Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kharkiv dưới áp lực, Georgia sôi sục "nói không với luật Nga"

Chiến sự tiếp tục căng thẳng ở Kharkiv, biểu tình tiếp diễn ở Georgia (Gruzia) sau khi "luật Nga" được thông qua, Israel kỷ niệm ngày độc lập trong không khí u ám. Tại Pháp, bạo loạn ở Nouvelle Calédonie, vụ tấn công xe chở tù ở vùng Eure gây chấn động. Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh thuế lên 18 tỉ đô la hàng Trung Quốc. Đó là những vấn đề thời sự nổi bật trên mặt báo hôm nay 15/05/2024.

kharkiv1

Một phụ nữ biểu tình phản đối "luật Nga" chống đỡ vòi rồng của cảnh sát trước tòa nhà Quốc hội ở Tbilissi, Georgia ngày 01/05/2024. Reuters - Irakli Gedenidze

Ngoại trưởng Mỹ thăm Kiev trong lúc Kharkiv bị tấn công

Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Ukraine để thảo luận với tổng thống Volodymyr Zelensky về chuyển giao thiết bị quân sự Mỹ, trong khi quân Nga gia tăng sức ép lên Kharkiv. Libération cho biết tổng thống Ukraine đã nói thẳng hai điều. Thứ nhất, việc chuyển giao cần được tiến hành càng sớm càng tốt, thứ hai, phòng không là vô cùng cần thiết, đang là vấn đề lớn hiện nay.

Chuyến thăm không báo trước của ông Blinken diễn ra vào ngày thứ năm của cuộc tấn công vào Kharkiv, với bốn đợt oanh kích dữ dội bằng bom lượn và hỏa tiễn làm rung chuyển trung tâm thành phố. Những cột khói đen bốc cao, 8 tòa nhà dân cư và trường học bị hư hại, 15 người bị thương. Đặc phái viên Libération mô tả ở các thị trấn xung quanh Kharkiv, người dân không phải di tản mà là vội vã bỏ chạy, có những người khi được giúp đưa đến nơi tạm cư vẫn còn mặc đồ ngủ và mang dép đi trong nhà.

Trong bối cảnh đó, Zelensky đề nghị chi viện hai hệ thống Patriot để bảo vệ Kharkiv và khu vực xung quanh. Một tháng rưỡi sau khi gói quân viện 61 tỉ đô la được thông qua, vũ khí vẫn chưa đến tay người lính, đạn dược vẫn bị hạn chế. Trong khi quân Nga đã đặt được hai đầu cầu trong vùng Kharkiv, tiến sâu được 5 đến 7 kilomet. Một sự chạy đua với thời gian để tránh sụp đổ trước khi viện trợ đến.

Quá nhiều thời gian đã đánh mất

Cũng trên Libération, nhà phân tích quân sự Mykola Bielieskov cho rằng Kremlin tấn công sớm hơn dự kiến để tranh thủ khi vũ khí mới chưa tới được tiền tuyến. Nếu quân Nga tiến vào được 15 kilomet, có thể tha hồ bắn phá Kharkiv. Các chuyên gia được Le Monde dẫn lời nhận định, sự chậm trễ của Washington khiến Kiev phải mất nhiều thời gian để khắc phục những thiệt hại, và sẽ tiếp tục mất thêm đất trong mùa hè này. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào và với cái giá nào mà Ukraine có thể buộc Nga phải trả. Tại Paris, người ta lấy làm tiếc là từ đầu cuộc chiến phương Tây đã dành cho Vladimir Putin quá nhiều tiện nghi, với việc nói rõ ý định và lằn ranh đỏ.

