Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đức : Mục tiêu can thiệp mới của Nga và Trung Quốc (RFI, 29/07/2020)

Đức trở thành mục tiêu chính trong chiến lược can thiệp và gây ảnh hưởng của hai nước Nga và Trung Quốc. Theo nghiên cứu được Viện Royal United Service Institute (RUSI) của Anh, được công bố ngày 29/07/2020, nền kinh tế hàng đầu Châu Âu đang "trên tuyến đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới".

ngatrung1

Đức, mục tiêu can thiệp mới của Nga và Trung Quốc. Tình hình sẽ càng nhạy cảm khi Angela Merkel rời ghế thủ tướng.  Hayoung JEON / Pool / AFP

Trang Sky News trích nhận định của tác giả John Khampfner, nhà báo và là nhà nghiên cứu của RUSI : "Chiến thuật (can thiệp và gây ảnh hưởng) được Trung Quốc và Nga sử dụng khá đa dạng". Nga tập trung vào hoạt động chính trị chính thức, "tìm cách phá vỡ niềm tin của công chúng vào các thể chế dân chủ". Trong khi đó, "Trung Quốc tập trung chủ yếu vào lợi ích kinh tế".

Bà Angela Merkel, thủ tướng Đức đương nhiệm, sẽ rời chức vụ vào năm 2021. Theo tài liệu trên, người kế nhiệm sẽ phải nghiên cứu khả năng dễ bị tổn thương của Đức trước Nga và Trung Quốc. Một mặt, Đức bị phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu sang Trung Quốc, mặt khác, nhiều doanh nghiệp Đức đã bị Trung Quốc mua lại và Berlin đã thức tỉnh chậm trễ.

Đối với Nga, tác giả bản nghiên cứu nhấn mạnh đến khoảng cách địa lý gần và khả năng đối thoại của Đức với Nga, đặc biệt là về tình hình Đông Âu. Tuy nhiên, tổng thống Vladimir Putin và cỗ máy tuyên truyền tinh vi đã "sử dụng các chính đảng ở Đức để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược" của Moskva, như trường hợp hai đảng cực hữu AfD (Alternative für Deutschland) và cực tả Die Linke, đã mở rộng ảnh hưởng tại Đức.

Cuối cùng, tài liệu nêu lên ba sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng đến ổn định tương lai của Châu Âu và phương Tây : bầu cử tổng thống Mỹ, bầu lãnh đạo đảng CDU (người sẽ là tân thủ tướng Đức) và các cuộc bầu cử cấp bang tại Đức.

Thu Hằng

********************

Mỹ : Tên lửa phòng không Nga và Trung Quốc ngày càng hoàn thiện (RFI, 29/07/2020)

Ngày 28/07/2020, bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần không thể thiếu trong cuộc đua giữa các siêu cường, đồng thời cảnh báo là Nga và Trung Quốc đang phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng hiệu quả. 

ngatrung2

Trụ sở bộ Quốc phòng Mỹ.  Reuters

Trang mạng bộ Quốc Phòng Mỹ dẫn lời một số quan chức cho rằng "Trung Quốc và Nga đang phát triển những hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng hiện đại, với số lượng ngày càng nhiều và đưa những hệ thống này vào trong chiến lược phòng thủ vào lúc Nga và Trung Quốc đang cạnh tranh với nước Mỹ".

Theo trang mạng này, Nga vừa cho nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo A-135 có từ thời Liên Xô cũ. Hệ thống phòng thủ này gồm 68 tên lửa bắn chặn có gắn đầu đạn hạt nhân, vừa được trang bị thêm nhiều ra-đa mới và được cập nhật mới hệ thống điện tử. Với chiến dịch nâng cấp tên lửa này, Nga gần như trở thành một mối đe dọa trong một thời gian không xa. Mối nguy lớn nhất có thể có là phóng xạ phát ra từ một cuộc bắn chặn có thể làm ô nhiễm hàng ngàn mẫu đất nông thôn.

Các quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ còn báo động Nga sắp đưa vào hoạt động hệ thống tên lửa S-500, ban đầu được dự kiến vận hành vào năm 2025. Tuy S-500 được thiết kế để bắn chặn các loại tên lửa tầm trung và ngắn, nhưng giới quân sự Nga khẳng định hệ thống này có thể phòng thủ chống các loại tên lửa đạn đạo, hành trình và siêu thanh.

Ngoài nước Nga, bộ Quốc Phòng Mỹ còn cảnh báo hiểm họa đến từ Trung Quốc. Sách Trắng Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định phòng thủ tên lửa là một chiến lược chủ đạo trong tham vọng quân sự. Tuy hiện tại Bắc Kinh còn lệ thuộc nhiều vào hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và S-400 của Nga, nhưng Trung Quốc cũng đang nỗ lực nghiên cứu và đầu tư để củng cố khả năng của nước này.

Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, song song với hệ thống phòng thủ HQ-19, rất có thể sẽ được sử dụng để phòng thủ chống các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, được dự trù vào năm 2021, Bắc Kinh dường như cũng đang phát triển tên lửa bắn chặn hành trình. 

Nếu như Trung Quốc tuyên bố đã cho bắt đầu thử nghiệm từ tháng 2/2018, nhiều quan chức quân sự Mỹ đánh giá có nhiều khả năng tên lửa chưa thể được đưa vào vận hành vào cuối năm 2020, đồng thời dự báo loại vũ khí này có nhiều khả năng là để chống tên lửa đạn đạo tầm trung và rất có thể được cải tiến để tấn công các tên lửa liên lục địa và được phóng từ tầu ngầm.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Gấu Nga trở thành đàn em của gấu trúc Trung Quốc

Quan hệ giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình được thắt chặt sau vụ Nga chiếm Crimea, nhưng Trung Quốc đang thống trị trên tất cả lãnh vực.

gau1

Trang bìa The Economist tuần lễ 27/07-02/08/2019.The Economist

Kinh tế Trung Quốc mạnh gấp sáu lần Nga và vẫn còn tăng trưởng, trong khi Nga đang đi xuống. Thay vì là đối tác ngang hàng, Nga đang trở thành chư hầu của Trung Quốc.

Đang trong mùa hè, các tuần báo Pháp giới thiệu những chủ đề nhẹ nhàng. Le Point dành trang nhất và nhiều trang trong cho hồ sơ đặc biệt "Những bí mật cuối cùng của các giáo đường" ở Pháp. L’Obs quan tâm đến "Một Marx khác", không phải Karl Marx mà là Thierry Marx, một đầu bếp kiêm doanh nhân Pháp mở hệ thống trường dạy nghề giúp những người thất cơ lỡ vận có được một cơ hội mới.

Hồ sơ của Courrier International tuần này nói về "Các phương cách mới để di chuyển". Có thể kể : xe trượt (trottinette), taxi bay… người ta có nhiều chọn lựa về phương tiện di chuyển, nhưng chủ yếu cần quan tâm đến môi trường.

Nga lép vế trong quan hệ với Trung Quốc

Về quan hệ Nga-Trung, bài viết của The Economist nhận định "Hợp tác có lợi cho Trung Quốc hơn Nga" đi kèm với hình vẽ một con gấu trúc lớn bệ vệ ngồi trên chiếc ngai màu đỏ có ngôi sao vàng, bế trên tay một chú gấu nhỏ bé cầm lá cờ Nga, với tựa đề có phần mỉa mai "Chiến hữu".

