Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc chiến tại Ukraine đã phục vụ như một lời nhắc nhở đối với các nhà quan sát phương Tây rằng có một thế giới rộng lớn tồn tại bên ngoài các cường quốc và đồng minh cốt lõi của họ. Thế giới này, chủ yếu bao gồm các quốc gia Châu Phi, Trung Đông, Châu Á, và Mỹ Latinh, đã tránh chọn phe rõ ràng trong cuộc xung đột này. Từ đó, cuộc chiến này đã có một hậu quả bất ngờ – làm nổi bật Phương Nam toàn cầu (Global South) như một nhân tố chính trong bối cảnh địa chính trị thế kỷ 21. Bối cảnh địa chính trị ngày nay không chỉ được xác định bởi những căng thẳng giữa Mỹ và hai cường quốc đối thủ chính là Trung Quốc và Nga, mà còn bởi những quyết định của các cường quốc bậc trung như Việt Nam và Argentina, hay các tiểu cường như Serbia và Kenya.

bacnam1

Bản đồ này hể hiện sự chồng chéo giữa Bán cầu Nam và các nước đang phát triển ở Bán cầu Bắc cùng Úc và Tân Tây Lan. Miền Nam toàn cầu là một thuật ngữ dùng để chỉ các quốc gia thường có thu nhập thấp và bị bỏ quên về mặt chính trị, bị gạt ra ngoài lề về văn hóa hoặc cả hai.

Các quốc gia Phương Nam bao gồm đại đa số dân số nhân loại, nhưng các mong muốn và mục tiêu của họ bấy lâu nay bị xếp vào hàng dưới cùng của các mối quan tâm địa chính trị toàn cầu. Vào nửa sau của thế kỷ 20, các nhóm như Phong trào Không liên kết và G77 đã tìm cách thúc đẩy lợi ích chung của các quốc gia nghèo, từng là thuộc địa, trong một thế giới bị thống trị bởi các quốc gia lớn từng là đế quốc. Tình đoàn kết của họ, ở mức độ cơ bản nhất, được dựa trên lý tưởng và ý thức về đạo đức chung, đã không đem lại thành công lớn nào. Ngay cả trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chủ nghĩa đạo đức từng thúc đẩy các quốc gia này liên kết với nhau đã bắt đầu tan biến. Những thập kỷ đơn cực thống trị bởi Mỹ sau đó dường như đã hoàn toàn loại bỏ Phương Nam như một lực lượng thống nhất.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Phương Nam đã trở lại. Nó tồn tại không như một nhóm có tổ chức rõ ràng, mạch lạc, mà là các thế lực địa chính trị khác nhau, liên kết dựa trên mối quan tâm chung để phát triển kinh tế và đuổi kịp các nước Phương Bắc. Tác động của sự trỗi dậy này đang được cảm nhận rõ ràng trong các liên minh mới và đang phát triển – chẳng hạn như BRICS, ASEAN, hay Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) – nhưng có lẽ còn nhiều hơn qua những hành động riêng lẻ của các quốc gia. Những hành động này, được thúc đẩy bởi lợi ích quốc gia hơn là chủ nghĩa lý tưởng về sự đoàn kết của các nước Phương Nam, đã bắt đầu hạn chế quyền lực của các cường quốc, và gây áp lực cho họ để bắt đầu đáp ứng các yêu cầu đến từ Phương Nam.

Giống như các định nghĩa tổng hợp khác trong chính trị quốc tế (ví dụ như phương Tây), thuật ngữ "Phương Nam toàn cầu" có thể khá mơ hồ. Do vậy, G77, một tổ chức được thành lập tại Liên Hợp Quốc (Liên Hiệp Quốc) vào năm 1964, có thể đóng vai trò như một hướng dẫn hợp lý cho thành phần của Phương Nam toàn cầu ngày nay. Nhóm này, bao gồm 134 quốc gia thành viên, tự xác định mình là "tổ chức liên chính phủ lớn nhất của các quốc gia đang phát triển tại Liên Hiệp Quốc, cung cấp diễn đàn cho các quốc gia phía Nam để nâng cao vị thế đàm phán chung". Nó bao gồm hầu hết tất cả các quốc gia ngoài Canada, Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, và các quốc gia Châu Âu. Định nghĩa rộng lớn hơn về Phương Nam toàn cầu bao gồm các cường quốc bậc trung như Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, các quốc gia giàu có trong vùng Vịnh như Ả Rập Saudi và UAE, và các quốc gia như Singapore và Brunei giờ đã trở nên thịnh vượng hơn nhiều.

