Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau Ukraine, móng vuốt đại bàng Nga sẵn sàng "quặp lấy" Châu Âu

Im tiếng súng ở Ukraine không có nghĩa là Nga ngừng can thiệp để phá hoại các nền dân chủ của Châu Âu. Với Donald Trump ở Nhà Trắng, quan điểm của Mỹ đã quá rõ ràng, Châu Âu một lần nữa cần rút ra bài học là không thể đặt quyền lợi và an ninh của mình trong tay một quốc gia nào khác. Chuyên gia về quân sự và chiến lược Pháp Louis Gautier trong một bài viết đăng trên báo Le Monde ghi nhận như trên.

11111111111111111111

Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Nga Vladimir Putine cùng tổng thống Pháp François Hollande và Ukraine Petro Porochenko nhân hội nghị Á - Âu Milano, ngày 17/10/2014. AFP / Giuseppe Cacace

Tác giả là một quan chức cao cấp Pháp, chuyên gia về quan hệ quốc tế, chiến lược và quốc phòng. Louis Gautier, từng giữ chức tổng thư ký Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia Pháp, nhận định "cùng với số phận Ukraine, đây là thời khắc định đoạt cho tương lai của Châu Âu", nhưng tất cả lại tùy thuộc vào những "quyết định" của Hoa Kỳ.

Chính quyền Joe Biden "phủi trách nhiệm" với cuộc xung đột trên Lục Địa Già. Donald Trump thì "muốn nhanh chóng chấm dứt một cuộc chiến". Phương Tây đang suy yếu. Vladimir Putin thắng lớn, cho dù người dân Nga phải trả giá bằng xương máu.

Theo chuyên gia Pháp về quân sự và chiến lược này, xung đột tại Ukraine sắp khép lại, có nghĩa là "chiến sự từng bước thuyên giảm rồi dừng hẳn, các bên phân định một lằn ranh giới, một vùng phi quân sự dọc theo hai bên lằn ranh đó. Các quan sát viên sẽ được điều đến để theo dõi tình hình". Nga và Ukraine sẽ "trao đổi tù binh và những người đang bị cưỡng bức giữ lại trên lãnh thổ Nga sẽ được trở về" với gia đình.

Móng vuốt đại bàng Nga

Nhưng Putin không dừng lại ở đó. Chủ nhân điện Kremlin "muốn chiếm đoạt các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đang chiếm đóng, muốn Kiev cam kết không bao giờ tiến đến gần khối NATO, muốn lật đổ chính quyền Zelensky". Móng vuốt con đại bàng hai đầu, biểu tượng của nước Nga sẵn sàng "quặp lấy Gruzia, Belarus và Moldova"… Nga sẽ tiếp tục "can thiệp, lũng đoạn các nền dân chủ Châu Âu". Chiến tranh ở Ukraine có dừng lại đi chăng nữa thì Moskva vẫn tiếp tục mở các cuộc "chiến ngầm" như trong giai đoạn trước năm 2022, tức là trước khi Putin đưa quân xâm chiếm Ukraine.

Vậy thì Châu Âu phải làm gì ?

Louis Gautier quan niệm, với trọng lượng về mặt ngoại giao và quân sự, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan cần đóng vai trò đầu tầu, đặt điều kiện để chấm dứt chiến tranh Ukraine và kèm theo đó, Moskva cần hiểu rằng, Ukraine có thể sử dụng tên lửa hành trình Scalp do Anh, Pháp chế tạo và tên lửa tầm xa Taurus của Đức trong trường hợp Nga không tuân thủ các cam kết.

Châu Âu cũng cần "nhanh chóng" tiết lộ điều khoản ""bảo đảm quân sự" cho Ukraine bao gồm những gì. Tác giả bài viết kết luận : "Ở thời điểm này, điều quan trọng là Châu Âu cần tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ. Châu lục này từng ngỡ rằng có thể xử lý được chiến tranh Ukraine mà không cần tham chiến, và Ukraine cùng Châu Âu sẽ được sống trong hòa bình mà không cần tạo dựng trước những nền tảng cho mục tiêu đó".

Thoát bóng Mỹ để xây dựng hệ thống phòng thủ cho Liên Âu : Nói dễ, làm khó

"Không đặt quyền lợi và an ninh của chính mình trong tay kẻ khác" như nhà chiến lược Louis Gautier vừa nói, phải chăng đó là lý do vì sao lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu có hẳn một "ủy viên đặc tránh về quốc phòng" và chức vụ này được trao cho cựu thủ tướng Litva, Andrius Kubilius ?

