Ông Putin : Tôi chưa bao giờ gặp ông Trump (VOA, 06/06/2017)
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông chưa bao giờ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đồng thời bác bỏ cáo buộc cho rằng Moscow đã thu thập thông tin về người đồng cấp Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi trả lời phỏng vấn với nhà báo Megin Kelly của kênh NBC.
Phát biểu của Tổng thống Nga được đưa ra trong cuộc phỏng vấn vào tuần trước với nhà báo Megyn Kelly của kênh tin tức NBC. Một phần của buổi phỏng vấn được phát sóng vào đêm Chủ nhật (4/6).
Khi ông được hỏi rằng liệu ông có bất cứ điều gì gây tổn hại cho ông Trump không, ông Putin nói "lại thêm một điều vô nghĩa khác".
"Chúng tôi lấy những thông tin này từ đâu ? Tại sao chúng tôi có một mối quan hệ đặc biệt với ông ta ? Chúng tôi không có một mối quan hệ nào cả. Có lần ông ấy đến Moscow, nhưng quý vị biết đấy, tôi chưa bao giờ gặp ông ấy. Chúng tôi có rất nhiều người Mỹ đến thăm. Hiện nay, tôi nghĩ chúng tôi có đại diện từ 100 công ty Mỹ đến Nga. Quý vị có cho rằng chúng tôi đang thu thập những thông tin nhạy cảm về tất cả họ hay không ? Quý vị bị mất trí hết cả rồi sao ?"
Tổng thống Nga một lần nữa bác bỏ cáo buộc việc Điện Kremlin can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái qua việc xâm nhập các email của Đảng Dân chủ.
Ông nói : "Các hacker có thể ở bất cứ nơi nào, có thể ở Nga, Châu Á, thậm chí ở Mỹ, ở Mỹ Latinh. Thậm chí có thể đó là tin tặc ở Hoa Kỳ, vốn rất khéo léo và chuyên nghiệp, đẩy trách nhiệm về phía Nga. Liệu quý vị có chấp nhận điều đó hay không ? Trong một cuộc chiến chính trị đã được mưu tính, tiết lộ thông tin sẽ thu lợi, vì vậy họ đã tiết lộ thông tin rồi gán cho Nga".
Ông Putin nói không có lý gì mà Nga lại can thiệp vào vấn đề này. Bởi vì, theo ông, bất kể ai là tổng thống, thì Nga cũng biết phải trông đợi gì từ một nhà lãnh đạo Mỹ.
Ông cũng phủ nhận có bất cứ tiếp xúc nào với vị tướng hồi hưu Michael Flynn, người đã bị sa thải khỏi chức cố vấn an ninh quốc gia hồi tháng Hai.
Hiện có một bức ảnh chụp ông Flynn và ông Putin đang ngồi trong cùng một bàn tiệc ở Moscow vào năm 2015, khi ông Flynn đang cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Ông Putin có mặt trong bữa tiệc tối vì có một bài phát biểu tại đó. Ông nói với nhà báo Kelly rằng ông gần như không nói chuyện với ông Flynn và sau đó mới được biết đó là ông Flynn.
Ông Trump sa thải ông Flynn vì đã giấu giếm việc gặp gỡ các giới chức Nga.
*********************
Putin khẳng định chỉ quen sơ một cựu cố vấn của Trump (RFI, 05/06/2017)
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông chỉ quen sơ Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump. Đây là nhân vật trung tâm trong nghi án thông đồng giữa Moskva với những người thân cận của tổng thống Mỹ.
Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp bên lề diễn đàn kinh tế Saint Petersburg, ngày 02/06/2017. Reuters
Trong bài trả lời phỏng vấn của đài truyền hình NBC cuối tuần 03-04/05/2017 tại Saint-Petersbourg, được phát toàn bộ tại Hoa Kỳ hôm 04/06/2017, ông Putin nói với người phỏng vấn Megyn Kelly rằng : "Tôi với cô quen biết nhau còn nhiều hơn cả tôi với ông Flynn".