Các đối tác phương Tây luôn nhấn mạnh vũ khí viện trợ chỉ được dùng trên lãnh thổ Ukraine. Sự hạn chế này theo Bielieskov là đi ngược lại mọi logic quân sự, tạo lợi thế cho Nga. Mỹ đã âm thầm cung cấp khoảng 100 hỏa tiễn đạn đạo ATACMS cho Kiev trong tháng 3 nhưng không thay đổi chủ trương. Chỉ có Anh quốc thông qua tuyên bố của ngoại trưởng David Cameron mặc nhiên để cho Ukraine sử dụng Storm Shadow của Anh bắn sang Nga. Tình thế đang khẩn cấp. Tình báo Ukraine lo ngại một cuộc tấn công mới của Nga vào Sumy. Trong bài nói chuyện hàng ngày tối qua, Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng tốc chuyển giao vũ khí, "quá nhiều thời gian đã trôi qua".

Georgia : Lần đầu tiên người biểu tình đòi hỏi chính quyền thân Nga từ chức

Tại nước Georgia (Gruzia) láng giềng, Le Figaro ghi nhận "Tbilissi sục sôi sau khi thông qua luật "nhân tố nước ngoài" dưới cặp mắt quan sát của Moskva". La Croix nói đến sự thất vọng của người dân Georgia, Les Echos nhận định "Chế độ Georgia áp đặt để bóp nghẹt đối lập". Le Monde ra từ ngày hôm trước dẫn lời của người biểu tình "Chúng tôi không muốn Moskva bằng bất cứ giá nào".

Nhờ hàng rào cảnh sát, các dân biểu thuộc đảng "Giấc mơ Georgia" cầm quyền mới vào được trụ sở Quốc hội để bắt đầu đợt bỏ phiếu thứ ba. Nhờ chiếm đa số, dự luật được thông qua dễ dàng dù có những cuộc ẩu đả giữa phe chống và phe ủng hộ. La Croix cho biết trên chính trường Georgia, những vụ dùng nắm đấm với nhau xảy ra thường xuyên, và việc học hỏi nghệ thuật đánh nhau hầu như là tiêu chí phải có của các vị đại diện nhân dân.

Với tin dự luật được thông qua, chiếc hộp Pandore đã mở, 100.000 người biểu tình tập hợp trước Quốc hội bày tỏ sự phẫn nộ. Lần đầu tiên họ đòi chính quyền thân Nga phải từ chức, nhà tài phiệt Bidzina Ivanichvili – người sáng lập đảng cầm quyền "Giấc mơ Georgia" phải ra đi. Các bức tường được viết đầy những hàng chữ "Đất nước là của chúng ta", đả kích các dân biểu đã bán mình.

Cảnh sát được huy động đông đảo với vòi rồng và vũ khí âm thanh, 13 người biểu tình bị bắt, trong khi suốt một tháng xuống đường ôn hòa không một tấm kiếng nào bị đập bể, không một chiếc xe hơi nào bị xô đổ. Người dân xuống đường hàng ngày, điều chưa từng thấy tại nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có 3,7 triệu dân. Vào ngày bỏ phiếu đợt một, 40.000 người tập hợp trước Quốc hội, con số tăng gấp đôi trong đợt hai.

Tbilissi sôi sục "Nói không với luật Nga"

Khẩu hiệu "Nói không với luật Nga" phổ biến trên đường phố từ đầu tháng 4, vừa chống sự quay lại với quỹ đạo Nga, vừa phản đối dự luật buộc các tổ chức phi chính phủ và truyền thông mà ngân sách có trên 20% từ nước khác, phải kê khai là "nhân tố nước ngoài".

Người biểu tình bị những người bịt mặt tấn công bạo lực, hành hung những nhân vật được công chúng biết đến, bên cạnh đó là những cuộc gọi đe dọa, thóa mạ, cửa vào nhà bị viết lên chữ "phản bội". Một nhà đấu tranh cho biết đã nhận được vài chục cú điện thoại nặc danh nói đúng địa chỉ, dọa hãm hiếp con gái nhỏ của bà. Những video bạo lực lan truyền trên mạng xã hội khiến giới trẻ vào cuộc, hơn 30 trường đại học đình công và tham gia phong trào. Tuy vậy, do không có người lãnh đạo, cuộc đấu tranh khó thể lan rộng.

