Viện trợ phương Tây chỉ giúp cầm cự chứ không để Ukraine đánh thắng Nga
Le Monde ngày 05/09/2024 nhận định "Chính sách phương Tây giúp Ukraine có thể chiến đấu nhưng không thể chiến thắng và sống sót sau đó". Trong một báo cáo hôm 28/08, hai nhà nghiên cứu Đức nhấn mạnh, nếu Nga chiếm được thế thượng phong là do các nước đồng minh không cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev đúng lúc với số lượng cần thiết. Và giờ đây phải lo rằng viện trợ sẽ còn giảm xuống.
Một nhân viên cứu hộ Ukraine tạm nghỉ ngơi cạnh một tòa nhà dân ở Lviv bị hỏa tiễn và drone Nga tấn công, ngày 04/09/2024. Reuters - Roman Baluk
Vụ oanh kích đẫm máu lẽ ra tránh được nếu Kiev có đạn tầm xa
Thời sự quốc tế hàng đầu vẫn là Ukraine. Le Monde cho biết "Tại Poltava ở miền trung, hơn 50 người thiệt mạng vì hỏa tiễn Nga" tại Viện Viễn thông Quân đội. Tổng thống Zelensky một lần nữa phải kêu gọi giúp tăng cường phòng không để có thể trả đũa bằng hỏa tiễn tầm xa.
Hôm thứ Ba vào khoảng 9 giờ 10, khi vừa bắt đầu vào học, hai hỏa tiễn Iskander lần lượt tấn công vào cơ sở huấn luyện nơi đang có khoảng mấy trăm người theo học. Đây là một trong những vụ oanh kích đẫm máu nhất kể từ đầu cuộc xâm lăng với ít nhất 55 người chết, trên 300 người bị thương trong đó nhiều người trong tình trạng nặng, và 5 người mất tích. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba, có người cha gốc ở Poltava, đã chủ tọa một cuộc họp khẩn, với chủ đề nhạy cảm : nhiều quân nhân là nạn nhân.
Nikita, 26 tuổi, nhân viên thảo chương được động viên cho hay, những người đang ở ngoài tòa nhà và tại những tầng dưới bị giết chết đầu tiên vì hỏa tiễn rơi vào tầng ba. Một người lính trẻ khác kể lại, bị thổi bay xuống cầu thang, vừa gượng đứng dậy để vào hầm trú ẩn thì hỏa tiễn thứ hai bay tới. Nhiều người bị vùi trong đống gạch vụn, những phần thi thể vương vãi khắp nơi gây sốc cho lực lượng cứu hộ. Tổng thống Volodymyr Zelensky ra lệnh điều tra về vụ này, các blogger quân sự Ukraine đặt câu hỏi về việc bất cẩn tập trung nhiều quân nhân ở một nơi, trong khi Kremlin đắc chí nói rằng đã đánh vào một cuộc diễn hành - điều mà các nhân chứng đều bác bỏ.
Cho đến nay, Poltava ở xa tiền tuyến tương đối ít bị Nga oanh tạc. John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ tố cáo vụ này nhắc nhở sự "tàn bạo" của Vladimir Putin. Ông Kuleba nói rằng nếu có hệ thống Patriot và SAMP/T đánh chặn được các hỏa tiễn đạn đạo như loại đã rơi xuống Poltava, thảm kịch đã có thể tránh được. Tối thứ Ba, thành phố đầy cây xanh này vẫn đông người. Tại một trong những công viên, nơi người dân đẩy xe nôi và dẫn chó đi dạo, có bức tượng đồng của nhà văn Gogol. Trước khi sang Saint Petersburg, Nicolas Gogol, tác giả "Nhật ký người điên" từng học ở Poltava.
"Những linh hồn chết", từ Lviv đến Poltava
Libération nói về "Từ Lviv đến Poltava, những linh hồn chết dưới những trận bom". Tên tác phẩm nổi tiếng của Gogol được nhắc lại trong bài phóng sự tại hai thành phố là nạn nhân của bom Nga.
Ihor Tkachov, tình nguyện viên y tế cư ngụ gần Viện Viễn thông là một trong những người đầu tiên đến nơi, nói về cảnh tượng khủng khiếp nhìn thấy. Xác người khắp nơi, rất nhiều người bị thương. Họ lập một trạm sơ cứu dưới bóng cây để băng bó sơ rồi đưa tạm lên xe ZIL chở đến bệnh viện. Nhiều người chết ngay tại điểm sơ cứu hay trong xe. Có những tiếng nói chỉ trích việc tập trung quân một chỗ. Nhưng biết đào tạo những người lính mới ở đâu, khi cả nước Ukraine đều nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Nga, và những thành phố như Poltava chỉ có 285.000 dân không có phòng không, đều có thể là mục tiêu của kẻ thù ?
