Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hiệp ước INF tan vỡ, Mỹ rảnh tay đối phó Trung Quốc (RFI, 02/08/2019)

Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF) Mỹ - Nga tan vỡ hôm nay, 02/08/2019. Lý do Washington chính thức đưa ra là Moskva đã không phá hủy các vũ khí vi phạm Hiệp ước. Nga lên án Mỹ là thủ phạm gây đổ vỡ. Tuy nhiên, trên thực tế, cả Mỹ và Nga đều không muốn ở lại với Hiệp ước trong tình trạng như hiện nay. Việc rút khỏi INF cho phép Washington triển khai các vũ khí vốn bị INF cấm tại vùng Đông Á, để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc, cũng như gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh tham gia vào một thỏa thuận tên lửa tầm trung mới.

inf1

Tên lửa SSC-8/9M729 của bị phương tây cho là vi phạm hiệp ước INF. Ảnh chụp tại trung tâm trưng bày Patriot Expocentre, gần Moskva, 23/01/2019. Reuters/Maxim Shemetov

Việc Hiệp ước INF hết hiệu lực đã được hai bên chờ đợi từ nhiều năm nay. Từ năm 2014, Washington đã lên án Nga triển khai các tên lửa 9M729, có tầm bắn 1.500 km, vi phạm INF, không cho phép triển khai các tên lửa tầm trung, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km trên bộ, điều mà Moskva kiên quyết phủ nhận. tháng 10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ rút khỏi INF, nếu Nga không tuân thủ Hiệp ước. Chính quyền Nga kể từ đó đã không làm gì để giữ Washington ở lại với INF.

Trên thực tế, Hiệp ước INF cũng bị nhiều giới chức cao cấp Nga lên án là bất công, có lợi cho Washington. Trả lời AFP, chuyên gia độc lập người Nga Pavel Felgenhauer cho biết : "Ngay từ năm 2007, khi Moskva rút khỏi Hiệp ước FCE (về vũ khí quy ước tại Châu Âu), quân đội Nga và điện Kremlin đã cho rằng INF không phải là một hiệp ước tốt cho Nga". Tại Moskva, vấn đề hủy bỏ Hiệp ước INF với Mỹ lại trở lại mỗi khi có thông tin về việc triển khai một hệ thống hỏa tiễn chống tên lửa mới tại các quốc gia đồng minh của Mỹ ở Châu Âu hoặc Châu Á. Đối với Hoa Kỳ, đây chỉ là hệ thống vũ khí phòng vệ, nhưng Nga lo ngại các cơ sở hạt nhân của nước này là đối tượng tấn công.

Việc Nga và Hoa Kỳ rút khỏi INF gây nhiều lo ngại về một nguy cơ chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ. Trên thực tế, hai bên dường như đều tỏ ra kiềm chế. Washington thông báo sẽ không triển khai thêm vũ khí hạt nhân tầm trung tại Châu Âu.

Về phần mình, Moskva đề xuất thảo luận về một số khu vực mà Mỹ - Nga đồng thuận không triển khai hỏa tiễn tầm trung, sau quyết định rút khỏi INF của Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga cũng nhiều lần khẳng định việc phát triển các tên lửa tầm trung mới, nếu có, sẽ không dẫn đến việc tăng chi phí quốc phòng. Chính quyền Nga đối mặt với một thực tế khắc nghiệt là kinh tế Nga tiếp tục chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2014, sau khi Moskva thôn tính bán đảo Crimée của Ukraine, khiến phương Tây áp đặt nhiều trừng phạt kinh tế. Ngân sách quân sự của Nga chỉ bằng một phần mười so với Mỹ.

Trung Quốc : Hệ thống tên lửa tầm trung hùng hậu

Việc Washington rút khỏi INF được giới quân sự Mỹ đón nhận hồ hởi. Phát biểu trước Thượng Viện, ngay trước ngày rút chính thức, tân lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ, ông Mark Esper, nhấn mạnh đến mối đe dọa Trung Quốc tại Châu Á, bởi một phần lớn hệ thống hỏa tiễn của nước này thuộc loại tên lửa tầm trung.

Theo nhiều nhà quan sát, cho đến nay, do không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận quốc tế, Bắc Kinh đã phát triển được một hệ thống hỏa tiễn tầm trung hùng hậu tại Hoa lục, được đánh giá là "tân tiến nhất thế giới", trái ngược hoàn toàn với tình trạng yếu kém của binh chủng tên lửa Trung Quốc vào thời điểm Mỹ - Xô ký thỏa thuận INF năm 1987.

