Sự can thiệp của Nga trên mạng xã hội vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 diễn ra ở quy mô rộng hơn những gì mọi người nghĩ trước đây và bao gồm các nỗ lực chia rẽ người Mỹ về sắc tộc và lý tưởng cực đoan, hai phúc trình của các chuyên gia độc lập được các thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ công bố hôm 17/12 cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được xem là đã chỉ đạo chiến dịch thông tin nhằm thao túng dư luận Mỹ
Cơ quan Nghiên cứu Internet của Chính phủ Nga có trụ sở ở St. Petersburg đã cố gắng tìm cách thao túng chính trị Mỹ, các phúc trình cho biết. Một phúc trình trong số này do các phân tích gia mạng xã hội New Knowledge thực hiện và một phúc trình khác do một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford làm việc với công ty phân tích Graphika.
Hai bản phúc trình này phần lớn đã xác nhận những phát hiện trước đó của cơ quan tình báo Mỹ nhưng cung cấp nhiều chi tiết hơn về các hoạt động của Nga đã diễn ra trong nhiều năm trước và vẫn tiếp diễn cho đến nay, bản phúc trình và các thượng nghị sĩ cho biết.
Chẳng hạn, một tổ chức dư luận viên tìm cách khuyến khích các ‘phong trào ly khai’ ở tiểu bang California và Texas, bản phúc trình của New Knowledge cho biết.
"Dữ liệu mới được công bố này đã chứng tỏ Nga đã quyết liệt tìm cách chia rẽ người Mỹ về sắc tộc, tôn giáo và lý tưởng, " ông Richard Burr, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và là người Đảng Cộng hòa, cho biết trong một thông cáo.
Nga đã tìm cách làm xói mòn lòng tin vào các thể chế dân chủ Mỹ và các hoạt động của họ vẫn chưa dừng lại. Ủy ban này đã thu thập dữ liệu từ các công ty mạng xã hội để cho các nhà phân tích độc lập sử dụng trong các nghiên cứu của họ.
Thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ trong ủy ban, nói rằng : "Những phúc trình này chứng tỏ phạm vi mà người Nga lợi dụng những sự chia rẽ trong xã hội để chia rẽ người Mỹ trong nỗ lực phá hoại và thao túng nền dân chủ của chúng ta".
"Những hành vi tấn công này… là toàn diện, có tính toán và lan rộng hơn nhiều hơn nhiều người suy nghĩ trước đây", ông nói.
Phúc trình của Oxford/Graphika nói rằng người Nga đã lan truyền những ‘thông tin sai lệch, những giải thiết âm mưu, những thông tin rẻ tiền và những dạng tin tức chính trị rác rưởi đến với các cử tri thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau’.
Phúc trình của New Knowledge cho biết người Nga ‘đã thực hiện những chiến dịch chống Hillary Clinton toàn diện’ chẳng hạn như nỗ lực tổ chức người Hồi giáo tuần hành phản đối bà Clinton.
Theo bản phúc trình này cho biết các tin tặc Nga cũng nhắm vào các thượng nghị sĩ Cộng hòa như Ted Cruz, Marco Rubio, Lindsey Graham và cố thượng nghị sĩ John McCain, và cựu giám đốc FBI James Comey và công tố viên đặc biệt Robert Mueller và nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.
Một bản phúc trình tình báo hồi tháng Giêng năm 2017 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị một chiến dịch gây ảnh hưởng tinh vi để phỉ báng ứng viên Tổng thống bên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ủng hộ cho ông Donald Trump.
Cố vấn của Trump nói dối về mối liên hệ với Nga (BBC, 31/10/2017)
Một cố vấn chiến dịch tranh cử cho Donald Trump thừa nhận đã nói dối FBI về thời gian liên lạc với những người bị cáo buộc có liên quan tới Nga.
Ông Papadopoulos cho biết phía Nga đang nắm giữ những tài liệu "gây bất lợi" cho bà Hillary Clinton.
George Papadopoulos thừa nhận các cuộc trao đổi diễn ra trong thời gian ông tham gia chiến dịch của ông Trump chứ không phải sau đó, các tài liệu tòa án cho thấy.
Ông nói ông được nói cho biết là phía Nga đang nắm giữ những tài liệu "gây bất lợi" cho bà Hillary Clinton.
