò hoàng gia của họ cũng khiến hoàng gia mất đi hai nhân vật nổi tiếng toàn cầu, trong khi những cáo buộc của họ nhắm vào hoàng gia về việc phân biệt chủng tộc vẫn còn đó.
Vụ kiện dân sự lạm dụng tình dục tại Mỹ đối với con trai thứ hai là Hoàng tử Andrew, mà ông đã trả tiền để giải quyết, cũng đã gây thiệt hại cho danh tiếng của hoàng gia.
Ông Andrew phủ nhận mọi hành vi sai trái trong vụ án do bà Virginia Giuffre đưa ra, người đã cáo buộc ông tấn công tình dục và đánh đập bà khi bà còn là nạn nhân tuổi teen của tội phạm tình dục Jeffrey Epstein.
Cuộc sống gia đình và nhiệm vụ trước công chúng
Ở bên cạnh bà trong gần suốt thời gian trị vì là chồng bà, người mà bà cho là "sức mạnh và sự tồn tại" của bà.
Bà nói vào tháng 2/2022 khi đánh dấu 70 năm trên ngai vàng : "Tôi thật may mắn khi ở bên Hoàng thân Philip, tôi có một người bạn đời sẵn sàng thực hiện vai trò người phối ngẫu và hy sinh không vị kỷ".
Họ có 4 người con : Charles sinh năm 1948, Anne năm 1950, Andrew sinh năm 1960 và Edward năm 1964.
Bà có tám người cháu và 12 người chắt.
Trong phần lớn thời gian trị vì của mình, bà bị thiên hạ săm soi chú ý bởi ba người phụ nữ - người mẹ nổi tiếng của bà, Nữ hoàng Elizabeth, em gái bà Margaret và sau đó là Công nương Diana.
Nhưng nỗi buồn cá nhân khi mất mẹ và em gái - những người đã qua đời chỉ vài tuần trong Năm Vàng 2002 - đã giúp nữ hoàng thiết lập vị trí của riêng mình, khiến bà trở thành nhân vật mẫu hệ không thể tranh cãi của quốc gia.
Cuộc đời làm việc của bà bao gồm hàng nghìn lần tham gia chính thức, từ các chuyến đi đến trường học và bệnh viện, cho đến các buổi lễ lớn của các chuyến thăm cấp nhà nước và các sự kiện quốc gia.
Bà nổi tiếng vì đã mặc những bộ trang phục màu sắc rực rỡ với một chiếc mũ phù hợp trong các lễ đính hôn của hoàng gia, để đảm bảo rằng bà nổi bật giữa đám đông.
Bà cũng rất coi trọng các nhiệm vụ tôn giáo của mình với tư cách là Giáo chủ Tối cao của Giáo hội Anh.
Bà đã công du nhiều hơn bất kỳ quốc vương nào trước đây, thực hiện hơn 250 chuyến thăm nước ngoài đến hơn 100 quốc gia. Bà nổi tiếng với sức chịu đựng dẻo dai và bắt đầu cắt giảm thời gian biểu bận rộn cho các chuyến du hành nước ngoài chỉ khi bước sang tuổi 80.
Ngay cả khi ở độ tuổi 90, bà vẫn thường xuyên chủ tọa các cuộc đính hôn. Vào một sự kiện như vậy ở tuổi 93, bà nói với các quan chức rằng bà vẫn có thể trồng cây trước khi xúc đất vào hố, và phải hai năm sau đó bà mới cần chống gậy trước công chúng.
Khi bà nhập viện vào tháng 3/2013 với các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày, đây là lần đầu tiên bà phải điều trị tại bệnh viện trong một thập niên.
Mãi cho đến tháng 10/2021, bà mới trải qua một đêm trong bệnh viện và bà kiên cường tiếp tục với những nhiệm vụ nhẹ nhàng ngay cả khi kết quả xét nghiệm dương tính với Covid vào tháng 2 năm sau.
