Tân thủ tướng Pháp cố gắng tránh nguy cơ nước Pháp rơi vào hỗn loạn
Về thời sự nước Pháp, tuần lễ mở ra với chủ đề về dự luật ngân sách nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt hiện nay, gây ra các cuộc tranh cãi nảy lửa trong chính trường Pháp, làm dấy lên nguy cơ chính phủ mới của Pháp bị phe đối lập lật đổ. Đây là đề tài được được nhiều báo quan tâm.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu trong phiên chất vấn tại Quốc hội ở Paris, Pháp, ngày 19/11/2024. Reuters - Kevin Coombs
Trong dự thảo về ngân sách, chính phủ Pháp muốn tăng thuế đối với khí đốt, hoặc thuế môi trường để bổ sung cho ngân sách, đồng thời dự trù thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu, như ngừng xem xét tăng lương hưu của những người được hưởng trên mức lương tối thiểu từ nay đến năm 2025, buộc người lao động làm việc thêm 7 giờ mà không được trả thêm lương, để tăng năng suất, mà không yêu cầu doanh nghiệp phải chi trả thêm, nhằm giảm tác động đối với chi tiêu công.
Hôm nay, lần đầu tiên ông Barnier tiếp lãnh đạo của phe đối lập, tìm cách thỏa hiệp với lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN-Rassemblement national), Marine Le Pen, trước đó đã đe dọa bác bỏ dự luật ngân sách, nếu như sức mua của người Pháp bị ảnh hưởng.
Le Figaro khẳng định rằng, ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, thủ tướng Pháp Michel Barnier đã biết chính phủ của ông bị suy yếu. Dự luật về ngân sách này cũng bị đe dọa bác bỏ bởi một liên minh "tưởng chừng là không thể xảy ra" giữa đảng cực hữu RN, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất và đảng Xã Hội. Chính phủ mới của Pháp cũng đang đứng trước nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu ông Barnier sử dụng điều luật 49.3 gây tranh cãi để thông qua văn bản trên mà không cần đưa ra thảo luận, biểu quyết tại Quốc hội.
Xã luận Libération đặt câu hỏi : Liệu nước Pháp vẫn còn chính phủ khi mùa đông đến ? Theo nhật báo thiên tả, nếu Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) hợp lực với đảng cực hữu RN thì có thể dễ dàng lật đổ Michel Barnier. Trong trường hợp này, tổng thống Emmanuel Macron sẽ lại phải cân đo đong đếm, tìm một nhân vật mới thay thế, để có thể đối thoại, tìm ra thỏa hiệp. Libération nhắc lại tên của bà Lucie Castets, vốn được NFP, về đầu trong cuộc bầu cử lập pháp mùa hè vừa qua, đề cử vào chức thủ tướng, nhưng bị ông Macron gạt đi.
Còn theo Le Figaro, nếu ông Michel Barnier thất bại trong việc chèo lái chính phủ lần này, đất nước sẽ "rơi vào hỗn loạn". Không có đủ ngân sách, thị trường tài chính Pháp sẽ bị chao đảo, lãi suất tăng, khủng hoảng kinh tế xã hội sẽ bùng phát, trong khi nước Pháp đang gặp nhiều bất ổn. Barnier đang phải cố tìm những lời lẽ đúng đắn trong các cuộc đàm phán, hy vọng phe đối lập tỉnh táo, để tránh đưa nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng.
Nga tiếp tay phổ biến vũ khí hạt nhân
Về cuộc chiến tại sườn đông Châu Âu, nếu như phóng sự của Le Monde mô tả cảnh sống vật lộn với chiến tranh của người dân Ukraine ở Kherson, gần chiến tuyến, thì Le Figaro đề cập đến chủ đề đáng lo ngại hơn, như tựa đề trên trang nhất "Chiến tranh Ukraine làm nhen nhúm lại mối đe dọa hạt nhân".
Trong cuộc chiến bắt đầu từ năm 2022, tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên nêu ra mối đe dọa hạt nhân, đánh vào nỗi sợ vũ khí hủy diệt hàng loạt này, để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine, đồng thời để bắt chẹt các đồng minh của Kiev, hạn chế các viện trợ cho Ukraine.
Theo Le Figaro, những năm vừa qua, Nga đã xóa bỏ đi "điều cấm kỵ hạt nhân", và thách thức phương Tây mỗi khi gặp khó khăn, góp phần phổ biến hạt nhân. Trước viễn cảnh Donald Trump trở lại Nhà Trắng, Nga một lần nữa đe dọa, sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung bắn vào Ukraine, sửa đổi học thuyết hạt nhân để biện minh cho việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Đáng chú ý là cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung vào Ukraine tuần trước.
Le Figaro nhắc lại cả ba nước Iraq, Libya và Ukraine đều đã bị tấn công sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân, khiến nhiều quốc gia rút ra bài học rằng vũ khí hạt nhân là cần thiết để tự vệ. Iran thì tăng tốc chương trình hạt nhân, gây lo ngại lớn cho Israel trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông, và điều này có thể thúc đẩy các nước Hồi giáo như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên cũng tiếp tục gây lo ngại, dẫn đến việc nhiều quốc gia Châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng phải cân nhắc việc phát triển vũ khí hạt nhân. Về phần mình, Ukraine cũng đang xem xét khả năng phát triển vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ trước Nga. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến sự phản đối từ các nước phương Tây và chi phí rất cao.
Le Figaro kết luận, sau kỷ nguyên hạt nhân đầu tiên từ năm 1945 đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, sau thời đại hạt nhân thứ 2, đi kèm với thời kỳ hòa hoãn và giải trừ vũ khí sau sự sụp đổ của Liên Xô, thì kỷ nguyên hạt nhân thứ 3 mở ra, với nhiều bên tham gia phổ biến vũ khí hạt nhân, có thể sẽ không kiểm soát được.
Hy vọng đình chiến mong manh tại Lebanon
Nhìn sang khu vực Trung Đông, Lebanon đã trải qua một cuối tuần đẫm máu sau các cuộc tấn công liên tục của Israel vào trung tâm thủ đô Beirut. Ít nhất 29 người bỏ mạng, 67 người bị thương. Thiệt hại nhân mạng hiện đã lên đến 3754 người, trong đó có hơn 200 trẻ em, cao hơn cả cuộc chiến hồi 2006. Các cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái khiến hy vọng về một lệnh đình chiến ngày càng xa vời.
Le Monde nêu ra tác động xã hội từ việc các ngân hàng hoặc định chế xã hội bị phá hủy do bom đạn Israel. Nhật báo Pháp cũng đề cập đến tổ chức tín dụng Al-Qard Al-Hassan, được cho là có mạng lưới hoạt động lớn nhất ở Lebanon, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hỗ trợ xã hội của Hezbollah, đã nhiều lần bị tấn công, khiến nhiều chi nhánh phải đóng cửa. Những người gửi tiền và người vay vốn rơi vào tình trạng bất định, không rõ tương lai ra sao.
Tổ chức này cung cấp các khoản vay với lãi suất bằng 0 cho cộng đồng Hồi giáo Shia, hoặc cho vay nhờ đặt cọc bằng vàng hoặc ngoại tệ, lấy được lòng tin của nhiều người Hồi giáo Shia. Các cuộc oanh kích của Israel đã phá vỡ sợi dây liên kết xã hội. Theo Le Monde, Al-Qard Al-Hassan không chỉ là một tổ chức tài chính mà còn là công cụ chiến lược để Hezbollah xây dựng mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng Shia, bao gồm các dịch vụ như bệnh viện và siêu thị.
Mặc dù Al-Qard Al-Hassan đã tạo nên một mạng lưới hỗ trợ quan trọng cho cộng đồng Shia, mối liên hệ với Hezbollah đã khiến tổ chức này trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công và cáo buộc, đặc biệt từ phía Israel và Mỹ. Israel cáo buộc tổ chức này tham gia vào việc tài trợ các hoạt động khủng bố, trong khi Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt từ năm 2007.
Những cuộc tấn công của Israel nhằm phá vỡ mối liên hệ giữa Hezbollah và cơ sở xã hội của họ, làm suy giảm lòng tin của người dân vào khả năng tài chính và năng lực tái thiết của phong trào này.
Thỏa thuận COP29 gây chia rẽ Nam Bắc bán cầu
Les Echos dành trang nhất nói về thỏa thuận 300 tỷ đô la hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng cho các nước đang phát triển, được thông qua hôm Chủ nhật, chậm trễ 24 giờ do với dự trù, tại Hội nghị khí hậu quốc tế - C0P29 do Azerbaijan tổ chức.
Thỏa thuận tài chính này là chủ đề đàm phán chính từ hai tuần qua, tiền do các nước giàu chi trả sẽ được chuyển cho các nước đang phát triển từ nay đến năm 2035, thay thế thỏa thuận được ký vào năm 2009 (khoản hỗ trợ 100 tỷ đôla được cho là không đủ trước tình hình khẩn cấp khí hậu).
Theo La Croix, một trong những tiến bộ tại COP29 là việc thông qua các quy định đối với thị trường carbon quốc tế, vốn đã được nêu ra trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, cho phép các nước có thể bán lượng khí thải đã giảm được cho một quốc gia khác, hoặc là để cho nhà nước hoăc các doanh nghiệp có biện pháp bảo vệ, trồng rừng. Các nước ở Nam Bán Cầu cho rằng đây là một cách để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng thỏa thuận lại bị nhiều nhà quan sát chỉ trích về nguy cơ tẩy xanh trên quy mô lớn.
Le Figaro tường trình lại từng giờ đàm phán căng thẳng trong đêm thứ bảy, rạng sáng Chủ nhật ở Baku. Theo nhật báo thiên hữu, thỏa thuận tài chính được cấp dưới dạng viện trợ chứ không phải cho vay, để tránh các nước đã khó khăn lâm cảnh khốn cùng.
Theo nhật báo kinh tế Les Échos, thỏa thuận này làm gia tăng chia rẽ giữa Nam và Bắc Bán Cầu. Các nước nghèo, đang phát triển, dễ chịu tác động của biến đối khí hậu nhất, bày tỏ thất vọng, cho rằng khoản tiền được nêu ra là quá ít, so với con số được đưa ra khi mở các cuộc đàm phán, là 1300 tỷ mỗi năm.
Các nước phương tây thì lấy làm tiếc vì các nước vùng Vịnh hay Trung Quốc lại không nằm trong danh sách các nước phát triển, đóng góp tiền vào thỏa thuận này. Thêm vào đó là lập trường "dầu khí là của trời cho" của nước chủ nhà, bị chỉ trích là đã tạo điều kiện cho các nước vùng Vịnh, làm giàu nhờ nhiên liệu hóa thạch, có thể "nhúng tay", sửa đổi thỏa thuận. Trên nguyên tắc, chỉ có ban thư ký của Liên Hiệp Quốc hoặc chủ tịch của COP mới có quyền tiếp cận các văn bản chính thức này. Cũng chính vì lẽ đó mà thỏa thuận cũng không đề cập đến năng lượng hóa thạch, hay việc giảm phát khí thải CO2, vốn mang tính biểu tượng đối với khí hậu. "Đó là một bước thụt lùi so với COP28", như nhận định của Libération.
Khi COP29 vừa khép lại thì một hội nghị khác về ô nhiễm khai mạc tại Hàn Quốc. Le Monde nêu ra vòng đàm phán thứ năm và cũng là cuối cùng về vấn đề ô nhiễm nhựa, được mở ra từ thứ Hai tại thành phố Busan, với sự tham dự của phái đoàn từ 175 nước.
Để chấm dứt nạn ô nhiễm nhựa, một liên minh gồm 67 nước muốn thông qua một thỏa thuận đầy tham vọng, tính đến vòng tuần hoàn của nhựa, hạn chế việc sản xuất nhựa. Trong khi đó, các nước dầu khí lớn, với ngành công nghiệp sản xuất bao bì nhựa lớn, lại muốn dậm chận tại chỗ, chỉ quan tâm đến việc quản lý chất thải và tái chế nhựa.
