Mikhail Gorbachev : Phương Tây ngưỡng mộ, người Nga oán giận
Sự kiện chính của các báo Pháp ra sáng 01/09/2022 là Mikhaiil Gorbachev, lãnh đạo cuối cùng của Liên Bang Xô Viết, qua đời ở tuổi 91. Hình ảnh ông Gorbachev của những năm cuối thập kỷ 1980 xuất hiện trên trang nhất của hầu hết các tờ báo lớn cùng nhiều trang bài về một nhân vật lịch sử mà trong một thời gian không dài đã có ảnh hưởng lớn đến cục diện thế giới trong thế kỷ 20. Di sản chính trị của ông vẫn còn gây nhiều nhiều tranh cãi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến viếng cố tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbatchev tại Bệnh viện Trung ương, tại Moskva, Nga, ngày 01/09/2022. AP
Nhật báo Le Monde có bài "Di sản trái ngược của Gorbachev" ghi nhận những đánh giá khác nhau về nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Xô Viết. Tờ báo trích dẫn những lời ca tụng của các lãnh đạo phương Tây đánh giá ông là nhân vật của "hòa bình" đã làm "thay đổi dòng chảy lịch sử", người "mở ra con đường tự do cho Châu Âu"…
Trong khi đó thì tại quê hương ông, việc định công luận tội Gorbachev vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Không ít người căm ghét ông, cho rằng chính ông là người đã phá vỡ Liên bang Xô Viết hùng cường, mà sau này tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đó là "tai họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20". Cho dù Mikhail Gorbachev đã nhiều lần nhắc lại rằng ông chưa bao giờ có ý muốn phá vỡ Liên Xô.
Các báo đều có chung ghi nhận, dù gì thì chỉ trong chưa đầy 7 năm lãnh đạo một cường quốc đứng đầu khối xã hội chủ nghĩa, Mikhail Gorbachev đã làm được rất nhiều việc cho đất nước của ông, tạo được một bầu không khi dân chủ, tự do trong một xã hội cộng sản với những cải cách mạnh mẽ và nhất là đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây kéo dài gần nửa thế kỷ.
Trong bài xã luận mang tiêu đề "hai di sản để lại của Mikhail Gorbachev", Le Monde nhận định : "Với phương Tây, tên ông đồng nghĩa với kết thúc chiến tranh lạnh, với đất nước mình, ông là kẻ phá hoại sự vĩ đại của nước Nga" và dường như giờ đây, ông Vladimir Putin đang cố gắng phục thù.
Trong bài xã luận mang tiêu đề "Ý nghĩa của lịch sử", Le Figaro ghi nhận : "Có những trường hợp người ta chôn người quá cố cùng với những trách cứ. Việc này không xảy ra với Mikhail Gorbachev, người được phương Tây ca ngợi là con người của hòa bình, ở nước Nga lại bị khinh ghét như là kẻ đào mồ chôn đế chế Liên Xô". Tờ báo nhấn mạnh, từ hơn hai mươi năm nay, Vladimir Putin đã tiến hành sửa chữa sai lầm đó. Đó là một cuộc lội ngược dòng lịch sử. Bài học cũng có giá trị với Tập Cận Bình rằng không nên minh bạch (glasnost) quá sớm với người Trung Quốc. Các cường quốc đang trên đường đối đầu trực tiếp với nhau. Đó chính là di sản Gorbachev để lại.
Sự khác biệt giữa Gorbachev và Putin
Nhật báo công giáo La Croix nêu sự khác biệt khá thú vị giữa Gorbachev, người khởi xướng perestroika và Putin, người bảo vệ "sự vĩ đại Nga".
Xã luận tờ báo ghi nhận : "Năm 1989, Gorbachev muốn giúp chế độ biến chuyển tốt lên để ngăn chặn tắm máu ở Châu Âu khi bức tường Berlin sụp đổ. Hơn ba mươi năm sau, Vladimir Putin thì ngược lại đã không ngần ngại tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc giữa lòng Châu Âu, nhân danh nước Nga".