Hàng trăm tên lửa Trung Quốc được bố trí tại miền đông nam nước này, có thể dễ dàng tấn công Đài Loan, hòn đảo dân chủ được Hoa Kỳ hậu thuẫn, cũng như đặt Nhật Bản và Ấn Độ trong tầm ngắm. Tên lửa Trung Quốc cũng có thể tấn công các đảo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Theo chuyên gia Thomas Mahnken, Trung tâm nghiên cứu chiến lược đại học Johns Hopkins (trong một bài phân tích trên mạng War on the Rocks), đây là thời điểm cho phép đảo ngược lại cán cân lực lượng. Trước Thượng Viện Mỹ, tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng tương lai của quân đội Mỹ cũng ủng hộ quan điểm cần triển khai tên lửa tầm trung tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo nhật báo Mỹ New York Times, ngay trong những tháng tới, Hoa Kỳ sẽ trắc nghiệm phiên bản hỏa tiễn tầm trung Tomahawk trên bộ, loạt tên lửa hành trình trên bộ đầu tiên sẽ được triển khai trong vòng 18 tháng tới. Hiện tại, Washington đang tìm kiếm địa điểm đặt hỏa tiễn tầm trung mới. Hàn Quốc được nhắc đến như là một địa điểm hàng đầu có thể tiếp nhận tên lửa Mỹ.

Trọng Thành

********************

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước hỏa tiễn tầm trung (RFI, 02/08/2019)

Hôm 02/08/2019, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung (tằn bắn từ 500 đến 5.500 km), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (tên gọi tắt là INF), ký kết với Liên Xô hồi 1987. Cho dù các nước Châu Âu lo ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang mới, khối NATO đã chính thức ủng hộ quyết định của Mỹ, với lý do tên lửa 9M729 của Nga vi phạm hiệp ước.

inf2

Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Donald Reagan (P) và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, lúc ký hiệp ước INF tại Nhà Trắng, ngày 8/12/1987. Reuters//File Photo

Việc Mỹ và Nga từ bỏ Hiệp ước INF, trên thực tế, đã được hai bên sẵn sàng từ nhiều tháng nay. Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Moskva :

"Nga bị Hoa Kỳ cáo buộc vi phạm Hiệp ước về tên lửa tầm trung, đây là điều mà Moskva thường xuyên phủ nhận. Moskva khẳng định loại tên lửa bị cáo buộc không có tầm bắn đến 1.500 km, như khối NATO khẳng định, mà chỉ hơn 480 km (tức không nằm trong quy định cấm của INF).

Bất kể cáo buộc của các nước phương Tây có cơ sở hay không, kể từ giờ Hiệp ước tên lửa tầm trung đã thuộc về quá khứ, và nước Nga cũng đã chuẩn bị điều này. Hồi tháng 2 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Nga đã thông báo có dự án chế tạo một tên lửa tầm trung mới, cụ thể là phát triển một phiên bản trên bộ của hỏa tiễn tầm trung Kakibr, vốn đã được sử dụng trong Hải quân Nga.

Với sự chấm dứt của Hiệp ước INF, giờ chỉ còn lại một thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân song phương duy nhất giữa Mỹ và Nga. Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược START, ký kết năm 1991, sẽ hết hạn với năm 2021. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Interfax, cựu tổng thống Liên Xô Mikhaïl Gorbatchev, người ký hai thỏa thuận hỏa tiễn này với tổng thống Mỹ Ronald Reagan, tỏ ra bi quan. Theo ông, sự chấm dứt Hiệp ước INF là một ‘đe dọa đối với an ninh không chỉ của Châu Âu, mà cả với phần còn lại của thế giới’".

Trước nguy cơ thế giới bước vào một cuộc chạy đua hạt nhân mới, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhắc nhở Mỹ và Nga đừng quên các bài học của quá khứ. Ông nhấn mạnh : "INF là một thỏa thuận căn bản giúp cho Châu Âu được ổn định, chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, thế giới mất đi một công cụ quý báu để chống lại chiến tranh hạt nhân. Hai bên cần tránh leo thang và đi đến một thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí".