Tầm quan trọng lâu dài của bà đã được chứng minh khi bắt đầu đại dịch vào năm 2020. Với một quốc gia đang lo lắng bị khóa chặt, chính phủ đã nhờ đến nữ hoàng để trấn an trong một chương trình phát sóng trên truyền hình. Thông thường bà chỉ đưa ra những phát biểu như vậy trong chương trình phát sóng Giáng sinh hàng năm.
Năm 1981, một thanh niên người Anh đã bắn những phát súng mã tử gần bà trong buổi lễ Trooping the Colour. Bà không bị thương.
Cùng năm đó, một thiếu niên "bị rối loạn nghiêm trọng" đã cố gắng ám sát nữ hoàng khi bà đang đi thăm New Zealand nhưng anh ta đã bắn trượt bằng súng trường của mình.
Vào tháng 7/1982, một người lao động thất nghiệp tên là Michael Fagan đã lẻn vào phòng ngủ của bà trong Cung điện Buckingham. Anh ta nói chuyện một lúc với bà Elizabeth trước khi bị nhân viên an ninh kéo ra ngoài.
Tương lai
"Người ta đã nói rằng nghệ thuật của sự tiến bộ là giữ gìn trật tự trong bối cảnh thay đổi và thay đổi giữa trật tự’, và về điều này, nữ hoàng là người độc nhất vô nhị", Thủ tướng David Cameron khi đó nói trong một bài phát biểu trước quốc hội vào năm 2012.
"Bà chưa bao giờ đóng cửa tương lai ; thay vào đó, bà đã dẫn đường cho nó".
Gia đình nữ hoàng và giới chính trị của Anh đã lên tiếng ngưỡng mộ khả năng thích ứng mà không làm mất đi bất kỳ phẩm giá nào trong vai trò của bà.
Sự thành công trong tương lai của chế độ quân chủ có thể phụ thuộc vào mức độ người Anh ngưỡng mộ người tiếp theo trên ngai vàng.
Nhà viết tiểu sử hoàng gia Robert Lacey, người từng là cố vấn lịch sử cho bộ phim truyền hình Netflix "The Crown", nói : "Chế độ quân chủ chỉ tốt khi những người làm công việc đó tốt".
"Về cơ bản, khi bạn nhìn vào cấu trúc và cách vận hành của đất nước, chúng ta là một nước cộng hòa với món trang sức vinh quang mà tất cả chúng ta đều tận hưởng. Và chúng ta có thể luôn luôn vứt bỏ đồ trang trí rẻ tiền bất cứ lúc nào chúng ta muốn".
Bà Elizabeth đã tự đặt ra mục tiêu cho cuộc đời mình ngay từ khi còn nhỏ.
"Tôi tuyên bố trước tất cả các bạn", bà nói trong một chương trình phát sóng sinh nhật lần thứ 21, "rằng toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ được cống hiến để phục vụ các bạn và phục vụ cho gia đình hoàng gia vĩ đại của chúng ta".
Nguồn : VOA, 09/09/2022
***********************
Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị và những thời khắc đáng ghi nhớ tại Châu Á trong 70 năm trị vì
RFA, 08/09/2022
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị, người vừa qua đời hôm thứ năm 8/9/2022 ở tuổi 96, không chỉ là một vị vương trị vì lâu nhất trên thế giới ; bà còn là một trong những nhân vật nổi tiếng công du nhiều nhất và được trọng vọng nhất khắp toàn cầu, trong đó có Châu Á.
