Châu Âu lo ngại "đồng tham chiến", Putin thủ lợi
Cuộc đấu tay đôi Trump-Biden được khẳng định sau ngày Super Tuesday ở Mỹ ; sau 5 tháng chiến tranh, Gaza rơi vào hỗn loạn ; hồ sơ Ukraine, Trung Quốc là các chủ đề được báo Pháp đề cập nhiều nhất hôm nay, 07/03/2024. Theo chuyên gia Jérémie Gallon trên Le Figaro, thay vì lo lắng về tư cách "đồng tham chiến", các nhà lãnh đạo Châu Âu cần hiểu rằng chiến tranh Ukraine là cơ hội cuối cùng để chứng tỏ châu lục vẫn hùng mạnh.
Các binh sĩ Ukraine thuộc đơn vị phòng không của Lữ đoàn cơ giới số 93 ở mặt trận gần Bakhmut, Ukraine, ngày 06/03/2024. Reuters - RFE/RL/Serhii Nuzhnenko
Cử tri của bà Haley được săn đón
Les Echos nhận thấy "Sau khi Nikki Haley rút lui, Donald Trump đứng trước thử thách tập hợp cánh hữu". Tối thứ Ba, cựu tổng thống đã thắng tại 14/15 bang, chỉ để lại bang Vermont nhỏ bé cho đối thủ Haley. Giờ đây ông Trump phải cố gắng mở rộng các giới ủng hộ, ông kêu gọi đoàn kết trong đảng để đánh bại Joe Biden.
Đối với La Croix, việc tranh cử của Nikki Haley không phải là vô ích, vì đã chứng tỏ khoảng 20 % cử tri Cộng hòa không muốn cựu tổng thống quay trở lại, và muốn hoặc bỏ phiếu trắng, thậm chí bầu cho ông Biden để cản đường ông Trump. Một nhà quan sát nhận xét, Nikki Haley có thể chứng tỏ mình đã sáng suốt khi báo trước thất bại của Donald Trump vào tháng 11, và có được một vai trò sau đó.
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc hôm qua nhắc lại những chủ đề chính, như một cách nhắc nhở trọng lượng chính trị của bà trước Donald Trump : quản lý chặt tài chánh công, và nhất là ủng hộ Ukraine, Israel và Đài Loan. Những người Cộng hòa ôn hòa mà Nikki Haley đại diện - nhất là phụ nữ ở ngoại ô - đang được cả hai ứng cử viên chiêu dụ. Những cử tri của bà "có chỗ đứng trong chiến dịch của tôi" - tổng thống Joe Biden khẳng định.
Tranh cử ở Mỹ không thể thiếu tài trợ
Các cuộc bầu cử sơ bộ còn tiếp tục cho đến tháng 6, nhưng chiến dịch tranh cử nay tập trung vào các bang "dao động" (swing states) là Pennsylvania, Wisconsin, Nevada, Bắc Carolina, Georgia, Arizona. Donald Trump cũng có thể rảnh tay chọn lựa phó tổng thống - bà Nikki Haley đã bị loại từ trước.
Về mặt tài chánh, bầu cử tổng thống Mỹ luôn thu hút các nhà tài trợ lớn. Những tên tuổi trong lãnh vực tài chánh, truyền thông, công nghệ, kỹ nghệ đều có mặt, đóng góp cho chiến dịch tranh cử của Cộng hòa hay Dân chủ, đôi khi cả hai. Trong cuộc đối đầu năm 2020 giữa Donald Trump và Joe Biden, 20 nhà tài trợ lớn nhất đã chi đến trên 2 tỉ đô la. Chuyên gia Marie-Christine Bonzom cho biết có ba lý do chính : quan điểm chính trị, hy vọng được tạo điều kiện cho một lãnh vực kinh tế, và chức vụ cho những người thân cận.
Sự đồng lõa giữa tiền bạc và chính trị khiến khoảng cách giữa giới tinh hoa và cử tri càng lớn, những cuộc mít-tinh ít dần. Năm 2012, cả Barack Obama và Mitt Romney đều nhìn nhận đã dành nhiều thời gian cho việc tiếp xúc những nhà tài trợ lớn thay vì gặp gỡ người dân Mỹ. Financial Times cho biết năm nay số nhà tài trợ ủng hộ Trump ít hơn hẳn so với 2020, trong khi cựu tổng thống rất cần tiền vì đang gặp nhiều rắc rối với tư pháp.
Phương Tây chần chừ, Putin được lợi
Liên quan đến cuộc xâm lăng Ukraine, chuyên gia địa chính trị Jérémie Gallon trên Le Figaro nhắc nhở "Moskva đã tiến hành cuộc chiến tranh đa diện chống lại toàn bộ các nước Châu Âu". Theo ông, thay vì lo lắng về tư cách "đồng tham chiến", các nhà lãnh đạo cần hiểu rằng chiến tranh Ukraine là cơ hội cuối cùng để chứng tỏ Châu Âu vẫn hùng mạnh.
"Một cuộc xung đột tại một nước xa xôi giữa những người mà chúng ta chẳng biết gì cả". Câu nói của thủ tướng Anh Neville Chamberlain năm 1938 khi Đức quốc xã chiếm một phần Tiệp Khắc, đang được nhiều chính khách cả Âu lẫn Mỹ cố gắng sử dụng để biện minh cho việc từ chối ủng hộ thêm cho Kiev. Mỗi ngày, tiếng nói của họ càng mạnh mẽ và nhiều ảnh hưởng hơn. Khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron không loại trừ khả năng gởi quân sang Ukraine, ông bị tấn công từ mọi phía. Ngay tại Pháp, phe cực tả lẫn cực hữu đều đả kích, như Jean-Luc Mélenchon gọi đó là "một sự điên rồ vô trách nhiệm". Nhiều người kêu gọi đàm phán lập tức giữa Kiev và Moskva.