Các quốc gia đa dạng nằm trong khối Phương Nam toàn cầu mới này có chung một vài đặc điểm. Thu nhập thấp hoặc trung bình chỉ là một yếu tố nhỏ cho thấy một quốc gia nằm trong khối này hay không. Những yếu tố khác bao gồm việc có quá khứ thuộc địa – đặc biệt tại Châu Phi, là một quốc gia đang phát triển, hay không nằm trong liên minh với cường quốc nào. Nhiều quốc gia có thể đã từ bỏ phần lớn các chính sách kinh tế tự cung tự cấp (autarky) do nhà nước điều hành, nhưng nỗ lực "bắt kịp" các quốc gia giàu có là một yếu tố chung giữa tất cả các quốc gia Phương Nam. Mong muốn của những quốc gia này về quyền tự chủ chiến lược và chia sẻ quyền lực chính trị lớn hơn trong các thể chế chính trị quốc tế ngày càng mạnh hơn, đặc biệt với các cường quốc Phương Nam như Brazil và Indonesia. Một ví dụ là tại G20, nơi Indonesia, Ấn Độ, Brazil, và Nam Phi sẽ thay nhau chủ trì G20 từ 2022 đến 2025, với cả bốn quốc gia đều có mục tiêu nâng tầm quan trọng của Phương Nam toàn cầu trong chính trị quốc tế.

Nhiều nhà quan sát tập trung vào sự trỗi dậy của các thể chế như G20, BRICS, và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải như là biểu tượng cho sự trở lại của Phương Nam toàn cầu. Nhưng việc tập trung vào các tổ chức liên chính phủ này sẽ bỏ lỡ cách lớn nhất mà các nước Phương Nam đang khẳng định vị thế của mình – qua các chính sách và hành động của từng quốc gia. Những hành động đa dạng, và gần như không có sự phối hợp này, được dựa trên lợi ích riêng của mỗi quốc gia, và sẽ có tác động khắp thế giới. Mặc dù vậy, hầu hết các quốc gia này đều bác bỏ mong muốn về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, khiến Mỹ, Nhật Bản, và Châu Âu chống lại một liên minh được dẫn đầu bởi Nga và Trung Quốc. Nhiều quốc gia Phương Nam đã trở nên giàu có và linh hoạt hơn so với thế kỷ 20, và đã học được cách chơi theo cả hai bên để đạt được lợi ích cho mình. Dựa trên kinh nghiệm lịch sử, họ thấy rằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ là một mối nguy hiểm cho an ninh và ổn định kinh tế, và có thể gây bất ổn cho xã hội – một ví dụ là sự chia rẽ nội bộ Ukraine giữa hai phe ủng hộ phương Tây và Nga. Dựa trên kinh nghiệm của Ukraine, cùng với các cuộc chiến uỷ nhiệm trong suốt thế kỷ 20 – khi nhiều khu vực Châu Phi, Châu Á, và Nam Mỹ phải hứng chịu sự can thiệp tàn phá liên tục của cường quốc này đến cường quốc khác – họ sẽ không cho phép điều này lặp lại.

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là sự hợp tác giữa Mỹ và Phương Nam nhất thiết sẽ bị suy yếu, đặc biệt là trong khía cạnh kinh tế. Ví dụ gần đây nhất đã diễn ra vào tuần này, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam và hai bên đồng ý nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện – mức cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam đối với các quốc gia khác. Mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam là mở rộng tiềm năng hợp tác kinh tế với Mỹ, bao gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học, và công nghệ. Như Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS tại Singapore chỉ ra, Mỹ được coi là nguồn đầu tư chất lượng cao. Vietnam Airlines đã ký thoả thuận để mua 50 máy bay Boeing 737-Max trong một thoả thuận trị giá 7,8 tỷ USD, và cả hai quốc gia cam kết sẽ hợp tác phát triển lĩnh vực chất bán dẫn và cải thiện vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực từ Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – và coi Nga như một đối tác chiến lược quan trọng về quốc phòng.

