Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ - Iran trao đổi tù nhân : Tổng thống Donald Trump cảm ơn Tehran (RFI, 08/12/2019)

Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Iran vẫn đang căng thẳng, hôm qua 07/12/2019, trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn chính quyền Iran về những cuộc thương lượng dẫn tới cuộc trao đổi tù nhân giữa hai nước.

hoaky1

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, ngày 06/12/2019. CHIP SOMODEVILLA / GETTY IMAGES NORTH AMERICA / AFP

Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki cho biết thêm chi tiết :

"Quý vị thấy đấy, chúng ta có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận". Trong hàng loạt tin nhắn Twitter, tổng thống Mỹ tỏ ra vui mừng về cuộc trao đổi tù nhân. Ông cũng cảm ơn Iran về, xin trích, "những cuộc thương lượng đúng đắn và công bằng".

Cuộc trao đổi tù nhân liên quan đến một người Mỹ gốc Hoa 38 tuổi bị Tehran tố cáo làm gián điệp. Vương Tập Việt (Xiyu Wang) bị giam giữ từ 3 năm nay tại Tehran. Người thân của Vương Tập Việt và chính quyền Mỹ luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên của Iran. Vương Tập Việt đến Iran vì các hoạt động nghiên cứu trong quá trình làm nghiên cứu sinh ở đại học Princeton.

Hôm qua, một quan chức ngoại giao Mỹ giải thích các cuộc thương lượng để Xiyu Wang được trả tự do đã kéo dài nhiều tháng. Đàm phán đôi khi trở nên khó khăn do quan hệ giữa Washington và Tehran trở nên căng thẳng vì hồ sơ hạt nhân và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vụ trao đổi tù nhân diễn ra ở Thụy Sĩ. Chính quyền Tehran đòi Mỹ thả một trong những công dân Iran bị bắt hồi năm ngoái tại Chicago. Trong các tin nhắn trên Twitter, Donald Trump hứa là Washington sẽ làm tất cả để mọi công dân Mỹ vô cớ bị giam giữ tại Iran hoặc ở những nơi khác được trả tự do.

Chủ nhân Nhà Trắng cũng không bỏ lỡ cơ hội để công kích người tiền nhiệm Obama khi nhấn mạnh là Vương Tập Việt đã bị Tehran bắt giam dưới thời Obama làm tổng thống Mỹ. Donald Trump mỉa mai là chính nhờ có Obama mà giờ đây ông đã giải thoát được công dân Mỹ".

Thùy Dương

*****************

Afghanistan : Hoa Kỳ và phe Taliban nối lại đàm phán ở Doha (RFI, 07/12/2019)

Theo AFP, một nguồn tin ngoại giao Mỹ khẳng định ngày 07/12/2019, Hoa Kỳ đã nối lại các cuộc đàm phán với phe nổi dậy Taliban ở Qatar, sau ba tháng gián đoạn.

hoaky2

Tổng thống Trump đến thăm các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan ngày 28/11/2019.Reuters

Vẫn theo nguồn tin này, "các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc giảm bớt các cuộc tấn công khủng bố để có thể tiến hành các cuộc thương thuyết giữa các phe Afghanistan và ban hành lệnh ngừng bắn".

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư, 04/12/2019, thông báo đặc sứ Mỹ phụ trách đàm phán với quân nổi dậy Taliban, ông Zalmay Khalilzad, sẽ lên đường đến Doha để "nối lại các cuộc thương lượng với Taliban". Cùng ngày hôm đó, đặc sứ Mỹ cũng đã đến Kabul để gặp tổng thống Ashraf Ghani và nhiều quan chức khác.

Hôm 07/09/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ngưng cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban mà Khalilzad tiến hành từ một năm qua, và dường như sắp đi đến việc đúc kết một thỏa thuận.

Nhà Trắng còn hủy lời mời bí mật các lãnh đạo Taliban đến gặp tổng thống Mỹ khi viện dẫn vụ một binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố do quân nổi dậy tiến hành tại Kabul.

