Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/09/2024

Điểm báo Pháp - Tân thủ tướng Pháp Barnier

RFI tiếng Việt

Tân thủ tướng Pháp Barnier, người "bị kẹt giữa hai gọng kìm"

Tổng thống Macron quyết định bổ nhiệm thủ tướng sau gần hai tháng kể từ cuộc bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn. Quyết định được chờ đợi từ lâu, nhưng cùng lúc gây nhiều bất ngờ của ông Macron là hồ sơ chính của tất cả các nhật báo Pháp hôm nay, 07/09/2024.

barnier1

Chính trị gia Michel Barnier (giữa) trong một cuộc tranh luận sơ bộ chọn ứng viên tổng thống Pháp của đảng cánh hữu LR tháng 11/2021. © Thomas Samson / AFP

Nhật báo thiên hữu Le Figaro tỏ ra hoan hỉ với dòng tít trang nhất "Michel Barnier, lựa chọn vì sự hòa dịu". Nhật báo thiên tả Libération ngược lại thể hiện rõ sự bất bình : hình ảnh tân thủ tướng được đóng dấu đỏ kèm theo hàng chữ "người được (lãnh đạo đảng cực hữu RN) Marine Le Pen phê chuẩn". Le Monde nói đến tân thủ tướng Barnier "bị đặt dưới sự giám sát của đảng RN".

"Phương án B" của Macron

"Cánh hữu hài lòng, cánh tả nổi giận, đảng cực hữu theo dõi sát, phe của tổng thống thận trọng" là ghi nhận của Le Figaro. Michel Barnier là ai mà gây nhiều phản ứng rất khác nhau như vậy ? Theo nhật báo thiên hữu, cựu ủy viên Châu Âu, chính trị gia cánh hữu kỳ cựu 73 tuổi này là "phương án B" của tổng thống. Ông Barnier đã được lựa chọn, sau khi tất cả các phương án chính thất bại.

"Phương án B" Michel Barnier đã được chánh văn phòng phủ tổng thống Alexis Kohler đưa ra từ đầu mùa hè, nhưng chỉ được công chúng đông đảo biết đến hôm thứ Tư 05/09 vừa qua, sau khi phương án A, với hai ứng viên hàng đầu, Xavier Bertrand (cánh hữu) và Bernard Cazeneuve (cánh tả), bị chôn vùi do lo ngại tân chính phủ sẽ nhanh chóng bị Hạ Viện bất tín nhiệm.

Từ lãnh đạo địa phương đến Bruxelles : một "hành trình thăng tiến êm ả"

Bài "Từ tỉnh Savoie đến phủ thủ tướng, hành trình thăng tiến êm ả của một chính trị gia cánh hữu kỳ cựu" của Le Figaro điểm lại sự nghiệp chính trị của tân thủ tướng cao tuổi nhất của nền đệ ngũ cộng hòa. Ông Barnier, tốt nghiệp Trường Thương mại bậc cao Paris, từng bốn lần làm bộ trưởng, giữa 1993 và 2009 (các bộ Môi trường, bộ Châu Âu và Ngoại giao, Nông nghiệp và Nghề cá). Tân thủ tướng tương lai từng lãnh đạo tỉnh Savoie, dân biểu, thượng nghị sĩ, và đã từng ra tranh cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống trong đảng cánh hữu LR hồi 2022 (và từng nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ nhất trong cuộc tranh cử này).

Michel Barnier cũng chính là người được giao phó đảm nhiệm hồ sơ gai góc "tưởng như bất khả" : Đàm phán xác lập quan hệ giữa Liên Âu và Anh Quốc, sau khi Luân Đôn rời khỏi Liên Âu (Brexit). Người "nắm vững các hồ sơ", "nhà chiến lược", người chủ trương xây dựng một thứ "văn hóa chính trị dựa vào nỗ lực tập thể, lòng kiên nhẫn, đòi hỏi đối thoại với tất cả", ứng xử lịch lãm… là một số phẩm chất tiêu biểu của người đã được Emmanuel Macron chọn làm thủ tướng.

Những phẩm chất quý cho người "bị kẹt giữa hai gọng kìm"

Báo Le Monde nhấn mạnh đến các phẩm chất của "người giỏi thương thuyết", "một (tổng thống) Joe Biden theo phong cách Pháp", người "có khả năng quy tụ". Đây là những phẩm chất "rất quý giá" trong bối cảnh tân thủ tướng sẽ bị kẹp giữa hai gọng kìm, một bên là tổng thống Macron tuy đã suy yếu, nhưng không muốn mất quyền kiểm soát, và bên kia là một Hạ Viện "chia rẽ cao độ và đầy khát vọng phục thù", nơi mà đảng cánh hữu LR của ông chỉ có 47 dân biểu (trên tổng số 577).