Tổng thống Nga đã nói như trên khi được hỏi về quan hệ của ông với Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump trong một thời gian ngắn. Ông Flynn đã phải từ chức vào giữa tháng 2/2017 chỉ sau 3 tuần giữ chức vụ này, vì bị cáo buộc đã nói dối về quan hệ giữa ông với các quan chức Nga.
Ngày 08/06 tới, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI, James Comey trên nguyên tắc sẽ ra điều trần trước Thượng viện về việc Nga có thể đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. Câu hỏi đang được đặt ra là tổng thống Trump có sẽ ngăn cản ông Comey ra điều trần hay không ?
Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình :
"Tổng thống thật sự có thể "chặn họng" James Comey bằng cách sử dụng đặc quyền của hành pháp như nhiều tổng thống đã làm trong quá khứ, kể cả Obama. Nhưng trong trường hợp này, điều đó rất khó xảy ra, vì làm như thế sẽ nguy hiểm cho Donald Trump hơn là để James Comey ra điều trần.
Các thành viên Ủy Ban Tình Báo, và cùng với họ là hàng triệu người dân Mỹ, muốn biết những gì ? Ông Trump có đã yêu cầu giám đốc FBI ngưng điều tra về các mối liên hệ của cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, về những mối liên hệ của nhân vật này với Nga trong thời gian tranh cử tổng thống và thời gian sau đó ?
Nếu đúng như thế thì ông Trump có thể bị truy tố về tội cản trở tư pháp, một lý do đủ để tiến hành thủ tục truất phế. Do đó, nhà tỷ phú New York dường như có lý do để dùng đến đặc quyền của tư pháp như đã nói ở trên.
Nhưng làm như thế thì chẳng khác gì "công nhận mình có tội". Cho nên, nhiều luật gia không nghĩ rằng tổng thống Trump sẽ ngăn cản James Comey trả lời các câu hỏi của các thượng nghị sĩ trong một cuộc điều trần có lẽ sẽ là một trong những cuộc điều trần được theo dõi nhiều nhất kể từ khi bà Hillary Clinton về vụ Benghazi".
Thanh Phương
FBI xác nhận Nga can dự bầu cử Mỹ, ủng hộ Trump (VOA, 21/03/2017)
Giám đốc FBI, James Comey, ngày 20/3 lần đầu tiên xác nhận FBI đang điều tra các mối liên hệ có thể có giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump với Nga trong lúc Moscow tìm cách ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái.
Giám đốc FBI, James Comey, bên trái, cùng với Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Michael Rogers điều trần tại Quốc hội ngày 20/3/17
Ông Comey và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mike Rogers nói rõ cuộc điều tra về sự can dự của Nga trong mùa bầu cử vừa rồi tại Mỹ có thể kéo dài nhiều tháng trời.
Xuất hiện trước một ủy ban của Quốc hội, ông Comey cũng công khai thách thức tuyên bố của Tổng thống Trump rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén Tòa Tháp Trump trong cuộc tranh cử 2016.
Hai giới chức ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện trong 5 tiếng rưỡi đồng hồ hôm 20/3.
Ông Comey không rút lại nhận định của mình khi cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không đơn thuần muốn ứng viên Dân chủ Hillary Clinton bị thất cử mà cụ thể là muốn ứng viên Cộng hòa Donald Trump chiến thắng.
"Về những dòng tin của Tổng thống liên quan đến cáo buộc bị chính quyền cũ nghe lén, tôi không có thông tin nào hậu thuẫn tuyên bố đó", ông Comey nhấn mạnh.
Ông cũng xác nhận rằng FBI đã tiến hành điều tra vụ Nga bị tố cáo can thiệp bầu cử Mỹ từ tháng 7 năm ngoái.
Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga tìm cách giúp ông Trump bằng cách tấn công tin tặc các đảng viên hàng đầu bên phía Dân chủ.
***********************
Giám đốc FBI xác nhận điều tra Nga ‘can dự’ bầu cử Mỹ (BBC, 21/03/2017)
Một bức tranh tường minh họa Putin cười bí hiểm khi lật chiếc mặt nạ Trump trong phố Brooklyn, New York, Mỹ - GETTY IMAGES
Giám đốc FBI James Comey lần đầu tiên xác nhận cơ quan này đang điều tra cáo giác Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016.
