Đảng Cộng Hòa tung đòn phản công, FBI trong tầm ngắm (RFI, 01/02/2018)
Cuộc đọ sức giữa chính quyền Trump và Cục điều tra Liên bang FBI bước vào một giai đoạn mới. Vào lúc gọng kìm cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 đang dần dần siết chặt đối với những người thân cận của Donald Trump và bản thân tổng thống Mỹ chấp nhận trả lời có tuyên thệ các câu hỏi của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, thì đảng Cộng Hòa bắt đầu phản công.
Trụ sở của Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI. Wikimedia Commons
Hạ Viện Mỹ do đảng Cộng Hòa chiếm đa số thông qua việc công bố một báo cáo mật của Ủy ban tình báo của định chế này, gây bất lợi cho FBI. Báo cáo của Ủy ban do ông Devin Nunes, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa làm chủ tịch, chỉ trích FBI "lạm quyền trong việc theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống". Nhà Trắng có năm ngày để quyết định xem tài liệu này nên giữ bí mật hay không.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin báo chí không chính thức, dường như tổng thống Mỹ ủng hộ việc công bố. FBI, đảng Dân Chủ và bộ Tư Pháp Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ quyết định trên của phe Cộng Hòa với lý do có nhiều tình tiết thiếu sót "ảnh hưởng đến độ chính xác" của báo cáo.
Báo cáo nói gì ?
Theo tường thuật của giới truyền thông Mỹ được AFP trích dẫn, tài liệu của Ủy ban tình báo cho rằng bộ Tư Pháp và FBI đã "lạm dụng quyền hạn dưới danh nghĩa an ninh quốc gia để được phép theo dõi các cuộc đối thoại của ông Carter Page". Vị cựu cố vấn đối ngoại của ban vận động tranh cử của ông Trump bị nghi ngờ làm gián điệp do những mối liên hệ thường xuyên của với các quan chức Nga.
Báo cáo còn đặc biệt nhắm vào ông Rod Rosenstein, thứ trưởng bộ Tư Pháp, người đã thuyết phục thành công tổng thống Trump cho phép kéo dài việc theo dõi. Chính ông Rod Rosenstein đã bổ nhiệm ông Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt phụ trách cuộc điều tra. Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, bị nghi ngờ có liên quan đến vụ án này, nên không phụ trách, giám sát cuộc điều tra. Như vậy, ngoài tổng thống Donald Trump, chỉ có ông Rosenstein mới là người có quyền bãi nhiệm ông Robert Mueller.
Vẫn theo báo cáo, Ủy ban tình báo Hạ Viện Mỹ khẳng định rằng chiến dịch theo dõi này là thiếu chính xác vì chỉ dựa vào một cuộc điều tra duy nhất từ cựu nhân viên tình báo người Anh, ông Christopher Steele, liên quan đến mối liên hệ giữa Trump và Nga.
Phe Cộng Hòa cho rằng cuộc điều tra này là thiên vị vì được tài trợ bởi một công ty ủng hộ đảng Dân Chủ lúc ấy cầm quyền. Và sau cùng, báo cáo cũng cho biết là đã có nhiều bằng chứng về việc bộ Tư Pháp Mỹ tìm cách hạ uy tín của ông Donald Trump.
Đương nhiên, phe Dân Chủ thiểu số tại Hạ Viện, đã có phản ứng mạnh mẽ, phê phán bản báo cáo "thiếu chính xác" và đưa ra một "hình ảnh lệch lạc về FBI" vào lúc công tố viên đặc biệt Mueller đang điều tra liệu tổng thống Mỹ có cản trở tư pháp hay không, nhất là trong việc bãi nhiệm ông James Comey, cựu lãnh đạo FBI hồi tháng 5/2017. Xin nhắc lại là vào thời điểm đó, ông Comey cũng đang tiến hành điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử.
Chưa biết đòn phản công của phe Cộng Hòa sẽ cho kết quả ra sao, nhưng theo tiết lộ của CNN ngày hôm qua, được Reuters trích dẫn, dường như trong một cuộc gặp riêng hồi tháng 12 năm ngoái, tổng thống Mỹ đã hỏi ông Rod Rosenstein "có ủng hộ" ông hay không, và cuộc điều tra dưới sự chỉ đạo của công tố viên đặc biêt Muller đi theo hướng nào .