Quan hệ giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình được thắt chặt sau vụ Nga chiếm Crimea, nhưng Trung Quốc đang thống trị trên tất cả lãnh vực. Kinh tế Trung Quốc mạnh gấp sáu lần Nga và vẫn còn tăng trưởng, trong khi Nga đang đi xuống. Thay vì là đối tác ngang hàng, Nga đang trở thành chư hầu của Trung Quốc.

Theo The Economist, nhận xét này dường như có vẻ khắt khe. Nga dù sao cũng là cường quốc nguyên tử, với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nga đang hiện đại hóa quân đội và không ngần ngại sử dụng như ở Syria, tuần này các chiến đấu cơ Nga lần đầu tiên đã tuần tra chung với Trung Quốc. Nhưng tốc độ phụ thuộc của Moskva vào Bắc Kinh đang nhanh chóng tăng lên một cách đáng lo ngại.

Trung Quốc là thị trường quan trọng nhập nguyên liệu của Nga. Tập đoàn dầu khí quốc gia Rosneft lệ thuộc nguồn tài chính Trung Quốc và ngày càng bán nhiều dầu cho Bắc Kinh. Nga cũng muốn bớt phụ thuộc vào đồng đô la, nên đồng nhân dân tệ nay chiếm phần quan trọng trong dự trữ ngoại hối. Trung Quốc cung ứng nhiều phụ tùng chủ chốt cho hệ thống vũ khí Nga, và Putin cũng cần đến Bắc Kinh trong việc kiểm soát người dân. Tháng trước Nga đã ký hợp đồng phát triển mạng lưới 5G với Hoa Vi. Trung Quốc rất hài lòng, và Nga còn là tiếng nói ủng hộ quan trọng trước những chỉ trích của phương Tây đối với Bắc Kinh về nhân quyền và dân chủ.

Ông Putin không có nhiều chọn lựa, sau khi bị phương Tây trừng phạt hoặc xa lánh do xâm chiếm Crimea năm 2014, can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 và vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal năm 2018. Ông có thể biện luận là tương lai nay tùy thuộc vào Trung Quốc cùng với hệ thống tư bản nhà nước của người khổng lồ Châu Á.

Tuy nhiên theo tờ báo, Putin đã lầm. Phiên bản tư bản nhà nước theo kiểu Nga là nhằm tìm kiếm lợi nhuận thay vì hiệu quả, những người thân cận ông tha hồ thủ lợi từ ngân sách – đó là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc chỉ đầu tư hạn chế vào Nga. Tại Trung Á, quân đội Trung Quốc đóng quân ở Tajikistan và tập trận mà không buồn tham khảo ý kiến Moskva.

Thế giới cần tìm cách tách Nga ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc trước khi quá muộn chăng ? Theo The Economist, sớm muộn gì một tổng thống khác, kiểu như Alexei Navalny sẽ quay mặt với Bắc Kinh, khi lại cần đến sự trợ giúp phương Tây. Và khi đó chủ nhân (nam hoặc nữ) Phòng Bầu dục Nhà Trắng sẽ bắt chước ông Nixon : lên đường đi thăm Moskva.

Hồng Kông đang trong thời khắc nguy hiểm nhất từ sau Cách mạng văn hóa

Cũng liên quan đến Trung Quốc, The Economist nói về "Phong trào phản kháng ở Hồng Kông chống lại các biểu tượng của Bắc Kinh". Tờ báo nhận định, Hồng Kông đang sống trong những thời khắc bạo lực nhất, nguy hiểm nhất kể từ sau Cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông.

Bắc Kinh tức giận tuyên bố việc Văn phòng đại diện Trung Quốc tại Hồng Kông bị coi là đích nhắm, là "thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền trung ương". Người ta lo ngại Trung Quốc sẽ đưa quân đội đến đàn áp, và như vậy sẽ là một sự kiện chưa từng thấy kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên theo tờ báo, điều này khó xảy ra vì sẽ gây phẫn nộ trên toàn thế giới, dù phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc đã đe dọa trong cuộc họp báo ngày 24/7.

Nếu trước đây người biểu tình chỉ đòi trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức, thì nay yêu sách được mở rộng sang cải cách dân chủ ; nhưng không có đòi hỏi nào được Bắc Kinh lắng nghe. Các nhà đấu tranh tên tuổi ôn hòa, kể cả những khuôn mặt trẻ của Cách mạng Dù, nay không có mấy ảnh hưởng lên phong trào phản kháng không có thủ lãnh này.

Những người biểu tình sử dụng các ứng dụng tin nhắn mã hóa, mang theo quần áo thay đổi để tránh bị nhận dạng sau khi giải tán, sự ẩn danh này khiến khó thể kiểm soát hoặc thương lượng với họ. Dù đôi khi xảy ra bạo động, nhưng những người biểu tình cực đoan vẫn có được sự thông cảm nơi phe ôn hòa. Ngược lại ít có sự đoàn kết ở phía bên kia. Giám đốc một tờ báo thân Trung Quốc hôm 23/7 đã từ chức, và Phòng Thương mại Hồng Kông vốn ủng hộ chế độ, nay lên án bạo động ở quận Nguyên Lãng (Yuen Long) và còn đi xa hơn : kêu gọi chính quyền nhượng bộ.

Lý Bằng : Tên đồ tể Thiên An Môn

Le Monde số cuối tuần vẽ lên chân dung Hà Vận Thi (Denise Ho), ngôi sao nhạc pop Hồng Kông đã dám thách thức Trung Quốc. Là ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc Cantopop (C-pop) tên tuổi, cuối tuần rồi cô tiếp tục là một trong những người nổi tiếng hiếm hoi, công khai tham gia cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông. Một chân dung đối nghịch khác trên The Economist là "Tên đồ tể Thiên An Môn" : cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng qua đời ở tuổi 90.

Đêm 20/05/1989, khuôn mặt Lý Bằng đã ghi đậm dấu ấn lên ký ức Trung Quốc. Ông ta xuất hiện trên truyền hình nhà nước, mặc chiếc áo đại cán kiểu Mao, tóc chải ngược, tuyên bố thiết quân luật tại Bắc Kinh. Trước đó tại Bộ Chính trị, Lý Bằng đã tranh cãi dữ dội với tổng bí thư chủ trương cải cách Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), và đã giành chiến thắng nhờ có sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình. Hàng trăm, thậm chí có lẽ hàng ngàn sinh viên đã bị thảm sát, và danh hiệu "Đồ tể Bắc Kinh" thường được dành cho Lý Bằng.

Thế giới hậu Thiên An Môn thuộc về họ Lý, chủ trương tự do của Triệu Tử Dương không bao giờ xuất hiện trở lại. Lý Bằng tiếp tục làm thủ tướng suốt gần một thập niên, và gia đình ông ngự trị trong ngành năng lượng Trung Quốc. Hai con trai và một con gái của Lý Bằng là quan chức của bộ năng lượng, một người con trai khác làm thống đốc tỉnh Sơn Tây giàu có về than đá. Lý Bằng rất hãnh diện về công trình đập khổng lồ Tam Hiệp tốn kém 10 tỉ đô la, làm 1,3 triệu dân phải di dời, bất chấp tố cáo của giới bảo vệ môi trường và các quốc gia ở hạ nguồn.