Tuy nhiên, ông Comey nói FBI không thấy bằng chứng nào để chứng thực các buộc của ông Trump rằng ông ta bị chính quyền Obama nghe lén.
Ông Comey ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện.
Chính phủ Trump nói không có gì thay đổi và "không hề có bằng chứng về Trump cấu kết với Nga".
Nga vẫn luôn bác cáo buộc gây ảnh hưởng bầu cử Mỹ.
FBI sẽ điều tra các mối liên hệ khả dĩ giữa các cá nhân trong chiến dịch vận động của Trump và chính quyền Nga và tìm xem liệu có sự cấu kết giữa Nga và chiến dịch Trump, ông Comey nói.
FBI cũng sẽ xem xét hành vi phạm tội liên quan, ông nói.
Ông Comey nói cuộc điều tra "rất phức tạp" và ông không thể định được thời gian hoàn thành.
"Chúng tôi sẽ theo đuổi sự thật đến bất nơi nào chúng dẫn đến", ông nói.
Nhưng thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói chính phủ của Trump không hề quan tâm : "Các ông có thể tiếp tục tìm kiếm, nhưng cứ tiếp tục tìm một thứ không tồn tại chỉ chẳng vấn đề gì".
Người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đô đốc Mike Rogers cũng xuất hiện trước ủy ban tình báo.
Ông nói NSA đồng thuận với báo cáo của cộng đồng tình báo vào tháng 1. Báo cáo nói rằng Tổng thống Nga, Vladimir Putin đã ra lệnh một chiến dịch để hãm hại cuộc vận động tranh cử Hillary Clinton, đối thủ của Trump.
Anthony Zurcher, phóng viên BBC News tại Washington, phân tích :
Những thông tin mà giám đốc FBI James Comey không tiết lộ trong buổi điều trần về việc Nga can dự bầu cử 2016 cũng quan trọng không kém những thông tin ông đã tiết lộ.
Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Trump, Paul Manafort, người có dính líu đến chính trị gia Ukrainian ủng hộ Nga ? Không bình luận.
Cố vấn lâu năm của Trump, Roger Stone, người được báo cáo là đã liên lạc với các tin tặc tấn công emails của Ủy ban Quốc gia Dân Chủ ? Không bình luận.
Cựu cố vấn anh ninh quốc gia Michael Flynn, người bị buộc phải từ chức sau khi lộ bằng chứng ông thảo luận biện pháp trừng phạt Nga với một phái viên Nga ? Không bình luận.
"Tôi không muốn phải trả lời bất cứ câu hỏi nào về một người Mỹ", ông Comey nói.
Tất cả những điều này là bằng chứng cuộc điều tra không chỉ diễn ra, nó độc lập và rất sâu rộng.
Trong khi người theo Đảng Dân Chủ sẽ rất ủng hộ điều này, nó cũng cho thấy phía Cộng Hòa cũng đang gây áp lực lên Nhà Trắng - mối quan tâm lớn nhất là cơ quan đã lộ thông tin này với truyền thông.
Nếu ông Trump có thể củng cố sự hỗ trợ của đảng ông ta, nó sẽ giúp cách ly ông ra xa khỏi những hệ lụy xấu của cuộc điều tra này.
'Không có nghe lén trong Tháp Trump'
Ông Comey nói ông không hề có thông tin về những cáo buộc vô căn cứ mà ông Trump nhắn trên Twitter tháng này về việc cựu Tổng thống Barack Obama ra lệnh nghe lén Tháp Trump.
Một cáo buộc mà không có bằng chứng nào, ông nói. Bộ Tư pháp cũng không có thông tin gì, ông nói thêm.
Trong khi đó, Đô đốc Rogers mạnh mẽ bác tuyên bố rằng NSA đã yêu cầu cơ quan tình báo GCHQ của Anh để do thám ông Trump - một tuyên bố vốn đã bị bác bỏ bởi Sean Spicer.
