Các báo Pháp ngày 13/04/2021 tập trung nhiều vào phản ánh tình hình chính trị trong nước với sự kiện chính là cuộc bầu cử cấp vùng diễn vào giữa tháng 6, trong khi Pháp vẫn chưa thấy lối thoát khỏi đường hầm khủng hoảng Covid-19.
Về thời sự quốc tế, các báo chú ý nhiều đến Iran với vụ tai nạn ở trung tâm hạt nhân Natanz ngay sau ngày nước này thông báo khai trương máy ly tâm làm giàu uranium thế hệ mới như để thách thức trước các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran.
Vụ nổ ở tổ hợp hạt nhân Natanz của Iran hôm 11/04/2021 không đơn thuần là một tai nạn bình thường. Như Tehran đã lên án, đó là một vụ "phá hoại khủng bố" từ bên ngoài nhằm ngăn cản Iran phát triển khả năng hạt nhân quân sự. Nhật báo Le Monde cho biết nhiều nguồn tin tình báo Mỹ được báo chí các nước trích dẫn cho rằng có bàn tay của Israel, một kẻ thù không đội trời chung của Iran trong khu vực.
Việc Iran phát triển khả năng hạt nhân quân sự đe dọa trực tiếp đến Israel. Vậy nên quốc gia Do Thái này liên tục có những hành động nhằm phá hoại nỗ lực hạt nhân của Iran. Theo Le Monde, từ năm 2010, trong một chiến dịch chung với Hoa Kỳ, Israel đã triển khai một loại virus tin học có tên gọi Stuxnet để cho xâm nhập vào trung tâm Natanz phá hoại hơn một nghìn máy ly tâm. Đầu tháng 7 năm 2020, một nhà máy lắp ráp các máy ly tâm cho trung tâm Natanz cũng đã bị thiệt hại nặng nề sau một vụ nổ bí hiểm, được chính quyền Tehran quy là hành động "khủng bố". Tháng 11/2020, kiến trúc sư của chương trình hạt nhân Iran, Mohsen Fakhrizadeh thiệt mạng trong một vụ ám sát gần Tehran. Iran đã quy trách nhiệm của vụ này cho Israel. Đến giờ là vụ nổ ở Natanz. Tại Tehran nhiều quan chức của nước này đã lên tiếng đề nghị chấm dứt các cuộc đàm phán về hạt nhân của Iran.
Nhật báo Les Echos nhận định qua hàng tựa bài viết : "Hạt nhân : căng thẳng dấy lên giữa Israel và Iran". Tờ báo cho rằng vụ việc vừa xảy ra ở Natanz có nguy cơ làm phức tạp các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Iran và phương Tây về thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi mà ngày 14/04 dự trù tại Vienna sẽ bắt đầu vòng đàm phán giữa Tehran với các nước Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp Đức và một cuộc họp riêng giữa Iran và Hoa Kỳ.
Các báo trích dẫn nhiều chuyên gia đều cho rằng với diễn biến mới này, rất khó để có thể Tehran chấp nhận thỏa hiệp trong đàm phán.
Israel đến giờ vẫn phủ nhận dính dáng vào vụ "phá hoại" ở trung tâm hạt nhân Natanz, nhưng rõ ràng Israel không chỉ muốn làm chậm lại chương trình hạt nhân của Tehran mà còn muốn làm đình trệ tiến trình đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran đã bị chính quyền Donald Trump xé bỏ. Israel cũng là nước phản đối mạnh mẽ nhất thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.
Nga chế ngự thành công Covid-19 ?
Les Echos nhìn qua nước Nga với bài : "Tại Nga, một sự vô tư lừa phỉnh trước Covid". Tờ báo cho hay, từ đầu mùa thu vừa qua, những biện pháp phòng dịch ở Nga chỉ được áp dụng ở mức tối thiểu và cuộc sống vẫn diễn ra gần như bình thường ở nước này. Chính quyền dành ưu tiên cho hoạt động kinh tế, đồng thời tập trung vào chiến lược miễn dịch cộng đồng. Có điều, tình hình dịch Covid-19 ở Nga lại dựa trên những số liệu thống kê chính thức không hoàn toàn khả tín.
