Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/07/2020

Nga và Trung Quốc giương móng vuốt đe dọa… thế giới

RFI tổng hợp

Đức : Mục tiêu can thiệp mới của Nga và Trung Quốc (RFI, 29/07/2020)

Đức trở thành mục tiêu chính trong chiến lược can thiệp và gây ảnh hưởng của hai nước Nga và Trung Quốc. Theo nghiên cứu được Viện Royal United Service Institute (RUSI) của Anh, được công bố ngày 29/07/2020, nền kinh tế hàng đầu Châu Âu đang "trên tuyến đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới".

ngatrung1

Đức, mục tiêu can thiệp mới của Nga và Trung Quốc. Tình hình sẽ càng nhạy cảm khi Angela Merkel rời ghế thủ tướng.  Hayoung JEON / Pool / AFP

Trang Sky News trích nhận định của tác giả John Khampfner, nhà báo và là nhà nghiên cứu của RUSI : "Chiến thuật (can thiệp và gây ảnh hưởng) được Trung Quốc và Nga sử dụng khá đa dạng". Nga tập trung vào hoạt động chính trị chính thức, "tìm cách phá vỡ niềm tin của công chúng vào các thể chế dân chủ". Trong khi đó, "Trung Quốc tập trung chủ yếu vào lợi ích kinh tế".

Bà Angela Merkel, thủ tướng Đức đương nhiệm, sẽ rời chức vụ vào năm 2021. Theo tài liệu trên, người kế nhiệm sẽ phải nghiên cứu khả năng dễ bị tổn thương của Đức trước Nga và Trung Quốc. Một mặt, Đức bị phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu sang Trung Quốc, mặt khác, nhiều doanh nghiệp Đức đã bị Trung Quốc mua lại và Berlin đã thức tỉnh chậm trễ.

Đối với Nga, tác giả bản nghiên cứu nhấn mạnh đến khoảng cách địa lý gần và khả năng đối thoại của Đức với Nga, đặc biệt là về tình hình Đông Âu. Tuy nhiên, tổng thống Vladimir Putin và cỗ máy tuyên truyền tinh vi đã "sử dụng các chính đảng ở Đức để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược" của Moskva, như trường hợp hai đảng cực hữu AfD (Alternative für Deutschland) và cực tả Die Linke, đã mở rộng ảnh hưởng tại Đức.

Cuối cùng, tài liệu nêu lên ba sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng đến ổn định tương lai của Châu Âu và phương Tây : bầu cử tổng thống Mỹ, bầu lãnh đạo đảng CDU (người sẽ là tân thủ tướng Đức) và các cuộc bầu cử cấp bang tại Đức.

Thu Hằng

********************

Mỹ : Tên lửa phòng không Nga và Trung Quốc ngày càng hoàn thiện (RFI, 29/07/2020)

Ngày 28/07/2020, bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần không thể thiếu trong cuộc đua giữa các siêu cường, đồng thời cảnh báo là Nga và Trung Quốc đang phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng hiệu quả. 

ngatrung2

Trụ sở bộ Quốc phòng Mỹ.  Reuters

Trang mạng bộ Quốc Phòng Mỹ dẫn lời một số quan chức cho rằng "Trung Quốc và Nga đang phát triển những hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng hiện đại, với số lượng ngày càng nhiều và đưa những hệ thống này vào trong chiến lược phòng thủ vào lúc Nga và Trung Quốc đang cạnh tranh với nước Mỹ".

Theo trang mạng này, Nga vừa cho nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo A-135 có từ thời Liên Xô cũ. Hệ thống phòng thủ này gồm 68 tên lửa bắn chặn có gắn đầu đạn hạt nhân, vừa được trang bị thêm nhiều ra-đa mới và được cập nhật mới hệ thống điện tử. Với chiến dịch nâng cấp tên lửa này, Nga gần như trở thành một mối đe dọa trong một thời gian không xa. Mối nguy lớn nhất có thể có là phóng xạ phát ra từ một cuộc bắn chặn có thể làm ô nhiễm hàng ngàn mẫu đất nông thôn.

Các quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ còn báo động Nga sắp đưa vào hoạt động hệ thống tên lửa S-500, ban đầu được dự kiến vận hành vào năm 2025. Tuy S-500 được thiết kế để bắn chặn các loại tên lửa tầm trung và ngắn, nhưng giới quân sự Nga khẳng định hệ thống này có thể phòng thủ chống các loại tên lửa đạn đạo, hành trình và siêu thanh.

Ngoài nước Nga, bộ Quốc Phòng Mỹ còn cảnh báo hiểm họa đến từ Trung Quốc. Sách Trắng Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định phòng thủ tên lửa là một chiến lược chủ đạo trong tham vọng quân sự. Tuy hiện tại Bắc Kinh còn lệ thuộc nhiều vào hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và S-400 của Nga, nhưng Trung Quốc cũng đang nỗ lực nghiên cứu và đầu tư để củng cố khả năng của nước này.

Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, song song với hệ thống phòng thủ HQ-19, rất có thể sẽ được sử dụng để phòng thủ chống các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, được dự trù vào năm 2021, Bắc Kinh dường như cũng đang phát triển tên lửa bắn chặn hành trình. 

Nếu như Trung Quốc tuyên bố đã cho bắt đầu thử nghiệm từ tháng 2/2018, nhiều quan chức quân sự Mỹ đánh giá có nhiều khả năng tên lửa chưa thể được đưa vào vận hành vào cuối năm 2020, đồng thời dự báo loại vũ khí này có nhiều khả năng là để chống tên lửa đạn đạo tầm trung và rất có thể được cải tiến để tấn công các tên lửa liên lục địa và được phóng từ tầu ngầm.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 594 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)