Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/02/2018

Vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ : FBI và Donald Trump xung đột lớn

Tổng hợp

Đảng Cộng Hòa tung đòn phản công, FBI trong tầm ngắm (RFI, 01/02/2018)

Cuộc đọ sức giữa chính quyền Trump và Cục điều tra Liên bang FBI bước vào một giai đoạn mới. Vào lúc gọng kìm cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 đang dần dần siết chặt đối với những người thân cận của Donald Trump và bản thân tổng thống Mỹ chấp nhận trả lời có tuyên thệ các câu hỏi của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, thì đảng Cộng Hòa bắt đầu phản công.

fbi1

Trụ sở của Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI. Wikimedia Commons

Hạ Viện Mỹ do đảng Cộng Hòa chiếm đa số thông qua việc công bố một báo cáo mật của Ủy ban tình báo của định chế này, gây bất lợi cho FBI. Báo cáo của Ủy ban do ông Devin Nunes, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa làm chủ tịch, chỉ trích FBI "lạm quyền trong việc theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống". Nhà Trắng có năm ngày để quyết định xem tài liệu này nên giữ bí mật hay không.

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin báo chí không chính thức, dường như tổng thống Mỹ ủng hộ việc công bố. FBI, đảng Dân Chủ và bộ Tư Pháp Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ quyết định trên của phe Cộng Hòa với lý do có nhiều tình tiết thiếu sót "ảnh hưởng đến độ chính xác" của báo cáo.

Báo cáo nói gì ?

Theo tường thuật của giới truyền thông Mỹ được AFP trích dẫn, tài liệu của Ủy ban tình báo cho rằng bộ Tư Pháp và FBI đã "lạm dụng quyền hạn dưới danh nghĩa an ninh quốc gia để được phép theo dõi các cuộc đối thoại của ông Carter Page". Vị cựu cố vấn đối ngoại của ban vận động tranh cử của ông Trump bị nghi ngờ làm gián điệp do những mối liên hệ thường xuyên của với các quan chức Nga.

Báo cáo còn đặc biệt nhắm vào ông Rod Rosenstein, thứ trưởng bộ Tư Pháp, người đã thuyết phục thành công tổng thống Trump cho phép kéo dài việc theo dõi. Chính ông Rod Rosenstein đã bổ nhiệm ông Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt phụ trách cuộc điều tra. Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, bị nghi ngờ có liên quan đến vụ án này, nên không phụ trách, giám sát cuộc điều tra. Như vậy, ngoài tổng thống Donald Trump, chỉ có ông Rosenstein mới là người có quyền bãi nhiệm ông Robert Mueller.

Vẫn theo báo cáo, Ủy ban tình báo Hạ Viện Mỹ khẳng định rằng chiến dịch theo dõi này là thiếu chính xác vì chỉ dựa vào một cuộc điều tra duy nhất từ cựu nhân viên tình báo người Anh, ông Christopher Steele, liên quan đến mối liên hệ giữa Trump và Nga.

Phe Cộng Hòa cho rằng cuộc điều tra này là thiên vị vì được tài trợ bởi một công ty ủng hộ đảng Dân Chủ lúc ấy cầm quyền. Và sau cùng, báo cáo cũng cho biết là đã có nhiều bằng chứng về việc bộ Tư Pháp Mỹ tìm cách hạ uy tín của ông Donald Trump.

Đương nhiên, phe Dân Chủ thiểu số tại Hạ Viện, đã có phản ứng mạnh mẽ, phê phán bản báo cáo "thiếu chính xác" và đưa ra một "hình ảnh lệch lạc về FBI" vào lúc công tố viên đặc biệt Mueller đang điều tra liệu tổng thống Mỹ có cản trở tư pháp hay không, nhất là trong việc bãi nhiệm ông James Comey, cựu lãnh đạo FBI hồi tháng 5/2017. Xin nhắc lại là vào thời điểm đó, ông Comey cũng đang tiến hành điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử.

Chưa biết đòn phản công của phe Cộng Hòa sẽ cho kết quả ra sao, nhưng theo tiết lộ của CNN ngày hôm qua, được Reuters trích dẫn, dường như trong một cuộc gặp riêng hồi tháng 12 năm ngoái, tổng thống Mỹ đã hỏi ông Rod Rosenstein "có ủng hộ" ông hay không, và cuộc điều tra dưới sự chỉ đạo của công tố viên đặc biêt Muller đi theo hướng nào .

CNN cho rằng cuộc trao đổi này một lần nữa làm dấy lên nhiều nghi vấn về ý đồ hiển nhiên của ông Donald Trump can thiệp vào cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Nếu như tổng thống Donald Trump được khuyên can, không nên cách chức ông Mueller, cuộc phản công của đảng Cộng Hòa dường như nhắm vào vị công tố viên đặc biệt, nổi tiếng là trung thực và chính trực.

Minh Anh

************************

FBI : "lo ngại" về những thiếu sót quan trọng trong biên bản ghi nhớ Nunes (Người Việt, 31/01/2018)

Trong một tuyên bố hiếm hoi vào thứ Tư, FBI cho biết họ "vô cùng lo ngại" về biên bản ghi nhớ do Đảng Cộng Hòa phác thảo, có nội dung tố cáo Bộ Tư Pháp lạm dụng quyền giám sát, có thể được công khai trong những ngày sắp tới.

fbi2

Photo credits : Reuters

FBI cho biết : "FBI có rất ít cơ hội để xem xét biên bản ghi nhớ của Ủy ban Tình báo Hạ viện trước khi Ủy ban bỏ phiếu công bố nó. Chúng tôi vô cùng lo ngại về những thiếu sót có thể ảnh hưởng đến sự chính xác của biên bản ghi nhớ".