Sau vụ việc này, tổng thống Mỹ còn tuyên bố các cuộc thương lượng "đã chết và bị chôn vùi". Tuy nhiên, dường như ông Trump đã nới lỏng lập trường, để ngỏ cánh cửa đối thoại nếu Taliban chấm dứt các vụ tấn công. Các kênh liên lạc không chính thức đã được đề cập đến, nhưng chưa bao giờ được xác nhận chính thức.

AFP nhắc lại, chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan kéo dài từ 18 năm qua và hồi hương các binh sĩ Mỹ là một trong những lời hứa của tổng thống Trump khi tranh cử .

Minh Anh

*******************

Hoa Kỳ giữ chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An (RFI, 07/12/2019)

Kể từ 06/12/2019, Hoa Kỳ chính thức nắm chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong vòng một tháng. Bà Kelly Craft, cựu đại sứ Mỹ Canada, được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc cách nay ba tháng, thay thế bà Nikki Haley, sẽ phải bảo vệ lợi ích của Washington trong các hồ sơ "nóng" tại định chế quốc tế này.

hoaky3

Tổng thống Donald Trump và đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Kelly Craft tại Nhà Trắng ngày 05/12/2019. Reuters

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :

"Không có chuyện giữ khoảng cách với định chế mà tổng thống Mỹ không mấy gì ưa thích, bà Kelly Craft dường như đã thực hiện vai trò của mình một cách nghiêm túc. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên về việc ủng hộ Israel vô điều kiện hay như chuyện gây áp lực tối đa mà bà mong muốn duy trì với Iran.

Về vấn đề tài chính, một cách công khai, bà đi theo đường hướng của Washington, vốn dĩ đang tìm cách giảm chi phí bằng mọi giá – thế nhưng, bà lại được giới công chức tại Liên Hiệp Quốc xem như là một đại diện tích cực, người đã thuyết phục được Hoa Kỳ trả phần đóng góp của mình vào lúc ngân quỹ của Liên Hiệp Quốc đang ở mức thấp nhất.

Dù vậy, Kelly Craft cũng khó đi sâu vào các hồ sơ và chỉ đưa ra những tuyên bố đơn giản cho thấy thiếu sự tinh tế địa chính trị. Là một tân binh, có thể cảm thấy bực bội trước những hồ sơ chất chồng từ năm này qua năm khác, bà cố gắng đánh động các đồng nhiệm tại Hội Đồng Bảo An.

Kelly Craft nhắc nhở rằng họ phải để ý đến cả những nơi khác trên thế giới và bà sẽ phải tận dụng một tháng làm chủ tịch luân phiên để có thể đưa ra một bảng tổng kết và để biết được Hội Đồng có hiệu quả hay không. Bà nói : ʺUy tín của Liên Hiệp Quốc phụ thuộc vào điều đó !ʺ

Một điều chắc chắn là nếu bà không phải là một chính khách như Nikki Haley, thì Kelly Craft sẽ thổi bùng một cách có hệ thống các vấn đề nhân quyền. Bà đã kể lại chuyến đi đến Nam Sudan đầu tiên mà nước mắt lưng tròng – một lối kể chuyện gần giống với các nhà hảo tâm nổi tiếng của tổ chức quốc tế, hơn là với các biệt ngữ thông thường của giới chức Liên Hiệp Quốc".

Minh Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Philippines phản đối Mỹ gọi Tổng thống Duterte là mối đe dọa cho dân chủ (RFA, 21/02/2017)

Philippines hôm 21/2 lên tiếng phản đối việc Hoa Kỳ xếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào danh sách những đe dọa cho dân chủ.

phi1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Davao, miền Nam Philippines hôm 9/2/2018 - AFP

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque nói với đài phát thanh DZMM rằng Tổng thống Duterte không phải là nhà độc tài và Philippines coi việc Hoa Kỳ xếp ông vào danh sách các mối đe dọa cho dân chủ ở Đông Nam Á là hết sức nghiêm trọng.

Trước đó, một báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đã xếp ông Duterte vào cùng danh sách với Thủ tướng Hun Sen của Campuchia, khủng hoảng người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Myanmar và hiến pháp do quân đội Thái ủng hộ là những cản trở cho dân chủ.