Vấn đề trại cải tạo Tân Cương được "quốc tế hóa"

Cũng về Trung Quốc, The Economist nhận xét "Hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương đã trở thành chủ đề tranh cãi quốc tế".

Sau khi 22 nước chủ yếu là phương Tây gởi thư lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Trung Quốc đóng cửa các trại cải tạo giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vài ngày sau lại xuất hiện một lá thư khác của 37 nước ủng hộ Bắc Kinh, gồm những nước thường bị phương Tây chỉ trích.

Không có gì ngạc nhiên trước những chữ ký của Venezuela, Nga, Saudi Arabia, Ai Cập, hoặc những nước được Trung Quốc đầu tư như Pakistan và Lào, vốn không muốn "cắn vào bàn tay đang mớm cho mình". Nhưng đáng phẫn nộ nhất theo tờ báo, là các nước vùng Vịnh, ủng hộ Trung Quốc vì nhiều lý do từ quốc phòng, kinh tế thậm chí tôn giáo.

Chẳng hạn Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất do bị Mỹ từ chối bán máy bay không người lái, đã quay sang mua drone Wing Loong 2 của Trung Quốc. Năm 2018, Bắc Kinh đã ký các hợp đồng xây dựng và đầu tư trị giá 28 tỉ đô la tại Trung Đông, một khu vực khó thu hút được đầu tư nước ngoài. Nhưng thông tin về các trại cải tạo Tân Cương ngày càng được tiêt lộ nhiều hơn, các nhà lãnh đạo Hồi giáo bắt đầu chịu đựng áp lực trong nước đòi bảo vệ các đồng đạo.

"Mùa hè rực rỡ" của nữ tổng thống Đài Loan

Còn tại Đài Loan, The Economist khi nói về "Triển vọng tái đắc cử của bà Thái Anh Văn" đã ví von : Mùa đông đi qua, mùa hè sắp tới đầy tươi sáng đối với nữ tổng thống.

Tờ báo nhắc đến chuyến công du vùng vịnh Caribbean mới đây của bà Thái Anh Văn với bốn ngày lưu lại trên đất Mỹ, dài nhất từ trước đến nay, bất chấp Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Bà đi tàu ngang qua tượng Nữ thần Tự Do, gặp gỡ một số đại biểu quốc hội Hoa Kỳ, phát biểu tại đại học Columbia.

Trong lần quá cảnh trước đó, bà đến thăm NASA, trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan đầu tiên bước chân vào một cơ quan liên bang Mỹ kể từ năm 1979. Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã khiến cán cân nghiêng về phía bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, còn phe Quốc dân đảng thân Trung Quốc bị xuống dốc.

Boris Johnson và nguy cơ "no-deal"

Về Châu Âu, trên trang bìa báo in The Economist là hình vẽ tân thủ tướng Boris Johnson đang hào hứng lái chiếc xe buýt hai tầng màu đỏ quen thuộc ở thủ đô Luân Đôn, mang dòng chữ "Make Britain Great Again" (Làm cho nước Anh vĩ đại trở lại), lao thẳng xuống con dốc đứng của đường trượt tàu lượn siêu tốc. Tờ báo Anh không ngần ngại khẳng định "Để ngăn chặn no-deal, các nghị sĩ bảo thủ phải sẵn sàng hạ bệ Boris Johnson !".

Ông Boris Johnson đã gây bất ngờ khi thành lập một nội các toàn những nhân vật cứng rắn. Priti Patel vốn ủng hộ tái lập án tử hình, làm bộ trưởng nội nụ, Dominic Raab chủ trương Brexit "cứng", làm ngoại trưởng. Tân thủ tướng tin rằng Donald Trump sẽ mang phao cứu sinh đến khi Anh quốc rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu (EU), điều này theo tờ báo là nguy hiểm, vào lúc Luân Đôn phải khẳng định vị trí trong hồ sơ Iran.

Nhưng đáng ngại nhất là kế hoạch Brexit siêu thực của ông. Bà Theresa May đã thất bại với những lời hứa không thể thực hiện được, còn Boris Johnson phạm cùng một sai lầm, ở tầm vóc lớn hơn. Ông hứa bỏ điều kiện "backstop" về một biên giới thực tế với Bắc Ireland, dọa không trả chi phí "ly dị", và nhất định sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/10 dù có thỏa thuận hay không, "do or die" (hành động hay là chết). Nếu bà May có hai năm, thì ông Johnson chỉ có ba tháng để biến những lời hứa được cho là bất khả thi trên đây thành hiện thực.

Ra khỏi Châu Âu mà không có thỏa thuận (no-deal) bằng mọi giá sẽ là thảm họa, và The Economist cho rằng Nghị viện Anh chỉ còn cách bỏ phiếu bất tín nhiệm tân thủ tướng. Hoặc ít nhất chỉ cần lá phiếu của vài nghị sĩ để giải tán chính phủ của đảng mình, sẽ là một sự kiện chưa từng có kể từ năm 1940.

Xu thế thiên tả của Dân Chủ Mỹ

Nhìn sang Hoa Kỳ, bài xã luận của Le Point tuần này nhận định, đành rằng các tweet của tổng thống Mỹ Donald Trump bảo bốn dân biểu nữ da màu "quay về nguyên quán" là tệ hại, nhưng cũng không nên giấu giếm một thực tế bao trùm. Đó là vấn đề bản sắc sẽ đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 tại Hoa Kỳ.

Hiệp hội Democratic Socialists of America (Dân chủ xã hội Mỹ), mà Alexandria Ocasio-Cortez và Rashida Tlaib - hai trong số bốn nữ dân biểu trên - là thành viên còn người thứ ba Ilhan Omar là ủng hộ viên, là tổ chức lớn nhất ở Mỹ cổ vũ cho chủ nghĩa xã hội, bất chấp các bài học thê thảm của Venezuela và Cuba.

Theo Pew Research Center, có đến 46% cử tri Dân chủ tự nhận có khuynh hướng "tự do" (trong ngôn ngữ chính trị Mỹ có nghĩa là cánh tả), tăng 18 điểm so với mười năm trước, còn số người "ôn hòa" sụt 7 điểm, chỉ còn 37%. Donald Trump biết điều đó, và các tweet của ông nhằm chia rẽ đối thủ hơn là huy động phe mình. Ông tìm cách làm cho Ocasio-Cortez, một người cực đoan, và Omar, bài Do Thái kịch liệt ; xuất hiện như khuôn mặt thật của Dân chủ, gây bối rối cho phe Dân chủ ôn hòa mà đại diện là bà Nancy Pelosi.

Thách thức phi toàn cầu hóa

Nhìn chung về kinh tế thế giới, Le Point cổ vũ cho "Một Bretton Woods mới chống lại phi toàn cầu hóa". Trong một thế giới đang trở nên bất ổn do chủ nghĩa dân túy và xu hướng co cụm, các nhà lãnh đạo thế kỷ 21 đang phải đối đầu với cùng một thách thức của năm 1944.