Hồ sơ của Le Monde "Michel Barnier, con người của sự đồng thuận, trở thành thủ tướng" khép lại với câu nói của người mẹ tân thủ tướng Pháp tương lai : "Đừng bao giờ có thái độ bè phái, bởi đây là một nhược điểm". Nhật báo Pháp kết luận : "Lời khuyên minh triết này thực sự có ích cho những ngày sắp tới".

Nhiệm vụ duy nhất : "Không làm phật lòng tổng thống và lãnh đạo cực hữu"

Bài xã luận của nhật báo thiên tả Libération, với tựa đề "Lập trường trái ngược", có một cái nhìn đầy mỉa mai và bất bình về "phương án B" của tổng thống Macron. Ông Michel Barnier, thành viên đảng cánh hữu LR, chỉ nhận được hơn 5% phiếu bầu trong cuộc bầu cử lập pháp vừa qua giờ đây đã được ca ngợi như "một nhà thương thuyết giỏi", "một vị dân biểu địa phương đáng kính", "một nhà ngoại giao lớn".

Quá nhiều mỹ từ được dành cho người giờ đây có nhiệm vụ chủ yếu chỉ là làm sao để "không làm phật lòng lãnh đạo cực hữu Marie Le Pen và tổng thống Macron", hòa giải được lập trường của bộ Tài chính Pháp với lập trường của Bruxelles, nhưng sẽ theo hướng ngược hẳn với điều mà ông Barnier đã làm khi còn là ủy viên Châu Âu.

Libération nhấn mạnh đến thái độ "quỵ lụy" của tân thủ tướng trước đảng cực hữu RN, khi hứa hẹn "sẽ lắng nghe và tôn trọng tất cả các lực lượng chính trị" có đại diện tại Hạ Viện. Nhật báo Pháp dự báo tân thủ tướng Barnier "sẽ còn tại vị chừng nào mà điều này còn làm hài lòng" đảng cựu hữu.

Kẻ "phản bội"

Việc tổng thống bổ nhiệm làm thủ tướng chính trị gia cánh hữu 73 tuổi, mà một dân biểu cực hữu gọi là "một hóa thạch của nền chính trị Pháp", rõ ràng là một "đòn trả đũa thành công" của phe cực hữu đối với Mặt Trận Cộng Hòa (Front républicain), vốn được lập ra trước vòng hai bầu cử Quốc hội, để ngăn chặn cực hữu lên nắm quyền.

"Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc từ kẻ bị xa lánh đến thế lực quyết định ai làm thủ tướng" là một bài phân tích khác của Libération. Cũng nhật báo thiên tả có bài lên án "hành động phản bội" của bà Johanna Rolland, thị trưởng Nantes, một thành viên ban lãnh đạo đảng Xã Hội, một trong bốn đảng thuộc Mặt Trận Bình Dân Mới, liên minh về đầu trong cuộc bầu cử với 193 ghế dân biểu.

Theo vị dân biểu này, cần phải giúp cử tri hiểu được rằng tổng thống Macron đã suy yếu đến mức phải giao phó số phận đất nước cho đảng cực hữu RN. Đồng thời cần thuyết phục được người dân Pháp là "một con đường khác cho nước Pháp là có thể".

"Phao cứu mạng" cho "phe hấp hối"

Về quyết định bổ nhiệm tân thủ tướng của tổng thống Macron, nhật báo cánh tả L’Humanité chạy tựa trang nhất " Sự lăng nhục", với nhận định : "Chống lại lá phiếu của cử tri, ông Macron đã phó thác cho Michel Barnier nhiệm vụ lập chính phủ…, với sự ủng hộ của lãnh đạo cực hữu". Xã luận L’Humanité với tựa đề "Buổi hoàng hôn của chính sách ‘trung dung’ (của Macron)" coi quyết định của tổng thống là đỉnh điểm của một chuỗi chính sách mang lại thảm họa, nơi thái độ khinh thị lá phiếu của cử tri nối tiếp hành xử phớt lờ dân chủ".

Phe cầm quyền của tổng thống Macron "đang hấp hối" đã chọn cách "dựa vào" đảng cực hữu RN để tiếp tục tồn tại, và bám lấy "cánh hữu bảo thủ" "như một chiếc phao cứu mạng". Đối với nền dân chủ, sự lăng nhục này là "vô cùng ghê gớm". L’Humanité kêu gọi các lực lượng cấp tiến đoàn kết, xây dựng các dự án để chuẩn bị cho một tương lai khác.