Trong một diễn biến riêng rẽ, cựu quản lý chiến dịch của ông Trump là Paul Manafort phủ nhận các cáo buộc rửa tiền không liên quan đến cuộc bầu cử 2016.
Các cáo buộc đối với ông Papadopoulos là vụ đầu tiên được Robert Mueller, cố vấn đặc biệt điều tra những cáo buộc theo đó nói có mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump, đưa ra.
Vụ Papadopoulos ảnh hưởng đến Trump như thế nào ?
Giới phân tích nói rằng vụ việc có khả năng gây tổn hại cho nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vì nó liên quan trực tiếp đến chiến dịch của ông.
Ông Papadopoulos (thứ ba từ trái sang) được cho là "gần gũi với ông Trump tới mức đã xuất hiện trong bức ảnh" chụp cùng các quan chức phụ trách an ninh quốc gia. Bức ảnh được ông Trump đăng lên Twitter ngày 1/4/2016.
Theo các tài liệu của tòa, cựu cố vấn về chính sách đối ngoại của ông Trump thừa nhận là vào ngày 5/10/2017 ông đã cản trở cuộc điều tra của FBI đối với cáo buộc về sự thông đồng với Nga.
Khi bị FBI thẩm vấn hồi tháng Một năm nay, Papadopoulos nói rằng ông gặp hai nhân vật có quan hệ với Nga trước khi ông tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump, 3/2016. Trên thực tế, ông gặp họ sau thời điểm đó.
Một trong hai người nói trên là một phụ nữ Nga không được tiết lộ danh tính, người mà ông Papadopoulos tin là có quan hệ với các quan chức chính phủ Nga.
Ông thừa nhận đã tìm cách sử dụng các mối quan hệ của mình để sắp xếp một cuộc họp "giữa chiến dịch với các quan chức chính phủ Nga".
Người còn lại là một giáo sư không được tiết lộ danh tính ở London, người được cho là có "mối liên hệ đáng kể với các quan chức chính phủ Nga".
Vị giáo sư này chỉ quan tâm tới vị thế của ông Papadopoulos trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, theo tài liệu của tòa.
"Thông tin bất lợi" của Nga về bà Clinton, dưới dạng "hàng nghìn email", được vị giáo sư đề cập trong một bữa ăn sáng tại khách sạn ở London vào khoảng ngày 26/4/2016.
Vị giáo sư nói ông đã được cho biết về các email này khi ông gặp các quan chức cao cấp của chính phủ Nga trong chuyến đi Moscow gần đây.
Nhà Trắng phản ứng như thế nào ?
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói rằng vai trò của ông Papadopoulos trong chiến dịch vận động của ông Trump là "rất hạn chế".
Ông chỉ là "tình nguyện viên" và "không có hoạt động nào được thực hiện với tư cách nhân viên chính thức".
Bà Sarah Sanders cũng nhấn mạnh rằng không có cáo buộc nào chống lại ông Manafort liên quan đến chiến dịch vận động của bà Trump.
Liên quan đến những cáo buộc về ảnh hưởng của Nga, bà nói, nên chú trọng vào chiến dịch của bà Hillary Clinton.
"Vụ bê bối về sự thông đồng này, như chúng tôi đã nói nhiều lần trước đó, hoàn toàn liên quan đến chiến dịch của bà Clinton, Fusion GPS và Nga", bà nói thêm.
Theo truyền thông Mỹ, Perkins Coie, một công ty luật đại diện cho chiến dịch của Clinton và Ủy ban Quốc gia Dân chủ, đã thuê công ty tình báo Fusion GPS vào tháng 4/2016.
Fusion GPS, có trụ sở tại Washington DC, đã được trả tiền để đào bới các thông tin bất lợi cho ông Trump, người khi đó đang là đối thủ của bà Clinton trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống.
**********************
Bầu cử Mỹ 2016 : Tuyên truyền Nga trên Facebook tác động đến cả trăm triệu người (RFI, 31/10/2017)
Quy mô tuyên truyền Nga tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 vượt rất xa các ước tính trước đó. Một báo cáo của Facebook được chuyển đến Quốc Hội Mỹ hôm 30/10/2017, khẳng định điều này.