Đây không phải là bối cảnh chỉ có tại Việt Nam. Các mục tiêu an ninh chung của Ấn Độ và Mỹ nhằm phục vụ mục đích cân bằng quyền lực với Trung Quốc trong khu vực, và để tận dụng các cơ hội mà "friend-shoring" – tức chuyển sản xuất sang nước bạn nhằm phát triển kinh tế song phương. Nhưng ngay cả sự đồng thuận này cũng có hạn chế đối với Mỹ. Ví dụ, Ấn Độ khó có thể đóng góp nhiều hơn việc hỗ trợ hậu cần hay cho Mỹ đóng quân tạm thời trong trường hợp chiến tranh xảy ra tại Biển Đông. Và Delhi cũng đi theo con đường riêng của mình trong quan hệ với Nga, tiếp tục nhập vũ khí và cùng phát triển tên lửa BrahMos mà Ấn Độ đã bắt đầu xuất khẩu. Trong lúc đó, Brazil dưới thời Tổng thống Lula đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ về chống biến đổi khí hậu, ngay cả khi Brasilia tiếp tục duy trì quan hệ nồng ấm với Trung Quốc và Nga. Còn Pakistan đã xây dựng quan hệ đối tác kinh tế và quân sự sâu sắc với Trung Quốc, trong khi quan hệ của Islamabad với Washington nay chỉ còn ở mức thấp.

Có lẽ quan trọng hơn cả là việc các quốc gia Phương Nam tiếp tục không hài lòng khi nói đến vai trò và quyền lực của họ trong các cơ cấu quyết định toàn cầu. Cách các quốc gia này bị gạt ra bên lề ngày càng không phù hợp với ảnh hưởng kinh tế của họ, đặc biệt với Ấn Độ, Brazil, và Indonesia – ba quốc gia Phương Nam lớn nhất. Một vài quốc gia Phương Nam là nguồn cung cấp khoáng sản, có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, và sẽ đưa ra những đổi mới quan trọng cần thiết cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và chống biến đổi khí hậu.

Tất cả những điều này mang lại cho họ đòn bẩy lớn hơn những gì họ đã có trong thế kỷ 20, nhưng điều này vẫn chưa được phản ánh trong các thế chế quốc tế ngày nay. Nó làm sâu sắc hơn sự bất mãn của các quốc gia này đối với trật tự thế giới hiện tại, và tạo ra sự cấp bách trong việc tiến hành các thay đổi thực chất, chẳng hạn như trong hệ thống Liên Hợp Quốc. Như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói – "thế giới lớn hơn 5" ("the world is bigger than 5") – ám chỉ quyền lực tập trung vào 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, cải cách tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ không diễn ra nhanh chóng. Nó vẫn phản ánh bối cảnh địa chính trị vào năm 1945, và việc mở rộng nó còn là một viễn cảnh xa vời. Mỹ cũng tiếp tục thống trị hệ thống tài chính thế giới, cho phép Washington hợp tác với các đồng minh để đe doạ áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp sâu rộng nhắm vào các quốc gia Phương Nam.

Mặc dù vậy, các quốc gia Phương Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm quyền tự chủ nhiều hơn và mở rộng ảnh hưởng thông qua các tuyên bố và đề xuất, nhằm định hình hoặc thách thức các chuẩn mực cho tới nay đã bị Mỹ hoặc Châu Âu áp đặt. Các ví dụ bao gồm một vài kế hoạch hòa bình tại Ukraine, hợp tác với Trung Quốc và Nga qua các thể chế như BRICS, các tổ chức khu vực như ASEAN và Liên minh Châu Phi, và thương mại song phương bằng đồng nội tệ thay vì USD ngày càng tăng.

