Thiên tai, khủng hoảng kinh tế là chủ đề trang nhất của nhiều báo Pháp hôm nay : khô hạn tại Pháp ; đại dịch cúm gia cầm miền tây nước Pháp ; các quốc gia đang trỗi dậy trước nguy cơ đại khủng hoảng do gánh nặng nợ nần, lạm phát, giá cả thực phẩm tăng vọt… Tổng thống tái cử Pháp trì hoãn công bố danh tính tân thủ tướng, người sẽ điều hành chính phủ trong thời gian chuẩn bị tranh cử Quốc hội giữa tháng 6 tới, cũng là một chủ đề chính khác.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cửa thành Brandenburg Gate, Berlin, mang màu cờ Ukraine, ngày 09/05/2022. Reuters - Michele Tantussi
Chiến tranh Ukraine tiếp tục là chủ đề thời sự hàng đầu. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài "Washington nỗ lực gia tăng hậu thuẫn Ukraine" cho biết Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ đang xem xét gia tăng đến 40 tỉ đô la viện trợ, so với khoảng tiền 33 tỉ đô la theo đề nghị của tổng thống. Trong số 40 tỉ đô la dự kiến thông qua, 23 tỉ sẽ dành hỗ trợ Ukraine về an ninh.
Để bảo đảm viện trợ cho Ukraine không bị gián đoạn, hôm thứ Hai 09/05, tổng thống Jobiden Biden ký luật "Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act of 2022". Văn bản này dựa vào đạo luật "cho vay-cho thuê vì quốc phòng" được ký năm 1941 ("Lend-lease Act"), trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến, cho phép Mỹ "bán, nhượng, trao đổi, cho thuê hoặc cung cấp" vũ khí cho các nước đồng minh bị phát xít Đức đe dọa.
Les Echos dẫn lời tổng thống Mỹ, trong chuyến thăm một nhà máy của hãng Lockheed Martin, nơi sản xuất hỏa tiễn chống tăng Javelin, hồi tuần trước : "Cuộc chiến này sẽ đòi hỏi nhiều chi phí, nhưng nhường bước cho cuộc xâm lăng sẽ còn phải trả giá đắt hơn".
Le Figaro có bài "Biden theo bước Roosevelt hậu thuẫn Ukraine trong chiến tranh" nhấn mạnh đến ý nghĩa biểu tượng của luật mới về "cho vay-cho thuê vì quốc phòng", ra đời lần đầu tiên gần 80 năm trước. Ngày 09/05 được chính quyền Biden chọn làm ngày ban hành luật. Le Figaro nhấn mạnh đến "tính chất biểu tượng" của ngày 09/05. Đây là ngày mà Liên Xô trước đây, và chính quyền Nga hiện nay kỷ niệm chiến thắng Phát xít Đức (khác với phương Tây lấy ngày hôm trước 08/05).
Dùng biểu tượng để chọi lại biểu tượng. Le Figaro nhấn mạnh : Chính quyền Nga hiện nay đang "viết lại lịch sử" về Đệ nhị Thế chiến, chối bỏ "tác động vô cùng lớn của trợ giúp (của Mỹ) cho chiến thắng của Hồng Quân", trong lúc bản thân Stalin cũng thừa nhận Hoa Kỳ đã cung cấp cho Liên Xô gần một phần ba xe quân sự, hàng ngàn phi cơ… Giờ đây chính quyền Mỹ lại nối lại chính với "phương pháp" chống phát xít Đức trước đây, nhưng lại là để đẩy nhanh sự thất bại của quân đội Nga.
Theo Le Figaro, bên cạnh cuộc đối đầu trên chiến trường, Ukraine cũng chống Nga trên mặt trận hồi ức, hồi ức về Thế chiến Hai. Chống "phát xít mới" tại Ukraine là lý do chủ yếu mà phía Nga đưa ra để tiến hành "Chiến dịch quân sự đặc biệt". Ngược lại, Kiev cũng gắn cuộc chiến chống quân xâm lược Nga với cuộc chiến chống phát xít trước đây. Ngay trước khi tổng thống Nga Vladimir Putin cử hành lễ kỷ niệm Chiến thắng Phát xít trên Quảng trường Đỏ, tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tuyên bố "bảo vệ nền dân chủ tại Ukraine, và tại Châu Âu. Như cách đây 77 năm".
Nước Mỹ gia tăng hậu thuẫn triệt để Ukraine "chống xâm lược Nga" cho đến thắng lợi hoàn toàn, nhưng tại Châu Âu, Pháp và Đức lo ngại chiến tranh kéo dài. Le Monde có bài phân tích đáng chú ý : "Về chiến tranh tại Ukraine, Pháp và Đức tỏ rõ sự khác biệt với Hoa Kỳ". Thách thức với Pháp và Đức là : một mặt khẳng định sự ủng hộ không gì lay chuyển với Ukraine, nhưng mặt khác không để chiến tranh tại Ukraine vượt tầm kiểm soát.
