Tân thủ tướng Pháp cố gắng tránh nguy cơ nước Pháp rơi vào hỗn loạn
Về thời sự nước Pháp, tuần lễ mở ra với chủ đề về dự luật ngân sách nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt hiện nay, gây ra các cuộc tranh cãi nảy lửa trong chính trường Pháp, làm dấy lên nguy cơ chính phủ mới của Pháp bị phe đối lập lật đổ. Đây là đề tài được được nhiều báo quan tâm.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu trong phiên chất vấn tại Quốc hội ở Paris, Pháp, ngày 19/11/2024. Reuters - Kevin Coombs
Trong dự thảo về ngân sách, chính phủ Pháp muốn tăng thuế đối với khí đốt, hoặc thuế môi trường để bổ sung cho ngân sách, đồng thời dự trù thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu, như ngừng xem xét tăng lương hưu của những người được hưởng trên mức lương tối thiểu từ nay đến năm 2025, buộc người lao động làm việc thêm 7 giờ mà không được trả thêm lương, để tăng năng suất, mà không yêu cầu doanh nghiệp phải chi trả thêm, nhằm giảm tác động đối với chi tiêu công.
Hôm nay, lần đầu tiên ông Barnier tiếp lãnh đạo của phe đối lập, tìm cách thỏa hiệp với lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN-Rassemblement national), Marine Le Pen, trước đó đã đe dọa bác bỏ dự luật ngân sách, nếu như sức mua của người Pháp bị ảnh hưởng.
Le Figaro khẳng định rằng, ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, thủ tướng Pháp Michel Barnier đã biết chính phủ của ông bị suy yếu. Dự luật về ngân sách này cũng bị đe dọa bác bỏ bởi một liên minh "tưởng chừng là không thể xảy ra" giữa đảng cực hữu RN, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất và đảng Xã Hội. Chính phủ mới của Pháp cũng đang đứng trước nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu ông Barnier sử dụng điều luật 49.3 gây tranh cãi để thông qua văn bản trên mà không cần đưa ra thảo luận, biểu quyết tại Quốc hội.
Xã luận Libération đặt câu hỏi : Liệu nước Pháp vẫn còn chính phủ khi mùa đông đến ? Theo nhật báo thiên tả, nếu Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) hợp lực với đảng cực hữu RN thì có thể dễ dàng lật đổ Michel Barnier. Trong trường hợp này, tổng thống Emmanuel Macron sẽ lại phải cân đo đong đếm, tìm một nhân vật mới thay thế, để có thể đối thoại, tìm ra thỏa hiệp. Libération nhắc lại tên của bà Lucie Castets, vốn được NFP, về đầu trong cuộc bầu cử lập pháp mùa hè vừa qua, đề cử vào chức thủ tướng, nhưng bị ông Macron gạt đi.
Còn theo Le Figaro, nếu ông Michel Barnier thất bại trong việc chèo lái chính phủ lần này, đất nước sẽ "rơi vào hỗn loạn". Không có đủ ngân sách, thị trường tài chính Pháp sẽ bị chao đảo, lãi suất tăng, khủng hoảng kinh tế xã hội sẽ bùng phát, trong khi nước Pháp đang gặp nhiều bất ổn. Barnier đang phải cố tìm những lời lẽ đúng đắn trong các cuộc đàm phán, hy vọng phe đối lập tỉnh táo, để tránh đưa nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng.
Nga tiếp tay phổ biến vũ khí hạt nhân
Về cuộc chiến tại sườn đông Châu Âu, nếu như phóng sự của Le Monde mô tả cảnh sống vật lộn với chiến tranh của người dân Ukraine ở Kherson, gần chiến tuyến, thì Le Figaro đề cập đến chủ đề đáng lo ngại hơn, như tựa đề trên trang nhất "Chiến tranh Ukraine làm nhen nhúm lại mối đe dọa hạt nhân".
Trong cuộc chiến bắt đầu từ năm 2022, tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên nêu ra mối đe dọa hạt nhân, đánh vào nỗi sợ vũ khí hủy diệt hàng loạt này, để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine, đồng thời để bắt chẹt các đồng minh của Kiev, hạn chế các viện trợ cho Ukraine.