Chuyên gia Quentin Lopinot, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ở Washington, nhận định việc INF tan vỡ không nhất thiết dẫn đến chạy đua vũ trang toàn cầu, nhưng một cơ chế hiệu quả giúp cho việc ngăn chặn nguy cơ này đã mất đi. Chuyên gia CSIS dự báo là chạy đua phát triển các vũ khí vốn bị INF cấm sẽ diễn ra tại Châu Á hơn là ở Châu Âu. Hoa Kỳ hứa hẹn không triển khai thêm tên lửa hạt nhân mới tại Châu Âu, dù không đưa ra hứa hẹn nào về các vũ khí quy ước.

Quyết định rút khỏi INF của Hoa Kỳ giúp cho quân đội Mỹ rảnh tay trong việc phát triển và triển khai tên lửa tầm trung tại vùng Đông Á nhằm đối phó với Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang giữ ưu thế áp đảo trong lĩnh vực tên lửa tầm trung tại Đông Á, do không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận nào. Nhiều quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ, và kể cả một số căn cứ của Hoa Kỳ, nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Trung Quốc.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Ngày 20/10/2018, tổng thống Mỹ đe dọa rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF-Intermediate-Range Nuclear Forces), với lý do Nga vi phạm Hiệp ước. Tuyên bố bị Moskva và một bộ phận công luận quốc tế lên án là sẽ thúc đẩy chạy đua vũ trang. Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cho rằng nhấn mạnh đến bất đồng với nước Nga trong vấn đề INF, về cơ bản, chỉ là một cái cớ hay một "chiến thuật thương lượng", để chính quyền Mỹ thúc ép Trung Quốc tham gia một hiệp ước hỏa tiễn tầm trung mới, nhằm tái lập "thế cân bằng chiến lược" tại Châu Á.

inf1

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton trả lời báo giới tại Moskva, 23/10/2018. Reuters/Maxim Shemetov

Thế cân bằng chiến lược tại Châu Á đang bị đe dọa, với việc Bắc Kinh tăng tốc đầu tư cho lực lượng tên lửa tầm trung, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong bối cảnh Trung Quốc không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận quốc tế nào trong lĩnh vực này. Đây là lý do chủ yếu của các nỗ lực ngoại giao của chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây nhằm đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán về một hiệp ước tên lửa tầm trung mới. Sau đây là phần tổng hợp nhận định của một số chuyên gia về an ninh quốc tế.

1. Nhiều người cho rằng tuy Mỹ-Nga căng thẳng trong vấn đề Hiệp ước INF, nhưng khó xảy ra một cuộc chạy đua triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung tại Châu Âu, và vấn đề này không phải là nguyên nhân chính dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nói chung giữa Mỹ và Nga. Lý do vì sao ?

Hiệp ước về hỏa tiễn tầm trung INF, được ký kết ngày 08/12/1987 tại Washington giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbatchev, được coi là một thỏa thuận "lịch sử". Đây là một hiệp ước đầu tiên loại trừ hoàn toàn một loại vũ khí : các tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km (intermediate range ballistic missile - IRBM), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (1). Thể theo Hiệp ước nói trên, Hoa Kỳ và Liên Xô đã phá hủy tổng cộng hơn 2.600 tên lửa loại này, mà đa số được bố trí tại Tây Âu, nhắm vào Liên Xô, hoặc tại Liên Xô và nhắm vào các mục tiêu tại Tây Âu. Hiệp ước INF, có giá trị vô thời hạn, có ý nghĩa to lớn trong việc giảm căng thẳng trong quan hệ giữa phương Tây và Liên Xô, góp phần chấm dứt giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Đe dọa rút khỏi INF của tổng thống Mỹ mới đây thực ra thể hiện cho mối hoài nghi của Hoa Kỳ về việc Nga vi phạm hiệp định, với việc triển khai một số loại tên lửa bị cấm (hỏa tiễn 9M729 hay còn gọi là SSC-8), được phía Mỹ nhiều lên nêu lên từ năm 2008. Ngược lại, Moskva cũng thường tố cáo Hoa Kỳ triển khai lá chắn tên lửa tại một số quốc gia thành viên NATO ở Châu Âu, hành động mà Nga coi là làm vô hiệu hóa hiệp định. Tình hình đặc biệt trở nên căng thẳng hơn từ năm 2014, với việc Nga can thiệp vào miền đông Ukraine, sát nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, một cuộc chạy đua tên lửa hạt nhân tầm trung giữa Nga và phương Tây, nhất là tại Châu Âu, rất khó xảy ra trong thời điểm hiện nay vì nhiều lý do.

