Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hoa Kỳ đang rút quân khỏi Afghanistan, dự định sẽ đưa hết binh lính ra khỏi vùng đất này vào cuối tháng Tám, sau 20 năm can thiệp quân sự và giúp xây dựng quốc gia. Quan ngại là quân Taliban chống đối chính phủ đang chiếm đất giành dân tại nhiều nơi và đã kiểm soát được nhiều quận.

afghanistan1

Việc Mỹ rút quân có để lại cho Afghanistan một ngày 30/4 ?

Hình ảnh sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 đang được nhiều giới chức và truyền thông Mỹ nhắc lại và đặt câu hỏi là chuyện gì sẽ xảy ra nếu Taliban chiếm được Thủ đô Kabul.

Từ giữa thập niên 1950 Hoa Kỳ đã thay thế người Pháp để vào Việt Nam, giúp xây dựng miền Nam với một thể chế tự do dân chủ, đối nghịch với miền Bắc theo chế độ cộng sản được Liên Xô và Trung Quốc trợ giúp.

Nửa cuối của thế kỷ trước, thế giới thường nhắc đến chiến tranh ở Việt Nam và ở Afghanistan vì cả hai đều có sự yểm trợ quân sự của các nước cộng sản và tư bản như một phần của Chiến tranh Lạnh còn kéo dài sau Thế chiến II.

Miền Nam Việt Nam muốn xây dựng chế độ tự do dân chủ theo mô hình chính trị Hoa Kỳ, miền Bắc quyết tâm chống Mỹ để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa theo khuôn mẫu cộng sản Liên Xô-Trung Quốc. Giống như Đông Đức và Tây Đức, Nam Hàn và Bắc Hàn, Trung Quốc và Đài Loan.

Cuộc chiến ở Việt Nam kết thúc vào năm 1975 với sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Hình ảnh Đại sứ Mỹ quấn cờ ra đi và cuộc di tản bằng trực thăng từ Thủ đô Sài Gòn là một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ.

Thất bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam là động lực thúc đẩy khuynh hướng bài chống Mỹ tại nhiều nơi. Cuối năm 1975 ở Châu Phi, Angola đuổi được Bồ Đào Nha và cộng sản lên nắm quyền lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Angola.

Năm 1979 Nicaragua thiết lập chính quyền theo khuôn mẫu xã hội chủ nghĩa ở Nam Mỹ. Trung Á có Hồng quân Liên Xô tiến vào Thủ đô Kabul dựng lên một chính quyền cộng sản ở Afghanistan. Cùng năm, để phản đối Mỹ ủng hộ vua Shah dân quân Iran đã tấn công vào Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran, bắt nhiều công dân Mỹ làm con tin.

Hoa Kỳ lên án Liên Xô xâm lăng Afghanistan, Tổng thống Jimmy Carter quyết định tẩy chay Olympic 1980 tổ chức ở Moskova. Nước Mỹ cùng lúc đón người tị nạn Việt và tị nạn Afghan vào định cư.

Tổng thống Carter cũng ra lệnh cho Lực lượng Đặc biệt vào Iran giải cứu con tin nhưng không thành công.

Chính sách đối ngoại yếu mềm đã khiến Tổng thống Carter thất bại khi ra tranh cử nhiệm kỳ hai năm 1980.

Ngay khi Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức vào ngày 20/01/1981, Iran đồng ý thả những công dân Mỹ đã bị bắt làm con tin từ hơn một năm. Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho lực lượng hồi giáo Mujahideen chống lại binh lính Liên Xô ở Afghanistan và lực lượng du kích Contras chống lại chính quyền cộng sản ở Nicaragua.

Afghanistan được xem như là Việt Nam của Liên Xô vì đã bị sa lầy, giống như Hoa Kỳ sa lầy ở Việt Nam vào thập niên trước đó.

Đầu năm 1989, sau gần một thập niên chiếm đóng, khi Liên Xô rút hết quân khỏi Afghanistan thì nội chiến bùng nổ giữa các sắc tộc để giành quyền lãnh đạo.

Tháng 4/1992 quân du kích Mujahideen tiến vào Kabul, Tổng thống Mohammed Najibullah, được sự hỗ trợ của Liên Xô, phải từ chức và chạy vào trụ sở của Liên Hiệp Quốc lánh nạn cho đến năm 1996, khi Taliban giành được quyền lãnh đạo, Najibullah bị bắt, bị giết chết và treo xác giữa trung tâm thủ đô để cảnh cáo những ai muốn chống lại chính quyền mới. Afghanistan tiếp tục rơi vào một cuộc nội chiến.

Vài năm sau, ngày 7/10/2001 Hoa Kỳ lại can thiệp quân sự, khi Tổng thống George W. Bush (Bush con) ra lệnh đem quân vào Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban vì đã cho Al-Qaeda dùng lãnh thổ để huấn luyện và phát động tấn công khủng bố nhắm vào nước Mỹ.