Nhật báo Pháp cho hay, khác với hầu khắp Châu Âu, ở Nga, các rạp hát, rạp chiếu phim, vẫn mở cửa chỉ hạn chế 50% số ghế. Không có lệnh giới nghiêm. Các cửa hàng vẫn hoạt động, đi lại trong nước tự do. Nhịp sống "ở Moskva cũng như ở khắp cả nước vẫn diễn ra gần như bình thường, có cảm giác đại dịch ở rất xa nước Nga", Les Echos ghi nhận.
Lý do là chính quyền đặt cược vào chiến lược miễn dịch cộng đồng với cách quản lý : Để virus lan truyền, dân chúng tự bảo vệ, các bác sĩ làm chủ việc điều trị. Cách làm này ở Moskva dường như có kết quả khi số ca nhiễm giảm đáng kể mỗi ngày từ 1000 đến 2000 ca. Lý giải cho chiến lược này là chính quyền muốn ưu tiên duy trì các hoạt động kinh tế. Các biện pháp vệ sinh phòng dịch đã trở thành thói quen của người dân Nga. Dù hệ thống y tế còn kém xa so với Châu Âu nhưng trái lại số giường để chăm sách bệnh nhân ở Nga vẫn rất cao.
Một điểm khác lý giải cho thành công của Nga là xử lý dịch theo quân lệnh. Khi phải triển khai các phương tiện lớn, xây thêm cơ sở hạ tầng bệnh viện, Moskva đã phản ứng nhanh với thời gian kỷ lục, huy động tổng lực 24/24 giờ. Ở tầm quốc gia và nhất là trong vùng thủ đô, tâm dịch Covid, các quyết định được đưa ra từ lãnh đạo thượng tầng, phải thực thi từ cao xuống thấp, không bàn luận tranh cãi. Đại đa số người dân chấp nhận cách quản lý có phần độc đoán như vậy.
Riêng về vấn đề tiêm chủng, theo Les Echos, trong khi vac-xin Sputnik của Nga đã được cho phép sử dụng ở gần 60 nước, nhưng khả năng sản xuất của nước này vẫn không đáp ứng được nhu cầu, ngay cả cho dân Nga. Mới chỉ có 13 triệu người Nga được tiêm chủng, tức là khoảng 10% dân số trong khi mục tiêu phải là trên 70 triệu người. Lý do là vì chỉ có một phần ba dân Nga sẵn sàng tiêm chủng. Một dấu hiệu cho thấy "virus corona đã khơi lên một khủng hoảng khác tại Nga : khủng hoảng niềm tin giữa xã hội và Nhà nước".
Hungary chạy đua với thời gian
Trong lúc Pháp vẫn đang cố gắng chống chọi với làn sóng dịch thứ 3, hy vọng tìm được ánh sáng cuối đường hầm bằng cách thúc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, nhật báo Le Figaro nhìn sang Hungary với bài : "Viktor Orban sốt ruột muốn kết thúc với Covid-19".
Theo tờ báo, Hungary giờ đây là một trong số các quốc gia bị thiệt hại nhân mạng nhiều nhất vì Covid-19 tính theo tỷ lệ dân số. Còn một năm nữa đến kỳ bầu cử Quốc Hội, chính phủ của ông Viktor Orban đang bằng mọi cách tìm lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng sau khi đã tìm mọi nguồn cung ứng vac-xin có thể từ Sinopharm của Trung Quốc, Sputnik V của Nga đến Pfizer, Moderna, AstraZeneca. Kết quả không đến nỗi tồi, Hungary dẫn đầu Liên Hiệp Châu Âu, đã tiêm phòng được 27% dân (mũi tiêm đầu tiên). Mục tiêu là đến tháng 6 tới, 8 triệu trên gần 10 triệu dân được tiêm chủng để Hungay có thể đạt miễn dịch tập thể, trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên đến thời điểm này, số lượng ca tử vong vì Covid-19 ở Hung vẫn rất lớn, hàng trăm ca mỗi ngày.