Hậu quả của những nỗ lực này có thể đã được nhìn thấy rõ ràng. Washington vẫn chưa áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp lớn đối với các quốc gia tiếp tục thương mại với Nga. Nhóm G7 do Mỹ lãnh đạo cũng đã nỗ lực triển khai Đối tác Đầu tư và Hạ tầng Toàn cầu (PGII), một sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trong lúc đó, Mỹ đã tương đối thận trọng trong việc ứng phó với các cuộc đảo chính chống Pháp ở vùng Sahel – trái ngược với giáo lý can thiệp của ngoại giao Mỹ trong nhiều năm nay. Với sức mạnh đàm phán của Phương Nam toàn cầu ngày càng tăng, các quốc gia này có thể buộc các cường quốc – đặc biệt là Mỹ – phải đáp ứng yêu cầu của họ về việc có tiếng nói lớn hơn trong các thể chế quốc tế, và kiềm chế sự can thiệp trong các cuộc chiến tranh uỷ nhiệm.

Bất chấp những khác biệt giữa 134 quốc gia, Phương Nam toàn cầu sẽ tiếp tục tồn tại như một thế lực địa chính trị mạnh mẽ chừng nào nó tiếp tục bị loại khỏi trung tâm các thể chế chính trị quốc tế. Chừng nào những quốc gia này – đặc biệt là những cường quốc bậc trung trở lên – bị từ chối có tiếng nói lớn hơn trong những thể chế này, Phương Nam toàn cầu sẽ tiếp tục là một lực lượng hướng tới thay đổi, gây áp lực lên các cường quốc, thách thức tính chính danh của những chính sách trong khuôn khổ ngày nay, và hạn chế hiệu quả của những chính sách này. Việc duy trì nguyên trạng của trật tự thế giới hiện nay, và chống lại các quá trình dân chủ hoá quản trị toàn cầu – điều mà Mỹ và các đồng minh dường như đang cố gắng duy trì kiểm soát – sẽ chỉ làm tăng thêm sự thiếu kiên nhẫn của các nước Phương Nam đối với một cuộc cải cách thực sự.

Phạm Vũ Thiều Quang

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/10/2023

Published in Diễn đàn

"Phương Nam" tìm kiếm hòa bình cho Ukraine hay để đánh bóng tên tuổi ?

Liên quan đến chiến tranh Ukraine, Le Monde đặt câu hỏi : "Kế hoạch hòa bình của các nước phương Nam giúp ích được gì và có lợi cho ai ?". 

UKRAINE-CRISIS/AFRICA-BUCHA

Cựu thủ tướng Uganda, Ruhakana Rugunda, tổng thống Zambia Hakainde Hichilema, tổng thống Senegal Macky Sall, tổng thống Comoros Azali Assoumani, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và thủ tướng Ai Cập Mustafa Madbuly thăm đài tưởng niệm ở Bucha, Ukraine ngày 16/06/2023. Reuters – Valentyn Ogirenko

Những "giải pháp hòa bình" mang hơi hướng giọng điệu Nga

Cứ thêm một đề nghị được đưa ra là lại thêm một thất bại. Bốn tổng thống Châu Phi đến Kiev rồi Moskva để trình bày "giải pháp ngoại giao" đều bị từ chối, và chắc rằng họ không ngạc nhiên vì thời điểm hiện nay là của tiếng súng.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, trưởng phái đoàn Châu Phi, vốn là nhân vật thân thiết với Moskva. Việc ông từ chối lên án kẻ xâm lăng - kể cả khi đi thăm Bucha, nơi diễn ra việc lính Nga thảm sát thường dân Ukraine - khó thể khiến nước chủ nhà chấp nhận. Ramaphosa kêu gọi "xuống thang" nhưng không nói đến sự hiện diện của quân Nga trên đất Ukraine, không nhắc nhở phải tôn trọng nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ.

Hai tuần trước đó, bộ trưởng quốc phòng Indonesia, Prabowo Subianto, nhân hội nghị an ninh thường niên Châu Á-Thái Bình Dương ở Singapore đã đưa ra một kế hoạch hòa bình khác. Đề nghị này dựa trên cơ sở "ngưng bắn tại chỗ", và lập tức bị đồng nhiệm Ukraine gọi là "kế hoạch của Nga". Việc tổ chức trưng cầu dân ý "tại những vùng tranh chấp" dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc, cũng khiến người ta nhớ đến cái gọi là "trưng cầu dân ý" sau khi Nga chiếm Crimea tháng 3/2014 và hồi tháng 9/2022 tại bốn vùng bị Moskva sáp nhập.