Le Monde nhắc lại rằng sản xuất nhựa toàn cầu đã tăng gấp đôi trong hai mươi năm qua, và sẽ vượt hơn 500 triệu tấn vào năm nay. Nhựa là một liều thuốc độc đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người, đồng thời là một mối họa lớn đối với khí hậu.
Chi Phương
Pháp : Tân chính phủ mất cân bằng, "đứa con của nền dân chủ đi chệch hướng"
Thành phần chính phủ của tân thủ tướng Michel Barnier được công bố vào cuối tuần qua là chủ đề chính trên các báo Pháp hôm nay 23/09/2024. Ngay trước cuộc họp đầu tiên diễn ra vào chiều nay, tân chính phủ Pháp đã bị đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm. Phe đối lập cánh tả lên án ông Barnier "phản bội" các cử tri, coi thường kết quả bầu cử lập pháp.
Ảnh các thành viên của tân chính phủ Pháp chụp ngày 21/09/2024. © AFP
La Croix nêu ra những điểm yếu khiến "thành lũy" của chính phủ mới dễ lung lay. Với các thành viên từ cánh hữu và cánh trung, chủ yếu là từ phe của Macron, chính phủ của thủ tướng Michel Barnier trở nên thiếu cân bằng, không đủ trọng lượng, và không tuân theo kết quả của cuộc bầu cử lập pháp vào mùa hè vừa qua.
Trở lại kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7 : Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) về đầu với 193 ghế, sau đó là liên minh Ensemble của tổng thống Macron, 166 ghế, về thứ ba là đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) liên minh với một nhóm đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa do Eric Cioti đứng đầu. Bộ phận còn lại của đảng Những Người Cộng Hòa chỉ được 47 ghế. La Croix trích lại nhận định từ cánh tả và cực tả, cho rằng, chính phủ như hiện nay đã "phản bội" lại các cử tri.
Ngoài Bruno Retailleau, được bổ nhiệm làm bộ trưởng Nội Vụ, tân chính phủ không có chính trị gia kỳ cựu nào nổi bật, và thường là những người không được công chúng biết đến. Dường như Michel Barnier sợ những cái bóng lớn che khuất đi vị trí của mình. Theo Libération, những chính trị gia vắng mặt trong danh sách tân chính phủ, chẳng hạn như Edouard Philippoe, Garbiel Attal, Gérard Darmanin, Laurent Wauquiez có thể đều đã đưa ra kết luận rằng tốt hơn là đứng ngoài chính phủ, để tự bảo vệ, để duy trì tham vọng cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2027.
Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : "Chính phủ của Michel Barnier được hình thành trong nỗi đau". Theo nhật báo Pháp, sự hiện diện của Bruno Retailleau thuộc cánh hữu bảo thủ, cứng nhắc, chống nhập cư, nắm giữ chức bộ trưởng Nội vụ khiến phe của Macron khó chịu. Ngoài ra, còn có Laurence Garnier, thượng nghị sĩ thuộc đảng LR. Bà phản đối hôn nhân đồng giới, hay việc đưa quyền phá thai vào Hiến Pháp. Ban đầu, bà Garnier được cho là làm Quốc vụ khanh phụ trách về vấn đề gia đình, và đã bị tổng thống gạt đi, nhưng sau đó được đưa trở lại danh sách và phụ trách về vấn đề tiêu dùng.
Xã luận của nhật báo cánh tả Libération coi chính phủ mới do Michel Barnier lãnh đạo, được thỏa thuận với Emmanuel Macron, là một chính phủ bảo thủ nhất từ thời của tổng thống Nicolas Sarkozy. Và đối với cánh tả, nền dân chủ đã bị coi thường. Libération đặt câu hỏi liệu sự tồn tại của chính phủ mới có lâu dài, đủ để giải quyết các vấn đề cấp bách đối với nước Pháp, hay sẽ chỉ trong ngắn hạn, vì nhanh chóng bị bất tín nhiệm bởi phe đối lập.
Tờ báo nêu lại nguồn căn của vấn đề hiện nay, là đến từ quyết định của tổng thống Emmanuel Macron, giải tán Quốc hội, tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn, nhưng lại không tôn trọng kết quả, để phe thua cuộc lên nắm quyền, làm suy yếu nền dân chủ vốn đã không vững chắc. Chính phủ hiện nay được coi là "đứa con của một nền dân chủ đi chệch hướng".
Nhật báo cánh hữu Le Figaro, về phần mình, dành những "lời có cánh" cho Michel Barnier, muốn chứng tỏ sự khác biệt với người tiền nhiệm trẻ tuổi Garbiel Attal. "Trớ trêu thay", một người từng 5 lần giữ chức bộ trưởng, được các cuộc thăm dò dư luận đánh giá tốt, nhưng nay, sự hiện diện của ông tại điện Matignon lại bị xem là "nơi trú ẩn an toàn khi thời tiết xấu".
Xã luận Le Figaro nêu ra giả thuyết liệu chính phủ của Michel Barnier là một "điều kỳ diệu hay là một thất bại", trích lời của tướng De Gaulle khi quay trở lại Pháp cầm quyền vào năm 1958. 70 năm sau, nước Pháp vẫn phải đối mặt với tình hình tương tự, trước một chính phủ bấp bênh, với nhiều "họng súng" chĩa vào từ bên ngoài. Phe cực tả, Jean-Luc Melenchon kêu gọi nhanh chóng "loại bỏ" chính phủ của kẻ thua cuộc. Đảng Tập Hợp Dân Tộc cực hữu thì cho biết "không thấy bất cứ tương lai nào" với chính phủ này.
Có nhiều rủi ro khiến tân chính phủ có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Biểu quyết cho ngân sách 2025, nhập cư, tội phạm, giáo dục, khủng hoảng nông nghiệp, hay tình hình bất ổn tại các vùng hải ngoại, đặc biệt là ở Nouvelle Calédonie mà Pháp sáp nhập vào năm 1853.
Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến chương trình hành động của tân thủ tướng, đặc biệt là liên quan đến việc tăng thuế, nhắm vào những người có nhiều tài sản nhất nước Pháp, và các doanh nghiệp lớn để có thể thông qua ngân sách cho năm 2025, trong bối cảnh nước Pháp trong tình trạng thâm hụt ngân sách như hiện nay (khoảng 6% của GDP vào năm 2024).
Là người kế thừa của cánh hữu, ủng hộ Châu Âu, với các kỹ năng đàm phán và thâm niên chính trường, La Croix đặt câu hỏi liệu ông Barnier liệu có thể duy trì chính phủ này được bao lâu ?
Cuộc chiến không tên giữa Israel và Hezbollah
Về thời sự quốc tế, tình hình tại Trung Cận Đông vẫn nóng bỏng với cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah – "một cuộc chiến không tên", theo La Croix. Trong đêm thứ Bảy, sáng Chủ nhật vừa qua, Haifa, thành phố lớn thứ ba của Israel đã bị nhóm Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon oanh kích. Đây là vụ tấn công đầu tiên vào thành phố này kể từ cuộc xung đột năm 2006.
Le Figaro cho rằng đảng của Thượng Đế tại Lebanon đang cố gắng thiết lập lại tín nhiệm và khả năng răn đe của mình. Do vậy, Hezbollah đã phải khoa trương sức mạnh, chứng minh khả năng điều hành và khả năng quân sự không hề bị ảnh hưởng. Nhóm này phóng hơn 150 tên lửa, các loại tên lửa như Fadi loại 1 và 2, có tầm bắn từ 80-105 km, và hàng chục tên lửa Katyusha, tấn công vào các căn cứ quân sự của Israel, làm tê liệt hệ thống truyền tin của Israel.
Israel đã buộc phải phát lệnh sơ tán, đóng cửa các trường học, bệnh nhân tại các bệnh viện được đưa vào nơi trú ẩn. Kể từ khi cuộc xung đột giữa Hezbollah, ủng hộ nhóm Hamas và Israel nổ ra vào tháng 10, khoảng 60 000 người Israel sống tại khu vực biên giới với Lebanon đã phải đi sơ tán.
Cuộc xung đột này cũng là chủ đề trên trang nhất báo Les Echos, "hết sức nguy hiểm", và có thể tiến gần điểm "không còn đường lui" khi Hezbollah đã vượt lằn ranh đỏ, tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Israel. Theo Les Echos, Hezbollah muốn "rửa nỗi nhục" cho những người anh em Hamas, và đặc biệt là về vụ tấn công được cho là của Israel vào tuần trước. Nhiều thành viên của Hezbollah đã bỏ mạng hoặc bị thương sau vụ nổ hàng ngàn máy nhắn tin và bộ đàm ở Lebanon, mà Israel bị tình nghi là kẻ đứng sau. Nhà nước Do Thái cũng tuyên bố đã triệt hạ thêm một tướng lĩnh của nhóm Hồi giáo này. Thủ lĩnh của Hezbollah đã coi đây là một vụ thảm sát, lời tuyên bố chiến tranh từ phía Israel.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu hai kẻ thù không đội trời chung có thể tiến xa đến đâu, xóa đi bao nhiêu lằn ranh đỏ. Theo Les Echos, cho đến nay, Hezbollah vẫn chưa sử dụng đến các tên lửa tầm trung, nhắm vào khu vực Tel-Aviv, nơi đặt trụ sở của bộ Quốc phòng và Tình báo của Israel. Nhà nước Do Thái cũng chưa mở chiến dịch tấn công hàng loạt nhắm vào các khu phố, nơi sinh sống của người Hồi giáo Chite ở thủ đô Beirut, như hồi năm 2006. Tuy nhiên, các chỉ huy quân sự Israel cho biết đã sẵn sàng chuẩn bị cuộc xâm nhập trên bộ vào miền nam Lebanon, ngay khi nhận được lệnh của chính phủ.
Trong bài đăng cùng hồ sơ, La Croix nhận định rằng Hezbollah tuy bị suy yếu nhưng vẫn còn mạnh. Trước vụ tấn công vào cuối tuần qua, lực lượng Hezbollah gồm khoảng 15.000 thành viên, trong đó 5.000 người thuộc đội ngũ tinh nhuệ. Trong trường hợp xảy ra xung đột, phong trào này có thể huy động khoảng 25.000 đến 30.000 lính dự bị. Kho vũ khí của nhóm này ước tính có khoảng 150.000 tên lửa đủ loại, cùng 2.000 drone.
Theo La Croix, nhóm này đã kiểm soát miền nam Lebanon kể từ khi Israel rút quân vào năm 2000, và đã có đủ thời gian để xây dựng thành lũy vững chắc, phát triển hệ thống đường hầm, xây dựng các hầm trú ẩn hoặc giăng cạm bẫy khắp nơi, thậm chí, đã hội gần đủ các yếu tố để thành lập một Nhà nước, với dịch vụ y tế, truyền thông, giáo dục riêng. Nếu Israel tấn công vào miền nam Lebanon, thì không ai biết rõ hậu quả là gì, nhưng Hezbollah được Iran và Syria yểm trợ, được cho là "sẽ biết cách tự vệ" như thế nào.
Điều này dấy lên lo ngại chiến tranh sẽ lan rộng, có thể châm ngòi cho cuộc chiến giữa Iran và Israel.
Tân tổng thống cánh tả theo chủ nghĩa Mác đầu tiên của Sri Lanka
Nhìn sang Châu Á, tân tổng thống cánh tả của Sri Lanka được nhiều báo quan tâm. Hôm thứ Bảy vừa qua, ông Anura Kumara Disanayake (AKD) đã thắng cử tổng thống với 42,3% phiếu bầu. Theo Les Echos, kể từ khi Sri Lanka giành độc lập từ tay Anh Quốc vào năm 1948, Đây là lần đầu tiên một đảng theo cánh tả giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Sri Lanka.