Nhưng phải chăng "sự điên rồ vô trách nhiệm" chính là cứ nhất định làm ngơ không muốn thấy rằng chế độ Putin được nuôi dưỡng bởi sự yếu đuối và hèn nhát của các đối thủ ? Chính sự chần chừ, dao động của phương Tây đã tăng sức mạnh cho Kremlin, để cho quân của Putin hàng ngày phạm những tội ác chiến tranh. Hai năm sau cuộc xâm lăng, đã đến lúc nhìn nhận thực tế đáng buồn : viện trợ quân sự cho Ukraine quá chậm, quá ít và thiếu phù hợp với nhu cầu của những chiến binh trên mặt trận. Thất bại của cuộc phản công của Kiev là hậu quả.
Thủ tướng Scholz và những người núp sau lý lẽ không muốn trở thành đồng tham chiến, đã mù quáng trước một Moskva hàng ngày vẫn tấn công Châu Âu trên nhiều phương diện. Nhất là Châu Âu từ nay phải chuẩn bị đơn độc đối phó với mối đe dọa Nga. Để cung cấp đạn dược, hệ thống hỏa tiễn địa-không và các vũ khí cần thiết cho sự sống còn của Kiev, chọn lựa duy nhất là tái tổ chức, tăng cường kỹ nghệ quốc phòng Châu Âu. Theo Le Figaro, chi tiêu quốc phòng từng nước cần được tăng lên, không phải để làm Donald Trump hài lòng, mà để tạo dựng lại uy tín trên trường quốc tế. Nếu không nắm được vận mệnh mình trong tay và bảo đảm cho chiến thắng của Ukraine cũng như an ninh Châu lục, Châu Âu sẽ đứng bên lề lịch sử và chỉ là món đồ chơi của những thế lực thù địch.
Thái độ của Đức khiến đồng minh bất mãn
Cũng về vấn đề này, Le Monde mô tả : Bốn sĩ quan cao cấp phương Tây trong đó có hai vị tướng, bàn về việc giao một loại vũ khí có giá trị chiến lược cao, trong một cuộc chiến do một cường quốc nguyên tử tiến hành. Cuộc đối thoại hết sức nhạy cảm này lại diễn ra trên một nền tảng không được bảo mật. Kẻ thù ghi âm lại và công khai trên mạng.
Đó không phải là cảnh trong một bộ phim trinh thám, mà lại là thực tế trong những ngày gần đây, và Đức là nước bị sập bẫy của Nga. Một thực tế đáng buồn, vì trong số tất cả các đồng minh của Ukraine, Đức chính là nơi mà chiến tranh tâm lý gây tác hại nhiều nhất. Berlin dường như đã quên mất phương pháp của Stasi được Moskva áp dụng. Những nghi ngại ở Đức không phải là bí mật đối với Vladimir Putin, từng là sĩ quan KGB phục vụ tại Berlin 5 năm, nói thạo tiếng Đức.
Sự bất cẩn của các sĩ quan Đức khiến các đồng minh lo ngại, thêm vào đó thủ tướng Olaf Scholz còn tiết lộ sự hiện diện tại Ukraine của các nhân viên quân sự Pháp và Anh, để hỗ trợ kỹ thuật về việc sử dụng các hỏa tiễn tầm xa đã cung cấp cho Kiev. Cả hai xì-căng-đan này cho thấy Đức gần như không muốn nhìn thấy một cuộc chiến thực thụ, trong khi ở phía đối diện, Nga là quốc gia khởi chiến và luôn lăm le gây chiến. "Sức bật chiến lược" mà ông Olaf Scholz hứa hẹn trước đây, rốt cuộc đang diễn ra với các nước Baltic, Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Cộng hòa Czech.
Navalny : "Những người khác sẽ thay thế tôi"
Cũng liên quan đến Nga, Libération dành trang bìa và bốn trang trong cho cuộc phỏng vấn Alexei Navalny, một tháng trước khi ông quay về nước và bị bắt. Cuộc đối thoại giữa nghị sĩ Châu Âu Jacques Maire và thủ lãnh đối lập Nga, nhằm chuẩn bị báo cáo cho Hội Đồng Châu Âu về vụ đầu độc Navalny, sẽ được chiếu công khai trên kênh LCI và Libération trích đăng độc quyền.
Nghị sĩ Jacques Maire không ngờ một người vừa bị đầu độc suýt chết, một bệnh nhân vừa được xuất viện lại đầy quyết tâm, tự tin và dễ gây cảm tình đến thế. Alexei Navalny khẳng định "Nếu họ giết tôi sẽ chẳng thay đổi được gì, vì những người khác sẵn sàng thay thế tôi". Lời tuyên bố như từ thế giới bên kia của nhà đối lập chủ chốt với Vladimir Putin chứng tỏ Navalny biết rõ nguy cơ bị sát hại khi về nước. Cuộc đối đầu giữa Navalny và ông chủ điện Kremlin là trận đấu giữa hai khối đá hoa cương, hai con người kiên quyết hạ gục nhau. Nhưng một bên dựa vào hệ thống công an và hoàn toàn phi đạo đức, còn bên kia là một người đơn độc, chỉ có niềm tin và lòng can đảm. Hồi kết đã được biết trước.
Câu chuyện của Alexei Navalny về quá trình bị theo dõi sát nút và đầu độc, thật khó thể tưởng tượng : Sau khi tuyên bố ra ứng cử tổng thống, Navalny bị cho vào danh sách đen, đi đâu cũng bị theo bén gót. Những mật vụ này kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thích hợp để ra tay ám hại. Việc chọn lựa chất độc Novichok nhằm khủng bố tất cả những ai có ý định chống đối.