Theo Le Figaro, những năm vừa qua, Nga đã xóa bỏ đi "điều cấm kỵ hạt nhân", và thách thức phương Tây mỗi khi gặp khó khăn, góp phần phổ biến hạt nhân. Trước viễn cảnh Donald Trump trở lại Nhà Trắng, Nga một lần nữa đe dọa, sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung bắn vào Ukraine, sửa đổi học thuyết hạt nhân để biện minh cho việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Đáng chú ý là cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung vào Ukraine tuần trước.
Le Figaro nhắc lại cả ba nước Iraq, Libya và Ukraine đều đã bị tấn công sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân, khiến nhiều quốc gia rút ra bài học rằng vũ khí hạt nhân là cần thiết để tự vệ. Iran thì tăng tốc chương trình hạt nhân, gây lo ngại lớn cho Israel trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông, và điều này có thể thúc đẩy các nước Hồi giáo như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên cũng tiếp tục gây lo ngại, dẫn đến việc nhiều quốc gia Châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng phải cân nhắc việc phát triển vũ khí hạt nhân. Về phần mình, Ukraine cũng đang xem xét khả năng phát triển vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ trước Nga. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến sự phản đối từ các nước phương Tây và chi phí rất cao.
Le Figaro kết luận, sau kỷ nguyên hạt nhân đầu tiên từ năm 1945 đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, sau thời đại hạt nhân thứ 2, đi kèm với thời kỳ hòa hoãn và giải trừ vũ khí sau sự sụp đổ của Liên Xô, thì kỷ nguyên hạt nhân thứ 3 mở ra, với nhiều bên tham gia phổ biến vũ khí hạt nhân, có thể sẽ không kiểm soát được.
Hy vọng đình chiến mong manh tại Lebanon
Nhìn sang khu vực Trung Đông, Lebanon đã trải qua một cuối tuần đẫm máu sau các cuộc tấn công liên tục của Israel vào trung tâm thủ đô Beirut. Ít nhất 29 người bỏ mạng, 67 người bị thương. Thiệt hại nhân mạng hiện đã lên đến 3754 người, trong đó có hơn 200 trẻ em, cao hơn cả cuộc chiến hồi 2006. Các cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái khiến hy vọng về một lệnh đình chiến ngày càng xa vời.
Le Monde nêu ra tác động xã hội từ việc các ngân hàng hoặc định chế xã hội bị phá hủy do bom đạn Israel. Nhật báo Pháp cũng đề cập đến tổ chức tín dụng Al-Qard Al-Hassan, được cho là có mạng lưới hoạt động lớn nhất ở Lebanon, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hỗ trợ xã hội của Hezbollah, đã nhiều lần bị tấn công, khiến nhiều chi nhánh phải đóng cửa. Những người gửi tiền và người vay vốn rơi vào tình trạng bất định, không rõ tương lai ra sao.
Tổ chức này cung cấp các khoản vay với lãi suất bằng 0 cho cộng đồng Hồi giáo Shia, hoặc cho vay nhờ đặt cọc bằng vàng hoặc ngoại tệ, lấy được lòng tin của nhiều người Hồi giáo Shia. Các cuộc oanh kích của Israel đã phá vỡ sợi dây liên kết xã hội. Theo Le Monde, Al-Qard Al-Hassan không chỉ là một tổ chức tài chính mà còn là công cụ chiến lược để Hezbollah xây dựng mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng Shia, bao gồm các dịch vụ như bệnh viện và siêu thị.
Mặc dù Al-Qard Al-Hassan đã tạo nên một mạng lưới hỗ trợ quan trọng cho cộng đồng Shia, mối liên hệ với Hezbollah đã khiến tổ chức này trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công và cáo buộc, đặc biệt từ phía Israel và Mỹ. Israel cáo buộc tổ chức này tham gia vào việc tài trợ các hoạt động khủng bố, trong khi Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt từ năm 2007.
Những cuộc tấn công của Israel nhằm phá vỡ mối liên hệ giữa Hezbollah và cơ sở xã hội của họ, làm suy giảm lòng tin của người dân vào khả năng tài chính và năng lực tái thiết của phong trào này.
