G7 khí hậu họp tại Ý, Hoa Kỳ tự cô lập (RFI, 12/06/2017)
Cuộc họp cấp bộ trưởng Môi Trường của nhóm G7 họp tại Bologna, nước Ý, trong hai ngày Chủ Nhật 11 và thứ Hai 12/06/2017. Sáu nước cam kết tiếp tục nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong khi đại diện của đối tác Mỹ là ông Scott Pruitt hoàn toàn im lặng.
Chủ tịch cơ quan bảo vệ môi trường EPA của Mỹ, Scott Pruitt, nói chuyện với đồng nhiệm Ý Gian Luca Galletti tại cuộc họp cấp bộ trưởng Môi Trường của nhóm G7, Bologna, ngày 11/06/2017. REUTERS/Max Rossi
Theo AFP, một tuần sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp Định COP 21, chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA, đại diện của Hoa Kỳ, Scott Pruitt chỉ dự hội nghị G7 khí hậu có một ngày, chụp ảnh, rồi biến mất.
Trong khi đó, đại diện nước chủ nhà là bộ trưởng Ý Gian Luca Galletti cho biết Ý và "đại đa số" các nước xem COP21 là hiệp định không thể đảo ngược, không thể thương thuyết lại. Ông ám chỉ tuyên bố của tổng thống Donald Trump đòi xóa những "điều khoản bất lợi cho doanh nhân Mỹ".
Cho dù Mỹ rút lui gây khó khăn tài chính cho kế hoạch COP 21, Pháp kêu gọi tăng tốc thực hiện. Bộ trưởng Pháp Nicolas Hulot cho biết do tình thế cấp bách, cần phải "nâng cao chỉ tiêu và có lẽ phải gia tăng vận tốc thực hiện" hầu có thể ngăn chận nhiệt độ khí quyển không tăng hơn 2°C vào cuối thế kỷ.
Bên ngoài hội trường, nhiều cuộc biểu tình bảo vệ khí hậu được tổ chức. Trưa 11/06, hơn 1.000 sinh viên tuần hành ôn hòa với biểu ngữ "Không có hành tinh thứ hai cho chúng ta".
Tú Anh
**********************
Hoa Kỳ sắp có tiểu bang thứ 51 ? (VOA, 12/06/2017)
Ngày 11/6, cư dân vùng lãnh thổ Puerto Rico đã đi đầu phiếu để trở thành bang thứ 51 của Hoa Kỳ trong một cuộc trưng cầu không có tính ràng buộc pháp lý.
Thống đốc Ricardo Rossello vui mừng trước kết quả trưng cầu vào ngày 11/6/2017.
Gần nửa triệu phiếu ủng hộ giải pháp Puerto Rico trở thành một bang của nước Mỹ, khoảng 7.600 phiếu ủng hộ giải pháp độc lập cho Puerto Rico trong tư cách một vùng lãnh thổ, và gần 6.700 phiếu muốn duy trì nguyên trạng. Tỷ lệ đi bỏ phiếu là 23%.
Đây là cuộc trưng cầu dân ý không có tính ràng buộc thứ năm của cử tri đảo Puerto Rico. Năm 2012, dân đảo đã chọn giải pháp trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ, nhưng Quốc hội, cơ quan có quyền đưa ra quyết định tối hậu về tương lai của Puerto Rico, không làm gì để xúc tiến giải pháp này.
Thống đốc Puerto Rico, Pedro Rossello, nói :
"Chúng tôi đã tạo cơ hội cho người dân lên tiếng trong việc đưa ra một giải pháp và chỉ trong vài giờ là có kết quả. Chúng tôi trông đợi sẽ có nhiều phiếu ủng hộ việc trở thành tiểu bang, và chúng tôi sẽ sử dụng những lá phiếu này, là những lá phiếu phê chuẩn cuộc bỏ phiếu năm 2012, để đảm bảo ý nguyện dân chủ của người dân, những công dân Mỹ cư ngụ ở Puerto Rico, được thực hiện".
Nhiều người cho rằng quy chế lãnh thổ của Puerto Rico đã góp phần đẩy hòn đảo này vào một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài 10 năm qua.
Nhưng phe đối lập lo ngại hòn đảo sẽ mất đi bản sắc văn hóa và cảnh báo rằng Puerto Rico sẽ chật vật hơn nữa về mặt tài chính, bởi vì nếu trở thành một bang của nước Mỹ, cư dân sẽ bị buộc phải trả hàng triệu đôla tiền thuế cho chính phủ liên bang.
Ông David Aldarondo, một người ủng hộ giải pháp độc lập cho Puerto Rico, nói :
"Tôi nghĩ sẽ rất khó khăn, tôi tin sẽ có một sự chuyển tiếp dễ dàng hơn nếu trở thành một tiểu bang, nhưng nếu muốn chọn giải pháp độc lập, ví dụ như ngày mai, tôi tin rằng chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong một khoảng thời gian nhưng rốt cuộc, có thể không xảy ra trong đời tôi, Puerto có thể trở thành một quốc gia tốt đẹp, một hòn đảo tốt đẹp".
Hiện nay cư dân Puerto Rico là công dân Mỹ, họ được miễn thuế thu nhập liên bang, nhưng vẫn phải trả tiền bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế và các sắc thuế địa phương. Theo quy chế hiện nay, vùng lãnh thổ này nhận được ít tài trợ của liên bang hơn so với các tiểu bang của Hoa Kỳ.
Cuộc trưng cầu dân ý trùng hợp với ngày kỷ niệm 100 năm Hoa Kỳ cấp quốc tịch Mỹ cho cư dân Puerto Rico, mặc dù họ không được đi bầu trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và chỉ có một đại diện ở Quốc hội với quyền hạn bỏ phiếu hạn chế.