Bị hạ nhục ở Kursk, quân đội Nga chừng như quyết định buộc hậu phương Ukraine phải trả giá. Sáng thứ Tư, hai hỏa tiễn siêu thanh Kinjal đánh vào ngoại ô Lviv, sát hại 7 thường dân, làm 53 người bị thương và gây thiệt hại nặng cho vài chục tòa nhà di sản. Oleh,19 tuổi, đến để hiến máu, nói : "Tôi không thể hiểu được vì sao Putin có quyền dùng hỏa tiễn phá hủy các thành phố Ukraine, nhưng quân đội chúng tôi thậm chí không được đụng đến các căn cứ quân sự của họ". Bởi vì đồng minh tốt nhất của Kremlin, ngoài thời gian, còn là sự bất định của thế giới, đó là "những linh hồn chết" đã chịu khuất phục - theo Libération.
Cả tháng qua Nga vẫn chưa phản công nổi quân đội Ukraine ở Kursk
Le Monde nhận định "Chính sách phương Tây giúp Ukraine có thể chiến đấu nhưng không thể chiến thắng và sống sót sau đó". Tờ báo nhắc lại sự kiện bất ngờ của mùa hè : trong cuộc chiến đẫm máu có nguy cơ sa lầy, quân đội Ukraine hôm 06/08 đã tung ra một chiến dịch mà không ai ngờ đến, đó là tấn công vào lãnh thổ của kẻ xâm lược.
Trước sự táo bạo này, Kremlin đành ngồi nhìn mấy trăm quân Nga còn sống sót ở biên giới phải đầu hàng, di tản 200.000 dân trong khi quân đội Ukraine tiếp tục tiến lên. Gần một tháng sau, Kiev kiểm soát được 1.200 kilomet vuông đất Nga. Thay vì tổ chức phản công quy mô, Vladimir Putin trả thù bằng một trận mưa hỏa tiễn xuống nhiều thành phố Ukraine.
Tuy không thay đổi được thế trận về quân sự, nhưng chiến dịch Kursk đã nâng cao khí thế quân dân Ukraine, đồng thời chứng tỏ với phương Tây là Kiev có thể lấy lại được thế công. Một lần nữa sự yếu kém của tình báo Nga lộ rõ, và huyền thoại quân đội Nga có nhân lực bất tận bị đánh tan : chẳng thấy có lực lượng nào để đuổi được "quân xâm lăng" Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng chiến dịch này nhằm "buộc Nga phải chấm dứt chiến tranh". Những tháng gần đây ông thường xuyên nói đến việc thương lượng.
Mỹ, Đức không muốn Nga bại trận, Ukraine đành đổi đất lấy hòa bình ?
Trong một báo cáo hôm 28/08, hai nhà nghiên cứu Đức Claudia Major và Jana Puglierin nhấn mạnh, nếu Nga chiếm được thế thượng phong là do các nước đồng minh không cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev đúng lúc với số lượng cần thiết. Và giờ đây phải lo rằng viện trợ sẽ còn giảm xuống.
Tuy Hoa Kỳ và Đức đồng ý về việc làm Nga yếu đi, nhưng hai nước này không muốn Nga bại trận, bị ám ảnh về nguy cơ leo thang. Hậu quả là "Ukraine có thể buộc phải kết thúc chiến tranh theo các điều kiện do Nga đặt ra, một hòa bình áp đặt hay đầu hàng", và phải từ bỏ "ít nhất 20% lãnh thổ" đang bị Nga chiếm đóng. "Kịch bản tồi tệ" này khiến phương Tây phải bảo vệ 80% lãnh thổ còn lại của Ukraine, trong khi chờ đợi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO.
Hôm thứ Bảy tại hội nghị an ninh Trung Âu ở Praha, tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nhắc lại, nước ông bị Stalin xâm lăng năm 1939, đã đẩy lùi được quân Liên Xô nhưng phải hy sinh 10% lãnh thổ, "kể cả Carelia, nơi ông bà và cha tôi đã sinh ra". Tuy nhiên sẽ là ảo tưởng về một giải pháp tương tự cho Ukraine. Phần Lan và Thụy Điển rốt cuộc gia nhập NATO vì hiểu rằng sự bành trướng điên cuồng của Putin không dừng lại ở Donbass.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng cho rằng cuộc xâm lăng Ukraine là một bước ngoặt đối với Châu Âu như năm 1989 : thế giới đã đổi khác, cần xem lại chính sách và mục tiêu. Nhưng bà khó thể được Washington và Berlin lắng nghe. Cả hai đều không cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa của mình đánh vào mục tiêu ở Nga, và phản đối Kiev gia nhập NATO. Washington đang chú tâm vào cuộc bầu cử tổng thống, Berlin choáng váng trước thế đang lên của cực hữu và cánh tả thân Nga. Paris với một chính phủ đã từ nhiệm không còn nói về Ukraine - có ai còn nhớ đến việc gởi quân sang ?
Zelensky cải tổ nội các để tạo sức bật mới ?