CNN cho rằng cuộc trao đổi này một lần nữa làm dấy lên nhiều nghi vấn về ý đồ hiển nhiên của ông Donald Trump can thiệp vào cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Nếu như tổng thống Donald Trump được khuyên can, không nên cách chức ông Mueller, cuộc phản công của đảng Cộng Hòa dường như nhắm vào vị công tố viên đặc biệt, nổi tiếng là trung thực và chính trực.
Minh Anh
************************
FBI : "lo ngại" về những thiếu sót quan trọng trong biên bản ghi nhớ Nunes (Người Việt, 31/01/2018)
Trong một tuyên bố hiếm hoi vào thứ Tư, FBI cho biết họ "vô cùng lo ngại" về biên bản ghi nhớ do Đảng Cộng Hòa phác thảo, có nội dung tố cáo Bộ Tư Pháp lạm dụng quyền giám sát, có thể được công khai trong những ngày sắp tới.
Photo credits : Reuters
FBI cho biết : "FBI có rất ít cơ hội để xem xét biên bản ghi nhớ của Ủy ban Tình báo Hạ viện trước khi Ủy ban bỏ phiếu công bố nó. Chúng tôi vô cùng lo ngại về những thiếu sót có thể ảnh hưởng đến sự chính xác của biên bản ghi nhớ".
Ủy ban Tình báo Đảng Cộng Hòa, do Devin Nunes (Cộng Hòa – California) dẫn đầu, đã bỏ phiếu thông qua việc công bố biên bản ghi nhớ, mặc dù Đảng Dân Chủ phản đối quyết liệt.
Đảng Dân Chủ cáo buộc bộ hồ sơ là một loạt những lời buộc tội không chính xác, được tổng hợp lại để tấn công công tố viên đặc biệt Robert Mueller – người đang dẫn dắt cuộc điều tra sự liên quan giữa Nga và ban vận động Trump.
Quyết định có công khai biên bản ghi nhớ hay không đang nằm trong tay Tổng thống Trump, ông sẽ quyết định trong 5 ngày tới. Một số người cho rằng Tổng thống sẽ đổi ý và không công bố biên bản ghi nhớ, thể theo lời yêu cầu của những quan chức cao cấp của Bộ Tư Pháp.
Nhưng theo một nguồn tin thì Tổng thống Trump đã hứa với Dân Biểu Jeff Duncan (Cộng Hòa – South Carolina) rằng ông sẽ "100%" công bố biên bản ghi nhớ. Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng bộ hồ sơ này đã được nhiều cơ quan xem xét trước, để tránh gây nguy hiểm cho quốc gia.
Đổng lý Văn phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly cho biết hôm thứ Tư rằng họ sẽ công bố biên bản ghi nhớ sớm hơn dự kiến.
Ông Kelly phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên Fox News Radio rằng : "Tôi nghĩ nó sẽ được công bố sớm để mọi người xem. Tổng thống muốn mọi chuyện đều được phơi bày cho công chúng, rồi để họ tự quyết định".
Lời tuyên bố hôm thứ Tư từ FBI – cơ quan kín tiếng trước truyền thông nhất ở Washington – là dấu hiệu mới nhất cho thấy biên bản ghi nhớ Nunes gây thêm căng thẳng giữa Trump và Bộ Tư Pháp.
Các quan chức cao cấp Bộ Tư Pháp, bao gồm Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein và Giám đốc FBI Chris Wray, đã cảnh báo ông Kelly về việc công khai bộ hồ sơ này, trước khi Ủy ban Tình báo bỏ phiếu.
Phụ tá Tổng trưởng Tư pháp Stephen Boyd – một người được ông Trump bổ nhiệm – cũng cảnh báo trước cuộc bỏ phiếu rằng công khai biên bản ghi nhớ là "vô cùng liều lĩnh" và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Thông thường, khi công khai một hồ sơ mật, các cơ quan liên quan trong nội dung, sẽ cân nhắc liệu thông tin đó có tiết lộ khả năng và nguồn tin tình báo nhạy cảm hay không.