Trong một khía cạnh khác nhật báo Les Echos có bài viết nghi nhận "tại Nga, Mikhail Gorbachev để lại kỷ niệm của một lãnh đạo bị ghét bỏ". Tờ báo cho thấy, cha đẻ của công cuộc cải tổ perestroika nổi tiếng được đa số người dân Nga coi là phải chịu trách nhiệm đã làm tan vỡ một siêu cường và thời kỳ hậu cộng sản kiệt quệ kinh tế. Tờ báo khẳng định, hiện tại ở Nga, có bao nhiêu người căm ghét Gorbachev thì có bấy nhiêu người yêu quý Putin. Sau hơn 30 năm Liên Xô sụp đổ, với đại đa số người dân Nga, vị lãnh đạo Xô Viết cuối cùng này là biểu tượng cho những năm tháng khủng hoảng kinh tế, rối loạn xã hội và mất ảnh hưởng trên trường quốc tế. Trái lại lãnh đạo hiện nay ở Kremlin trong suy nghĩ của người dân là hiện thân cho sự ổn định tìm được lại của đất nước Nga.
Theo Les Echos, uy tín của ông Putin lên cao ở Nga phần nào có thể lý giải được bằng chính sự mất uy tín của Gorbachev, rồi sau đó là Boris Eltsin. Người Nga không thực sự có trải nghiệm dân chủ, giờ vẫn so sánh nước Nga ngày nay với đoạn cuối hỗn loạn của Liên Xô, rồi đến thời kỳ kiệt quệ hậu chế độ cộng sản.
Bài học cho Trung Quốc
Vẫn xung quanh chủ đề về Gorbachev, nhật báo Libération có bài : "Với Đảng cộng sản Trung Quốc, một cảnh cáo và tấm gương xấu". Theo Libération, quá trình dân chủ hóa và tự do hóa chính trị do Mikhail Gorbachev tiến hành, kéo theo sự sụp đổ của Liên Xô đã được Bắc Kinh nhìn nhận như là tấm gương xấu không nên noi theo để bảo đảm sụ tồn vong của chế độ.
Tờ báo ghi nhận : "Đảng cộng sản Trung Quốc cũng độc quyền trị vì một đế chế đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, đa tôn giáo, giờ đây tin tưởng rằng để bảo đảm sự tồn vong, đảng không chấp nhận bất kỳ phê phán nào, phải đề bẹp mọi sự kháng cự của dân chúng bên ngoài quyền lực tuyệt đối của mình". Đó có thể là dân Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ hay người Hồng Kông. Trong bối cảnh Đại hội đảng giữa tháng 10 tới, hơn bao giờ hết cần phải bêu xấu vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô này, chứ không thể ca tụng được. Gorbachev phải là sự cảnh cáo đối với tất cả những người ở Trung Quốc có ý định cải cách chính trị.
Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc chuẩn bị khai mạc
Liên quan đến Trung Quốc, báo Le Monde đề cập đến sự kiện đại hội lần thứ 20 Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày 16/10 tới, với bài "Tập Cận Bình sẵn sàng cho nhiệm kỳ thứ 3".
Theo Le Monde, kỳ đại hội này sẽ có rất nhiều sự thay đổi. Nhưng thay đổi gì thì sẽ vẫn cho một kết quả chung thấy trước là ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo nhà nước, đảng và quân đội. "Ông Tập Cận Bình sẽ lại là lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới, đứng đầu một tổ chức chính trị quyền lực nhất thế giới và chỉ huy một quân đội có ngân sách hàng năm lên tới hơn 200 tỷ đô la", Le Monde nhấn mạnh.
Theo các phân tích của giới quan sát chính trị Trung Quốc, với việc sửa đổi Hiến pháp, ông Tập cận Bình sẽ lãnh đạo Trung Quốc suốt đời, nếu có sự thay đổi nào ở kỳ Đại hội này thì đó là những thay đổi sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo cấp dưới. Tất cả những việc này đã diễn ra trong hậu trường từ nhiều tháng qua.
Le Monde ghi nhận, theo giới quan sát, kết quả nhiệm kỳ vừa qua của ông Tập Cận Bình không thể nói là tích cực được. Tăng trưởng kinh tế giảm liên tiếp nhiều năm, chính sách Zero Covid thất bại, dự án "Con đường tơ lụa mới" bị sa lầy, ngoại giao thì bị phần lớn các nước trên thế giới nhìn nhận là hung hăng, chính sách đàn áp ở Tân Cương cũng như ở Hồng Kông bị dư luận phương Tây lên án dữ dội. Giới quan sát nhận thấy Tập Cận Bình là "một nhà tư tưởng làm cô lập Trung Quốc với phần còn lại của thế giới".
