Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/06/2023

Điểm báo Pháp – Liên Âu đồng lòng ngăn chặn Putin

RFI tiếng Việt

Gần 50 nhà lãnh đạo Châu Âu đồng lòng ngăn chặn mộng bành trướng của Putin

Báo chí Pháp hôm 01/06/2023 chú ý tới thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu (CPE) ở Moldova. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo Châu Âu tỏ tình đoàn kết với Moldova, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nghèo nhất châu lục và có đường biên giới với Ukraine dài đến 1.000 kilomet.

lienau1

Các nhà lãnh đạo Châu Âu thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu (CPE) ở lâu đài Mimi, Bulboaca (Moldova) ngày 01/06/2023. AP - Andreea Alexandru

Anh : Ukraine có quyền tấn công ngoài lãnh thổ để tự vệ

Le Figaro nhận thấy phạm vi chiến trường Ukraine dần lan rộng. Sau khi Moskva bị drone tấn công hôm thứ Ba, lại đến lượt nhà máy lọc dầu gần Krasnodar, phía cảng Novorossiysk của Nga. Vài ngày trước là vụ đột kích vào Belgorod, và những tháng trước căn cứ Engels cách miền đông Ukraine 400 kilomet bị tấn công.

Ukraine duy trì tình trạng mập mờ, chưa bao giờ nhận trách nhiệm. Có thể đó là hoạt động do quân đội thực hiện hay một nhóm quân nhân mất kiểm soát, hoặc là đối lập Nga... Dù gì đi nữa, ngoại trưởng Anh James Cleverly đã dấn lên một bước về ngoại giao, khi nói rằng Kiev "có quyền đưa quân ra ngoài lãnh thổ" để tự vệ trước quân Nga xâm lược. Kremlin than phiền là Nhà Trắng đã "không lên án".

Chuyên gia Thibault Fouillet của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận định đó là "ăn miếng trả miếng" việc Nga oanh kích cơ sở hạ tầng Ukraine, và những lằn ranh đỏ của phương Tây "thường xuyên bị đẩy ra xa". Nếu vào đầu cuộc chiến việc tấn công lãnh thổ Nga là cấm kỵ, thì nay Kiev nhận ra phòng thủ của Nga yếu kém, Moskva khó thể đáp trả tương xứng. Những hoạt động này cũng nằm trong logic phản công, vừa mang tính biểu tượng cao, vừa có tác động tâm lý. Các drone được sử dụng do Ukraine hoặc Nga sản xuất giúp phương Tây tránh được trách nhiệm.

Thủ lãnh Wagner tiếp tục bóc trần những tuyên truyền về quân đội Nga

Le Monde chú ý đến Yevgeny Prigozhin, thủ lãnh Wagner, nhân vật nổi bật trên truyền thông với những phát biểu gây sốc. Phi phát-xít hóa Ukraine ? Ông ta nhấn mạnh chỉ là một cái cớ. "Chúng ta đến Ukraine như những kẻ thô lỗ, dận gót giày khắp nơi tìm kiếm bọn quốc xã, tấn công vào mọi thứ, tiến đến Kiev, bị đánh tơi tả và rút lui". Phi quân sự hóa ? Một thất bại hoàn toàn. "Ukraine giờ đây là một trong những quân đội mạnh nhất thế giới". Tương lai của "chiến dịch quân sự đặc biệt" ? U ám ! Những câu trả lời thẳng thừng hôm 24/05 về mục đích chiến tranh của Vladimir Putin, dành cho các phương tiện truyền thông do Yevgeny Prigozhin kiểm soát gần như là tội khi quân.