Mặc dù ông Wray đã được xem bộ hồ sơ trong khu an toàn của Ủy ban trước khi bỏ phiếu, Bộ Tư Pháp vẫn nỗ lực ngăn cản việc công khai.
Dân biểu Mike Conaway (Cộng Hòa – Texas) trả lời khi được hỏi vì sao ban đầu FBI không được xem bộ hồ sơ : "Ồ, chính họ là người có vấn đề mà".
Nội dung của biên bản ghi nhớ chưa được công khai nhưng dự kiến rằng nó chứa cáo buộc về FBI đã không nói rõ cho tòa án biết rằng một số thông tin họ dùng là từ "Hồ sơ Steele" – nghiên cứu về ông Trump được ban vận động Hilary Clinton tài trợ, để xin lệnh nghe lén cố vấn Carter Page.
FBI tuyên bố : "FBI nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ của mình với tòa án Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA) và tuân thủ các quy trình do các chuyên gia FBI và Bộ Tư Pháp giám sát. Chúng tôi đã làm việc để bảo đảm tính thanh liêm của quy trình FISA".
Ông Trump, người vô cùng bất mãn với cuộc điều tra liên bang về những cáo buộc liên quan đến ban vận động của ông với Nga, trước đó đã tweet rằng danh tiếng của FBI đang bị "vỡ vụn".
Tổng thống Trump muốn sa thải những quan chức FBI cao cấp mà ông cho là thiên vị và chống lại ông, trong đó có cựu Phó Giám đốc Andrew McCabe – người đã từ chức vào tuần này. Ông McCabe được cho là được nhắc đến trong cả hai biên bản ghi nhớ Nunes, và đang bị điều tra về cách ông giải quyếtù vụ Hilary Clinton sử dụng thư điện tử cá nhân.
Những nhà bảo thủ ở Hạ viện xem biên bản Nunes còn "tệ hơn vụ Watergate", gợi ý rằng nó có thể chấm dứt cuộc điều tra của ông Mueller, vốn bị Đảng viên Cộng Hòa chỉ trích là thiên vị.
Các Đảng viên Cộng Hòa đã phác thảo một tài liệu khác để chống lại biên bản ghi nhớ Nunes. Nhưng Ủy ban cho rằng tài liệu của Dân Chủ cũng cần trải qua những bước tương tự như biên bản ghi nhớ Nunes, như là phải được Hạ viện xem xét nếu muốn công khai.
Nam Phố (theo The Hill)
Khả năng tổng thống Donald Trump bị thẩm vấn liên quan đến cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ giờ đây không còn là vấn đề nhạy cảm hay phải né tránh. Dựa trên các nguồn tin từ trong chính quyền, truyền thông Mỹ những ngày qua loan báo công tố viên đặc biệt, ông Robert Mueller, dự kiến sẽ thẩm vấn trực tiếp tổng thống Mỹ.
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, Washington, ngày 21/06/2017-Alex Wong/Getty Images/AFP
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet tường trình :
"Đài truyền hình NBC và Washington Post, dẫn nguồn tin thân cận với tổng thống Mỹ cho biết, cuộc thẩm vấn Donald Trump có thể tập trung vào những vấn đề hạn chế và có thể sớm diễn ra trong vài tuần tới.
Được hỏi về khả năng có cuộc thẩm vấn như vậy, cuối tuần qua, chủ nhân Nhà Trắng trả lời ông đã không giấu gì hết. Ông Donald Trump mong muốn chấm dứt nhanh nhất cuộc điều tra đang làm vẩn đục nhiệm kỳ tổng thống của mình mà ông đánh giá là xỉ nhục cho nước Mỹ.
Nhưng các luật sư của ông thì lại lo ngại khi nghĩ tới một cuộc đối mặt như vậy. Họ tìm cách để tổng thống được trả lời các câu hỏi bằng văn bản. Dường như điều này không được nhóm của công tố viên đặc biệt chấp thuận.