Anh : Cuộc sống bình thường bắt đầu từ quán rượu
Cũng về chuyện ánh sáng cuối đường hầm Covid 19, Le Figaro có bài phóng sự : "Nước Anh tận hưởng niềm vui các quán rượu mở lại" Các quán rượu (Pub) ở nước Anh là một bộ phận quan trọng trong đời sống xã hội của người dân Anh, bị đóng cửa suốt nhiều tháng qua, giờ đã có thể đón khách trở lại sau khi tình hình dịch được cải thiện.
Việc cho mở cửa trở lại các quán rượu ở Anh không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà còn là sự giải tỏa về tâm lý xã hội rất lớn và cũng là một nét văn hóa của người dân Anh. Quán rượu là một phần quan trọng trong đời sống người Anh, trung tâm của đời sống xã hội và là di sản văn hóa thực sự của người Anh. Khi ra lệnh đóng cửa lần đầu các quán Pub hồi tháng 3/2020, thủ tướng Boris Johnson nói ông rất "đau lòng" vì quyết định đã tước đi "của những người sinh ra trong tự do ở Vương Quốc Anh cái quyền có từ xa xưa và không thay được là đi đến quán rượu".
Cúp C1 Châu Âu : PSG – Bayern Munich trận quyết chiến phục thù
Chủ đề duy nhất của các báo Pháp là trận lượt về quyết định tứ kết tối nay, trong khuôn khổ giải Cúp C1 bóng đá Châu Âu, giữa câu lạc bộ Pháp Paris Saint-Germain và câu lạc bộ Đức Bayern Munich, trên sân Parc des Princes. Đây là cặp chung kết của mùa bóng trước với chiến thắng thuộc về câu lạc bộ Đức. Mùa này ở trận lượt đi trên sân Munich cách đây 6 ngày, Paris Saint -Germain đã hạ Bayern trên sân nhà bằng tỷ số 3-2. Đây cũng là thất bại đầu tiên của Bayern Munich ở Cúp C1 từ năm 2019.
Để phục thù cho thất bại ở trận chung kết năm trước, tối nay câu lạc bộ Paris trên sân nhà phải vượt qua đối thủ ở trận lượt về này, một nhiệm vụ không hề đơn giản. Nhất là PSG đã có không ít ký ức thất vọng, chiến thắng tưng bừng ở lượt đi, rồi lại để bị đối thủ lội ngược dòng hạ gục ở lượt về. Các báo Pháp tỏ không ít lo lắng cho câu lạc bộ Pháp dù đã giành được lợi thế ở lượt đi. Dù sao thì hứa hẹn đây sẽ là trận quyết chiến hấp dẫn được người hâm mộ mong đợi nhiều.
Anh Vũ
Hạt nhân Iran : Trump đẩy Trung Đông vào thế bất ổn
Donald Trump đã hứa và ông đã làm. Ngày 08/05/2018, tổng thống thứ 45 đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà 5 nước Hội Đồng Bảo An cùng với Đức đã đạt được vào năm 2015 tại Vienna, sau 12 năm đàm phán. Tất cả các nhật báo Pháp đều đưa tin "Trump rời thỏa thuận" trong số đề ngày 09/05.
Tổng thống Donald Trump trưng sắc lệnh xác định Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ngày 08/05/2018. Reuters/Jonathan Ernst
Les Echos nhận định trên trang nhất "Cuộc đọ sức đáng lo ngại". Trong vòng ba đến sáu tháng nữa, Mỹ sẽ tái lập các biện pháp trừng phạt Iran. Libération tiếp tục chơi chữ khi đưa tựa "Trump dùng vũ khí nguyên tử diệt thỏa thuận hạt nhân với Iran".
Với ông Trump, đó là thỏa thuận tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ từng ký kết. Với phương Tây, thỏa thuận hạt nhân với Iran là chưa đầy đủ, nhưng còn hơn là không có. Theo xã luận của Le Figaro, vũ khí nguyên tử tạo vị thế cường quốc cho quốc gia nắm giữ và bảo tồn quyền lực cho các nhà lãnh đạo. Số phận của Saddam Hussein và Mouammar Kadhafi đã khuyến khích Bắc Triều Tiên và Iran đi theo con đường hạt nhân.
