Gaza : Hamas không hiểu người dân Israel đã thay đổi sau vụ khủng bố
Trả lời phỏng vấn của Le Figaro ngày 07/02/2024, nhà báo nổi tiếng Amit Segal nhấn mạnh : "Hamas không hiểu rằng người dân Israel đã thay đổi kể từ ngày 07/10/2023". Bốn tháng sau vụ khủng bố đẫm máu, tinh thần quyết chiến không hề giảm sút trong dân chúng Israel.
Các xe quân sự Israel tiến về Dải Gaza ngày 15/01/2024. Reuters – Amir Cohen
Sống cạnh cọp dữ, phải biết buộc kẻ thù trả giá đắt
Nhà báo có ảnh hưởng lớn nhất Israel cho Le Figaro biết sau vụ thảm sát, cảm giác được bảo vệ không còn nữa. Xã hội Israel vẫn nghĩ rằng với Bức tường thành biên giới và Vòm Sắt, Gaza chỉ cách Tel-Aviv một tiếng đồng hồ nhưng xa như Mặt Trăng, nên không quan tâm mấy. Quân đội Israel thậm chí không có cả kế hoạch tiến sang Gaza, chiến dịch cuối cùng cách đây đã mười năm. Nay thì người dân biết là họ đang sống với một con cọp ngay trong sân nhà. Hình ảnh khủng khiếp hàng trăm tên khủng bố xuyên qua hàng rào an ninh đã ám ảnh người Do Thái, chẳng hạn các con của Amit Segal sống ở trung tâm Jerusalem đêm đêm vẫn thấp thỏm sợ có những sát thủ từ dưới đất chui lên.
Vấn đề con tin cũng gây chia rẽ giữa những người Do Thái cánh tả và cánh hữu, là hồ sơ phức tạp nhất trong lịch sử đương đại. Tuy người La Mã xưa kia sau khi chiếm Jerusalem đã bắt 70.000 con tin làm nô lệ, nhưng đây là lần đầu trong chế độ dân chủ có bằng ấy người bị bắt cóc cùng một lúc. Khi phóng thích 10 con tin mỗi ngày trong 8 ngày vào cuối tháng 11/2023, Hamas cho rằng đây sẽ là một loại "thuốc phiện" cho Israel, không tin Nhà nước Do Thái sẽ tiếp tục cuộc chiến như hiện nay. Nhóm khủng bố cho rằng cuộc chiến sẽ ngắn ngủi nhờ cộng đồng quốc tế phản đối, nhờ cái giá sinh mạng lính Israel và con tin, nhưng họ đã lầm. Cú sốc làm người Israel quyết tâm hơn bao giờ hết.
Về mặt an ninh, chiến dịch coi như thành công, Hamas hầu như không còn khả năng bắn rốc-kết vào Jerusalem và Tel-Aviv, không còn có thể xâm nhập Israel. Nhưng cần phải tiêu diệt phe khủng bố này, như vậy cần ít nhất vài tháng nữa. Israel phát hiện được 700 kilomet địa đạo tại Gaza, gấp 7 lần so với dự kiến, hầu như tương đương mạng đường sắt Israel. Hamas xây dựng để tránh bom pháo trả đũa của Israel. Trên mặt trận truyền thông, Israel thua thiệt vì mạng xã hội nhân lên gấp nhiều lần số thông tin chia sẻ. Số 13 triệu người Do Thái trên thế giới chẳng là gì so với 1 tỉ người Hồi giáo cộng với những người bài Do Thái.
Bắc Israel : Lobby 1701 đòi thẳng tay với Hezbollah
Le Monde có bài phóng sự cho biết tại miền bắc Israel, tổ chức "Lobby 1701" kêu gọi giữ an ninh dải đất biên giới với Lebanon. Sau vụ thảm sát của Hamas ở miền nam, người dân sống trong các kibbutz, nông trại và thành phố miền bắc lo sợ phiến quân ở Lebanon cũng tấn công tương tự. Hezbollah từ lâu cũng đã phổ biến các video đe dọa, và dù không tiến hành, nhưng thường pháo kích vào các địa điểm dân sự và quân sự trên một dải đất dài khoảng 5 kilomet dọc duyên hải để duy trì áp lực thường trực.