Theo Le Monde, Sri Lanka như mở ra một chương mới về cuộc cách mạng công dân. Le Monde nhắc lại vào năm 2022, sau nhiều tháng thiếu điện, nước, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, một phong trào phản kháng đã nổ ra trên khắp Sri Lanka. Người dân, tiến vào dinh tổng thống, lật đổ Gotabaya Rajapaksa, được cho là người phải chịu trách nhiệm vì sụp đổ của đất nước phát triển nhất Nam Á, không còn khả năng trả nợ do thiếu đầu tư, và quản lý quá yếu kém.
Người kế nhiệm ông Rajapaksa là Wickremesinghe, đã ký một thỏa thuận với FMI, để có thể vay 2,9 tỷ đô la để khôi phục dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, giúp hòn đảo tái cấu trúc các khoản nợ. Tuy nhiên các biện pháp hà khắc của ông đã khiến ít nhất 300.000 người, là chủ doanh nghiệp, bác sĩ, kỹ sư… rời khỏi đất nước từ năm 2022 đến năm 2023. Ông Wickremesinghe cũng được cho là có nhiều liên hệ với chính phủ tiền nhiệm.
Le Figaro thì chạy tựa "Tại Sri Lanka, một kẻ theo chủ nghĩa Mác đàm phán với Quỹ tiền tệ quốc tế". Nhật báo cánh hữu nhận định rằng, đằng sau chiến thắng của ông Anura là chiến thắng của liên minh Sức mạnh dân tộc quốc gia (National People’s Power), gồm 21 phong trào xã hội và công đoàn khác nhau, cũng là bên đứng đằng sau cuộc cách mạng năm 2022, huy động xã hội dân sự, lật đổ tổng thống Rajapaksa, bị cáo cuộc tham nhũng, theo chủ nghĩa gia đình trị, trao quyền cho những người thân cận, trong gia đình.
Theo Le Figaro, bầu cho đảng NPP chứng tỏ người dân Sri Lanka muốn thay đổi, nhưng có thay đổi được những gì, tùy thuộc vào các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Hiện tại ông Dissanayake không còn phản đối việc tư nhân hóa các công ty thua lỗ và phi chiến lược mà FMI mong muốn.
Nhật báo cánh hữu nhận định rằng ông Dissanayake đã biết tận dụng những bức xúc của người dân trước chính sách thuế bất bình đẳng của người tiền nhiệm (đánh thuế vào những người nghèo và tầng lớp trung lưu, nhưng lại không đánh thuế vào tài sản, hay vào các tài sản thừa kế). Ông đưa vào chương trình của mình những biện pháp như giảm thuế thu nhập, cũng như là giảm thuế giá trị gia tăng đối với các loại thực phẩm và thuốc, xoa dịu những khó khăn của các gia đình thu nhập thấp.
Le Monde vẽ lại chân dung của tân tổng thống, xuất thân từ một gia đình trung lưu ở nông thôn, từng nhiều lần thất bại trong các cuộc bầu cử trước đó, nhưng nay là hiện thân của hy vọng thay đổi trước một chế độ tham nhũng, một chế độ của giới tinh hoa và gia đình họ, nắm quyền cai trị hòn đảo từ năm 1948. Theo chủ nghĩa Mác, nhưng xích lại gần kinh tế thị trường, tân lãnh đạo 55 tuổi, hứa hẹn có thể thay đổi diện mạo nền kinh tế của Sri Lanka nhờ vào sản xuất, đồng thời bảo đảm có chính sách bảo hộ xã hội và các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục miễn phí cho người dân.
Chi Phương
Pháp : Thủ tướng Michel Barnier lao đao để lập một chính phủ cân bằng
Thủ tướng Pháp chuẩn bị công bố thành phần chính phủ sau hai tuần nhậm chức là chủ đề bao trùm các báo Pháp ra hôm nay, 20/09/2024.
Tân thủ tướng Pháp Michel Barnier tại một sự kiện của đảng cánh hữu LR, Annecy, 12/09/2024. AFP – Jeff Pachoud
Hai tuần sau khi được bổ nhiệm làm thủ tướng với dày kín các cuộc gặp gỡ tham khảo ý kiến, nội các Michel Barnier đã hình thành. Tân thủ tướng tối qua (19/09) đã đề xuất với tổng thống Emmanuel Macron danh sách thành phần nội các mới. Trang nhất Le Figaro đề cập đến: "Cuộc mặc cả cuối cùng để thành lập chính phủ". Tờ báo ghi nhận : "Barnier vượt lên những căng thẳng với phe Macron và hoàn tất chính phủ của mình".
Dường như phác thảo thành phần nội các của Barnier đã được tổng thống chấp nhận. Phủ thủ tướng hứa sẽ công bố thành phần chính phủ trước ngày Chủ nhật này, vì còn phải đợi một ủy ban cao cấp thẩm định tài sản cá nhân của các nhân vật được đề xuất cho ý kiến.
Hầu hết các báo đều chung một nhận xét là tân thủ tướng Michel Barnier đã rất khó khăn trong việc hình thành một chính phủ "cân bằng" và "tập hợp đoàn kết" như hứa hẹn ban đầu, và đặc biệt là trong việc phân chia các chức vụ lãnh đạo các bộ quan trọng.
Les Echos chạy tựa chính tranh nhất : "Chính phủ : Barnier khó nhọc để có thỏa thuận". Cuối cùng ông Barnier cũng đã đưa ra được danh sách 38 thành viên nội các gồm 16 bộ trưởng, trong đó 7 người thuộc đảng Phục Hưng của tổng thống, 3 bộ trưởng của đảng Những người Cộng Hòa, phần còn lại được phân bổ cho các đảng cánh trung, hay các đảng nhỏ thuộc cánh hữu cũng như cánh tả.
Nhật báo thiên tả Libération có bài : "Chính phủ Barnier và Macron để đồng ý 38 cái tên", ghi lại những tình tiết các cuộc tham vấn, thương lượng mặc cả dày kín trong suốt ngày hôm qua của tân thủ tướng và cuối cùng tờ báo nhận định : "Trong cái giao kèo mù mờ của liên minh chắp vá vào phút chót đã thấy có mầm mống chia rẽ trong tương lai".
Còn Le Figaro bình luận : "Thủ tướng biết rằng ông phải đối mặt với sự thù địch cố hữu của Mặt Trận Bình Dân Mới, sự thù địch đến muộn của đảng Tập hợp Dân tộc, giờ đây ông phải tính đến sự thù địch xảo trá của phe tổng thống. Michel Barnier chỉ còn một quân bài chủ : công khai, nhờ người dân Pháp làm chứng. Nói với họ rằng ông sẽ không có phép lạ nào đâu, rằng cuộc chơi sẽ khó khăn, nhưng ông sẽ tập trung vào công việc của mình".
Trong khi đó nhật báo Le Monde đề cập đến "Căng thẳng đầu tiên giữa Macron và Barnier", tựa lớn trên trang nhất của tờ báo. Le Monde cho thấy, thành lập chính phủ mới đã làm dấy lên những bất hòa giữa tổng thống Emmanuel Macron và Michel Barnier về thành phần chính phủ cũng như định hướng chính sách từ hai tuần qua. Ông Michel Barnier, thủ tướng già nhất của nước Pháp đã phá kỷ lục về thời gian để thành lập chính phủ.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều tờ báo không hy vọng chính phủ mới của Michel Barnier sẽ tồn tại được lâu. Trong một bài viết khác, Le Figaro cho thấy nhân vật cánh tả có trong danh sách ứng cử viên thủ tướng ban đầu, nhưng đã không được tổng thống chọn là ông Bernard Cazeneuve. Tờ báo trích dẫn các phân tích của giới quan sát và những dân biểu cánh tả nhận định, ông Cazeneuve sẽ trở thành thủ tướng trong những tháng tới. Tờ báo cũng cho biết, ông Cazeneuve vẫn tiếp tục chiến dịch vận động chuẩn bị cho khả năng có thể lại được chỉ định làm thủ tướng, nhưng con đường cũng không hề bằng phẳng với vị cựu thủ tướng dưới thời tổng thống thuộc đảng Xã Hội François Hollande.
Vụ nổ đồng loạt thiết bị liên lạc ở Lebanon, Israel đứng đằng sau ?
Chuyển qua với thời sự quốc tế. Sự kiện nóng là tại Lebanon với vụ hàng loạt các thiết bị thông tin của Hezbollah - sau máy nhắn tin đến bộ đàm - bị kích nổ đồng loạt trong những ngày qua, làm 37 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương mà đến giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân.
Về sự kiện này, trang nhất báo Le Figaro chạy tựa lớn "Israel đã hai lần bẫy Hezbollah như thế nào". Phóng sự của tờ báo cho thấy các công ty bình phong ở Hungary và Bulgaria có thể ra đã giúp Mossad, cơ quan tình báo giao những chiếc máy bị cài bẫy này cho Hezbollah. Đó là công ty BAC Consulting Kft, có trụ sở tại Hungary, thay mặt cho một công ty Đài Loan, Gold Apollo, cung cấp các máy nhắn tin bị kích nổ gây hỗn loạn trong lực lượng dân quân Shia của Hezbollah hôm thứ Ba. Loạt vụ kích nổ tương tự đã được thực hiện hôm thứ Tư với máy bộ đàm. Công ty Nhật Bản Icom, chuyên sản xuất máy bộ đàm, đảm bảo với các cơ quan báo chí rằng họ đã không sản xuất loại mẫu máy này từ chục năm nay và các mẫu đang lưu hành là "hàng giả". Cuộc truy tìm nguồn gốc các thiết bị này đến giờ vẫn không có kết quả.
Dù chưa có ai tuyên bố chính thức, mọi chi tiết đều cho thấy BAC Consulting Kft là công ty bình phong được các cơ quan của Israel sử dụng để gài bẫy Hezbollah. Tuy nhiên, các chuyên gia tình báo cảnh giác với những thông tin được chắt lọc chỗ này chỗ kia dưới vỏ bọc giấu tên.
Theo Le Figaro, chiến dịch này đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài và tỉ mỉ. Các lực lượng Israel đã có kinh nghiệm thực hiện các hoạt động quy mô lớn và được lên kế hoạch trong nhiều năm. Như trường hợp họ đã từng cài được virus Stuxnet vào hệ thống tin học để gây nhiễu loạn thiết bị làm giàu uranium của Iran cách đây vài năm. Israel cũng có khả năng huy động nguồn lực công nghệ khổng lồ để đạt được điều tưởng như không thể.
Hai công ty bình phong khác đã được thành lập, ngoài BAC, để xóa dấu vết và đề phòng bị truy ngược về Israel. Theo nhật báo Mỹ New York Times, lô hàng máy nhắn tin bắt đầu được chuyển đến Lebanon vào mùa hè năm 2022 với số lượng nhỏ. Chúng được cho là do Norta Global Ltd, một trong những công ty vỏ bọc, có trụ sở tại Sofia, Bulgaria gửi đến. Theo nhà báo điều tra Andras Dezso của Telex, công ty này cũng không khác gì với công ty Hungary.
Vẫn còn nhiều khoảng tối xung quanh các chi tiết của hoạt động dẫn đến vụ nổ hôm thứ Ba và thứ Tư. Việc bẫy vài nghìn máy nhắn tin thậm chí còn phức tạp hơn. Đối với các chuyên gia về các hoạt động đặc biệt, một trong những bí ẩn chính là khi nào cơ quan Israel đặt chất nổ vào thiết bị : từ khâu thiết kế, trong quá trình chuyển giao... Nhưng có thể chiến dịch này là ngòi nổ cho của cuộc chiến tranh mới của Israel với phong trào Hezbollah.
Khi các nền dân chủ đọ sức với mạng xã hội
Chuyển sang chủ đề khác với nhật báo La Croix. Tờ báo chạy tựa lớn trang nhất : "Mạng xã hội, các quốc gia tấn công" phản ánh thực tế nhiều quốc gia dân chủ, trong đó có Pháp đã tuyên chiến với các nền tảng trên mạng internet.