Cám dỗ sở hữu vũ khí nguyên tử mạnh đến nỗi cộng đồng quốc tế phải triển khai mọi phương pháp để thuyết phục bất kỳ quốc gia nào có ý đồ phát triển từ bỏ con đường này. Đây chính là thành công tập thể của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Nga và Trung Quốc. Xã luận của La Croix nhắc lại thỏa thuận ký cách đây 3 năm không phải là một văn bản hoàn hảo và chỉ buộc Iran tạm dừng tham vọng hạt nhân. Thay vì từng bước hoàn thiện thỏa thuận trên như Châu Âu vẫn đề xuất, Hoa Kỳ, được Israel ủng hộ, đã chọn cách cắt cầu.
Trung Đông trước hai mối đe dọa
Cả Le Figaro và Les Echos đều đánh giá quyết định rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran tác động đến sự ổn định của Trung Đông, mở ra thời kỳ bất ổn với hai mối đe dọa chính. Trong ngắn hạn, có thể là cuộc đối đầu giữa Iran và Israel. Trong dài hạn sẽ là một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Trước hết, Israel và Iran từ lâu vẫn gián tiếp đối đầu nhau thông qua các lực lượng dân quân trong khu vực và hiện tại là trên chiến trường Syria, theo nhận định của Le Figaro trong bài "Chính phủ Israel duy trì bầu không khí cảnh giới". Sau khi tích cực tham gia cứu tổng thống Bachar al-Assad, Iran đang bị tình nghi tìm cách triển khai lâu dài quân đội trên lãnh thổ Syria. Cơ quan tình báo Israel khẳng định lực lượng quân sự Iran đã bắt đầu đưa các hệ thống phòng không, tên lửa tối tân, và chiến đấu cơ tự hành vào Syria.
Sau vụ đụng độ trực tiếp đầu tiên tại Syria vào ngày 10/02, Israel đã nhiều lần oanh kích vào các đoàn xe và kho vũ khí của lực lượng Hezbollah, được Iran hậu thuẫn. Tổng thống Nga bắt đầu lo ngại rằng căng thẳng leo thang giữa hai nước sẽ đe dọa đến sự ổn định của chế độ Syria. Chính trong bối cảnh này, ông Putin tiếp thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 09/05 tại Moskva.
"Trung Đông như một thùng thuốc súng, nơi mà mọi tia lửa nhỏ cũng có thể khơi mào một cuộc xung đột trong vùng và những căng thẳng mới giữa các cường quốc", đây là nhận định của Les Echos. Quyết định của tổng thống Trump trước mắt sẽ tăng cường quan hệ giữa hai đồng minh của Mỹ trong khu vực là Israel và Saudi Arabia.
Trong dài hạn sẽ là một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Tại Trung Đông, Saudi Arabia từng đánh tiếng sẽ không ngồi yên trước mối đe dọa Iran. Về phần mình, "đối mặt với Washington, Tehran sẵn sàng với mọi khả năng có thể xảy ra", vẫn theo Le Figaro. Một mặt, Tehran đã cảnh báo khả năng khởi động lại chương trình hạt nhân, từng hoạt động trước khi ký kết thỏa thuận, và còn với nhịp độ nhanh hơn. Quyết định như vậy có thể sẽ mở đường cho việc nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử và sẽ kéo theo những mối đe dọa quân sự, kể cả từ phía Israel.
Mặt khác, Iran vẫn muốn nhanh chóng đàm phán với các bên tham gia ký kết còn lại để xem các đối tác này có thể cam đoan các lợi ích cho Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hay không. Theo Libération, việc khó khăn nhất đối với Châu Âu là thuyết phục Iran tiếp tục ở lại trong thỏa thuận, nhưng việc này lại cũng có nguy cơ gây căng thẳng với Hoa Kỳ. Phát biểu trên truyền hình tối 08/05, tổng thống Iran Rohani cảnh báo sẽ "chờ thêm vài tuần nữa trước khi áp dụng quyết định trên" (khởi động lại chương trình hạt nhân).
Kim Jong-un và Tập Cận Bình bí mật gặp nhau lần hai
Thời sự Châu Á rất hiếm trên các nhật báo Pháp, trừ sự kiện "Kim và Tập cho thấy đang xích lại gần nhau", được Le Figaro đề cập. Hai nhà lãnh đạo gặp nhau ngày 08/05 trước thượng đỉnh lịch sử giữa Kim Jong-un và Donald Trump.