Tình trạng này có thể kéo dài, nhưng cộng đồng Israel phải di tản bắt đầu tức giận, đòi chính quyền cứng rắn hơn ở "mặt trận phía bắc". Nhóm Lobby 1701 ra đời, lấy tên theo nghị quyết 1701 của Liên Hiệp Quốc về vấn đề quân đội Israel rút khỏi Lebanon năm 2006, giao việc giám sát vùng duyên hải cho lực lượng đa quốc gia FINUL. Nhóm đại diện cho 80.000 người dân di tản gồm đủ mọi khuynh hướng : tả, hữu, có đạo hoặc không, công giáo, ả rập, tất cả chỉ muốn được quay về nhà sống trong bình an.
Bị thiệt hại ở Hồng Hải, Bắc Kinh vẫn không muốn can thiệp
Le Monde phân tích "Trên mặt trận Trung Đông, Trung Quốc muốn lùi lại ở đằng sau", từ chối dùng đến ảnh hưởng đối với Iran như Hoa Kỳ đòi hỏi. Dù Trung Quốc đã kêu gọi "ngưng các vụ quấy rối và tấn công vào tàu dân sự, tất cả các bên liên quan tránh khiêu khích trong khu vực", khó thể chờ đợi Bắc Kinh can thiệp nhiều hơn. Và tất nhiên Trung Quốc cũng không tham gia "liên minh" do Mỹ thành lập để bảo vệ tàu bè, không gởi chiến hạm sang bảo vệ.
Phiến quân Houthi trong tháng Giêng cam đoan không nhắm vào các tàu Nga và Trung Quốc, sau vụ tấn công một tàu chở container của công ty OOCL có trụ sở tại Hồng Kông. Tuy vậy, các hỏa tiễn bắn sang từ Yemen có ảnh hưởng thực sự đến quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Giá vận chuyển một container từ Thượng Hải sang Rotterdam đã tăng 169% trong vòng một năm, do phí bảo hiểm tăng lên và do phải đi vòng sang mũi Hảo Vọng thay vì kênh đào Suez. Đặc biệt vào lúc các nhà máy cố gắng giao tối đa hàng trước kỳ nghỉ Tết âm lịch.
Nhưng hậu quả kinh tế chưa đến mức độ buộc Trung Quốc phải phản ứng mạnh hơn. Bắc Kinh e ngại nếu liên can trực tiếp có thể ảnh hưởng đến quan hệ với Iran, trong khi đang cố giữ thăng bằng trong ngoại giao với Saudi Arabia. Người ta trách cứ Trung Quốc "chỉ có mặt lúc đẹp trời, khi bão tố lại biến mất". Dưới góc độ của mình, Bắc Kinh coi cuộc xung đột ở Trung Đông là do Mỹ ủng hộ Israel vô điều kiện, nên không muốn can dự dù lợi ích bị thiệt hại ; đồng thời lợi dụng tâm lý chống Mỹ nơi "các nước phương Nam" trong cuộc chiến ở Gaza để đóng vai trò đại diện cho "lương tâm nhân loại".
Ukraine : "Siêu nhân" giúp phục hồi chức năng cho thương binh
Tại Ukraine, đặc phái viên Le Monde tại Lviv nói về Superhumans, trung tâm chữa trị cho những thương binh nặng nhất. Nhà báo Pháp đã gặp Herman, nhân viên tiếp tân của trung tâm có bàn tay trái bị mảnh đạn pháo xe tăng cắt đứt ở mặt trận Kreminna ; nhân viên trị liệu Denys bị rốc-kết chống tăng làm gãy hai chân và cánh tay trái ở Bakhmut ; Ruslana, người phụ trách hoạt động phục hồi chức năng đã bị cụt chân trái vì pháo ở mặt trận Kherson. Ba chiến binh bị trọng thương này sau khi xuất viện đã đến tập luyện tại trung tâm Superhumans ở Lviv, thuộc miền tây Ukraine, và nay nằm trong số sáu thương binh được tuyển dụng để tiếp đón những người bị thương được đưa đến mỗi ngày. Họ có sự cảm thông đặc biệt với các nạn nhân.
