Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/11/2024

Điểm báo Pháp - Paris và Luân Đôn lập liên minh

RFI tiếng Việt

Paris và Luân Đôn lập liên minh điều lính sang Ukraine ?

Chiến tranh Ukraine vẫn là đề tài được báo Le Monde quan tâm. Hôm nay, tờ báo nói về khả năng châu Âu lập một liên minh, đứng đầu là Paris và Luân Đôn, để điều binh sĩ và cử các công ty tư nhân về phòng thủ sang Ukraine.

lienminh1

Từ trái sang phải : Bộ trưởng Quốc Phòng Anh John Healey, Đức Boris Pistorius, Pháp Sébastien Lecornu và Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz dự cuộc họp các bộ trưởng Quốc Phòng Châu Âu tại Berlin, Đức, ngày 25/11/2024. AP - Kay Nietfeld

Theo các nguồn tin của báo Le Monde, Pháp và Anh đang tái khởi động các cuộc thảo luận về hợp tác quốc phòng, đặc biệt với mục đích lập một nhóm đồng minh cốt lõi ở châu Âu, tập trung vào chiến tranh Ukraine và nhìn rộng hơn nữa là về an ninh châu Âu, để đề phòng khả năng Mỹ ngưng hỗ trợ Kiev sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống ngày 20/01/2025.

Về phía Pháp, bộ Quân Lực Pháp cũng như phủ tổng thống hiện vẫn chưa chính thức bật đèn xanh cho việc điều động quân đội hay các công ty tư nhân. Tuy nhiên, từ vài tháng nay, một số đề xuất rõ ràng đã được đưa ra thảo luận, chẳng hạn đề xuất để công ty Quốc phòng Tư vấn Quốc tế (Défense Conseil International - DCI), cơ quan điều hành chính của bộ Quân Lực, theo dõi, giám sát các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Pháp và chuyển giao công nghệ quân sự liên quan, trong đó nhà nước là cổ đông nắm giữ 34% cổ phần.

Với 80% là cựu quân nhân, DCI dường như sẵn sàng tiếp tục huấn luyện binh sĩ Ukraine ngay tại nước này, giống như họ đã làm ở Pháp và Ba Lan. Nếu cần thiết, công ty DCI cũng có thể bảo đảm việc bảo trì các thiết bị quân sự Pháp chuyển cho Kiev. Theo chiều hướng này, Babcock, một công ty tương tự của Anh, có mặt tại Ukraine, tiếp cận với DCI của Pháp để sau này chia sẻ cơ sở vật chất sẵn có. Hồi tháng 05, trong báo cáo thường niên, Babcock từng thông báo công việc đang được "tiến hành" để lập một địa điểm hỗ trợ kỹ thuật cho Ukraine, "bao gồm cả sửa chữa và trùng tu các xe quân sự".

Lạm phát đình trệ đe dọa nước Nga

Nhìn sang báo Le Figaro, tờ báo thiên hữu hôm nay tập trung vào chính trị trong nước, đặc biệt là về khả năng chính phủ của thủ tướng Barnier bị phe đối lập lật đổ, do bất đồng về dự luật tài chính nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng của Pháp.

Nhìn ra quốc tế, chuyên mục Kinh tế của báo Le Figaro quan tâm đến tình hình nước Nga qua hai bài viết : "Lạm phát đình trệ đe dọa nước Nga" và "Đối phó với mức sinh giảm : Những thất bại của ‘chiến dịch đặc biệt về dân số’".

Trong khi tổng thống Vladimir Putin tiếp tục quảng bá hình ảnh một quốc gia bất khả xâm phạm, đã có thể cản trở các biện pháp trừng phạt của quốc tế, trên thực tế, theo Le Figaro, tình trạng lạm phát hiện nay tại Nga khó có thể bị ngó lơ, ngay cả đối với giới truyền thông Nga vốn bị kiểm duyệt chặt chẽ. Tuần trước, nhật báo Kommersant đưa tin giá bơ và khoai tây đã tăng 30% và 65% so với năm 2023. Giá cước taxi cũng tăng bùng nổ.

Một nhà báo, không thể công khai đổ lỗi cho chiến tranh Ukraine, cuộc chiến mà điện Kremlin gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt", phân tích lý do là tình trạng thiếu nhân lực, thời gian sửa chữa xe kéo dài và các quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, theo Le Figaro, ví dụ về giá cước taxi phản ánh tác động trực tiếp của chiến tranh Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây, đã làm chậm việc cung ứng các phụ tùng thay thế và tác động đến các lĩnh vực chiến lược như ô tô và hàng không.

