Mỹ đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (VOA, 31/05/2018)
Bộ Tư lệnh của Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM) ngày 30/5 được đổi tên thành Bộ Tư lệnh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM), một động thái có tính cách tượng trưng để nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ đối với Ngũ Giác Đài, theo lời giới chức Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis chủ tọa lễ bàn giao chức vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương giữa Đô đốc Philip Davidson và Đô đốc Harry Harris tại Pearl Harbor, Hawaii, ngày 30/5/2018.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động quân sự của Mỹ tại vùng Thái Bình Dương, có khoảng 375.000 nhân viên dân sự và quân sự được phân bổ cho các khu vực trách nhiệm, bao gồm Ấn Độ.
Trong bài diễn văn được chuẩn bị trước, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói "Quan hệ với các đồng minh và đối tác của chúng ta tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rất trọng yếu để giữ gìn ổn định trong vùng".
Ông Mattis nói tiếp "Công nhận sự liên kết ngày càng tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hôm nay chúng ta đặt tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ"
Ông Mattis phát biểu tại một buổi lễ thay đổi cấp chỉ huy. Đô đốc Philip Davidson nắm quyền lãnh đạo Bộ Tư lệnh thay thế Đô đốc Harry Harris được Tổng thống Donald Trump đề cử giữ chức vụ Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc.
Việc đổi tên này không có nghĩa là sẽ gửi thêm các khí tài đến vùng này, nhưng là để công nhận quan hệ quân sự ngày căng tăng của Ấn Độ đối với Hoa Kỳ.
Vào năm 2016, Hoa Kỳ và Ấn Độ ký một thỏa thuận về việc sử dụng các căn cứ hải quân, không quân và trên bộ của hai quốc gia để sửa chữa và tái tiếp tế, một bước tiến tới xây dựng các quan hệ quốc phòng để chống lại thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ cũng nhắm vào thị trường quốc phòng rộng lớn của Ấn Độ. Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia cung cấp vũ khí lớn hàng thứ hai cho Ấn Độ với gần 15 tỉ đô la thương vụ trong thập niên qua.
Tuy nhiên các chuyên gia nói rằng việc đổi tên ít có ý nghĩa trừ phi việc này có liên hệ đến một chiến lược rộng lớn hơn.
"Đặt tên mới cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ chỉ là một hành động tượng trưng…chỉ có một ảnh hưởng rất hạn chế trừ phi Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện một loạt các sáng kiến và đầu tư có ý nghĩa phản ánh một sự cởi mở rộng lớn hơn", ông Abraham Denmark, một cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Đông Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định.
****************
Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ được đổi tên (RFA, 31/05/2018)
Quân đội Hoa Kỳ vào ngày 30 tháng 5 cho đổi lại tên Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương thành Bộ Chỉ Huy Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Đây được cho là động thái biểu tượng nhấn mạnh đến tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ đối với Ngũ Giác Đài.
Đô đốc Hải quân Philip Davidson điều trần trước Ủy ban Quân sự Thượng viện ở thủ đô Washington hôm 17/4/2018 - AP
Reuters dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Jim Mattis nói rằng mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh cũng như đối tác tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được chứng minh là vô cùng thiết yếu nhằm duy trì ổn định trong khu vực.
Chính do sự công nhận mối liên kết ngày càng gia tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cho nên Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ được đổi tên như vừa nêu.
Người thay thế cho Đô Đốc Harry Harris làm tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương là Đô Đốc Philip Davidson.
Vào năm 2016, Hoa Kỳ và Ấn Độ ký thỏa thuận cho phép sử dụng căn cứ hải, lục, không quân của nhau để thực hiện công tác sửa chữa và tiếp liệu.
Đó được đánh giá là bước tiến đến xây dựng những mối quan hệ quốc phòng nhằm đối trọng lại với xác quyết về hàng hải ngày một gia tăng của Trung Quốc.
Tin cho hay Hoa Kỳ cũng rất mong muốn khai phá thị trường quốc phòng Ấn Độ. Trong chục năm qua, các thương vụ vũ khí mà Washington ký với New Dehli lên đến gần 15 tỷ đô la Mỹ.
Trước biện pháp của phía Mỹ cho đổi tên Bộ Chỉ Huy Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương như vừa nêu, phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Nhiệm Quốc Cường, lên tiếng từ Bắc Kinh rằng nước này sẽ tiếp tục theo dõi mọi diễn biến.