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị (trái) và Thái tử Charles (phải) chụp vào tháng sáu năm 2017. AFP
Trong suốt 70 năm trị vì, bà khởi đầu bình minh của Đế quốc Anh cho đến khi tầm ảnh hưởng của nó suy giảm ; nhưng vẫn luôn duy trì được lòng kính trọng sâu sắc. Những cuộc hội kiến của bà với giới lãnh đạo Châu Á được ghi lại như biên niên kỷ những nhân vật thuộc lịch sử hiện đại trong khu vực này kể từ Thế chiến Thứ hai. Có thể kể đến một số nguyên thủ quốc gia mà bà hội kiến khi công du Á Châu hay tiếp kiến tại Điện Buckingham trong suốt thời gian trị vì là Hoàng đế Nhật bản Hirohito, Tổng thống Suharto của Indonesia, Vua Bhumibol Thái Lan, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và chủ tịch Trung Quốc tập Cận Bình…
Trong cương vị nữ hoàng Anh, bà cũng là người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung những thuộc địa Anh trước đây. Bà từng thăm viếng nhiều quốc gia trong khối và trở lại thăm nhiều lần. Những quốc gia Châu Á mà bà từng đến thăm có Bangladesh vào năm 1983 ; Malaysia, Singapore, Brunei được bà đến thăm lần đầu vào năm 1972 ; Ấn Độ và Pakistan được bà thăm lần đầu vào nằm 1961 ; quần đảo Maldive và Sri Lanca được bà đến thăm vào năm 1954, chỉ hai năm sau khi bà lên ngôi kế vị vua cha qua đời George Đệ lục.
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị cũng thường xuyên công du đến các quốc gia Thái Bình Dương xa xôi thuộc Khối Thịnh vượng chung như Fiji, Nauru, Papua Tân Guinea, quần đảo Solomon, Kiribati và Samoa. Ngoài ra, bà cũng từng được đón tiếp tại Nepal, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Chuyến thăm sáu ngày đến Trung Quốc hồi năm 1986 là chuyến thăm đầu tiên của một vị nắm vương quyền Anh Quốc. Lần đó, bà đến thăm Tử cấm thành ở Bắc Kinh và Vạn lý Trường Thành. Rồi tái khẳng định cam kết trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc. Cam kết đó được hoàn thành vào tháng 7 năm 1997 khi Hong Kong được chuyển từ Anh về lại cho Bắc Kinh. Đây là một diễn tiến địa chính trị quan trọng được xem như bước kết thúc Đế quốc Anh.
Chuyến công du Châu Á cuối cùng của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị là vào năm 2006. Tại Singapore bà được Tổng thống S.R. Nathan tiếp đón như là nguyên thủ của Khối Thịnh Vượng chung.
Dưới thời trị vì của bà có 15 đời thủ tướng, từ vị đầu tiên là Thủ tướng Winston Churchill- thủ lĩnh Anh quốc trong Thế chiến Thứ hai, và vị cuối cùng là nữ thủ tướng Liz Truss - người mới được nữ hoàng tiếp kiến hôm thứ ba chỉ hai ngày trước khi bà qua đời.
Đối với đại đa số nhân dân Anh Quốc, bà là vị nữ vương trị vì duy nhất trong đời họ. Đối với nhiều người trên thế giới, hình ảnh của bà thường gắn kết với việc nhanh chóng trao trả độc lập lại cho những thuộc địa của Anh nhưng vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với người dân và lãnh đạo của những nước sau khi độc lập.
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị lên ngôi lúc 25 tuổi và băng hà lúc 96 tuổi tại Lâu đài Balmoral, một cơ ngơi của Hoàng gia Anh tại Scotland, khi con cháu quay quần quanh bà. Thái tử Charles, 73 tuổi, con trai trưởng của bà, Công tước Xứ Wales, sẽ kế vị ngai vàng nước Anh.
Nguồn : RFA, 08/09/2022
Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà
Thanh Phương, RFI, 08/09/2022
Chiều 08/09/2022, Hoàng gia Anh chính thức thông báo nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị vừa băng hà tại lâu đài Balmoral, Scotland, hưởng thọ 96 tuổi. Ngay sau đó, thái tử Charles nối ngôi mẹ, trở thành Quốc vương Anh Quốc với niên hiệu Charles Đệ tam.
Nữ hoàng Anh Elisabeth II tại Berlin, Đức, 24/06/2015. AP - Markus Schreiber
Trước đó trong ngày, toàn bộ các thành viên của Hoàng gia Anh đã được gọi về bên cạnh Nữ hoàng sau khi các bác sĩ bày tỏ quan ngại về tình hình sức khỏe của bà.
Elizabeth II, tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary, sinh ngày 21/04/1926 tại Luân Đôn. Cha của bà, quốc vương George VI, lên ngôi vào năm 1936 sau khi người bác ruột của bà là Quốc vương Edward VIII thoái vị, khiến Elizabeth trở thành người kế vị ngai vàng.