La Croix nhận thấy những ngày gần đây hàng loạt quốc gia dân chủ ra những hình phạt chưa từng có nhằm vào các mạng xã hội. Những quyết định như vậy được đưa ra với lý do là các nền tảng trên mạng đó đã giúp phổ biến những nội dung bất hợp pháp hay loan truyền tin giả. Điển hình là vụ chính quyền Pháp bắt giữ Pavel Durov, ông chủ của mạng nhắn tin Telegram, hôm 24/08. Từ hôm 03 /08, Brazil cấm mạng X. Chính quyền Úc muốn chặn truy cập Facebook, Instagram, TikTok hay Snapchat với trẻ em dưới 14 hay 16 tuổi.
Theo tờ báo, những quyết định mạnh mẽ này của tư pháp phản ánh cùng một mong muốn : chấm dứt tình trạng các nền tảng lớn và các ông chủ của chúng có thể ngồi trên pháp luật, không bị trừng phạt. Nhiều quốc gia đã coi cuộc chiến chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch và các hình thức can thiệp của nước ngoài – được tạo điều kiện thuận lợi do thiếu quy định đầy đủ về mạng xã hội – là một ưu tiên chính trị.
Nhưng La Croix cũng nhận thấy hạn chế các nền tảng lớn trên mạng internet quả thực là vấn đề đau đầu cho chính quyền các nước. Theo tờ báo, không chỉ có Iran, Trưng Quốc, Ấn Độ hay Nga… mà từ năm 2015, trên thế giới đã có 80 nước, bằng cách này hay cách khác áp dụng các hạn chế truy cập mạng xã hội hay mạng nhắn tin, theo số liệu của công ty chuyên về bảo vệ dữ liệu trên Internet SurfShark.
Lấy ví dụ như chính quyền Brazil từ 03/08 đã cấm hẳn mạng X, có khoảng 950 triệu người sử dụng trên thế giới, nhưng thực tế người sử dụng vẫn có thể truy cập trở lại.
Cuộc đọ sức giữa các quốc gia với các mạng xã hội mới chỉ bắt nhưng đã đầy nan giải vì các nước được tiếng là dân chủ phải cân nhắc xem các quyết định có xâm phạm với những quyền tự do ngôn luận, thông tin hay không.
Bắc Kinh cố thuyết phục Bruxelles bỏ thuế đánh vào xe hơi điện
Về chủ đề kinh tế, trang kinh tế báo Le Figaro có bài "Xe điện : Bắc Kinh cố gắng vô ích để yêu cầu Bruxelles miễn thuế". Cuộc họp giữa Ủy viên Thương mại Châu Âu, Valdis Dombrovskis và người đồng cấp Trung Quốc, Vương Văn Đào, hôm thứ Năm, để thảo luận về thuế hải quan do EU áp đặt đối với xe điện của Trung Quốc, đã kéo dài đến hết buổi chiều. Khi đến họp, cả hai bên đều nói rằng họ quyết tâm "tiếp tục và tăng cường nỗ lực để tìm ra giải pháp được cả hai chấp nhận".
Một chiến thắng sớm dành cho EU và một thất bại đối với Bắc Kinh, quốc gia mà cuộc họp này đánh dấu đỉnh cao trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận nhằm tránh bị áp đặt thêm thuế hải quan. Trong gần một năm, Ủy ban đã cố gắng thể hiện sức mạnh của mình để chống lại Trung Quốc, trong một chính sách thương mại mới nhằm mục đích trở nên "có chủ quyền" hơn. Có điều là Châu Âu luôn rất khó khăn trong việc thành lập mặt trận chung đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.
Trong vòng công du tuần qua, từ Roma đến Berlin, lãnh đạo thương mại Trung Quốc đã nỗ lực thuyết phục và chia rẽ các nước này với các thành viên Liên Âu khác trong hồ sơ áp thuế bổ sung với xe xe hơi điện nhập từ Trung Quốc.
Anh Vũ
Tân thủ tướng Pháp Barnier, người "bị kẹt giữa hai gọng kìm"
Tổng thống Macron quyết định bổ nhiệm thủ tướng sau gần hai tháng kể từ cuộc bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn. Quyết định được chờ đợi từ lâu, nhưng cùng lúc gây nhiều bất ngờ của ông Macron là hồ sơ chính của tất cả các nhật báo Pháp hôm nay, 07/09/2024.
Chính trị gia Michel Barnier (giữa) trong một cuộc tranh luận sơ bộ chọn ứng viên tổng thống Pháp của đảng cánh hữu LR tháng 11/2021. © Thomas Samson / AFP
Nhật báo thiên hữu Le Figaro tỏ ra hoan hỉ với dòng tít trang nhất "Michel Barnier, lựa chọn vì sự hòa dịu". Nhật báo thiên tả Libération ngược lại thể hiện rõ sự bất bình : hình ảnh tân thủ tướng được đóng dấu đỏ kèm theo hàng chữ "người được (lãnh đạo đảng cực hữu RN) Marine Le Pen phê chuẩn". Le Monde nói đến tân thủ tướng Barnier "bị đặt dưới sự giám sát của đảng RN".
"Phương án B" của Macron
"Cánh hữu hài lòng, cánh tả nổi giận, đảng cực hữu theo dõi sát, phe của tổng thống thận trọng" là ghi nhận của Le Figaro. Michel Barnier là ai mà gây nhiều phản ứng rất khác nhau như vậy ? Theo nhật báo thiên hữu, cựu ủy viên Châu Âu, chính trị gia cánh hữu kỳ cựu 73 tuổi này là "phương án B" của tổng thống. Ông Barnier đã được lựa chọn, sau khi tất cả các phương án chính thất bại.
"Phương án B" Michel Barnier đã được chánh văn phòng phủ tổng thống Alexis Kohler đưa ra từ đầu mùa hè, nhưng chỉ được công chúng đông đảo biết đến hôm thứ Tư 05/09 vừa qua, sau khi phương án A, với hai ứng viên hàng đầu, Xavier Bertrand (cánh hữu) và Bernard Cazeneuve (cánh tả), bị chôn vùi do lo ngại tân chính phủ sẽ nhanh chóng bị Hạ Viện bất tín nhiệm.
Từ lãnh đạo địa phương đến Bruxelles : một "hành trình thăng tiến êm ả"
Bài "Từ tỉnh Savoie đến phủ thủ tướng, hành trình thăng tiến êm ả của một chính trị gia cánh hữu kỳ cựu" của Le Figaro điểm lại sự nghiệp chính trị của tân thủ tướng cao tuổi nhất của nền đệ ngũ cộng hòa. Ông Barnier, tốt nghiệp Trường Thương mại bậc cao Paris, từng bốn lần làm bộ trưởng, giữa 1993 và 2009 (các bộ Môi trường, bộ Châu Âu và Ngoại giao, Nông nghiệp và Nghề cá). Tân thủ tướng tương lai từng lãnh đạo tỉnh Savoie, dân biểu, thượng nghị sĩ, và đã từng ra tranh cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống trong đảng cánh hữu LR hồi 2022 (và từng nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ nhất trong cuộc tranh cử này).
Michel Barnier cũng chính là người được giao phó đảm nhiệm hồ sơ gai góc "tưởng như bất khả" : Đàm phán xác lập quan hệ giữa Liên Âu và Anh Quốc, sau khi Luân Đôn rời khỏi Liên Âu (Brexit). Người "nắm vững các hồ sơ", "nhà chiến lược", người chủ trương xây dựng một thứ "văn hóa chính trị dựa vào nỗ lực tập thể, lòng kiên nhẫn, đòi hỏi đối thoại với tất cả", ứng xử lịch lãm… là một số phẩm chất tiêu biểu của người đã được Emmanuel Macron chọn làm thủ tướng.
Những phẩm chất quý cho người "bị kẹt giữa hai gọng kìm"
Báo Le Monde nhấn mạnh đến các phẩm chất của "người giỏi thương thuyết", "một (tổng thống) Joe Biden theo phong cách Pháp", người "có khả năng quy tụ". Đây là những phẩm chất "rất quý giá" trong bối cảnh tân thủ tướng sẽ bị kẹp giữa hai gọng kìm, một bên là tổng thống Macron tuy đã suy yếu, nhưng không muốn mất quyền kiểm soát, và bên kia là một Hạ Viện "chia rẽ cao độ và đầy khát vọng phục thù", nơi mà đảng cánh hữu LR của ông chỉ có 47 dân biểu (trên tổng số 577).
Hồ sơ của Le Monde "Michel Barnier, con người của sự đồng thuận, trở thành thủ tướng" khép lại với câu nói của người mẹ tân thủ tướng Pháp tương lai : "Đừng bao giờ có thái độ bè phái, bởi đây là một nhược điểm". Nhật báo Pháp kết luận : "Lời khuyên minh triết này thực sự có ích cho những ngày sắp tới".
Nhiệm vụ duy nhất : "Không làm phật lòng tổng thống và lãnh đạo cực hữu"
Bài xã luận của nhật báo thiên tả Libération, với tựa đề "Lập trường trái ngược", có một cái nhìn đầy mỉa mai và bất bình về "phương án B" của tổng thống Macron. Ông Michel Barnier, thành viên đảng cánh hữu LR, chỉ nhận được hơn 5% phiếu bầu trong cuộc bầu cử lập pháp vừa qua giờ đây đã được ca ngợi như "một nhà thương thuyết giỏi", "một vị dân biểu địa phương đáng kính", "một nhà ngoại giao lớn".
Quá nhiều mỹ từ được dành cho người giờ đây có nhiệm vụ chủ yếu chỉ là làm sao để "không làm phật lòng lãnh đạo cực hữu Marie Le Pen và tổng thống Macron", hòa giải được lập trường của bộ Tài chính Pháp với lập trường của Bruxelles, nhưng sẽ theo hướng ngược hẳn với điều mà ông Barnier đã làm khi còn là ủy viên Châu Âu.
Libération nhấn mạnh đến thái độ "quỵ lụy" của tân thủ tướng trước đảng cực hữu RN, khi hứa hẹn "sẽ lắng nghe và tôn trọng tất cả các lực lượng chính trị" có đại diện tại Hạ Viện. Nhật báo Pháp dự báo tân thủ tướng Barnier "sẽ còn tại vị chừng nào mà điều này còn làm hài lòng" đảng cựu hữu.
Kẻ "phản bội"
Việc tổng thống bổ nhiệm làm thủ tướng chính trị gia cánh hữu 73 tuổi, mà một dân biểu cực hữu gọi là "một hóa thạch của nền chính trị Pháp", rõ ràng là một "đòn trả đũa thành công" của phe cực hữu đối với Mặt Trận Cộng Hòa (Front républicain), vốn được lập ra trước vòng hai bầu cử Quốc hội, để ngăn chặn cực hữu lên nắm quyền.
"Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc từ kẻ bị xa lánh đến thế lực quyết định ai làm thủ tướng" là một bài phân tích khác của Libération. Cũng nhật báo thiên tả có bài lên án "hành động phản bội" của bà Johanna Rolland, thị trưởng Nantes, một thành viên ban lãnh đạo đảng Xã Hội, một trong bốn đảng thuộc Mặt Trận Bình Dân Mới, liên minh về đầu trong cuộc bầu cử với 193 ghế dân biểu.
Theo vị dân biểu này, cần phải giúp cử tri hiểu được rằng tổng thống Macron đã suy yếu đến mức phải giao phó số phận đất nước cho đảng cực hữu RN. Đồng thời cần thuyết phục được người dân Pháp là "một con đường khác cho nước Pháp là có thể".
"Phao cứu mạng" cho "phe hấp hối"
Về quyết định bổ nhiệm tân thủ tướng của tổng thống Macron, nhật báo cánh tả L’Humanité chạy tựa trang nhất " Sự lăng nhục", với nhận định : "Chống lại lá phiếu của cử tri, ông Macron đã phó thác cho Michel Barnier nhiệm vụ lập chính phủ…, với sự ủng hộ của lãnh đạo cực hữu". Xã luận L’Humanité với tựa đề "Buổi hoàng hôn của chính sách ‘trung dung’ (của Macron)" coi quyết định của tổng thống là đỉnh điểm của một chuỗi chính sách mang lại thảm họa, nơi thái độ khinh thị lá phiếu của cử tri nối tiếp hành xử phớt lờ dân chủ".