Báo cáo đánh giá tình hình dân chủ và nhân quyền ở nhiều nước Đông Nam Á vẫn còn rất mong manh trong năm 2018 vì xu hướng độc tài, nạn tham nhũng tràn lan và chủ nghĩa thân hữu. Báo cáo cũng cho biết Tổng thống Duterte đã nói là ông có thể treo hiến pháp, tuyên bố một chính phủ cách mạng và áp dụng luật thiết quân luật trên toàn quốc.

Người phát ngôn Tổng thống Philippines khẳng định Tổng thống Duterte không phải là nhà độc tài và cũng không có xu hướng độc tài. Ông là người tuân thủ pháp quyền và tôn trọng hiến pháp.

****************

Philippines : Manila lo ngại vì Mỹ xem Duterte là khắc tinh của dân chủ (RFI, 21/02/2018)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không phải là con người "độc đoán"và rất lo âu về bản báo cáo của tình báo Mỹ, xem ông là một trong những nhà độc tài của Đông Nam Á. Trên đây là tuyên bố của phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, một tuần sau khi Cơ quan tình báo Mỹ DNI công bố bản dự báo tình hình dân chủ 2018 trên thế giới.

phi2

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm lực lượng hải quan tại Manila, ngày 06/02/2018. Reuters/Romeo Ranoco

Hôm 21/02/2018, trong cuộc họp báo tại Manila, phát ngôn viên Harry Roque cho biết chính phủ Philippines "đọc kỹ" bản báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ và với "ít nhiều âu lo".

Theo Reuters, bản báo cáo của Cơ quan tình báo Mỹ DNI xếp tổng thống Philippines cùng danh sách với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, tập đoàn quân sự Thái Lan và cuộc khủng hoảng sắc tộc Rohingya ở Miến Điện là những "chướng ngại" cản trở dân chủ : Xu hướng cai trị độc đóan, nạn tham ô tràn lan và tệ nạn ưu quyền đặc lợi đe dọa nhân quyền và dân chủ trong năm 2018. Theo nhận định của giới tình báo Mỹ công bố hôm 13 tháng Hai, thì tổng thống Philippines có khả năng "đình chỉ bản Hiến pháp" và tuyên bố thành lập "chính quyền cách mạng".

Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines khẳng định là "không có một chính phủ cách mạng hay tình trạng thiết quân luật ở Philippines", bởi vì tổng thống Duterte "tôn trọng luật pháp, Hiến Pháp và không phải là một bạo chúa".

Dân Philippines muốn ghi đảng cộng sản vào danh sách "khủng bố"

Trong khi đó, không ít người dân Philippines ủng hộ quyết định của tổng thống Duterte ngưng hòa đàm với phe cộng sản nổi dậy. Theo Reuters, bản kiến nghị yêu cầu tư pháp xếp đảng cộng sản Phi và lực lượng võ trang "Quân đội nhân dân mới" vào danh sách các tổ chức khủng bố, trong bối cảnh đối thoại tại Na Uy bế tắc. Theo tổng thống Duterte, phe cộng sản chỉ tìm cách "tranh thủ thời gian để chờ cơ hội lật đổ chính phủ".

Bản kiến nghị gửi tòa án vào ngày hôm nay, đúng vào ngày tổng thống Philippines dùng cơm với một nhóm du kích về đầu hàng và mời họ đi thăm thủ đô Manila, các khu thương mại lần đầu.

Tú Anh

************************

Nhân quyền quốc tế chỉ trính Tổng thống Philippines đe dọa tự do báo chí (RFA, 21/02/2018)

Các tổ chức nhân quyền quốc tế hôm thứ tư ngày 21/2 lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh cấm trang báo Rappler được đưa tin các sự kiện của Tổng thống, coi lệnh cấm này là một đe dọa cho tự do báo chí.

phi3

Hình chụp hôm 15/1/2018 : các nhân viên của báo mạng Rappler làm việc tại văn phòng ở Manila - AFP

Rappler là một trang báo mạng được thành lập năm 2012. Đây là mạng báo có những bài viết chỉ trích về cuộc chiến chống thuốc phiện của Tổng thống Duterte khiến gần 4,000 người thiệt mạng.

