Ngày 05/01/2018, một quan chức Hoa Kỳ xin giấu tên cho biết Washington có thể "ngưng cấp một khoản viện trợ lên tới 2 tỷ đô la cho Pakistan". Lý do : Mỹ chỉ trích chính quyền Islamabad lơ là trong mục tiêu chống khủng bố, quá "khoan nhượng với các nhóm nổi dậy như Taliban tại Afghanistan hay tổ chức mang tên Haqqani".
Dân Pakistan biểu tình chống chính quyền Trump tại Peshawar, Pakistan ngày 05/01/2018 - Reuters/Fayaz Aziz
Vẫn nguồn tin trên còn để ngỏ khả năng Hoa Kỳ xét lại việc từng công nhận Pakistan là một "đồng minh quan trọng của Mỹ ngoài khối NATO". Quy chế đặc biệt này từng được cựu tổng thống George W. Bush ban hành năm 2004.
Tuyên bố cứng rắn như trên của một quan chức Mỹ được đưa ra một ngày sau khi bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nêu lên khả năng trừng phạt Islamabad và vài hôm sau khi tổng thống Donald Trump qua mạng xã hội Twitter với lời lẽ không mấy ngoại giao, cho rằng : "Nước Mỹ đã dại dột trao cho Pakistan 33 tỷ đô la trong 15 năm qua mà không thu hoạch được một thành quả nào ngoài sự dối trá và lừa bịp. (Pakistan) chứa chấp quân khủng bố mà chúng ta đã đánh đuổi khỏi Afghanistan".
Trước mắt chính quyền Pakistan phản ứng thận trọng về những tuyên bố nói trên của Hoa Kỳ. Islamabad đánh giá việc cắt viện trợ mang tính "phản tác dụng" nhưng đồng thời cho biết là bộ Ngoại Giao hai nước làm việc "chặt chẽ với nhau".
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng James Mattis cũng thận trọng cho rằng, quyết định của Washington vẫn có thể được xét lại nếu như Pakistan có thái độ dứt khoát trong mục tiêu chống khủng bố. style='outline: 0px;transition: color 0.25s ease 0s' v:shapes="_x0000_i1025"> style='box-sizing: inherit;box-sizing: inherit;box-sizing: inherit' v:shapes="_x0000_i1028">
Thanh Hà
*******************
Ngoại trưởng Pakistan đả kích Mỹ là ‘người bạn luôn phản phúc’ (VOA, 06/01/2018)
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Khawaja Asif nói rằng Mỹ đang hành xử với Pakistan như "một người bạn luôn phản phúc" sau khi Washington đình chỉ viện trợ và Tổng thống Donald Trump cáo buộc Islamabad dối trá và lừa lọc suốt nhiều năm qua.
Bộ trưởng ngoại giao Pakistan Khawaja Asif
Washington cáo buộc Pakistan "chơi trò hai mặt" bằng cách hỗ trợ những kẻ chủ chiến Taliban ở Afghanistan và mạng lưới Haqqani gây hỗn loạn ở Afghanistan. Islamabad phủ nhận điều này và cáo buộc Mỹ không tôn trọng những hy sinh to lớn của họ - nhân mạng lên tới hàng chục ngàn người - trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Thái độ bài Mỹ và quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan hiện đang ở gần mức thấp nhất vào năm 2011, khi Osama bin Laden bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích bí mật của Mỹ ở Pakistan, nhưng những lời lẽ gay gắt này có thể sẽ gây khó khăn hơn để làm lành mối quan hệ trong tương lai.
"Hành vi của Mỹ không phải là của một đồng minh mà cũng chẳng phải của một người bạn", ông Asif nói với đài truyền hình Capital cuối ngày thứ Năm. "Đó là một người bạn luôn phản phúc".
Những nhóm nhỏ học sinh sinh viên hô vang khẩu hiệu "Mỹ chết đi", "Trump chết đi" và đốt cờ Mỹ, đốt hình ông Trump sau buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu tại thủ đô Islamabad và thành phố Lahore ở miền đông, theo hãng tin Reuters. Các cuộc biểu tình có tổ chức này nhanh chóng kết thúc.