Nhật báo Le Figaro nhắc lại, ra điều trần trước Nghị Viện Châu Âu, tân ủy viên quốc phòng nêu lên một thực tế phũ phàng : "Nga chỉ cần sáu tháng để sản xuất một khối lượng vũ khí tương đương tất cả những gì Đức đã có". Chính vì thế, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đề ra mục tiêu trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ 2 sẽ công bố "chiến lược quốc phòng của toàn khối và các phương tiện tài trợ" tham vọng đó.

Một điều bất thường khác : 80% khoản viện trợ quân sự của Bruxelles cho Ukraine "rơi vào túi" các tập đoàn sản xuất vũ khí "ngoài Liên Hiệp Châu Âu, chủ yếu là Mỹ". Trong hoàn cảnh này, làm thế nào để Liên Âu "thoát khỏi cái bóng của Hoa Kỳ" trong mục tiêu phòng thủ ?

Trump thổi bùng ngọn lửa chiến tranh thương mại

Từ một cuộc chiến này đến một cuộc chiến khác : Gần hai tháng nữa Donald Trump mới tuyên thệ nhậm chức và trở lại điều hành đất nước, nhưng Hoa Kỳ đã khai mào chiến tranh thương mại với 3 quốc gia là Trung Quốc, Canada, Mexico.

Ottawa và Mexico có thể bị bất ngờ khi ông Trump đòi áp thuế 25% bởi vì một hiệp định tự do mậu dịch đã "gắn kết Mỹ với Canada và Mexico". Riêng trong trường hợp của Trung Quốc, Le Monde khẳng định Bắc Kinh đã có những bước chuẩn bị để đối phó : từ 2016 Trung Quốc "đã tự lập hơn về mặt công nghệ và đã đa dạng hóa các nguồn cung cấp, các thị trường xuất khẩu, để không bị phụ thuộc vào một ai".

Thông tín viên của tờ báo Harold Thibault từ Bắc Kinh đưa ra hai thí dụ cụ thể minh họa cho điều này : Năm 2019, Mỹ chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Tỷ lệ này chỉ còn là 15% vào năm 2023. Tránh để bị Washington bắt chẹt, Trung Quốc mua thêm 29% đậu nành của Brazil và cùng lúc giảm 13% nhập khẩu từ Mỹ. Cái khó đặt ra cho ông Tập Cận Bình ở thời điểm này là "tiêu thụ nội địa Trung Quốc đang èo uột" và Bắc Kinh đang cần xuất khẩu hàng dư thừa, kể cả hàng cao cấp sang nơi khác.

Musk-Trump, hồi kết của nền dân chủ Hoa Kỳ ?

Cặp bài trùng Elon Musk và Donald Trump ngự trị trên đất Mỹ đe dọa nền dân chủ Hoa Kỳ ? Đây là câu hỏi chuyên gia về chính trị - địa chính trị và công nghệ cao Asma Mhalla nêu lên trong một bài tham luận đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos.

Giảng dạy tại hai trường đại học nổi tiếng của Pháp và Mỹ là Khoa học Chính trị Paris Sciences Po và Columbia, bà ghi nhận : Nước Mỹ trong tay Donald Trump và Elon Musk đang chuyển từ thời đại mà ở đó "sự thật không còn quan trọng" nữa, sang giai đoạn mà "tính hợp pháp cũng đã thuộc về quá khứ, nơi mà tất cả chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả những điều tệ hại nhất".

Theo quan điểm của Asma Mhalla, Elon Musk chỉ là một trong số những tiếng nói tiêu biểu của giới tinh hoa trong thế giới công nghệ California như những Peter Thiel, David Sacks hay Horowitz và Andreessen. Những thành phần này quan niệm rằng sự suy thoái kinh tế của nước Mỹ xuất phát từ guồng máy nhà nước "vô dụng và cồng kềnh".

Những cái tên tuổi lẫy lừng đó cũng không còn mặc cảm để nói lên thật to quan điểm chống người nhập cư, bài Hồi giáo, bài người đồng tính hay chuyển giới. Họ không ngần ngại gọi những đối thủ chính trị của mình là những "kẻ thù cần tiêu diệt hay cần trục xuất hàng loạt". Họ tự coi là "những nạn nhân của hệ thống" hiện hành trong lúc chính họ mới là những nhà vô địch bảo vệ quyền tự do tối đa – tự do tư duy, tự do phát biểu, tự do kinh doanh bất chấp những xung đột lợi ích.

Musk được mời tham gia nội các sắp tới của tổng thống Donald Trump bất chấp rủi ro lạm dụng của công, ngân sách Liên bang để phục vụ lợi ích cá nhân. Trong mắt giáo sư Asma Mhalla, cặp bài trùng Trump Musk là một đôi "tin tặc đang chuẩn bị tấn công nước Mỹ từ bên trong" và rồi với hai nhân vật ngoại hạng này nền dân chủ Hoa Kỳ sẽ trở thành một "chế độ công nghệ - chuyên chế".