Đây không phải lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm bị tư pháp thẩm vấn. Ông Bill Clinton đã từng phải trả lời về nhưng hành vi tình dục quá trớn trong khuôn khổ vụ Lewinsky. Ông George Bush cũng đã bị thẩm vấn ngay tại phòng bầu dục về vụ tiết lộ danh tính của một nhân viên tình báo CIA.
Nhưng chủ nhân hiện nay của Nhà Trắng là một tổng thống ăn nói không được đáng tin lắm. Điều đó khiến cuộc thẩm vấn trở nên rủi ro. Năm 2007, ông Trump đã đệ đơn kiện một nhà báo vì chuyện vu cáo. Trong phiên tòa đó, các luật sư biện hộ đã liệt kê được 30 điểm dối trá trong lời khai của ông Donald Trump.
Anh Vũ
Đồng minh của Trump nói Mueller thu giữ hàng ngàn email bất hợp pháp (VOA, 17/12/2017)
Một tổ chức được thành lập cho giai đoạn chuyển tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Nhà Trắng ngày thứ Bảy nói rằng công tố viên đặc biệt điều tra các cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 đã thu giữ hàng chục ngàn email bất hợp pháp.
Luật sư cho đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump nói văn phòng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã thu giữ hàng chục ngàn email bất hợp pháp từ Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA).
Kory Langhofer, luật sư cho đội ngũ chuyển tiếp này mang tên Trump for America, Inc. (TFA), đã viết một bưcthư gửi tới các ủy ban của Quốc hội nói rằng đội ngũ của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã nhận một cách không thỏa đáng những email từ Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA), một cơ quan của chính phủ.
Các nhân viên của cơ quan này đã "đưa một cách bất hợp pháp các tài liệu riêng tư của TFA, bao gồm những trao đổi liên lạc kín, cho Văn phòng Công tố viên Đặc biệt," theo bức thư này. Bức thư nói các tài liệu bao gồm "hàng chục ngàn email".
Đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump đã sử dụng cơ sở vật chất của GSA, có nhiệm vụ quản lý hệ thống quan liêu của chính phủ Hoa Kỳ, trong giai đoạn sau khi ông Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11 và trước lễ nhậm chức của ông vào tháng 1.
Lời cáo buộc của phe ông Trump cho thấy sự sự xung khắc ngày càng lớn giữa những người ủng hộ tổng thống và văn phòng của ông Mueller trong lúc họ đang điều tra xem Nga có can dự vào cuộc bầu cử hay không và liệu ông Trump hoặc bất cứ ai trong đội ngũ của ông có thông đồng với Moscow hay không.
Khi được yêu cầu bình luận, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói : "Chúng tôi tiếp tục hợp tác đầy đủ với công tố viên đặc biệt và cho rằng quá trình này sẽ sớm kết thúc".
Văn phòng công tố viên đặc biệt bác bỏ khiếu nại của đội ngũ chuyển tiếp.
"Khi chúng tôi thu giữ những email này trong lúc tiến hành cuộc điều tra hình sự đang tiếp diễn, chúng tôi đã bảo đảm được sự đồng ý của chủ sở hữu tài khoản hoặc tiến trình hình sự thích hợp," Peter Carr, người phát ngôn của văn phòng công tố viên đặc biệt, nói.
GSA không phản hồi ngay tức thì về yêu cầu bình luận.
Langhofer, luật sư của đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump, viết trong bức thư của ông rằng việc GSA chuyển giao tài liệu được phát hiện vào ngày 12 và 13 tháng 12.
FBI đã yêu cầu các tài liệu này từ nhân viên GSA vào ngày 23 tháng 8, bao gồm các bản sao email, máy tính xách tay, điện thoại di động và các tài liệu khác liên quan đến chín thành viên trong đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia và các vấn đề chính sách.
FBI yêu cầu các tài liệu của thêm bốn thành viên cao cấp trong đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump vào ngày 30 tháng 8, bức thư nói.
Ông Langhofer lập luận rằng, dù các đội ngũ chuyển tiếp tham gia vào các chức năng điều hành, họ được coi là các tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận và những giấy tờ văn bản lưu lại của họ có tính chất riêng tư, không phải tuân theo luật kí lục tổng thống.
