Sau Ukraine, móng vuốt đại bàng Nga sẵn sàng "quặp lấy" Châu Âu
Im tiếng súng ở Ukraine không có nghĩa là Nga ngừng can thiệp để phá hoại các nền dân chủ của Châu Âu. Với Donald Trump ở Nhà Trắng, quan điểm của Mỹ đã quá rõ ràng, Châu Âu một lần nữa cần rút ra bài học là không thể đặt quyền lợi và an ninh của mình trong tay một quốc gia nào khác. Chuyên gia về quân sự và chiến lược Pháp Louis Gautier trong một bài viết đăng trên báo Le Monde ghi nhận như trên.
11111111111111111111
Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Nga Vladimir Putine cùng tổng thống Pháp François Hollande và Ukraine Petro Porochenko nhân hội nghị Á - Âu Milano, ngày 17/10/2014. AFP / Giuseppe Cacace
Tác giả là một quan chức cao cấp Pháp, chuyên gia về quan hệ quốc tế, chiến lược và quốc phòng. Louis Gautier, từng giữ chức tổng thư ký Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia Pháp, nhận định "cùng với số phận Ukraine, đây là thời khắc định đoạt cho tương lai của Châu Âu", nhưng tất cả lại tùy thuộc vào những "quyết định" của Hoa Kỳ.
Chính quyền Joe Biden "phủi trách nhiệm" với cuộc xung đột trên Lục Địa Già. Donald Trump thì "muốn nhanh chóng chấm dứt một cuộc chiến". Phương Tây đang suy yếu. Vladimir Putin thắng lớn, cho dù người dân Nga phải trả giá bằng xương máu.
Theo chuyên gia Pháp về quân sự và chiến lược này, xung đột tại Ukraine sắp khép lại, có nghĩa là "chiến sự từng bước thuyên giảm rồi dừng hẳn, các bên phân định một lằn ranh giới, một vùng phi quân sự dọc theo hai bên lằn ranh đó. Các quan sát viên sẽ được điều đến để theo dõi tình hình". Nga và Ukraine sẽ "trao đổi tù binh và những người đang bị cưỡng bức giữ lại trên lãnh thổ Nga sẽ được trở về" với gia đình.
Móng vuốt đại bàng Nga
Nhưng Putin không dừng lại ở đó. Chủ nhân điện Kremlin "muốn chiếm đoạt các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đang chiếm đóng, muốn Kiev cam kết không bao giờ tiến đến gần khối NATO, muốn lật đổ chính quyền Zelensky". Móng vuốt con đại bàng hai đầu, biểu tượng của nước Nga sẵn sàng "quặp lấy Gruzia, Belarus và Moldova"… Nga sẽ tiếp tục "can thiệp, lũng đoạn các nền dân chủ Châu Âu". Chiến tranh ở Ukraine có dừng lại đi chăng nữa thì Moskva vẫn tiếp tục mở các cuộc "chiến ngầm" như trong giai đoạn trước năm 2022, tức là trước khi Putin đưa quân xâm chiếm Ukraine.
Vậy thì Châu Âu phải làm gì ?
Louis Gautier quan niệm, với trọng lượng về mặt ngoại giao và quân sự, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan cần đóng vai trò đầu tầu, đặt điều kiện để chấm dứt chiến tranh Ukraine và kèm theo đó, Moskva cần hiểu rằng, Ukraine có thể sử dụng tên lửa hành trình Scalp do Anh, Pháp chế tạo và tên lửa tầm xa Taurus của Đức trong trường hợp Nga không tuân thủ các cam kết.
Châu Âu cũng cần "nhanh chóng" tiết lộ điều khoản ""bảo đảm quân sự" cho Ukraine bao gồm những gì. Tác giả bài viết kết luận : "Ở thời điểm này, điều quan trọng là Châu Âu cần tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ. Châu lục này từng ngỡ rằng có thể xử lý được chiến tranh Ukraine mà không cần tham chiến, và Ukraine cùng Châu Âu sẽ được sống trong hòa bình mà không cần tạo dựng trước những nền tảng cho mục tiêu đó".