Ủy ban Tình báo Đảng Cộng Hòa, do Devin Nunes (Cộng Hòa – California) dẫn đầu, đã bỏ phiếu thông qua việc công bố biên bản ghi nhớ, mặc dù Đảng Dân Chủ phản đối quyết liệt.

Đảng Dân Chủ cáo buộc bộ hồ sơ là một loạt những lời buộc tội không chính xác, được tổng hợp lại để tấn công công tố viên đặc biệt Robert Mueller – người đang dẫn dắt cuộc điều tra sự liên quan giữa Nga và ban vận động Trump.

Quyết định có công khai biên bản ghi nhớ hay không đang nằm trong tay Tổng thống Trump, ông sẽ quyết định trong 5 ngày tới. Một số người cho rằng Tổng thống sẽ đổi ý và không công bố biên bản ghi nhớ, thể theo lời yêu cầu của những quan chức cao cấp của Bộ Tư Pháp.

Nhưng theo một nguồn tin thì Tổng thống Trump đã hứa với Dân Biểu Jeff Duncan (Cộng Hòa – South Carolina) rằng ông sẽ "100%" công bố biên bản ghi nhớ. Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng bộ hồ sơ này đã được nhiều cơ quan xem xét trước, để tránh gây nguy hiểm cho quốc gia.

Đổng lý Văn phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly cho biết hôm thứ Tư rằng họ sẽ công bố biên bản ghi nhớ sớm hơn dự kiến.

Ông Kelly phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên Fox News Radio rằng : "Tôi nghĩ nó sẽ được công bố sớm để mọi người xem. Tổng thống muốn mọi chuyện đều được phơi bày cho công chúng, rồi để họ tự quyết định".

Lời tuyên bố hôm thứ Tư từ FBI – cơ quan kín tiếng trước truyền thông nhất ở Washington – là dấu hiệu mới nhất cho thấy biên bản ghi nhớ Nunes gây thêm căng thẳng giữa Trump và Bộ Tư Pháp.

Các quan chức cao cấp Bộ Tư Pháp, bao gồm Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein và Giám đốc FBI Chris Wray, đã cảnh báo ông Kelly về việc công khai bộ hồ sơ này, trước khi Ủy ban Tình báo bỏ phiếu.

Phụ tá Tổng trưởng Tư pháp Stephen Boyd – một người được ông Trump bổ nhiệm – cũng cảnh báo trước cuộc bỏ phiếu rằng công khai biên bản ghi nhớ là "vô cùng liều lĩnh" và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Thông thường, khi công khai một hồ sơ mật, các cơ quan liên quan trong nội dung, sẽ cân nhắc liệu thông tin đó có tiết lộ khả năng và nguồn tin tình báo nhạy cảm hay không.

Mặc dù ông Wray đã được xem bộ hồ sơ trong khu an toàn của Ủy ban trước khi bỏ phiếu, Bộ Tư Pháp vẫn nỗ lực ngăn cản việc công khai.

Dân biểu Mike Conaway (Cộng Hòa – Texas) trả lời khi được hỏi vì sao ban đầu FBI không được xem bộ hồ sơ : "Ồ, chính họ là người có vấn đề mà".

Nội dung của biên bản ghi nhớ chưa được công khai nhưng dự kiến rằng nó chứa cáo buộc về FBI đã không nói rõ cho tòa án biết rằng một số thông tin họ dùng là từ "Hồ sơ Steele" – nghiên cứu về ông Trump được ban vận động Hilary Clinton tài trợ, để xin lệnh nghe lén cố vấn Carter Page.

FBI tuyên bố : "FBI nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ của mình với tòa án Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA) và tuân thủ các quy trình do các chuyên gia FBI và Bộ Tư Pháp giám sát. Chúng tôi đã làm việc để bảo đảm tính thanh liêm của quy trình FISA".

Ông Trump, người vô cùng bất mãn với cuộc điều tra liên bang về những cáo buộc liên quan đến ban vận động của ông với Nga, trước đó đã tweet rằng danh tiếng của FBI đang bị "vỡ vụn".

Tổng thống Trump muốn sa thải những quan chức FBI cao cấp mà ông cho là thiên vị và chống lại ông, trong đó có cựu Phó Giám đốc Andrew McCabe – người đã từ chức vào tuần này. Ông McCabe được cho là được nhắc đến trong cả hai biên bản ghi nhớ Nunes, và đang bị điều tra về cách ông giải quyếtù vụ Hilary Clinton sử dụng thư điện tử cá nhân.

Những nhà bảo thủ ở Hạ viện xem biên bản Nunes còn "tệ hơn vụ Watergate", gợi ý rằng nó có thể chấm dứt cuộc điều tra của ông Mueller, vốn bị Đảng viên Cộng Hòa chỉ trích là thiên vị.

Các Đảng viên Cộng Hòa đã phác thảo một tài liệu khác để chống lại biên bản ghi nhớ Nunes. Nhưng Ủy ban cho rằng tài liệu của Dân Chủ cũng cần trải qua những bước tương tự như biên bản ghi nhớ Nunes, như là phải được Hạ viện xem xét nếu muốn công khai.

Nam Phố (theo The Hill)

Quay lại trang chủ
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)