Việc huy động quân sự và nỗ lực chiến tranh tiêu tốn tài sản và các nguồn lực sẵn có, làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động ở một quốc gia vốn đang bị khủng hoảng dân số kéo dài, chưa kể đến tình trạng nhân tài rời bỏ đất nước. Theo một số ước tính, 2% đàn ông Nga trong độ tuổi lao động đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng kể từ đầu chiến tranh Ukraine, đẩy tiền lương tăng và lạm phát cũng lên đến 9%/năm, vượt xa mức 4% mà ngân hàng trung ương đề ra hồi tháng 06/2024.

Để kiềm chế giá cả tăng vọt, vào cuối tháng 10, ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên 21%, mức cao kỷ lục, trong khi đồng rúp mất 30% giá trị so với đồng đô la. Elvira Nabioullina, chủ tịch ngân hàng trung ương Nga, cảnh báo : "Khi một nền kinh tế đạt đến giới hạn về năng lực sản xuất, mà nhu cầu vẫn tăng … thì lạm phát đình trệ (sựkết hợp giữa trì trệ kinh tế và lạm phát dai dẳng) sẽ xảy ra", có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga. Hiện tại, việc thắt chặt tiền tệ đã bắt đầu đè nặng lên các doanh nghiệp.

Ngoài ra còn có sự mất cân đối trong tăng trưởng, hiện giờ các lĩnh vực đều trì trệ, chỉ có ngành công nghiệp quân sự là phát triển. Vào năm 2025, chi tiêu quân sự sẽ chiếm 40% ngân sách nhà nước (tăng 25%). Thêm vào đó là các biện pháp tốn kém để tuyển quân và hỗ trợ gia đình họ.

Dân số Nga : Tình trạng bi thảm cho tương lai đất nước

Riêng về dân số, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov gần đây nói đến "một tình huống bi thảm cho tương lai đất nước", Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới nhưng dân số mỗi năm lại giảm đi, nên "cách duy nhất để giải quyết là tăng tỉ lệ sinh". Đối với Le Figaro, những phát biểu nói trên của phát ngôn viên điện Kremlin chính là sự thừa nhận thất bại của chính quyền Nga : các chính sách đã được triển khai trong hơn 1/4 thế kỷ đã không thể đảo ngược được tình hình tại một quốc gia đang ngày càng thiếu trẻ em.

Theo Cơ quan Thống kê Rosstat, từ gần 146 triệu, dân số Nga có thể giảm xuống còn khoảng 130 triệu người trong 20 năm tới. Theo Liên Hiệp Quốc, đến năm 2100, dân số Nga có thể giảm một nửa, xuống còn 74 triệu dân.

Trên thực tế, trong khi tỉ lệ sinh thấp, tỷ lệ tử hiện giờ lại rất cao, số người chết năm nay nhiều hơn 80.000-85.000 người so với năm 2023, không chỉ do tổn thất quân sự, mà còn do hậu quả của Covid và nạn nghiện rượu gia tăng trong xã hội. Hơn nữa, số người nhập cư giảm dần.

Trục xuất người nhập cư trái phép : Sự thật về sự thất bại của Pháp

Về xã hội Pháp, Le Figaro đưa độc giả đến với báo cáo đầu tiên của Ủy ban Ngoại vụ của Quốc hội về những nguyên nhân khiến nhà chức trách Pháp bất lực trong việc trục xuất di dân bất hợp pháp.

Thứ nhất, nước nguyên quán của những di dân mà Pháp có lệnh trục xuất đã từ chối cấp giấy thông hành lãnh sự để tiếp nhận lại công dân của họ nếu những người này không có giấy tờ tùy thân. Đây là lý do của 96% số vụ chính quyền Pháp không thể thi hành lệnh trục xuất trong năm 2023, chủ yếu liên quan đến các nước Bắc Phi. Báo cáo nêu rõ trường hợp Algeria, gần như không hợp tác với Paris, từ chối từ chối cấp giấy thông hành lãnh sự, nhất là sau các căng thẳng ngoại giao do Paris ủng hộ chủ quyền của Morocco đối với vùng Tây Sahara nằm ở miền nam Morocco. Một số nước khác được nhắc đến trong báo cáo là Trung Quốc, Mali hay Niger. Ngoài ra, một số nước không có chuyến bay thẳng từ Pháp, một số nước thì bị xem là có thể kết án tử hình và tra tấn những người bị Pháp trục xuất.

Một lý do quan trọng thứ hai là những người bị chính quyền Pháp ra lệnh trục xuất đã từ chối lên máy bay. Le Figaro lưu ý là nhiều khi chính những hiệp hội hỗ trợ di dân, được Nhà nước tài trợ, lại khuyến khích những người này từ chối lên máy bay, khiến việc trục xuất bất thành. Ngoài ra, phải kể đến những quy định bất cập về thời hạn tiến hành trục xuất.