Trước đó rất ít người nghe biết đến Al-Qaeda, cho đến sáng ngày 11/9/2001 khi người của tổ chức này cướp máy bay dân sự dùng làm vũ khí tấn công vào nước Mỹ khiến ba nghìn người tử vong.

Quân đội Mỹ vào Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban với mục tiêu diệt Al-Qaeda. Ngoài lính Mỹ còn có lực lượng quân sự của NATO cũng đổ quân vào. Nhưng Usama bin Laden đã trốn được qua Pakistan và tiếp tục phát động các vụ khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ và đồng minh của Mỹ tại nhiều nơi trên thế giới, từ vùng Vịnh Ba Tư sang Châu Á, Châu Phi.

Đến thời Tổng thống Barack Obama thủ lĩnh của Al-Qaeda là Bin Laden mới bị giết chết tại nơi trú ẩn ở Pakistan trong một cuộc tấn công của lực lượng đặc nhiệm Mỹ vào ngày 2/5/2011.

Trong 20 năm can dự quân sự vào Afghanistan, qua bốn đời tổng thống Mỹ, có lúc với cả trăm nghìn lính tham chiến và đã có 2.300 binh lính Mỹ hy sinh. So với mười năm chiến đấu ở Việt Nam, lúc cao điểm có nửa triệu lính Mỹ và với 58 nghìn binh lính tử trận, thì số tử vong ở Afghanistan tương đối thấp.

Trước Afghanistan, Việt Nam là nơi Hoa Kỳ đã chiến đấu lâu nhất trong lịch sử và có một kết cuộc thảm bại.

Afghanistan US

Trong 20 năm can dự quân sự vào Afghanistan, Mỹ đã có 2.300 binh hy sinh.

Hiệp định Ba Lê ký kết năm 1973 để người Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, tương lai chính trị của miền Nam để người dân Việt quyết định.

Sau đó Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa, cùng với đạo luật War Power Acts không cho Hoa Kỳ can thiệp trở lại vào Đông Dương, nên chính quyền cộng sản Bắc Việt tiến hành giải pháp quân sự.

Sáng ngày 29/4/75, Chính quyền Sài Gòn, với Tổng thống Dương Văn Minh vừa nhậm chức, đã yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ với hy vọng bộ đội cộng sản ngừng tấn công và sẽ có một giải pháp chính trị cho miền Nam. Nhưng mọi sự đã quá trễ.

Nay Hoa Kỳ cũng đã thỏa hiệp với Taliban để rút quân khỏi Afghanistan. Còn hai tháng nữa sẽ đến ngày 11/9/2021, là thời điểm Hoa Kỳ chính thức rút hết quân khỏi Afghanistan theo lịch trình của Tổng thống Joe Biden đưa ra trong tháng Tư vừa qua.

Cũng như miền Nam Việt Nam trước đây, Hoa Kỳ đã hỗ trợ huấn luyện quân đội, tạo dựng nên một chính quyền thân Mỹ ở Afghanistan, với hiến pháp mới và qua các cuộc bầu cử tự do để dân Afghan chọn lãnh đạo, nhưng nội chiến vẫn tiếp tục với các sắc tộc tranh giành kiểm soát lãnh thổ và dân chúng.

Những ai đã trải nghiệm qua cuộc chiến Việt Nam, chứng kiến ngày chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ không thể không nghĩ đến Afghanistan lúc này.

Truyền thông Mỹ đang đặt vấn đề với lãnh đạo Hoa Kỳ về việc di tản những người Afghan đã hợp tác với Mỹ trong hai thập niên qua, nhất là số phận những thông dịch viên làm việc cho quân đội và chính phủ Mỹ và gia đình họ. Con số có thể lên đến hàng vạn người.

Trong tháng 4/1975 chính phủ Hoa Kỳ cũng đã lên kế hoạch di tản hàng trăm nghìn người Việt mà nếu bỏ lại sẽ bị cộng sản trả thù vì đã hợp tác với người Mỹ trong chiến tranh.

Nhưng có khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và Afghanistan. Việt Nam khi đó là hai quốc gia riêng biệt, còn Afghanistan hiện nay là một quốc gia và chỉ có các nhóm sắc tộc khác nhau tranh giành quyền lãnh đạo, không một nhóm nào có thể hoàn toàn loại bỏ các nhóm khác, như những xung đột trong gần nửa thế kỷ qua cho thấy.

Một khác biệt nữa là Afghanistan đã có Hội đồng Hòa giải Tối cao được thành lập với đại diện của nhiều nhóm sắc tộc khác nhau để tìm ra một giải pháp chính trị cho đất nước. Trong khi tại miền Nam, với Hiệp định Ba Lê mà các bên đã không thể thành lập được Hội đồng Hòa hợp Hòa giải Dân tộc như ghi trong hiệp định.