Trong một cuộc chiến đã làm hàng trăm ngàn người chết và bị thương, cả Moskva lẫn Kiev đều giữ bí mật con số thương vong. Những chiến binh đến với Superhumans là những người đã bị đoạn chi một, hai lần, thậm chí bốn lần, một số có khuôn mặt bị biến dạng. Nhưng ấn tượng nhất là không khí tràn đầy năng lượng ở trung tâm. Dù chịu đựng thương tích về cơ thể, nhưng họ đầy quyết tâm, tập sử dụng tay chân giả, tập thể thao và vẫn đùa vui. Một số mong nhanh chóng quay lại với đời sống dân sự, số khác muốn tiếp tục chiến đấu. Những người gỡ mìn thường bị mất một hay cả hai chân, nói đùa rằng họ sẽ ít rủi ro hơn vì trong trường hợp tệ nhất chỉ mất có chân giả.
Mở cửa từ tháng 4/2023, trung tâm Superhumans đã giúp 314 bệnh nhân phục hồi chức năng, và hàng ngày nhận khoảng 50 người. Chỉ là một giọt nước trong đại dương của cuộc chiến tranh khủng khiếp - một nguồn tin chính phủ cho biết số người Ukraine bị đoạn chi khoảng 40.000, hầu như tất cả đều là quân nhân. Trong số các dự án năm nay có việc lập một trung tâm phẫu thuật tái tạo khuôn mặt, và khu cư xá cho bệnh nhân. Các nhà tài trợ ngoại quốc giàu có và tiền quyên góp của người Ukraine giúp cho hiệp hội không cần phải xin nhà nước hỗ trợ. Superhumans còn thành lập được các ê-kíp thể thao khuyết tật. Herman, nhân viên tiếp tân cụt tay sắp lên đường sang Mỹ tranh tài.
Nga : Một bộ phim khiến Kremlin bối rối
Tại Nga trên lãnh vực văn hóa, sau cuốn tiểu thuyết, đến lượt bộ phim "Pháp sư và Marguerite" ám ảnh điện Kremlin. Chuyển thể từ một trong những tiểu thuyết kinh điển Nga thế kỷ 20, tác phẩm điện ảnh này đã thu hút trên hai triệu khán giả. Những rạp xi-nê chật kín người xem là điều khá hiếm hoi ở Nga. Bộ phim của Mikhail Lokshin trình chiếu từ ngày 25/10 đang được mọi người bàn tán, về chất lượng nghệ thuật không thể tranh cãi cũng như việc tố cáo sự lạm dụng quyền lực vẫn mang tính chất thời sự. Doanh thu đến nay là 1 tỉ rúp (trên 10 triệu euro), đã bằng chi phí sản xuất. Đạo diễn Mikhail Lokshin sinh năm 1981 tại Hoa Kỳ, có cha mẹ người Nga và là người cộng sản đã quay lại Liên Xô năm 1986. Đề án phim trước khi xảy ra cuộc chiến, năm 2021, đã nhận được tài trợ của Bộ Văn hóa và tránh được lưỡi kéo kiểm duyệt.
Tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mikhail Bulgakov (1891-1940) bị cấm trong nhiều thập niên, đến năm 1973 mới được xuất bản ở Liên Xô với phiên bản đầy đủ. Chuyển thành phim do các diễn viên hàng đầu người Nga và ngoại quốc đóng, với hiệu ứng đặc biệt Hollywood, bộ phim ma thuật ca ngợi tự do, tố cáo quyền lực độc tài cùng với tệ nạn tham nhũng. Đối với những người dân tộc chủ nghĩa, đây là một phim "phản động", rõ ràng là chống lại cuộc xâm lăng Ukraine.
Russia Today tố cáo đạo diễn đã ủng hộ tài chánh cho quân đội Ukraine, Sputnik than phiền nhiều tên tuổi "bài Nga" như Solzhenitsyn, Sakharov... nay được "phong thánh". Trong bối cảnh đó, phim có nguy cơ bị cấm chiếu, và mối đe dọa này khiến công chúng lại càng đổ xô đi xem tác phẩm điện ảnh đã chuyển thể thành công một tiểu thuyết mà mọi người đều biết, và ý nghĩa chống độc tài. Theo nhà phê bình Anton Dolin (cũng đã rời khỏi Nga như đạo diễn), bộ phim giống với thực tại của Putin hơn là Stalin.