Thỏa thuận COP29 gây chia rẽ Nam Bắc bán cầu
Les Echos dành trang nhất nói về thỏa thuận 300 tỷ đô la hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng cho các nước đang phát triển, được thông qua hôm Chủ nhật, chậm trễ 24 giờ do với dự trù, tại Hội nghị khí hậu quốc tế - C0P29 do Azerbaijan tổ chức.
Thỏa thuận tài chính này là chủ đề đàm phán chính từ hai tuần qua, tiền do các nước giàu chi trả sẽ được chuyển cho các nước đang phát triển từ nay đến năm 2035, thay thế thỏa thuận được ký vào năm 2009 (khoản hỗ trợ 100 tỷ đôla được cho là không đủ trước tình hình khẩn cấp khí hậu).
Theo La Croix, một trong những tiến bộ tại COP29 là việc thông qua các quy định đối với thị trường carbon quốc tế, vốn đã được nêu ra trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, cho phép các nước có thể bán lượng khí thải đã giảm được cho một quốc gia khác, hoặc là để cho nhà nước hoăc các doanh nghiệp có biện pháp bảo vệ, trồng rừng. Các nước ở Nam Bán Cầu cho rằng đây là một cách để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng thỏa thuận lại bị nhiều nhà quan sát chỉ trích về nguy cơ tẩy xanh trên quy mô lớn.
Le Figaro tường trình lại từng giờ đàm phán căng thẳng trong đêm thứ bảy, rạng sáng Chủ nhật ở Baku. Theo nhật báo thiên hữu, thỏa thuận tài chính được cấp dưới dạng viện trợ chứ không phải cho vay, để tránh các nước đã khó khăn lâm cảnh khốn cùng.
Theo nhật báo kinh tế Les Échos, thỏa thuận này làm gia tăng chia rẽ giữa Nam và Bắc Bán Cầu. Các nước nghèo, đang phát triển, dễ chịu tác động của biến đối khí hậu nhất, bày tỏ thất vọng, cho rằng khoản tiền được nêu ra là quá ít, so với con số được đưa ra khi mở các cuộc đàm phán, là 1300 tỷ mỗi năm.
Các nước phương tây thì lấy làm tiếc vì các nước vùng Vịnh hay Trung Quốc lại không nằm trong danh sách các nước phát triển, đóng góp tiền vào thỏa thuận này. Thêm vào đó là lập trường "dầu khí là của trời cho" của nước chủ nhà, bị chỉ trích là đã tạo điều kiện cho các nước vùng Vịnh, làm giàu nhờ nhiên liệu hóa thạch, có thể "nhúng tay", sửa đổi thỏa thuận. Trên nguyên tắc, chỉ có ban thư ký của Liên Hiệp Quốc hoặc chủ tịch của COP mới có quyền tiếp cận các văn bản chính thức này. Cũng chính vì lẽ đó mà thỏa thuận cũng không đề cập đến năng lượng hóa thạch, hay việc giảm phát khí thải CO2, vốn mang tính biểu tượng đối với khí hậu. "Đó là một bước thụt lùi so với COP28", như nhận định của Libération.
Khi COP29 vừa khép lại thì một hội nghị khác về ô nhiễm khai mạc tại Hàn Quốc. Le Monde nêu ra vòng đàm phán thứ năm và cũng là cuối cùng về vấn đề ô nhiễm nhựa, được mở ra từ thứ Hai tại thành phố Busan, với sự tham dự của phái đoàn từ 175 nước.
Để chấm dứt nạn ô nhiễm nhựa, một liên minh gồm 67 nước muốn thông qua một thỏa thuận đầy tham vọng, tính đến vòng tuần hoàn của nhựa, hạn chế việc sản xuất nhựa. Trong khi đó, các nước dầu khí lớn, với ngành công nghiệp sản xuất bao bì nhựa lớn, lại muốn dậm chận tại chỗ, chỉ quan tâm đến việc quản lý chất thải và tái chế nhựa.
Le Monde nhắc lại rằng sản xuất nhựa toàn cầu đã tăng gấp đôi trong hai mươi năm qua, và sẽ vượt hơn 500 triệu tấn vào năm nay. Nhựa là một liều thuốc độc đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người, đồng thời là một mối họa lớn đối với khí hậu.
Chi Phương