Các Thượng nghị sĩ Richard Burr (P) và Mark Warner thông báo tiến trình điều tra vụ Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, tại Thượng Viện ở Washington ngày 04/10/ 2017. Reuters/Aaron P. Bernstein
Theo Reuters, báo cáo của Facebook cho hay khoảng 126 triệu công dân Mỹ đã đọc gần 80.000 thông điệp chính trị, do cơ quan tuyên truyền của Moskva tung ra, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6/2015 đến tháng 8/2016.
Như vậy, ước tính gần một nửa cử tri Mỹ bị các thông điệp của Nga ảnh hưởng, cao gấp 10 lần số người dự tính bị tác động, theo ước tính trước đó của tập đoàn tin học này hồi đầu tháng 10.
Hãng tin AFP cho biết hôm nay, 31/10, và ngày mai, 01/11, đại diện của các tập đoàn Facebook, Twitter và Google sẽ điều trần trước nhiều ủy ban Quốc Hội Mỹ, về nghi án Nga sử dụng các mạng xã hội để can thiệp vào bầu cử tổng thống, dẫn đến chiến thắng của ông Donald Trump.
Theo Facebook, hoạt động tuyên truyền nói trên được một cơ quan của Nga, mang tên Internet Research Agency tài trợ. Thủ đoạn của cơ sở này là sử dụng các tài khoản giả để phát tán thông tin.
Tình báo Mỹ cho hay Moskva đã trả tiền cho nhiều công ty, trong đó có Internet Research Agency, để tung ra các thông điệp hạ thấp uy tín của nữ ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.
Trên trang blog chính thức, tập đoàn Google hôm qua cũng lần đầu tiên thừa nhận đã tìm thấy những nội dung tuyên truyền Nga trên mạng này, có liên quan đến công ty Internet Research Agency. Google đã đình chỉ 18 địa chỉ trên Youtube, truyền đi khoảng 1.100 video bằng tiếng Anh, có nội dung chính trị, ảnh hưởng đến cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.
Mạng Twitter cũng không nằm ngoài mục tiêu tác động của Nga. Theo tập đoàn này, khoảng 36.746 tài khoản (chiếm khoảng 0,01% tổng số tài khoản Twitter) có thể bị Nga chi phối. Các tài khoản này dồn dập tung ra các tuyên truyền, vào thời điểm 3 tháng trước cuộc bỏ phiếu.
Cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp, do công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách, bước sang một khúc quanh mới. Lần đầu tiên, ba nhân vật chủ chốt trong nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên Donald Trump, trong đó có giám đốc chương trình Paul Manafort, bị buộc tội.
Moskva nhiều lần bác bỏ các cáo buộc can thiệp.
Trọng Thành
*********************
Tin 'phá hoại của Nga' đến tay 126 triệu người dùng FB Mỹ (BBC, 31/10/2017)
Facebook nói có khoảng 80.000 bài được đăng trước và sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Facebook công bố có khoảng 80.000 bài với nội dung chia rẽ về xã hội và chính trị được đăng trước và sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Hầu hết các tin này tập trung đưa những thông điệp gây chia rẽ về xã hội và chính trị.
Facebook công bố con số này trước hai phiên điều trần thượng viện sắp diễn ra. Tại đó, Facebook cùng Twitter và Google sẽ trình bày chi tiết về tác động của Nga lên các mạng xã hội được nhiều người sử dụng.
Nga liên tiếp phủ nhận cáo buộc nước này tìm cách gây ảnh hưởng trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ với kết quả là ông Donald Trump thắng bà Hillary Clinton.
Trong một tin có liên quan, hôm thứ Hai 30/10, cuộc điều tra do cố vấn độc lập Robert Mueller dẫn dắt về khả năng chiến dịch của ông Trump có thông đồng với Nga đã khiến hai cựu phụ tá của ông Trump bị buộc tội. Một phụ tá thứ ba thừa nhận đã nói dối FBI.
Tổng thống Trump phủ nhận mọi cáo buộc ông có thông đồng với Moscow, và liên tục kêu gọi điều tra bà Clinton.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders hôm thứ Hai 30/10 nói Tổng thống Trump "không có kế hoạch hay dự định" thay đổi nhóm tư vấn đặc biệt để điều tra về khả năng có mối liên hệ của Nga đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Facebook nói gì ?