Đảng cộng sản Trung Quốc lo sợ tầng lớp trung lưu bị nghèo đi
Trong một bài viết cùng chủ đề, Le Monde ghi nhận một thực tế là gần đến ngày diễn ra Đại hội Đảng, hiện tại chế độ Trung Quốc đang lo ngại những căng thẳng xã hội bùng lên do những bê bối trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản gần đây, do kinh tế giảm tốc. Từ lâu nay tăng trưởng kinh tế đã giúp Trung Quốc che lấp được nhiều vấn đề xã hội, nhưng giờ đây kinh tế Trung Quốc không còn có thể tăng trưởng mạnh như trước nữa.
Tờ báo nhận thấy, cách đây 30 thập kỷ, năm 1992, để dân chúng quên đi vụ đàn áp đẫm máu phong trào sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Đặng Tiểu Bình đã hô hào người dân quay lưng lại với chủ nghĩa Mao với khẩu hiệu "làm giầu là vinh quang". Nhưng sau ba thập kỷ phát triển kinh tế ngoạn mục, những người kế tục Đặng Tiểu Bình đang phải đối mặt với thách thức mới mang tính sống còn cho Đảng cộng sản : Làm sao tránh để tầng lớp trung lưu ra đời từ những năm tháng vẻ vang vừa qua không bị nghèo đi.
Anh Vũ
Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev qua đời
Anh Vũ, RFI, 31/08/2022
Hãng tin Nga TASS đưa tin, ông Mikhail Gorbachev, lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô cũ, giải Nobel Hòa Bình 1990, đã qua đời ngày 30/08/2022 tại Nga, thọ 91 tuổi. Nhiều chính khách quốc tế đã bày tỏ xúc động trước sự ra đi của một chính trị gia được đánh giá như là nhà kiến tạo kỷ nguyên hòa dịu Đông - Tây sau nhiều thập kỷ chiến tranh lạnh.
Cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tới dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng phát xít Đức, tại Quảng trường Đỏ, Moskva, Nga, ngày 09/05/2019. Reuters - Maxim Shemetov
Hãng thông tấn Nga dẫn thông cáo của Bệnh viện trung ương, trực thuộc phủ tổng thống Nga, cho biết tối ngày 30/08/2022, cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã qua đời ở tuổi 91 sau một thời gian dài bị bệnh nặng.
Lãnh đạo Liên bang Xô Viết năm 1985, Mikhail Gorbachev đã khởi xướng hàng loạt các cải cách chính trị và kinh tế nhằm hiện đại hóa và dân chủ hóa một liên bang đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Được đánh giá có nhiều đóng góp quyết định làm chấm dứt đối đầu Đông- Tây kéo dài gần nửa thế kỷ, năm 1990 ông được trao giải Nobel Hòa bình. Một năm sau đó ông từ chức tổng thống Liên Xô, kéo theo sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết.
Rút khỏi chính trường, Mikhail Gorbachev vẫn tiếp tục các hoạt động ở nước ngoài, thường xuyên kêu gọi Moskva và Washington đối thoại để bảo đảm an ninh thế giới, cắt giảm vũ trang. Đó cũng là những nỗ lực mà ông đã làm thành công với nhiều lãnh đạo phương Tây và đặc biệt là với cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan từ 1985 đến khi Liên Xô tan rã.
Khoảng 10 năm trở lại đây, Mikhail Gorbachev ít khi xuất hiện hay lên tiếng về các vấn đề thời sự quốc tế lớn. Lần gần đây nhất, liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, hôm 26/02, quỹ Mikhail Gorbachev có ra thông cáo kêu gọi "chấm dứt các hành động thù địch" tại Ukraine và "đối thoại hòa bình ngay lập tức".
Ngay sau khi có tin ông qua đời, nhiều chính khách quốc tế đã bày tỏ xúc động. Tổng thư Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gọi Mikhail Gorbachev là "nguyên thủ Nhà nước duy nhất đã làm thay đổi dòng chảy lịch sử". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng twitter ca ngợi ông "một con người hòa bình mà sự lựa chọn của mình đã mở ra con đường tự do cho người Nga".