Phe cầm quyền của tổng thống Macron "đang hấp hối" đã chọn cách "dựa vào" đảng cực hữu RN để tiếp tục tồn tại, và bám lấy "cánh hữu bảo thủ" "như một chiếc phao cứu mạng". Đối với nền dân chủ, sự lăng nhục này là "vô cùng ghê gớm". L’Humanité kêu gọi các lực lượng cấp tiến đoàn kết, xây dựng các dự án để chuẩn bị cho một tương lai khác.
Những thách thức với tân chính phủ: Luật ngân sách, cải cách hưu trí…
Thách thức trước mắt với tân chính phủ của thủ tướng Michel Barnier là quan tâm hàng đầu của nhiều báo. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất "Những thay đổi và những đoạn tuyệt" cũng ghi nhận việc "tổng thống Macron đã đặt cược vào việc ngả sang hữu để thoát khỏi khủng hoảng". Chính phủ Barnier giờ đây chỉ có chưa đầy một tháng để hoàn tất dự luật về ngân sách cho năm tài chính tới để trình ra Quốc hội trước thời hạn 01/10 theo quy định.
Tăng thuế hay không ? Giảm chi ở những khoản nào ?... là những điều mà chính phủ Barnier sẽ phải đưa ra các đề xuất. Tân chính phủ cũng phải "tìm ra được ngay lập tức 15 tỉ euro tiết kiệm để lập vào các khoản thâm hụt hiện tại"… Cuộc cải cách hưu trí, chủ trương hàng đầu của tổng thống Macron được thông qua hồi năm ngoái, nhưng bị phản đối mạnh mẽ tại Pháp, cũng là một nội dung mà tân nội các khó lòng thoái thác. Cả liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới, cả đảng cựu hữu Mặt Trận Dân Tộc đều muốn xét lại nhanh chóng nhất đạo luật cải cách nâng tuổi về hưu lên 64 này. Đầu tư cho việc chuyển sang nền kinh tế xanh bị cắt giảm mạnh dưới thời thủ tướng tiền nhiệm Gabriel Attal cũng là một nội dung căn bản khác.
Không dựa vào Hạ Viện, Macron đồng trách nhiệm nếu Barnier bị đổ
Bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix, với tựa đề "Phần của rủi ro", ghi nhận là việc tổng thống Macron lựa chọn ông Barnier làm thủ tướng, là một "nỗ lực giảm đến mức tối đa những hệ quả đầy rủi ro của quyết định giải tán Quốc hội". Tân thủ tướng Barnier rõ ràng có nhiều phẩm chất để tìm ra được đúng "lối đi hẹp" để thoát khỏi tình hình bế tắc hiện nay, nhưng không thể phủ nhận những rủi ro.
Về việc này, ông Macron đã tiếp tục cách hành xử như trước, đứng từ cương vị của tổng thống để tìm cách xác lập một đa số cho chính phủ mới. Tổng thống và ê kíp của ông đã cân nhắc hàng chục tên tuổi, trước khi quyết định chọn cựu ủng viên Châu Âu Barnier, thay vì phó thác việc lựa chọn thủ tướng cho Quốc hội, trong trường hợp đảng của tổng thống không có được đa số "như điều diễn ra tại các nền dân chủ đại nghị khác".
Theo La Croix, tổng thống Macron bị nhiều người trách cứ về thái độ độc quyền, nhưng ông đã có phần có lý khi hành động như vậy, bởi chính Macron là người quyết định giải tán Quốc hội trước kỳ hạn. Nhật báo công giáo kết luận, giờ đây nếu Barnier thất bại, Macron cũng phải chịu phần trách nhiệm.
Thiếu văn hóa thỏa hiệp về chính trị : Lỗi của đảng Xã Hội, lỗi của tổng thống
Le Monde có bài xã luận đáng chú ý mang lại một cách nhìn nhận đa chiều về việc bổ nhiệm tân thủ tướng bị coi là do cực hữu bật đèn xanh, được cánh hữu hoan nghênh, cánh tả lên án của tổng thống Macron. Theo nhật báo Pháp, cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới, trước hết là đảng Xã Hội, rõ ràng có phần trách nhiệm trong việc không nắm lấy bàn tay chìa ra của tổng thống, khi ông Macron đề xuất cựu thủ tướng cánh tả Cazeneuve. Nhưng chính tổng thống cũng đã thu hẹp khả năng đạt được một thỏa hiệp với cánh tả, khi "trì hoãn đến cùng việc thừa nhận thất bại" của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử Hạ Viện. Văn hóa tìm kiếm liên minh thông qua thỏa hiệp với các đảng phái bị coi là đối lập rõ ràng vẫn là một thiếu hụt lớn đối với đời sống chính trị Pháp.
Theo Le Monde sự lựa chọn vừa qua của tổng thống Macron "không khép lại cuộc khủng hoảng chính trị" mở ra sau việc giải tán Quốc hội. Le Monde tạm thời đặt hy vọng vào khả năng đàm phán, thương thuyết của tân thủ tướng Barnier trước cửa ải ngân sách 2025. Tuy nhiên, nhật báo Pháp cũng nhấn mạnh các đàm phán, tìm kiếm thỏa hiệp này cần được thực thi với "sự tuân thủ nghiêm túc" các nguyên tắc của chế độ dân chủ, của nền cộng hòa Pháp.
Trọng Thành
Pháp vẫn ngóng chờ thủ tướng mới
Khủng hoảng chính trị Pháp vẫn chưa có lối thoát, diễn biến thi đấu Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paralympic Paris, hay cuộc chiến tranh tại Ukraine tiếp tục là những mối quan tâm chính của các báo ra hôm nay 30/08/2024.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 80 năm giải phóng làng Bormes-les-Mimosas, Pháp, ngày 17/08/2024. Reuters - Manon Cruz
Đã gần 8 tuần sau cuộc bầu cử Quốc hội mới, nước Pháp vẫn đang ngóng đợi một chính phủ mới. Từ cuối tuần trước đến đầu tuần này, trong cuộc tìm kiếm một tân thủ tướng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục có các cuộc tham vẫn lãnh đạo các đảng phái chính trị, các chính khách có tên tuổi và một số lãnh đạo vùng. Nhưng kết quả, các đảng phái đều bày tỏ thất vọng. Ông Macron vẫn theo lịch trình, công du Serbia hai ngày, không cho thấy một dấu hiệu ông sẽ chọn ai. Các đảng phái của cả cánh tả lẫn cánh hữu bày tỏ bất bình, dư luận thì sốt ruột chờ đợi, đồn đoán.
Tình hình chính trị Pháp tiếp tục bế tắc kéo dài. Nhật báo La Croix chạy tựa trang nhất : "Ra khỏi ngõ cụt !". Báo le Monde nhận định tổng thống "Emmanuel Macron trong ngõ cụt" không thể chỉ định một thủ tướng mới. Les Echos thì ghi nhận : "Macron trước áp lực chỉ định một thủ tướng".
Nhật báo công giáo nhận thấy, nước Pháp đang mong đợi một thủ tướng mới. La Croix có bài "Những hướng để giảm bớt bất ổn chính trị" ghi nhận ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia chính trị. Hầu hết cho rằng để tránh tình trạng bế tắc hiện tại, cần phải thay đổi cách thực hành dân chủ, chính trị ở Pháp. Trong thể chế của nước Pháp, có những cơ sở chính trị và pháp lý để làm được. Theo các chuyên gia, tình trạng thực tế hiện tại của Pháp là :
"Mọi người đều ở trong tình trạng phủ nhận thực tế dân chủ và nghị viện. Không có nhóm hay liên minh nào chiếm đa số và không nhóm nào có thể thể thực hiện được chương trình của mình, và ai cũng cho là mình chiếm đa số".
Làm thế nào để thoát khỏi sự bế tắc này ? Theo giáo sư trường luật Sorbonne Paris 1, Dominique Rousseau, giải pháp đầu tiên phải được tìm thấy trong thực hành dân chủ các đảng phái phải quyết định nói chuyện với nhau và thống nhất với nhau về chương trình lãnh đạo, và mỗi bên sẽ phải có những nhượng bộ và thỏa hiệp.
Theo phần đông giới chuyên gia được La Croix trích dẫn, "quả bóng đang ở phần sân của các đảng". Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là trên lý thuyết, thực tế các bên vẫn đặt lợi ích tham vọng cá nhân lên trên hết.
Hệ quả thấy ngay của tình trạng không chính phủ
Theo ghi nhận của Le Monde, hàng loạt các hồ sơ ngân sách, định hướng chính sách liên quan đến cải cách đang thực thi đều bị dừng lại vì không thể có chỉ đạo thực hiện từ các bộ trưởng. Trong đời sống hàng ngày của người dân, nhiều quyết định để giải quyết những khó khăn về nhà ở hay bệnh viện cũng bị ngừng trệ. Các bộ của chính phủ mãn nhiệm từ gần hai tháng nay chỉ xử lý thường vụ, không thể có quyết định nào.
Trong khi đó, nhật báo thiên tả Libération chạy tựa có vẻ bất bình "Màn chính trị Pháp chia để trị, Macron chuồn đi Serbia". Tờ báo cho thấy sau một loạt các cuộc tham vấn các đảng phái, rồi lãnh đạo địa phương không đi được đến đâu, tổng thống Pháp công du Serbia hai ngày, bỏ mặc nước Pháp không có chính phủ, các đảng phái thì thêm chia rẽ. Trong chờ đợi vô vọng, dư luận báo chí liên tiếp đưa ra những cái tên của ông này bà khác, lúc thì tả khi thì hữu mà Libération gọi là "những con chim mồi" và chỉ càng gây thêm chia rẽ các đảng. Đó là trường hợp của ông Bernard Cazeneuve, cựu thủ tướng thời tổng thống của đảng Xã Hội, François Hollande, được Le Figaro đề cập đến. Theo tờ báo, ông Cazeneuve những ngày qua được nhắc đến như là nhân vật sẽ được chọn để trở lại phủ thủ tướng Matignon, bản thân ông cũng đang kín đáo vận động, nhưng ngay lập tức nhiều nhân vật lãnh đạo trong đảng Xã hội cảnh báo sẽ không ủng hộ.
Nouvelle-Calédonie kiệt quệ sau bạo động
Vẫn liên quan đến tình hình nước Pháp, nhật báo Le Figaro dành hồ sơ chính cho phần lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie với hàng tựa trạng nhất : "Nouvelle Calédonie kêu cứu Nhà nước".
Theo tờ báo, sau cuộc bạo động hồi mùa xuân vừa qua, tình hình an ninh ở phần lãnh thổ hải ngoại của Pháp đã được vãn hồi và cải thiện dần, nhưng Nouvelle Calédonie đang lâm vào khủng hoảng kinh tế xã hội quy mô chưa từng có. Hiện tại, 1/3 nhân viên khu vực tư nhân hiện đang thất nghiệp, thiệt hại do vụ bạo loạn gây ra ước tính lên tới hai tỷ euro. Một số tiền lớn cho một vùng lãnh thổ sống chủ yếu nhờ vào khai thác niken, lĩnh vực cũng đang gặp khủng hoảng do cạnh tranh khốc liệt trên thế giới. Để tránh bị chết chìm với con tàu đắm, khoảng 6.000 đến 10.000 người dân đang cân nhắc rời khỏi đảo. Đồng thời, người dân Calédonie đang chờ đợi một cử chỉ mạnh mẽ từ Nhà nước, nếu không "quần đảo sẽ không thoát ra được". Tổng thống Emmanuel Macron hứa sẽ mở lại cuộc tranh luận với phe ly khai vào tháng 9. Đây là một hồ sơ nóng khác của tổng thống Pháp.