Cùng với hình ảnh hai nhà lãnh đạo sánh bước bên bờ biển, Le Figaro nhận định "Kim Jong-un và Tập Cận Bình không rời nhau nữa". Cuộc đối thoại lần hai này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách nắm lại vai trò trung tâm trong quá trình giải quyết khủng hoảng nguyên tử Bắc Triều Tiên và bảo vệ những lợi ích chiến lược ở trong vùng, còn Kim Jong-un thì tìm cách đa dạng các cơ hội ngoại giao.
Theo Tân Hoa Xã, lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhắc lại mong muốn của ông là các bên liên quan phải có những biện pháp "tiến bộ" và "đồng nhất" để đạt được thỏa thuận phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài giữa miền Nam và miền Bắc. Nếu các bên liên quan "từ bỏ chính sách thù nghịch và đe dọa Bắc Triều Tiên", thì Bình Nhưỡng "không cần đến vũ khí nguyên tử".
Bằng việc xích gần hơn đến Seoul và Washington, Kim Jong-un có ý không phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh. Nhưng ông cũng khéo léo trấn an Tập Cận Bình là Trung Quốc sẽ không bị gạt ra bên lề trong cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, đồng thời cũng phòng ngừa trường hợp cuộc họp thượng đỉnh với Donald Trump không đạt được kết quả mong muốn.
Cuối cùng, ông Kim Jong-un cũng hiểu rằng Bình Nhưỡng vẫn cần đến nước láng giềng khổng lồ để phát triển kinh tế, đồng thời để tác động đến việc giảm trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.
Pháp vẫn tìm giải pháp cho khủng hoảng ngành đường sắt
Sau cuộc họp hôm 07/05 không đạt kết quả, các nghiệp đoàn ngành đường sắt Pháp tiếp tục họp với chính phủ vào chiều 09/05. Cuộc đình công, dù suy yếu, nhưng vẫn tiếp tục đến cuối tháng Năm.
Về vấn đề gánh bớt một phần khoản nợ khổng lồ của SNCF Reseau (hơn 46 tỉ euro), Chính phủ Pháp sẽ không thông báo bất kỳ điều gì cụ thể trước ngày 23/05, cũng là ngày Ủy ban Châu Âu chính thức đưa Pháp khỏi tiến trình "thắt lưng buộc bụng" áp dụng từ năm 2009 vì thâm hụt quá mức. Cũng trong ngày 23/05, Thượng Viện bắt đầu nghiên cứu, trong từng ủy ban, dự luật cải cách ngành đường sắt, trước khi bắt đầu công khai thảo luận từ ngày 29.
Cũng kể từ ngày 23/05, các nghiệp đoàn bắt đầu nghiên cứu lịch trình đàm phán về thỏa thuận tập thể của nhân viên đường sắt SNCF ngoài quy chế. Đây là một điểm quan trọng của dự luật cải cách. Còn theo chính phủ, việc chấm dứt tuyển nhân viên theo quy chế, áp dụng từ ngày 01/01/2020, sẽ giúp công ty SNCF tiết kiệm đến 100 triệu euro mỗi năm và trong vòng 10 năm.
Du lịch càng phát triển, Trái đất càng nóng lên
Năm 2017, ngành du lịch quốc tế đạt kết quả tốt nhất từ 7 năm qua, tăng thêm 7%. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu Úc, Trung Quốc và Indonesia, được Le Monde trích dẫn, "việc ngành du lịch quốc tế phát triển lại làm trái đất nóng lên hơn".
Kết quả nghiên cứu được công bố ngày 07/05 trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy khoảng 8% trong tổng số lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính là do du lịch đại trà, trong đó những chuyến du lịch nội địa là nguồn phát thải đáng kể khí CO2.
Đứng đầu vẫn là người Mỹ, phát thải khoảng 3/4 tổng lượng khí phát thải do du lịch, tiếp theo là người Trung Quốc ngày càng du lịch nhiều hơn. Ngoài ra, Đức, Ấn Độ, Mexico, Brazil, Canada, Nhật Bản, Nga và Anh Quốc đều nằm trong "top 10". Một số đảo quốc, được mệnh danh là "thiên đường hạ giới" như Maldives, Seychelles, Chypre…, phải đối mặt với tình trạng phát thải khí CO2 do phát triển kinh tế nhờ du lịch.