Trước hết, nhìn chung các quốc gia Châu Âu thành viên NATO, cho dù lo ngại trước đe dọa từ Nga, nhưng không chấp nhận việc triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung mới trên lãnh thổ nước mình (tuyên bố của tổng thư ký NATO ngày 24/10/2018), đồng thời vận động Hoa Kỳ từ bỏ ý định rút khỏi INF.

Về phần mình, chính quyền Mỹ cũng nỗ lực thương lượng với Nga để làm sáng tỏ các nghi ngờ, gây dựng lại lòng tin. Ngay sau tuyên bố của tổng thống Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã có chuyến công du Moskva ngày 23/10/2018, để trực tiếp thảo luận với tổng thống Nga Vladimir Putin và các cộng sự, về chủ đề này, và cũng để chuẩn bị cho cuộc hội kiến giữa hai nguyên thủ Mỹ, Nga ngày 11/11 tới tại Paris, bên lề lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất, với chủ đề chính là Hiệp ước INF và nguy cơ chạy đua vũ trang.

Về ý nghĩa "răn đe" trong thế cân bằng chiến lược Nga-Mỹ, có thể thấy các tên lửa tầm trung chỉ đóng một vai trò tương đối nhỏ. Vào thời điểm ký kết, loại hỏa tiễn này (IRMB) chỉ chiếm từ 3 đến 4% toàn bộ hệ thống tên lửa hạt nhân của hai nước. Và với phần vũ khí còn lại (đã giải trừ sau các Hiệp ước START I, START II, SORT và New START, hay START III), bao gồm hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân mỗi bên, được gắn với các hỏa tiễn liên lục địa trên bộ, trên phi cơ chiến đấu hoặc trên tầu ngầm, Hoa Kỳ và Nga hoàn toàn đủ khả năng hủy diệt nhiều lần sự sống trên Trái đất. Vũ khí hạt nhân chiến lược đối với đôi bên chỉ hoàn toàn mang ý nghĩa răn đe, chứ không thể đem ra sử dụng.

2. Vậy phải chăng Trung Quốc là đích ngắm chính của tổng thống Mỹ, khi tuyên bố muốn rút khỏi Hiệp ước INF ?

Đúng vậy. Trong phát biểu ngày 20/10 về ý định rút khỏi INF, tổng thống Mỹ Donald Trump trực tiếp nhắc lại đòi hỏi, để một hiệp ước tên lửa tầm trung có giá trị, trong hoàn cảnh hiện nay (ngoài việc Nga cần tuân thủ nghiêm túc), nhất định phải có sự tham gia của Trung Quốc và một số quốc gia khác. Trong chuyến công du Moskva, cố vấn an ninh John Bolton cũng nhấn mạnh là việc Trung Quốc ồ ạt triển khai tên lửa tầm trung, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong thời gian gần đây, là một đe dọa "thực sự" (2).

Theo nguyên tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) Harry Harris (báo cáo trước Ủy ban Quân Lực Hạ Viện tháng 2/2018), nếu Bắc Kinh tham gia hiệp ước INF, thì 95% số hỏa tiễn của Trung Quốc được triển khai hiện nay là vi phạm INF. Hay nói cách khác, lợi dụng khoảng đất trống, do không bị ràng buộc vào các thỏa thuận song phương như Mỹ và Nga, Bắc Kinh đang làm lệch thế cân bằng một cách đáng quan ngại, hơn rất nhiều so với Moskva, với việc phát triển ồ ạt các hỏa tiễn tầm trung, có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, bị cấm theo INF, đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ cũng như nhiều quốc gia đồng minh ở Châu Á.

3. Phải chăng Hoa Kỳ muốn tìm một tiếng nói chung với Nga trong việc đòi hỏi Trung Quốc phải tham gia vào một hiệp ước INF mới ?

Chuyến đi của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đúng là có mục tiêu như vậy. Le Figaro, hôm 24/10, cho hay, theo một nguồn tin ngoại giao Nga, được hãng tin Nga Ria Novosti trích dẫn, ông John Bolton đã không thành công khi gợi ý Moskva gây áp lực để buộc Bắc Kinh tham gia. Theo phía Nga, những vấn đề nào liên quan đến "đối tác Trung Quốc" thì Washington nên bàn trực tiếp với Bắc Kinh.