Thoát bóng Mỹ để xây dựng hệ thống phòng thủ cho Liên Âu : Nói dễ, làm khó
"Không đặt quyền lợi và an ninh của chính mình trong tay kẻ khác" như nhà chiến lược Louis Gautier vừa nói, phải chăng đó là lý do vì sao lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu có hẳn một "ủy viên đặc tránh về quốc phòng" và chức vụ này được trao cho cựu thủ tướng Litva, Andrius Kubilius ?
Nhật báo Le Figaro nhắc lại, ra điều trần trước Nghị Viện Châu Âu, tân ủy viên quốc phòng nêu lên một thực tế phũ phàng : "Nga chỉ cần sáu tháng để sản xuất một khối lượng vũ khí tương đương tất cả những gì Đức đã có". Chính vì thế, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đề ra mục tiêu trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ 2 sẽ công bố "chiến lược quốc phòng của toàn khối và các phương tiện tài trợ" tham vọng đó.
Một điều bất thường khác : 80% khoản viện trợ quân sự của Bruxelles cho Ukraine "rơi vào túi" các tập đoàn sản xuất vũ khí "ngoài Liên Hiệp Châu Âu, chủ yếu là Mỹ". Trong hoàn cảnh này, làm thế nào để Liên Âu "thoát khỏi cái bóng của Hoa Kỳ" trong mục tiêu phòng thủ ?
Trump thổi bùng ngọn lửa chiến tranh thương mại
Từ một cuộc chiến này đến một cuộc chiến khác : Gần hai tháng nữa Donald Trump mới tuyên thệ nhậm chức và trở lại điều hành đất nước, nhưng Hoa Kỳ đã khai mào chiến tranh thương mại với 3 quốc gia là Trung Quốc, Canada, Mexico.
Ottawa và Mexico có thể bị bất ngờ khi ông Trump đòi áp thuế 25% bởi vì một hiệp định tự do mậu dịch đã "gắn kết Mỹ với Canada và Mexico". Riêng trong trường hợp của Trung Quốc, Le Monde khẳng định Bắc Kinh đã có những bước chuẩn bị để đối phó : từ 2016 Trung Quốc "đã tự lập hơn về mặt công nghệ và đã đa dạng hóa các nguồn cung cấp, các thị trường xuất khẩu, để không bị phụ thuộc vào một ai".
Thông tín viên của tờ báo Harold Thibault từ Bắc Kinh đưa ra hai thí dụ cụ thể minh họa cho điều này : Năm 2019, Mỹ chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Tỷ lệ này chỉ còn là 15% vào năm 2023. Tránh để bị Washington bắt chẹt, Trung Quốc mua thêm 29% đậu nành của Brazil và cùng lúc giảm 13% nhập khẩu từ Mỹ. Cái khó đặt ra cho ông Tập Cận Bình ở thời điểm này là "tiêu thụ nội địa Trung Quốc đang èo uột" và Bắc Kinh đang cần xuất khẩu hàng dư thừa, kể cả hàng cao cấp sang nơi khác.
Musk-Trump, hồi kết của nền dân chủ Hoa Kỳ ?
Cặp bài trùng Elon Musk và Donald Trump ngự trị trên đất Mỹ đe dọa nền dân chủ Hoa Kỳ ? Đây là câu hỏi chuyên gia về chính trị - địa chính trị và công nghệ cao Asma Mhalla nêu lên trong một bài tham luận đăng trên nhật báo kinh tế Les Echos.
Giảng dạy tại hai trường đại học nổi tiếng của Pháp và Mỹ là Khoa học Chính trị Paris Sciences Po và Columbia, bà ghi nhận : Nước Mỹ trong tay Donald Trump và Elon Musk đang chuyển từ thời đại mà ở đó "sự thật không còn quan trọng" nữa, sang giai đoạn mà "tính hợp pháp cũng đã thuộc về quá khứ, nơi mà tất cả chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả những điều tệ hại nhất".