Hôm 25/6 vừa qua Tổng thống Joe Biden đã đón tiếp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Tối cao Abdullah Abdullah tại Bạch Ốc để bàn thảo về quan hệ hai nước và cam kết sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ cho Afghanistan, mỗi năm 4 tỉ đôla cho đến năm 2024, theo tin của AP đưa ra sau khi lãnh đạo Afghanistan gặp gỡ Tổng thống Joe Biden.

Phía Taliban trong một thỏa hiệp với Mỹ đã đồng ý là sẽ không để cho thành phần Nhà nước Hồi giáo, ISIS hay ISIL là các nhóm khủng bố hồi giáo cực đoan trung thành với Al-Qaeda, dùng làm nơi phát xuất các cuộc tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ và các nước phương Tây như trước đây.

Bài học Việt Nam vẫn còn đó cho Tổng thống Joe Biden nhận ra, khi Quốc hội Mỹ đã không muốn tiếp tục ủng hộ cho Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản bành trướng, trong lúc ông là một thượng nghị sĩ.

Với những viện trợ của Hoa Kỳ cho Afghanistan, chính quyền Kabul khó sụp đổ. Dù thành phần nào lên lãnh đạo đất nước, Afghanistan cũng cần sự yểm trợ của Hoa Kỳ và của NATO trong việc chống khủng bố và sự độc lập trước ảnh hưởng của các nước lân bang.

Đó là bài học mà lãnh đạo cộng sản Hà Nội đã bỏ lỡ sau khi giành được quyền cai trị một nước Việt Nam thống nhất.

Bùi Văn Phú

Nguồn : © 2021 Buivanphu, 14/07/2021

Published in Diễn đàn

Mỹ - Iran trao đổi tù nhân : Tổng thống Donald Trump cảm ơn Tehran (RFI, 08/12/2019)

Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Iran vẫn đang căng thẳng, hôm qua 07/12/2019, trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn chính quyền Iran về những cuộc thương lượng dẫn tới cuộc trao đổi tù nhân giữa hai nước.

hoaky1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, ngày 06/12/2019. CHIP SOMODEVILLA / GETTY IMAGES NORTH AMERICA / AFP

Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki cho biết thêm chi tiết :

"Quý vị thấy đấy, chúng ta có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận". Trong hàng loạt tin nhắn Twitter, tổng thống Mỹ tỏ ra vui mừng về cuộc trao đổi tù nhân. Ông cũng cảm ơn Iran về, xin trích, "những cuộc thương lượng đúng đắn và công bằng".

Cuộc trao đổi tù nhân liên quan đến một người Mỹ gốc Hoa 38 tuổi bị Tehran tố cáo làm gián điệp. Vương Tập Việt (Xiyu Wang) bị giam giữ từ 3 năm nay tại Tehran. Người thân của Vương Tập Việt và chính quyền Mỹ luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên của Iran. Vương Tập Việt đến Iran vì các hoạt động nghiên cứu trong quá trình làm nghiên cứu sinh ở đại học Princeton.

Hôm qua, một quan chức ngoại giao Mỹ giải thích các cuộc thương lượng để Xiyu Wang được trả tự do đã kéo dài nhiều tháng. Đàm phán đôi khi trở nên khó khăn do quan hệ giữa Washington và Tehran trở nên căng thẳng vì hồ sơ hạt nhân và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vụ trao đổi tù nhân diễn ra ở Thụy Sĩ. Chính quyền Tehran đòi Mỹ thả một trong những công dân Iran bị bắt hồi năm ngoái tại Chicago. Trong các tin nhắn trên Twitter, Donald Trump hứa là Washington sẽ làm tất cả để mọi công dân Mỹ vô cớ bị giam giữ tại Iran hoặc ở những nơi khác được trả tự do.

Chủ nhân Nhà Trắng cũng không bỏ lỡ cơ hội để công kích người tiền nhiệm Obama khi nhấn mạnh là Vương Tập Việt đã bị Tehran bắt giam dưới thời Obama làm tổng thống Mỹ. Donald Trump mỉa mai là chính nhờ có Obama mà giờ đây ông đã giải thoát được công dân Mỹ".

Thùy Dương

*****************

Afghanistan : Hoa Kỳ và phe Taliban nối lại đàm phán ở Doha (RFI, 07/12/2019)

Theo AFP, một nguồn tin ngoại giao Mỹ khẳng định ngày 07/12/2019, Hoa Kỳ đã nối lại các cuộc đàm phán với phe nổi dậy Taliban ở Qatar, sau ba tháng gián đoạn.

hoaky2

Tổng thống Trump đến thăm các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan ngày 28/11/2019.Reuters

Vẫn theo nguồn tin này, "các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc giảm bớt các cuộc tấn công khủng bố để có thể tiến hành các cuộc thương thuyết giữa các phe Afghanistan và ban hành lệnh ngừng bắn".

