Đại sứ Hoa Kỳ kêu gọi Nhật giúp bổ sung kho phi đạn Mỹ
AP, VOA, 11/06/2024
Hoa Kỳ cần sự giúp đỡ của Nhật Bản để nhanh chóng bổ sung kho phi đạn khi xung đột ở Trung Đông và Ukraine tiếp tục diễn ra và Washington đang tìm cách duy trì khả năng răn đe của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản tuyên bố ngày 10/6.
Đại sứ Mỹ tại Nhật Rahm Emanuel ngày 10/6 nói : "Rõ ràng là cơ sở công nghiệp quân sự của Hoa Kỳ không thể đáp ứng tất cả những thách thức chiến lược mà chúng tôi gặp phải.."..
Đại sứ Rahm Emanuel nói : "Rõ ràng là cơ sở công nghiệp quân sự của Hoa Kỳ không thể đáp ứng tất cả những thách thức chiến lược mà chúng tôi gặp phải cũng như các cam kết mà chúng tôi có".
Ông phát biểu khi Nhật Bản và Mỹ tổ chức cuộc đàm phán đầu tiên nhằm tăng tốc hợp tác công nghiệp quân sự, hai tháng sau thỏa thuận hồi tháng 4 giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Mục tiêu ở đây không phải là có thêm nhiều cuộc họp. Mục tiêu là sản xuất", ông Emanuel nói.
Đại sứ Mỹ cho biết thêm : "Những kẻ muốn gây hại cho Hoa Kỳ sẽ không chờ đợi năng lực công nghiệp của chúng tôi tự tăng lên".
Đại sứ cho rằng năng lực đóng tàu của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và việc sửa chữa các tàu Hải quân và máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ được triển khai trong khu vực tại Nhật Bản có thể giải phóng năng lực công nghiệp của Hoa Kỳ để tập trung đóng tàu mới.
Cuộc đàm phán tuần này tại Tokyo diễn ra giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Mua sắm và Bảo trì William LaPlante và nhân vật đồng cấp phía Nhật Bản, Masaki Fukasawa, người đứng đầu Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã đồng ý thành lập các nhóm làm việc để cùng sản xuất phi đạn cũng như bảo trì và sửa chữa các tàu Hải quân và máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ trong khu vực. Cũng sẽ có một nhóm để thảo luận về một chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn.
Nhật Bản vào tháng 12 năm ngoái đã nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vũ khí để đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc vận chuyển phi đạn đánh chặn đất đối không PAC-3 được sản xuất tại Nhật Bản theo giấy phép của Mỹ để bổ sung cho kho của Mỹ vốn đã bị giảm do hỗ trợ Ukraine.
AP
************************
Nhật Bản đóng tàu tuần tra đa năng lớn nhất đến nay để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông
VOA, 11/06/2024
Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản (JCG) vừa công bố kế hoạch đóng tàu tuần tra đa năng lớn nhất từ trước đến nay, Japan News và Marine in Sight cho biết hôm 8 và 10/6.
Tàu Tuần duyên Nhật Bản Akitsushima thao dượt cùng lực lượng của Philippines (ảnh tư liệu).
Chương trình đầy tham vọng này nhằm mục đích cải thiện khả năng hàng hải của Nhật Bản, đặc biệt là để chống lại các tàu Trung Quốc thường xâm phạm lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku trong vòng tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Con tàu mới sẽ lớn hơn các tàu hiện có của JCG và nó sẽ vận hành như một căn cứ ngoài khơi có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến khác nhau, theo tin của Japan News và Marine in Sight.
Hai trang tin này dẫn những nguồn tin ở trong Tuần duyên Nhật nói rằng con tàu mới sẽ có những tính năng đáng kinh ngạc, như có thể mang 3 máy bay trực thăng và hàng chục xuồng cao su cao tốc.
Các tài liệu của chính phủ cho thấy con tàu dài 200 mét này sẽ có tổng trọng tải lớn gấp ít nhất 3 lần so với tàu tuần tra lớn nhất trong hạm đội hiện nay của JCG, Japan News và Marine in Sight cho hay.
Kế hoạch đóng tàu, nằm trong dự thảo ngân sách cho năm tài chính 2025, viết rằng con tàu này dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm tài chính 2029, và cũng có kế hoạch sẽ đóng con tàu thứ hai, theo trích dẫn trên Japan News và Marine in Sight.