Tiền bạc là một nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành phụ nữ

Phần trang xã hội của báo công giáo La Croix có bài viết mang tựa đề "Tiền, một khía cạnh khác trong các vụ bạo hành giữa các cặp vợ chồng" tại Pháp. Theo một thăm dò, 10% những người được hỏi cho biết là bị người bạn đời hạch sách về các khoản chi tiêu. Gần một phần tư những người mẹ, những người vợ trong gia đình bị đánh đập, bị uy hiếp cũng "vì tiền", hay thậm chí bị người bạn đời "lừa gạt, bòn rút thô bạo".

Hiện tượng trở nên nghiêm trọng đến nỗi các ngân hàng và chính giới ở Pháp bắt đầu phải quan tâm. La Croix lưu ý độc giả, khác với "bạo hành tình dục", "bạo hành trong gia đình vì lý do kinh tế" là khái niệm không có trong bộ luật hình sự của Pháp.

Lebanon hy vọng ngừng bắn "mong manh"

Lebanon và thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được giữa Israel và Hezbollah là đề tài chiếm nhiều trang các tờ báo Pháp trong ngày. "Cả khu vực Trung Đông trông đợi vào thỏa thuận ngừng bắn Lebanon" tựa trên báo Les Echos. "Thỏa thuận ngừng bắn mong manh" và đầy "bất trắc", tựa của báo Libération.

Thứ Tư, 27/11/2024, là ngày đầu tiên trên lãnh thổ Lebanon "không có giao tranh, đất nước này không bị oanh kích". Tờ báo băn khoăn đặt câu hỏi "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các bên thất bại ?". Libération còn gắn liền tình hình ở Lebanon với Gaza : Hai triệu dân Palestine ở Gaza sống chết ra sao hoàn toàn "không phải mối bận tâm của thủ tướng Israel". Ai cũng biết "không có gì bảo đảm hòa bình lâu bền cho Trung Đông", như báo La Croix ghi nhận, nhưng đối với Lebanon, đây là cơ hội ngàn vàng để "một quốc gia đang bị kiệt quệ dễ thở hơn một chút" !

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Thanh Hà
Published in Quốc tế

Nga mở rộng tập trận với vũ khí hạt nhân chiến thuật

Reuters, VOA, 12/06/2024

Nga hôm 12/6 cho biết binh lính và thủy thủ từ quân khu Leningrad ở phía bắc đã tham gia cuộc tập trận triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

hatnhan1

Khẩu pháo tham gia giai đoạn hai cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của Nga

Quân khu Leningrad giáp biên giới với các thành viên NATO, bao gồm Na Uy, Phần Lan, Ba Lan, Estonia, Latvia và Lítva.

Động thái này dường như mở rộng phạm vi các cuộc tập trận hạt nhân đã được tiết lộ để bao gồm binh lính từ các quân khu trải trên gần như toàn bộ biên giới phía Châu Âu của Nga, kéo dài từ Bắc Băng Dương xuống tới Biển Đen.

Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh mở cuộc tập trận này, vốn được loan báo hồi tháng trước, sẽ được tổ chức tại Quân khu phía Nam giáp giới với Ukraine, sau những gì mà Nga nói là tín hiệu từ các quan chức phương Tây rằng họ sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

"Quân nhân của đơn vị tên lửa Quân khu Leningrad đang tiến hành các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố về cuộc tập trận.

Các nhiệm vụ này bao gồm sử dụng đạn dược huấn luyện đặc biệt cho hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander-M, trang bị cho các phương tiện phóng và âm thầm tiến đến vị trí được chỉ định để chuẩn bị phóng tên lửa, tuyên bố cho biết thêm.

"Thủy thủ đoàn của các tàu hải quân tham gia huấn luyện sẽ trang bị đầu đạn giả định đặc biệt cho tên lửa hành trình phóng từ biển và đi vào các khu vực tuần tra được chỉ định", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Một đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy một hệ thống tên lửa di động được đưa đến một cánh đồng và tên lửa được nạp vào.

Nga hôm 11/6 cho biết họ đã bắt đầu giai đoạn hai của cuộc tập trận để thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật cùng với quân đội Belarus.

Hôm 7/6, ông Putin nói rằng Nga không cần sử dụng vũ khí hạt nhân để giành chiến thắng ở Ukraine, tín hiệu mạnh mẽ nhất của Điện Kremlin cho đến nay rằng cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Châu Âu kể từ Đệ nhị Thế chiến sẽ không leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Nhưng ông cũng cho biết ông không loại trừ thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó đưa ra các điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân. Trước đây ông nói rằng ông không thấy có lý do gì để thay đổi học thuyết hạt nhân.