**********************
Nghi án bầu cử Mỹ : Bên điều tra có hơn 10.000 emails để khai thác (RFI, 17/12/2017)
Hôm 16/12/2017, website thông tin Axios của Mỹ đưa tin, nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller có trong tay hàng chục ngàn thư điện tử cá nhân các cộng sự của Donald Trump, những người phụ trách chuyển giao chính quyền.
Ảnh minh họa : Công tố viên đặc biệt Robert Mueller (P) sau buổi tường trình ở Thượng Viện về cuộc điều tra. Ảnh ngày 21/06/2017. Reuters
Trong số tài liệu này có cả các thư điện tử của Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn đặc biệt của tổng thống Donald Trump, cũng như của các thành viên phụ trách vấn đề chính trị và chính sách đối ngoại.
Theo Axios, cơ quan hỗ trợ việc chuyển giao chính quyền – General Services Administration GSA - quản lý các tài khoản thư điện tử của nhóm phụ trách chuyển giao chính quyền, đã cung cấp các thư này cho công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Có thể công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã có các thư điện tử từ 12 tài khoản khác nhau.
Các nhà điều tra dường như sử dụng các thư điện tử để thẩm vấn các nhân chứng, cũng như để kiểm chứng thông tin, mở thêm các hướng điều tra mới. Cho đến lúc này, văn phòng của ông Mueller từ chối bình luận về thông tin nói trên.
Tuy nhiên, vẫn theo nguồn tin của Axios, ông Kory Langhofer, luật sư của nhóm phụ trách chuyển giao chính quyền đã viết thư gửi các ủy ban của nghị viện Mỹ tố cáo GSA đã cung cấp bất hợp pháp các thư điện tử nói trên cho nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Hồi tháng 10 vừa qua, Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Trump đã bị điều tra về tội trốn thuế và rửa tiền. Trong khi đó, George Papadopoulos, nguyên là cố vấn về đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã thừa nhận nói dối với các nhân viên FBI về những cuộc tiếp xúc của ông ta với các đại diện chính quyền Nga.
Vài tuần sau, đến lượt Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh của tổng thống Trump, đã thừa nhận khai gian với FBI về các tiếp xúc của ông với đại sứ Nga tại Mỹ. Ông Flynn chấp nhập hợp tác với nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Chính quyền Trump cấm một số từ ngữ trong lĩnh vực Y Tế
Các cơ quan trực thuộc bộ Y Tế phải tránh sử dụng một số từ hay thành ngữ trong các văn bản chính thức đang được soạn thảo cho ngân sách năm 2018 tại Mỹ. Đây là chỉ thị mới nhất của chính quyền Donald Trump, theo như tường thuật của tờ báo Mỹ Washington Post.
Một trong những cơ quan này, tập hợp các Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Chống Bệnh Tật (CDC) đã nhận được một danh sách gồm 7 từ hay thuật ngữ không được dùng : "dễ bị tổn thương", "trợ cấp", "đa dạng", "chuyển giới", "bào thai", "dựa trên các hiện tượng" và "dựa trên những dữ liệu khoa học".
Một cơ quan khác nhận được chỉ thị thay thế "Obamacare" bằng "Affordable Care Act". Vẫn theo Washington Post, các tài liệu của bộ Y Tế kể từ giờ dùng thuật ngữ "dự phòng rủi ro giới tính" thay vì nói về "giáo dục giới tính".
Trước những thông tin này, bộ Y Tế đã lên tiếng phủ nhận cho rằng những thông tin trên mang tính chất "sai lệch", đồng thời khẳng định cơ quan này "tiếp tục dựa vào những yếu tố khoa học tốt nhất để cải thiện sức khỏe của người dân Mỹ".
RFI tiếng Việt
Nga xen vào bầu cử Mỹ : Comey sẵn sàng khai việc Trump gây sức ép (RFI, 02/06/2017)
Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) James Comey, người chịu trách nhiệm điều tra về sự can thiệp của Nga vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ 2016 sẽ ra điều trần trước Ủy Ban Điều Tra của Thượng Viện vào thứ Hai 08/06/2017. Kênh truyền hình CNN khẳng định là James Comey sẽ cho biết công khai các sức ép của tổng thống Donald Trump, trước khi ông bị cách chức giám đốc FBI.