Tháng 9/1939, Anh Quốc tuyên chiến với Đức Quốc Xã. Nhưng Quốc vương và Hoàng hậu từ chối ra nước ngoài lánh nạn và như vậy là trong thời chiến, các công chúa phải sống kham khổ trong lâu đài Windsor. Riêng Elizabeth Alexandra Mary đã gia nhập lực lượng dự bị, với tư cách tài xế xe tải.
Sau khi hòa bình lập lại, Elizabeth, vào năm 21 tuổi, đã đọc một bài diễn văn lịch sử được truyền khắp thế giới, cam kết sẽ "dành cả cuộc đời cho nhiệm vụ", một cam kết mà bà vẫn giữ cho đến nay.
Tháng 11/1947, bà kết hôn với Philip Mountbatten, cựu Vương tử Hy Lạp và Đan Mạch. Họ sống với nhau trong suốt 73 năm cho đến khi Hòng than Philip qua đời ngày 9/4/2021, hưởng thọ 99 tuổi. Hai người có 4 người con : Thái tử Charles, Công nương Anne, Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward.
Sau khi cha của bà qua đời vào ngày 6/2/1952, Elizabeth, lúc đó 25 tuổi, lên ngôi Nữ hoàng vương hiệu Elizabeth II của khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth) gồm 7 quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh.
Không chỉ là một nữ hoàng sống thọ nhất thế giới, Elizabeth Đệ nhị còn là một quốc vương có thời gian trị vì dài kỷ lục, vì bà vừa kỷ niệm 70 năm cầm quyền (Platinum Jubilee of Elizabeth II). Trong lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng, nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã chính thức bổ nhiệm bà Liz Truss làm tân thủ tướng Vương quốc Anh, và đây là vị lãnh đạo chính phủ thứ 15 trong suốt 70 năm trị vì của bà, tính từ thời Winston Churchill.
Thanh Phương
**********************
Elizabeth II : Cả cuộc đời dành cho nhiệm vụ của Nữ hoàng
Thanh Phương, RFI, 09/09/2022
Sau hơn 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn được thần dân Anh yêu mến và trong suốt thời gian ngồi trên ngai vàng, bà vẫn luôn chứng tỏ là một người xem nhiệm vụ là trên hết.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II trên ban công điện Buckingham xem lễ diễu binh mừng sinh nhật nữ hoàng, Luân Đôn, Anh, ngày 02/06/2022. AFP – Jonathan Brady
Elizabeth II, tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary, sinh ngày 21/04/1926 tại Luân Đôn. Cha của bà, quốc vương George VI lên ngôi vào năm 1936 sau khi người bác ruột của bà là Quốc vương Edward VIII thoái vị, cho nên Elizabeth trở thành người kế vị ngai vàng và phải vào sống trong điện Buckingham. Bà được dạy học tại nhà và đặc biệt là phải học rất nhiều về lịch sử và luật Hiến định để chuẩn bị sau này lên ngôi.
Tháng 09/1939, Anh Quốc tuyên chiến với Đức Quốc Xã. Nhưng Quốc vương George VI và Hoàng hậu từ chối ra nước ngoài lánh nạn. Trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, vào năm 1945, Elizabeth Alexandra Mary, lúc đó 19 tuổi, đã gia nhập hàng ngũ quân dự bị với tư cách tài xế xe tải.
Sau khi hòa bình lập lại, Elizabeth, vào năm 21 tuổi, đã đọc một bài diễn văn lịch sử được truyền khắp thế giới, thề sẽ "dành cả cuộc đời cho nhiệm vụ", một cam kết mà bà vẫn giữ cho đến nay.
Cũng vào năm 21 tuổi, tháng 11/1947, bà kết hôn với Philip Mountbatten, cựu Vương tử Hy Lạp và Đan Mạch. Họ sống với nhau đến 73 năm cho đến khi Philip qua đời vào ngày 9/4/2021, hưởng thọ 99 tuổi. Hai người có 4 người con : Thái tử Charles, công nương Anne, hoàng tử Andrew và hoàng tử Edward.
