Nga : Cử tri được mời bỏ phiếu theo phương pháp Putin
Covid-19 tiếp tục gieo rắc kinh hoàng, kinh tế thế giới thiệt hại 12.000 tỷ đô la vì đại dịch, Putin dọn đường để làm tổng thống mãn đời, xung khắc Pháp - Thổ leo thang, phóng sự ba thế hệ tại Hồng Kông trong gọng kềm Hoa lục là những chủ đề của mục điểm báo hôm nay 25/06/2020.
Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn cải tổ Hiến pháp để nắm quyền đến năm 2036. Ảnh minh hoạ : ông Putin (thứ hai phải qua) chụp chung với các cựu chiến binh. AP - Sergei Guneyev
Putin tự thưởng
Đại dịch làm thiệt hại 12.000 tỷ đô la cho kinh tế thế giới, Les Echos trích số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Le Figaro báo động : Suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn tiên liệu và không chừa một ai. Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh trường hợp Trung Quốc. Tỷ lệ tăng trưởng năm 2019 của đại cường kinh tế thứ hai thế giới, vì chiến tranh thương mại với Mỹ, đã xuống thấp, với 6,1%, năm 2020 này, sẽ không hơn 1%.
Trang nhất của Le Monde, cũng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đề hai tựa với nội dung được triển khai ở trang trong : Thế giới chạy đua tìm vắc-xin, một cuộc chiến khốc liệt và Putin tự thưởng một cuộc trưng cầu dân ý đúng kích thước, với mục đích tăng thêm quyền lực và tiếp tục cầm quyền sau 2024.
Thông tín viên của nhật báo độc lập từ Moskva cho biết thêm, trong suốt một tuần lễ kể từ ngày 25, một cuộc bỏ phiếu được dàn dựng kỹ lưỡng để cho phép tổng thống Nga cầm quyền mãi mãi. Theo thăm dò ý kiến, chỉ có 42% người Nga tin là bầu cử trong sạch. Một loạt sự kiện bất thường được ghi nhận : quan sát viên đại diện các đảng phái không được vào phòng phiếu, người đi bầu chỉ cần ký tên, không cần ghi số căn cước. Chưa hết : nhiều nhân chứng than phiền trên báo là giới công chức bị sức ép phải đi bầu, nếu không sẽ bị sa thải. Le Monde cũng biết những tiết lộ tương tự của nhiều nhà giáo và nhân viên các công ty công hay bán công. Nhiều công chức, do lo sợ, phải cung cấp địa chỉ của thân nhân và cam kết sẽ vận động ít nhất 10 người đi bầu.
Tại Moskva, kênh truyền hình độc lập Nga Dojd cho biết nhiều người hưu trí được ghi tên vào danh sách cử tri xin ủy nhiệm, mà không được hỏi ý kiến. Người làm "dịch vụ" này được thù lao từ 50 đến 75 rúp.
Trump sợ thất cử hơn đe dọa hạt nhân
Bán đảo Triều Tiên, Hồng Kông là hai điểm nóng ở trang thời sự Châu Á. Trước hết Le Figaro trích dẫn hồi ký của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội. Theo "phiên bản" của John Bolton, Donald Trump vì muốn được rảnh tay đối phó với vụ án "móc ngoặc với Nga" đang diễn ra tại Washington, với cuộc điều trần của cựu giám đốc FBI Robert Muller trong đêm trước khi gặp Kim Jong-un, nên đóng kịch phá đàm phán. Tổng thống Mỹ đứng dậy bỏ phòng họp, ngay khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên đề nghị một thỏa hiệp tối thiểu : phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon, để đánh đổi giảm nhẹ lệnh cấm vận. Bị sỉ nhục, nhà lãnh đạo trẻ ôm mối hận lên xe lửa về nước. Kể từ đó, Bắc Triều Tiên khước từ mọi nỗ lực mời gọi của Bộ Ngoại giao Mỹ và liên tiếp phóng tên lửa khiêu khích, cũng như đe dọa sẽ gây xáo trộn chiến dịch tái tranh cử của chủ nhân Nhà Trắng.