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen thì ca ngợi Gorbachev là "một lãnh đạo đáng được tin cậy và tôn trọng và đã mở đường cho một Châu Âu tự do". Trong một thông cáo ra hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá ông là một "lãnh đạo hiếm hoi" can đảm đã cống hiến sự nghiệp vì "một thế giới an toàn và tự do hơn cho hàng triệu người".
Còn tại Moskva, phát ngôn viên điện Kremlin dẫn lời tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chia buồn sâu sâu sắc đến gia đình và người thân của ông Mikhail Gorbachev.
Được phương Tây ca tụng nhiều, nhưng tại Nga, từ sau khi Liên Xô sụp đổ, vai trò của chính trị của Gorbachev vẫn gây nhiều tranh cãi. Có luồng dư luân cho rằng ông là người có công mang lại tự do ngôn luận, thì cũng không ít người cho rằng ông là người đã phá vỡ sự hùng cường của một liên bang, một điều sỉ nhục đối với nước Nga.
Tại Trung Quốc, Gorbachev không bao giờ được coi là hình mẫu hay được ngưỡng mộ. Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :
Không thể nói là Mikhail Gorbachev là đối tượng được ngưỡng mộ tại Trung Quốc sáng nay. Tin cựu lãnh đạo Liên Xô qua đời được truyền thông Nhà nước đưa tin một cách tản mạn. Tân Hoa Xã trở lại với thời điểm quan trọng trong đời ông với bức ảnh minh họa là nụ cười chia sẻ với tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1987.
Trái lại, không có một bức ảnh nào về chuyến thăm của Gorbachev tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh vào năm 1989, vào thời điểm mà phong trào sinh viên Trung Quốc đang tập họp biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn. Một chuyến đi tuy nhiên định hình lịch sử đồng thời giúp lãnh đạo Liên Xô càng vững tin vào chính sách cải tổ và mở cửa với tên gọi nổi tiếng "Perestroika".
Đường lối này được Đặng Tiểu Bình đánh giá là chính sách "phá hoại". Cựu lãnh đạo Trung Quốc còn đánh giá đồng nhiệm Liên Xô là "ngu dốt" bởi vì ông Gorbachev đã đặt cải tổ chính trị lên trước phát triển kinh tế.
Hơn ba thập kỷ sau, Mikhail Gorbachev vẫn ám ảnh của Tập Cận Bình và những người ủng hộ chủ trướng "đại phục hưng dân tộc Trung Hoa". Tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết : "Sự tôn thờ ngây ngô, non nớt và mù quáng của Gorbachev đối với hệ thống phương Tây đã dẫn đến việc đại cường Liên Bang Xô Viết đánh mất sự độc lập. Đó là là bài học lớn cho sự lãnh đạo đất nước Trung Quốc".
*************************
Mikhail Gorbachev, người chấm dứt Chiến tranh lạnh, qua đời ở tuổi 92
Reuters, VOA, 31/08/2022
Ông Mikhail Gorbachev, người chấm dứt Chiến tranh lạnh không cần đổ máu nhưng không ngăn được sự sụp đổ của Liên Xô, qua đời ngày 30/8 ở tuổi 92, các hãng thông tấn Nga dẫn nguồn tin từ bệnh viện cho biết.
Ông Mikhail Gorbachev, tổng thống cuối cùng của Liên Xô.
Ông Gorbachev, tổng thống cuối cùng của Liên Xô, đạt được các thỏa thuận cắt giảm vũ khí với Hoa Kỳ và các thỏa thuận hợp tác với các cường quốc phương Tây để xóa bỏ Bức Màn Sắt chia cắt Châu Âu từ Đệ nhị Thế chiến và mang lại sự hợp nhất của nước Đức.
Khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lan tràn khắp các nước cộng sản thuộc khối Liên Xô ở Đông Âu năm 1989, ông Gorbachev không dùng vũ lực trấn áp – khác với những nhà lãnh đạo Liên Xô trước đó từng đưa xe tăng đến đập tan các cuộc nổi dậy ở Hungary vào năm 1956 và ở Tiệp Khắc vào năm 1968.
Nhưng các cuộc biểu tình đã thúc đẩy khát vọng tự trị ở 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết, vốn tan rã trong vòng hai năm sau đó trong tình trạng hỗn loạn.