Sau khi cha của bà qua đời vào ngày 6/2/1952, Elizabeth, lúc đó 25 tuổi, đã lên ngôi Nữ hoàng của 7 quốc gia thuộc khối Thịnh Vượng Chung, trong đó có Anh Quốc. Lễ đăng quang được tổ chức ngày 2/6/1953.
Không chỉ là một nữ hoàng sống thọ nhất thế giới, Elizabeth II còn là một quốc vương có thời gian trị vì dài kỷ lục. Dù đã quá tuổi 90, mỗi năm bà vẫn duy trì những hoạt động chính thức của một quốc vương. Nhưng kể từ tháng 10/2021, sau khi phải nhập viện trong vài ngày, sức khỏe suy kiệt, Elizabeth II đã giảm rất nhiều hoạt động. Trong lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng, Nữ hoàng Anh đã chính thức hóa việc bổ nhiệm bà Liz Truss làm thủ tướng thứ 15 trong 70 năm trị vì của bà, tính từ thời Winston Churchill.
Vào đầu tháng 6 vừa qua, người dân Anh đã mừng 70 năm trị vì của Elizabeth II, nhưng Nữ hoàng đã hầu như không tham gia buổi lễ nào, chỉ có hai lần xuất hiện vài phút ở ban công điện Buckingham trước hàng chục ngàn người.
Elizabeth II cũng đã phải đương đầu với nhiều sóng gió trong Hoàng gia Anh, nhất là vào năm 1992, mà bà gọi là "Annus Horribilis" (Năm Kinh Khủng), khi các cặp vợ chồng của Charles, Anne và Andrew chia tay nhau, còn lâu đài Windsor thì bị cháy. Elizabeth II đã bị dân Anh trách móc rất nhiều vì bà đã im lặng sau khi công nương Diana bị chết trong một tai nạn giao thông ở Paris năm 1997. Đối với bà, Diana không còn là thành viên của Hoàng gia sau khi ly dị với thái tử Charles. Nhưng cuối cùng, Nữ hoàng Anh đã buộc phải phát biểu trên truyền hình để tỏ lòng tiếc thương công nương Diana.
Tuy xuất hiện rất nhiều trước công chúng, nhưng Elizabeth II lại rất kín tiếng, không hề thổ lộ các quan điểm của bà, không bao giờ trả lời phỏng vấn, nên chẳng hạn như chẳng ai biết Nữ hoàng thật sự nghĩ gì về việc dân Anh bỏ phiếu thuận cho Brexit năm 2016.
Thanh Phương
**********************
Nữ hoàng Elizabeth II tạ thế : Anh Quốc chuẩn bị nghi lễ Quốc tang trang trọng
Anh Vũ, RFI, 09/09/2022
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II tạ thế ngày 08/09/2022, thọ 96 tuổi, nước Anh bắt đầu chuẩn bị các nghi lễ trang nghiêm nhất cho Quốc tang lịch sử.
Cờ rủ trên Ngân hàng Scotland ở Edinburgh, ngày 09/09/2022 để đề tang Nữ hoàng Anh Elizabeth II tạ thế ngày 08/09. AP - Jane Barlow
Ngày 09/09, thái tử Charles giờ đã là tân vương Charles III từ lâu đài Balmoral trở về Luân Đôn để gặp thủ tướng Liz Truss, thông qua các chi tiết lễ tang, dự kiến kéo dài nhiều ngày.
Hôm nay, cờ rủ được treo trên toàn Vương quốc Anh, chuông các nhà thờ ở Luân Đôn được gióng lên và 96 phát đại bác được bắn để tưởng nhớ tới Nữ hoàng và đánh dấu nước Anh bước vào những ngày đại tang.
Trở về Luân Đôn hôm nay, Vua Charles III là người quyết định cuối cùng những chi tiết nghi thức và thời gian tang cũng như lễ an táng Nữ hoàng. Các nghi thức Quốc tang có thể kéo dài trong 12 đến 13 ngày.