Ông James Comey lúc điều trần trước Ủy ban Tình Báo Hạ Viện, ngày 20/03/2017. REUTERS/Joshua Roberts
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier phân tích :
"Ngày James Comey ra điều trần trước Thượng Viện vẫn chưa được công bố chính thức. Nhưng Donald Trump đang phải chịu nhiều sức ép. Cựu giám đốc FBI dường như sẵn sàng khẳng định những thông tin đã bị rò rỉ, theo đó tổng thống Hoa Kỳ đã yêu cầu ông ngưng tìm kiếm thông tin về sự can thiệp của Nga vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Nếu vậy, đó là hành động ngăn cản tư pháp hoạt động, thậm chí là một khinh tội nghiêm trọng, nhất là đối với chủ nhân Nhà Trắng.
Donald Trump, người đang lập một ê kíp đặc biệt để xử lý vụ khủng hoảng này, có vài ngày để hành động trước khi James Comey ra điều trần trước Nghị Viện, nhưng Donald Trump sẽ không có nhiều sự lựa chọn. Trên thực tế, lợi dụng vị thế để ngăn cản James Comey tiết lộ câu chuyện chỉ làm tăng mối nghi ngờ, trong khi chính Donald Trump nhiều lần tiết lộ hai người đã có nhiều cuộc trao đổi.
Có vẻ như chính Donald Trump đang tự rơi vào bẫy của ông. Bởi vì nếu vai trò của những người thân cận của ông trong vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ còn lâu mới được làm sáng tỏ, thì chính cách làm việc và sự hời hợt về luật pháp của Donald Trump từ khi ông thành chủ nhân của Nhà Trắng mới bị đưa ra bàn cãi nhiều.
James Comey đang được trông chờ sẽ làm sáng tỏ vụ này. Cựu giám đốc FBI có thể đã ghi lại nội dung các cuộc trao đổi với Donald Trump. Điều đó cũng có nghĩa là các hành động có thể gây sức ép được thể hiện trong các bản ghi nhớ giờ đây trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý".
RFI tiếng Việt
*****************
Luật sư riêng của Trump không cung cấp thông tin cho điều tra Nga-Trump (VOA, 31/05/2017)
Michael Cohen, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump
Luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, Michael Cohen, đã nhận và đã từ chối một yêu cầu cung cấp tài liệu trong một cuộc điều tra đang diễn tiến của Quốc hội về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và những liên lạc với ban vận động của ông Trump.
Cohen, một luật sư lâu năm của Tổ chức Trump, vẫn là luật sư riêng của ông Trump. Ông từng lên truyền hình làm người đại diện phát ngôn cho ông Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Ủy ban Tình báo Hạ viện yêu cầu ông Cohen cung cấp thông tin trong khi các nhà điều tra tiếp tục săm soi những thành viên thân cận của ông Trump.
"Tôi từ chối lời mời tham gia vì yêu cầu được trình bày một cách kém cỏi, quá rộng và không thể nào trả lời được," ông Cohen nói với hãng tin AP. "Tôi thấy việc yêu cầu gửi đến cho tôi bị rò rỉ bởi những người làm việc trong ủy ban là điều thiếu trách nhiệm và thiếu thỏa đáng".
Ông Cohen nói với ABC News rằng ông được cả Ủy ban Tình báo của Hạ viện lẫn Thượng viện yêu cầu cung cấp thông tin và lời khai chứng về những liên lạc của ông với các quan chức Nga.
Quan hệ của ông Cohen với các nhân vật có lợi ích ở Nga được nêu ra vào tháng 2 khi báo The New York Times loan tin ông Cohen đã giúp làm trung gian điều giải một kế hoạch hòa bình ở Ukraine mà sẽ kêu gọi quân đội Nga rút khỏi Ukraine và kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý để người dân Ukraine quyết định liệu phần đất bị Nga chiếm đóng vào năm 2014 có nên để cho Moscow thuê tại hay không. Chính phủ Nga phủ nhận không hay biết gì về kế hoạch này.