Pháp : Phụ nữ ngày càng nghiện rượu ?
"Tình trạng nghiện rượu ở phụ nữ" là hồ sơ trên trang nhất và năm trang "Sự kiện" của nhật báo Libération.
Phụ nữ ngày càng uống nhiều và thường xuyên hơn, thế nhưng các cơ quan hành chính dường như không có vẻ lo lắng, trong khi hậu quả của tình trạng nghiện rượu ở phụ nữ lại nghiêm trọng hơn ở nam giới. Họ dễ bị mắc bệnh xơ gan và ung thư hơn.
Với nhiều phụ nữ, nghiện rượu là một tội lỗi và họ cảm thấy xấu hổ khi bước chân vào phòng khám hoặc điều trị. Không có thống kê chính xác về số lượng phụ nữ nghiện rượu tại Pháp, nhưng theo thẩm định của giáo sư Reynaud, có khoảng 500.000 đến 1,5 triệu phụ nữ nghiện rượu. Điều đáng ngại là các cơ quan dịch tễ có thẩm quyền không ngừng nói là phải nhấn mạnh hơn đến việc phòng ngừa, tuy nhiên, không một thành viên nào trong chính phủ đề cập đến vấn đề này.
Liên hoan Phim quốc tế Cannes 2018 : Everybody knows thiếu thuyết phục
Trở lại sự kiện Liên hoan Phim quốc tế Cannes 2018, bộ phim Everybody knows của đạo diễn người Iran Farhadi, được chiếu tại lễ khai mạc, dường như không được đánh giá cao.
Le Figaro sử dụng chính tên gọi của bộ phim để nhận xét "Mọi người đều biết : Farhadi thua cuộc", dù hai nhân vật chính do cặp vợ chồng diễn viên nổi tiếng của Tây Ban Nha Penélope Cruz và Javier Bardem thủ vai. Theo nhật báo thiên hữu, đạo diễn Iran dường như đã đánh mất hương vị riêng từ khi ông sống lưu bạt.
La Croix đánh giá cao các cảnh quay và phong cảnh của bộ phim, nhưng cho rằng kịch bản lại không có gì mới, tạo cho người xem có cảm đã thấy ở đâu đó, và không có những đoạn cao trào như trong các tác phẩm trước đó của đạo diễn Iran.
Thu Hằng
Trump : Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể chấm dứt (VOA, 17/10/2017)
Bất chấp tranh cãi từ Châu Âu và từ các nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thỏa thuận này có thể bị kết thúc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Từ trụ sở EU ở Brussels hôm 16/10, Đại diện Ngoại giao EU, Federica Mogherini, một lần nữa khẳng định Châu Âu vẫn hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi tắt là JCPOA.
Bà nói loan báo của ông Trump tuần rồi xem như là một vấn đề chính trị nội địa.
"Liên hiệp Châu Âu khuyến khích Mỹ duy trì cam kết với thỏa thuận JCPOA và cân nhắc những điều liên quan tới an ninh cho nước Mỹ, các đối tác và khu vực trước khi có thêm những bước kế tiếp. Dù EU bày tỏ quan ngại liên quan đến phi đạn đạn đạo và căng thẳng leo thang ở khu vực, nhưng Châu Âu tái khẳng định cần phải giải quyết những vấn đề này bên ngoài hiệp ước JCPOA và bằng các thể thức thích hợp".
Phát biểu tại cuộc họp nội các từ Tòa Bạch Ốc hôm 16/10, ông Trump nói thỏa thuận hạt nhân Iran đang được xem xét hết sức cẩn trọng :
"Quý vị biết đấy, chúng tôi đang điều nghiên thỏa thuận hạt nhân Iran. Tôi nghĩ nhiều người đồng tình với chuyện tôi làm. Tôi có niềm tin mãnh liệt vào những gì tôi đã làm. Tôi chán cảnh đất nước này bị lợi dụng. Nói thật nhé, đất nước này đã bị lợi dụng trong rất nhiều năm, nhiều thập kỷ, và tôi chán nhìn thấy cảnh đó. Thỏa thuận hạt nhân Iran là điều tôi cảm thấy cần phải làm. Chúng ta sẽ thấy giai đoạn hai ra sao. Giai đoạn hai có thể là tích cực, có thể hết sức tiêu cực, có thể là một sự kết thúc hoàn toàn. Khả năng đó hết sức xác thực, có thể nói là có nhiều khả năng như thế".