Trên thực tế, nghi lễ hậu sự cho Nữ hoàng Elizabeth II đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 1960 qua kế hoạch mang tên : "Kế hoạch Cầu Luân Đôn - Operation London Bridge", tuân theo truyền thống lịch sử lâu đời của triều đình Anh.
Chiều nay, tân vương Charles III sẽ phát biểu với thần dân Anh qua truyền hình trực tiếp. Một buổi lễ tôn giáo được tổ chức vào buổi tối tại nhà thờ Saint-Paul ở Luân Đôn, với sự tham gia của bà thủ tướng Truss và các thành viên chính phủ.
Ngày 10/09, Hội đồng Kế vị của Hoàng gia Anh, gồm các thành viên của Hội đồng Cơ mật, sẽ họp buổi sáng tại cung Saint James và chính thức tuyên bố Charles trở thành Vua nước Anh. Buổi chiều, tân vương Anh sẽ tiếp thủ tướng và các thành viên chủ chốt của nội các.
Nhiều nghi lễ tôn giáo trang nghiêm sẽ được tổ chức từ ngày mai (10/09) ở Scotland, nơi Nữ hoàng qua đời cho đến ngày 13/09, thi hài của Elizabeth II sẽ được chuyển bằng máy bay về điện Buckingham Luân Đôn, trước khi được quàn tại hội trường lớn Westminster để thành viên hoàng gia, các quan khách và người dân có thể đến viếng trong 5 ngày.
Hiện tại, các thông tin chính thức về lễ tang chưa được công bố, nhưng có thể lễ Quốc tang sẽ được cử hành vào ngày 19/09 tại nhà thờ Wesminster tại Luân Đôn với sự tham dự của rất đông chính khách trên thế giới. Sau lễ tang, cố Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được an táng tại hầm mộ của hoàng gia, bên cạnh chồng, hoàng tử Philip, trong lâu đài Windsor.
Anh Vũ
***********************
Thách thức đối với tân vương Charles III : Đưa nước Anh vào một thời đại mới
Thanh Hà, RFI, 09/09/2022
Trong chưa đầy hai tuần lễ, hai gương mặt lịch sử của thế kỷ XX, cố lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbatchev và nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị đã vĩnh viễn ra đi. Thái tử Anh Charles lên ngôi vào thời điểm nhiễu nhương : chiến tranh Ukraine tác động trực tiếp đến kinh tế, đến đời sống của người dân Anh. Brexit và dịch Covid-19 vẫn để lại nhiều vết hằn trên chính trường Luân Đôn.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II cùng với thái tử Charles đến lễ Khai mạc Nghị Viện, Luân Đôn, Anh, ngày 14/10/2019. Reuters - Toby Melville
Làm thế nào để tân vương Charles III thoát khỏi cái bóng quá lớn của người mẹ và nhất là duy trì được một sự gắn bó giữa những vùng lãnh thổ của vương quốc Anh ?
Không dễ cho thái tử Charles để ngồi vào chiếc ngai vàng mà nữ hoàng Elizabeth để lại sau 70 năm trị vì. Nữ hoàng Anh băng hà đúng vào lúc Nghị Viện thảo luận về kế hoạch khẩn cấp cứu nguy kinh tế, khắc phục hậu quả khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng hơn 10% trong một năm, riêng giá tiền điện tăng 80% kể từ tháng 10 sắp tới.
Về mặt xã hội, từ những thập niên 1980 đến nay, lần đầu tiên nhân viên ồ ạt bãi công, từ ngành giao thông vận tải đến ngành bưu điện… đòi tăng lương vào lúc đời sống đã trở nên quá đắt đỏ. Phong trào bãi công có nguy cơ làm tê liệt kinh tế Anh. Brexit và tác động dây chuyền từ chiến tranh Ukraine lại càng đè nặng lên đời sống của hàng chục triệu dân Anh.