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư, 04/12/2019, thông báo đặc sứ Mỹ phụ trách đàm phán với quân nổi dậy Taliban, ông Zalmay Khalilzad, sẽ lên đường đến Doha để "nối lại các cuộc thương lượng với Taliban". Cùng ngày hôm đó, đặc sứ Mỹ cũng đã đến Kabul để gặp tổng thống Ashraf Ghani và nhiều quan chức khác.

Hôm 07/09/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ngưng cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban mà Khalilzad tiến hành từ một năm qua, và dường như sắp đi đến việc đúc kết một thỏa thuận.

Nhà Trắng còn hủy lời mời bí mật các lãnh đạo Taliban đến gặp tổng thống Mỹ khi viện dẫn vụ một binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố do quân nổi dậy tiến hành tại Kabul.

Sau vụ việc này, tổng thống Mỹ còn tuyên bố các cuộc thương lượng "đã chết và bị chôn vùi". Tuy nhiên, dường như ông Trump đã nới lỏng lập trường, để ngỏ cánh cửa đối thoại nếu Taliban chấm dứt các vụ tấn công. Các kênh liên lạc không chính thức đã được đề cập đến, nhưng chưa bao giờ được xác nhận chính thức.

AFP nhắc lại, chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan kéo dài từ 18 năm qua và hồi hương các binh sĩ Mỹ là một trong những lời hứa của tổng thống Trump khi tranh cử .

Minh Anh

*******************

Hoa Kỳ giữ chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An (RFI, 07/12/2019)

Kể từ 06/12/2019, Hoa Kỳ chính thức nắm chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong vòng một tháng. Bà Kelly Craft, cựu đại sứ Mỹ Canada, được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc cách nay ba tháng, thay thế bà Nikki Haley, sẽ phải bảo vệ lợi ích của Washington trong các hồ sơ "nóng" tại định chế quốc tế này.

hoaky3

Tổng thống Donald Trump và đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Kelly Craft tại Nhà Trắng ngày 05/12/2019. Reuters

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :

"Không có chuyện giữ khoảng cách với định chế mà tổng thống Mỹ không mấy gì ưa thích, bà Kelly Craft dường như đã thực hiện vai trò của mình một cách nghiêm túc. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên về việc ủng hộ Israel vô điều kiện hay như chuyện gây áp lực tối đa mà bà mong muốn duy trì với Iran.

Về vấn đề tài chính, một cách công khai, bà đi theo đường hướng của Washington, vốn dĩ đang tìm cách giảm chi phí bằng mọi giá – thế nhưng, bà lại được giới công chức tại Liên Hiệp Quốc xem như là một đại diện tích cực, người đã thuyết phục được Hoa Kỳ trả phần đóng góp của mình vào lúc ngân quỹ của Liên Hiệp Quốc đang ở mức thấp nhất.

Dù vậy, Kelly Craft cũng khó đi sâu vào các hồ sơ và chỉ đưa ra những tuyên bố đơn giản cho thấy thiếu sự tinh tế địa chính trị. Là một tân binh, có thể cảm thấy bực bội trước những hồ sơ chất chồng từ năm này qua năm khác, bà cố gắng đánh động các đồng nhiệm tại Hội Đồng Bảo An.

Kelly Craft nhắc nhở rằng họ phải để ý đến cả những nơi khác trên thế giới và bà sẽ phải tận dụng một tháng làm chủ tịch luân phiên để có thể đưa ra một bảng tổng kết và để biết được Hội Đồng có hiệu quả hay không. Bà nói : ʺUy tín của Liên Hiệp Quốc phụ thuộc vào điều đó !ʺ

Một điều chắc chắn là nếu bà không phải là một chính khách như Nikki Haley, thì Kelly Craft sẽ thổi bùng một cách có hệ thống các vấn đề nhân quyền. Bà đã kể lại chuyến đi đến Nam Sudan đầu tiên mà nước mắt lưng tròng – một lối kể chuyện gần giống với các nhà hảo tâm nổi tiếng của tổ chức quốc tế, hơn là với các biệt ngữ thông thường của giới chức Liên Hiệp Quốc".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Có thể nói Donald Trump là một nhà lãnh đạo đầu tiên và có lẽ duy nhất của nước Mỹ, đã lãnh đạo đất nước không cần chính sách, đường lối, chiến lược, chiến thuật, kế hoạch hay các phương pháp khoa học. Ông thường hành động theo những suy nghĩ thô sơ của mình hay, như ông tự nhận, theo "bản năng của tôi" (my instinct), chẳng cần biết luật pháp quốc gia và quốc tế là gì. Ông rất thích làm các chuyện lặt vặt để "biểu dương khí thế".