Một cáo buộc "rõ ràng làm thất vọng một đồng minh quan trọng của chúng ta", ông nói.
GCHQ nói cáo buộc này "hoàn toàn nực cười".
Câu đùa mới đây của ông Trump về ông Obama nghe lén Thủ tướng Angela Merkel và ông ta "làm phức tạp hóa vài chuyện" với một đồng minh, Đô đốc Rogers nói thêm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hòa Devin Nunes, nói vẫn có khả năng là ông Trump và những cố vấn của ông ta bị giám sát bằng những hình thức khác.
Những cáo buộc gì ?
Tháng Một, các cơ quan tình báo Mỹ nói một nhóm tin tặc do điện Kremlin ủng hộ đã xâm nhập vào một số tài khoản email của các nghị sĩ Dân chủ cao cấp. Họ đã tiết lộ một số email được cho là giúp ông Trump đánh bại đối thủ Hillary Clinton.
Ông Putin "ghét bà Clinton" đến mức ông sẽ ủng hộ đối thủ của bà ta, ông Comey nói.
"Đó là một kết luận khá dễ dàng cho cộng đồng tình báo", ông Comney nói. "Putin ghét cựu bộ trưởng Hillary cho nên ông sẽ có sự ưu tiên hơn cho người đối đầu với người ông ta ghét".
Tuy nhiên, cuối mùa hè năm ngoái, Nga cũng tuyên bố Trump không có cơ hội thắng cử, dựa trên kết quả các cuộc thăm dò ý kiến vào thời điểm đó, và chú trọng hơn vào việc hạ bệ bà Clinton, ông Comey nói.
Cả hai nhà lãnh đạo cơ quan tình báo nói rằng Nga để lộ sự can thiệp của nước này vào cuộc bầu cử năm ngoái lộ liễu một cách bất thường, có lẽ với mục đích phá hoại nền dân chủ của Mỹ.
Ông Comey nói rằng Nga đã thành công, bằng cách tạo ra sự hỗn lọan, chia rẽ và bất hòa.
Ông Trump vẫn đang đối mặt với các cáo buộc nhóm vận động tranh cử của ông thông đồng với quan chức Nga.
Cựu Giám Đốc Tình báo quốc gia James Clapper nói rằng ông đã không thấy bằng chứng cấu kết nào, cho tới khi ông rời chức vào tháng 1.
Những thành viên nào trong chiến dịch vận động tranh cử bị cáo buộc gian lận ?
Hai quan chức cao cấp trong chính quyền Trump bị dây vào cáo buộc - cựu cố vấn anh ninh quốc gia Michael Flynn, và Tổng chưởng lý Jeff Sessions.
Micheal Flynn ủng hộ chính sách mềm dẻo hơn với Nga và cứng rắn hơn với Iran - AP
Ông Flynn vừa bị sa thải tháng trước sau khi ông không trung thực với Nhà Trắng về các cuộc đàm thoại với đại sứ Nga trước khi ông được bổ nhiệm làm cố vấn anh ninh quốc gia.
Ông được cho là đã bàn về các biện pháp trừng phạt của Mỹ với đại sứ Nga Sergei Kislyak. Một công dân tiến hành hoạt động ngoại giao ở Mỹ bị cho là hoạt động phạm pháp.
Ông nói ông "không có liên hệ gì với người Nga", nhưng sau đó hóa ra ông đã gặp đại sứ Kislyak trong chiến dịch tranh cử.
Ông Sessions phủ nhận đã có hành động sai trái, nhưng tự loại mình ra khỏi điều tra của FBI về can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử.
************************
FBI điều tra liên hệ giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump (VOA, 21/03/2017)
Giám đốc FBI James Comey điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện tại Washington, D.C., ngày 20/3/2017.
Giám đốc FBI James Comey hôm thứ Hai xác nhận cơ quan ông đang điều tra xem liệu các trợ lý của Tổng thống Donald Trump có phạm tội câu kết với Nga để giúp cho ông Trump thắng cử hay không. Ông cũng bác bỏ tuyên bố gây sốc của ông Trump cho rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe lén ông nhiều tuần trước cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái.