Tổng thống Nga rốt cuộc đã đạt được ý định bằng cách thức hèn hạ nhất, khi để cho Navalny bị tra tấn trong tù, thiếu vắng camera và nhân chứng. Nhưng cái chết này là vết đen muôn đời cho Putin. Ngôi mộ của Alexei Navalny tại một nghĩa trang ở Moskva mỗi ngày ngập trong một núi hoa, che kín cả cây thánh giá, cho thấy với cuộc tử đạo này, Navalny đã trở thành đối thủ vĩnh cửu của Putin.
Người vợ góa Yulia Navalnaia khẳng định sẽ kế tục cuộc chiến đấu của chồng, đã kêu gọi người dân Nga phản đối Kremlin bằng cách đến phòng phiếu vào đúng 12 giờ trưa ngày 17/03. Chiến dịch "Đúng ngọ chống Putin" cổ vũ "bầu cho bất kỳ ai, trừ Putin", "làm hư lá phiếu", "viết lên chữ ‘Navalny’ thật to", hoặc "chỉ đơn giản là đứng trước phòng phiếu rồi quay về". Đối lập tin rằng nếu nhiều người đến cùng một lúc, tiếng nói chống độc tài sẽ vang xa hơn.
Cuộc ly dị giữa Trung Quốc với thị trường chứng khoán
Le Figaro cho biết ngay sau bài diễn văn của thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hôm 05/03, thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã xuống dốc ngay. Năm 2024, những hứa hẹn của các nhà lãnh đạo đỏ không còn được tin tưởng, người chơi chứng khoán trong nước theo chân các nhà đầu tư ngoại quốc bỏ rơi thị trường Hoa lục. Năm 2023, 68 tỉ đô la đã chạy ra nước ngoài, và đầu tư của các nước vào Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ 1993.
Cho dù GDP Trung Quốc cao gấp 5 lần Ấn Độ, vẫn còn nhiều cơ hội cho các thương hiệu, vì đây là quốc gia không thể bỏ qua trong chuỗi sản xuất. Nhưng Tập Cận Bình làm hỏng tất cả những ưu thế này, với xu hướng độc tài khắc nghiệt nhất kể từ thời Mao. Một nhà ngoại giao ở Hồng Kông nhận xét "Ý thức hệ đã chiến thắng sự thực dụng". Cuộc họp báo bế mạc kỳ họp Quốc hội của thủ tướng, vốn là truyền thống từ nhiều năm qua, lẽ ra sẽ là cơ hội để trấn an các nhà đầu tư, nhưng đã bị hủy bỏ, báo hiệu kỷ nguyên mới toàn trị của Tập Cận Bình. Ông Tập chỉ chăm chú vào an ninh nội bộ, đã trở thành người đào mồ chôn một Trung Quốc vốn giỏi kinh doanh.
Thụy My
Làm sao một số nước có thể bỏ mặc cho Vladimir Putin tự tung tự tác xâm chiếm Ukraine ? Trong một cuốn sách làm sáng tỏ nhiều chi tiết và rất sống động "Những quốc gia mù quáng : Đức và Pháp đã mở đường cho Nga như thế nào ?", bà Sylvie Kauffmann, nhà báo của Le Monde, thuật lại những năm tháng tự mãn, ngây thơ, cẩu thả và thậm chí cả thù hận, dẫn đến "thảm họa lớn nhất của thế kỷ 21" tính đến thời điểm hiện tại.
Sylvie Kauffmann cảnh báo : "Nếu chúng ta để Nga giữ tất cả các lãnh thổ mà họ đã xâm chiếm, […] chúng ta sẽ cho Putin [ngay lúc này, ảnh chụp ngày 8/12/2023] một lần nữa thấy rằng chúng ta lùi lại và để ông ấy thực hiện các lời đe dọa của mình". AFP
Vì sao chiến tranh đã trở lại trên một lục địa mà sau Đệ Nhị Thế Chiến đã tự nhủ rằng chế độ pháp quyền sẽ phải thay thế bạo lực, nhưng hy vọng đó đã không thành ? Tuần báo Pháp L’Express ngày 05/01/2024 đăng bài phỏng vấn tác giả Sylvie Kauffmann do Charles Haquet thực hiện. RFI xin giới thiệu.
Charles Haquet : Làm sao Châu Âu có thể để Vladimir Putin"xỏ mũi"lâu đến vậy ?
Sylvie Kauffmann : Trường hợp của Đức rất thú vị, bởi nước này từ lâu đã duy trì mối quan hệ phức tạp, sâu rộng và gần như mang tính "nhất quán" với Nga. Hai quốc gia này đã cho ra đời hai chủ nghĩa toàn trị ở Châu Âu vào thế kỷ 20, đó là chủ nghĩa Quốc Xã và chủ nghĩa Stalin. Một cựu chính khách người Đức từng nói với tôi : "Đó là hai quốc gia vĩ đại đã có những hành động man rợ, đó là điểm tương đồng giữa Đức và Nga". Gánh nặng của lịch sử đã tạo ra cảm giác tội lỗi rất sâu sắc đối với người Đức và đề tài này đã được phân tích tỉ mỉ ở Đức trong suốt nửa sau thế kỷ 20.