Xã luận Le Figaro viết : "Nouvelle Calédonie đã sống quá khả năng của mình trong nhiều thập kỷ nhờ viện trợ từ chính quốc, đang trở nên nghèo khó với tốc độ cao. Tình hình thê thảm hiện nay cho thấy, nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước, vùng lãnh thổ này không thể duy trì tình trạngnày được lâu. Trừ khi Nouvelle Calédonie chuyển sang dưới sự kiểm soát của các cường quốc nước ngoài đang liên tục ve vãn phe ly khai. Trung Quốc đang chỉ chờ có vậy…".
Mỹ-Trung ổn định quan hệ trước bầu cử tổng thống
Nhìn sang Châu Á, Le Figaro chú ý tới chuyến công du Bắc Kinh của cố vấn An ninh của tổng thống Mỹ Joe Biden với bài : "Trước khi chuyển giao chính quyền, Biden tìm cách phòng xa leo thang căng thẳng với Bắc Kinh".
Trong chuyến đi với mục tiêu tìm cách ổn định quan hệ Trung-Mỹ lần này, ông Jake Sullivan đã gặp lãnh đạo số một Trung Quốc Tập Cận Bình. Le Figaro ghi nhận "Jake Sullivan sẽ không đến Bắc Kinh một cách vô ích". Cố vấn an ninh quốc gia của Joe Biden đã được đích thân ông Tập Cận Bình tiếp ngày 29/08. Đây là điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới thủ đô Trung Quốc.
Đặc phái viên Nhà Trắng cho biết, tổng thống Mỹ đang "mong" được nói chuyện "trong những tuần tới" với nguyên thủ Trung Quốc, khi Washington và Bắc Kinh cố gắng ổn định mối quan hệ song phương trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có nhiều rủi ro. Một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo có thể diễn ra từ nay đến trước ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, sẽ xác định Kamala Harris hay Donald Trump làm chủ nhân Nhà Trắng. Ông Tập kêu gọi Mỹ nhượng bộ để "gặp lại Trung Quốc ở giữa đường", xây dựng mối quan hệ "lành mạnh". Nhật báo Pháp nhận định, ngoài những tuyên bố mang tính ngoại giao này, sự có mặt của Jake Sullivan ở Trung Quốc chứng tỏ hai gã khổng lồ thế giới đều mong muốn hoãn binh trước cuộc bầu cử có thể làm thay đổi bàn cờ địa chính trị và tăng thêm căng thẳng xuyên Thái Bình Dương.
Theo Le Figaro, hai cường quốc đang ở trong "tình trạng đối đầu với những quan điểm hoàn toàn trái ngược về các vấn đề lớn toàn cầu, từ Trung Đông đến Ukraine, nên rất ít hy vọng về một bước đột phá".
Nga : "Nền kinh tế tử thần"
Liên quan đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Báo Le Monde có bài viết mang tựa đề đáng chú ý : "Tại Nga : "Nền kinh tế tử thần" hoạt động hết công suất".
Le Monde cho biết, một mô hình kinh tế kỳ lạ đang được triển khai tại Nga từ khi nổ ra cuộc xâm lược Ukraine tháng 02/2022. Đó là nền kinh tế tử thần theo như cách gọi của tờ báo.
Theo Le Monde, hai năm rưỡi sau khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách thu hút những người tình nguyện ra chiến đấu ngoài mặt trận. Chính quyền Nga, cả liên bang lẫn khu vực lao vào một cuộc chạy đua tuyển quân. Họ liên tiếp đưa ra những hứa hẹn thu nhập đáng kinh ngạc, phúc lợi xã hội hấp dẫn, tiền thưởng đáng kể, với sự hỗ trợ của các chiến dịch tuyên truyền được phổ biến trên đường phố, trong các trường đại học, trên mạng xã hội hoặc trên truyền hình.
Bài phóng sự của tờ báo cho thấy, giờ đây, một người Nga chết mang lại nguồn lợi cho gia đình nhiều hơn một người đang sống. Vẫn theo Le Monde, tại Nga giờ đây, ký một hợp đồng với quân đội bảo đảm thu nhập cao gấp 10 lần so với lương tối thiểu và một người bị chết ở chiến trường được hưởng tiền tử tuất có thể lến tới 11 triệu rúp, tương dương khoảng hơn 110 nghìn đô la Mỹ, một khoản tiền rất lớn. Ngoài ra, chính phủ phải chi một ngân sách khổng lồ cho ngành công nghiệp quốc phòng. Nền kinh tế chiến tranh đã cho phép Nga tăng thêm 4% GDP trong một năm, theo thẩm định chính thức của cơ quan thống kê Nga, Rosstat, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 2,6%, mức thấp nhất trong lịch sử.
Cũng về chủ đề kinh tế Nga, trang Ý kiến của nhật báo Les Echos có bài phân tích : "Kinh tế Nga đang phải chống chọivới một cuộc chiến lâu dài và bất trắc". Ngân sách năm 2025 của đất nước sẽ được trình bày trong vài tuần tới. Thậm chí còn hơn những năm trước, ngân sách này sẽ mang dấu ấn của một quốc gia có người lãnh đạo tập trung vào một mục tiêu duy nhất : cuộc chiến ở Ukraine.
Anh Vũ
Pháp : Những ẩn số về thủ tướng mới
Pháp chờ có thủ tướng mới, tình hình ở Trung Đông là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 23/08/2024.
Phái đoàn liên minh cánh tả NFP đến điện Elysée để hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh chụp tại Paris, Pháp, ngày 23/08/2024. AP - Thibault Camus
Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro chạy tựa "Đi tìm loài chim quý hiếm" nhận định tổng thống Macron đang tìm kiếm một thủ tướng dày dặn kinh nghiệm và biết cách đoàn kết mọi người. Đồng thời, chủ nhân điện Elysée cũng mong muốn một thủ tướng không có tham vọng ra tranh cử tổng thống vào năm 2027. Emmanuel Macron tiếp tục hành trình tuyệt vọng tìm kiếm loài chim quý hiếm, trong bối cảnh ông không thể dựa vào các cuộc thăm dò để tìm ra một thủ tướng lý tưởng, bởi theo những thăm dò mới nhất, trớ trêu thay, thủ tướng từ nhiệm Gabriel Attal vẫn là nhân vật mà người dân Pháp muốn giữ lại ở điện Matignon.
Liệu buổi họp bàn của tổng thống với các lãnh đạo của phe đối lập có làm thay đổi tình hình hay không ? Đó là một ẩn số, bởi mỗi đảng đều có những quan điểm khác nhau. Lập trường của các đảng đã được xác định từ ngày 07/07 khi đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) để mắt tới cuộc bầu cử tổng thống 2027, còn đảng cánh tả Xã Hội (PS) và đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) dường như miễn cưỡng chấp nhận viễn cảnh "chung sống" chính trị (cohabitation).
Nhật báo thiên hữu cho rằng tổng thống Macron sẽ không tìm ra giải pháp từ các đảng phái mà từ các cá nhân. Trong cuộc tìm kiếm "con cừu năm chân", Emmanuel Macron phải tìm ra một nhân vật có kinh nghiệm trong nghệ thuật đàm phán, đồng thời đủ vững vàng để đối mặt với một Quốc hội sôi sục, trong đó có 11 nhóm chính trị, điều chưa từng có trước đây. Có kinh nghiệm chính trị là một lợi thế trong bối cảnh này, nhưng những cái tên được đề cập nhiều như Bernard Cazeneuve hay Xavier Bertrand dường như khó giúp cho chính trường Pháp thoát khỏi bế tắc.
Vẫn còn giả thuyết về cái gọi là nhân vật "xã hội dân sự", một công chức cao cấp hay một chủ doanh nghiệp, lên lãnh đạo chính phủ. Tuy nhiên, Le Figaro nhận định ngay cả trong trường hợp một Mario Draghi phiên bản Pháp xuất hiện, điều đó không chắc sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân Pháp, đã bỏ phiếu ồ ạt trong cuộc bầu cử lập pháp vừa qua để gửi thông điệp chính trị tới Emmanuel Macron. Họ xứng đáng có một chính phủ có thể hành động, chứ không phải một nhóm "siêu lãnh đạo" chỉ biết làm nền.
Chỉ định thủ tướng : Vở kịch của tổng thống Macron
Trang nhất của tờ Libération cũng quan tâm đến cùng chủ đề. Bài xã luận của nhật báo thiên tả chạy tựa "Macron và Matignon, vở kịch kéo dài quá lâu" mỉa mai rằng tất cả các diễn viên đều đã thuộc lời độc thoại như lòng bàn tay, sau khi đã có cả một mùa hè để tập dượt. Khán giả ngồi trong khán phòng, bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, đã biết tỏng nội dung vở kịch, nhưng dường như vẫn hy vọng sẽ khám phá được những điều mới mẻ.
Chính trị là một chủ đề nghiêm túc, thế nhưng từ 47 ngày qua, chính trường Pháp đã hoàn toàn bị tê liệt. Tổng thống Macron đã chọn giải pháp coi chính trường như một năm học, qua việc thong thả tận hưởng một mùa hè Thế Vận Hội và phớt lờ những lời kêu gọi bổ nhiệm thủ tướng mới của liên minh cánh tả NFP.
Libération nhận định quãng thời gian chờ đợi vừa qua nằm trong khuôn khổ "chiến dịch gạn lọc" của điện Elysée. Mong muốn lớn nhất của Emmanuel Macron là phá vỡ sự gắn kết của liên minh cánh tả, điều mà chủ nhân điện Elysée đã không lường trước. Ông muốn áp dụng trở lại những gì đã tạo nên ADN của mình cách đây 7 năm, với một chính phủ bao gồm cả cánh hữu lẫn cánh tả, hay lý tưởng nhất là cánh hữu và cánh trung.
Những cuộc tham vấn tại Elysée hoàn toàn mang tính hình thức và chỉ có mục đích khiến khán giả mòn mỏi chờ đợi trước khi bức màn vén lên và để lộ ra vị khách bất ngờ, người sẽ tiến vào điện Matignon, nhân vật mà chỉ một mình Emmanuel Macron biết danh tính. Tờ báo kết luận rằng sau ngần ấy năm cầm quyền, và ngay cả khi ánh hào quang của mình đang dần lụi tàn, nam diễn viên chính vẫn cố chứng tỏ rằng vở kịch không thể được diễn nếu không có sự góp mặt của mình.
Israel gây áp lực với Tòa án Hình sự Quốc tế
Về thời sự ở Trung Đông, trang nhất của nhật báo Le Monde đề cập đến việc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phải chịu áp lực từ phía Israel về những gì đang hoành hành ở dải Gaza. Để tránh việc tòa án nói trên ban hành lệnh bắt giữ thủ tướng Benjamin Netanyahu và bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant, Nhà nước Do Thái cùng với một số nước phương Tây, đang gia tăng các hành động cản trở tòa án thực thi quyền hành.
Các biện pháp trả đũa ngoại giao nhắm vào Na Uy, được Israel công bố ngày 08/08, là ví dụ điển hình về việc Israel gây áp lực với ICC. Ngoại trưởng Israel Israël Katz đã chỉ trích Oslo trong việc công nhận Palestine vào cuối tháng 5 và tham gia "phiên tòa vô căn cứ chống lại Israel tại ICC". Trước đó hôm 20/05, công tố viên ICC Karim Khan đã đề nghị tòa ban hành lệnh bắt giữ Benjamin Netanyahu và Yoav Gallant.
Ba tuần sau đó, Vương quốc Anh dự phiên tòa với tư cách là amicus curiae (người bạn của tòa án), có nhiệm vụ cung cấp ý kiến chuyên môn cho các thẩm phán. Tại phiên tòa, Luân Đôn khẳng định Hiệp định Oslo, được Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ký vào năm 1993 tại Nhà Trắng, không cho phép Palestine yêu cầu tòa án điều tra tội ác của Israel như Palestine đã từng làm hồi năm 2018. Yêu cầu này của Palestine đã buộc ICC mở cuộc điều tra vào tháng 03/2021, nhưng cho đến nay, tòa vẫn chưa ban hành lệnh bắt giữ với hai quan chức nêu trên.