Sau tuyên bố hôm thứ sáu rằng sẽ không xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran nữa, Tổng thống Trump trao cho Quốc hội quyết định có nên hay không tái áp đặt các trừng phạt kinh tế với Iran vốn có từ trước khi Mỹ, Châu Âu, Pháp, Đức, Anh, Nga, và Trung Quốc đạt được thỏa thuận 2015 với Iran.
Đại diện Ngoại giao EU loan báo tháng sau sẽ tới Washington để thảo luận về quyết định của ông Trump.
Châu Âu và các nước còn lại trong thỏa thuận, không nước nào đồng ý với quan điểm phản đối của ông Trump.
***********************
Việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran có thể tạo ra một "Triều Tiên" thứ hai, gây thêm những căng thẳng mới ở khu vực Trung Đông vốn đã bất ổn hàng chục năm qua
Thỏa thuận hạt nhân Iran đang trở thành vấn đề nóng trong thời gian gần đây, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi thỏa thuận, hoặc các bên phải đàm phán lại thỏa thuận này.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo, Iran sẽ không đàm phán lại thỏa thuận, và Mỹ sẽ phải trả giá bởi hành động đơn phương ấy.
Thỏa thuận hạt nhân Iran có ý nghĩa gì ?
Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran, có tên gọi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được Iran và nhóm P5+1 gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức, ký ngày 14/7/2015.
Đây là kết quả của các nỗ lực nhằm giúp chấm dứt những căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.
Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 16/01/2016, theo đó Iran được Liên Hợp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp trừng phạt về tài chính, kinh tế và dầu mỏ, giúp Tehran vực dậy nền kinh tế đang khủng hoảng của nước này.
Đổi lại, Iran sẽ giảm lượng làm giàu uranium xuống dưới mức có thể sản xuất được vũ khí hạt nhân, và cho phép mở rộng việc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này.
Đây là một thành công rất lớn sau 12 năm đàm phán dai dẳng giữa Iran với nhóm P5+1.
Thỏa thuận còn góp phần làm giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông và củng cố công cuộc chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Đồng thời, thỏa thuận còn giúp Iran xích lại gần hơn với phương Tây và cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế, cũng như tạo tiền đề cho việc giải quyết những vấn đề nóng mà cả thế giới cùng quan tâm.
Đúng như Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã từng nói :
"Thỏa thuận đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Iran và thế giới, là cơ hội để Iran phát triển, cải thiện phúc lợi, tạo sự ổn định và an ninh trong khu vực, cũng như trên thế giới" [1].
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 đã từng được đánh giá là một thành công mang tính lịch sử, và là di sản để đời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Không ai muốn phá bỏ thỏa thuận này ngoài Mỹ
Trong một thông điệp phát đi ngày 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không xác nhận việc Iran tuân thủ nghiêm túc các điều khoản đặt ra trong thỏa thuận.
"Chúng ta sẽ không tiếp tục lộ trình mà kết quả có thể đoán trước sẽ bạo lực hơn, khủng khiếp hơn và nguy cơ rất thực là việc Iran đạt được tới cấp độ làm giàu uranium đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân", ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh Reuters).
Và đây cũng chính là nội dung bản đánh giá mà ông Trump trình lên Quốc hội Mỹ hôm 15/10 về sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân [2].
Trái lại với lập trường của Mỹ, các nước Anh, Pháp, Đức, Nga đã có những phản ứng về việc tiếp tục ủng hộ và thực thi thỏa thuận này.
Tại Brussels (Bỉ), bà Federica Mogherini, cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU cho rằng, Washington không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân.
"Chúng ta không thể hủy bỏ một thỏa thuận hạt nhân đang có hiệu lực. Thỏa thuận này không phải là thỏa thuận song phương.