Khuyến khích Nga và Ukraine trở lại bàn đàm phán, sớm ngừng bắn, không để chiến tranh lan rộng tại Châu Âu là chủ trương của hai chính quyền Pháp – Đức. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngay trước chuyến công du Đức, chuyến ra nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái đắc cử, đã lên án mọi ý đồ sử dụng cuộc chiến tranh tại Ukraine nhằm "hạ nhục" nước Nga, "trả thù" Nga. Phát biểu được đưa ra trước Nghị Viện Châu Âu, tại Strasbourg. Trả lời Le Monde, một nhà ngoại giao cao cấp chỉ trích quan điểm của Hoa Kỳ nhắm đến việc giáng cho Nga "một đòn thất bại về chiến lược", bởi đây là điều rất mơ hồ.
Tìm kiếm một "thỏa thuận hòa bình thông qua thương lượng" giữa các bên tham chiến, không thể để chiến tranh kéo dài, là chủ trương của Pháp và Đức. Trong cuộc hội kiến với tổng thống Pháp tại Berlin, thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhấn mạnh rằng : cần "nhanh chóng chấm dứt" cuộc chiến "đã kéo dài nhiều tuần lễ".
Pháp và Đức đang chụm đầu tìm một lối thoát gần như bất khả trong tình hình hiện tại. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Ukraine, trong lúc phía Nga không hề có ý định chấm dứt chiến tranh, cùng lúc với mong muốn sớm ngừng bắn, là hai mục tiêu không hề dễ dàng với Pháp và Đức. Le Monde ví hai nước Pháp và Đức như đang đi trên một "sống núi cheo leo, với hai bên là vực thẳm". Dù sao, theo Le Monde, chuyến công du của tổng thống Pháp tới Đức ít nhất cũng cho thấy Paris và Berlin "có lập trường hết sức gần gũi".
Để Châu Âu có được hướng đi riêng, Châu Âu cần cải cách. Nỗ lực của tổng thống Pháp tìm đường cải cách Châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng chồng chất, nguy cơ chiến tranh tại Ukraine lan sang Liên Âu, là điều được Le Monde ghi nhận trong bài xã luận "Macron và Châu Âu, sự táo bạo cần có của một đại cường".
Le Monde hoan nghênh việc tổng thống Pháp – trong phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu hôm 9/5 bế mạc Hội nghị về Tương lai Châu Âu - đặt một số nền móng cho việc tăng cường "sự độc lập" và "tính hiệu quả" của Liên Âu. Cụ thể là xem xét lại các hiệp ước cho phép "phổ biến việc bỏ phiếu với một đa số đủ mức" về nhiều vấn đề quan trọng của Châu Âu, như chính sách ngoại giao, hay thuế khóa, từ bỏ nguyên tắc đồng thuận, làm tê liệt mọi sáng kiến.
Cũng trong dịp này, tổng thống Pháp đề xuất lập ra "một cộng đồng chính trị Châu Âu", một hình thức "liên minh với các quốc gia có nguyện vọng gia nhập Liên Âu", như Ukraine, Moldova, Gruzia hay nhiều nước miền tây Balkan, coi như một bước đệm trong tiến trình gia nhập Liên Âu hứa hẹn sẽ lâu dài.
Các sáng kiến của tổng thống Pháp ngay lập tức gặp nhiều phản đối trong nội bộ nước Pháp, cũng như trong nội bộ Liên Âu. Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen lên án ông Macron mưu toan thành lập "Liên bang" Châu Âu. Sáng kiến xem xét lại các hiệp ước Châu Âu cũng ngay lập tức bị 13 thành viên Liên Âu, trong đó có Ba Lan, Romania và Thụy Điển lên án là "bất cẩn và chưa chín muồi". Dù sao Le Monde cũng kết luận với một nhận định ít nhiều để ngỏ hy vọng : nhóm quốc gia tiền phong của Châu Âu cần phải thuyết phục được "nhóm những nước đi ở tốp cuối".
Hai quan điểm đối chọi về các sáng kiến cải cách Châu Âu – về việc thúc đẩy một Châu Âu vận hành theo nhiều tốc độ, để hội nhập các ứng cử viên mới - của tổng thống Pháp cũng là chủ đề mục "Tranh luận" của nhật báo công giáo La Croix hôm nay.
"Nợ nần, lạm phát : Bão tố sắp nổi lên tại nhiều quốc gia đang trỗi dậy" là tựa hồ sơ trang nhất của báo Le Monde, đăng trên nền hình ảnh khu nhà của một bộ trưởng Sri Lanka bốc cháy ngùn ngụt ngày 09/05/2022, do người biểu tình phóng hỏa.