Tháng Tư, tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva đề nghị một cuộc trao đổi : Moskva từ bỏ Donbass còn Kiev không đòi lại Crimea, nhưng không được bên nào chú ý. Le Monde nhắc lại : Brazil bỏ phiếu chống Nga ở Liên Hiệp Quốc nhưng lại từ chối tố cáo thủ phạm xâm lăng. Trước đó vào tháng Hai, Trung Quốc mở đầu với kế hoạch 12 điểm, cũng kêu gọi "xuống thang", "ngưng bắn", "đối thoại", cứ như là chưa hề có hai thỏa thuận Minsk ; hàng mấy chục ngàn người chết, hàng tỉ đô la tài sản bị phá hủy.

Giải quyết xung đột hay đánh bóng tên tuổi ?

Theo tờ báo, những "sáng kiến ngoại giao" mơ hồ này nhằm thể hiện tham vọng của người đưa ra thay vì để giải quyết xung đột, hầu hết là lần đầu tiên muốn đứng ra làm trung gian hòa giải. Lula nêu ra những nước muốn hợp tác để tìm ra giải pháp cho cuộc chiến Ukraine : Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Tổng thống Nam Phi Ramaphosa tự khen đây là lần đầu đối với các nhà lãnh đạo Châu Phi. Bộ trưởng quốc phòng Indonesia cố giảm nhẹ cuộc tấn công của Nga : "Hãy hỏi những người anh em Việt Nam, Cam Bốt xem họ đã từng bị xâm lăng bao nhiêu lần". 

Những điểm giống nhau giữa các nước này là họ coi đó là một cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây, y như luận điệu của Vladimir Putin, chứ không phải là xâm lăng một quốc gia láng giềng có chủ quyền. Bế tắc này cho thấy cuộc chiến diễn biến thuận lợi cho Ukraine, trong lúc các nước phương Nam hiện đang hòa giọng vào trò chơi của Moskva.

Le Figaro cũng nhận thấy "được Bắc Kinh và Moskva cổ vũ, ‘các nước phương Nam’ thách thức phương Tây". Là phiên bản mới của "phong trào không liên kết", các nước này coi cuộc chiến tranh ở Ukraine là chuyện của Châu Âu nhưng họ phải chịu ảnh hưởng ; cáo buộc Pháp về thời kỳ Châu Phi là thuộc địa, và Mỹ can thiệp vào Iraq.

Tuy các nhà lãnh đạo độc tài của "phương Nam toàn cầu" thiên về Moskva và Bắc Kinh, nhưng người dân các nước này mong muốn được hưởng dân chủ, như trường hợp Iran. Đến bao giờ người dân Châu Phi mới hiểu Nga và Trung Quốc lợi dụng lá phiếu của nước mình ở Liên Hiệp Quốc và khai thác tài nguyên, đồng thời ủng hộ các nhà độc tài luôn duy trì họ trong tình trạng nghèo khổ ?

Đang chiến tranh, người Ukraine không quên "văn hóa đọc"

Trên lãnh vực văn hóa, La Croix cho biết, tuy đất nước đang bị xâm lăng, Liên hoan quốc tế sách ở Kiev vẫn mở ra từ ngày 22 đến 25/06. Đây là bằng chứng cho sức kháng cự của lãnh vực xuất bản và thói quen đọc sách của người Ukraine.

Trong bốn ngày Liên hoan, công chúng có thể mua những cuốn sách bán chạy hàng đầu như "Cuộc ngưng bắn kéo dài", tiểu thuyết mới nhất của tác giả Andriy Kokotukha, hay "Một câu chuyện về NATO và trật tự toàn cầu hậu chiến" của nhà sử học Canada Timothy Andrews Sayle. Độc giả cũng gặp được các nhà văn viết cho trẻ em, theo dõi tranh luận về "dân ch và chiến tranh", nghe đọc thơ... Tóm li, có rt nhiu chn la ti s kin t 12 năm qua đã tr thành cuc hẹn không thể thiếu trong đời sống văn hóa Ukraine.

Năm 2022, Liên hoan không thể tổ chức được vì quân Nga vừa tràn sang, nhưng năm nay không thể lỗi hẹn, vì theo nhà điều phối Yulia Kozlovets, "văn hóa và bản sắc của chúng tôi là mục tiêu tấn công của Nga, vinh danh sách vở chính là một cách kháng chiến". Các nhà xuất bản đã đạt được mức hoạt động trước chiến tranh. Từ tháng 6/2022, trên 1.300 cuốn sách mới đã được trình làng, gồm đủ thể loại.