Cảm giác tội lỗi này được trộn lẫn với cảm giác biết ơn về thống nhất hai nước Đức, bởi chính Gorbachev là người đã biến sự thống nhất trở thành hiện thực. Ngoài ra, còn có hệ tư tưởng tạo ra bởi Ostpolitik (chính sách hướng Đông) của thủ tướng Willy Brandt về sự thay đổi thông qua việc xích lại gần nhau, nghĩa là, thông qua các mối quan hệ chặt chẽ hơn, chúng ta có thể tác động đến đường lối của Liên Xô, và sau đó là chính sách của Nga. Ý tưởng "thay đổi thông qua việc xích lại gần nhau" là một ý tưởng tốt, nhưng sau đó đã bị bóp méo và biến thành những "thay đổi thông qua thương mại". Ngành công nghiệp đang bùng nổ của Đức cần năng lượng và nguồn cung khí đốt của Nga, nguồn năng lượng rất rẻ và gần như vô tận. Để bảo đảm tăng trưởng và lợi nhuận cho ngành công nghiệp đang phát triển, Đức đã "tự chui đầu vào rọ".
Trường hợp của Pháp thì khác. Nhờ có điện hạt nhân, Pháp không phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước khác. Ngoài việc một số người trong giới tinh hoa bị mê hoặc bởi một ý tưởng về "nước Nga vĩ đại", điểm yếu của Pháp là một ước mơ về sự vĩ đại và hướng tới việc tái cơ cấu an ninh Châu Âu - ý tưởng của hầu hết các tổng thống trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Do là một cường quốc hạt nhân, dường như Pháp cảm thấy có trách nhiệm trong các vấn đề an ninh của Châu Âu, và việc tái cơ cấu an ninh chỉ có thể được thực hiện với sự giúp đỡ của Nga, một cường quốc khác mà chúng ta đối xử bình đẳng.
Charles Haquet : Đức và Pháp có hối hận sau khi Nga xâm lược Ukraine ?
Sylvie Kauffmann : Cú sốc ở Đức dữ dội đến mức gây ra một cuộc tranh luận chính trị rất căng thẳng. Chúng ta chưa từng chứng kiến hiện tượng này ở Pháp. Tuy nhiên, chính sách của Pháp đối với Nga trong 30 năm qua đáng được phân tích. Chúng ta đã từng mở đường cho Putin chưa ? Tôi nghĩ là có, đặc biệt là trong thời kỳ Sarkozy. Trong cuốn sách, tôi kể lại tình tiết của cuộc chiến ở Gruzia, khi tổng thống Nicolas Sarkozy đàm phán một lệnh ngừng bắn với những điều kiện có lợi cho Nga. Nhưng chúng ta có thể trách ông ấy không ? Sarkozy có thể ngây thơ, nhưng ông nghĩ đã làm những gì có thể. Putin đã gieo vào đầu Hoa Kỳ rằng ông có ý định đưa quân tới Tbilisi và lật đổ tổng thống Saakashvili. Do vậy, Sarkozy cố đạt được lệnh ngừng bắn trước khi quân Nga tiến vào thủ đô Gruzia. Mặt khác, tổng thống Sarkozy đã đưa ra những quyết định quan trọng khác, chẳng hạn như bán tàu sân bay trực thăng Mistral và tàu chiến cho Moskva sau cuộc xung đột ở Gruzia. Làm thế nào và tại sao quyết định này được đưa ra ? Đây là một câu hỏi thú vị cần được nghiên cứu sau này, cũng như quyết định cho phép nước Nga của Vladimir Putin xây một nhà thờ Chính Thống Giáo và một tòa nhà của chính phủ ở ngay trung tâm Paris.
Một tình tiết khác đáng được xem xét cụ thể : việc Nicolas Sarkozy và thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối mở đường cho Ukraine và Gruzia gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hội nghị thượng đỉnh Bucarest năm 2008. 4 tháng sau, Putin tấn công Gruzia, và 6 năm sau, chủ nhân điện Kremlin sáp nhập bán đảo Crimée và đánh chiếm vùng Donbass. Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng nếu Ukraine và Gruzia được mở đường cho gia nhập NATO thì Putin đã không xâm lược họ.
Tôi cũng có thể trích dẫn quyết định của tổng thống François Hollande, cùng với thủ tướng Merkel, tiến hành các cuộc đàm phán vô tận và vô ích với Nga về Donbass, và quyết định của tổng thống Emmanuel Macron khởi động lại đối thoại với Moskva nhưng đã hoài công. Chúng ta cần phải phân tích tất cả những quyết định này, nhưng là nhằm tránh lặp lại những sai lầm, chứ không phải để xác định trách nhiệm của ai.
Charles Haquet : Bà viết :"Putin có những ý đồ riêng và không có ý định thay đổi". Sức mạnh tâm lý của ông do đâu mà có ?
Sylvie Kauffmann : Quá trình đào tạo và kinh nghiệm Putin có được trong thời gian ở KGB mang tính quyết định. Chúng ta thấy điều này qua cách ông tiếp cận với nhiều người, chẳng hạn như với cựu thủ tướng Gerhard Schroeder. Putin đã nhìn thấu được tâm lý của thủ tướng Đức. Khi vào điện Kremlin, Putin muốn có được mối quan hệ đặc biệt với Châu Âu. Ông đã tập trung sự chú ý vào Đức, vì đây là quốc gia ở tuyến đầu, nơi ông đã sống 5 năm với tư cách là sĩ quan KGB ở Dresden và ông nói được tiếng Đức. Gerhard Schroeder vừa mới được bầu làm thủ tướng Đức trùng hợp với thời điểm Putin lên nắm quyền ở Nga. Đối với Putin, Schroeder là con mồi lý tưởng. Họ có nhiều điểm tương đồng : tuổi thơ nghèo khó của thế hệ sau chiến tranh, tham vọng chính trị, thể hiện nam tính rất rõ, hám tiền.