Theo Le Monde, nhiều quốc gia đang phát triển có nguy cơ vỡ nợ, với nợ nần chống chất và sự trở lại của lạm phát. Trên toàn thế giới, đã có 97 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực kể từ đầu đại dịch Covid. Chiến tranh tại Ukraine góp phần khiến tình hình thêm nghiêm trọng gấp bội, khi thúc đẩy giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt. Le Monde chú ý trước hết với Sri Lanka, nơi xảy ra nhiều bạo động chết người – trong đó có một dân biểu - buộc thủ tướng phải từ chức.
Quốc gia Nam Á Sri Lanka cách nay không lâu vốn là một xứ sở ước mơ đối với giới đầu tư. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid ập đến, Sri Lanka "bắt đầu con đường đi xuống địa ngục". Đến giữa tháng 4/2022, Sri Lanka bị lâm vào tình trạng không trả được nợ.
Các nước đang phát triển vốn là các quốc gia dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Giám đốc Cơ quan toàn cầu hóa và các chiến lược phát triển thuộc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (CNUCED), ông Richard Kozul-Wright, đặc biệt lo ngại là gánh nặng nợ nần khiến đầu tư vào các cơ sở hạ tầng bị cắt giảm. Mà "thiếu đầu tư cho các cơ sở hạ tầng, để bảo vệ trước các cú sốc về biến đổi khí hậu, cái giá phải trả sẽ càng nặng thêm". Vị giám đốc cơ quan chuyên về toàn cầu hóa và các chiến lược phát triển của Liên Hiệp Quốc lấy làm tiếc là "gánh nặng nợ nần của các nước nghèo là vấn đề rất đáng ngại, mà các nước giàu đã không thể giải quyết". Tình trạng hiện nay nhắc đến "một thập niên bị mất" trong những năm 1980, khi việc Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo khiến hàng loạt quốc gia Châu Mỹ Latinh và Châu Phi nam sa mạc Sahara lâm vào khủng hoảng tài chính. Phải đến 8 năm sau các nước này mới lấy lại được mức GDP trước khủng hoảng.
Khủng hoảng nợ, khủng hoảng kinh tế dẫn đến y tế và giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng là ghi nhận khác của Le Monde. Nhiều dịch bệnh tăng vọt trong hai năm qua, chẳng hạn như bại liệt do virus, năm 2021 gấp bốn lần so với năm 2020. Hay sự trỗi dậy mạnh của các bệnh có nguy cơ gây tử vong như bệnh sởi, mà tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán hậu quả sẽ kéo dài hàng chục năm. Hàng trăm triệu trẻ em ở các nước nghèo không thể đến trường, cũng không thể học tập từ xa, do không có internet.
Mùa khô hạn bắt đầu tại Pháp, đe dọa an toàn thực phẩm là một chủ đề lớn của nhiều báo Pháp hôm nay. "Khô hạn đe dọa an toàn thực phẩm của nước Pháp" là một hồ sơ chính của Les Echos. Nhật báo kinh tế cho biết là các túi nước ngầm trong lòng đất trong mùa đông vừa qua đã không nạp đủ nước. Hạn hán "rất nhiều khả năng" sẽ xảy ra trong mùa hè này. Chính phủ Pháp lo ngại là nền nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề đúng vào lúc cần phải gia tăng sản xuất để bù lấp các hậu quả của chiến tranh tại Ukraine. Nước ngầm đặc biệt thiếu hụt tại các vùng miền đông nam cũng như một số tỉnh miền tây.
"Mùa khô hạn bắt đầu" là hình ảnh trang nhất của Libération với cảnh đồng ruộng nứt nẻ, kiệt nước. "EAU BOULOT !" là hàng tựa chính của tờ báo (tạm dịch là : "Giải quyết ngay chuyện nước". Eau có nghĩa là "nước". Au boulot là : "Hãy bắt vào việc". Libération chơi chữ khi biến "Au" thành "Eau". Hai chữ Eau và Au phát âm giống nhau trong tiếng Pháp).
Theo Libération, đã có khoảng 15 tỉnh lâm vào tình trạng báo động. Các giải pháp thì có, nhưng cần phải có một quyết tâm chính trị thực sự. Xã luận Liberation với tựa đề "Đà điểu" nhận định : tân thủ tướng Pháp tương lai cho dù chưa được chính thức bổ nhiệm ắt hẳn đã phải bắt tay vào công việc trước tình hình khẩn cấp hiện nay. Theo Libération, bên cạnh các biện pháp khẩn cấp, việc xem xét lại mô hình nông nghiệp cũng là điều cần phải tính đến.