Thái tử Charles lên ngôi vào lúc chính trường Luân Đôn đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác : Thủ tướng Boris Johnson đã phải từ chức vì những bê bối trong việc giải quyết khủng hoảng y tế Covid. Vẫn trong lĩnh vực chính trị, từ 2016 khi đại đa số cử tri đòi ra khỏi Liên Âu, Scotland liên tục đòi tách rời khỏi vương quốc Anh. Tranh cãi về đường biên giới giữa Bắc Ireland với Cộng Hòa Ireland, một quốc gia độc lập và là thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu luôn là một cái gai trong quan hệ giữa Luân Đôn với Bruxelles, với cả Dublin lẫn Belfast. Gần đây nhất, chính quyền Belfast đòi thống nhất hai phần lãnh thổ của Ireland. Trong hoàn cảnh đó làm thế nào để các phần lãnh thổ trên vương quốc Anh gắn bó với nhau sẽ là một thách thức lớn chờ đợi Charles Đệ Tam.
Nhìn rộng ra hơn, về quan hệ quốc tế, giới quan sát thấy rõ, hào quang của Luân Đôn giờ đây không còn được như 70 năm về trước khi công chúa Elizabeth lên kế vị cha. Khối Thịnh Vượng Chung đã thu hẹp lại và càng lúc càng có nhiều nước nhỏ muốn khép lại thời kỳ từng là thuộc địa của Anh. Ngay cả tại Úc, thế hệ trẻ cũng không còn gắn bó với hình ảnh của nữ hoàng, dù chỉ là một cách tượng trưng.
Trên trường ngoại giao, nước Anh tương đối trong thế cô lập : ngay trong khối Tây phương, từ sau Brexit, liên hệ giữa Luân Đôn với các thành viên trong Liên Âu không mấy thuận thảo. Điển hình là trong cuộc vận động tranh ghế thủ tướng, bà Liz Truss đã tránh né trả lời câu hỏi Pháp là bạn hay là thù của nước Anh. Bà và người tiền nhiệm tìm cách đổ lỗi cho Pháp, cho Liên Âu về những khó khăn mà nước Anh đang phải đối mặt. Điểm tựa vững chắc nhất của Anh là Mỹ, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, ngay cả với Washington, Luân Đôn cũng không thực sự thoải mái, khi mà ảnh hưởng của Anh bị thu hẹp dần ngay cả tại một số quốc gia như Úc hay New Zealand vốn thuộc khối Thịnh Vượng Chung.
Nước Anh trước đây cũng đã kỳ vọng nhiều vào quan hệ đối tác với Trung Quốc, nhất là về thương mại, để phần nào lấp vào chỗ trống một khi ra khỏi Liên Âu. Nhưng từ 2016 đến nay, tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, luật an ninh quốc gia Bắc Kinh áp đặt với Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh không tạo điều kiện để Bắc Kinh và Luân Đôn xích lại gần nhau. Với nước Nga của tổng thống Vladimir Putin, âm mưu đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal đã đẩy bang giao song phương đến bờ vực thẳm. Chiến tranh Ukraine là giọt nước làm tràn ly. Anh Quốc đã vĩnh viễn chọn phe, thậm chí còn mạnh tay hơn cả nhiều nước châu Âu đòi trừng phạt Kremlin xâm chiếm Ukraine.
Cả thế giới chia buồn với nước Anh sau tin nữ hoàng băng hà. Đối với công luận Anh, Elizabeth II là ngọn "hải đăng". Để tỏ lòng tôn kính với người vừa khuất, các công đoàn đồng loạt thông báo tạm ngừng phong trào bãi công. Các đảng phái chính trị cũng ngừng mọi tranh cãi về ngân sách, về dự án trưng cầu dân ý đòi tách rời khỏi vương quốc Anh.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu rằng sự đồng thuận đồng lòng đó của dân Anh sẽ kéo dài được bao lâu ? Nhất là tân vương nay đã ngoại thất tuần, nhiều người cho rằng, Charles Đệ Tam có thể sẽ chỉ là nhịp cầu giữa Elizabeth Đệ Nhị với người con trai của ông là hoàng tử William vừa tròn 40 tuổi. Tương lai của triều đại Anh như đã được đặt trong tay thái tử William.
Thanh Hà