Mục tiêu chính của chương trình là tăng cường khả năng của Nhật Bản nhằm chống lại hành vi vũ lực của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là gần quần đảo Senkaku.
Các quan chức chính phủ Nhật Bản lâu nay thường đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ Trung Quốc xâm lược các quần đảo trong tương lai, với tiên liệu rằng những cuộc xâm nhập như vậy có thể gắn với một lực lượng đổ bộ gồm nhiều tàu nhỏ.
Tàu tuần tra đa năng mới của Nhật sẽ được bố trí ở vị trí chiến lược để triển khai các tàu nhỏ hơn đồng thời duy trì sự hiện diện có tính răn đe mạnh mẽ, tin của Japan News và Marine in Sight viết.
Ngoài khả năng phòng thủ, con tàu sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ cứu trợ và sơ tán khi có thảm họa, như vậy, nó cũng rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và an ninh cho công dân Nhật Bản.
Tàu có thể giải cứu người dân khỏi các hòn đảo biệt lập gần Đài Loan trong trường hợp khẩn cấp.
Việc đóng tàu tuần tra mới phù hợp với mục tiêu lớn của Nhật Bản là cải thiện sự phối hợp giữa lực lượng phòng vệ nước này và JCG nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh và khủng hoảng nhân đạo.
Vào năm 2023, chính phủ Nhật Bản đã ban hành các quy tắc thiết lập quy trình hợp tác giữa hai cơ quan, nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể của JCG, chẳng hạn như sơ tán cư dân và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Mặc dù dự án đã gây ra tranh cãi nội bộ trong Lực lượng Tuần duyên với những lo ngại về phân bổ nguồn lực và nguy cơ làm Trung Quốc tức tối, nhưng đây vẫn được coi là một bước cần thiết để tăng cường khả năng an ninh hàng hải của Nhật Bản.
Nguồn : VOA, 11/06/2024
Trong tuần thứ hai của tháng 4, lãnh đạo hai nước Mỹ, Nhật nâng cấp quan hệ ở tầm cỡ lịch sử để đáp lại một nước Trung Quốc ngày càng giàu mạnh và hung hang. Washington và Tokyo chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh nhưng cũng đẩy mạnh hợp tác về kinh tế có nhiều ảnh hưởng đến châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Giáo sư Tiến sĩ Khương Hữu Lộc sẽ đi sâu vào chủ để này trên VOA.
Nguồn : VOA, 19/4/2024
Trung Quốc hôm 30/07/2020, thông báo đã cho tiến hành những cuộc tập trận trên không "với cường độ cao" ở Biển Đông. Động thái của Bắc Kinh được cho là một tín hiệu gởi đến Mỹ, đã từng gởi hai tàu sân bay đến khu vực để phô trương uy lực.
Trong cuộc họp báo định kỳ hàng tháng trực tuyến, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết không lực của Hải Quân Trung Quốc "mới đây" đã thao diễn "với cường độ cao" cùng với các loại oanh tạc cơ H-6G, H-6J cũng như phi cơ khác ở Biển Đông.
Phát ngôn viên này nói rõ là máy bay Trung Quốc tham gia tập trận đã "cất cánh và hạ cánh ban ngày cũng như ban đêm, tiến hành những cuộc oanh kích tầm xa hoặc tấn công vào những mục tiêu trên biển" và các bài tập đã "đạt được mục đích chờ đợi". Tuy nhiên, địa điểm cụ thể tập trận không được thông báo.
Theo hãng tin Pháp AFP, động thái tập trận của Trung Quốc là một tín hiệu rõ ràng gởi đến phía Mỹ, trong cuộc đọ sức ngày càng thêm gay gắt giữa hai bên, đặc biệt là sau khi Mỹ bất ngờ gởi hai tàu sân bay đến Biển Đông vào đầu tháng 7.
Bên cạnh đó, trên mặt ngoại giao, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vào trung tuần tháng 7, cũng nói thẳng quan điểm của Hoa Kỳ, xem yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, trong lúc cho đến trước đây Mỹ vẫn giữ thái độ trung lập.
Vào hôm qua, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã mỉa mai là "Hoa Kỳ muốn đóng vai trò trọng tài, nhưng lại chỉ phá hoại hòa bình". Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper, tuần qua thông báo là ông muốn đến Trung Quốc trước cuối năm 2020 với hy vọng làm dịu tình hình.