Mỹ nói rằng họ không thấy có thay đổi trong tư thế chiến lược của Nga, mặc dù các quan chức tình báo cấp cao của Mỹ nói rằng họ phải xem xét nghiêm túc những bình luận của Moscow về vũ khí hạt nhân.

Putin, người có quyền quyết định chính về việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga, đã đối mặt với lời kêu gọi từ giới tinh hoa Nga hạ thấp ngưỡng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân.

Khi Nga loan báo các cuộc tập trận hạt nhân hồi tháng trước, họ cho biết các lực lượng tên lửa thuộc Quân khu phía Nam sẽ tham gia, cùng với không quân và hải quân.

Reuters

****************************

Vladimir Putin dọa mở rộng phạm vi chiến tranh chỉ là đòn gió ?

Anh Vũ, RFI, 11/06/2024

Tổng thống Nga Vladimir Putin quả quyết có quyền cung cấp vũ khí cho các nước "đồng minh" để họ nhắm vào "các lợi ích chiến lược" của phương Tây. Theo ông, đây là một cách để đáp trả việc các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được họ cung cấp để tấn công vào Nga. Nhưng những đe dọa này thực chất chỉ có phạm vi rất hạn chế. RFI tóm lược một số ý kiến phân tích của các chuyên gia được France 24 phỏng vấn.

hatnhan2

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc tiếp báo giới, Nga nhân Diễn đàn Kinh tế Quốc tế, tại Saint Petersburg, Nga, ngày 05/06/2024. AP - Valentina Pevtsova

Ăn miếng trả miếng ? Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/6 đe dọa cung cấp "thiết bị quân sự" cho các nước "thù địch" với phương Tây để họ có thể tấn công "các mục tiêu chiến lược" của Hoa Kỳ và đồng minh của họ.

Người đứng đầu điện Kremlin đưa ra lời đe dọa này như một phản ứng trước việc một số nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được viện trợ để nhắm vào các mục tiêu ở Nga. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố : "Nếu ai đó nghĩ rằng họ có thể cung cấp vũ khí như vậy vào vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ của chúng tôi, thì tại sao chúng tôi không có quyền trang bị vũ khí cho các quốc gia ở những nơi trên thế giới mà họ có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở nhạy cảm (của phương Tây)".

Đe dọa dồn dập

Chưa hết, các quan chức Mỹ xác nhận Nga đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tập trận hải quân... ở Caribe vào mùa hè này. Các cuộc diễn tập quân sự sẽ được phối hợp với Cuba và Venezuela, hai quốc gia Mỹ Latinh, kể từ năm 2022, đã rõ ràng ủng hộ cuộc chiến do Moskva tiến hành ở Ukraine.

Nói cách khác, Moskva dường như "nhân lên các mối đe dọa mở rộng xung đột ở Ukraine sang những chân trời khác và gây nhiễu loạn về nguy cơ phổ biến vũ khí ở những nước kẻ thù của Washington", Jeff Hawn, chuyên gia về Nga tại Trường Kinh tế Luân Đôn, nhận định.

Joseph Moses, chuyên gia về chiến lược quân sự tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế (ITSS) Verona, khẳng định rằng trong tuyên bố của Vladimir Putin "tuy nhiên chi tiết của những mối đe dọa này vẫn còn rất mơ hồ".

Những quốc gia nào liên quan ? Những vũ khí này sẽ là gì ? Thực ra, Vladimir Putin vẫn cố ý tạo mơ hồ, theo các chuyên gia được France 24 phỏng vấn. Jeff Hawn tin rằng mục đích đầu tiên vẫn là "hù dọa các nhà lãnh đạo phương Tây và cổ vũ các ý kiến của những người muốn ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine". Bằng cách càng mơ hồ càng tốt, tổng thống Nga cho phép mỗi người giải thích những lời đe dọa của ông tùy theo mối lo sợ của chính họ, đặc biệt là nỗi sợ hãi của dư luận phương Tây.

Thực ra với Nga, việc lựa chọn các quốc gia để cung cấp vũ khí còn hạn chế. Joseph Moses giải thích, những lời đe dọa của Vladimir Putin "có thể có nghĩa là Moskva sẵn sàng gửi thêm vũ khí tới Belarus (đồng minh chính của Nga ở Châu Âu), hoặc tới một số quốc gia Châu Phi gần đây đã quay lưng với Tây Âu hoặc Hoa Kỳ". Chuyên gia này nhắc lại, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa kết thúc chuyến công du Châu Phi, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm Burkina Faso và lần đầu tiên tới Cộng hòa Tchad. Những chuyến thăm như vậy có thể báo trước sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn.