Vì sao Kim Jong-un bất ngờ bỏ ý định leo thang khiêu khích Hàn Quốc ? Hư thực ra sao ? Đó là câu hỏi của Le Monde.
Sau khi gây căng thẳng, phá hủy tòa nhà làm văn phòng liên lạc hai miền Nam Bắc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên mở cửa đối thoại với Seoul. Theo Le Monde, mọi hành động của Bình Nhưỡng trước ngày 25/06, ngày mà cách nay 70 năm đã khai màn chiến tranh Nam Bắc Hàn, đều có ý nghĩa biểu tượng. Thông báo của KCNA như sau : Quân ủy Trung ương tạm ngưng mọi hành động quân sự chống miền Nam và vấn đề này sẽ được tái xét trong cuộc họp lần sau, khi bàn về tăng cường khả năng răn đe. Công thức khá mơ hồ không cho phép phỏng đoán Bình Nhưỡng hủy bỏ, tạm ngưng hay dời lại các hành động quân sự ?
Libération giới thiệu "vụ án cuối cùng xét tội Đức quốc xã", tựa trên trang nhất. Bị can là Druno Drey, 93 tuổi, lính canh SS một trại tập trung người Do Thái, ra tòa tại Hambourg, vì tham gia thảm sát 5.230 tù nhân.
Hồng Kông : chạy tiếp hay đương đầu với cường quyền ?
Hồ sơ Châu Á của nhật báo thiên tả là Hồng Kông : Những người chạy trốn chế độ cộng sản nay bị đảng truy đuổi. Phóng sự của Libération kể lại câu chuyện của một gia đình họ Vương, mà cả ba thế hệ đều hận cộng sản Mao.
Năm 1949, có đôi vợ chồng trẻ chọn vùng đất mang tên Hương Cảng làm chỗ dung thân khi Mao tiến vào Bắc Kinh. Bốn mươi năm sau, đến lượt cô con gái tên Josy nhìn trên màn ảnh TV xe tăng quân đội Trung Quốc tấn công các sinh viên biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Josy, năm nay 62 tuổi, là một nhà tranh đấu nhiệt tình, với con gái tên Saya, luôn có mặt trong các cuộc xuống đường vì dân chủ. Bà không tin là nền dân chủ, tự do ở Hồng Kông tiêp tục tồn tại cho đến 2047. Josy lo âu trước chiến thuật "luộc ếch bằng lửa nhỏ, đun nồi nước lạnh" của Bắc Kinh. Lúc đầu là nhà bên cạnh có chủ mới là người đại lục, rồi đến anh thợ hớt tóc, rồi đến trẻ con vào học cùng trường với con gái Saya, cuối cùng thì Trung Quốc cài người khắp nơi với "vận tốc" trung bình mỗi ngày có 150 người Hoa lục sang định cư.
Chạy nữa hay kháng cự ? Theo Josy, đây là đề tài tranh luận, bàn bạc thường nhật trong gia đình. Thế hệ trẻ, hãnh diện với bản sắc Hồng Kông, chọn con đường tranh đấu. Tranh đấu bằng cách nào ? Trả lời : Với tinh thần sáng tạo, dân Hồng Kông sẽ tìm ra cách đương đầu với áp bức.
Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ leo thang
Quan hệ căng thẳng giữa Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ, hai thành viên NATO, là một hồ sơ nóng khác trên Le Monde.
Tại Istanbul, bốn công dân Thổ bị bắt, bị cáo buộc làm gián điệp "quân sự và chính trị" cho Pháp. Báo chí thân chính quyền khai thác rôm rả, đăng ảnh tòa lãnh sự Pháp tại Istanbul, kèm theo danh sách tên riêng của các nhân viên ngoại giao bị cáo buộc là điệp viên Pháp. Theo Le Monde, hành động này là dấu hiệu xung khắc nghiêm trọng giữa hai nước, trên danh nghĩa là đồng minh. Bởi vì, trong lãnh vực tình báo, nước bị "nhắm" bao giờ cũng phải thông báo cho nước bị cáo buộc là thủ phạm danh sách điệp viên bị lộ, để có biện pháp bảo vệ nhân viên của mình. Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng thông lệ này.