Hôm thứ Sáu, bộ ngoại giao Pakistan chỉ trích điều mà họ gọi là "những mốc mục tiêu dịch chuyển" sau khi Mỹ xác nhận sẽ đình chỉ tất cả các khoản hỗ trợ an ninh, được cho đạt mức tổng cộng ít nhất là 900 triệu đôla, cho tới khi Pakistan ngừng trợ giúp những kẻ chủ chiến.
Các tuyên bố chính thức khác của chính phủ Pakistan đáp lại dòng tweet của ông Trump tỏ ra chừng mực, nhưng bộ trưởng Asif và một số chính trị gia nổi bật khác đã liên tục đưa ra những lời lẽ gay gắt.
Việc Mỹ đình chỉ viện trợ được công bố vài ngày sau khi ông Trump tweet rằng Mỹ đã ngờ nghệch cấp cho Pakistan 33 tỉ đôla viện trợ trong 15 năm qua và được đền đáp lại "không có gì ngoài sự dối trá và lừa lọc, coi các nhà lãnh đạo của chúng ta như những kẻ ngốc".
Islamabad phần lớn đã dự liệu việc đình chỉ viện trợ nhưng các quan chức Pakistan bất ngờ với dòng tweet đả kích gay gắt của ông Trump và giọng điệu của những thông báo từ phía Mỹ.
"FBI, những đối thủ chính trị của ông ta, các cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ gốc Phi đã quen với lối chỉ trích như thế này của Trump trên Twitter - chúng tôi không quen với cái lối đó", Reuters dẫn lời một bộ trưởng chính phủ Pakistan nói.
"Chúng tôi thực sự bị sốc".
Mối quan hệ xấu đi có thể đẩy Pakistan xa hơn vào vòng tay của đồng minh lâu năm là Trung Quốc, nước đã ủng hộ Islamabad sau vụ ông Trump lên Twitter đả kích Pakistan. Các nhà phân tích nói rằng sự ủng hộ về ngoại giao và tài chính của Bắc Kinh cũng giúp tăng cường uy thế cho Pakistan.
*********************
Mỹ cảnh báo Pakistan sau khi một kẻ chủ chiến được phóng thích (VOA, 26/11/2017)
Nhà Trắng hôm 25/11 nói sẽ có những hệ quả cho mối quan hệ Mỹ-Pakistan trừ phi Islamabad có hành động để câu lưu và buộc tội một người chủ trương Hồi giáo cực đoan mới được thả ra và bị cáo buộc chủ mưu vụ tấn công năm 2008 ở thành phố Mumbai, Ấn Độ.
Hafiz Saeed, thủ lĩnh đảng tôn giáo Jamaat-ud-Dawa, bị cáo buộc chủ mưu vụ tấn công năm 2008 ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Ông ta được một tòa án Pakistan trả tự do hôm 22 tháng 11, 2017.
Một tòa án ở Pakistan đã ra lệnh phóng thích Hafiz Saeed hôm thứ Tư. Ông ta bị quản thúc tại gia hồi tháng 1 sau nhiều năm sống tự do ở Pakistan, một trong những điểm nhức nhối trong mối quan hệ không suôn sẻ với Mỹ. Việc ông ta được trả tự do cũng đã khiến Ấn Độ, đối thủ hàng đầu của Pakistan, phẫn nộ.
Nhà Trắng hôm thứ Bảy hối thúc Pakistan bắt giữ Saeed, kêu gọi truy tố ông ta về vụ tấn công ở Mumbai làm thiệt mạng 166 người, trong đó có người Mỹ.
"Nếu Pakistan không hành động để câu lưu Saeed một cách hợp pháp và khởi tố ông ta về những tội ác của ông ta, thì điều này sẽ có những hệ quả đối với quan hệ song phương và danh tiếng toàn cầu của Pakistan".
Đây là lần đầu tiên Mỹ thừa nhận rằng quyết định gần đây có thể có ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai quốc gia vốn là đồng minh nhưng luôn ngờ vực lẫn nhau.
Saeed đã nhiều lần phủ nhận sự dính líu trong các vụ tấn công ở Mumbai, trong đó 10 tay súng tấn công các mục tiêu ở thành phố lớn nhất ở Ấn Độ, bao gồm hai khách sạn sang trọng, một trung tâm Do Thái và một nhà ga xe lửa trong vụ xả súng kéo dài mấy ngày.