Điều đáng lo ngại, theo ghi nhận của các tác giả bản báo cáo : Trong dự luật tài chính cho năm 2025, dự chi ngân sách cho các hoạt động "chống nhập cư bất hợp pháp lại giảm mạnh". Báo thiên hữu Le Figaro kết luận : "Nước Pháp, vốn là thiên đường hành chính quan liêu, gặp khó khăn trong cải tổ", và hiện tại, xét về kết quả, chính sách nhập cư của Pháp chủ yếu mới chỉ là trên giấy tờ.

Nhìn sang Libération, trang nhất, bài xã luận và nhiều trang bài được dành để nói về việc nước Pháp phản đối gay gắt Mercosur, hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và khối 5 nước châu Mỹ Latinh, mà tờ báo thiên tả gọi là hiệp định "đổi thịt lấy xe ô tô", "một kẻ thù lý tưởng của Paris" mà chính quyền Macron đang tìm kiếm đồng minh láng giềng để ngăn chặn. Tuy nhiên, Libération cũng dành chỗ nói về cuộc chiến xâm lược của Nga và nhận định "Những điểm yếu kém của Nga được phơi bày".

Ô nhiễm nhựa : Gốc rễ vấn đề là cắt giảm sản xuất chứ không phải tái chế

Về môi trường, nhân dịp hội nghị quốc tế chống rác nhựa, được tổ chức tại Busan, Hàn Quốc, hướng tới hiệp ước đầu tiên mang tính ràng buộc để chống hệ lụy của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người, môi trường, khí hậu và quyền con người, hôm nay Libération hướng độc giả chú ý tới giải pháp gốc rễ chống ô nhiễm nhựa.
Giống như việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong các cuộc đàm phán về khí hậu, việc cắt giảm sản xuất nhựa nguyên sinh trong đàm phán chống ô nhiễm rác nhựa hiện vẫn được xem như "con voi trong phòng", ai cũng thấy nhưng đều giả vờ không biết.

Trong khi các nhà sản xuất dầu, khí đốt và than đá hứa hẹn giảm phát thải khí nhà kính bằng các "giải pháp" như thu hồi và lưu trữ carbon, để không phải cắt giảm sản lượng, thì các nhà sản xuất nhựa cũng coi tái chế rác nhựa như một đáp án kỳ diệu. Trên thực tế, Libération nhấn mạnh là 2 chủ đề khí hậu và nhựa đều có một điểm chung : khai thác nhiên liệu hóa thạch. Dầu, khí đốt và ở một mức nào đó than đá, chính là những nguyên liệu thô chính được sử dụng để sản xuất nhựa.

Sản lượng nhựa nguyên sinh trên thế giới từ năm 2000 đến năm 2020 đã tăng gấp đôi, dự kiến đến năm 2060 sẽ tăng gấp 3. Hành tinh của chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong rác thải : từ 360 triệu tấn vào năm 2020 (trọng lượng của hơn 35.000 tháp Eiffel), con số này ước tính từ năm 2060 trở đi sẽ vượt quá 1 tỷ tấn mỗi năm. Khí nhà kính phát thải từ vòng đời của nhựa chiếm 3,6% lượng khí thải toàn cầu trong năm 2020, sẽ tăng lên thành 5% vào năm 2040, và điều này mâu thuẫn với các cam kết của thỏa thuận khí hậu Paris 2015, theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OCDE.

Trong khi các quốc gia đang giảm lệ thuộc vào chất đốt, có kế hoạch cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel hoặc hệ thống sưởi bằng khí ga, thì các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch lại đang đầu tư vào sản xuất hóa dầu và nhựa. Họ tìm kiếm một "kế hoạch B" mang lại lợi nhuận, bảo vệ "con gà đẻ trứng vàng", hướng sự chú ý tới "tái chế và hành vi của người tiêu dùng (ví dụ không vứt rác)" và vận động hành lang trong giới lãnh đạo chính trị, cho dù theo Human Rights Watch, những tài liệu nội bộ trong ngành này ngay từ những năm 1970 cho thấy rằng các nhà sản xuất đều đã biết rằng tái chế không phải là một giải pháp có thể chấp nhận được.

Việt Nam chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái

Đề tài môi trường, sinh thái hôm nay được nhiều báo Pháp quan tâm. Le Monde dành cả tựa trang nhất, bài xã luận và chuyên mục hồ sơ đặc biệt cho đề tài này. Trên trang nhất, Le Monde chạy tít "Khí hậu : Bản tổng kết mang vị đắng của thượng đỉnh COP29". Trong bài xã luận "Tín hiệu báo động của COP29", Le Monde nhấn mạnh cuộc đối đầu Bắc - Nam (giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển) về tài chính khí hậu đã trở thành bài toán rất khó giải quyết tại COP.