Cách đây 75 năm, từ ngày 1 đến 22/07/1944 đã diễn ra hội nghị Bretton Woods tập hợp 44 quốc gia đồng minh, trong khi các trận đánh vẫn đang ác liệt ở Châu Âu và Thái Bình Dương. Mục tiêu là chuẩn bị cho hòa bình và lập ra một trật tự kinh tế, tiền tệ ổn định, tránh những sai lầm hồi năm 1918. Tiếp đến là sự ra đời của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rồi IBRD (BIRD theo tiếng Pháp), tiền thân của Ngân hàng Thế giới (WB).

Hệ thống tiền tệ của Bretton Woods biến mất cùng với quyết định của tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1971, chấm dứt việc quy đổi đô la ra vàng, nhưng tinh thần vẫn được giữ nguyên. Đồng euro được tung ra vào đầu năm 1999 nhằm ổn định thị trường tiền tệ Châu Âu, IMF chuyên tâm vào việc xử lý nợ công… Hệ thống đa phương Bretton Woods cũng đã góp phần vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng cái giá phải trả là giai cấp trung lưu các nước phát triển chịu thiệt thòi. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ tái xuất hiện, song song đó Trung Quốc triển khai mô hình độc tài đối chọi với dân chủ, và tìm cách xuất khẩu qua "Một vành đai, một con đường".

Thụy My

Published in Quốc tế

Cuộc tập trận Vostok 2018 của Nga kết thúc ngày 17/09/2018 đã đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận, không chỉ về quy mô to lớn của sự kiện, mà còn về sự tham gia của quân đội Trung Quốc, dù còn khiêm tốn, với khoảng 3000 quân trên tổng số 300.000 người được huy động. Nhiều quan sát viên đã cảnh báo về khả năng một liên minh chặt chẽ Nga-Trung, nhắm chống lại đối thủ chung là Mỹ. Thế nhưng, cũng có nhiều nhà phân tích khác cho rằng trước mắt, lợi ích riêng tư của Bắc Kinh và Moskva còn quá khác nhau để hai bên có thể liên kết lâu dài với nhau.

ngatrung0

Trung Quốc và Nga chưa bao giờ là đồng minh thực sự

Trong một bài phân tích ngày 15/09/2018 mang tựa đề không thể nhầm lẫn "Nga ve vãn Trung Quốc về mặt quân sự - Russia's military dalliance with China", tạp chí chính trị có uy tín Politico, trụ sở chính tại Mỹ, đã không ngần ngại cho rằng Moskva và Bắc Kinh tiến hành tập trận chung, nhưng "ít ai thấy được các dấu hiệu về một liên minh thực sự".

Không thể có 300.000 quân lính tham gia

Tạp chí Mỹ trước hết ghi nhận rằng các phương tiện truyền thông Nga do nhà nước kiểm soát đã rầm rộ "tung hô" quy mô hùng hậu của một cuộc thao diễn được cho là lớn nhất trong hàng chục năm gần đây, với sự tham gia đặc biệt của quân đội Trung Quốc. Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ cũng theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận.

Tuy nhiên, theo Politico, những người có kinh nghiệm thực tiễn về quân đội Nga đã cho rằng phải hết sức cẩn thận trước các số liệu do Moskva loan báo.

Theo tướng Ben Hodges, nguyên tư lệnh Lục Quân Mỹ tại Châu Âu, nay đã về hưu, thì có lẽ Nga đã "phóng đại quy mô" cuộc tập trận. Ông nhấn mạnh đến thói quen nói sai sự thật của Nga khi nhắc lại rằng vào năm ngoái, khi cho tiến hành cuộc tập trận Zapad 2017, Nga đã từng làm điều ngược lại, loan báo là họ chỉ huy động 13.000 quân trong khi mà "bất kỳ một người lính chuyên nghiệp và quan sát viên nào cũng đều thấy rằng lực lượng tham gia là khoảng 100.000 quân".

Còn theo ông Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga tại Trung Tâm Phân Tích Hải Quân Mỹ, một think-tank của chính quyền Hoa Kỳ, thì vì Nga không cho quan sát viên quốc tế đến theo dõi cuộc tập trận Vostok 2018, cho nên không ai kiểm chứng được các số liệu do Moskva cung cấp, tức là "quân đội Nga có thể thổi phồng số liệu về cuộc thao diễn".

Đối với chuyên gia này : "Cách an toàn nhất để tính là chia số liệu chính thức ra làm ba. Đó vẫn là một cuộc tập trận với quy mô to lớn, nhưng số người tham gia chắc hẳn ít hơn 100.000".

Nga không còn xem Trung Quốc là mối đe dọa

Yếu tố thứ hai mà tạp chí Mỹ chú ý là cuộc tập trận Vostok 2018 diễn ra trong bối cảnh quan hệ của Mỹ với cả Trung Quốc lẫn Nga đang xấu đi, 9 tháng sau khi Washington công bố chiến lược quốc phòng mới, chuyển trọng tâm vào mục tiêu "cạnh tranh chiến lược" với Moskva và Bắc Kinh.

Politico ghi nhận là một số chuyên gia về Nga đã cho rằng cuộc tập trận lần này đáng ngại hơn cho Mỹ vì có sự hiện diện của quân đội Trung Quốc – nhất là khi trước đấy, các cuộc thao diễn quân sự của Nga trong khu vực đều được cho là đã được thiết kế nhằm chống lại những cuộc tấn công của Trung Quốc.

Theo ông Jeffrey Mankoff cựu cố vấn về quan hệ với Nga tại bộ Ngoại Giao Mỹ, hiện là chuyên gia thuộc Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế CSIS : "Điểm khác trong cuộc tập trận năm nay là sự tham gia của Trung Quốc, dù ở quy mô tương đối nhỏ nhưng cũng đã gửi một tín hiệu (đến Mỹ)".

Chuyên gia Mỹ giải thích : "Nga đang nói với Bắc Kinh rằng Trung Quốc không còn là đối tượng cần ưu tiên trong chính sách của Nga Nga ở vùng Viễn Đông nữa, và báo hiệu cho Hoa Kỳ và NATO biết là nếu quan hệ song phương tiếp tục tồi tệ, thì Nga sẽ có các lựa chọn khác".

Nhà phân tích Kofman bổ sung : Nga và Trung Quốc "không phải đồng minh, nhưng để đối phó với áp lực từ Hoa Kỳ, họ đang báo hiệu rằng họ không còn xem nhau là mối đe dọa của nhau nữa".

Washington không tin vào sự lâu bền của liên minh Nga-Trung

Tuy vậy, theo Politico, giới quan chức Mỹ cấp cao có vẻ không mấy lo ngại trước xu hướng xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc, trước mắt được coi là một cuộc "hôn nhân vì lợi ích" và không có khả năng kéo dài do mâu thuẫn quyền lợi sâu sắc giữa Moskva và Bắc Kinh.

Vào đầu tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã xác định với báo giới rằng ông "không thấy có gì có thể gắn kết Nga và Trung Quốc trong lâu dài".