Joseph Moses bảo đảm rằng "có thể nhất là người ta sẽ thấy ​​​​gia tăng cung cp vũ khí cho các nước Trung Phi". Nga và Cộng hòa Dân chủ Congo đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự vào tháng 3. Các chuyên gia được phỏng vấn thừa nhận rằng khu vực này không phải là nơi đóng những cơ sở chiến lược nhất của các nước phương Tây, nhưng trong bối cảnh khu vực bất ổn, dòng vũ khí mới của Nga tràn vào có thể là một yếu tố gây bất ổn thêm.

Cung cấp vũ khí, nhưng cho ai ?

Veronika Poniscjakova, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế và chiến tranh ở Ukraine thuộc Đại học Portsmouth, cho rằng "Iran và Triều Tiên là những quốc gia khác mà Nga có thể cung cấp thêm thiết bị quân sự". Càng không chắc chắn Nga có thể cung cấp thêm vũ khí cho các đồng minh của mình ở Mỹ Latinh, như Venezuela và Cuba, mà không hề hấn gì.

Sau khi nhận vũ khí, các quốc gia đó sẽ phải đồng ý tấn công "các lợi ích chiến lược" của phương Tây. Không có gì bảo đảm việc này. Belarus là trường hợp điển hình về một "đồng minh" không muốn mạo hiểm đi quá xa trên con đường gây chiến với phương Tây. Chuyên gia Jeff Hawn khẳng định : "Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko không bỏ lỡ cơ hội ủng hộ Nga trong lời nói của mình, nhưng về hành động, ông ấy cố gắng không để bị cuốn vào cuộc chiến ở Ukraine". Chuyên gia này thêm rằng Venezuela và Cuba vẫn ngầm "thừa nhận Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là cường quốc thống trị trong khu vực".

Chưa hết, Nga cũng khó có khả năng cung cấp vũ khí tràn ngập thế giới để xuất khẩu cuộc chiến Ukraine sang các vùng trời khác. Joseph Moses thừa nhận đúng là Nga "có dự trữ tên lửa đạn đạo, drone hay đơn giản là đạn pháo". Nhưng Veronika Poniscjakova cho rằng, "với nhu cầu của Nga ở Ukraine, họ chắc chắn sẽ không gửi vũ khí 'tốt' của mình sang các nước khác"…

Do đó, nguy cơ "rất thấp khi việc chuyển giao vũ khí của Nga có thể gây ra mối nguy hiểm đáng kể cho lợi ích chiến lược của Mỹ hoặc phương Tây", Joseph Moses khẳng định. Đặc biệt là vì hầu hết các địa điểm phương Tây đều "được bảo vệ tốt trước cả những loại vũ khí hiện đại nhất", Jeff Hawn lưu ý.

Chiến dịch truyền thông

Do đó, những lời đe dọa của Nga dựa trên quan điểm ăn miếng trả miếng "về cơ bản là vô nghĩa", Veronika Poniscjakova quả quyết. Đối với các chuyên gia được France 24 phỏng vấn, "trên hết đây là chiến dịch tuyên truyền cho sức mạnh Nga". Veronika Poniscjakova cho biết : "Sau những tuyên bố của Mỹ và Đức liên quan đến việc sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, Vladimir Putin cảm thấy buộc phải phản ứng".

Các cuộc tập trận hải quân sắp tới ở Caribe là một ví dụ điển hình về việc tuyên truyền chiến tranh "theo kiểu Moskva". Việc này sẽ gây nhiều ồn ào không đáng có. Jeff Hawn nhận định : "Sẽ rất ngạc nhiên nếu xét đến hiện trạng của hạm đội Nga nếu có hơn ba hoặc bốn tàu được gửi đến vùng biển Caribe".

Hơn nữa, đây không phải là điều chưa từng có. Nga đã tham gia các cuộc tập trận hải quân ở Caribe vào năm 2008. Và gần đây hơn, hạm đội Nga "đã tiến hành tập luyện với Iran và Trung Quốc (trong Vịnh Oman)", Veronika Poniscjakova nhắc lại.