Quá trình chuyển đổi năng lượng của các nước đang phát triển và thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu càng chậm lại thì nhu cầu sẽ càng tăng lên, khiến các nước phương Nam đòi hỏi nhiều hơn số 300 tỷ đô la tài trợ. Trong khi đó, một số ít các nước phát triển thì lâm cảnh kinh tế và chính trị không mấy thuận lợi, tăng trưởng vốn đã bị chậm lại, kèm theo đó là phong trào phản đối của một bộ phận dư luận về việc tài trợ chống biến đổi khí hậu.

Xung quanh đề tài "Nuôi sống hành tinh mà không tàn phá" Trái đất, chuyên mục hồ sơ đặc biệt của Le Monde cũng hướng chủ yếu đến các nước đang phát triển. Các chủ đề chính là "Thực phẩm, nước, năng lượng : 3 dự án sáng tạo" tại các nước Colombia, Morocco và Tây Phi, công cuộc "tìm kiếm các giống ngũ cốc và cây họ đậu có sức chống chịu tốt" tại Sénégal và "giới nghiên cứu bắt đầu hợp tác với nông dân" tại các nước phương Nam.

Le Monde cũng chú ý đến nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu phóng sự của đặc phái viên Brice Pedroletti tại tỉnh Sơn La : "Tại Việt Nam, đã đến thời nông nghiệp sinh thái", dung hòa phát triển nông nghiệp với các đòi hỏi phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, hướng đến kinh tế tuần hòan, chẳng hạn thông qua nông lâm kết hợp, giảm độc canh, giảm sử dụng phân bón hóa học, đẩy mạnh khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển thương hiệu địa phương…

Hồi năm 2023 Việt Nam đã khởi động một kế hoạch hành động quốc gia để chuyển đổi sâu rộng hệ thống nông nghiệp. Sơn La là một trong những tỉnh thí điểm, với sự trợ giúp chẳng hạn của chương trình Chuyển đổi hệ thống thực phẩm an toàn và sinh thái nông nghiệp (Assed), dưới sự điều phối khoa học của Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu phát triển nông học (CIRAD) với khoảng 15 đối tác Việt Nam (gồm các trung tâm nghiên cứu và cơ quan công quyền) và quốc tế. Chương trình được Cơ quan Phát triển Pháp và Liên Hiệp Châu Âu tài trợ.

Liệu pháp gien, giữa hy vọng và hiện thực

Trước thềm chương trình từ thiện Téléthon 2024 diễn ra ngày 29-30/11 để quyên tiền tài trợ cho nghiên cứu y khoa, báo Công giáo La Croix có bài viết "Liệu pháp gien, giữa hy vọng và hiện thực". Kỹ thuật y khoa có tên liệu pháp gien, về lý thuyết, theo bác sĩSerge Braun, giám đốc khoa học của AFM-Téléthon, về lý thuyết, đơn giản đó là "chống lại các bệnh di truyền bằng cách sử dụng gen".

Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. La Croix nhận định vẫn còn rất nhiều việc phải làm, bởi vì một mặt hiện giờ có đến hơn 7.000 bệnh di truyền được ghi nhận, hầu hết đều là bệnh hiếm gặp, nguyên nhân cũng như hậu quả của các bệnh này rất khác nhau, mở ra một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn. Mặt khác, bản thân các quá trình trị liệu vẫn cần được củng cố.

Một vấn đề lớn khác liên quan đến đạo đức. Với chi phí cao, từ 2 đến 3 triệu euro mỗi lần tiêm, câu hỏi đặt ra là liệu có nhiều người được tiếp cận phương pháp trị liệu này không ?

Theo La Croix, dẫu số tiền đầu tư nghiên cứu được giữ bí mật, điều đáng nói là các liệu pháp gen ban đầu được phát triển cho các bệnh di truyền hiếm gặp sau này cũng có thể được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh lý phổ biến hơn, như ung thư, bệnh tim mạch hoặc nhiễm trùng. Bác sĩ Serge Braun nhấn mạnh đây là trường hợp của một nửa trong số 40 loại thuốc đã được phê duyệt trong những năm gần đây.

Laurence Tiennot-Herment, chủ tịch AFM-Téléthon, khẳng định "các liệu pháp gen có hiệu quả và cuộc chiến đấu trong nghiên cứu này có lợi cho tất cả (…) nhưng cần có các nguồn lực". Vào năm 2023, chương trình đã thu được số tiền quyên tặng lên tới gần 93 triệu euro.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 107 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)