Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/03/2020

Chính thống giáo trong Hiến pháp Nga, Turkey săng ta Liên Âu

Tổng hợp

Ông Putin muốn xác định Nga là quốc gia tin vào Đức Chúa Trời (BBC, 03/03/2020)

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi mà Nga đang thông qua nêu rõ rằng người Nga "theo tín ngưỡng Chính Thống giáo và có niềm tin vào Đức Chúa Trời".

nga1

Đám cưới theo truyền thống của Chính Thống giáo ở Giáo đường Moscow - ảnh tư liệu

Các điều khoản mới mà tổng thống Vladimir Putin đề xuất đã nhanh chóng được Viện Duma Nga bỏ phiếu thông qua sau lần đọc đầu tiên.

Tuần sau, Duma sẽ có thêm hai lần đọc để thông qua 24 trang sửa đổi mà Tổng thống Putin đề xuất, theo lời Chủ tịch Viện Duma Quốc gia, Vyacheslav Volodin nói hôm 02/03.

Các báo Nga, như tờ Moscow Times nói ông Putin, 67 tuổi, sau 20 năm cầm quyền đang muốn trở về truyền thống.

"Là người bảo vệ truyền thống Nga, ông tìm kiếm sự ủng hộ cho việc cổ vũ các giá trị đối nghịch với Phương Tây, và đi vào hướng bảo thủ", theo trang Moscow Times.

Trong số các sửa đổi này có điều khẳng định hôn nhân "chỉ có giữa nam và nữ", trái với một xu hướng ở Tây Phương ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Theo BBC tiếng Nga, nhà bình luận chính trị Grigory Golosov đã phê phán các điều sửa đổi này của ông Putin là hoàn toàn mang tính chính trị.

"Hiến pháp hiện hành nói Nhà nước Nga phải độc lập khỏi ý thức hệ. Vì thế, theo tôi các thay đổi này đều không phù hợp".

Xa dần quá khứ cộng sản ?

Trong lúc các nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam vẫn tôn thờ Lenin, từ nhiều năm qua, Điện Kremlin tránh nói đến Cách mạng Tháng 10 và các lãnh tụ cộng sản quá cố.

Thậm chí lời phát ngôn viên Dimitry Peskov từng hỏi, "Kỷ niệm để làm gì nữa ?" khi nói về năm 1917.

Tháng 10/2017, ông Putin có bài diễn văn dài nhân Ngày nước Nga Tưởng niệm Nạn nhân Đàn áp Chính trị thời Liên Xô, vốn bắt đầu từ năm 1991.

Ông nhắc lại về hàng triệu người Liên Xô bị chế độ cộng sản giết hại :

"Quá khứ khủng khiếp này không thể bị xóa nhòa khỏi ký ức quốc gia, không có bất cứ điều gì, không có lợi ích cao cả nào cho nhân dân có thể biện minh cho chuyện đó".

"Đàn áp chính trị là bi kịch cho tất cả nhân dân, cho toàn xã hội, đòn tàn nhẫn với đất nước chúng ta, đến tận gốc rễ, văn hóa, ý thức, khiến chúng ta còn chịu ảnh hưởng cho đến bây giờ".

Nhưng Putin cũng kêu gọi hòa giải giữa người Nga với nhau vì tương lai :

"Chúng ta và con cháu cần nhớ bi kịch của đàn áp, các nguyên nhân, nhưng không có nghĩa là trả đũa nhau, vì chúng ta không thể lại đẩy xã hội đến bờ vực đối đầu nguy hiểm".

Ông Putin dẫn lời vợ của tiểu thuyết gia Aleksandr Solzhenitsyn, người bị đày đi Siberia thời Liên Xô : "Biết, nhớ, lên án và chỉ khi đó mới tha thứ".

Có vẻ càng về già, ông Putin càng muốn nêu lại các hình ảnh của thời Nga hoàng, và nền văn minh Slavơ theo Chính Thống giáo.

Ông thường xuyên đi lễ nhà thờ và các sự kiện lớn của chính phủ Nga đều có giáo sĩ Chính Thống giáo tham gia, ban phước.

Trong thời Liên Xô, ngày 7/11 từng là ngày lễ đánh dấu sự kiện Cách mạng tháng Mười.

Nhưng từ 2005, Tổng thống Putin bãi bỏ ngày này và chọn 4/11 làm Ngày Đoàn kết Quốc gia, kỷ niệm cuộc nổi dậy đánh đuổi Ba Lan khỏi Moscow tháng 11/1612.

nga2

Ông Putin cùng đại diện Giáo hội Chính Thống và các tôn giáo khác đặt hoa bên tường Điện Kremlin trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng quân Ba Lan năm 1612

Bảo vệ lãnh thổ và vinh quang quá khứ

Sửa đổi của ông Putin cũng ghi vào Hiến pháp Nga rằng "không ai có quyền làm mất đi bất cứ phần nào lãnh thổ Nga".

Điều này sẽ "khóa tay" bất cứ người kế nhiệm nào muốn mở ra cuộc đàm phán về lãnh thổ với các nước khác.

Hiện nay Nga đang giữ một số đảo ở Thái Bình Dương từng thuộc về Nhật Bản cho đến khi nước này thua trận năm 1945 nhưng hai bên đều chưa thể nói chuyện về chủ đề này.

Ngoài vùng đảo Kuril đang có tranh chấp với Tokyo, Moscow còn chiếm giữ bán đảo Crimea mà đến 2014 thuộc về Ukraine.