Cũng chính nhờ được đào tạo ở KGB mà nghệ thuật nói dối và thao túng của Putin được hình thành, đặc biệt trong việc viết lại lịch sử. Cuối cùng, cũng phải đề cập đến việc Putin sử dụng vũ lực như một công cụ để cầm quyền. Nói Nga chỉ có thể hoạt động dựa vào sức mạnh quyền lực dường như có vẻ sáo rỗng, nhưng suy cho cùng thì đó là sự thật ! Ngược lại, Châu Âu lại tránh sử dụng vũ lực. Đó là lý do tại sao chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta đã mù quáng nghĩ rằng sẽ không phải sử dụng vũ lực nữa, rằng luật pháp đã được áp dụng và mọi người sẽ tuân thủ, kể cả trong việc giải quyết những xung đột.
Charles Haquet : Chúng ta giờ đây có còn mù quáng không ?
Sylvie Kauffmann : Cuộc xâm lược toàn diện Ukraine của Nga đã khiến chúng ta thức tỉnh. Tôi ngưỡng mộ phản ứng của chính phủ và người dân các nước phương Tây. Tôi nghĩ sự ủng hộ sẽ suy yếu trong mùa đông đầu tiên sau khi xung đột nổ ra, nhưng dư luận vẫn giữ vững quan điểm đó. Chúng ta cũng thấy điều đó trong việc tiếp nhận những người tị nạn và cách mà các phong trào cực hữu bớt bênh vực Nga. Không ai còn dám bảo vệ Putin nữa.
Tuy nhiên, từ 2 tháng qua, mọi thứ đã trở nên phức tạp hơn ở Hoa Kỳ. Tất nhiên, khả năng Trump trở lại có tác động rất lớn. Tại Washington, một số người nay lập luận rằng Ukraine không thể thắng cuộc chiến này về mặt quân sự, rằng chi phí cho cuộc chiến quá cao và tốt hơn hết là nên đàm phán ngay từ bây giờ. Nhưng chúng ta cần đặt ra một câu hỏi : tại sao cuộc phản công của Ukraine không mang lại kết quả như mong đợi ? Ukraine chiến đấu bằng binh lính của họ, nhưng với vũ khí của chúng ta. Thế mà chúng ta lại cung cấp vũ khí cho họ một cách nhỏ giọt, và lần nào cũng đo lường nguy cơ leo thang quân sự. Ngoài ra, chúng ta cũng không có đủ vũ khí.
Từ hơn 1 năm qua, chúng ta đã biết là sắp hết đạn dược và không thực hiện kịp thời các biện pháp cần thiết để đẩy mạnh sản xuất vũ khí. Một lần nữa, chúng ta nghĩ rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa và Putin sẽ nhượng bộ. Đây là điều khiến tôi băn khoăn : chúng ta đã nhận thức được về chế độ này đến mức nào ? Trên thực tế, tôi sợ Châu Âu sẽ lại bị Putin "xỏ mũi".
Điều đáng lo nhất là chúng ta liên tục đề cập đến việc phải tốn bao nhiêu tiền để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đúng là chi phí rất đắt ! Nhưng có một chi tiết mà chúng ta không hề tính đến : thất bại ở Ukraine sẽ khiến chúng ta phải trả giá đến mức nào ? Các nhà lãnh đạo nợ dư luận và cử tri lời giải thích này : nếu chúng ta để Nga kiểm soát toàn bộ lãnh thổ mà họ đã xâm chiếm thì hậu quả sẽ ra sao ? Cần phải tăng cường khả năng phòng thủ ở sườn phía đông Châu Âu, củng cố phần còn lại của Ukraine sẽ được sáp nhập vào Liên Âu, nhưng Moskva sẽ tiếp tục sách nhiễu : tất cả những việc này sẽ làm tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ. Sự thật sẽ phải được phơi bày. Điều đó cũng có nghĩa là một lần nữa, Putin thấy rằng chúng ta đang nhượng bộ và để ông ta thực hiện những lời đe dọa của mình. Ai sẽ là mục tiêu tiếp theo ?
Charles Haquet : Putin vẫn đang làm đúng theo những toan tính của ông, theo một lịch trình được thiết lập từ những năm đầu tiên lên cầm quyền, hay theo bà, ông ta đang "tùy cơ ứng biến" dựa theo tình hình chiến sự ?
Sylvie Kauffmann : Nhìn vào các quyết định của Putin, chúng ta thực sự có thể nói rằng ông ta vẫn đi theo con đường đã vạch sẵn. Khi lên nắm quyền vào năm 2000, ông đã tái lập trật tự nội bộ bằng cách nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông, đặt siloviki (lực lượng an ninh) vào các vị trí chiến lược... Đối với Putin, lập lại trật tự cũng có nghĩa là đối đầu với phương Tây mà ông nghi ngờ đang muốn bành trướng và gây chiến với Nga. Putin lúc nào cũng nghĩ như vậy. Nỗi ám ảnh "phương Tây muốn tấn công Nga" gia tăng theo năm tháng và giờ đây càng bị chi phối bởi hồ sơ Ukraine. Ngoài ra, Putin còn muốn tái lập sự thống trị của Nga đối với các vùng lãnh thổ đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ. Đó hoàn toàn là tham vọng đế quốc, theo truyền thống lâu đời của chủ nghĩa đế quốc Nga. Trong cuốn sách, tôi kể lại cuộc trò chuyện vào năm 2002 tại Moskva giữa Vladimir Putin và đồng nhiệm Ba Lan lúc bấy giờ là Aleksander Kwasniewski, vào đầu nhiệm kỳ thứ nhất của Putin. Kwasniewski đã hỏi chủ nhân điện Kremlin về tham vọng khi làm tổng thống. Putin trả lời : "Mục tiêu đầu tiên của tôi là khôi phục vị thế của Nga trên trường quốc tế và sau đó là xây dựng lại nước Nga vĩ đại". Putin đã có suy nghĩ như vậy từ năm 2002.