Theo báo Times, kế hoạch hòa bình là công tác của Felix Sater, một cộng sự kinh doanh đã giúp ông Trump tìm kiếm mối làm ăn ở Nga, và ông Cohen.
*********************
Ông Michael Flynn. Ảnh ngày 10/01/2017, tại Washington. CHRIS KLEPONIS / AFP
Cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Donald Trump, tướng Michael Flynn sẽ cung cấp một số tài liệu cho Ủy ban Tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ, trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Hãng tin AP hôm nay 31/05/2017 loan báo như trên.
Quyết định của ông Flynn được đưa ra hôm qua, sau khi luật sư riêng của ông Donald Trump là Michael Cohen đã từ chối cung cấp thông tin cho Ủy ban Tình báo Hạ Viện, và một cựu nhân viên Nhà Trắng, Boris Epshteyn xác nhận đã được Ủy ban này liên lạc với yêu cầu tương tự.
Sự hợp tác của ông Michael Flynn là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông và Thượng Viện đã tìm được tiếng nói chung. Trước đây cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng đã viện dẫn Tu chính án số 5 trong Hiến Pháp để từ chối cung cấp tài liệu, nhưng nay Thượng Viện đã thu hẹp phạm vi yêu cầu. Ủy ban Tình báo Thượng Viện cũng ra lệnh giao nộp các băng ghi âm từ các công ty của ông Flynn.
Một trong các công ty đó, Flynn Intel Group Inc., đã tư vấn cho một doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ. Còn công ty Flynn Intel Group LLC được sử dụng để nhận tiền chi trả cho các tham luận của ông Flynn, trong đó có số tiền 33.000 đô la từ RT (Russia Today), kênh truyền hình do điện Kremlin tài trợ. Hôm qua, một người thân cận ông Flynn cho hay sẽ giao các tài liệu về hai công ty trên, và một số thông tin khác trong tuần tới.
Trong khi đó cả tổng thống Donald Trump lẫn đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đều lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra. Ông Putin khi trả lời Le Figaro đã bác bỏ hẳn mọi liên can trong bầu cử Mỹ, còn ông Trump trên Twitter hôm qua cho rằng đây là "tin giả" của phe Dân Chủ để biện minh cho thất bại.
Ông Michael Cohen trong một thời gian dài là luật sư của Trump Organization, nay tiếp tục là luật sư riêng của tổng thống Mỹ. Theo New York Times, ông Cohen từng can dự vào kế hoạch hòa bình Ukraina theo cách có lợi cho Nga. Một số cổ đông trong hãng taxi của ông Cohen đến từ Liên Xô cũ trong đó có bố vợ sinh tại Ukraina. Còn ông Boris Epshteyn sinh trưởng tại Matxcơva, có làm việc tại Nhà Trắng một thời gian ngắn.
Thụy My
*********************
Trump nói con rể 'là người tốt' (BBC, 29/05/2047)
Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai ủng hộ con rể, Jared Kushner, sau khi có tin viên trợ lý này định thiết lập đường dây thông tin bí mật với Moscow.
Jared Kushner hiện là một trong những trợ lý hàng đầu của Donald Trump
Trong thông cáo gửi tới tờ New York Times, ông Trump ca ngợi ông Kushner "đang làm rất tốt".
Nhưng ông không đề cập đến những cáo buộc chống lại chồng của Ivanka.
Có cáo buộc rằng ông Kushner thảo luận về việc thiết lập một kênh ngầm với đại sứ Nga hồi tháng 12/2016.
New York Times và Washington Post nói ông Kushner muốn dùng phương tiện của Nga để tránh sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các cuộc thảo luận với Moscow.
Ông được ghi nhận làm việc này trước khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ, do vậy ông là dân thường vào thời đó.
Những cáo buộc này xảy đến sau khi ông Kushner được cho là đang trong tầm ngắm của FBI về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Truyền thông Mỹ cho biết các nhà điều tra tin rằng ông Kushner liên quan vụ này, nhưng chưa hẳn là nghi phạm.