Trong nội bộ Ukraine, diễn ra "Cuộc cải tổ nội các lớn nhất kể từ đầu chiến tranh", theo Le Monde. Libération nhận xét "Tại Kiev, Volodymyr Zelensky xoay chuyển những chiếc ghế trong chính phủ". La Croix cho rằng "Volodymyr Zelensky tìm kiếm một nguồn năng lượng mới ở Ukraine", đối với Les Echos, tổng thống Ukraine "tìm một sức sống mới", còn Le Figaro coi đây là một cuộc "dọn dẹp chính trường Ukraine".
Bắt đầu từ ngày thứ Ba 03/09 với sáu quan chức từ chức. Đó là bộ trưởng Oleksandr Kamyshin phụ trách sản xuất vũ khí, bộ trưởng tư pháp Denys Maliuska, bộ trưởng môi trường Ruslan Strilets, giám đốc quỹ địa ốc nhà nước Vitali Koval, bộ trưởng hội nhập lãnh thổ Iryna Verechchuk, phó thủ tướng Olga Stefanishyna. Hôm qua thứ Tư đến lượt ngoại trưởng Dmytro Kuleba, một khuôn mặt chủ chốt trong chính phủ. Người thay thế có thể là thứ trưởng Andrii Sybiha. Một dân biểu nhiều ảnh hưởng dự báo sẽ thay thế trên 50% thành viên chính phủ.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng mọi định chế Nhà nước phải được thiết trí để Ukraine "đạt được mọi kết quả cần thiết" trước chuyến thăm Hoa Kỳ, khi ông trình bày "kế hoạch chiến thắng" với tổng thống Joe Biden. Ông cũng đã cách chức Rostyslav Churma, phó văn phòng tổng thống, bị các tổ chức xã hội dân sự chỉ trích là tham nhũng. Theo nhà phân tích Volodymyr Fessenko trên Le Monde, việc cải tổ là một sự thỏa thuận, tái cấu trúc về chất lượng ; vì nếu thay thủ tướng như dự kiến vào mùa hè sẽ dẫn đến toàn bộ nội các phải từ chức, việc này bị cấm trong thời kỳ thiết quân luật. Trong một số trường hợp là luân chuyển cán bộ, số khác do không hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng thường là do Zelensky muốn tạo một sức bật mới.
Le Figaro chú ý đến trường hợp Dmytro Kuleba, ngoại trưởng được bổ nhiệm lúc 38 tuổi, là khuôn mặt và tiếng nói của Ukraine sau Volodymyr Zelensky. Bốn năm rưỡi đứng đầu bộ ngoại giao, trong đó có 30 tháng chiến tranh, Kuleba không ngừng kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ Kiev nhưng vô vọng, khiến những người kiên cường nhất cũng có thể cảm thấy kiệt sức. Từ một năm qua, vị ngoại trưởng trẻ cởi mở nhất trong chính phủ Ukraine ít cười hơn. Cải tổ hay trừng phạt ? Les Echos thắc mắc. Le Figaro cho rằng một số vùng tối xung quanh việc cải tổ này sẽ được làm rõ khi biết tên người thay thế những nhân vật từ chức.
Trung Quốc lợi dụng Châu Phi để vẽ lại trật tự thế giới
Le Monde quan tâm đến sự kiện khoảng 50 nhà lãnh đạo Châu Phi họp tại Bắc Kinh từ hôm qua trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi. Những băng-rôn với dòng chữ "Cùng nhau vì một tương lai tốt đẹp hơn" được dựng lên cứ mỗi 20 mét trên những trục đường lớn ở Bắc Kinh. Châu Phi được coi là lục địa cần thiết để lập nên một trật tự thế giới mới, mà hiện mang quá nhiều giá trị phương Tây, dưới mắt Bắc Kinh.
Các nguyên thủ Châu Phi được mời dự dạ tiệc tưng bừng ở Đại sảnh đường Nhân dân. Từ 34 năm qua, các ngoại trưởng Trung Quốc dành chuyến công du đầu tiên cho Châu Phi, Đảng cộng sản Trung Quốc giúp đào tạo giới tinh hoa, các nhà báo được mời sang Hoa lục tham quan do Bắc Kinh đài thọ toàn bộ… Đổi lại, các nước Châu Phi im lặng khi Châu Âu, Hoa Kỳ tố cáo tại Liên Hiệp Quốc việc đàn áp tàn bạo Hồng Kông hay người Duy Ngô Nhĩ.
Tuy nhiên kinh tế đang chậm lại, Bắc Kinh khó thể tài trợ những dự án lớn, bên cạnh đó Châu Phi cũng e ngại nợ nần quá cao. Đặc biệt trong các dự án đầu tư, châu lục thường thiệt thòi khiến dư luận trong nước bất bình : việc làm và kỹ năng vẫn do phía Trung Quốc nắm. Để tái cân bằng quan hệ, các nhà lãnh đạo Châu Phi còn cần nhiều hơn là những tuyên bố hữu nghị.
Thụy My