Nói cách khác, Donald Trump  thường nói và làm theo cảm tính, theo ngẫu hứng và có khi theo sự xúi biểu của những "cố vấn" cực đoan như Steve Bannon hay Sebastian Gork (ngưu tầm ngưu, mã tầm mã !), nên trong 8 tháng cầm quyền, ông làm cái gì cũng hỏng.

Sau nhiều thất bại liên tục, có dấu hiệu cho thấy Donald Trump đang chấp nhận từ bỏ lối lãnh đạo theo "bản năng" để theo chính sách và đường lối của các nhà chiến lược Mỹ và đuổi dần các "cố vấn" làm việc theo cảm tính đi. Afghanistan là một vụ điển hình !

Những lời thú nhận

Trên Business Insider, số ra ngày 21/8/2017, dưới đầu đề "Trump : Bản năng của tôi là rút khỏi Afghanistan- đây là lý do tại sao tôi thay đổi ý định" (Trump : My instinct was to pull out of Afghanistan - here's why I changed my mind), phóng viên Maxwell Tani đã tường thuật lại bài phát biểu của Tổng thống Trump vào tối 21/8 về chính sách mới của Mỹ đối với Afghanistan. Bài phát biểu này đã khiến nhiều người ngạc nhiên vì từ trước ông luôn kêu gọi rút quân khỏi Afghanistan.

APTOPIX Trump Afghanistan

Tổng thống Trump phát biểu tại Fort Myer, Arlington, ngày 21/08/2017

Dĩ nhiên, đây không phải là một bài phát biều do chính ông viết mà do một ban biên tập đã biên soạn với những cân nhắc rất kỷ càng và khéo léo. Nhưng ông chịu đọc là coi như ông đã chấp nhận.

Nói chuyện với các thành viên quân sự ở Fort Myer, Arlington, Trump cho biết ông thông cảm với những người Mỹ "mệt mỏi vì chiến tranh mà không có chiến thắng" và nói ông chia sẻ "sự thất vọng của người dân Mỹ" với "một chính sách đối ngoại tốn quá nhiều thời gian, nghị lực, tiền bạc, và quan trọng nhất là những sinh mạng để cố gắng xây dựng lại những đất nước theo hình ảnh của chúng ta".

Ông cũng thừa nhận sự đảo chiều trong quyết định tăng cường sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại một quốc gia mà trước đó ông đã kêu gọi Hoa Kỳ hãy đi ra. Ông đọc :

"Theo khuynh hướng bẩm sinh của tôi là phải rút ra, và từ trước đến nay tôi thích làm theo những bản năng của mình, nhưng tôi nghe rằng những quyết định đưa ra sẽ khác khi anh đã ngồi trong Phòng Bầu Dục".

"Tôi đã nghiên cứu tình hình ở Afghanistan một cách chi tiết và từ những góc độ khác nhau. Sau những cuộc họp kéo dài nhiều tháng, chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp vào ngày Thứ sáu vừa qua tại Camp David với Nội các của tôi và các tướng lãnh, để hoàn thành chiến lược của chúng ta".

Ông than phiền rằng ông đã phải giải quyết một "lá bài xấu và phức tạp". Ông nói một số nhân tố đã dẫn ông tới việc thực hiện "một sự thay đổi từ phương thức tiếp cận theo thời gian đến cách đánh giá căn cứ vào các điều kiện".

Ông thừa nhận rằng nếu Mỹ rút quân khỏi chiến trường này, các phần tử khủng bố của al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ nhanh chóng tràn vào. Ông kêu gọi các đồng minh khác của Mỹ cùng tham gia. Nhưng Trump lại nhấn mạnh rằng chiến lược của Mỹ tại Afghanistan vẫn sẽ được thực hiện dựa trên kế hoạch mà ông đề ra từ khi còn tranh cử tổng thống : Quân đội Mỹ sẽ không tập trung vào việc "xây dựng nhà nước" ở Afghanistan và nước này phải đạt được những mục tiêu quân sự và kinh tế nào đó mới được Mỹ hỗ trợ.

Nội dung kế hoạch mới

CBS News đã tóm lược bài phát biểu của Tổng thống Trump về chính sách mới của Mỹ đối với Afghanistan như sau :

1. Chuyển từ cách tiếp cận phụ thuộc yếu tố thời gian sang một hướng mới dựa trên những điều kiện thực tế. Ông nói : "Từ bây giờ, những điều kiện trên thực địa phải là yếu tố quyết định chiến lược của chúng ta, chứ không phải là những thời biểu bó buộc".