Người phát ngôn của Tổng thống cho biết quyết định cấm các nhà báo Rappler đưa tin các sự kiện của Tổng thống là vì nguyên nhân thiếu sự tin cậy.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế trong thông báo ra hôm 21/2 cho rằng lệnh cấm có thể cho thấy một sự tấn công rộng hơn nhắm vào các nhà báo, các tổ chức báo chí mà vai trò giám giát có tính phê bình của họ đã làm rõ hơn hồ sơ nhân quyền nghèo nàn của chính phủ Philippines.

Published in Quốc tế

Hoa Kỳ dọa rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (RFA, 05/06/2017)

Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ có tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

hk1

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson (trái) và Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đang lắng nghe Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi nói trong một cuộc họp về Bắc Triều Tiên tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York hôm 28 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Hãng Reuters cho biết, vào tuần trước Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói rằng Hoa Kỳ dự tính làm như vậy nếu Liên Hiệp Quốc không đưa ra những cải cách, bao gồm việc chấm dứt các hành động chống lại Israel một cách thiên vị.

Bà Haley nói thêm rằng Washington sẽ quyết định có nên rút khỏi Hội đồng này hay không sau kỳ họp kéo dài 3 tuần tại Geneva kết thúc trong tháng này.

Washington đã từng tẩy chay hội đồng này trong ba năm dưới thời tổng thống George W. Bush nhưng năm 2009 dưới thời Barack Obama đã tham gia lại.

Mới cuối tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu.

*******************

Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ kết thúc chuyến thăm Việt Nam (RFA, 05/06/2017)

Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ vừa có chuyến làm việc tại Việt Nam ra thông cáo về đợt công tác.

hk2

Thượng Nghị Sĩ John McCain, John Barrasso và Christopher Coons viếng thăm tàu khu trục USS John S. McCain tại Cảng Quốc tế Cam Ranh hôm 2/6/2017. AFP photo

Theo thông cáo do ba thượng nghị sĩ John McCain, Chris Coons và John Barrasso đưa ra thì chuyến thăm được tiến hành trong bối cảnh có những diễn biến đáng ngại khu vực và những thách thức gia tăng tại vùng Biển Đông.

Trong những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Hà Nội gồm ông chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch, chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân và những đại biểu Quốc hội khác ; chính quyền Việt Nam nhấn mạnh với đoàn cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì sự quân bằng quyền lực thuận lợi tại khu vực Châu Á- Thái bình Dương.

Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ tìm cách mở rộng hỗ trợ an ninh và hợp tác quốc phòng với phía Việt Nam. Đoàn cũng thảo luận những cách thức để tăng cường quan hệ thương mại, tăng tiến đầu tư nước ngoài, và vượt qua những rào cản mậu dịch gồm biện pháp loại bỏ chương trình điều tra cá da trơn tốn kém, nặng nề và gia tăng xuất khẩu thị bò, gia cầm Mỹ sang Việt Nam.

Thông cáo cũng cho biết đoàn phát biểu một cách thẳng thắn về tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền và khuyến khích nhà cầm quyền Việt Nam tuân thủ những cam kết quốc tế về các quyền tự do hội họp, lập hội.

Đoàn nhấn mạnh chính sự tiến bộ trong vấn đề vừa nêu sẽ giúp cho mối quan hệ Mỹ- Việt được gia tăng.

Đoàn bày tỏ hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ trả tự do cho các tù nhân chính trị như luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.

Thông cáo của đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ nêu rõ điều đáng chú ý là vào khi các vị thượng nghị sĩ Mỹ đang có mặt tại Việt Nam thì chính quyền của tổng thống Donald Trump tuyên bố mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam sau chuyến công du của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đoàn bày tỏ hy vọng trong tương lai Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng mối quan hệ quân sự với Việt Nam và cùng làm việc chặt chẽ hỗ trợ cho quyền tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Đoàn nhắc lại chuyến lên thăm chiến hạm USS John McCain khi chiến hạm này đang trong chặng dừng kỹ thuật thường lệ tại Cảng Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Theo thông cáo thì sự hiện diện của chiến hạm này là một biểu tượng hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Điều đó nhắc nhở cho các đồng minh cũng như kẻ thù về cam kết bền vững của Mỹ tại khu vực này.

Published in Quốc tế