Đại sứ Hoa Kỳ kêu gọi Nhật giúp bổ sung kho phi đạn Mỹ
AP, VOA, 11/06/2024
Hoa Kỳ cần sự giúp đỡ của Nhật Bản để nhanh chóng bổ sung kho phi đạn khi xung đột ở Trung Đông và Ukraine tiếp tục diễn ra và Washington đang tìm cách duy trì khả năng răn đe của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản tuyên bố ngày 10/6.
Đại sứ Mỹ tại Nhật Rahm Emanuel ngày 10/6 nói : "Rõ ràng là cơ sở công nghiệp quân sự của Hoa Kỳ không thể đáp ứng tất cả những thách thức chiến lược mà chúng tôi gặp phải.."..
Đại sứ Rahm Emanuel nói : "Rõ ràng là cơ sở công nghiệp quân sự của Hoa Kỳ không thể đáp ứng tất cả những thách thức chiến lược mà chúng tôi gặp phải cũng như các cam kết mà chúng tôi có".
Ông phát biểu khi Nhật Bản và Mỹ tổ chức cuộc đàm phán đầu tiên nhằm tăng tốc hợp tác công nghiệp quân sự, hai tháng sau thỏa thuận hồi tháng 4 giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Mục tiêu ở đây không phải là có thêm nhiều cuộc họp. Mục tiêu là sản xuất", ông Emanuel nói.
Đại sứ Mỹ cho biết thêm : "Những kẻ muốn gây hại cho Hoa Kỳ sẽ không chờ đợi năng lực công nghiệp của chúng tôi tự tăng lên".
Đại sứ cho rằng năng lực đóng tàu của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và việc sửa chữa các tàu Hải quân và máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ được triển khai trong khu vực tại Nhật Bản có thể giải phóng năng lực công nghiệp của Hoa Kỳ để tập trung đóng tàu mới.
Cuộc đàm phán tuần này tại Tokyo diễn ra giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách Mua sắm và Bảo trì William LaPlante và nhân vật đồng cấp phía Nhật Bản, Masaki Fukasawa, người đứng đầu Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã đồng ý thành lập các nhóm làm việc để cùng sản xuất phi đạn cũng như bảo trì và sửa chữa các tàu Hải quân và máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ trong khu vực. Cũng sẽ có một nhóm để thảo luận về một chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn.
Nhật Bản vào tháng 12 năm ngoái đã nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vũ khí để đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc vận chuyển phi đạn đánh chặn đất đối không PAC-3 được sản xuất tại Nhật Bản theo giấy phép của Mỹ để bổ sung cho kho của Mỹ vốn đã bị giảm do hỗ trợ Ukraine.
AP
************************
Nhật Bản đóng tàu tuần tra đa năng lớn nhất đến nay để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông
VOA, 11/06/2024
Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản (JCG) vừa công bố kế hoạch đóng tàu tuần tra đa năng lớn nhất từ trước đến nay, Japan News và Marine in Sight cho biết hôm 8 và 10/6.
Tàu Tuần duyên Nhật Bản Akitsushima thao dượt cùng lực lượng của Philippines (ảnh tư liệu).
Chương trình đầy tham vọng này nhằm mục đích cải thiện khả năng hàng hải của Nhật Bản, đặc biệt là để chống lại các tàu Trung Quốc thường xâm phạm lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku trong vòng tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Con tàu mới sẽ lớn hơn các tàu hiện có của JCG và nó sẽ vận hành như một căn cứ ngoài khơi có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến khác nhau, theo tin của Japan News và Marine in Sight.
Hai trang tin này dẫn những nguồn tin ở trong Tuần duyên Nhật nói rằng con tàu mới sẽ có những tính năng đáng kinh ngạc, như có thể mang 3 máy bay trực thăng và hàng chục xuồng cao su cao tốc.
Các tài liệu của chính phủ cho thấy con tàu dài 200 mét này sẽ có tổng trọng tải lớn gấp ít nhất 3 lần so với tàu tuần tra lớn nhất trong hạm đội hiện nay của JCG, Japan News và Marine in Sight cho hay.
Kế hoạch đóng tàu, nằm trong dự thảo ngân sách cho năm tài chính 2025, viết rằng con tàu này dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm tài chính 2029, và cũng có kế hoạch sẽ đóng con tàu thứ hai, theo trích dẫn trên Japan News và Marine in Sight.
Mục tiêu chính của chương trình là tăng cường khả năng của Nhật Bản nhằm chống lại hành vi vũ lực của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là gần quần đảo Senkaku.
Các quan chức chính phủ Nhật Bản lâu nay thường đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ Trung Quốc xâm lược các quần đảo trong tương lai, với tiên liệu rằng những cuộc xâm nhập như vậy có thể gắn với một lực lượng đổ bộ gồm nhiều tàu nhỏ.
Tàu tuần tra đa năng mới của Nhật sẽ được bố trí ở vị trí chiến lược để triển khai các tàu nhỏ hơn đồng thời duy trì sự hiện diện có tính răn đe mạnh mẽ, tin của Japan News và Marine in Sight viết.
Ngoài khả năng phòng thủ, con tàu sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ cứu trợ và sơ tán khi có thảm họa, như vậy, nó cũng rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và an ninh cho công dân Nhật Bản.
Tàu có thể giải cứu người dân khỏi các hòn đảo biệt lập gần Đài Loan trong trường hợp khẩn cấp.
Việc đóng tàu tuần tra mới phù hợp với mục tiêu lớn của Nhật Bản là cải thiện sự phối hợp giữa lực lượng phòng vệ nước này và JCG nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh và khủng hoảng nhân đạo.
Vào năm 2023, chính phủ Nhật Bản đã ban hành các quy tắc thiết lập quy trình hợp tác giữa hai cơ quan, nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể của JCG, chẳng hạn như sơ tán cư dân và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Mặc dù dự án đã gây ra tranh cãi nội bộ trong Lực lượng Tuần duyên với những lo ngại về phân bổ nguồn lực và nguy cơ làm Trung Quốc tức tối, nhưng đây vẫn được coi là một bước cần thiết để tăng cường khả năng an ninh hàng hải của Nhật Bản.
Nguồn : VOA, 11/06/2024