Theo quan điểm của Asma Mhalla, Elon Musk chỉ là một trong số những tiếng nói tiêu biểu của giới tinh hoa trong thế giới công nghệ California như những Peter Thiel, David Sacks hay Horowitz và Andreessen. Những thành phần này quan niệm rằng sự suy thoái kinh tế của nước Mỹ xuất phát từ guồng máy nhà nước "vô dụng và cồng kềnh".
Những cái tên tuổi lẫy lừng đó cũng không còn mặc cảm để nói lên thật to quan điểm chống người nhập cư, bài Hồi giáo, bài người đồng tính hay chuyển giới. Họ không ngần ngại gọi những đối thủ chính trị của mình là những "kẻ thù cần tiêu diệt hay cần trục xuất hàng loạt". Họ tự coi là "những nạn nhân của hệ thống" hiện hành trong lúc chính họ mới là những nhà vô địch bảo vệ quyền tự do tối đa – tự do tư duy, tự do phát biểu, tự do kinh doanh bất chấp những xung đột lợi ích.
Musk được mời tham gia nội các sắp tới của tổng thống Donald Trump bất chấp rủi ro lạm dụng của công, ngân sách Liên bang để phục vụ lợi ích cá nhân. Trong mắt giáo sư Asma Mhalla, cặp bài trùng Trump Musk là một đôi "tin tặc đang chuẩn bị tấn công nước Mỹ từ bên trong" và rồi với hai nhân vật ngoại hạng này nền dân chủ Hoa Kỳ sẽ trở thành một "chế độ công nghệ - chuyên chế".
Tiền bạc là một nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành phụ nữ
Phần trang xã hội của báo công giáo La Croix có bài viết mang tựa đề "Tiền, một khía cạnh khác trong các vụ bạo hành giữa các cặp vợ chồng" tại Pháp. Theo một thăm dò, 10% những người được hỏi cho biết là bị người bạn đời hạch sách về các khoản chi tiêu. Gần một phần tư những người mẹ, những người vợ trong gia đình bị đánh đập, bị uy hiếp cũng "vì tiền", hay thậm chí bị người bạn đời "lừa gạt, bòn rút thô bạo".
Hiện tượng trở nên nghiêm trọng đến nỗi các ngân hàng và chính giới ở Pháp bắt đầu phải quan tâm. La Croix lưu ý độc giả, khác với "bạo hành tình dục", "bạo hành trong gia đình vì lý do kinh tế" là khái niệm không có trong bộ luật hình sự của Pháp.
Lebanon hy vọng ngừng bắn "mong manh"
Lebanon và thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được giữa Israel và Hezbollah là đề tài chiếm nhiều trang các tờ báo Pháp trong ngày. "Cả khu vực Trung Đông trông đợi vào thỏa thuận ngừng bắn Lebanon" tựa trên báo Les Echos. "Thỏa thuận ngừng bắn mong manh" và đầy "bất trắc", tựa của báo Libération.
Thứ Tư, 27/11/2024, là ngày đầu tiên trên lãnh thổ Lebanon "không có giao tranh, đất nước này không bị oanh kích". Tờ báo băn khoăn đặt câu hỏi "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các bên thất bại ?". Libération còn gắn liền tình hình ở Lebanon với Gaza : Hai triệu dân Palestine ở Gaza sống chết ra sao hoàn toàn "không phải mối bận tâm của thủ tướng Israel". Ai cũng biết "không có gì bảo đảm hòa bình lâu bền cho Trung Đông", như báo La Croix ghi nhận, nhưng đối với Lebanon, đây là cơ hội ngàn vàng để "một quốc gia đang bị kiệt quệ dễ thở hơn một chút" !
Thanh Hà