Vụ bạo lực đã đẩy Pakistan và Ấn Độ, hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân, đến sát bờ vực chiến tranh.
Mỹ đã treo giải thưởng trị giá 10 triệu đôla cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ và kết án Saeed, người cầm đầu tổ chức Jamaat-ud-Dawa (JuD). Các thành viên nói rằng JuD là một tổ chức từ thiện, nhưng Mỹ nói nó là bình phong cho nhóm chủ chiến Lashkar-e-Taiba (LeT) ở Pakistan.
Nhà Trắng nói việc Pakistan không buộc tội Saeed gửi đi một thông điệp "gây lo ngại sâu sắc về cam kết chống khủng bố quốc tế của Pakistan". Nó cũng mâu thuẫn với tuyên bố của Pakistan rằng họ không cung cấp nơi dung thân cho những kẻ chủ chiến.
Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Pakistan chứa chấp "những tác nhân gây hỗn loạn" và cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm chủ chiến tiến hành cuộc nổi dậy chống lại chính phủ được Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan.
Pakistan thì nói họ đã làm rất nhiều để giúp Mỹ truy lùng những kẻ khủng bố.
*************************
Quan chức Mỹ phủ nhận phong tỏa viện trợ cho người tị nạn Palestine (VOA, 06/01/2018)
Mỹ đã phong tỏa 125 triệu đôla ngân khoản cho một cơ quan của Liên Hiệp Quốc cung cấp viện trợ cho người tị nạn Palestine, trang tin Axios đưa tin hôm thứ Sáu, nhưng một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng tin Reuters chưa có quyết định nào được đưa ra về ngân khoản này.
Người Palestine đã phẫn nộ về quyết định hồi gần đây của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Người Palestine muốn phần phía đông của thành phố sẽ là thủ đô của một nhà nước tương lai của họ.
Vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ giữ lại khoản tiền viện trợ trong tương lai cho người Palestine, Axios cho biết khoản tiền này bị phong tỏa cho tới khi chính phủ Mỹ hoàn thành việc xét lại viện trợ cấp cho Thẩm quyền Palestine.
Khoản tiền này, chiếm một phần ba số tiền quyên góp hàng năm của Mỹ cho Cơ quan Cứu trợ và Công tác của Liên Hiệp Quốc (UNRWA), lẽ ra tới ngày 1 tháng 1 là đã được giao, Axios cho biết, dẫn lời ba nhà ngoại giao phương Tây không nêu danh tính.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu với điều kiện ẩn danh, nói với Reuters : "Câu chuyện đó (của Axios) gây ngộ nhận rất lớn. Chỉ vì họ đinh ninh là sẽ nhận được tiền vào ngày đầu tiên, và họ không nhận được đúng lúc đó, không có nghĩa là nó đã bị đình chỉ hoặc hủy bỏ. Các cuộc thảo luận vẫn đang diễn tiến, và tới giữa tháng 1 chúng tôi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng".
Khi được hỏi liệu có quyết định sơ bộ nào đã được đưa ra hay không, quan chức trả lời : "Không. Và những bản tin gợi ý như vậy là sai".
Phát ngôn viên của UNRWA Chris Gunness cho biết cơ quan này chưa được "trực tiếp thông báo về một quyết định chính thức bởi chính quyền Hoa Kỳ".
Ông Trump hôm thứ Ba nói rằng ông sẽ giữ lại tiền cấp cho người Palestine, cáo buộc họ "không còn muốn đàm phán hòa bình" với Israel nữa.
"Chúng ta trả HÀNG TRĂM TRIỆU ĐÔ LA mỗi năm và không nhận được sự cảm kích hay tôn trọng. Họ thậm chí không muốn đàm phán một hiệp ước hòa bình mà giờ lẽ ra phải có với Israel rồi... với người Palestine không còn muốn đàm phán hòa bình nữa, tại sao chúng ta phải trả bất kỳ khoản tiền to lớn nào trong tương lai cho họ ?" ông Trump nói trên Twitter.
Mỹ là nước cấp viện trợ lớn nhất cho cơ quan UNRWA, với cam kết gần 370 triệu đôla vào năm 2016, theo website của cơ quan này.