Những thách thức với tân chính phủ: Luật ngân sách, cải cách hưu trí…

Thách thức trước mắt với tân chính phủ của thủ tướng Michel Barnier là quan tâm hàng đầu của nhiều báo. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất "Những thay đổi và những đoạn tuyệt" cũng ghi nhận việc "tổng thống Macron đã đặt cược vào việc ngả sang hữu để thoát khỏi khủng hoảng". Chính phủ Barnier giờ đây chỉ có chưa đầy một tháng để hoàn tất dự luật về ngân sách cho năm tài chính tới để trình ra Quốc hội trước thời hạn 01/10 theo quy định.

Tăng thuế hay không ? Giảm chi ở những khoản nào ?... là những điều mà chính phủ Barnier sẽ phải đưa ra các đề xuất. Tân chính phủ cũng phải "tìm ra được ngay lập tức 15 tỉ euro tiết kiệm để lập vào các khoản thâm hụt hiện tại"… Cuộc cải cách hưu trí, chủ trương hàng đầu của tổng thống Macron được thông qua hồi năm ngoái, nhưng bị phản đối mạnh mẽ tại Pháp, cũng là một nội dung mà tân nội các khó lòng thoái thác. Cả liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới, cả đảng cựu hữu Mặt Trận Dân Tộc đều muốn xét lại nhanh chóng nhất đạo luật cải cách nâng tuổi về hưu lên 64 này. Đầu tư cho việc chuyển sang nền kinh tế xanh bị cắt giảm mạnh dưới thời thủ tướng tiền nhiệm Gabriel Attal cũng là một nội dung căn bản khác.

Không dựa vào Hạ Viện, Macron đồng trách nhiệm nếu Barnier bị đổ 

Bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix, với tựa đề "Phần của rủi ro", ghi nhận là việc tổng thống Macron lựa chọn ông Barnier làm thủ tướng, là một "nỗ lực giảm đến mức tối đa những hệ quả đầy rủi ro của quyết định giải tán Quốc hội". Tân thủ tướng Barnier rõ ràng có nhiều phẩm chất để tìm ra được đúng "lối đi hẹp" để thoát khỏi tình hình bế tắc hiện nay, nhưng không thể phủ nhận những rủi ro.

Về việc này, ông Macron đã tiếp tục cách hành xử như trước, đứng từ cương vị của tổng thống để tìm cách xác lập một đa số cho chính phủ mới. Tổng thống và ê kíp của ông đã cân nhắc hàng chục tên tuổi, trước khi quyết định chọn cựu ủng viên Châu Âu Barnier, thay vì phó thác việc lựa chọn thủ tướng cho Quốc hội, trong trường hợp đảng của tổng thống không có được đa số "như điều diễn ra tại các nền dân chủ đại nghị khác".

Theo La Croix, tổng thống Macron bị nhiều người trách cứ về thái độ độc quyền, nhưng ông đã có phần có lý khi hành động như vậy, bởi chính Macron là người quyết định giải tán Quốc hội trước kỳ hạn. Nhật báo công giáo kết luận, giờ đây nếu Barnier thất bại, Macron cũng phải chịu phần trách nhiệm. 

Thiếu văn hóa thỏa hiệp về chính trị : Lỗi của đảng Xã Hội, lỗi của tổng thống

Le Monde có bài xã luận đáng chú ý mang lại một cách nhìn nhận đa chiều về việc bổ nhiệm tân thủ tướng bị coi là do cực hữu bật đèn xanh, được cánh hữu hoan nghênh, cánh tả lên án của tổng thống Macron. Theo nhật báo Pháp, cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới, trước hết là đảng Xã Hội, rõ ràng có phần trách nhiệm trong việc không nắm lấy bàn tay chìa ra của tổng thống, khi ông Macron đề xuất cựu thủ tướng cánh tả Cazeneuve. Nhưng chính tổng thống cũng đã thu hẹp khả năng đạt được một thỏa hiệp với cánh tả, khi "trì hoãn đến cùng việc thừa nhận thất bại" của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử Hạ Viện. Văn hóa tìm kiếm liên minh thông qua thỏa hiệp với các đảng phái bị coi là đối lập rõ ràng vẫn là một thiếu hụt lớn đối với đời sống chính trị Pháp.

Theo Le Monde sự lựa chọn vừa qua của tổng thống Macron "không khép lại cuộc khủng hoảng chính trị" mở ra sau việc giải tán Quốc hội. Le Monde tạm thời đặt hy vọng vào khả năng đàm phán, thương thuyết của tân thủ tướng Barnier trước cửa ải ngân sách 2025. Tuy nhiên, nhật báo Pháp cũng nhấn mạnh các đàm phán, tìm kiếm thỏa hiệp này cần được thực thi với "sự tuân thủ nghiêm túc" các nguyên tắc của chế độ dân chủ, của nền cộng hòa Pháp.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 148 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)