Nhiều chuyên gia khác cũng đồng quan điểm : Ông Mark Simakovsky thuộc trung tâm tham vấn Hội Đồng Đại Tây Dương, từng là quan chức giám sát chính sách đối với Nga tại Lầu Năm Góc thời tổng thống Obama phân tích : "Cuộc tập trận đó đã được lên kế hoạch hàng tháng nếu không muốn là hàng năm trước đây, vì vậy không thể nói đây là một cái gì được hình thành trong một sớm một chiều".

Có điều chuyên gia này cũng thận trọng, cho rằng ông không thấy dấu hiệu gì về một liên minh rộng lớn hơn nhằm chống Mỹ, nhưng rõ ràng hai nước Nga và Trung Quốc sẽ "tiếp tục hợp tác để phá hoại các lợi ích của Mỹ tại Châu Á".

Cựu cố vấn bộ Ngoại Giao Mỹ Mankoff cũng đồng quan điểm : "Vùng Viễn Đông Nga cách các vùng lãnh thổ của NATO rất xa, và tôi không nghĩ rằng Trung Quốc đang muốn lao vào cuộc đấu với NATO, hoặc là bị ràng buộc trong một liên minh với Nga".

Trung Quốc được lợi về quân sự khi tập trận với Nga

Về mặt chiến lược liên minh quân sự thực thụ Nga-Trung là một điều rất xa vời, nhưng theo Politico, về mặt thuần túy quân sự, cuộc tập trận Vostok 2018 cũng mang lại cho cả Nga lẫn Trung Quốc những lợi ích nhất định.

Cả hai quân đội Nga và Trung Quốc được hưởng lợi từ quy mô to lớn của cuộc tập trận. Dù con số thực tế về lực lượng tham gia thấp hơn rất nhiều so với những gì được loan báo, nhưng cuộc tập trận Vostok 2018 cũng rầm rộ hơn tất cả những cuộc tập trận tương tự mà NATO từng thực hiện, mà vào lúc đông nhất cũng chỉ có khoảng 40.000 quân.

Chuyên gia Ian Brzezinski, một cựu quan chức Lầu Năm Góc phụ trách giám sát chính sách của NATO và Châu Âu cho chính quyền George W. Bush cho rằng Vostok 2018 "nêu bật trọng tâm mà Nga đặt trên vấn đề triển khai nhanh chóng trên một địa bàn rất lớn và huy động lực lượng hùng hậu".

Còn chuyên gia Kofman thì nhắc đến việc cuộc tập trận cho phép Nga phổ cập những kinh nghiệm thu thập được trên chiến trường Syria gần đây như "cách thức hợp đồng binh chủng, tận dụng các nguồn thông tin, điều mà họ đã học nhờ theo dõi lâu dài cách làm của Hoa Kỳ và các đồng minh". Đối với ông Kofman, dù không nói rõ, nhưng "trong thực tế, Nga và Trung Quốc đã rèn luyện cách chống lại một cuộc tấn công từ phía Mỹ".

Riêng đối với Trung Quốc, Tướng Bill Hix, người mà trước khi về hưu vào mùa xuân qua còn lo việc giám sát nỗ lực hiện đại hóa của quân đội Mỹ, nhằm đối phó với một cuộc xung đột trong tương lai với một cường quốc quân sự lớn, đồng thời là một người theo dõi sát tình hình quân sự Nga, thì cuộc tập trận là "một cơ hội cho Trung Quốc để học hỏi cách Nga huy động và triển khai lực lượng, một lãnh vực mà Trung Quốc còn non yếu".

Chuyên gia Brzezinski tuy nhiên lại có nhận xét ngược lại. Đối với ông, trong thực tế thì Nga cần Trung Quốc hơn : "Tôi không nghĩ là Trung Quốc coi Nga là một đối tác chiến lược quan trọng… Sức mạnh quân sự của Trung Quốc hơn hẳn sức mạnh quân sự của Nga. Điều đang diễn ra chỉ là một sự hợp tác chiến thuật", chứ không phải là chiến lược.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Tổng thống Donald Trump vừa ký dự luật mới nhằm mở rộng quyền hạn trên toàn liên bang của Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (Committee on Foreign Investment in the United States - CFIUS) để điều tra và ngăn chặn – trên cơ sở an ninh quốc gia - những khoản đầu tư của Trung Quốc và các nước khác.

occident1

Lễ thượng kỳ Trung Quốc và Nga - Ảnh minh họa

Đầu tháng này, ông cũng đã ký Đạo luật ủy quyền quốc phòng (National Defense Authorization Act - NDAA) cho năm 2019, nói rõ Nga và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lâu dài của Mỹ và bao gồm một số quy định về việc ngăn chặn hoạt động gián điệp và quân sự. Những điều khoản này, cùng với các biện pháp trừng phạt mới nhất của Bộ Ngoại giao áp đặt lên nước Nga vì vụ đầu độc ở Anh [điệp viên 2 mang người Nga tên là Sergei Skripal –ND] là những nỗ lực trong thời gian gần đây của Mỹ nhằm ngăn chặn sự can thiệp ngày càng gia tăng của nước ngoài vào công việc của các chế độ dân chủ phương Tây.

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhà Trắng, thông qua tháng 12 năm 2017, thừa nhận rằng Mỹ đang tụt hậu về khả năng đẩy lùi chiến lược tấn công mới của Trung Quốc và Nga. Hơn nữa, trừ Australia, phương Tây để phần lớn tâm trí vào ảnh hưởng của Nga, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát triển và khuếch trương chiến thuật can thiệp của họ, bằng cách lợi dụng sức mạnh kinh tế đang gia tăng của mình và cộng đồng người Hoa ở nước ngoài.

Muốn chống lại sự xâm nhập của các chế độ độc tài - tham vọng của các chế độ này đã tăng lên trong mười lăm năm qua - các nước dân chủ trên toàn thế giới cần phải tìm các chiến lược mới thì mới có thể bảo vệ được chế độ dân chủ cởi mở và xã hội đã được số hoá của mình. Nhưng trước hết họ phải học cách phân biệt sự giống và khác nhau trong các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga.

Những điểm tương đồng có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử của đảng Leninist, mặt trận "thống nhất" và lợi dụng cộng đồng kiều dân ở nước ngoài và ảnh hưởng kinh tế có dây mơ rễ má từ những năm 1920. Nga có khoảng ba mươi triệu người nói tiếng Nga sống ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước thuộc Liên Xô cũ, nhưng cũng có kiều dân sống ở Đức (ước tính từ một đến bốn triệu), Israel (1,3 triệu) và Mỹ (900.000). Ở Ukraine, Gruzia và Moldova, Nga đã sử dụng một số người nói tiếng Nga sống ở những nước này làm lý do chiếm đất và reo rắc mầm mống ly khai.

Khoảng 50 triệu người gốc Trung Quốc đang sống ở các nước như Úc (1,2 triệu), Canada (1,8 triệu), và ở hầu hết các nước Đông Nam và Đông Bắc Á, người Mỹ gốc Trung Quốc lên tới khoảng năm triệu.