Vậy bước tiếp theo sẽ là gì ? Có thể sẽ là tái triển khai sự hiện diện hoặc ảnh hưởng của Nga ở khắp mọi nơi, như thời Liên Xô. Quá trình này bắt đầu bằng việc can thiệp quân sự vào Syria hồi năm 2015 để cứu chính quyền Assad và tìm lại chỗ đứng ở Trung Đông. Nga cũng đã trở lại Châu Phi. Một lần nữa, phương Tây đã không đánh giá được tầm mức của những sự kiện này. Họ không nhận thức đủ nhanh về chiến lược bao gồm sự hiện diện của nhóm lính đánh thuê Wagner và các chiến dịch thông tin sai lệch góp phần hất cẳng Pháp ra khỏi một số quốc gia Tây Phi. Khi sử dụng lực lượng quân sự, tiến hành chiến tranh hỗn hợp hoặc chiến tranh thông tin, tham vọng của Putin vẫn là quay trở lại với chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô ở mọi nơi trên thế giới, và liên minh với Trung Quốc và các chế độ độc tài khác chống lại trật tự quốc tế của thế giới tự do.
Charles Haquet thực hiện
Nguyên tác : Sylvie Kauffmann : "Je crains que les Européens ne se laissent de nouveau aveugler par Poutine", L'Express, 05/01/2024
Phan Minh biên dịch
Nguồn : RFI, 08/01/2024
Gần 50 nhà lãnh đạo Châu Âu đồng lòng ngăn chặn mộng bành trướng của Putin
Báo chí Pháp hôm 01/06/2023 chú ý tới thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu (CPE) ở Moldova. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo Châu Âu tỏ tình đoàn kết với Moldova, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nghèo nhất châu lục và có đường biên giới với Ukraine dài đến 1.000 kilomet.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu (CPE) ở lâu đài Mimi, Bulboaca (Moldova) ngày 01/06/2023. AP - Andreea Alexandru
Anh : Ukraine có quyền tấn công ngoài lãnh thổ để tự vệ
Le Figaro nhận thấy phạm vi chiến trường Ukraine dần lan rộng. Sau khi Moskva bị drone tấn công hôm thứ Ba, lại đến lượt nhà máy lọc dầu gần Krasnodar, phía cảng Novorossiysk của Nga. Vài ngày trước là vụ đột kích vào Belgorod, và những tháng trước căn cứ Engels cách miền đông Ukraine 400 kilomet bị tấn công.
Ukraine duy trì tình trạng mập mờ, chưa bao giờ nhận trách nhiệm. Có thể đó là hoạt động do quân đội thực hiện hay một nhóm quân nhân mất kiểm soát, hoặc là đối lập Nga... Dù gì đi nữa, ngoại trưởng Anh James Cleverly đã dấn lên một bước về ngoại giao, khi nói rằng Kiev "có quyền đưa quân ra ngoài lãnh thổ" để tự vệ trước quân Nga xâm lược. Kremlin than phiền là Nhà Trắng đã "không lên án".
Chuyên gia Thibault Fouillet của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận định đó là "ăn miếng trả miếng" việc Nga oanh kích cơ sở hạ tầng Ukraine, và những lằn ranh đỏ của phương Tây "thường xuyên bị đẩy ra xa". Nếu vào đầu cuộc chiến việc tấn công lãnh thổ Nga là cấm kỵ, thì nay Kiev nhận ra phòng thủ của Nga yếu kém, Moskva khó thể đáp trả tương xứng. Những hoạt động này cũng nằm trong logic phản công, vừa mang tính biểu tượng cao, vừa có tác động tâm lý. Các drone được sử dụng do Ukraine hoặc Nga sản xuất giúp phương Tây tránh được trách nhiệm.
Thủ lãnh Wagner tiếp tục bóc trần những tuyên truyền về quân đội Nga
Le Monde chú ý đến Yevgeny Prigozhin, thủ lãnh Wagner, nhân vật nổi bật trên truyền thông với những phát biểu gây sốc. Phi phát-xít hóa Ukraine ? Ông ta nhấn mạnh chỉ là một cái cớ. "Chúng ta đến Ukraine như những kẻ thô lỗ, dận gót giày khắp nơi tìm kiếm bọn quốc xã, tấn công vào mọi thứ, tiến đến Kiev, bị đánh tơi tả và rút lui". Phi quân sự hóa ? Một thất bại hoàn toàn. "Ukraine giờ đây là một trong những quân đội mạnh nhất thế giới". Tương lai của "chiến dịch quân sự đặc biệt" ? U ám ! Những câu trả lời thẳng thừng hôm 24/05 về mục đích chiến tranh của Vladimir Putin, dành cho các phương tiện truyền thông do Yevgeny Prigozhin kiểm soát gần như là tội khi quân.
Cho đến nay, cấp cao nhất bị ông chủ đội quân lính đánh thuê Wagner đả kích là bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoigu. Cách nói trực diện, thô bạo của Prigozhin thu hút cảm tình của một bộ phận dân chúng. Mới đây, cư dân một làng bị oanh kích ở Belgorod đã kêu gọi "Yevgeny Viktorovich, đến đây cứu chúng tôi !". Cho dù ông ta giàu to dưới sự bảo trợ của Vladimir Putin, bao thầu các căng-tin trường học, bệnh viện và... quân đội. Doanh nhân này còn đòi hỏi quân sự hóa đất nước : thiết quân luật, tổng động viên, "bắn bỏ 200 người như Stalin đã làm"… Nói cách khác, cần phải "làm việc chỉ vì chiến tranh và sống vài năm theo kiểu Bắc Triều Tiên". Đề nghị này đi ngược với chủ trương của Kremlin, cố gắng để cuộc sống người Nga có vẻ bình thường.
Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, khi đóng vai phát ngôn viên cho phe yêu nước cực đoan, chống lại hệ thống, Yevgeny Prigozhin đã chiếm được một vị trí độc đáo nhằm bảo đảm vị thế chính trị và giữ an toàn cho bản thân. Nhà đối lập lưu vong Leonid Gozman cho rằng Prigozhin có quá nhiều kẻ thù nên phải lớn giọng.
Le Monde cũng nhận thấy "Putin cố tỏ ra dửng dưng về vụ drone tấn công Moskva". Nhà báo lưu vong Farida Rustamova vốn thạo tin cho biết các cố vấn đã phải cố gắng thuyết phục tổng thống Nga có lời phát biểu ngắn sau đó. Nếu chính quyền cố sức tạo vẻ ngoài bình thường, đó là vì không còn cách đáp trả nào khác hơn - tấn công những thành phố Ukraine thì đã là chuyện thường ngày.
An ninh tối đa cho các nhà lãnh đạo toàn Châu Âu tại Chisinau
Trên bình diện ngoại giao, một sự kiện rất được quan tâm hôm nay là hầu như toàn bộ các nhà lãnh đạo Châu Âu họp lại ở thủ đô Moldova nhỏ bé. Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có 2,6 triệu dân, nghèo nhất châu lục và có đường biên giới với Ukraine dài đến 1.000 kilomet, được cả Châu Âu tỏ tình đoàn kết.
Nữ tổng thống Maia Sandu thứ Năm 01/06 chứng kiến sự kiện vô tiền khoáng hậu trên bầu trời thủ đô Chisinau : các chuyên cơ của khoảng 50 nhà lãnh đạo Châu Âu hạ cánh, nhân hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của Cộng đồng Chính trị Châu Âu (CPE). Một đẳng cấp mà nhà lãnh đạo 51 tuổi chưa bao giờ tự cho phép, vì bà chỉ di chuyển bằng hãng máy bay giá rẻ Wizz Air, theo La Croix. Le Figaro nói thêm, tất cả các lãnh đạo Châu Âu đều được mời, trừ Vladimir Putin và đồng minh Belarus của ông ta. Sự tham dự của tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky được giữ kín cho đến phút chót.
Để bảo đảm an ninh cho các nguyên thủ và 700 phóng viên, không phận Moldova từ 25/05 được bảo vệ bằng Air Bastion-2023, một cuộc tập trận quốc tế chống các vật thể bay xâm nhập. Pháp đưa sang AWACS (hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không) có thể phát hiện hỏa tiễn, drone... cách xa hàng trăm cây số. Anh, Thụy Điển, Ba Lan cũng đưa thiết bị hỗ trợ và huấn luyện. Ngoài an ninh, còn nhiều vấn đề về hậu cần và tổ chức. Chẳng hạn, phi trường Chisinau chỉ có mỗi một phi đạo nên phân nửa số đại biểu sẽ đến trước một hôm, nửa còn lại đến đúng ngày họp. Suốt sáu tháng trước, nhiều nước cử người đến giúp Moldova chuẩn bị sự kiện, Hội đồng Châu Âu giúp chi phí bữa trưa và phiên dịch.
Ukraine và Moldova sẽ gia nhập EU năm 2030 ?
Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại lâu đài Mimi nổi tiếng về rượu vang ở làng Bulboaca cách thủ đô 40 kilomet, nhằm xúc tiến du lịch cho Moldova, đồng thời là thách thức cho Putin : gần đó là Transnistria, vùng ly khai có quân Nga đang trú đóng. Florent Parmentier, Viện Quan hệ Quốc tế (IFRI) nhắc nhở, Maia Sandu cần tránh "hiện tượng Gorbatchev" : rất được phương Tây mến chuộng nhưng lại bị chống đối ở trong nước.
Les Echos nhấn mạnh nỗ lực chống tham nhũng của tổng thống nước chủ nhà Maia Sandu. Tốt nghiệp Harvard và từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới, khi làm bộ trưởng giáo dục bà đã lao vào cuộc chiến chống lại nạn mua điểm đang lan tràn. Tỉ lệ đậu tú tài từ 95% rơi xuống chỉ còn 49 %, phụ huynh tức giận, giáo viên mất nguồn thu bất chính, học sinh không có được bằng mua, tưởng chừng bà không trụ được lâu. Lên làm tổng thống cuối 2020, bà "dọn dẹp" hệ thống tư pháp, đặt ra các tiêu chí vào Hội đồng thẩm phán cấp cao. Chỉ có 5/30 ứng cử viên chứng minh được khoảng cách giữa mức sống và thu nhập chính thức. Việc số hóa các thủ tục hành chánh công cũng có cùng mục đích.
Moldova đã có được tư cách ứng cử viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) cùng một lượt với Ukraine, với viễn cảnh gia nhập vào năm 2030. Việc hội nhập một nước láng giềng lớn như Ukraine đặt ra những vấn đề như chính sách nông nghiệp. Moldova thì dễ hơn, nhưng phải giải được bài toán tỉnh ly khai Transnistria thân Nga. Cuối năm nay, EU sẽ quyết định có mở thương lượng với Kiev và Chisinau hay không. Chiều hôm qua từ Bratislava, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi "sáng tạo ra nhiều công thức" để đáp ứng kỳ vọng của các ứng viên.