Phát biểu trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, ông Comey cho biết ông đã được Bộ Tư pháp chuẩn thuận cuộc điều tra của FBI, bao gồm việc điều tra về bất kỳ mối liên hệ nào giữa các cá nhân liên quan đến chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump và chính phủ Nga.
Giám đốc FBI James Comey nói :
"Cũng như bất kỳ cuộc điều tra phản gián nào, cuộc điều tra này bao gồm cả việc đánh giá xem liệu có hành vi phạm tội nào đã được thực hiện hay không. Bởi vì đây là một cuộc điều tra mật, mở rộng và đang diễn ra, tôi không thể nói nhiều hơn về những gì chúng tôi đang thực hiện và việc làm của ai đang bị điều tra. Theo yêu cầu của các lãnh đạo Quốc hội, chúng tôi có những phối đặc biệt với Bộ Tư pháp, báo cáo với các lãnh đạo Quốc hội, trong đó có các lãnh đạo của Ủy ban này, tại địa điểm bí mật về cuộc điều tra".
Trước đó, ông Trump viết trên trang Twitter rằng ông Obama đã nghe lén ông tại Tòa tháp Trump ở New York. Ông Comey nói FBI không có thông tin nào để xác nhận tuyên bố đó.
Ông Comey nói : "Đối với những thông tin trên Twitter của tổng thống cáo buộc chính quyền cũ nghe lén điện thoại của ông, tôi không có thông tin để hỗ trợ điều này. Và chúng tôi đã xem xét cẩn thận nội bộ FBI. Bộ Tư pháp đã yêu cầu tôi chia sẻ với quý vị câu trả lời tương tự từ Bộ Tư pháp và tất cả các ban ngành. Bộ không có thông tin để hỗ trợ những dòng tweet đó".
Những phát biểu mạnh mẽ của ông Comey được đưa ra vài giờ sau khi ông Trump chế nhạo về bất kỳ ý tưởng nào cho rằng chiến dịch của ông thông đồng với lợi ích của Nga để giúp ông vào được Tòa Bạch Ốc. Ông Trump nói đây là một lý do "ngụy tạo" vì các đảng viên Dân chủ đã bị thua cuộc.
******************
Giới chức tình báo Mỹ đưa chứng cứ về cáo buộc liên hệ Nga-Trump (BBC, 20/03/2017)
Hai quan chức tình báo Mỹ sắp phải ra điều trần tại Quốc hội Mỹ về cáo giác Nga hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
Họ cũng sẽ trình bày về cáo buộc không có chứng cứ của ông Trump rằng ông bị người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén điện thoại.
Giám đốc FBI James Comey và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia NSA, Đô đốc Mike Rogers, sẽ đưa ra bằng chứng tại một phiên điều trần hiếm có của Uỷ ban An ninh Hạ viện.
Ông Trump đã gọi cuộc điều tra này là "một cuộc truy lùng phù thủy". Nga phủ nhận đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Những cáo buộc là gì ?
Tháng Một, các cơ quan tình báo Mỹ nói một nhóm tin tặc do điện Kremlin ủng hộ đã xâm nhập vào một số tài khoản email của các nghị sĩ Dân chủ cao cấp. Họ đã tiết lộ một số email được cho là giúp ông Trump đánh bại đối thủ Hillary Clinton.
Một báo cáo của CIA, FBI và NSA nói Tổng thống Nga Vladimir Putin "chỉ đạo" một chiến dịch nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ.
Từ thời điểm đó, ông Trump đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc rằng đội ngũ vận động tranh cử của ông có liên hệ với giới chức Nga.
Ông Devin Nunes (phải), chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, và ông Adam Schiff, thành viên cao cấp nhất của đảng Dân chủ ở ủy ban
Nghị sĩ Cộng hòa Devin Nunes, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, và ông Adam Schiff, quan chức đảng Dân chủ cao cấp nhất của ủy ban này, hiện đang dẫn đầu cuộc điều tra về những cáo buộc nói trên.