Facebook nói khoảng 80.000 bài được đăng từ tháng Sáu 2015 và tháng Tám 2017. Những bài này được khoảng 29 triệu người Mỹ đọc trực tiếp, theo một bài phát biểu dự thảo mà truyền thông Mỹ có được.
Những bài này, mà Facebook nói là do một hãng có liên hệ với điện Kremlin tạo ra, lan truyền rộng nhờ mọi người like, chia sẻ và bình luận, và do đó đã đến tay nhiều triệu người nữa.
"Những hành động này đi ngược lại với sứ mệnh của Facebook là xây dựng cộng đồng và tất cả những gì mà chúng tôi đại diện", cố vấn Colin Stretch của Facebook nói.
"Và chúng tôi quyết tâm làm tất cả những gì có thể để xử lý mối đe dọa mới này".
Facebook cũng nói hãng này đã xóa 170 tài khoản Instagram, những tài khoản đã đăng 120.000 bài với nội dung xấu.
************************
Vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ : Ba cựu cố vấn của Trump bị khởi tố (RFI, 31/10/2017)
Ngày 30/10/2017, công tố viên đặc biệt được giao điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ đã truy tố 3 cựu cố vấn của tổng thống Donald Trump. Đây là ba thành viên trong ê-kíp vận động tranh cử của ông Trump, trong đó có cựu giám đốc tranh cử Paul Manafort. Thế nhưng, Nhà Trắng vẫn cho rằng những vụ truy tố này không dính dáng gì đến tổng thống Trump cũng như đến chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái.
Ông Paul Manafort (T), cựu cố vấn tranh cử của tổng thống Donald Trump rời tòa án tại Washington sau khi bị khởi tố ngày 30/10/2017. Reuters/Jim Bourg
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã truy tố ông Paul Manafort và cộng sự viên Richard Gates về 12 tội danh, trong đó có các tội danh âm mưu chống Hoa Kỳ, rửa tiền, khai gian và không khai báo tài khoản ở nước ngoài. Tuy nhiên, bản cáo trạng không nói đến chuyện thông đồng giữa ê-kíp của ứng cử viên Donald Trump với chính quyền Nga.
Nhưng gây khó khăn cho ông Trump nhiều hơn hết chính là những tiết lộ liên quan đến một trong những cựu cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, đó là ông George Papadopoulos, đặc trách các vấn đề về chính sách ngoại giao trong ê-kíp tranh cử của ông Trump. Ông Papadopoulos thừa nhận đã nói dối với các nhà điều tra của FBI.
Cụ thể, ông đã tìm cách che dấu những mối liên hệ chặt chẽ của ông với những nhân vật trung gian của Nga. Từ những nhân vật này, ông Papadopoulos đã biết được là Moskva đang nắm trong tay những thông tin có thể làm ô danh ứng cử viên Dân Chủ Hillarry Clinton.
Sau khi đến trụ sở FBI sáng hôm qua, hai ông Manafort và Gates vào buổi chiều đã tuyên bố không nhận tội trước một thẩm phán liên bang ở Washington. Thẩm phán Deborah Robinson đã ra lệnh quản thúc tại gia hai nhân vật này.
Phản ứng về vụ truy tố các cựu cố vấn của ông, trên mạng Twitter hôm qua tổng thống Donald Trump khẳng định những vụ việc liên quan đến ông Manafort đã xảy ra từ nhiều năm trước và ông viết rằng "không hề có thông đồng" (với Nga). Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng đã có phản ứng tương tự, như tường trình của thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet từ Washington :
Trong khi ông Paul Manafort và cộng sự viên Rick Gates còn đang ở trong tòa án Washington, phát ngôn viên của tổng thống, bà Sarah Huckabee Sanders, tuyên bố tại cuộc họp báo : "Thông báo hôm nay không dính dáng gì đến tổng thống, không dính dáng gì đến chiến dịch tranh cử của tổng thống và đến các hoạt động tranh cử".