Trên thực tế, những lần ra khơi như thế này là những cơ hội để Moskva "cố gắng thuyết phục các đồng minh của mình rằng bất chấp hai năm chiến tranh ở Ukraine, Nga vẫn có khả năng triển khai sức mạnh quân sự của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới", chuyên gia Veronika Poniscjakova kết luận.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author VOA, RFI
Published in Quốc tế

Khí đốt : Nga dồn Châu Âu vào thế khó

Châu Âu sống sót như thế nào qua mùa đông tới mà không có khí đốt của Nga ? Đây là chủ đề được các tờ báo Pháp chú ý nhiều nhất trong ngày 27/07/2022.

khidot0

Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 (xanh) nối liền Greifswald-Đức với Vyborg-Nga xuyên qua lòng biển Baltic. Wiki Commons

Nhật báo thiên hữu Le Figaro tỏ ra bi quan với tựa trang nhất "Châu Âu khốn khổ trước lời đe dọa của Putin". Châu Âu có thể sẽ chuẩn bị đối mặt với tình huống xấu nhất. Trong khi 12 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã bị cắt toàn bộ hoặc một phần khí đốt của Nga, tổng thống Vladimir Putin một lần nữa gia tăng áp lực với Liên Âu hôm 25/07/2022, khiến cho giả thuyết về một mùa đông không có khí đốt của Nga có thể trở thành hiện thực và điều này sẽ là một thảm kịch đối với lục địa già.

Chưa đầy một tuần sau khi đường ống dẫn khí Nord Stream 1 hoạt động trở lại, tập đoàn Gazprom đã thông báo sẽ giảm năng suất đường ống. Từ hôm nay, lưu lượng của đường ống vốn chỉ hoạt động 40% công suất, sẽ giảm xuống còn 20%. Theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, hành động này của Moskva càng khiến mọi người nhận thấy rằng Nga không phải là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Điện Kremlin đã hành động như vậy vào lúc Châu Âu đang phải vật lộn để lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình, vốn phải đạt 80% trước khi mùa đông bắt đầu, so với mức 65% vào thời điểm hiện tại. Theo tính toán của Ủy Ban Châu Âu, 2/3 lượng khí đốt dự trữ sẽ chỉ đủ tiêu thụ trong vòng 46 ngày vào mùa đông. Nhà nghiên cứu tại viện Jacques Delors Nguyễn Phúc Vinh giải thích : "Vladimir Putin đang gia tăng áp lực đối với Liên Âu. Với việc Nga giảm bớt lượng khí đốt cung cấp cho EU, các quốc gia thành viên sẽ không thể lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình lên 80%, cùng lắm lượng khí dự trữ sẽ chỉ đạt 70% và điều này là không đủ."

Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération có bài phỏng vấn chuyên gia năng lượng Thierry Bros, trường Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po Paris). Ông cho rằng, Nga sẽ không dại gì mà cắt toàn bộ khí đốt cung cấp cho Châu Âu, bởi nếu đưa ra quyết định này, tổng thống Putin sẽ tự mình đánh mất thu nhập 100 triệu euro mỗi ngày, một khoản tiền không hề nhỏ. Nhưng quan trọng nhất là điều đó sẽ chứng minh cho dự báo của Liên Âu, vốn đã lường trước một viễn cảnh như vậy.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, tổng thống Nga đã chơi trò mèo vờn chuột với những nguyên tắc bất định. Putin là bậc thầy của trò chơi này và đó là điều mà các nước Châu Âu đã thấy, khi ông yêu cầu họ thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Và nhiều nước do sợ bị cắt khí đốt đã đồng ý làm theo yêu cầu của ông.

Cũng theo chuyên gia Bros, Liên Âu sẽ phải tìm cách giảm lượng tiêu thụ và tìm lượng khí đốt bổ sung. Châu Âu đang chuyển sang mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia Châu Á như Ấn Độ, Bangladesh hay Pakistan. Các nước sản xuất khí đốt khác, như Na Uy, Azerbaijan hoặc Algeria cũng đang được Châu Âu để ý và nhiều hợp đồng đã được ký kết trong những tuần gần đây, điển hình là việc bà Ursula von der Leyen đã ký một thỏa thuận ở Baku để tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan. Hoa Kỳ đã phần nào giúp EU vượt qua cuộc khủng hoảng này, cam kết vào cuối tháng 3 sẽ cung cấp thêm 15 tỷ mét khối cho Châu Âu vào cuối năm.

"Chính trị thực dụng" của phương Tây

Vẫn về chủ đề khí đốt, xã luận tờ Libération nói về "chính trị thực dụng" của các nhà lãnh đạo phương Tây. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các nhà lãnh đạo vốn bị chỉ trích về các hành động vi phạm nhân quyền hay tham nhũng nay đã trở thành những người bạn yêu quý của các nước phương Tây. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong mấy tháng gần đây đã tay bắt mặt mừng với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, vốn bị liệt vào danh sách đen kể từ sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, trong khi cựu thủ tướng Ý Mario Draghi trước khi từ chức đã được tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tiếp đón nồng hậu ở Alger.