Cách đây 3 năm, các thẩm phán ICC đã cho phép Anh Quốc nộp bản tóm tắt dài 10 trang để tòa nghiên cứu. Le Monde nhận định sau khi chấp nhận yêu cầu của Luân Đôn, các thẩm phán ICC đã vô hình trung cho phép nhiều đối tượng khác can thiệp, tạo thuận lợi cho "chiến dịch câu giờ" của Israel. ICC đã nhận được hơn 60 ý kiến từ các giáo sư luật quốc tế, luật sư, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tư vấn, một thượng nghị sĩ Mỹ, các cựu tướng lĩnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), các chuyên gia từ Liên Hiệp Quốc cùng với ý kiến của khoảng 20 quốc gia. Trong số đó có ý kiến của Na Uy, nước tuyên bố đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán với Hiệp định Oslo, nhưng nay phải đối mặt với sự trả đũa ngoại giao từ Nhà nước Do Thái.
Những bất đồng giữa Israel và Hamas về hai "hành lang" ở Gaza
Vẫn về Trung Đông, tờ Les Echos có bài viết nhận định những bất đồng giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas trong việc kiểm soát hai "hành lang" ở dải Gaza có nguy cơ khiến đàm phán ngưng bắn thất bại và khiến chiến tranh lan ra toàn bộ khu vực.
Bất chấp mọi nỗ lực của Hoa Kỳ, Washington vẫn chưa tìm ra giải pháp thần kỳ nào để giải quyết vấn đề này. Điều đáng lo ngại là trong trường hợp các cuộc đàm phán giữa hai bên đổ bể, Iran và tổ chức Hezbollah tại Lebanon có thể sẽ nhảy vào cuộc, gây ra một cuộc chiến tranh khu vực chống lại Nhà nước Do Thái.
"Hành lang" đầu tiên được quân đội Israel ngẫu nhiên đặt biệt danh là Philadelphia, một dải lãnh thổ dài 14 km và rộng khoảng 100 mét, chạy dọc theo toàn bộ biên giới phía nam Gaza với Ai Cập. Quân đội Israel kiểm soát hoàn toàn "hành lang" này, đặc biệt là cửa khẩu Rafah, vào cuối tháng 5. Kể từ đó, Israel bắt tay vào cuộc săn lùng ngầm. 20 đường hầm đi qua biên giới Ai Cập cùng với 82 lối vào đã bị phát hiện và phá hủy.
Mục tiêu của Nhà nước Do Thái là ngăn chặn Hamas buôn lậu vũ khí và cản trở lực lượng vũ trang của tổ chức Palestine tự do di chuyển. Đối với thủ tướng Benjamin Netanyahu, quân đội Israel sẽ phải luôn hiện diện ở khu vực này.
Về phần mình, Ai Cập, giống như Hamas, cũng phản đối sự hiện diện quân sự của Israel và mong muốn phía Palestine, không nhất thiết từ phe Hamas, chịu trách nhiệm quản lý đồn biên giới Rafah. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong chuyến công du khu vực này những ngày qua, đã cố gắng đề xuất các công thức thỏa hiệp, nhưng hiện tại đều không mang lại kết quả.
"Hành lang" thứ hai có biệt danh là Netzarim, đặt theo tên của một trong những khu định cư mà Israel đã dỡ bỏ trong quá trình rút quân vào năm 2005. "Hành lang" này kéo dài hơn 6,5 km và cắt ngang phần giữa của dải Gaza. Quân đội Israel đã thiết lập một số vị trí ở khu vực này để từ đó tiến hành các hoạt động trên khắp dải Gaza.
Nhật báo kinh tế kết luận trong trường hợp đàm phán liên quan đến những "hành lang" nói trên thất bại, Iran và Hezbollah có thể sẽ biến những lời hăm dọa trả đũa quy mô lớn chống lại Israel thành hiện thực, sau khi thủ lĩnh chính trị của Hamas, Ismaïl Haniyeh, và lãnh đạo quân sự của Hezbollah, Fouad Chokr, bị Israel hạ sát lần lượt ở Tehran và Beirut.
Pháp : Tuần hành ở Bretagne kêu gọi Iran trao trả con tin
Quay trở lại Pháp, tờ La Croix dành bài xã luận nói về cuộc tuần hành sẽ được tổ chức vào cuối tuần này tại vùng Bretagne, phía tây nước Pháp, để kêu gọi Tehran trả tự do cho ba công dân Pháp bị giam giữ ở Iran.
Tên của họ là Cécile Kohler, Jacques Paris và Olivier (họ không được công khai). Cả ba hiện đang bị giam giữ ở Iran. Cécile Kohler và Jacques Paris bị giam từ ngày 07/05/2022 vì tội "gián điệp". Bị tước đoạt tự do một cách tàn bạo khi đi du lịch ở Iran, họ bị Cộng Hòa Hồi Giáo sử dụng trong chiến lược "ngoại giao con tin" đáng ghê tởm, bao gồm việc bỏ tù những công dân phương Tây và biến họ thành những con bài thương lượng trong các cuộc đàm phán cấp Nhà nước.
Có rất ít thông tin về điều kiện giam giữ, nhưng nhiều khả năng họ bị giam trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của nhà tù Evin ở Tehran. Cũng không ai biết Pháp đã có những biện pháp gì để giải cứu những con tin này. Các cuộc đàm phán có tiến triển tốt ? Hay chính phủ Pháp đang tỏ ra cứng rắn ? Các tù nhân và gia đình đang chờ đợi trong nỗi thống khổ khôn lường, sau khi trở thành nạn nhân của chiến lược "ngoại giao con tin".
Nhật báo công giáo cho rằng tất cả mọi người đều có khả năng giúp đỡ những con tin này, qua việc luôn nhớ về họ, không để ký ức của họ bị chôn vùi bởi sự im lặng trôi theo thời gian. Bởi vậy, Cécile Kohler, Jacques Paris và Olivier sẽ là tâm điểm của sự chú ý vào cuối tuần này tại Paimpol, nơi tổ chức một cuộc tuần hành quy tụ các thành viên trong gia đình họ và một số cựu con tin để kêu gọi Iran trả tự do cho ba tù nhân nói trên. Đây cũng là cơ hội để tưởng nhớ những công dân Châu Âu khác (Thụy Điển, Đức, Anh Quốc và Áo) bị chế độ Tehran giam giữ một cách tùy tiện, trong bối cảnh hàng trăm người Iran bị bắt và đôi khi bị xử tử mà không qua xét xử vì đã tham gia phong trao ủng hộ phụ nữ hay tự do. Cầu mong cho tất cả những người này, từ chốn ngục tù, có thể lắng nghe rằng họ không bị lãng quên.
Phan Minh
Pháp : Bế tắc chính trị, chưa thể có chính phủ mới
Thời sự chính của các báo Pháp ra hôm nay là nước Pháp tiếp tục bế tắc chính trị, chưa có chính phủ mới, một tháng rưỡi sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ; cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sôi động với Đại hội đảng Dân Chủ chính thức chỉ định ứng viên Kamala Haris ra tranh cử tổng thống Mỹ thay ông Joe Biden ; các cuộc xung đột tiếp tục diễn ra ác liệt ở Ukraine.
Phiên họp của Quốc hội Pháp ngày 18/07/2024. AP - Michel Euler
Về chủ đề chính trị nội bộ nước Pháp, nhật báo Le Figaro chạy tựa chính trang nhất : "Trước bế tắc chính trị, các dân biểu nháo nhác" để phản ánh hiện trạng gần một tháng rưỡi sau khi vào Quốc hội mới được bầu, việc chỉ định một thủ tướng đứng ra thành lập chính phủ vẫn bị đình lại, các dân biểu lo lắng tình hình này hoạt động ở Hạ Viện sẽ bị tê liệt.
Theo Le Figaro, lịch trình đã ấn định, dự án ngân sách cho năm 2025 phải được trình lên Hạ Viện để tranh luận vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 10, ngoài ra còn có hơn 150 dự luật đang chờ được xem xét. Trong khi đó, "Quốc hội trong mù mờ chờ đợi chỉ định chính phủ mới", tựa bài viết của tờ báo.
Trong khi chờ có chính phủ mới, các dân biểu chưa biết bắt đầu công việc nghị trường thế nào, nhất là họ lo ngại kể cả có được chính phủ thì Quốc hội mới vẫn có nguy cơ bị tê liệt trong các cuộc thảo luận về những vấn đề quan trọng vì không một lực lượng chính trị nào có được đa số rõ rệt, dân biểu các đảng phái chia rẽ, đứng ra lập quá nhiều nhóm (hiện có tới 11 nhóm dân biểu).
Theo Le Figaro, "các đại biểu đang nghỉ phép vô thời hạn. Kể từ khi khép lại kỳ họp công khai đầu tiên vào ngày 2/8, Quốc hội vẫn chưa có chương trình nghị sự. Ngày trở lại vẫn chưa được biết, chờ bổ nhiệm thủ tướng và chính phủ".
Sau vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn hôm 07/07, liên minh các đảng cánh tả với tên gọi Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) về đầu nhưng không có được đa số quá bán với 182 ghế, đảng Đồng Hành (Ensemble) của tổng thống được 168 ghế và đảng cực hữu tập Hợp Dân Tộc (RN) có 143 ghế. Nhất là đảng cầm quyền, cũng như RN nhất quyết không hợp tác với Nước Pháp Bất Khuất LFI, lực lượng chính của liên minh cánh tả. Trong khi đó, NFP cương quyết đòi chỉ định thủ tướng của phe mình. Trải qua các cuộc tìm kiếm, mặc cả khó khăn giữa các đảng, cuối cùng Mặt Trận Bình Dân Mới đưa ra được cái tên Lucie Castet, một phụ nữ xuất thân từ tổ chức xã hội dân sự, để được chỉ định làm thủ tướng.
Tuy nhiên, tổng thống Emmanuel Macron không chấp nhận, tạm duy trì thủ tướng và chính phủ cũ để xử lý thường vụ đến sau Thế Vận Hội Mùa Hè Paris để tránh xáo trộn. Đến giờ, Olympic Paris đã khép lại được hơn một tuần, tổng thống vẫn chưa cho thấy tín hiệu sẽ chọn ai đứng ra thành lập chính phủ, ngoài thông báo từ ngày thứ Sáu này sẽ tiếp lãnh đạo các đảng phái để trao đổi và tham khảo ý kiến. Chính trị Pháp từ đó đến giờ không chỉ bị xáo trộn mà phải nói là rơi vào khủng hoảng, bế tắc hoàn toàn.
Xã luận Le Figaro, với hàng tựa "Trò bịp", nhận định : "Trong đời thực, những thách thức của Pháp vô cùng lớn : phục hồi ngân sách, khủng hoảng nhà ở, chống nhập cư bất hợp pháp, tái công nghiệp hóa, hỗ trợ trường học và bệnh viện, chuyển đổi sinh thái... Đất nước cần một chính phủ. Và phải nhanh chóng".
Chủ đề này cũng là hồ sơ chính của nhật báo thiên tả Libération. Tờ báo có cuộc phỏng vấn dài với bà Lucie Castet, ứng viên cho chức thủ tướng của Mặt Trận Bình Dân Mới để cho thấy quan điểm lãnh đạo, dự định, chương trình hành động của bà nếu được chỉ định làm thủ tướng. Tờ báo cũng tỏ sự ủng hộ với ứng cử viên của liên minh cánh tả.