Trong bối cảnh đó, bà Salomé Zourabichvili 72 tuổi, vốn thuộc cộng đồng Georgia tị nạn, nhà cựu ngoại giao Pháp thành tổng thống Georgia, ngày càng trở nên một khuôn mặt có khả năng đoàn kết. Lâu nay không được ưa thích vì được bầu nhờ Ivanichvili hỗ trợ, bà dần dà có uy tín nhờ quan điểm thân Châu Âu và thẳng thừng chỉ trích đảng cầm quyền, nhất là từ khi Nga xâm lăng Ukraine. Luật này sẽ cản đường Georgia gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, điều mà người dân đang ao ước nhưng bất lợi cho chính quyền thân Nga, chỉ cần duy trì quan hệ với Moskva và Bắc Kinh.

Đánh thuế 100% : Xe hơi điện Trung Quốc bị Biden chắn đường

Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro nhận thấy "Biden ngáng đường xe hơi điện Trung Quốc", Les Echos cho rằng "Biden đánh thuế cao các kỹ nghệ chiến lược Trung Quốc để làm lợi cho "made in America". Nước Mỹ không muốn những ngành công nghiệp tương lai của mình bị giết chết từ trong trứng nước bởi sản xuất thừa của Trung Quốc và hàng xuất khẩu bán phá giá. Trong thông cáo hôm qua, Washington nói rằng các sắc thuế thời Donald Trump vẫn không làm thay đổi đáng kể sự cạnh tranh bất chính của Bắc Kinh "kể cả chuyển giao công nghệ, đánh cắp sở hữu trí tuệ", thâm hụt thương mại vẫn cao.

Thuế hải quan đánh vào xe hơi điện Trung Quốc sẽ tăng gấp bốn, lên 100% ngay trong năm nay. Như vậy Hoa Kỳ tránh được các hãng xe Trung Quốc đang vội vã tràn sang Mexico với các mẫu xe rất rẻ. Năm ngoái, xuất khẩu xe hơi điện của Bắc Kinh trên thế giới đã tăng 70%. Đồng thời thuế đánh vào bình điện lithium-ion trang bị cho những xe này từ 7,5% à 25%. Đối với thiết bị điện gió và pin mặt trời, thuế tăng gấp đôi lập tức lên 50%, chất bán dẫn cũng vậy nhưng đến sang năm mới áp dụng. Thép, nhôm đều trong tầm ngắm. Thuế mới cũng nhắm vào các sản phẩm từng chứng tỏ tầm quan trọng trong đại dịch như cần cẩu, khẩu trang, kim, ống chích, găng tay.

Với loan báo trên đây, tổng thống Joe Biden hướng về cử tri trung lưu và công nhân, nhất là trong ngành xe hơi, đồng thời chắn đường Donald Trump - người đã hứa đánh thuế ít nhất 60% lên hàng Trung Quốc. Les Echos băn khoăn, liệu về lâu về dài các hãng xe hơi Mỹ có mất đi tính sáng tạo, Hoa Kỳ có chậm trễ trong chuyển đổi năng lượng ?

Các quốc gia mới nổi cũng lo tự vệ trước hàng made in China

Trước việc Bắc Kinh bán phá giá, Châu Âu tự vệ kém Hoa Kỳ. Trong khi đó các quốc gia mới nổi cũng lo sợ khi hàng Trung Quốc tràn vào. Tháng trước, chính quyền Brazil muốn tăng gấp đôi thuế đánh vào thép nhập khẩu để bảo vệ ngành luyện kim : chỉ trong năm 2023, thép từ Trung Quốc đã tăng 60%. Mexico cũng tăng 80% thuế lên thép Trung Quốc, trước đó Ấn Độ, Việt Nam cũng có hành động tương tự.

Indonesia cấm xuất khẩu nickel thô mà Bắc Kinh rất cần. Đối với xe điện, Ấn Độ chỉ cho nhập xe trong 5 năm nếu nhà sản xuất đầu tư tối thiểu 500 triệu đô la vào nhà máy tại Ấn, chứng tỏ không muốn để thị trường 1,4 tỉ dân của mình bị Trung Quốc chiếm lĩnh. Nhà nghiên cứu George Magnus giải thích, những nước nghèo như Nigeria chấp nhận hàng made in China giá rẻ, các nước thu nhập trung bình như Brazil, Indonesia bắt đầu có vấn đề với Bắc Kinh vì muốn phát triển năng lực kỹ nghệ của chính mình để nâng cấp. Cái gọi là "các nước phương Nam" bắt đầu rạn nứt.