Kinh tế trước hết

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc gia tăng với tốc độ chưa từng thấy trong vòng từ 10 đến 15 năm qua làm gia tăng niềm tin vào Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vì vậy, họ đã tích cực tìm kiếm bạn bè và đàn áp đối phương trong cộng đồng Hoa kiều và thiết lập quan hệ với giới tinh hoa chính trị và kinh tế của nước ngoài. Những hoạt động như thế không chỉ lợi dụng mà còn phá hoại ngầm thực hành dân chủ ở phương Tây.

Nói đến chiến thuật gây ảnh hưởng thì sự khác biệt một trời một vực giữa GDP của Nga (1,5 nghìn tỷ USD, năm 2017), chỉ bằng một phần mười Trung Quốc (12 nghìn tỷ USD), đang tiến dần tới GDP của Mỹ (19 nghìn tỷ USD).

Trên trường quốc tế, nước Nga của Putin đã và đang lên gân lên cốt quá mức, một phần vì họ sẵn sàng huy động những nguồn lực hạn chế của mình cho mục đích đó (xuất khẩu khí đốt, tuyên truyền, gián điệp và năng lực trên không gian ảo) và một phần vì họ có vũ khí hạt nhân và đã từng là siêu cường. Do nền kinh tế dễ bị tổn thương của nước Nga, Mỹ và EU có thể tiếp tục cácbiện pháp trừng phạt nhắm vào Nga nhằm ngăn chặn các lĩnh vực khai thác năng lượng và công nghiệp của nước này. Nhữngbiện pháp cấm vận mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ dành cho Nga vì vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal ở Anh có hiệu lực từngày 22 tháng 8, còn Thượng viện thì đang xem xét dự luật với những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn vì vụ can thiệp vào cáccuộc bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, khó ngăn chặn Trung Quốc bằng những biện pháp kinh tế tương tự, mặc dù Tổng thống Trump, đang áp dụng những biện pháp tăng thuế nhập khẩu có thể nghĩ khác.

Các chiến lược nhằm kiềm chế Điện Kremlin và Bắc Kinh phải thừa nhận rằng cả hai nhà lãnh đạo độc tài đều được công chúngủng hộ, đặc biệt là vì họ muốn tạo được ảnh hưởng trong thế giới như các cường quốc và "quốc gia văn minh" - một cố gắng vô ích nhằm phục hồi niềm vinh quang trong quá khứ, thứ hai, họ muốn gây được ảnh hưởng trên toàn cầu tương xứng với địa vịkinh tế của nước mình.

Phản ứng như thế nào ?

Việc thông qua Đạo luật Foreign Investment Risk Review Modernization Act, mở rộng thẩm quyền của CFIUS, có thể trở thành một công cụ quan trọng của Mỹ và là mô hình cho châu Âu trong cuộc chiến tranh kinh tế hybrid (lai) hiện nay. Trong khi luật về CFIUS sửa đổi tập trung vào Trung Quốc và chuyển giao sở hữu trí tuệ và công nghệ, khuôn khổ của nó cũng phải được áp dụng cho các khoản đầu tư của Nga ở Mỹ, ví dụ, những khoản đầu tư của Gazprom Marketing and Trading ở Houston.

Phải có những công trình nghiên cứu rộng lớn hơn và cần phối hợp chính sách, và do đó, Mỹ cần thành lập trung tâm toàn cầu chuyên nghiên cứu các biện pháp chống lại mối đe dọa hybrid này. Trung tâm cam kết toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao (State Department’s Global Engagement Center) là khởi đầu tốt, nhưng hiện nay Trung tâm này tập trung chủ yếu vào tin giả. Trung tâm chống lại những mối đe dọa Hybrid (European Center of Excellence for Countering Hybrid Threats) của châu Âu ở Helsinki, do các nước thành viên EU và NATO thành lập, là ví dụ khác, nhưng cần phải mở rộng phạm vi hoạt động để nghiên cứu cả hành tung của Trung Quốc.

Mỹ và Châu Âu có thể học hỏi kinh nghiệm của Australia, tháng 6 vừa qua nước này đã thông qua Luật về Sự Can thiệp của Nước ngoài. Bộ luật này coi những phương pháp mới nhằm tạo ảnh hưởng và hoạt động gián điệp chủ yếu là của Trung Quốc là tội phạm hình sự. Bộ luật mới mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp ra khỏi những hình thức gián điệp thông thường và bao quát cả những hoạt động, ví dụ, những hành động do nước ngoài tổ chức nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình hợp pháp của những người phản đối nước đó và dùng bọn tay sai ở nước ngoài để can thiệp vào các cuộc bầu cử dân chủ.

Thiếu quy định và dòng tài chính xuyên biên giới thiếu minh bạch ngày càng trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và cũng là nguồn gốc của tội phạm hình sự. Cần phải củng cố hơn nữa năng lực thực thi của Mạng lưới chống tội phạm tài chính của Bộ Tài chính Mỹ.

Những biện pháp phản ứng trước việc Nga xuất khẩu tham nhũng và rửa tiền cũng phải được áp dụng cho những hành động nhằm mục đích tạo ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc.

Hiện nay, Tập Cận Bình có khả năng sẽ lãnh đạo đất nước cho tới lúc chết và Vladimir Putin vừa tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư, chương trình nghị sự của họ sẽ "thọ" hơn chiến lược của bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây nào. Muốn bảo vệ các giá trị dân chủ trong thế giới kỹ thuật số toàn cầu hoá, không để chủ nghĩa độc tài mới phá hoại thì Washington, Brussels, Canberra, và tất cả những nơi khác cần phải xây dựng cho mình tư duy dài hạn.

Đối với các chế độ dân chủ trên thế giới, kỷ nguyên mới của chiến tranh chính trị đã bắt đầu. Cần phải có ngay chiến lược phòng thủ mang tính sáng tạo.

Agnia Grigas Clive Hamilton

Nguyên tác : Democracies Beware : Russia and China are on the Offensive, The National Interest, 23/08/2018

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn : VNTB, 30/08/2018

Agnia Grigas, là thành viên hội đồng Atlantic Council, tác giả cuốn Beyond Crimea : The New Russian Empire

Clive Hamilton, làm việc tại Charles Sturt University, tác giả cuốn Silent Invasion : China’s Influence in Australia.

Published in Diễn đàn

Hai mươi năm trước, niềm hân hoan trước thắng lợi của dân chủ hóa ra là sai lầm, nhưng chiến thắng của chế độ độc tài hiện nay cũng có thể là không kéo dài

ngatrung1

Một người selfie với bức họa chân dung Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh : RIA Novosti, Vitaliy Belousov

Nếu trong thế kỷ XX chúng ta đã sống trong thế giới của những cuộc xung đột mang tính ý thức hệ, thì trong thế kỷ XXI, chúng ta đang sống trong thế giới của những cuộc đụng độ địa chính trị - ít nhất, đây là ý kiến ​​được nhiều người chấp nhận. Nhưng công nghệ đang phát triển nhanh đến mức chẳng bao lâu nữa thế giới của những xung đột địa chính trị có thể chuyển sang mức độ xung đột khác. Chẳng bao lâu nữa lục địa Á-Âu có thể sẽ mất cân bằng, vì những chế độ độc đoán đang gây ra bất ổn tại Moscow và Bắc Kinh có thể không còn ổn định.