Phim của Bulgakov được chiếu vào lúc các nghệ sĩ phản chiến bị trấn áp. Cuối tháng Giêng, Moskva gây áp lực lên Thái Lan để đòi dẫn độ nhóm rock Bi-2 ; sách của các nhà văn Nga nổi tiếng Boris Akunin, Lyudmila Ulitskaya, Dmitri Bykov bị thu hồi. Riêng Akunin, vừa bị cho vào danh sách "cực đoan và khủng bố", bị xóa tên khỏi áp-phích hai vở kịch đang được trình diễn ở Saint-Petersburg. Về mặt chính thức, thì tác phẩm sân khấu này không có tác giả kịch bản. Một cách hành xử thô thiển xứng đáng thành truyện của Gogol.
Siết nhập cư đổi lấy viện trợ cho Ukraine : Trump phá bằng mọi cách
Về viện trợ Mỹ dành cho Ukraine, Libération cho biết, sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng, một nhóm thượng nghị sĩ của cả hai đảng đã tìm được một thỏa thuận có lợi cho đôi bên, vừa siết chặt nhập cư vừa tài trợ được cho Kiev. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của Donald Trump, phe Cộng Hòa hứa sẽ bác dự luật này ngay trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên hôm nay. Cựu tổng thống đánh mạnh vào điểm yếu của chính quyền Biden là vấn đề di dân, đặt cược vào tình trạng khủng hoảng kéo dài ở biên giới. Không những đả kích đối thủ Dân Chủ như thường lệ, Donald Trump còn cảnh cáo các dân biểu Cộng Hòa không nên bỏ phiếu thông qua, ông viết trên mạng Truth Social "Đừng có ngu ngốc !!!".
Tuy một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa như Mitch McConnell bất chấp lời kêu gọi tẩy chay của Donald Trump, tại Hạ Viện, nơi Cộng Hòa chiếm đa số, chủ tịch Mike Johnson vốn là người trung thành với cựu tổng thống đã cảnh báo là văn bản đã "chết từ trong trứng nước". Tổng thống Joe Biden tố cáo Donald Trump muốn dùng vấn đề di dân làm công cụ thay vì giải quyết, cổ vũ các dân biểu Cộng Hòa "chứng tỏ sự can đảm" vì "thời gian đang rất gấp rút". Ông nhấn mạnh "phản đối dự luật là ủng hộ Putin".
Thụy My
Cuộc chiến Israel – Hamas : Tác động thế giới và chuẩn bị cho Việt Nam
Thật vậy, cuộc tấn công này lớn hơn một cuộc xung đột thông thường, và có tác động rất lớn đến toàn cục của thế giới trong giai đoạn hiện nay.
Đám tang một người lính Israel, Abraham Cohen, tại nghĩa trang Mount Herzl, Jerusalem, 12 tháng 10.
Rạng sáng ngày 7/10, lực lượng Hamas ở Dải Gaza bắn hàng ngàn quả rocket, phá rào xâm nhập vào lãnh thổ do Israel kiểm soát, bắt cóc ít nhất 100 con tin, bao gồm cả quân nhân. Thủ tướng Israel tuyên bố"chúng ta đang có chiến tranh".
Quân đội Israel đưa tin ít nhất 900 người đã thiệt mạng, trong đó có công dân củaít nhất 16 quốc gia bị giết và/hoặc bị bắt cóc. Tối ngày thứ 10/10, tổng thống Joe Biden xác nhận có ít nhất 14 người Mỹ bị giết và "có" công dân Hoa Kỳ đang bị bắt giữ làm con tin.
Phía Israel đã phản công dữ dội. Bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant ra lệnh"phong toả hoàn toàn Dải Gaza, cắt điện, nước, gas…". Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn tuyên bố sự đáp trả của Israel sẽ"thay đổi Trung Đông". Mỹ đã điều tàu sân bay USS Gerald Ford và các tàu chiến hộ tống đến gần Israel.
Các cuộc biểu tình ủng hộ cả hai bên Palestine và Israel đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới, và tại ít nhất 4 thành phố lớn của Hoa Kỳ, có một số xô xát nhỏ xảy ra giữa 2 nhóm biểu tình tại New York.