2. Chỉ dựa vào sức mạnh quân sự sẽ không mang lại hòa bình cho Afghanistan. Theo ông, cuộc chiến tại Afghanistan cần phải được giải quyết trên tất cả các mặt trận từ ngoại giao, kinh tế đến quân sự.

3. Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề Nam Á, khu vực đang là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực khủng bố. Ông kêu gọi tăng cường mối quan hệ với các nước đối tác. Ông đưa Ấn Độ ra làm thí dụ, ông cho rằng New Delhi có thể hỗ trợ Kabul trong các lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, ông không tiết lộ về số lượng binh sĩ Mỹ hay kế hoạch triển khai thêm quân tại Afghanistan như thế nào.

Thật ra đây chỉ là những chuyện mơ tưởng. Trong lịch sử, chưa cường quốc nào đã làm được những chuyện đó ở Afghanistan. Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh như vậy, Mỹ không có nhiều lựa chọn và cũng không dễ dàng thoát khỏi tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi sa lầy quá lâu ở Afghanistan. Trong 16 năm qua, đã có 2.403 quân nhân Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan và Mỹ cũng đã tiêu tốn gần 2.000 tỉ USD.

Phản ứng của các nước lien hệ

Ấn Độ, Anh và NATO ủng hộ chiến lược mới ở Afghanistan mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố, trong khi Pakistan, Trung Quốc và Nga lại tỏ ra khá lạnh nhạt.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh "cách tiếp cận dựa trên các điều kiện" của Tổng thống Donald Trump và cho biết liên minh do Mỹ cầm đầu này cam kết gia tăng hiện diện tại Afghanistan. Ông Stoltenberg nói : "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo Afghanistan không bao giờ trở thành nơi ẩn náu an toàn cho quân khủng bố, vì chúng sẽ tấn công các nước của chúng tôi".

Nhắc lại, hơn 12.000 binh sĩ NATO và các nước đối tác đã giúp "đào tạo, tư vấn và trợ giúp" Lực lượng An ninh Afghanistan từ tháng 1/2015, sau khi liên minh không trực tiếp tham chiến ở nước này nữa.

Ấn Độ vốn là kẻ thù truyền kiếp của Pakistan, đã hoan nghênh việc Tổng thống Trump yêu cầu Pakistan chấm dứt cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố vũ trang và khẳng định sẽ tham gia chính sách viện trợ tái thiết Afghanistan.

Zabiullah Mujahid, một phát ngôn viên Taliban, cảnh báo rằng Donald Trump chỉ "lãng phí" mạng sống của binh sĩ Mỹ. Ông ta nói : "Nếu Mỹ không chịu rút quân thì Afghanistan sẽ trở thành một nghĩa địa khác cho siêu cường này trong thế kỷ 21".

Trong khi đó, phát ngôn viên của quân đội Pakistan, ông Asif Ghafoor bác bỏ các cáo buộc của Donald Trump và quả quyết rằng Pakistan đã có những hành động và biện pháp ngăn chặn và chống lại các nhóm vũ trang trên lãnh thổ nước này : "Không có nơi ẩn náu nào cho những kẻ khủng bố ở Pakistan". Ngoại trưởng Pakistan đã gặp đại sứ Hoa Kỳ David Hale và nhấn mạnh rằng nước ông muốn tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm loại bỏ mối đe dọa khủng bố.

Sắc tộc Pashtun, nguồn nhân lực chính của quân Taliban, sống một nửa trên lãnh thổ Afghanistan và một nửa trên lãnh thổ Pakistan, nên Taliban chạy qua chạy lại giữa hai nước là chuyện thường. Hiện Mỹ đang sử dụng các căn cứ trên đất liền ở Pakistan để tấn công quân Taliban. Đã nhiều lần Mỹ làm áp lực buộc Pakistan phải ngăn chặn du kích quân Taliban tràn qua Afghanistan, nhưng mỗi lần Pakistan làm theo ý Mỹ, Taliban liền mở các cuộc khủng bố khắp nơi ở Pakistan. Để bào vệ an ninh của nước mình, Pakistan đã bắt tay với Nga và Trung Quốc và từ chối yêu cầu của Mỹ.

Sau khi kế hoạch mới của Trump được công bố, Bắc Kinh tuyên bố Pakistan đang "đứng mũi chịu sào" trong cuộc chiến chống khủng bố và đã "hy sinh to lớn" và "đóng góp quan trọng" trong cuộc chiến này. Trung Quốc đang đứng bên Pakistan thật ra trước hết là vì chính mình. Lâu nay, Islamabad luôn là đối tác quan trọng nhất trong chiến lược mở cửa ra Nam Á của Bắc Kinh. Với sự hợp tác đặc biệt của Pakistan, Trung Quốc nhắm gây dựng ảnh hưởng ở Afghanistan thời hậu chiến, để đối phó và ganh đua với Ấn Độ cũng như thực thi kế hoạch quy mô "Một vành đai và Một con đường".