Sách Nga biến mất, các tác giả Ukraine lên ngôi

Do gần 80% cơ sở xuất bản - văn phòng, nhà in, kho - đều năm ở Kharkiv gần biên giới Nga, một số đã bị hư hại vì oanh kích. Nhà xuất bản Fabula cho dời các kho sang nhiều địa điểm khác nhau ở miền tây, nhiều đồng nghiệp khác cũng vậy, những cộng sự làm việc từ xa như ở Kiev, Lviv, Thụy Điển, Đức. Giá thành phải tăng vì giá giấy, năng lượng, vận chuyển đều tăng, nhưng được bù đắp một phần nhờ nhu cầu cao. Mạng lưới phân phối cũng rất tích cực, chỉ sau 24 giờ là người đọc ở Kiev đã nhận được sách từ Kharkiv.

Chiến tranh in dấu lên khuynh hướng của độc giả, sách kinh điển Ukraine bán chạy hơn so với trước kia. Chẳng hạn "Misto" (Thành phố) của Valerian Pidmohylny, nói về phong trào trí thức Ukraine bị Stalin đàn áp, trước đây chẳng mấy ai đọc ngoài chương trình giáo khoa. Nay mong muốn tìm về với bản sắc dân tộc khiến nhu cầu sách lịch sử tăng vọt, nhất là về thời kỳ Ukraine còn là thành viên Liên bang Xô viết.

Hệ quả trực tiếp khác của cuộc xâm lăng : sách tiếng Nga hầu như không còn tìm thấy, trong khi trước đây chiếm phân nửa thị trường. Nhà văn Halya Shayan cho biết, trong thập niên 90, giới văn chương Ukraine bị chìm khuất phía sau Nga, chỉ có khoảng 20 tác giả, nhưng nay đã xuất hiện những tên tuổi mới. Theo nhà nghiên cứu độc lập Anna Skorina, kể từ 2014 đã có trên 1.200 tựa sách nói về chiến tranh với Nga, trong số đó có 220 cuốn do các quân nhân viết ra.

Hunter Biden, điểm yếu của tổng thống Dân chủ Mỹ

Tại Hoa Kỳ, Le Figaro nói về "Hunter Biden, người con gây rắc rối cho tổng thống Mỹ". Bị dính vào một loạt xì-căng-đan, con trai ông Joe Biden đã thỏa thuận được với tư pháp để tránh phải vào tù và một vụ án chính trị ồn ào, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng đến việc tranh cử của người cha. Thỏa thuận này là bình thường trong hệ thống tư pháp Mỹ, nhưng trong không khí chính trị hiện nay lại gây ra những tranh cãi mới. Đảng Cộng hòa tố cáo tòa án khoan hòa với con trai tổng thống Dân chủ nhưng lại truy bức cựu tổng thống Donald Trump.

Hunter lợi dụng tên tuổi của cha để làm ăn. Và khi Joe Biden trở thành phó tổng thống của Barack Obama, Hunter có chân trong hội đồng quản trị của một số doanh nghiệp như công ty khí đốt Burisma của Ukraine, hay những tham gia thủ thuật tài chánh cùng với các tài phiệt Trung Quốc. Một cuộc điều tra liên bang được mở ra năm 2018. Dù phi đạo đức, công tố viên không tìm thấy điểm nào bất hợp pháp trong những mối quan hệ này. Tuy nhiên, tư pháp nhanh chóng phát hiện Hunter không khai báo đầy đủ những món lợi béo bở, không đóng thuế cho số thu nhập 1,5 triệu đô la. Hunter Biden cũng khai gian là không dùng ma túy, khi mua một khẩu súng Colt Cobra.