Bạo loạn ở Nouvelle Calédonie và ảnh hưởng Pháp tại Thái Bình Dương

Về thời sự nước Pháp, các báo đều quan tâm đến nạn bạo loạn ở Nouvelle Calédonie (New Caledonia) cướp phá các cửa tiệm, đốt nhà, bắn vào hiến binh, phong tỏa đường sá… khiến tổng thống Emmanuel Macron vừa ban bố tình trạng khẩn cấp. La Croix giải thích, tuy tất cả cư dân đều có quyền bỏ phiếu trong những cuộc bầu cử quốc gia (tổng thống, Châu Âu…), nhưng bầu cử địa phương và trưng cầu dân ý thì chỉ những ai đã cư ngụ trên đảo ít nhất 10 năm trước 1988 mới được đi bỏ phiếu.

Đặc thù này là do một thỏa thuận đặc biệt tạm thời, theo yêu cầu của các thủ lãnh phe đòi độc lập đại diện cho thổ dân Kanak. Như vậy 1/5 cử tri bị mất quyền, nay chính phủ muốn mở rộng cho những ai đã ở Nouvelle Calédonie từ mười năm qua và bị chống đối dữ dội. Nhật báo cánh hữu Le Figaro trong bài xã luận "Tại Nouvelle Calédonie, phân biệt đối xử phiên bản Kanak" nhấn mạnh, 40 năm sau khi thành lập FLNKS (Phong trào giải phóng dân tộc Kanak), phe đòi độc lập vẫn thù nghịch với nước Pháp.

Bám vào "giấc mơ Kanak", thiểu số nổi dậy này tiếp tục muốn chiếm hữu một đất nước cho riêng mình. Họ đe dọa những người không cùng sắc tộc, dù những cộng đồng khác vẫn chung sống hòa bình. Chính phủ đã nhượng bộ nhiều, nhưng thiểu số Kanak vẫn không vừa ý. Đã có ba cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức, và cả ba đều cho kết quả ủng hộ quần đảo thuộc Pháp (trong đợt thứ ba FLNKS tẩy chay). Trả lời nhật báo thiên tả Libération, nhà nghiên cứu Isabelle Merle nêu ra nỗi lo của sắc tộc Kanak sợ tiếng nói bị yếu đi.

Nằm cách Paris 18.000 kilomet, Nouvelle Calédonie đã phát triển nhiều trong 40 năm qua. Nếu không thuộc Pháp, cư dân vẫn nghèo khổ, sống bấp bênh dựa vào giá cả thị trường nickel. Phe đòi độc lập chống lại việc cấp quyền bỏ phiếu cho cư dân sống tại đây hơn 10 năm. Theo Le Figaro, không gì có thể biện minh cho bạo lực hiện đang cao chưa từng thấy kể cả so với thập niên 80. Nằm ở trung tâm Ấn Độ-Thái Bình Dương, giữa người khổng lồ Trung Quốc và Chú Sam, ảnh hưởng quốc tế của Pháp đang bị đe dọa.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Nước cộng hòa Georgia (Gruzia, Georgie, Грузия), đã từng nằm trong Liên bang Xô Viết, lấy lại được độc lập ngày 9/04/1991. Nhưng cũng như ở biên giới Nga-Ukraine, Nga cũng tạo ra và kích động nhóm ly khai ở Abkhazia và đặc biệt ở nam Ossetia, giống hệt tình hình ở Donbas hiện nay. Do vậy, quan hệ hai nước đã có nhiều lúc rất căng thẳng.

georgia1

Cựu Tổng thống Georgia Mikheil Saakashvili lúc còn tại chức - Ảnh minh họa

Mikheil Saakashvili, một luật sư người Georgia, từng học ở luật ở Ukraine và Mỹ, đã lãnh đạo phong trào Hoa Hồng, một phong trào ôn hòa buộc tổng thống Eduard Shevardnadze từ chức. Saakashvili trúng cử tổng thống hai nhiêm kỳ 2004-2013. Là người rất thân phương Tây, trong thời gian 2 nhiêm kỳ này, Saakashvili đã làm nhiều cải tổ, hiện đại hóa nền kinh tế và tăng cường các quan hệ để tiến lại gần với Châu Âu.