Hãng Interfax trích dẫn một nguồn tin giấu tên của Bộ Ngoại giao Nga nói Nga không tin rằng chiến lược Afghanistan mới của Donald Trump sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực đáng kể ở Afghanistan.

Taliban, con ngựa bất kham

Afghanistan có diện tích 647.500 cây số vuông, tức chỉ bằng tiểu bang Texas của Hoa Kỳ, nhưng rừng núi chiếm đa số. Khi Mỹ bắt đầu chiếm đóng Afghanistan năm 2001, dân số Afgahnistan là 19.701.940 người, hầu hết theo Hồi giáo : 84% theo giáo phái Sunni và 15% theo giáo phái Shiite, và 1% các tôn giáo khác. Mặc dầu đã trải qua một chuộc chiến tranh kéo dài 16 năm, dân số Afghanistan đã tăng quá nhanh, tới tháng 8/2017 đã lên đến 34.274.000 người. Người gốc Pashtun chiếm 49% dân số, Tajik 18%, Hazara 9%, Uzbek 8%, Aimaq 4%, Turkmen 3% và các sắc tộc khác 9%.

1. Lãnh địa của Taliban

Lực lượng Taliban phát xuất từ sắc tộc Pashtun. Sắc tộc này hiện nay có khoảng 17 triệu người sống ở phía đông và phía nam Afghanistan, và khoảng 10 triệu người trên đất Pakistan nằm sát với biên giới Afghanistan. Tổ chức này áp dụng luật Sharia của Hồi giáo khắt khe giống IS. Họ công nhận chế độ đa thê và trẻ gái từ 12 hay 13 tuổi đã có thể lấy chồng. Với chính sách "đẻ mau, đẻ mạnh, đẻ vững chắc", dân số Afghanistan đã tăng chóng mặt.

Sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001, Tổng thống Bush đã đổ quân sang lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan. Ông Hamid Karzai là người Afghanistan mang quốc tịch Mỹ lên cầm quyền. Nhưng Taliban không từ bỏ ý định "giải phóng" Afghanistan khỏi "quân xâm lược nước ngoài".

Theo đánh giá của NATO, chính quyền Afghanistan chỉ còn kiểm soát 57% lãnh thổ và 62% dân số, phần còn lại rơi vào tay Taliban. Trên thực tế, diện tích do Taliban kiểm soát đã lên đến 50%. Đôi lúc Taliban đánh chiếm được một thành phố lớn và kiểm soát một thời gian rồi rút.

2. Chiến thuật mới của Taliban

Nhà chức trách ở tỉnh Helmand phía nam Afghanistan cho biết quân đội đang đối mặt với lực lượng nổi dậy thiện chiến, có tổ chức và nhiều kỹ năng nhất từ trước đến nay. Lực lượng này được gọi là Sara Khitta (Nhóm Đỏ) khởi đầu với khoảng 200 tay súng, nay tăng lên khoảng 300 do Haji Nasar chỉ huy.

Sara Khitta áp dụng nhiều chiến thuật tác chiến tương tự như các quân đội tinh nhuệ nhất trên thế giới. Mỗi đơn vị nhỏ đều có một nhóm lính bắn tỉa trang bị hiện đại, chốt ở các vị trí trọng yếu để tiêu hao sinh lực đối phương và gây rối loạn đội hình. Họ được trang bị thiết bị nhìn đêm giúp nâng cao khả năng tấn công. Những thiết bị này có thể là do chiếm được từ các đơn vị cảnh sát, quân đội Afghanistan. Chỉ 4 tay súng Taliban đã chiếm một đồn cảnh sát và bắt giữ 20 binh sĩ ở đó. Tướng John Nicholson, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan cho biết, lực lượng chính phủ hứng chịu khoảng 20.000 trường hợp thương vong trong năm 2015. Con số nầy năm 2016 cao hơn khoảng 20%. Taliban đang kiểm soát 80% tỉnh Helmand.

Từ 2012, lãnh đạo các tổ chức Taliban ở Pakistan công bố chủ trương mở rộng hoạt động ở nước ngoài, nhắm tấn công các mục tiêu Anh và Mỹ như IS.