Đại hội đảng Dân Chủ Mỹ : Màn tiễn biệt xúc động
Về thời sự quốc tế, sự kiện được nhiều báo quan tâm là đại hội đảng Dân Chủ Mỹ đang diễn ra tại Chicago, từ ngày 18 đến 21/8 để chính thức chỉ định bà Kamala Harris, thay ông Joe Biden ra tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Việc chỉ định bà Harris chỉ là thủ tục mang tính hình thức, vì thế các báo tập trung vào phản ánh không khí của đại hội, đặc biệt với màn tổng thống Joe Biden chuyển giao "ngọn cờ" cho bà Kamala Harris ra tranh cử tổng thống Mỹ 2024 trong ngày đầu của đại hội. Các báo đều mô tả một màn từ biệt xúc động, cùng những phát biểu của các diễn giả, lần lượt trên sân khấu để vinh danh tán dương công lao, thành tích của ông Joe Biden trong nhiệm kỳ tổng thống, nhưng vì lý do tuổi cao sức khỏe yếu và trước áp lực trong đảng Dân Chủ, ông đã phải rút lui nhường lại đường đua vào Nhà Trắng cho cấp phó của mình.
Le Figaro nhận xét : "Những lời tri ân cảm động dành cho tổng thống sắp mãn nhiệm cũng nhằm mục đích dành cho cử tri, khép lại một chương chính trị rất bất thường, thay thế ứng cử viên này bằng một ứng cử viên khác ngay giữa chiến dịch bầu cử". Tờ báo nhấn mạnh thêm, "nếu ngọn đuốc thực sự đã được truyền lại cho thế hệ mới, như truyền thông Mỹ lặp đi lặp lại liên tục, thì đúng hơn là nó đã bị giật khỏi tay Biden".
Tại Chicago tối qua, ông Biden rời sân khấu, phần còn lại dành cho Kamala Harris, đó là hình ảnh lưu lại trong lịch sử của đảng Dân Chủ.
Đức giảm nguồn lực hậu thuẫn Ukraine vì chuyện nội bộ
Một thời sự quốc tế khác được nhật báo Le Monde tiếp tục quan tâm là cuộc chiến tranh Ukraine trong mối liên quan đến chuyện nội bộ của nước Đức. Tựa chính trang nhất của tờ báo ghi nhận : "Quân Nga vẫn tiến trong miền Đông Ukraine". Le Monde cho biết quân đội của Moskva tiếp tục tiến trong vùng Donetsk, bất chấp Kiev hy vọng làm chậm đà tiến của Moskva bằng cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Hôm thứ Hai 19/08, chính quyền vùng miền Đông của Ukraine đã ra lệnh sơ tán toàn bộ dân khỏi thành phố Pokrovski và các vùng phụ cận. Phóng viên của tờ báo có bài phóng sự dài mang tiêu đề : "Donbass : những ngày cuối cùng ở bệnh viện sản của thành phố Pokrovski trong vùng tự do", ghi lại không khí khẩn trương và xúc động của các nhân viên chuẩn bị sơ tán các sản phụ của bệnh viện khi quân Nga đang tiến gần chỉ ở cách đó hơn chục km.
Cũng liên quan đến chiến tranh Ukraine, Le Monde có bài : "Tại Đức, cuộc bầu cử địa phương tác động đến viện trợ cho Kiev". Tờ báo trở lại sự việc. Sau các cuộc thảo luận căng thẳng, ba đảng trong liên minh của chính phủ Olaf Scholz đã đạt được thỏa thuận về ngân sách 2025 của nước Đức, theo đó viện trợ cho Ukraine sẽ bị cắt giảm một nửa, từ 8 tỷ năm 2024 xuống 4 tỷ euro. Một trong những lý do là nước Đức đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử địa phương tại ba bang quan trọng Sachsen, Thüringen và Brandenburg. Tại đó, đảng cực hữu và cực tả, những đảng chủ trương đòi chấm dứt cung cấp vũ khí cho Ukraine đang lên mạnh. Các đảng trong liên minh cầm quyền đang có nguy cơ thất bại ở cuộc bầu cử địa phương này. Chính phủ liên minh buộc phải có thỏa hiệp để phục vụ mục tiêu tranh cử. Hơn nữa, đảng Xã hội Dân chủ của thủ tướng cũng đang lủng củng trong nội bộ, trong đó có vấn đề liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhân sự kiện, Le Monde có bài xã luận chạy tựa : "Quyết định không đúng lúc của Đức".
Le Monde nhận định : Cuộc chiến tranh quy mô lớn trở lại lục địa Châu Âu đã làm xáo trộn tình hình địa chính trị và buộc các quốc gia Châu Âu phải tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Sẽ là tai họa nếu Đức, cường quốc kinh tế hàng đầu trong Liên Hiệp Châu Âu và là nhà cung cấp viện trợ lớn chỉ đứng sau Hoa Kỳ cho Ukraine, rút khỏi nỗ lực này với lý do là những cấp bách chính trị trong nước.
Tờ báo nhấn mạnh, đây chính là điều mà tổng thống Nga Putin mong đợi từ đầu cuộc xâm lược Ukraine. Tức là các đồng minh Châu Âu của Kiev thoái thác dần hậu thuẫn cho Ukraine vì khó khăn tài chính, dư luận trong nước của họ mệt mỏi chán nản. Quyết định của Berlin càng không đúng lúc, khi mà Pháp cũng đang lâm vào khủng hoảng và Hoa Kỳ thì đang lo bầu cử tổng thống.
Bangladesh từ yêu sách nhỏ đến cuộc nổi dậy lớn
Liên quan đến thời sự khu vực Châu Á, nhật báo Le Figaro trở lại với những biến động chính trị ở đất nước Nam Á, Bangladesh với bài : "Tại Bangladesh, cuộc cách mạng sinh viên đã lật đổ Sheikh Hasina thế nào".
Tờ báo cố gắng giải mã biến động chính trị mới đây ở đất nước nam Á, chỉ một nhóm nhỏ thanh niên đã biến các yêu sách chống lại một quyết định phân biệt đối xử có chọn lọc của chính phủ thành một cuộc nổi dậy toàn quốc và thành công với sự ủng hộ ngầm của quân đội.
Tất cả được bắt đầu tại khuôn viên trường đại học ở Dhaka. Trong 5 tuần, sự bất mãn về một quyết định phân biệt đối xử của chính phủ, do một số sinh viên phát động đã dâng lên mạnh mẽ trở thành một cuộc cách mạng lật đổ bà thủ tướng Sheikh Hasina, một nhà độc tài 76 tuổi đã nắm quyền từ năm 2009, kiểm soát một Nhà nước cảnh sát và cỗ máy đàn áp khiến đối thủ của mình khiếp sợ bằng tra tấn và giết người. Sự sụp đổ bất ngờ của thủ tướng Bangladesh đã khiến các nhà quan sát trên khắp thế giới kinh ngạc. Ban đầu, số người biểu tình chỉ từ 30 đến 40 người, ít ngày sau, làn sóng phẫn nộ đã nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc và những ngày đầu cũng đã có đàn áp thẳng tay của chính quyền và máu của người biểu tình đã đổ, khoảng 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc đàn áp.
Cuối cùng, các chỉ huy cảnh sát và quân đội đã thức tỉnh, quyết định đến gặp bà thủ tướng thông báo họ không ủng hộ và cho bà 45 phút để rời khỏi đất nước. Quá thời hạn trên, người biểu tình tràn vào dinh tổng thống và người đàn bà thép của Bangladesh đã phải vội vàng lên trực thăng sang Ấn Độ lưu vong, không kịp có thời gian ghi âm thông báo từ chức.
Anh Vũ
Thời gian gần đây, trong giới trí thức Pháp xuất hiện một trào lưu mới, mà nhiều người gọi là là tân chủ nghĩa chống tự do (néoantilibéralisme).
Tháp Eiffel - biểu tượng của Pháp. (Ảnh : Carlos R Photography)
Những người theo trào lưu này không chỉ chống lại tư tưởng tự do của chủ nghĩa tư bản (hạn chế sự điều tiết của nhà nước), mà họ còn chỉ trích giới "bobo" (từ chỉ những người trung lưu, thượng lưu, tách rời thực tế khó khăn của xã hội, và theo đuổi những giá trị chung như tự do cá nhân, bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng văn hóa... thay vì quan tâm đến lợi ích của dân lao động), đồng thời chỉ trích giới tinh hoa xã hội ủng hộ việc giữ nguyên các thể chế sẵn có.
Điểm chung của những người theo tân chủ nghĩa này là họ đều cho rằng nước Pháp đang ở trong tình trạng suy yếu nghiêm trọng, nguyên nhân chính do giai cấp cầm quyền quên lợi ích dân tộc, thiếu bảo vệ người dân lao động, dẫn đến cuộc sống khó khăn của họ cũng như không kiểm soát nổi vấn đề nhập cư.
Marcel Gauchet, một người theo đảng cánh tả Pháp, tác giả cuốn Hiểu sự bất hạnh của người Pháp (2016), cho rằng toàn cầu hóa đã dẫn đến một thế giới "không biên giới" dẫn đầu bởi nước Mỹ, ảnh hưởng vô cùng xấu tới lợi ích của Pháp, biến nước này từ một quốc gia "soi sáng" các dân tộc khác bằng các tư tưởng triết học thành một nước yếu ớt, không còn ảnh hưởng gì nhiều.
Eric Zemmour là một nhà báo khá tai tiếng. Cuốn Sự tự tử của nước Pháp (2014) của ông gây ra những tranh cãi kịch liệt khi cho rằng nhiều thập kỷ gần đây, giới cánh tả Pháp cùng giới tư bản đã liên kết với nhau để sở hữu mọi quyền lực trong xã hội, dẫn đến sự "tự vẫn" của một nước Pháp đáng tự hào trong quá khứ.
Malika Sorel-Sutter - cựu thành viên của Cao ủy Pháp về vấn đề hòa nhập, có bố mẹ là người Algeria nhập cư, trong cuốn Sự phân hủy của nước Pháp (2015), chỉ trích chính phủ đã bất lực trong việc bảo vệ dân tộc và duy trì bản sắc Pháp tới mức "phân hủy" ; hay Christophe Guilluy trong Hoàng hôn nước Pháp từ trên cao (2016) ủng hộ mạnh mẽ việc đưa "bản sắc dân tộc" vào phân tích các chính sách chung của đất nước – trong khi đối với nhiều người khác, điều này có thể gây ra chia rẽ trong xã hội. Tác giả Jean-Pierre le Goff trong Sự mệt mỏi của nền dân chủ (2016) cảnh báo nước Pháp đang mất đi những giá trị xưa của giai cấp lao động.
Nhìn chung, những người theo trào lưu mới này không hẳn ủng hộ các khuynh hướng cực đoan, phần nhiều đều chỉ trích ông Trump hay bà Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra rằng, nếu các đảng cực hữu có giành chiến thắng thì cũng không khó hiểu. Có thể thấy, đây là một nhánh của chủ nghĩa dân túy, theo nghĩa họ đại diện cho lợi ích của "dân thường", và chỉ trích chính sách bảo vệ lợi ích của "tầng lớp tinh hoa". Tuy nhiên, những người theo trào lưu lại là những trí thức – tinh hoa của xã hội. Một mặt, trào lưu này chỉ đích danh các vấn đề "khó nói" của xã hội Pháp, nhưng lại có nguy cơ chia rẽ xã hội, gây bất ổn, thậm chí đảo lộn các thể chế hiện có.
Trong bối cảnh nước Pháp hiện nay - đất nước của các tư tưởng tiến bộ nhưng đang mất đi sức ảnh hưởng do toàn cầu hóa và tự do hóa khó kiếm soát, sự nổi lên của tân chủ nghĩa chống tự do ở Pháp là điều tất yếu. Nó thể hiện những thất vọng to lớn của người Pháp đối với chính phủ từ nhiều năm nay, do không kiểm soát nổi vấn đề thất nghiệp và nhập cư, do các bê bối đáng xấu hổ trong giới lãnh đạo, do sự mất dần bản sắc nước Pháp. Chính vì thế, trong thời gian tới, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ chứa đựng rất nhiều bất ngờ khó lường trước.
Lê Thiên Hương (Thế giới và Việt Nam)
Nguồn : Một Thế Giới, 22/04/2017