Tháng 12 năm 1997, tôi công bố bài báo trên trang bìa của tờ Atlantic với nhan đề là "Was Democracy Just a Moment ?" (Dân chủ chỉ là khoảnh khắc ?). Đó là giai đoạn lạc quan vô bờ bến của giới tinh hoa cầm quyền trước chiến thắng của chế độ dân chủ trên toàn thế giới. Tôi đưa ra ý tưởng nói rằng niềm hân hoan sẽ không kéo dài và chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện những hình thức mới của chế độ độc tài. Luận cứ của tôi hình thành trên kinh nghiệm cá nhân, trong vai trò phóng viên nước ngoài ở nhiều nước, nơi những cuộc bầu cử được tổ chức mà không có các thiết chế bầu cử và tầng lớp trung lưu đang hình thành. Hiện nay, kinh nghiệm của tôi, như một độc giả và phóng viên nước ngoài lại cung cấp cho tôi một ý tưởng nữa : quá trình ngóc đầu dậy chủ nghĩa độc đoán mà tôi dự đoán cách đây 20 năm cũng có thể là hiện tượng sớm nở tối tàn.

Phúc lợi của tầng lớp trung lưu gia tăng đến chóng mặt và quá trình phát triển công nghệ thường diễn ra trong hệ thống độc đoán hoặc nửa độc đoán, tạo áp lực lên chính phủ, buộc chính phủ phải chú ý hơn tới nhu cầu của người dân. Nga và Trung Quốc là những ví dụ nhãn tiền về những xu hướng này. Hiện nay, họ đang đối mặt với cái mà tôi gọi là cái bẫy Samuel Huntington. 

Huntington, mất năm 2008, là một trong những nhà nghiên cứu chính trị sắc sảo nhất của Mỹ. Nhà khoa học của Đại học Harvard nổi tiếng với khái niệm "sự xung đột giữa các nền văn minh" mà ông đã đưa ra vào năm 1993, được khẳng định bằng vụ xung đột trong thời gian gần đây giữa phương Tây và Hồi giáo. Nhưng, tác phẩm vĩ đại nhất của Huntington với nhan đề Political Order in Changing Societies (Trật tự chính trị trong những xã hội đang thay đổi) lại được xuất bản vào năm 1968. Một trong những tư tưởng quan trọng nhất của công trình này là quá trình hình thành tầng lớp trung lưu đông đảo có thể dẫn đến bất ổn chính trị, nếu các thiết chế của chính phủ không thể đồng thời trở nên hiệu quả hơn và có khả năng phản ứng nhanh hơn.

Có khả năng là, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng đe dọa phương Tây bằng cách xây dựng tiềm lực quân sự và thái độ hung hăng của mình. Nhưng ông ta sẽ cai trị chứ không quản trị. Ở Nga, không có thiết chế hiệu quả nào, ngoài một nhóm các đầu sỏ chính trị Châu tuần xung quanh nhà lãnh đạo. Công dân Nga tin rằng, về khía cạnh kinh tế, sau giai đoạn hỗn loạn dưới thời Yeltsin, hồi những năm 1990, cuộc sống của họ đang tiến tới tình trạng bình thường. Tuy nhiên, mặc dù chất lượng đời sống đã có cải thiện, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, các thiết chế ở nước Nga hầu như không phát triển. Vì Putin đang già đi, tình trạng ổn định của nước Nga không phải là đương nhiên. Ở những vùng ngoại ô của đế chế này, hoàn toàn có khả năng là đang manh nha một phiên bản nào đó của Nam Tư cũ. Nga sẽ rất may mắn nếu những vấn đề của nước này cũng tương tự như các vấn đề của Mỹ.

Cho đến gần đây, Trung Quốc đã tiến theo con đường dẫn tới hệ thống độc tài khai minh. Chế độ quản trị tập thể của các nhà kỹ trị đã góp phần hình thành các thiết chế ổn định và giới hạn thời gian nắm quyền của nhà lãnh đạo là một trong những cơ sở quan trọng nhất của hệ thống này. Nhưng việc phong vương, trên thực tế, cho Chủ tịch Tập Cận Bình như nhà lãnh đạo suốt đời của Trung Quốc đã đặt dấu chấm hết cho quá trình này. Chế độ chuyên chính kéo theo hiện tượng sùng bái cá nhân và bãi bỏ hệ thống lãnh đạo tập thể, mà đấy chính là nền tảng của quá trình xây dựng thể chế. Và những sự kiện này xảy ra đúng vào lúc tầng lớp trung lưu Trung Quốc tiếp tục phát triển, mặc dù nhà nước Trung Quốc đang bắt đầu sử dụng các công nghệ như nhận dạng mặt người và những bài viết và tìm kiếm trên mạng để theo dõi cuộc sống của người dân, cả trên mạng lẫn ngoài đời thực.

Xã hội Trung Quốc đang bước vào giai đoạn, trong đó tất mọi người đều trở nên giàu có hơn và bắt đầu đòi hỏi chính phủ phải có trách nhiệm hơn. Đây là cơ sở của khái niệm mà Huntington đưa ra trong tác phẩm Trật tự chính trị trong những xã hội đang thay đổi. Trong quá trình phát triển của xã hội, bất ổn chính trị không bao giờ chấm dứt : chỉ đơn giản là chuyển sang những giai đoạn bất ổn mới. Đấy chính là lý do vì sao chính trị lại đầy bão tố.

Giới tinh hoa Mỹ, vốn sợ các chế độ độc tài của Nga và Trung Quốc, tin rằng thế giới đã đạt được trạng thái ổn định. Nhưng không phải như thế. Việc kiểm soát tư duy của người dân mà chế độ cộng sản Trung Quốc đang tìm cách thực hiện sẽ có hiệu quả trong một thời gian nào đó. Tuy nhiên, cuối cùng, nó sẽ dẫn tới chứng rối loạn tâm thần, gây hấn và lo lắng trên bình diện cá nhân. Kết quả là, sẽ xảy ra những vụ bùng nổ xã hội mới.

Công nghệ làm cho những xã hội rất khác nhau rơi vào trình trạng mất ổn định. Xin hãy nhìn vào nước Mỹ. Nếu không có những cuộc thăm dò dư luận bất tận và không có sự phân cực được Internet thúc đẩy thì không khí chính trị sẽ trở bình lặng hơn rất nhiều. Năm 2016, những vụ mặc cả sau cánh gà có thể đã đưa ra được ứng cử viên tổng thống Cộng hòa truyền thống hơn là những cuộc bầu sơ bộ. Tuy nhiên, bất ổn chính trị hiện nay ở Mỹ - với tất cả các rủi ro vốn có - lại mang sẵn trong mình nó tiềm năng tự điều chỉnh. Người Mỹ bầu cử ở cấp địa phương, bang và liên bang, việc này tạo điều kiện cho họ và giới tinh hoa phản ứng và thích ứng với tình hình luôn thay đổi.

Nga và Trung Quốc nằm trong tình trạng khác hẳn.