Về phần mình, nguyên thủ quốc gia Pháp Emmanuel Macron đã tiếp đón "người anh em", đồng nhiệm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Mohammed bin Zayed Al Nahyane. Thực ra không phải phương Tây đã thay đổi đường lối chính trị, mà đây chỉ là realpolitik (chính trị thực dụng). Cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện năng lượng thế giới. Phương Tây và Châu Âu đã chợt nhận ra rằng họ đã quá phụ thuộc vào Nga. Do việc các nước thành viên EU không phụ thuộc vào cùng một tỷ lệ khí đốt của Nga, nhiều nước đã quyết định tự đàm phán riêng với các nhà cung cấp khác. Liệu việc EU ký một hợp đồng 30 năm (một điều kiện do các nhà cung cấp yêu cầu) với các quốc gia như Algeria hoặc Saudi Arabia có hợp lý hay không khi mục tiêu cuối cùng là giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ? Vì không lường trước được những gì sẽ xảy ra, Châu Âu giờ đây sẽ chỉ có một lựa chọn là đoàn kết và giảm tiêu thụ năng lượng.

Nga tìm kiếm sự ủng hộ của Châu Phi

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết về ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có chuyến công du 4 nước Châu Phi. Điện Kremlin đang cố gắng bù đắp cho Châu Phi tất cả hoặc một phần thiệt hại trong quan hệ chính trị và nhất là kinh tế với phương Tây, sau khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine. Ông Sergei Lavrov thực hiện chuyến công du với mục tiêu "quyến rũ" các đối tác Châu Phi, với hai chặng đầu tiên là Ai Cập và Congo. Ông Lavrov sau đó đã tới Uganda họp với tổng thống Yoweri Museveni, và cuối cùng, hôm nay ông sang Ethiopia.

Kremlin đang tìm cách thuyết phục các đối tác Châu Phi rằng phương Tây thực sự phải chịu trách nhiệm về việc giá lúa mì, hướng dương hoặc ngô đang tăng ở mức kỷ lục. Phương Tây bị xem là có tội khi trang bị vũ khí cho Ukraine, và do đó kéo dài cuộc xung đột, dẫn đến việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine trên Biển Đen bị gián đoạn. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong lĩnh vực hậu cần và tài chính cũng sẽ cản trở việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Moskva và Kiev cùng chiếm một phần ba thị trường lúa mì thế giới.

Vẫn về chủ đề lúa mì, tổng thống Putin, tại hội nghị thượng đỉnh với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở Tehran vào 2 tuần trước hiểu rằng ông cần phải tiếp tục đàm phán về hồ sơ này để không tự cô lập mình. Điều này giải thích tại sao Moskva cuối cùng đã đồng ý ký một thỏa thuận tại Istanbul vào 23/07 dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc về việc thiết lập các hành lang hàng hải an toàn cho các tàu chở hàng của Ukraine.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov hôm qua cho biết việc xuất khẩu ngũ cốc sẽ được nối lại trong tuần này, mặc dù quân đội Nga đã bắn phá cảng Odessa của Ukraine chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận nói trên được ký. Qua vụ oanh kích này, có vẻ như điện Kremlin muốn nhắc nhở rằng họ vẫn bảo lưu khả năng xé bỏ thỏa thuận bất cứ lúc nào.

Anh Quốc : Ngoại trưởng Liz Truss chiếm ưu thế 

Nhìn sang Anh Quốc, nhật báo Le Monde dành sự chú ý cho những cuộc thăm dò dư luận sau cuộc tranh luận trên truyền hình giữa 2 ứng viên cuối cùng tranh chức lãnh đạo đảng Bảo thủ. Theo cuộc thăm dò YouGov được công bố vào ngày 21/07, 4 ngày trước cuộc tranh luận, 62% đảng viên được hỏi trả lời ủng hộ ngoại trưởng Liz Truss, so với 38% nói rằng sẽ chọn cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak. Tuy có khả năng ăn nói lưu loát, ông Sunak đã không thể lật ngược tình thế sau cuộc tranh luận ngày 25/07. Theo một cuộc thăm dò do Opinium thực hiện sau cuộc tranh luận, 50% những người được hỏi cho rằng bà Liz Truss có sức thuyết phục hơn, trong khi chỉ có 39% nói ủng hộ đối thủ của bà.

Thuốc phá thai gây tranh cãi ở Mỹ

Về lĩnh vực y tế, nhật báo công giáo La Croix nói về việc thuốc phá thai đang gây tranh cãi ở Hoa Kỳ. Cách đây một tháng, hôm 24/06, phong trào "ủng hộ sự sống" tại Mỹ đã hoan nghênh quyết định của Tối cao Pháp viện. Sau gần 5 thập kỷ, Tòa án Tối cao cuối cùng đã xóa bỏ quyền phá thai. Chỉ sau một tháng, đã có 8 bang ban hành luật cấm phá thai. Đó là những bang ở miền Nam (Texas, Oklahoma, Arkansas, Mississippi, Alabama) và miền Trung Tây (South Dakota, Missouri, Wisconsin). Idaho, Wyoming, North Dakota và Tennessee cũng sẽ chuẩn bị áp dụng luật này nếu như không bị tư pháp địa phương chặn lại, điều đã xảy ra ở các bang Utah, Kentucky, Arizona, Louisiana và West Virginia.