Theo đạo diễn nổi tiếng Vladimir Mashkov, người có tham gia soạn thảo tân hiến pháp, thì điều khoản sửa đổi về lãnh thổ sẽ "đảm bảo Kuril và Crimea mãi mãi thuộc về Nga".

Cùng lúc, ông Putin tái khẳng định quan điểm cứng rắn về lịch sử Liên Xô, giai đoạn Thế Chiến 2.

Ông nêu ra khái niệm "sự thật lịch sử" trong hiến pháp để bảo vệ thành quả vì Tổ quốc vĩ đại".

Gần đây, ông đột nhiên lên tiếng chửi rủa lãnh đạo Ba Lan từ năm 1939 và lên án mọi "nỗ lực hạ thấp vai trò của Liên Xô trong Thế Chiến 2".

Hồi cuối năm 2019, trong một cuộc họp, ông Putin đột nhiên nói đại sứ Ba Lan tại nước Đức thời Hitler là "đồ cặn bã, con lợn".

Viện Duma cho hay họ sẽ công bố các điều sửa đổi trong Hiến pháp Nga cuối tuần này, trước lần đọc thứ nhì hôm 10/03.

nga3

TV Nga thường xuyên chiếu hình ông Putin và hàng giáo phẩm Chính Thống giáo của Nga trong các buổi lễ quốc gia

Dự kiến hiến pháp Nga, bản có sửa đổi, bổ sung sẽ nhanh chóng có hiệu lực, khẳng định uy thế chính trị của ông Putin.

Tuy nhiên, bản thân các nhà bình luận của Nga cũng chưa rõ ông Putin sẽ định làm gì sau khi hết nhiệm kỳ tổng thống năm 2024.

**********************

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dọa để hàng triệu di dân tràn vào Châu Âu (RFI, 03/03/2020)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn tiếp tục gây sức ép để buộc Hiệp Châu Âu ủng hộ chiến dịch của Ankara tại nước láng giềng Syria, nơi hơn 50 binh lính Thổ đã thiệt mạng hồi tháng 02/2020 tại vùng Idleb. Hôm qua 02/03, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ lại đe dọa Châu Âu là Ankara sẽ để hàng triệu di dân tràn vào Liên Âu qua cửa ngõ Hy Lạp.

nga4

Di dân tại cửa khẩu Pazarkule, Thổ Nhĩ Kỳ, tìm cách sang Hy Lạp. Ảnh chụp ngày 02/03/2020 Reuters/Alexandros Avramidis

Trước đó, từ thứ Sáu 28/02, Ankara quyết định không ngăn cản di dân nước ngoài trên lãnh thổ của họ đến vùng biên giới với Hy Lạp. Nhưng do Hy Lạp tăng cường kiểm soát biên giới, không cho di dân tràn vào nên hiện giờ hàng chục ngàn người đang mắc kẹt tại các cửa khẩu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Từ cửa khẩu Pazarkule, bên Thổ Nhĩ Kỳ, đặc phái viên RFI Anne Andlauer gửi về bài phóng sự :

Đó là tiếng nổ của những trái lựu đạn hơi cay … Đây là dấu hiệu cho thấy biên giới chỉ còn cách vài phút đi bộ. Ở phía bên kia là phần đất không người ở nhưng từ vài ngày nay lại có hàng chục ngàn di dân ở tạm. Suleyman là một người đàn ông Iran có gia đình, lùi lại ở phía sau. Vợ ông đang ốm. Hai con gái ông rất sợ hãi. Họ đã phải ngủ hai đêm ngoài trời, trong cái giá lạnh và cảnh lộn xộn. Ông Suleyman cho biết : Họ nói với chúng tôi là biên giới mở cửa. Chúng tôi đã đến và rồi, chúng tôi chẳng biết gì cả, chúng tôi khốn khổ quá, bọn trẻ con thật là bất hạnh.

Còn Salim thì nổi giận. Thanh niên người Kazakh này 19 tuổi, mặc áo khoác đen có mũ. Cậu đến Istanbul lánh nạn cách nay 2 năm. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thông báo mở cửa biên giới, cậu đã nhanh chóng đến đây ngay. Nhưng Salim cảm thấy bị mắc bẫy. Cậu nói : "Họ đã lừa chúng tôi. Chúng tôi đã tin rằng biên giới cửa khẩu mở thật sự nhưng thực tế thì lại chẳng có gì. Đã ba ngày nay tôi không được ăn gì. Cũng không làm được gì cả. Vì tôi không còn tiền, thậm chí tôi còn không quay trở lại Istanbul được nữa".

Xung quanh cửa khẩu, những chiếc taxi màu vàng nối đuôi nhau chờ những người khách đã nản lòng để chở họ quay ngược trở lại. Nhưng đó không phải ý định của thanh niên Muhammed, một người Somali 22 tuổi. Muhammed đã cố vượt sông Evros nằm giữa hai nước, nhưng không thành. Anh nói : Các binh lính Hy Lạp không cho chúng tôi qua. Chúng tôi sẽ chờ cho đến khi nào họ cho phép chúng tôi vào Hy Lạp hoặc một nước nào đó chấp nhận chúng tôi. Đúng thế, chúng tôi sẽ chờ ở đây cho đến khi nào chúng tôi đạt được một điều gì đó.

Về phía tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã khẳng định sẽ để mở cửa ngõ vào Châu Âu.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 456 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)