Cho đến nay, cấp cao nhất bị ông chủ đội quân lính đánh thuê Wagner đả kích là bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoigu. Cách nói trực diện, thô bạo của Prigozhin thu hút cảm tình của một bộ phận dân chúng. Mới đây, cư dân một làng bị oanh kích ở Belgorod đã kêu gọi "Yevgeny Viktorovich, đến đây cứu chúng tôi !". Cho dù ông ta giàu to dưới sự bảo trợ của Vladimir Putin, bao thầu các căng-tin trường học, bệnh viện và... quân đội. Doanh nhân này còn đòi hỏi quân sự hóa đất nước : thiết quân luật, tổng động viên, "bắn bỏ 200 người như Stalin đã làm"… Nói cách khác, cần phải "làm việc chỉ vì chiến tranh và sống vài năm theo kiểu Bắc Triều Tiên". Đề nghị này đi ngược với chủ trương của Kremlin, cố gắng để cuộc sống người Nga có vẻ bình thường.

Theo nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, khi đóng vai phát ngôn viên cho phe yêu nước cực đoan, chống lại hệ thống, Yevgeny Prigozhin đã chiếm được một vị trí độc đáo nhằm bảo đảm vị thế chính trị và giữ an toàn cho bản thân. Nhà đối lập lưu vong Leonid Gozman cho rằng Prigozhin có quá nhiều kẻ thù nên phải lớn giọng.

Le Monde cũng nhận thấy "Putin cố tỏ ra dửng dưng về vụ drone tấn công Moskva". Nhà báo lưu vong Farida Rustamova vốn thạo tin cho biết các cố vấn đã phải cố gắng thuyết phục tổng thống Nga có lời phát biểu ngắn sau đó. Nếu chính quyền cố sức tạo vẻ ngoài bình thường, đó là vì không còn cách đáp trả nào khác hơn - tấn công những thành phố Ukraine thì đã là chuyện thường ngày.

An ninh tối đa cho các nhà lãnh đạo toàn Châu Âu tại Chisinau

Trên bình diện ngoại giao, một sự kiện rất được quan tâm hôm nay là hầu như toàn bộ các nhà lãnh đạo Châu Âu họp lại ở thủ đô Moldova nhỏ bé. Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có 2,6 triệu dân, nghèo nhất châu lục và có đường biên giới với Ukraine dài đến 1.000 kilomet, được cả Châu Âu tỏ tình đoàn kết.

Nữ tổng thống Maia Sandu thứ Năm 01/06 chứng kiến sự kiện vô tiền khoáng hậu trên bầu trời thủ đô Chisinau : các chuyên cơ của khoảng 50 nhà lãnh đạo Châu Âu hạ cánh, nhân hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của Cộng đồng Chính trị Châu Âu (CPE). Một đẳng cấp mà nhà lãnh đạo 51 tuổi chưa bao giờ tự cho phép, vì bà chỉ di chuyển bằng hãng máy bay giá rẻ Wizz Air, theo La Croix. Le Figaro nói thêm, tất cả các lãnh đạo Châu Âu đều được mời, trừ Vladimir Putin và đồng minh Belarus của ông ta. Sự tham dự của tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky được giữ kín cho đến phút chót.

Để bảo đảm an ninh cho các nguyên thủ và 700 phóng viên, không phận Moldova từ 25/05 được bảo vệ bằng Air Bastion-2023, một cuộc tập trận quốc tế chống các vật thể bay xâm nhập. Pháp đưa sang AWACS (hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không) có thể phát hiện hỏa tiễn, drone... cách xa hàng trăm cây số. Anh, Thụy Điển, Ba Lan cũng đưa thiết bị hỗ trợ và huấn luyện. Ngoài an ninh, còn nhiều vấn đề về hậu cần và tổ chức. Chẳng hạn, phi trường Chisinau chỉ có mỗi một phi đạo nên phân nửa số đại biểu sẽ đến trước một hôm, nửa còn lại đến đúng ngày họp. Suốt sáu tháng trước, nhiều nước cử người đến giúp Moldova chuẩn bị sự kiện, Hội đồng Châu Âu giúp chi phí bữa trưa và phiên dịch.

Ukraine và Moldova sẽ gia nhập EU năm 2030 ?