3. Nguồn tài trợ cho Taliban

Với Taliban, Helmand là vùng đất trung tâm. Họ chia sẻ sản lượng thuốc phiện, phần lớn từ khu vực người dân sắc tộc Pashtun. Họ hô hào người người trồng cây anh túc, nhà nhà cấy mủ và làng làng chế biến thuốc phiện. Cứ đến "mùa gặt", Taliban cho lái buôn đi thu mua rồi chế biến thành heroin và bán qua Âu Châu. Quân chính phủ thường xuyên đi phá, nhưng phá rồi dân sẽ trồng lại và có nhiều nơi quân đội không thể đến được. Thuốc phiện trở thành vừa là nguồn tài trợ chính cho cuộc chiến chống chính phủ Kabul trong 15 năm qua, vừa là nguồn lợi của người dân, nên dân theo Taliban.

afghanistan2

Trái cây anh túc dùng để chế biến thuốc phiện ở Afghanistan

Nguồn tài trợ của Taliban không chỉ từ doanh thu do bán ma túy mà còn lấy từ các loại thuế khác. Taliban tống tiền không chỉ từ người nông dân mà còn cả các tập đoàn viễn thông. Hãng tin Deutsche Welle của Đức cho biết trong một cuộc họp bí mật diễn ra vào tháng 12/2015 gần thành phố Quetta ở Pakistan, lực lượng Taliban đã áp đặt một chính sách "thuế bảo kê" với số tiền kếch xù từ các Công ty viễn thông Afghanistan.

Taliban còn được cho là đã nhận các khoản đóng góp tài chính từ các tổ chức từ thiện Hồi giáo và các tổ chức khác bên ngoài lãnh thổ Afghanistan. Những khoản tiền này đến từ những quốc gia tại khu vực Vịnh Ba Tư và quốc gia láng giềng Pakistan.

IS xâm nhập Afghanistan

Tháng 1/2015, một tác nhân mới xuất hiện trên bàn cờ Afghanistan. Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria bắt đầu xâm nhập và mở mặt trận mới tại Afghanistan. IS hoạt động ở miền Đông và Taliban hoạt động ở miền Nam và khu vực nông thôn.

Cả Taliban và IS cùng có chung một mục đích là lật đổ chính quyền Afghanistan. Tuy nhiên, Taliban và IS vẫn là đối thủ của nhau trong hoạt động tranh giành lãnh địa. Chúng vừa đánh chính quyền Afghanistan vừa đánh lẫn nhau. Trang Sputnik của Nga ngày 30/6 cho biết phiến quân IS đã đánh bật Taliban và giành quyền kiểm soát nhiều vùng trong tỉnh Nangarhar, miền đông Afghanistan. IS đã phát động chiến dịch chiếm căn cứ ở Afghanistan từ đầu tháng 6. Hiện tại, IS đã kiểm soát ít nhất 6 quận thuộc tỉnh Nangarhar, đồng thời tham chiến ở các quận Khogyani và Pachir Agam

Chuyên gia Olivier Guillard đánh giá ranh giới giữa Taliban và IS rất mờ nhạt. Cả hai bên đều thuộc giáo phái Sunni, chỉ cần bỏ ra vài triệu USD tuyên truyền chiêu dụ, quân bên này có thể rời bỏ hàng ngũ sang bên kia đánh nhau. Nhưng cho dù đứng bên nào, những tay súng này đều là mối đe dọa đối với Mỹ.

Trong quá trình hoạt động, Taliban và IS tấn công bất kể địa bàn nào. Từ một năm nay, tại thủ đô Kabul thường xuyên xảy ra các vụ đánh bom tự sát gây thương vong nặng nề. Taliban tố cáo các vụ đánh bom làm chết dân thường là do IS chủ mưu nhưng thật ra Taliban cũng không tha gì thường dân vô tội.

Trump khó đụng đến Afghanistan được

Chuyên gia Michael O’Hanlon thuộc Viện Brookings của Mỹ, là người từng ủng hộ việc đưa thêm quân Mỹ đến Afghanistan, cho rằng viễn cảnh tốt nhất cũng chỉ giúp quân đội Afghanistan áp đảo hơn trên chiến trường. Ông nói : "Tôi không nghĩ sẽ có nhiều người tin vào một chiến thắng". 

Khi chính quyền Donald Trump bị bắt buộc phải gia tăng áp lực đối với Nga và Trung Quốc về kinh tế và chính trị, hai cường quốc này đã bí mật yểm trợ võ khí và kỹ thuật cho Taliban để Taliban đặt Mỹ vào cái thế đứng ngồi không yên. Sự đối phó của Mỹ trở nên phức tạp hơn.

Ngoài việc bảo vệ Afghanistan để nước này không trở thành trung tâm lãnh đạo các tổ chức khủng bố của Taliban và IS tấn công vào Mỹ và trên toàn thế giới, Afghanistan còn là thị trường tiêu thụ vũ khí còn tồn động từ sau cuộc chiến Iraq đến nay của các công ty tài phiệt quốc phòng Mỹ, để sáng chế các vũ khí mới. Donald Trump không đụng vào chiến lược của Mỹ ở Afghanistan được.

Ngày 31/8/2017

Lữ Giang

Published in Diễn đàn