Nước Nga là ngôi nhà đã bị nghiêng và một lúc nào đó có thể đổ. Trung Quốc là một cơ cấu vững chắc, nhưng nước này đang từng bước trở thành thùng thuốc súng xã hội bị nén chặt, và công dân nước này ngày càng có ít cơ hội thể hiện sự bất mãn và thất vọng của mình. Về mặt lý thuyết, có khả năng là Tập [Cận Bình], sau khi trở thành Chủ tịch suốt đời, sẽ bắt đầu thực hiện chương trình cải cách kinh tế triệt để. Nhưng, nếu làm như thế, người dân sẽ đòi hỏi và hướng tới quyền tự do cá nhân mạnh mẽ hơn, trong khi chế độ tìm mọi cách kiểm soát và cuối cùng là hủy bỏ những quyền tự do này.

Trong ngắn hạn, trong khi Nga và Trung Quốc củng cố quân đội và tăng cường đàn áp nội bộ, hai nước này sẽ tiếp tục xung đột với phương Tây. 

Nhưng, cũng như giai đoạn khởi đầu thời Chiến tranh Lạnh, các chính trị gia của chúng ta phải có khả năng tách mình ra khỏi tình hình hiện nay thì mới hiểu được những khó khăn mà kẻ thù của chúng ta sẽ gặp trong khi họ tìm cách bảo vệ hệ thống của mình. Và, nếu hệ thống của họ sụp đổ trong vòng 10-20 năm tới, lục địa Á-Âu - nơi Nga và Trung Quốc đang là các trụ cột mang tính tổ chức – sẽ bị mất ổn định nghiêm trọng. Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho cuộc đấu tranh, trong khi vẫn phải giữ thái độ lạc quan. Chế độ dân chủ là người thành công hơn trên cuộc đua đường dài.

Robert D. Kaplan

Nguyên tác : Как Россия и Китай могут потерять над собой контроль, bản tiếng Nga tại Inosmi, The Wall Street Journal, 26/03/2018.

Phạm Nguyên Trường

dịch qua bản tiếng Nga

Nguồn : VNTB, 28/03/2018 

Robert D. Kaplan là cộng tác viên Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ và cố vấn cao cấp Eurasia Group. Tác phẩm Vạc dầu Châu Á (Asia's Cauldron) của ông đã được dịch sang tiếng Việt. Tác phẩm mới nhất The Return of Marco Polo's World : War, Strategy, and American Interests in the Twenty-First Century vừa xuất bản trong năm nay.

Published in Diễn đàn

Bắc Triều Tiên : Nga lo ngại căng thẳng sau "bước lùi" của Mỹ (RFI, 17/12/2017)

Thứ trưởng ngoại giao Nga Serguei Riabkov hôm 16/12/2017 cảnh báo về nguy cơ căng thẳng gia tăng "không thể kiểm soát nổi" trên bán đảo Triều Tiên sau khi ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington rút lại đề nghị "đối thoại vô điều kiện" với Bình Nhưỡng.

btt1

Người Bắc Triều Tiên đến viếng tượng của Kim Nhật Thành và Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng, nhân ngày giỗ thứ 6 của Kim Jong-il 17/12/2017. Ảnh do hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp. KCNA/via Reuters

Phát biểu với hãng tin Nga Ria Novosti, ông Serguei Riabkov tuyên bố : "Thật buồn khi thấy Mỹ lại một lần nữa yêu cầu Nga và Trung Quốc tăng cường gây áp lực đối với Bắc Triều Tiên (…). Đã tới lúc ngưng đe dọa, gây áp lực và đặt điều kiện. Cần phải tìm kiếm một giải pháp chính trị thực sự". Theo Reuters, ông Serguei Riabkov lo ngại bán đảo Triều Tiên sẽ rơi vào "tình hình vô cùng nguy hiểm".

Còn trong ngày hôm nay 17/12, bộ ngoại giao Hàn Quốc thông báo ngoại trưởng nước này, bà Kang Kyung Wha, sẽ sang Nhật Bản vào ngày thứ Ba 19/12 để trao đổi với đồng nhiệm Nhật Bản. Seoul và Tokyo đang tìm cách tăng cường hợp tác để đương đầu với chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Đây là chuyến công du Nhật Bản đầu tiên của bà Kang Kyung Wha trên cương vị ngoại trưởng.

Cũng trong ngày hôm nay 17/12, theo nguồn tin của cảnh sát Úc, một người đàn ông Úc, 59 tuổi, gốc Bắc Triều Tiên, đã bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Người này - bị cáo buộc là "gián điệp của Bắc Triều Tiên" - đã bán các bộ phận cấu thành, sơ đồ lắp đặt tên lửa, phần mềm công nghệ và than của Bắc Triều Tiên ra "thị trường đen quốc tế" để thu ngoại tệ cho Bình Nhưỡng. Nghi can hiện đang bị tạm giam.

Theo cảnh sát liên bang Úc, nếu phi vụ trên thành công, người này có thể mang về cho chế độ Kim Jong-un hàng trăm triệu đô la. Nhà chức trách Úc từ chối tiết lộ cá nhân, tổ chức nào có khả năng mua các loại tài liệu đó, nhưng khẳng định không một chính phủ hay quan chức chính phủ nào của các nước có liên quan đến vụ việc.

Riêng tại Bắc Triều Tiên, vào hôm nay, chính quyền Bình Nhưỡng tổ chức kỷ niệm 6 năm ngày Kim Jong-il (tức là cha của Kim Jong-un) qua đời.

Thùy Dương

*************************

Seoul khẳng định đã hóa giải được rào cản về THAAD với Bắc Kinh (RFI, 17/12/2017)

Một quan chức Hàn Quốc ngày 17/12/2014 cho biết hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đã "vượt qua được rào cản liên quan đến hệ thống lá chắn chống tên lửa tầm cao - THAAD", nhân cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần rồi tại Bắc Kinh.

btt2

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 14/12/2017. Nicolas ASFOURI / POOL / AFP

Theo quan chức cao cấp này, tuy hồ sơ THAAD chưa được giải quyết hoàn toàn, nhưng "mức độ và cường độ Trung Quốc đề cập đến hồ sơ này đã giảm đi rõ rệt". Bằng chứng là hôm 14/12, trong suốt 5 tiếng đồng hồ nói chuyện về Bắc Triều Tiên, các mối quan hệ song phương và nhiều hồ sơ khác, chủ tịch Trung Quốc chỉ một lần nhắc đến hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.

Vẫn theo lời quan chức cao cấp này, cuộc gặp thượng đỉnh đã giúp cho đôi bên thiết lập các cơ sở quan trọng mới để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Cả hai nguyên thủ đã thống nhất 4 nguyên tắc chính cho việc xử lý tình hình bán đảo : không để xảy ra bất kỳ cuộc chiến nào trên bán đảo, phi hạt nhân hóa bán đảo, giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân và cải thiện quan hệ liên Triều.

Cuối cùng vị quan chức này cho biết thêm rằng mối quan hệ cá nhân giữa tổng thống Moon và đồng nhiệm Trung Quốc đã có những cải thiện rõ nét, gần gũi hơn so với hai lần gặp trước tại Berlin (Đức) hồi tháng 7 và tại Đà Nẵng (Việt Nam) vào trung tuần tháng 11/2017 nhân thượng đỉnh APEC.

Minh Anh

Published in Quốc tế
Trang 2 đến 2