Như vậy, phát ngôn viên Nhà Trắng đã có phản ứng giống như tổng thống Trump trên mạng Twitter cho rằng không hề có chuyện thông đồng với Nga, bởi vì những vụ liên quan đến ông Manafort và Gates đã xảy ra từ trước khi ông Trump ra ứng cử tổng thống.
Vấn đề nằm ở nhân vật thứ ba : George Papadopoulos. Bị cáo buộc đã nói dối về những cuộc tiếp xúc của ông với các nhân vật trung gian Nga, ông Papadopoulos chấp nhận hợp tác với FBI và sẽ cung cấp (hoặc có lẽ đã cung cấp rồi) thông tin về những gì mà ê-kíp của Trump đã biết và những gì mà ê-kíp này đã làm để cố lấy được những thư điện tử gây tổn hại cho bà Hillarry Clinton hoặc để tổ chức một cuộc gặp Trump-Putin.
Bà Sarah Huckabee Sanders hôm qua đã mô tả ông Papadopoulos như là một "tình nguyện viên" chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể. Tuy nhiên, trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Washington Post trước đây, ông Trump đã không ngớt lời ca ngợi năng lực của viên cựu cố vấn này. Bây giờ tổng thống Mỹ lại không nhớ đã từng gặp ông Papadopoulos.
Thanh Phương
**************************
Âm mưu chống lại Hoa Kỳ là gì ? (BBC, 31/10/2017)
Cuộc điều tra của Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã có diễn biến mới.
Paul Manafort
Ba trợ tá cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump đã bị khởi tố.
Cựu chủ tịch lãnh đạo chiến dịch, Paul Manafort, và một cựu trợ tá, Rick Gates, đã ra tòa nhưng không nhận các tội âm mưu chống Mỹ, rửa tiền và nhiều tội khác.
Hai người này nay bị quản thúc tại gia sau khi đóng tiền thế chân.
Một cựu trợ tá khác, George Papadopoulos, đã nhận tội nói dối với FBI về các mối liên hệ với Kremiln.
Papadopoulos, cựu cố vấn đối ngoại của Donald Trump, thừa nhận ông đã che giấu liên lạc với một giáo sư có dính líu với Moscow, mà người này hứa có thông tin "xấu" về Hillary Clinton.
Theo đánh giá của AFP, mặc dù các cáo buộc hiện chưa chỉ ra có âm mưu từ cấp cao nhất, nhưng chúng có thể cho thấy những nhân viên của ông Trump đã hy vọng Nga giúp đỡ.
Cáo buộc đầu tiên với Paul Manafort và Rick Gates có tên "âm mưu chống lại Hoa Kỳ".
Điều này có nghĩa là gì ?
Chi tiết có trong Bộ Chuẩn luật Quốc gia Hoa Kỳ (US Code of Laws).
Đầu tiên, tội này không áp dụng cho một cá nhân, mà phải dùng với "hai người trở lên". Trong trường hợp này, đó là ông Manafort và Gates.
Thứ hai, luật này khá rộng. Nó có thể dùng với một nhóm "có bất kỳ tội gì chống Hoa Kỳ, hay lừa gạt Hoa Kỳ, hay bất kỳ cơ quan nào, theo cách gì hay mục đích gì".
Trong một vụ năm 1924, Chánh án William Taft định nghĩa "lừa đảo" :
"Âm mưu lừa Hoa Kỳ có nghĩa chủ yếu là lừa đảo về bất động sản hay tiền bạc".
"Nhưng cũng có nghĩa là can thiệp, cản trở chức năng của chính phủ thông qua lừa đảo, hay ít nhất bằng một cách không trung thực".
Hình phạt là gì ?
Mức phạt tối đa là 5 năm tù.
Tiền phạt tối đa là 250.000 đôla, hoặc 500.000 đôla cho tổ chức.
Nhưng nếu bị can cũng phạm các tội khác, thì mức án có thể nặng hơn.
Luật áp dụng khi nào ?
Tính chất rộng của luật khiến nó đã được áp dụng với nhiều người.
Năm 2005, tin tặc Jeanson James Anchesta bị truy tố, và nhận tội năm 2006 với mức án 5 năm tù.
Jeff Skilling, cựu giám đốc công ty năng lượng Enron, cũng bị kết tội, tống giam năm 2006 với mức án ban đầu 24 năm, sau đó giảm còn 14 năm.