Cộng đồng quốc tế, trong đó có EU đã chứng minh rõ ràng thỏa thuận đó là gì và vẫn sẽ tiếp tục thực thi", bà Mogherini nói.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của ba nước Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung cảnh báo Mỹ không được đưa ra những quyết định có thể gây tổn hại tới thỏa thuận.
Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với hãng TASS hôm 15/10 rằng :
"Iran đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với thỏa thuận, điều mà Hoa Kỳ đã không phản ánh đúng về họ.
Các tín hiệu từ Washington về việc đàm phán lại thỏa thuận là điều không thể. Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ hãy nên thực hiện nghiêm thỏa thuận".
Ông Ryabkov cho biết thêm, Trung Quốc cũng đồng quan điểm về việc giữ nguyên thỏa thuận hạt nhân, và Nga đang có kế hoạch tiến hành các cuộc tiếp xúc với Iran trong tương lai gần [3].
Những hệ lụy khó lường nếu hủy bỏ thỏa thuận
Chưa biết trong 60 ngày nữa Quốc hội Mỹ có quyết định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran hay không, nhưng ngay từ lúc này đã gây ra những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ với Iran và các nước liên quan đến thỏa thuận này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Ảnh : SBS).
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra cảnh báo sẽ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Iran đã đặt Mỹ vào thế đối đầu với các nước EU, Nga và Trung Quốc, khi liên tục vấp phải những chỉ trích của các quốc gia này.
Điều này có thể khiến nảy sinh những bất ổn mới trên chính trường quốc tế và cả những mâu thuẫn trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi giải quyết những vấn đề nóng của thế giới.
Bên cạnh đó, Tehran đã có những phản ứng rất gay gắt để đáp trả những cáo buộc của ông Donald Trump về việc nước này vi phạm thỏa thuận.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Iran sẽ không tái đàm phán thỏa thuận và sẽ tăng gấp đôi nỗ lực nhằm mở rộng năng lực quốc phòng, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo.
Đồng thời phát đi cảnh báo, các căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại các nước Trung Đông như ở Iraq, Israel, Oman, Bahrain, Afghanistan sẽ phải rời đi và phải ở cách xa biên giới Iran 2.000 km.
Ngoài những tuyên bố của Iran, các chuyên gia cũng lo ngại rằng :
Nếu Quốc hội Mỹ thúc đẩy một dự luật đòi hỏi Tehran một sự nhượng bộ hơn nữa, hoặc tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này, có thể sẽ khiến Iran rút khỏi thỏa thuận, trục xuất các thanh sát viên quốc tế và tái khởi động chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ.
Khi đó có thể tạo ra một "Triều Tiên" thứ hai, gây thêm những căng thẳng mới ở khu vực Trung Đông vốn đã vô cùng bất ổn trong hàng chục năm qua.
Và tệ hại hơn là có thể dẫn tới việc Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực Trung Đông lại tiến hành một cuộc "vây giáp" mới nhằm vào Iran để ngăn ngừa nước này phát triển vũ khí hạt nhân như những gì mà Mỹ đang làm đối với Triều Tiên.
Một cơ sở hạt nhân của Iran ở ngoại ô thành phố Isfahan (Ảnh Reuters).
Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ rõ ràng về một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran, bởi thực tại những diễn biến trên chiến trường Sirya và Iraq đang đặt lực lượng quân sự của Mỹ và Iran ở vào vị trí rất gần nhau.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đang vô cùng căng thẳng mà vẫn chưa có cách nào để tháo gỡ.
Nếu Mỹ lại tiếp tục tạo ra một cuộc xung đột mới với Iran, bằng việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân sẽ khiến thế giới nói chung và Triều Tiên nói riêng không còn tin Mỹ và không thể tin Mỹ được nữa.
Khi đó, hy vọng về một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Không biết rồi đây Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải giải quyết như thế nào với cùng một lúc hai "thùng thuốc súng" (Iran và Triều Tiên) khổng lồ này.
Nhưng trước mắt, thế giới sẽ phải đứng trước viễn cảnh bất an bởi những hiểm họa khôn lường về bài toán hạt nhân không đáp số của cả cũ và mới này.
Phạm Doãn Tình
Tài liệu tham khảo :