Trở lại tình hình đại dịch Covid-19, nhật báo kinh tế Les Echos loan báo bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran chịu chi ra 6 tỷ euro cải thiện lương bổng cho nhân viên bệnh viện, trong bối cảnh đàm phán với các công đoàn sẽ kết thúc vào giữa tuần tới. Trong khi đó, cũng theo Les Echos, nỗi lo đại dịch vẫn còn dài : hiện tượng ổ dịch bùng dậy và số ca dương tính tăng vọt ở nhiều nước làm các chính quyền sở tại lo âu. Cụ thể là việc số người chết ở Châu Mỹ La Tinh đã lên hơn 100.000 và mỗi ngày có thêm 10.000 người bị lây nhiễm ở Ấn Độ không cho phép lạc quan.
Tú Anh
Ông Putin muốn xác định Nga là quốc gia tin vào Đức Chúa Trời (BBC, 03/03/2020)
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi mà Nga đang thông qua nêu rõ rằng người Nga "theo tín ngưỡng Chính Thống giáo và có niềm tin vào Đức Chúa Trời".
Đám cưới theo truyền thống của Chính Thống giáo ở Giáo đường Moscow - ảnh tư liệu
Các điều khoản mới mà tổng thống Vladimir Putin đề xuất đã nhanh chóng được Viện Duma Nga bỏ phiếu thông qua sau lần đọc đầu tiên.
Tuần sau, Duma sẽ có thêm hai lần đọc để thông qua 24 trang sửa đổi mà Tổng thống Putin đề xuất, theo lời Chủ tịch Viện Duma Quốc gia, Vyacheslav Volodin nói hôm 02/03.
Các báo Nga, như tờ Moscow Times nói ông Putin, 67 tuổi, sau 20 năm cầm quyền đang muốn trở về truyền thống.
"Là người bảo vệ truyền thống Nga, ông tìm kiếm sự ủng hộ cho việc cổ vũ các giá trị đối nghịch với Phương Tây, và đi vào hướng bảo thủ", theo trang Moscow Times.
Trong số các sửa đổi này có điều khẳng định hôn nhân "chỉ có giữa nam và nữ", trái với một xu hướng ở Tây Phương ủng hộ hôn nhân đồng tính.
Theo BBC tiếng Nga, nhà bình luận chính trị Grigory Golosov đã phê phán các điều sửa đổi này của ông Putin là hoàn toàn mang tính chính trị.
"Hiến pháp hiện hành nói Nhà nước Nga phải độc lập khỏi ý thức hệ. Vì thế, theo tôi các thay đổi này đều không phù hợp".
Xa dần quá khứ cộng sản ?
Trong lúc các nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam vẫn tôn thờ Lenin, từ nhiều năm qua, Điện Kremlin tránh nói đến Cách mạng Tháng 10 và các lãnh tụ cộng sản quá cố.
Thậm chí lời phát ngôn viên Dimitry Peskov từng hỏi, "Kỷ niệm để làm gì nữa ?" khi nói về năm 1917.
Tháng 10/2017, ông Putin có bài diễn văn dài nhân Ngày nước Nga Tưởng niệm Nạn nhân Đàn áp Chính trị thời Liên Xô, vốn bắt đầu từ năm 1991.
Ông nhắc lại về hàng triệu người Liên Xô bị chế độ cộng sản giết hại :
"Quá khứ khủng khiếp này không thể bị xóa nhòa khỏi ký ức quốc gia, không có bất cứ điều gì, không có lợi ích cao cả nào cho nhân dân có thể biện minh cho chuyện đó".