Ông Gorbachev đã đấu tranh trong vô vọng để ngăn chặn sự sụp đổ đó.
Khi trở thành tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô năm 1985, lúc 54 tuổi, ông đã đặt ra mục tiêu phục hồi hệ thống bằng cách đưa ra các quyền tự do chính trị và kinh tế hạn chế, nhưng các cải cách của ông đã vượt quá tầm kiểm soát.
Chính sách ‘glasnost’- tự do ngôn luận – của ông cho phép chỉ trích đảng cộng sản và nhà nước, điều vốn là không tưởng trước đó. Chính sách này cũng khiến người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh dạn đòi độc lập cho các nước cộng hoà vùng Baltic là Latvia, Lithuania, Estonia và những nơi khác.
Nhiều người Nga không bao giờ tha thứ cho Gorbachev về sự hỗn loạn mà các cải cách của ông đã gây ra. Họ cho rằng đời sống bị xuống cấp để đổi lấy nền dân chủ là cái giá quá đắt.
Sau khi đến thăm Gorbachev trong bệnh viện hôm 30 tháng 6, nhà kinh tế tự do Ruslan Grinberg tuyên bố với mạng lưới truyền hình quốc doanh Zvezda rằng : "Ông ấy đã cho chúng ta tự do – nhưng chúng ta không biết phải làm gì với nó".
************************
Phản ứng quốc tế sau khi ông Gorbachev, lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, từ trần
Reuters, VOA, 31/08/2022
Ông Mikhail Gorbachev - cựu tổng thống Liên Xô, người đã kết thúc Chiến tranh Lạnh mà không gây đổ máu nhưng không ngăn chặn được sự sụp đổ của Liên Xô - đã qua đời hôm 30/8 ở tuổi 91, các quan chức bệnh viện ở Moscow cho biết.
Ông Mikhail Gorbachev, cựu tổng thống Liên Xô.
Dưới đây là một số phản ứng từ khắp nơi trên thế giới do Reuters tổng hợp :
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời phát ngôn viên Dmitry Peskov của ông Putin bày tỏ "lời chia buồn sâu sắc nhất". "Ngày mai, ông [Putin] sẽ gửi một bức điện chia buồn tới gia đình và bạn bè của ông ấy [Gorbachev]", ông Peskov cho biết.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
"Ông Mikhail Gorbachev là một người có tầm nhìn nổi bật... Trên cương vị là nhà lãnh đạo của Liên Xô, ông ấy đã làm việc với Tổng thống Reagan để giảm kho vũ khí hạt nhân của hai nước chúng ta ... Sau nhiều thập kỷ đàn áp chính trị tàn bạo, ông ấy đã chấp nhận các cải cách dân chủ".
"Kết quả là một thế giới an toàn hơn và tự do hơn cho hàng triệu người".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres
Ông Gorbachev là "một chính khách có một không hai, người đã thay đổi tiến trình lịch sử. Ông ấy đã làm nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào khác để đưa Chiến tranh Lạnh kết thúc một cách hòa bình".
"Thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo toàn cầu cao cả, một người theo chủ nghĩa đa phương đầy tâm huyết và người ủng hộ hòa bình không mệt mỏi".
Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel
"Ông Mikhail Gorbachev đã viết nên lịch sử thế giới. Ông ấy đã minh chứng về cách thức một chính khách duy nhất có thể thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn".
"Tôi vẫn có thể cảm thấy nỗi sợ hãi mà tôi, giống như nhiều người ở Cộng hòa Dân chủ Đức, vào năm 1989, tự hỏi liệu xe tăng có nghiến xích trở lại. Nhưng không có xe tăng nào nghiến xích cả, không có phát súng nào được bắn ra hết…".
"Thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo thế giới độc nhất vô nhị. Mong rằng kỷ niệm về thành tựu lịch sử của ông ấy có thể khiến chúng ta tạm dừng lại một chút, đặc biệt là trong những tuần và tháng khủng khiếp này của cuộc chiến của Nga đánh vào Ukraine".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz
"Chúng tôi sẽ không quên rằng chính sách perestroika (tái cấu trúc) đã giúp Nga có thể cố gắng thực hiện việc thiết lập một nền dân chủ, rằng dân chủ và tự do có thể có ở Châu Âu, rằng nước Đức có thể được thống nhất, rằng Bức màn sắt đã biến mất".