Hôm Chủ nhật 19/3, ông Nunes cho biết dựa vào "tất cả những gì tôi có cho đến sáng nay", không có "bằng chứng" gì cho thấy chiến dịch của ông Trump có thông đồng với Nga.
Cựu giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper cũng nói ông nói ông không thấy chứng cứ nào về chuyện này.
Tuy nhiên, ông Schiff nói những tài liệu ông đã xem cho thấy có những chứng cứ gián tiếp cho thấy các công dân Mỹ phối hợp với người Nga để gây ảnh hưởng đến phiếu bầu.
"Có những chứng cứ gián tiếp về sự thông đồng. Tôi cho rằng có chứng cứ trực tiếp về gian lận", ông Schiff nói. "Chắc chắn là có đủ chứng cứ để chúng tôi tiến hành cuộc điều tra".
Những thành viên nào trong chiến dịch vận động tranh cử bị cáo buộc gian lận ?
Hai quan chức cao cấp trong chính quyền Trump bị dây vào cáo buộc - cựu cố vấn anh ninh quốc gia Michael Flynn, và Tổng chưởng lý Jeff Sessions.
Ông Flynn vừa bị sa thải tháng trước sau khi ông không trung thực với Nhà Trắng về các cuộc đàm thoại với đại sứ Nga trước khi ông được bổ nhiệm làm cố vấn anh ninh quốc gia.
Ông được cho là đã bàn về các biện pháp trừng phạt của Mỹ với đại sứ Nga Sergei Kislyak. Một công dân tiến hành hoạt động ngoại giao ở Mỹ bị cho là hoạt động phạm pháp.
Trong khi đó, ông Sessions bị đảng Dân chủ cáo buộc nói dối khi tuyên thệ trong lễ nhậm chức hồi tháng Một.
Ông nói ông "không có liên hệ gì với người Nga", nhưng sau đó hóa ra ông đã gặp đại sứ Kislyak trong chiến dịch tranh cử.
Ông Sessions phủ nhận đã có hành động sai trái, nhưng tự loại mình ra khỏi điều tra của FBI về can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử.
Còn những cáo buộc ông Obama mà ông Trump đưa ra thì sao ?
Cuộc điều trần hôm thứ Hai 20/3 cũng sẽ bàn đến các cáo buộc của Tổng thống Trump về chính quyền Obama nghe lén điện thoại của ông tại Tháp Trump ở New York trong chiến dịch tranh cử.
Ông Trump không đưa ra chứng cứ nào, và các quan chức Cộng hòa và Bảo thủ đã phủ nhận quan điểm này. Người phát ngôn của ông Obama cũng phủ nhận cáo buộc.
Ông Nunes cho hãng tin Fox News biết hôm Chủ nhật 19/3 không có chứng cứ nào về điện thoại ông Trump bị nghe lén sau khi các tài liệu đưa ra hôm thứ Sáu 17/3 đã được xem xét lại.
Một số nghị sĩ Cộng hòa nói ông Trump phải xin lỗi nếu ông không đưa ra được bằng chứng cho các cáo buộc của mình.
Các cáo buộc có tác động gì ?
Các nhà quan sát nói cả hai cáo buộc đều gây phân tán chú ý vào các chính sách khác cũng như tiến triển bổ nhiệm các vị trí chính trị của chính quyền Trump.
Nhiều ý kiến chỉ trích nói việc ông Trump cáo buộc ông Obama nghe lén điện thoại làm hủy hoại uy tín của Mỹ và quan hệ với các nước đồng minh.
Tuần trước, ông Sean Spicer, phát ngôn viên của ông Trump, nhắc lại một cáo buộc của một chuyên gia phân tích của hãng Fox News rằng cơ quan tình báo Anh GCHQ đã giúp ông Obama nghe lén điện thoại của ông Trump.
Cáo buộc này đã làm chính phủ Anh tức giận, và GCHQ nói cáo buộc này là "hết sức kỳ cục".
Trong khi đó, ông Trump và một số nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi mở cuộc điều tra về thông tin tình báo bị tiết lộ, kể cả việc lộ chi tiết các cuộc gọi của ông Flynn với đại sứ Nga tại Mỹ.