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại lâu đài Mimi nổi tiếng về rượu vang ở làng Bulboaca cách thủ đô 40 kilomet, nhằm xúc tiến du lịch cho Moldova, đồng thời là thách thức cho Putin : gần đó là Transnistria, vùng ly khai có quân Nga đang trú đóng. Florent Parmentier, Viện Quan hệ Quốc tế (IFRI) nhắc nhở, Maia Sandu cần tránh "hiện tượng Gorbatchev" : rất được phương Tây mến chuộng nhưng lại bị chống đối ở trong nước.

Les Echos nhấn mạnh nỗ lực chống tham nhũng của tổng thống nước chủ nhà Maia Sandu. Tốt nghiệp Harvard và từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới, khi làm bộ trưởng giáo dục bà đã lao vào cuộc chiến chống lại nạn mua điểm đang lan tràn. Tỉ lệ đậu tú tài từ 95% rơi xuống chỉ còn 49 %, phụ huynh tức giận, giáo viên mất nguồn thu bất chính, học sinh không có được bằng mua, tưởng chừng bà không trụ được lâu. Lên làm tổng thống cuối 2020, bà "dọn dẹp" hệ thống tư pháp, đặt ra các tiêu chí vào Hội đồng thẩm phán cấp cao. Chỉ có 5/30 ứng cử viên chứng minh được khoảng cách giữa mức sống và thu nhập chính thức. Việc số hóa các thủ tục hành chánh công cũng có cùng mục đích.

Moldova đã có được tư cách ứng cử viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) cùng một lượt với Ukraine, với viễn cảnh gia nhập vào năm 2030. Việc hội nhập một nước láng giềng lớn như Ukraine đặt ra những vấn đề như chính sách nông nghiệp. Moldova thì dễ hơn, nhưng phải giải được bài toán tỉnh ly khai Transnistria thân Nga. Cuối năm nay, EU sẽ quyết định có mở thương lượng với Kiev và Chisinau hay không. Chiều hôm qua từ Bratislava, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi "sáng tạo ra nhiều công thức" để đáp ứng kỳ vọng của các ứng viên.

Tổng thống Pháp nhận sai lầm với Đông Âu

Một sự kiện khác đáng chú ý khác diễn ra hôm qua ở thủ đô Slovakia : GLOBSEC, diễn đàn an ninh thường niên của Trung Âu. Les Echos quan tâm đến tuyên bố của tổng thống Pháp "Tương lai của lục địa chúng ta sẽ được định đoạt trong những tháng tới", Le Figaro nhận thấy "Macron nhận sai trước các nước Đông Âu". Đây là lần đầu tiên một tổng thống Pháp đến dự và phát biểu tại GLOBSEC.

Sự hiện diện của Macron đầy ý nghĩa, vì những câu nói trước đây của ông như "không lăng nhục Nga", hay ông đối thoại quá nhiều với Vladimir Putin mà không có kết quả nào, khiến các nước trong khu vực bất bình. Bài diễn văn tại Bratislava được cho là mang tính lịch sử. Emmanuel Macron nhấn mạnh : "Chỉ có một Châu Âu", hoan nghênh sự "quay lại" với gia đình Châu Âu của các nước Đông Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Đặc biệt Macron khiêm tốn nhìn nhận "Chúng tôi đã mất đi một cơ hội lắng nghe các bạn".

Tại Bratislava, tiếng nói nước Pháp bỗng khác hẳn : "Các bạn có thể trông cậy vào Pháp. Paris đôi khi bị cho là ngạo mạn hay không quan tâm đến khu vực này. Hãy cùng bảo đảm Châu Âu của chúng ta là một đại cường dân chủ". Tổng thống Pháp cũng rõ ràng hơn về Ukraine, ông khẳng định Ukraine "không thể bị cưỡng chiếm". Bây giờ không phải là lúc cho một thỏa thuận giữa Moskva và Kiev. "Chỉ có một hòa bình duy nhất, đó là hòa bình do nhân dân Ukraine chọn lựa". Macron bác bỏ mọi ý tưởng "ngưng bắn", "xung đột đóng băng", chỉ nuôi dưỡng những cuộc chiến mới. Theo ông, "Cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài, và ủng hộ Ukraine trong suốt thời gian đó", có nghĩa là bảo đảm an ninh.