"Ông ấy qua đời vào thời điểm không chỉ nền dân chủ ở Nga đã thất bại... mà còn vào lúc nước Nga và Tổng thống Nga Putin đã đào những nấm mồ mới ở Châu Âu và bắt đầu một cuộc chiến khủng khiếp".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Ông Gorbachev là "một con người của hòa bình, người có những lựa chọn đã mở ra con đường tự do cho người Nga. Cam kết của ông ấy đối với hòa bình ở Châu Âu đã thay đổi lịch sử chung của chúng ta".
Chủ tịch EC Ursula Von Der Leyen
"Ông Mikhail Gorbachev là một nhà lãnh đạo đáng tin cậy và được kính trọng. Ông ấy đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kết thúc Chiến tranh Lạnh và hạ gục Bức màn Sắt. Nó đã mở ra con đường cho một Châu Âu tự do... Di sản này là một trong những điều chúng tôi sẽ không quên".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
"Những cải cách lịch sử của ông Mikhail Gorbachev đã dẫn đến sự tan rã của Liên Xô, giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh và mở ra khả năng hợp tác giữa Nga và NATO. Tầm nhìn của ông về một thế giới tốt đẹp hơn vẫn còn là một tấm gương".
Thủ tướng Anh Boris John
"Tôi luôn ngưỡng mộ lòng dũng cảm và sự chính trực mà ông ấy đã thể hiện trong việc đưa Chiến tranh Lạnh đến một kết thúc hòa bình... Trong thời kỳ Putin gây hấn ở Ukraine, cam kết không mệt mỏi của ông ấy trong việc mở cửa xã hội Xô Viết vẫn là một tấm gương cho tất cả chúng ta".
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida
"Ông ấy đã để lại thành tựu to lớn với tư cách là nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân".
Thủ tướng Australia Anthony Albanese
"Ông Mikhail Gorbachev là một người đàn ông ấm áp, hy vọng, quyết tâm và can đảm to lớn, và trong một thế giới bị chia rẽ sâu sắc, ông ấy có động lực là bản năng hợp tác và đoàn kết".
Gorbachev qua đời : Truyền thông Trung Quốc đưa tin tản mạn
Anh Vũ, RFI, 31/08/2022
Tại Trung Quốc, Gorbachev không bao giờ được coi là hình mẫu hay được ngưỡng mộ. Hoàn Cầu thời báo còn cáo buộc sự "tôn thờ ngây ngô, mù quáng" phương Tây của Gorbachev đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.
Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tiếp nguyên thủ Liên Xô Mikhail Gorbachev, tại Đại Lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/05/1989. Associated Press - Boris Yurchenko
Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :
Không thể nói Mikhail Gorbachev là đối tượng được ngưỡng mộ tại Trung Quốc sáng nay. Tin cựu lãnh đạo Liên Xô qua đời được truyền thông Nhà nước đưa tin một cách tản mạn. Tân Hoa Xã trở lại với thời điểm quan trọng trong đời ông với bức ảnh minh họa là nụ cười chia sẻ với tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1987.
Trái lại, không có một bức ảnh nào về chuyến thăm của Gorbachev tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh năm 1989, vào thời điểm mà sinh viên Trung Quốc đang tập hợp biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn. Một chuyến đi tuy nhiên định hình lịch sử đồng thời giúp lãnh đạo Liên Xô càng vững tin vào chính sách cải tổ và mở cửa với tên gọi nổi tiếng "Perestroika".
Đặng Tiểu Bình đánh giá đường lối này là chính sách "phá hoại". Cựu lãnh đạo Trung Quốc còn coi đồng nhiệm Liên Xô là "ngu dốt", bởi vì theo ông, Gorbachev đã đặt cải tổ chính trị lên trước phát triển kinh tế.
Hơn ba thập kỷ sau, Mikhail Gorbachev vẫn ám ảnh Tập Cận Bình và những người ủng hộ chủ trương "đại phục hưng dân tộc Trung Hoa". Tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết : "Sự tôn thờ ngây ngô, non nớt và mù quáng của Gorbachev đối với hệ thống phương Tây đã dẫn đến việc đại cường Liên Bang Xô Viết đánh mất sự độc lập. Đó là bài học lớn cho sự lãnh đạo đất nước Trung Quốc".