Với lời lẽ cứng rắn khác thường, Malaysia ngày 29/07/2020 lại gửi công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nội dung bác bỏ "quyền lịch sử" mà Trung Quốc tự nhận là họ có trên Biển Đông dựa theo bản đồ "Đường 9 đoạn" do chính họ vẽ ra.
Trong công hàm, Malaysia đã khẳng định bác bỏ "toàn bộ nội dung" của một công hàm khác mà Trung Quốc đã gởi lên Liên Hiệp Quốc ngày 12/12/2019, trong đó Bắc Kinh cho rằng Kuala Lumpur không có quyền đề nghị kéo dài thềm lục địa của Malaysia ở khu vực phía bắc nước này.
Công hàm ngày 29/07 của chính quyền Kuala Lumpur nhấn mạnh rằng đề nghị của Malaysia hoàn toàn phù hợp với quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Văn kiện của Malaysia gởi lên Liên Hiệp Quốc nói rõ : "Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán, liên quan tới khu vực hàng hải trên Biển Đông nằm trong ‘đường chín đoạn’".
Đối với Malaysia, các yêu sách của Trung Quốc đã "đi ngược lại UNCLOS và không có tác động pháp lý vì đã vượt quá phạm vi địa lý và ranh giới thực chất mà Trung Quốc được hưởng theo công ước".
Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, một chuyên gia về lập trường Biển Đông của Kuala Lumpur cho rằng dù công hàm ngày 29/07 của Malaysia có lời lẽ cứng rắn bất ngờ, nhưng nội dung văn kiện này vẫn phản ánh quan điểm từ trước đến nay của Malaysia là bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sự kiện Malaysia gởi công hàm phản đối Trung Quốc là diễn biến mới nhất trong điều được các nhà quan sát gọi là "cuộc chiến công hàm về Biển Đông", hiện đang diễn ra trong bối cảnh các yêu sách quá đáng của Trung Quốc liên tục bị tố cáo và bác bỏ trước Liên Hiệp Quốc.
Ngoài Malaysia, các nước khác như Indonesia, Philippines, Việt Nam Hoa Kỳ và Úc cũng đã gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc.
Mai Vân
*********************
Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật Bản ngày 29/07/2020 đã cho biết sẽ giúp Tokyo giám sát các hành vi xâm nhập nhiều "chưa từng thấy" của tàu Trung Quốc vào vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, hiện do Nhật kiểm soát, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Cam kết được đưa ra vào lúc tàu đánh cá Trung Quốc bị tình nghi là sẽ tràn ngập vùng biển Nhật Bản.
Phát biểu nhân một cuộc họp báo trực tuyến, tướng Kevin Schneider khẳng định : "Hoa Kỳ cam kết sẽ giúp đỡ chính phủ Nhật Bản 100% để giải quyết tình hìnhở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư".
Theo vị tư lệnh Mỹ, nếu trước đây tàu Trung Quốc chỉ ra vào khu vực tranh chấp vài lần mỗi tháng, thì giờ đây "ta thấy là các chiếc tàu đó thực sự là ồ ạt tiến vào và thách thức quyền quản lý của Nhật Bản".
Lực lượng tàu thuyền Trung Quốc bao gồm những đội tàu cá có khả năng sẽ tràn ngập vùng Senkaku/Điếu Ngư sau khi lệnh cấm đánh cá hàng năm mà Bắc Kinh áp đặt hết hiệu lực từ ngày 15/08 tới đây. Kèm theo đội tàu này là các tàu dân quân biển đội lốt tàu cá, được tàu hải cảnh, thậm chí tàu hải quân Trung Quốc đi theo bảo vệ.
Tướng Schneider đã tuyên bố như trên trong bối cảnh bản thân ông, cũng như nhiều quan chức cao cấp khác của Hoa Kỳ, đã chỉ trích Bắc Kinh lợi dụng lúc dịch Covid-19 đang hoành hành ở Châu Á để đẩy mạnh các hoạt động áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại cả vùng Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.
Tư lệnh Mỹ không ngần ngại đánh giá rằng Trung Quốc đã có những hành vi "hung hăng và thâm hiểm".
Không đầy một tiếng đồng hồ sau tuyên bố của phía Mỹ, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng nhắc lại rằng "tất cả các đảo trong khu vực tranh chấp đều là lãnh thổ Trung Quốc" và kêu gọi các bên "duy trì sự ổn định trong khu vực".
Trọng Nghĩa