Vào lúc chính phủ mãn nhiệm Pháp sắp kết thúc nhiệm kỳ, nước Pháp vẫn chưa biết danh tính tân thủ tướng. Le Figaro có hồ sơ trang nhất : "Tổng thống Macron trước thách thức nan giải của giai đoạn hậu Castex". Theo Le Figaro, trong ba tuần vừa qua, sau khi đắc cử, tổng thống Macron tỏ ra không vội vã, dường như ông chủ ý dành nhiều thời gian để củng cố liên đảng cầm quyền trước khi khởi sự nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Danh tính của tân thủ tướng dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu 13/05, khi thủ tướng Castex chính thức giã từ chức vụ. Hôm qua, tổng thống Macron đến Aubervilliers, một thị xã ven Paris, để bế mạc ngày tập huấn các ứng cử viên Quốc hội của liên đảng Ensemble, bao gồm đảng cầm quyền vừa đổi tên là Renaissance, đảng cánh hữu Horizons của cựu thủ tướng Edouard Phillipe và đảng cánh trung Modem.
Vẫn liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Pháp (ngày 12 và 19/06/2022), Les Echos thông báo kết quả một thăm dò dư luận mới của OpinionWay-Kéa Partners, theo đó liên đảng đa số của tổng thống có khả năng giành được đa số tại Quốc hội mới, với từ 310 đến 350 ghế dân biểu. Liên đảng cánh tả vừa thành lập có thể giành được từ 135 đến 165 ghế dân biểu. Nếu kịch bản này xảy ra, liên đảng cánh tả (NUPES – Liên minh Nhân dân mới vì Sinh thái và Xã hội) sẽ trở thành đối lập chính trị thứ nhất tại Pháp.
Trọng Thành
Ngày 09/05/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật "Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act of 2022" để tăng tốc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Văn bản này dựa vào đạo luật "cho vay-cho thuê vì quốc phòng" được ký năm 1941, trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, cho phép Mỹ "bán, nhượng, trao đổi, cho thuê hoặc cung cấp" vũ khí cho các nước đồng minh bị phát xít Đức đe dọa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành "Đạo luật cho vay-cho thuê để bảo vệ nền dân chủ Ukraine 2022", tại Nhà Trắng, Washington, ngày 09/05/2022. Reuters – Kevin Lamarque
Mỹ cũng chọn đúng thời điểm ngày 09/05 khi Nga tưng bừng kỷ niệm "Ngày Chiến thắng". Trả lời các nhà báo tại Phòng Bầu Dục, tổng thống Joe Biden giải thích : "Người Ukraine đang chiến đấu hàng ngày bảo vệ cuộc sống của họ. Cuộc chiến này rất tốn kém, nhưng nếu chùn bước trước cuộc tấn công có lẽ còn tốn kém hơn".
Nhà Trắng cho biết là văn bản "đã được hầu hết Nghị Viện ủng hộ", trừ 10 dân biểu bỏ phiếu chống. Theo AFP, tổng thống Mỹ đã phải nhân nhượng để Nghị Viện bỏ phiếu tách biệt hai khoản ngân sách : hỗ trợ Ukraine và chống dịch Covid-19, thay vì bỏ phiếu một lần. Ngân sách khác liên quan đến Covid-19 sẽ được đưa ra bỏ phiếu sau.
Đạo luật "cho vay-cho thuê vì quốc phòng" hỗ trợ Ukraine còn giúp Hoa Kỳ bổ sung kho vũ khí. Ngoài ra, nguyên thủ Mỹ cũng yêu cầu Nghị Viện viện trợ thêm 33 tỉ đô la cho Ukraine. Kể từ khi Nga tấn công Ukraine ngày 24/02, chính quyền Mỹ đã hỗ trợ quân sự cho Kiev với tổng số tiền lên đến 3,8 tỉ đô la.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây bắt đầu cho kết quả trên chiến trường. Ngày 09/05, một quan chức cấp cao Mỹ, được AFP trích dẫn, cho biết chiến dịch của Nga ở miền nam Ukraine "gần như giậm chân tại chỗ trong những ngày gần đây". Nga "thiếu vũ khí dẫn đường chính xác và không thay thế được" do bị lệnh trừng phạt và hạn chế nhập khẩu linh kiện điện tử. Theo quan chức ẩn danh trên, điều này giải thích cho việc nhiều thành phố lớn như Mariupol hay Kharkiv bị dội bom không dẫn đường nên không phân biệt được mục tiêu quân sự hay một khu chung cư.
Ngoài ra, quân luật dường như cũng là một vấn đề. Nhiều binh sĩ Nga "từ chối tuân lệnh và tấn công". "Thiếu điều phối giữa không kích và tấn công trên bộ" cũng giải thích cho việc quân Nga "không có bất kỳ tiến triển nào đáng kể" ở vùng Donbass.
Thu Hằng