"Đàn áp chính trị là bi kịch cho tất cả nhân dân, cho toàn xã hội, đòn tàn nhẫn với đất nước chúng ta, đến tận gốc rễ, văn hóa, ý thức, khiến chúng ta còn chịu ảnh hưởng cho đến bây giờ".
Nhưng Putin cũng kêu gọi hòa giải giữa người Nga với nhau vì tương lai :
"Chúng ta và con cháu cần nhớ bi kịch của đàn áp, các nguyên nhân, nhưng không có nghĩa là trả đũa nhau, vì chúng ta không thể lại đẩy xã hội đến bờ vực đối đầu nguy hiểm".
Ông Putin dẫn lời vợ của tiểu thuyết gia Aleksandr Solzhenitsyn, người bị đày đi Siberia thời Liên Xô : "Biết, nhớ, lên án và chỉ khi đó mới tha thứ".
Có vẻ càng về già, ông Putin càng muốn nêu lại các hình ảnh của thời Nga hoàng, và nền văn minh Slavơ theo Chính Thống giáo.
Ông thường xuyên đi lễ nhà thờ và các sự kiện lớn của chính phủ Nga đều có giáo sĩ Chính Thống giáo tham gia, ban phước.
Trong thời Liên Xô, ngày 7/11 từng là ngày lễ đánh dấu sự kiện Cách mạng tháng Mười.
Nhưng từ 2005, Tổng thống Putin bãi bỏ ngày này và chọn 4/11 làm Ngày Đoàn kết Quốc gia, kỷ niệm cuộc nổi dậy đánh đuổi Ba Lan khỏi Moscow tháng 11/1612.
Ông Putin cùng đại diện Giáo hội Chính Thống và các tôn giáo khác đặt hoa bên tường Điện Kremlin trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng quân Ba Lan năm 1612
Bảo vệ lãnh thổ và vinh quang quá khứ
Sửa đổi của ông Putin cũng ghi vào Hiến pháp Nga rằng "không ai có quyền làm mất đi bất cứ phần nào lãnh thổ Nga".
Điều này sẽ "khóa tay" bất cứ người kế nhiệm nào muốn mở ra cuộc đàm phán về lãnh thổ với các nước khác.
Hiện nay Nga đang giữ một số đảo ở Thái Bình Dương từng thuộc về Nhật Bản cho đến khi nước này thua trận năm 1945 nhưng hai bên đều chưa thể nói chuyện về chủ đề này.
Ngoài vùng đảo Kuril đang có tranh chấp với Tokyo, Moscow còn chiếm giữ bán đảo Crimea mà đến 2014 thuộc về Ukraine.
Theo đạo diễn nổi tiếng Vladimir Mashkov, người có tham gia soạn thảo tân hiến pháp, thì điều khoản sửa đổi về lãnh thổ sẽ "đảm bảo Kuril và Crimea mãi mãi thuộc về Nga".
Cùng lúc, ông Putin tái khẳng định quan điểm cứng rắn về lịch sử Liên Xô, giai đoạn Thế Chiến 2.
Ông nêu ra khái niệm "sự thật lịch sử" trong hiến pháp để bảo vệ thành quả vì Tổ quốc vĩ đại".
Gần đây, ông đột nhiên lên tiếng chửi rủa lãnh đạo Ba Lan từ năm 1939 và lên án mọi "nỗ lực hạ thấp vai trò của Liên Xô trong Thế Chiến 2".
Hồi cuối năm 2019, trong một cuộc họp, ông Putin đột nhiên nói đại sứ Ba Lan tại nước Đức thời Hitler là "đồ cặn bã, con lợn".
Viện Duma cho hay họ sẽ công bố các điều sửa đổi trong Hiến pháp Nga cuối tuần này, trước lần đọc thứ nhì hôm 10/03.
TV Nga thường xuyên chiếu hình ông Putin và hàng giáo phẩm Chính Thống giáo của Nga trong các buổi lễ quốc gia
Dự kiến hiến pháp Nga, bản có sửa đổi, bổ sung sẽ nhanh chóng có hiệu lực, khẳng định uy thế chính trị của ông Putin.