Thế giới và Việt Nam phản ứng ra sao ?
Một số quốc gia phương tây như Hoa kỳ, Anh, Pháp và Liên hiệp Châu Âu gọi đó là một cuộc tấn công khủng bố và phản đối mạnh mẽ. Ngoại trưởng Hoa kỳ nói :"Không bao giờ có bất cứ sự biện minh nào cho hành vi khủng bố".
Trong khi đó, một số quốc gia từ lâu đã đứng về phía Palestine thì lên tiếng kêu gọi kiềm chế bạo lực, đặc biệt một cố vấn của Iran thì lên tiếng ủng hộ các "chiến binh" Hamas. Mặc dù chưa thấy bằng chứng về việc Iran đứng sau cuộc tấn công nhưng niềm vui của Iran là rõ ràng.
Phần đông các quốc gia đều kêu gọi hai bên bình tĩnh và kiềm chế tối đa. Đặc phái viên hòa bình của Liên Hiệp Quốc, Tor Wennesland, nói :"Đây là một vực thẳm nguy hiểm, và tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy lùi khỏi miệng vực".
Phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang, ngày 8/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói :"Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang" đồng thời kêu gọi "các bên liên quan kiềm chế".
Trước đây Việt Nam luôn lên tiếng ủng hộ Palestine, tuyên truyền rằng Nhân dân Palestine là anh em, còn Israel là một lực lượng chiếm đóng. Nghĩa là, nếu thế giới gọi Hamas là "tổ chức khủng bố" thì chính Israel là một "Nhà nước khủng bố".
Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong những năm gần đây. Chỉ sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (1993-2023), Việt Nam trở thành thị trườngxuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới của Israel còn Israel đang đứng thứ 3 trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.
Khi quan hệ ngày càng trở nên nồng ấm thì "giọng điệu" tuyên truyền cũng thay đổi. Mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam với Israel và Palestine cũng tương tự như với Hàn Quốc và Triều Tiên, một mặt ca ngợi lý tưởng của Bắc Hàn nhưng lại là Đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc.
Vì vậy, khi xảy ra cuộc tấn công của Hamas, Người phát ngôn, như thường lệ chỉ biết "quan ngại sâu sắc" và kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế" mà không tỏ rõ đứng về bên nào.
Lớn hơn một cuộc xung đột tại Israel
Chúng ta đều biết về mâu thuẫn phức tạp và dai dẳng giữa Israel và Thế giới Ả rập nói chung và Palestine nói riêng.
Nhiều người đã ví đây như một cuộc tranh chấp "chiếc bàn thờ" của hai tôn giáo chính. Những người con của tổ phụ Abraham gần 80 năm nay toàn nói chuyện với nhau bằng súng ống và đá cuội. Ngay cả khi họ im lặng thì sức nóng của nó vẫn khủng khiếp và luôn chực chờ bùng nổ, nó sẽ kéo dài, luôn có nguy cơ lan rộng và ảnh hưởng nhiều mặt đến thế giới.
Thật vậy, cuộc tấn công này lớn hơn là một cuộc xung đột thông thường mà có tác động rất lớn đến toàn cục của thế giới trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất là nó xảy ra một cách bất ngờ. Lịch sử luôn luôn phiêu du và có đường đi riêng của nó mà không một ai có thể dự báo chính xác. Các nước có thể hoạch định và khơi mào, nhưng sự tính toán của con người là có giới hạn giữa vô vàn biến số, lịch sử luôn có cách đi rất khó đoán định, mà khả năng chiến đấu kiên cường và sự thất bại của quân đội Nga tại Ukraine là một ví dụ.
Hai là nó xảy ra đúng thời điểm nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Sự khủng hoảng chiếc ghế trống tại Hạ Viện, tỷ lệ lạm phát, nợ công, khả năng chính phủ đóng cửa và cuộc bầu cử sắp tới đang là những vấn đề thời sự . Có lẽ chưa bao giờ nước Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lãnh đạo cấp cao như hiện nay. May mắn thay, các thiết chế nhà nước của Hoa Kỳ rất vững mạnh cho nên đã vượt qua rất nhiều điều chưa bao giờ có tiền lệ nhưng tương lai là rất khó đoán định.