Năm 2020, tai tiếng nổ ra trở lại khi nội dung máy tính cá nhân của Hunter với vô số email, nhiều hình ảnh ăn chơi được tiết lộ, chiếc máy này bị bỏ lại nơi một cửa tiệm sửa chữa. New York Post đăng một số ảnh, liền bị Twitter khóa tài khoản. Những cố gắng của đảng Dân chủ nhằm bóp nghẹt vụ này chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Các luật sư của Hunter Biden có lẽ hơi vội vã khi loan báo hồi kết của những rắc rối với pháp luật. Công tố viên David Weiss cho biết vẫn tiếp tục điều tra, và nhất là phe Cộng hòa vẫn cho rằng Hunter chỉ là bức bình phong cho các hoạt động bị nghi là "tham nhũng" của người cha. Hunter Biden là một trong những điểm yếu cho cuộc tranh cử sắp tới của tổng thống đương nhiệm.

Thảm kịch tàu lặn Titan 

Nhìn sang Bắc Đại Tây Dương, câu chuyện chiếc tàu lặn Titan mất tích khi đi tham quan xác chiếc tàu khổng lồ Titanic huyền thoại đang chìm dưới độ sâu 4.000 mét, được các báo dành nhiều đất để đưa tin. Le Figaro nhận định cơ hội để tìm thấy những người sống sót thu hẹp dần, vì dưỡng khí trên tàu chỉ còn đủ đến trưa nay theo giờ Paris.

Những người cứu hộ phải chạy đua với thời gian, trước mắt là phải chắc chắn những tiếng động nghe được là từ tàu Titan, nhưng khó thể xác định nổi. Do chiếc Titanic bị phân ra thành nhiều mảnh kim khí nằm rải rác trên nhiều cây số vuông, những tiếng vọng kim loại từ khu vực này đều có thể nghi là của tàu ngầm Titan. Ngay cả khi dùng sonar, việc định vị âm thanh vẫn như đi tìm cây kim trong đống cỏ.

Một khi tìm được, vẫn cần có thời gian, nên tốt nhất là điều những phương tiện ở gần đó. Tàu thám hiểm đại dương Atalante của Pháp có trang bị robot cáp (ROV) Victor 6000, có thể lặn sâu 6.000 mét, được thả xuống sáng nay, hợp sức với hai robot khác. Nhờ hai cánh tay linh hoạt, Victor 6000 có khả năng giải thoát chiếc tàu lặn nếu nó bị kẹt trong xác tàu Titanic, hay nối cáp vào phao để kéo lên mặt nước. Nhưng mỗi một phút trôi qua là cơ hội sống ít dần cho năm người trong tàu ngầm, dù cố gắng tiết kiệm oxygène, và nhiệt độ từ 1 đến 4°C dưới đáy biển.

Thảm kịch có thể tránh được hay không ? Năm 2018, David Lochridge, cựu giám đốc của OceanGate Expeditions, công ty tổ chức chuyến đi, đã từng cảnh báo về an toàn và sau đó bị sa thải. Lochridge cho biết ông được cho chỉ có mười phút để thu dọn đồ đạc và rời khỏi công ty. Hai tháng sau, nhóm Marine Technolody Society, gồm các nhà chuyên môn về đại dương, gởi thư cho Stockton Rush, chủ nhân OceanGate, để bày tỏ nỗi lo, nhưng ông này bỏ ngoài tai.  

(Tin giờ chót cho hay cả năm hành khách đều đã qua đời. Thông cáo của OceanGate cho biết như trên, và lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ cũng xác nhận những mảnh vỡ của tàu ngầm Titan đã được một ROV tìm thấy ở gần chiếc tàu Titanic nổi tiếng bị chìm cách đây 111 năm).

Thượng đỉnh Bắc-Nam : Tựa chính báo Pháp

Sự kiện khoảng 50 nhà lãnh đạo các nước họp tại Paris theo sáng kiến của tổng thống Pháp được Le Monde gọi là "Một hội nghị thượng đỉnh để xem lại quan hệ Bắc-Nam", La Croix cho rằng "Khí hậu, sự tương trợ cần thiết". Ngược lại Libération thiên tả tố cáo "Macron, người phá hoại sinh thái" vì đã giải tán phong trào "Những người nổi dậy vì Trái Đất". Les Echos quan tâm đến việc các tập đoàn hàng đầu thuộc nhóm CAC 40 của Pháp đạt doanh số kỷ lục trong năm qua. Le Figaro chạy tựa trang nhất "Trí thông minh nhân tạo đã làm đảo lộn nền kinh tế".

Thụy My

Published in Quốc tế