Năm 2008, khi bị quân ly khai nam Ossetia thân Nga quấy phá nhiều quá, tổng thống Georgia Saakashvili mở chiến dịch quân sự tấn công quân ly khai ở vùng nam Osettie. Lấy cớ bảo vệ người Nga, Putin (đúng hơn là Dimitri Medvedev, lúc đó làm tổng thống tạm thời thay Putin) tung quân vào xâm lược Georgia, giống hệt như Nga tiến đánh Ukraine. Lúc đó Putin chưa nghĩ ra chủ bài diệt phát xít. Trong vụ đánh nhau này thì Georgia thua to vì Georgia chỉ là một nước nhỏ xíu với 3,7 triệu dân và cũng chẳng được trang bị vũ khí hiện đại, nhất là được sự hỗ trự mạnh mẽ của phương Tây như Ukraine hiện nay.

Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Nicolas Sarkozy, đồng thời cũng là chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu đã đứng ra làm trung gian hòa giải. Hai nước Nga-Georrgia đồng ý ký hiệp ước đình chiến, chấm dứt xung đột sau vài tháng xung đột. Nga rút quân và quan sát viên quốc tế đến đó giám sát tình hình. Tuy nhiên ngay sau đó, Nga vẫn chơi cái trò bẩn là công nhận độc lập của hai vùng là Nam Ossetia và Abkhazia. Georgia mất 1/5 lãnh thổ. Cả thế giới lên án nhưng chẳng làm gì được Nga.

Sau khi làm tổng thống, Saakashvili bị kết án nhiều "tội" như lạm dụng quyền lực, tham nhũng… Những tội của Saakashvili chủ yếu có tính chất chính trị…

Được ông bạn cùng học ở Kiev đang làm tổng thống ở Ukraine là Petro Poroshenko cho quốc tịch Ukraine và mời làm Tỉnh trưởng Odessa, Saakashvili đã chạy sang Ukraine. Vẫn với cái tính mạnh mẽ, Saakashvili muốn cải tổ tận gốc rễ nạn tham nhũng ở Odessa. Ông ta sa thải một nửa trong số 600 nhân viên hành chính của vùng, đề xuất 30 bộ luật để cải tổ hải quan Odessa. Nhưng Saakashvili đã đụng phải tổ kiến lửa. Ukraine là là một ổ tham nhũng lớn, khó có thể cải tổ một cách nhanh chóng và ngay cả ông bạn thời sinh viên kia đang làm tổng thống cũng không ưa các việc làm của Saakashvili.  Saakashvili từ chức vào tháng 11/2016, nhưng đã trở thành một nhân vật đối lập rất nổi tiếng của Ukraine. Nhân một chuyến đi của Saakashvili sang Mỹ, Poroshenko tước quốc tịch Ukraine của Saakashvili khiến ông trở thành người vô tổ quốc, không thể trở về Ukraine nữa. Tháng 9/2017 Saakashvili đã bí mật trở về Ukraine qua ngả Ba Lan, nhưng nhanh chóng bị bắt và bị Poroshenko gán cho tội "nhân viên Nga", trong khi chính Saakashvili là một trong những kẻ thù số 1 của Putin. Nể tình bạn cũ, Poroshenko không giết Saakashvili mà chỉ trục xuất ra khỏi Ukraine. Phải đợi đến khi Zelenski lên làm tổng thống Ukraine,  Saakashvili mới được phục hồi quốc tịch Ukraine và được mời về làm chủ tịch Ủy ban thừa hành thuộc Hội đồng cải tổ quốc gia.