Ba là nó xay ra vào lúc thế giới đang có những biến chuyển sâu sắc. Đó là cuộc chiến Nga – Ukraine, những"động thái" của Trung quốc tại Biển Đông và chuyển dịch hợp tác vùng. Nó xảy ra vào lúc mà chủ nghĩa dân tuý đang có vẻ dâng cao đan xen với các hợp tác không thể cưỡng lại của thế giới công nghệ mới.
Nó như một cơn địa chấn đang lan rộng một cách âm thầm và có thể kích hoạt xung đột ở những nơi nhạy cảm trên thế giới trong tương lai. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói"Hamas sẽ không phải là Hamas nếu không có sự hỗ trợ mà họ nhận được trong nhiều năm từ Iran". Iran là một nước mạnh và mối quan hệ gắn bó giữa Iran và Nga là thân thiết và Iran đã giúp Nga nhiều vũ khí, đặc biệt là drone trong cuộc chiến với Ukraine.
Ngược lại, Israel là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Năm 2014, Tổng thống Obama đã ký ban hành đạo luật "Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Israel". Vào năm 2016, Hai quốc gia đã đồng ý một thoả thuận viện trợ quân sự 10 năm với giá trị lên đến 38 tỷ USD, bao gồm viện trợ hàng năm để mua thiết bị quân sự và một khoản phân bổ cho phòng thủ tên lửa trị giá 5 tỷ USD.
Nếu cuộc chiến Hamas và Israel kéo dài và lan rộng, sự chia phe để "tham chiến" gián tiếp của các nước lớn trong hay ngoài khu vực là điều có thể dự báo được.
Trước mắt thì giá dầu sẽ tăng, chiến tranh lan rộng. Tương lai Dải Gaza có thể bị chiếm đóng và Hamas sẽ bị tiêu diệt tạm thời nhưng chắc chắn "mầm mống" vẫn còn. Thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn mà cuộc phản công của Israel hôm nay có thể đã bắt đầu gieo rắc hạt giống bạo lực và khủng bố cho một thế hệ người Palestine tiếp theo.
Mặc dù Lầu Năm Góc tuyên bố đáp ứng đủ yêu cầu về vũ khí, thiết bị cho Israel và Ukraine nhưng chắc chắn nguồn lực sẽ bị san sẻ và có thể dự báo đến một lúc nào đó cử tri Mỹ lại áp lực để nước Mỹ không thể gánh nặng một lúc cả 2 đầu.
Trong bối cảnh đó, giả sử Trung Quốc ra tay với Đài Loan thì chắc chắn cục diện của toàn thế giới sẽ rất khó định đoán. Ngọn triều lịch sử đôi lúc được cộng hưởng bởi những con sóng lăn tăn và thế giới bất định này đang ngày càng trở nên "lăn tăn" hơn lúc nào hết.
Bài học cho Việt Nam mạnh lên
Từ cuộc tấn công mới đây tại Israel, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng mới có bài viết trên BBC đề cập đến sự ảm đạm và số phận của Việt Nam Cộng Hòa cũng bắt đầu từ cuộc chiến tranh Yom Kippur ở Trung Đông xảy ra đúng 50 năm trước dẫn đến những thất bại của Việt Nam Cộng Hòa.
Đối với Việt Nam : Chúng ta đang bắt đầu tham gia một cuộc chạy đua không ngừng. Ngay khi vừa ký CSP với Hoa Kỳ thì Tập Cận Bình đã chuẩn bị sang thăm và yêu cầu cùng nhau xây dựng và ký kết một"Cộng đồng chung vận mệnh". Điều đó lại đặt cho các lãnh đạo Việt Nam trước một thách thức mới chứ không thể kiểu ‘mắt nhắm mắt mở’ mãi được.
Không thể độc lập nếu mình yếu giữa một thế giới mà những kẻ mạnh đang chia phe. Bởi vậy, theo tôi thì ngay trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng đang có khả năng tập trung quyền lực cao độ thì cần mở rộng không gian dân sự, tạo nền tảng vững chắc cho dân chủ, thành tâm huy động đầy đủ trí tuệ và tài lực của người Việt trong nước và khắp năm Châu để đủ sức đương đầu với những phức tạp của thế giới đang dịch chuyển nhanh chóng.