Tổng thống Biden sẽ dỡ bỏ lệnh cấm Lữ đoàn Azov của Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ
Reuters, VOA, 11/06/2024
Hôm thứ Hai 10/6, báo Washington Post dẫn lời các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Biden sẽ dỡ bỏ lệnh cấm việc một đơn vị quân đội nhiều điều tiếng của Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ.
Các chiến binh thuộc Lữ đoàn Azov dự lễ tang của một đồng đội tử trận, 10/5/2024.
Bộ Ngoại giao đã hủy bỏ lệnh cấm kéo dài hàng thập kỷ đối với việc Lữ đoàn Azov sử dụng vũ khí và phương pháp huấn luyện của Mỹ sau khi một phân tích mới không thấy có bằng chứng nào về việc đơn vị này vi phạm nhân quyền, Washington Post viết.
"Sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiến hành rà soát kỹ lưỡng, Lực lượng đặc biệt số 12 thuộc Lữ đoàn Azov của Ukraine đã đáp ứng các điều kiện chuẩn thuận theo Luật Leahy", Bộ Ngoại giao nói trong một tuyên bố mà báo Washington Post nhận được. Bộ không trả lời ngay khi Reuters đề nghị đưa ra bình luận.
Luật Leahy cấm Mỹ cung cấp trợ giúp quân sự cho các đơn vị nước ngoài bị phát hiện có những vi phạm nhân quyền.
Trung đoàn Azov, có nguồn gốc cực hữu và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, là một phần trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine và phát triển từ một tiểu đoàn được thành lập vào năm 2014, họ chiến đấu chống lại phe ly khai được Nga hậu thuẫn, là phe đã tách ra thành các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Trung đoàn này được tôn vinh ở Ukraine vì đã bảo vệ đất nước trước cuộc xâm lược của Nga và đặc biệt là thành phố Mariupol ở miền nam Ukraine, nhưng họ bị Điện Kremlin của Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích.
Reuters
***************************
Hội nghị tái thiết Ukraine ở Đức: Phục hồi khẩn cấp lĩnh vực năng lượng bị Nga phá hủy
Trọng Thành, RFI, 11/06/2024
Hội nghị bàn về tái thiết Ukraine diễn ra trong hai ngày, 11/06 và 12/06/2024 tại Berlin, Đức, với sự tham gia của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trên mạng X hôm 10/06, tổng thống Ukraine nhấn mạnh : "Ưu tiên số một của chúng tôi là các giải pháp khẩn cấp cho lĩnh vực năng lượng".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong Hội nghị Tái thiết Ukraine, Berlin, Đức, ngày 11/06/2024. AP - Britta Pedersen
Tham dự hội nghị tái thiết Ukraine tại Berlin, có gần 600 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như năng lượng, y tế hay cơ sở hạ tầng, cùng đại diện nhiều quốc gia trong đó có 10 lãnh đạo chính phủ. Đây là hội nghị tái thiết Ukraine lần thứ ba và là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Hai hội nghị trước được tổ chức tại Thụy Sĩ (2022) và Anh (2023). Theo The Guardian, hội nghị tại Berlin sẽ chuyển hướng từ mục tiêu bàn việc tái thiết sau chiến tranh sang các mục tiêu khẩn cấp, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng mất điện dự kiến kéo dài trên quy mô lớn trong mùa đông.
Bà Mattia Nelles, giám đốc điều hành của Văn phòng Đức-Ukraine, kêu gọi : "Hãy ngừng nói về mục tiêu tái thiết dài hạn không gắn gì với thực tế. Ngoài việc cung cấp đủ vũ khí và đạn dược cho Ukraine, cũng cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống năng lượng vững chắc có khả năng phục hồi nhanh chóng. Với hơn 50% sản lượng năng lượng quốc gia bị phá hủy hiện nay, tình hình đang ngày càng nghiêm trọng".
Ukraine : Lãnh đạo cơ quan tái thiết từ chức để phản đối chính quyền
Tuy nhiên, thách thức với Ukraine không chỉ là các đầu tư về tài chính và phương tiện mà còn là tệ nạn tham nhũng. Trước thềm hội nghị tại Berlin, một diễn biến mới tại Kiev gây lo ngại cho các đối tác phương Tây. Hôm qua, 10/06, quan chức phụ trách tái thiết Ukraine, ông Mustafa Nayyem, quyết định từ chức, đồng thời cáo buộc chính quyền Zelensky ngăn cản ông thực thi phận sự.
Tường trình của thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev :
Cựu phóng viên Mustafa Nayyem, một hình tượng tiêu biểu của cuộc cách mạng Maidan, tham gia chính trị từ mười năm nay, với mục tiêu cải cách từ bên trong bộ máy hành chính công. Năm 2023, ông Mustafa Nayyem được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan tái thiết, phụ trách điều phối trợ giúp quốc tế, cho phép phục hồi các cơ sở hạ tầng của đất nước. Thách thức là rất lớn trong lĩnh vực này. Đầu tư cho các tái thiết lên đến hàng tỉ đô la, trong lúc các cơ quan chống tham nhũng kiểm soát sát sao việc sử dụng các khoản tiền khổng lồ này để đề phòng tham nhũng.
Vài giờ trước khi hội nghị tái thiết Ukraine tại Berlin khai mạc, chính quyền đã cấm Mustafa Nayyem đi Đức, nơi ông có kế hoạch gặp gỡ các nhà đầu tư cho công cuộc tái thiết. Vài giờ sau đó, Mustafa Nayyem đã quyết định từ chức để phản đối việc các hoạt động của ông bị cản trở.
Tại Kiev, mọi cặp mắt đang dồn về Andriy Yermak, nhân vật đầy quyền lực đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine. Andriy Yermak, bị cáo buộc là người thao túng các quyết định bổ nhiệm, tìm mọi cách để bố trí những người thân cận với phe tổng thống vào tất cả các vị trí quan trọng trong guồng máy quyền lực.
Đối với các tổ chức thuộc xã hội dân sự, vụ việc rất nghiêm trọng. Nhiều người lo ngại là những nhân vật thân cận với ông Zelensky quyết định can thiệp vào mọi lĩnh vực, có nguy gây ra các hiện tượng tham nhũng, thiên vị trong việc phân bổ các hợp đồng tái thiết.
Trọng Thành