Tổng thống Pháp nhận sai lầm với Đông Âu
Một sự kiện khác đáng chú ý khác diễn ra hôm qua ở thủ đô Slovakia : GLOBSEC, diễn đàn an ninh thường niên của Trung Âu. Les Echos quan tâm đến tuyên bố của tổng thống Pháp "Tương lai của lục địa chúng ta sẽ được định đoạt trong những tháng tới", Le Figaro nhận thấy "Macron nhận sai trước các nước Đông Âu". Đây là lần đầu tiên một tổng thống Pháp đến dự và phát biểu tại GLOBSEC.
Sự hiện diện của Macron đầy ý nghĩa, vì những câu nói trước đây của ông như "không lăng nhục Nga", hay ông đối thoại quá nhiều với Vladimir Putin mà không có kết quả nào, khiến các nước trong khu vực bất bình. Bài diễn văn tại Bratislava được cho là mang tính lịch sử. Emmanuel Macron nhấn mạnh : "Chỉ có một Châu Âu", hoan nghênh sự "quay lại" với gia đình Châu Âu của các nước Đông Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Đặc biệt Macron khiêm tốn nhìn nhận "Chúng tôi đã mất đi một cơ hội lắng nghe các bạn".
Tại Bratislava, tiếng nói nước Pháp bỗng khác hẳn : "Các bạn có thể trông cậy vào Pháp. Paris đôi khi bị cho là ngạo mạn hay không quan tâm đến khu vực này. Hãy cùng bảo đảm Châu Âu của chúng ta là một đại cường dân chủ". Tổng thống Pháp cũng rõ ràng hơn về Ukraine, ông khẳng định Ukraine "không thể bị cưỡng chiếm". Bây giờ không phải là lúc cho một thỏa thuận giữa Moskva và Kiev. "Chỉ có một hòa bình duy nhất, đó là hòa bình do nhân dân Ukraine chọn lựa". Macron bác bỏ mọi ý tưởng "ngưng bắn", "xung đột đóng băng", chỉ nuôi dưỡng những cuộc chiến mới. Theo ông, "Cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài, và ủng hộ Ukraine trong suốt thời gian đó", có nghĩa là bảo đảm an ninh.
Macron : NATO cần có những cam kết mạnh mẽ đối với Ukraine
Cuộc xâm lăng của Nga đã làm Pháp thay đổi. Năm 2008 Pháp và Đức phủ quyết không cho Ukraine và Georgia gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Giờ đây Macron nhắc ý kiến của nhà cựu ngoại giao Mỹ Henry Kissinger, trước đây chống đối kịch liệt, nay ủng hộ việc Ukraine trở nên thành viên NATO. Ông chia sẻ cách nhìn này, cho dù biết rằng sẽ rất khó nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius tháng Bảy tới. Cũng phải chuẩn bị cho quốc phòng của Châu lục, khi Nga không thay đổi, và chính phủ Mỹ nhiệm kỳ tới chưa hẳn đồng thuận với Châu Âu. Emmanuel Macron nói rõ là không hề có ý định thay thế NATO bằng một cơ cấu do Pháp và Đức dẫn đầu.
La Croix cho rằng 31 thành viên NATO đứng trước thế lưỡng nan : tuy Kiev thúc giục nhưng làm thế nào kết nạp mà không dẫn đến chiến tranh trực tiếp với Nga, một cường quốc nguyên tử ? Các nước Đông Âu đòi hỏi phải có một lộ trình cụ thể cho việc Ukraine gia nhập, ngay khi các điều kiện đều hội đủ. Một "Hội đồng NATO-Ukraine" có thể thay cho ủy ban NATO-Ukraine, một cách để định chế hóa, nâng mức đối thoại cao hơn.
NATO cũng cần thông qua một kế hoạch hỗ trợ quân sự. Thay vì kết nạp lập tức, Ukraine sẽ có một "hiệp ước an ninh" cam kết chuyển giao vũ khí và công nghệ để tiến nhanh đến các tiêu chuẩn NATO. Và Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức cùng bảo đảm an ninh song phương. Theo tổng thống Pháp, NATO cần đưa ra những cam kết "mạnh mẽ" với Ukraine.
Trung Quốc kiếm duyệt, trí thông minh nhân tạo khó phát triển
Trên lãnh vực công nghệ, xuất hiện một lá thư ngỏ thứ hai, lần này chỉ có đúng một câu, cảnh báo trí thông minh nhân tạo (AI) có thể là nguy cơ cho sự hiện hữu của nhân loại, tương đương với "đại dịch và chiến tranh nguyên tử". Trong số những người ký tên có cả Sam Altman, giám đốc OpenAI, nơi sáng tạo ra ChatGPT, và nhiều ngôi sao trong ngành AI.
Tại Châu Á, Les Echos cho rằng "Trí thông minh nhân tạo là gót chân Achille của kiểm duyệt Trung Quốc". Chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng với ChatGPT, với những thách thức về đạo đức, triết lý, và kiến thức được nhập liệu vào hệ thống. Chính ở điểm này mà chế độ kiểm duyệt khắt khe của Bắc Kinh rất đáng báo động. Cư dân mạng Hoa lục không thể tìm thấy thông tin nào về mười năm Cách mạng văn hóa, cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng, Tân Cương, những va chạm với Đài Loan, các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông hay chính sách zero Covid. Hôm 11/04, chính quyền còn khẳng định nội dung trí thông minh nhân tạo (AI) cần phải "thể hiện các giá trị xã hội chủ nghĩa". Bị hạn chế dữ liệu, khả năng tiến triển của AI, từ Wenxin Yiyan của Baidu đến Tongyi Qianwen của Alibaba đều đáng thất vọng.
Thụy My