Macron : NATO cần có những cam kết mạnh mẽ đối với Ukraine

Cuộc xâm lăng của Nga đã làm Pháp thay đổi. Năm 2008 Pháp và Đức phủ quyết không cho Ukraine và Georgia gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Giờ đây Macron nhắc ý kiến của nhà cựu ngoại giao Mỹ Henry Kissinger, trước đây chống đối kịch liệt, nay ủng hộ việc Ukraine trở nên thành viên NATO. Ông chia sẻ cách nhìn này, cho dù biết rằng sẽ rất khó nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius tháng Bảy tới. Cũng phải chuẩn bị cho quốc phòng của Châu lục, khi Nga không thay đổi, và chính phủ Mỹ nhiệm kỳ tới chưa hẳn đồng thuận với Châu Âu. Emmanuel Macron nói rõ là không hề có ý định thay thế NATO bằng một cơ cấu do Pháp và Đức dẫn đầu.

La Croix cho rằng 31 thành viên NATO đứng trước thế lưỡng nan : tuy Kiev thúc giục nhưng làm thế nào kết nạp mà không dẫn đến chiến tranh trực tiếp với Nga, một cường quốc nguyên tử ? Các nước Đông Âu đòi hỏi phải có một lộ trình cụ thể cho việc Ukraine gia nhập, ngay khi các điều kiện đều hội đủ. Một "Hội đồng NATO-Ukraine" có thể thay cho ủy ban NATO-Ukraine, một cách để định chế hóa, nâng mức đối thoại cao hơn.

NATO cũng cần thông qua một kế hoạch hỗ trợ quân sự. Thay vì kết nạp lập tức, Ukraine sẽ có một "hiệp ước an ninh" cam kết chuyển giao vũ khí và công nghệ để tiến nhanh đến các tiêu chuẩn NATO. Và Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức cùng bảo đảm an ninh song phương. Theo tổng thống Pháp, NATO cần đưa ra những cam kết "mạnh mẽ" với Ukraine.

Trung Quốc kiếm duyệt, trí thông minh nhân tạo khó phát triển

Trên lãnh vực công nghệ, xuất hiện một lá thư ngỏ thứ hai, lần này chỉ có đúng một câu, cảnh báo trí thông minh nhân tạo (AI) có thể là nguy cơ cho sự hiện hữu của nhân loại, tương đương với "đại dịch và chiến tranh nguyên tử". Trong số những người ký tên có cả Sam Altman, giám đốc OpenAI, nơi sáng tạo ra ChatGPT, và nhiều ngôi sao trong ngành AI.

Tại Châu Á, Les Echos cho rằng "Trí thông minh nhân tạo là gót chân Achille của kiểm duyệt Trung Quốc". Chúng ta đang đứng trước một cuộc cách mạng với ChatGPT, với những thách thức về đạo đức, triết lý, và kiến thức được nhập liệu vào hệ thống. Chính ở điểm này mà chế độ kiểm duyệt khắt khe của Bắc Kinh rất đáng báo động. Cư dân mạng Hoa lục không thể tìm thấy thông tin nào về mười năm Cách mạng văn hóa, cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng, Tân Cương, những va chạm với Đài Loan, các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông hay chính sách zero Covid. Hôm 11/04, chính quyền còn khẳng định nội dung trí thông minh nhân tạo (AI) cần phải "thể hiện các giá trị xã hội chủ nghĩa". Bị hạn chế dữ liệu, khả năng tiến triển của AI, từ Wenxin Yiyan của Baidu đến Tongyi Qianwen của Alibaba đều đáng thất vọng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 226 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)