Do đó, trong tương lai gần, việc phá thai có thể sẽ bị cấm ở khoảng 20 bang. Tuy nhiên, đối với những nhà hoạt động ủng hộ sự sống, quyết định này chỉ giải quyết được một phần vấn đề, bởi vì các bác sĩ không thể trực tiếp phá thai được nữa, nhưng các thai phụ vẫn có thể uống thuốc phá thai. Năm 2000, FDA, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cấp phép cho thuốc phá thai, bán theo đơn và được sử dụng với những thai lớn đến mười tuần tuổi.

Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ phụ nữ phá thai bằng thuốc chiếm tới 50%. Và ngay cả ở các bang phản đối việc phá thai, không có luật nào cấm việc nhận những viên thuốc này qua đường bưu điện.

Đối với các bang phản đối việc phá thai, cần phải ngăn chặn điều này càng sớm càng tốt. Nhưng bằng cách nào, khi dịch vụ bưu điện chỉ tuân theo luật liên bang, chứ không phải luật của từng bang một. Đối với bưu điện, việc vận chuyển thuốc phá thai là hợp pháp.

Christine Vestal, nhà báo phụ trách các vấn đề sức khỏe của trang mạng Stateline giải thích : "Xử phạt phụ nữ vì lý do này thực sự rất gây tranh cãi. Phong trào ủng hộ sự sống nhận thức rằng, về mặt chính trị, điều này gần như là không thể."

Tuy nhiên, các bang phản đối phá thai vẫn không chịu lùi bước. Nhiều đạo luật đang được nghiên cứu hoặc đã được thông qua. Ví dụ ở bang Louisiana, gửi thuốc qua đường bưu điện là bất hợp pháp và người vi phạm có thể bị tuyên án lên đến 5 năm tù. Hoặc là một bác sĩ ở California có thể bị bang Louisiana kiện nếu bác sĩ này tư vấn trực tuyến một phụ nữ có nhu cầu phá thai ở New Orleans.

Còn ở bang Montana, các cơ sở y tế đã ngừng cung cấp thuốc phá thai cho những người không phải là cư dân của bang, vì lo ngại có kiện trong tương lai. Christine Vestal tóm tắt : "Với thuốc phá thai, chúng ta đang ở trong một vùng xám cực kỳ phức tạp".

Phan Minh

Nguồn : VOA, 27/07/2022

Additional Info

  • Author Phan Minh
Published in Quốc tế

"Hậu Tây phương", đó là đề nghị của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, thứ Bảy 18/02/2017 tại diễn đàn an ninh Munich, Đức, trước một cử tọa gồm giới lãnh đạo quốc tế.

munich1

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov phát biểu tại hội nghị an ninh Munich, Đức, ngày 18/02/2017 - REUTERS

Theo ngoại trưởng của tổng thống Vladimir Putin, trang sử trật tự thế giới tự do của Tây phương đã cáo chung. Trước đó, trong phần phát biểu, phó tổng thống Mỹ Mike Pence, khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục giữ lời cam kết bảo vệ đồng minh Châu Âu.

Phát biểu sau phó tổng thống Mỹ tại diễn đàn an ninh Munich, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tuyên bố "trật tự thế giới tự do", sáng tạo của một nhóm quốc gia Tây phương hùng mạnh nhằm áp đảo những nước còn lại, đã hết thời.

Ngoại trưởng Nga cho rằng "các nhà lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm phải biết lựa chọn, chọn một mô hình trật tự dân chủ và công bình".

Trong bối cảnh bang giao quốc tế đứng trước nhiều bất trắc, nhất là tương lai quan hệ Mỹ-Nga trong nhiệm kỳ Donald Trump, lãnh đạo ngoại giao Nga đề nghị với Washington "quan hệ dựa trên cơ sở thực dụng và tôn trọng lẫn nhau".

Vài phút trước, cũng tại diễn đàn Munich, phó tổng thống Mỹ chỉ đề cập ngắn ngủi về mối bang giao Nga-Mỹ nhưng để trấn an các đồng minh Tây Âu : Hoa Kỳ tiếp tục đòi Nga phải trả lời về những hành động của họ cho dù lúc nào Mỹ cũng cố tìm đồng thuận. Phó tổng thống Mike Pence xác quyết "lập trường không lay chuyển" trong quan hệ với đồng minh trong khối NATO.

Tú Anh

Published in Quốc tế