Ông Trump - người được cho là đã gặp các luật sư tại Nhà Trắng hôm 28/5 - không do dự trong việc bày tỏ sự ủng hộ cho ông Kushner, trợ lý cao cấp tại Nhà Trắng.
Thông cáo của ông Trump cũng nói "Tôi hoàn toàn tin tưởng Kushner".
"Ông ấy được mọi người kính trọng và đang thực hiện các chương trình giúp tiết kiệm cho nước Mỹ hàng tỷ đôla. Thêm vào đó, ông ấy là người tốt".
**********************
Donald Trump phản công, cáo buộc truyền thông Mỹ "dối trá" (RFI, 29/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo chí tại Nhà Trắng sau buổi tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Washington ngày 16/05/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Trở về Hoa Kỳ sau một chuyến công du nước ngoài dài tám ngày, tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản công, tố cáo "lời lẽ dối trá" của truyền thông Mỹ khi liên tục đưa ra nhiều tiết lộ nghi ngờ con rể ông, Jared Kushner và nhiều người thân cận khác, có liên hệ với Nga.
Sau một loạt thất bại chính trị và tranh cãi ngày càng ầm ĩ về mối liên hệ giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga, tổng thống Mỹ quyết định tập hợp các cố vấn và những người thân cận nhằm tổ chức một cuộc phản công.
Từ New York, thông tín viên RFI, Grégoire Pourtier tường thuật :
Các đồng minh chính trị của Donald Trump, và nhất là các luật sư của ông, gần đây có khuyên nguyên thủ Mỹ nên giảm bớt tần số và giọng điệu gay gắt của các dòng twitt, vốn dĩ có thể sẽ quay lại chống chính ông.
Nhưng khi về đến Washington, tổng thống Mỹ đã không thể kiềm chế được trong ngày Chủ Nhật 28/5. Buổi sáng, cũng như buổi tối, lần đầu tiên, tổng thống Mỹ đã đăng nhiều tin nhắn cho thấy ông quyết tâm chiến đấu, nhất là chống lại giới truyền thông, mà ông cáo buộc là đã nói dối và che giấu sự thật.
Mọi người cho rằng Nhà Trắng nhanh chóng xem lại chiến lược thông tin, qua những buổi mít-tinh trong nước hay qua những trao đổi trực tuyến trên Facebook, để khuyến khích một sự trao đổi trực tiếp hơn.
Đặc biệt, một War Room, hội đồng chiến tranh, đang được thiết lập để chống lại những cáo buộc thông đồng với Nga. Nhiều chuyên gia tư vấn, chuyên xử lý tình huống khủng hoảng kiểu này đang được tuyển dụng.
Cũng giống như những gì tổng thống Bill Clinton đã làm trong vụ bê bối Monica Lewinski, vấn đề là phải làm sao làm việc có hiệu quả cũng như phải khoanh vùng vụ tai tiếng này, không để lây lan ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động chính trị.
Chính vì thế mà một lịch trình chính trị đang được xem xét lại. Chính quyền Trump tuyệt đối phải có được một thắng lợi trước mùa hè. Nhiều dự án ít tham vọng nhưng cũng ít gây tranh cãi rất có thể sẽ được thông qua trong thời gian sắp tới sao cho đảng Cộng Hòa vẫn có thể ngẩng cao đầu trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2018 tới đây.
Tài phiệt Nga Deripaska làm chứng có điều kiện ?
Trùm tư bản Nga trong lĩnh vực sản xuất nhôm, Deripaska hôm nay 29/05/2017 bác bỏ thông tin cho rằng ông muốn hợp tác với Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ, để đổi lấy quyền "miễn trừ hoàn toàn".
Trong một thông cáo phát đi từ trụ sở tập đoàn Rusal, ông Deripaska xem thông tin do nhật báo New York Times tiết lộ hôm thứ Sáu 26/5/2017 là "dối trá và lừa bịp". Ông cho biết rõ "chính các đại diện của Quốc hội Mỹ đã liên hệ với luật sư của ông ở Washington chứ không phải theo chiều ngược lại".
Minh Anh