Tuy nhiên, bản thân các nhà bình luận của Nga cũng chưa rõ ông Putin sẽ định làm gì sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống năm 2024.
**********************
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dọa để hàng triệu di dân tràn vào Châu Âu (RFI, 03/03/2020)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn tiếp tục gây sức ép để buộc Hiệp Châu Âu ủng hộ chiến dịch của Ankara tại nước láng giềng Syria, nơi hơn 50 binh lính Thổ đã thiệt mạng hồi tháng 02/2020 tại vùng Idleb. Hôm qua 02/03, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ lại đe dọa Châu Âu là Ankara sẽ để hàng triệu di dân tràn vào Liên Âu qua cửa ngõ Hy Lạp.
Di dân tại cửa khẩu Pazarkule, Thổ Nhĩ Kỳ, tìm cách sang Hy Lạp. Ảnh chụp ngày 02/03/2020 Reuters/Alexandros Avramidis
Trước đó, từ thứ Sáu 28/02, Ankara quyết định không ngăn cản di dân nước ngoài trên lãnh thổ của họ đến vùng biên giới với Hy Lạp. Nhưng do Hy Lạp tăng cường kiểm soát biên giới, không cho di dân tràn vào nên hiện giờ hàng chục ngàn người đang mắc kẹt tại các cửa khẩu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Từ cửa khẩu Pazarkule, bên Thổ Nhĩ Kỳ, đặc phái viên RFI Anne Andlauer gửi về bài phóng sự :
Đó là tiếng nổ của những trái lựu đạn hơi cay … Đây là dấu hiệu cho thấy biên giới chỉ còn cách vài phút đi bộ. Ở phía bên kia là phần đất không người ở nhưng từ vài ngày nay lại có hàng chục ngàn di dân ở tạm. Suleyman là một người đàn ông Iran có gia đình, lùi lại ở phía sau. Vợ ông đang ốm. Hai con gái ông rất sợ hãi. Họ đã phải ngủ hai đêm ngoài trời, trong cái giá lạnh và cảnh lộn xộn. Ông Suleyman cho biết : Họ nói với chúng tôi là biên giới mở cửa. Chúng tôi đã đến và rồi, chúng tôi chẳng biết gì cả, chúng tôi khốn khổ quá, bọn trẻ con thật là bất hạnh.
Còn Salim thì nổi giận. Thanh niên người Kazakh này 19 tuổi, mặc áo khoác đen có mũ. Cậu đến Istanbul lánh nạn cách nay 2 năm. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thông báo mở cửa biên giới, cậu đã nhanh chóng đến đây ngay. Nhưng Salim cảm thấy bị mắc bẫy. Cậu nói : "Họ đã lừa chúng tôi. Chúng tôi đã tin rằng biên giới cửa khẩu mở thật sự nhưng thực tế thì lại chẳng có gì. Đã ba ngày nay tôi không được ăn gì. Cũng không làm được gì cả. Vì tôi không còn tiền, thậm chí tôi còn không quay trở lại Istanbul được nữa".
Xung quanh cửa khẩu, những chiếc taxi màu vàng nối đuôi nhau chờ những người khách đã nản lòng để chở họ quay ngược trở lại. Nhưng đó không phải ý định của thanh niên Muhammed, một người Somali 22 tuổi. Muhammed đã cố vượt sông Evros nằm giữa hai nước, nhưng không thành. Anh nói : Các binh lính Hy Lạp không cho chúng tôi qua. Chúng tôi sẽ chờ cho đến khi nào họ cho phép chúng tôi vào Hy Lạp hoặc một nước nào đó chấp nhận chúng tôi. Đúng thế, chúng tôi sẽ chờ ở đây cho đến khi nào chúng tôi đạt được một điều gì đó.
Về phía tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã khẳng định sẽ để mở cửa ngõ vào Châu Âu.
Thùy Dương