Trên thực tế, chính nước Nga cũng từng nhận thấy hiệp ước về tên lửa tầm trung song phương Nga - Mỹ, đã không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, bởi có thêm một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đang đầu tư rất mạnh cho loại vũ khí này. Ngay từ năm 2007, tại phiên họp thứ 62 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Nga đã ra một thông cáo chung, kêu gọi tất cả các quốc gia quan tâm thảo luận về một hiệp ước hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn mang tính toàn cầu (3). Báo chí phương Tây cũng đăng tải rộng rãi một phát biểu của lãnh đạo Nga Vladimir Putin, hồi 2013, than phiền về một số láng giềng (hàm ý cả Trung Quốc) đang phát triển các hỏa tiễn bị cấm theo INF.

4. Tại sao Trung Quốc cần tham gia vào một hiệp ước cấm hỏa tiễn tầm trung ?

Báo South China Morning Post đăng tải một bài phân tích đáng chú ý của học giả Drew Thompson, với tựa đề "Hãy quên đi cuộc chiến thương mại, điều mà khu vực cần là một thỏa thuận quân sự Mỹ-Trung" (4). Theo chuyên gia Đại học Quốc Gia Singapore, tình hình tại Châu Á, khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, hiện tại rất nguy hiểm.

Nỗi lo ngại lớn tập trung vào Trung Quốc, một quốc gia rất ít bị ràng buộc bởi các thỏa thuận an ninh quốc tế. Từ 20 năm nay, Bắc Kinh phát triển mạnh các hệ thống vũ khí tấn công, đe dọa nhiều nước láng giềng, đặc biệt là các hỏa tiễn IRMB. Nhiều nước, trong đó có Nhật Bản hay Đài Loan, cũng đang phát triển mạnh hệ thống hỏa tiễn, để đáp trả. Cuộc chạy đua vũ trang hiện nay tại Châu Á, do Trung Quốc gia tăng hiện đại hóa quân đội, quân sự hóa Biển Đông (5), hứa hẹn các hệ quả tồi tệ.

Trong lĩnh vực an ninh Mỹ-Trung, nóng bỏng nhất hiện nay có lẽ là vấn đề tên lửa hạt nhân tầm trung. Theo ông Drew Thompson, Washington và Bắc Kinh từng thiết lập một cuộc đối thoại về hạt nhân vào năm 2008, nhưng đối thoại chỉ diễn ra có một lần. Hoa Kỳ cũng từng đề nghị Trung Quốc hợp tác để xây dựng các thỏa thuận trong lĩnh vực này, như đã và sẽ tiếp tục làm với Nga, nhưng Bắc Kinh từ chối. Các trao đổi song phương trong lĩnh vực quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tồn tại, nhưng kém hơn nhiều so với quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Vẫn theo học giả Drew Thompson, Bắc Kinh nên tiếp thu bài học của nước Nga hay Liên Xô trước đây, trong quan hệ với Hoa Kỳ. Đó là để giúp cho tình hình được ổn định, hòa bình được duy trì, các bên phải nỗ lực xây dựng lòng tin. Một quốc gia đang mạnh lên về kinh tế, hùng hậu hơn về quân sự, để không gây lo sợ cho bên ngoài, cần thiết lập với đối tác các thỏa thuận về an ninh. Chuyên gia Drew Thompson lưu ý, để một thỏa thuận như vậy ra đời, cần nhiều năm nỗ lực đầu tư. Hiệp ước INF Mỹ-Nga về IMRB, ký kết năm 1987, đã được khởi sự đàm phán từ 1980.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 01/11/2018

Ghi chú :

1. Trước đó, Hoa Kỳ và Liên Xô từng có hai hiệp ước, SALT 1 và SALT 2, có mục tiêu giảm vũ khí hạt nhân chiến lược.

2. "Putin, Bolton Discuss Possible U.S.-Russia Summit in Novembre In Paris", ngày 23/10/2018, Radio Free Europe.

3. Bài "U.S. Withdrawal from the INF Treaty : The Facts and the Law" của hai chuyên gia về an ninh quốc tế Hilary Hurd và Elena Chachko, đăng tải trên trang mạng Lawfare, ngày 25/10/2018.

4. "Forget the trade war, what the region needs is a US-China military treaty" của ông Drew Thompson, chuyên gia Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc Gia Singapore, đăng tải trên mạng South China Morning Post, ngày 24/10/2018.

5. Xem thêm : Tranh chấp Mỹ-Trung lan sang lãnh vực an ninh Biển Đông và Hoa Đông, 1/10/2018.

Published in Diễn đàn