Tuy nhiên, Saakashvili là một người Georgia yêu nước, luôn luôn chỉ muốn trở về Georgia làm một cái gì đó cho đất nước của mình. Mặc dù bạn bè và gia đình, đặc biệt là bà mẹ của ông, can ngăn và cái án 6 năm tù vẫn treo lơ lửng trên đầu, Saakashvili đã bí mật trở về Georgia qua đường biển, rồi nấp trong một xe tải đến một điểm hẹn chờ một chiếc xe nhỏ khác đến đón và chở về Batumi. Tại đây, Saakashvili công bố 2 video trên Facebook và nói "Tôi đã trở về giúp các bạn, đừng sợ". Rất tiếc là hôm sau ông bị chính quyền Georgia bắt. Kể từ đó đến nay, cuộc đời của một cựu tổng thống trải qua một chuỗi ngày đen tối, bị đánh đập tra tấn dã man, bị hành hạ ngày đêm, và tồi tệ hơn cả là bị đầu độc bằng chất độc có kim loại nặng. Cơ thể Saakashvili hiện chỉ như một bộ xương, mặt mày biến dạng. Hàng ngày mẹ của ông mang "cơm" vào tù cho anh, và anh chỉ dám ăn, đồ ăn của mẹ mang vào.

Tình hình chính trị của Georgia rất phức tạp và rất khó hiểu, do có nhiều biến cố và nhiều xu hướng chính trị khác nhau. Hiện nay, tổng thống là bà Salomé Zourabichvili, một người lưỡng quốc tịch Pháp-Georgia, con của một nhà đối lập Georgia sống ở Pháp. Bà này đã từng là Đại sứ của Pháp ở Georgia. Đương nhiên là bà này có xu hướng thân phương Tây, nhưng không có thực quyền. Người có thực quyền là thủ tướng Irakli Garibachvili, cấu kết với Bidzina Ivanichvili, tỷ phú. Đảng của họ là đảng Giấc Mơ Georgia chiếm đa số trong Quốc hội. Bên ngoài, chính phủ này có vẻ hướng tới Châu Âu, nhưng thực chất lại ngả theo Putin, đặc biệt từ mùa hè năm 2022. Putin đang nhắm Bidzina Ivanichvili và muốn biến nhân vật này thành "Nicolas Maduro" của Georgia (Maduro tổng thống Venezuela).

Đã có một phong trào quần chúng đang dân lên rất mạnh mẽ ở Georgia để đưa Georgia vào Châu Âu, nhưng phong trào này bị khựng lại do cuộc chiến tranh của Nga đánh vào Ukraine.

Gần đây nhất, trước áp lực của đường phố, Quốc hội Georgia đã phải hủy bỏ việc thông qua luật "người nước ngoài", một thứ luật giống hệt của Nga nhằm đàn áp chính trị, giới hạn tự do…

Tóm lại chính sách của Putin đối với Georgia cũng giống như với Ukraine và đương nhiên là cũng là con đường mà Putin muốn thực hiện đối với tất cả các nước cộng hòa cũ của Liên Xô, như đã làm với Belarus và sắp tới là Modolvia. Thắng lợi của Ukraine sẽ là một thắng lợi vô cùng quan trọng của dân chủ đối với độc tài ở Châu Âu và trên toàn thế giới. Nó sẽ là dấu chấm hết cho mộng bá quyền, mở rộng ảnh hưởng của mẫu hình xã hội độc tài. Thực ra hành động xâm lược của Putin vào Ukraine đích thực là một hành động trong một cơn tuyệt vọng muốn cứu lấy mẫu hình này và thực tại đang cho thấy đó là một hành động giẫy chết.

Chuyện của Georgia là vô cùng rắc rối. Tôi đã cố đơn giản hóa và viết ngắn nhất để các bạn hiểu và để so sánh với Ukraine.

Hoàng Quốc Dũng

(22/04/2023)

Additional Info

  • Author Hoàng Quốc Dũng
Published in Quan điểm