Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/07/2020

Điểm báo Pháp - Thị trường béo bở của hộ chiếu trốn dịch

RFI tiếng Việt

Covid-19 và thị trường béo bở của hộ chiếu trốn dịch

Trang nhất báo Pháp ngày 30/07/2020 thật đa dạng. Trong lúc La Croix nêu bật cuộc chinh phục Sao Hỏa được đẩy mạnh trở lai, Le Figaro chú ý đến phong trào chống điện gió đang vươn lên tại Pháp. Libération lo ngại trước nạn kỳ thị chủng tộc trong giới cảnh sát, còn Les Echos nhấn mạnh đến nguy cơ kinh tế Pháp không hồi phục lại được vì dân quá tiết kiệm.

visa1

Bãi biển Saint Raphael (Chypre) ngày 29/07/2020. Nhờ Covid-19, đảo quốc Chypre đã trở thành một "thiên đường" trốn dịch.  AP - Petros Karadjias

Riêng Le Monde như đã chạy một tựa kép, với tít lớn về dịch Covid-19 tại Pháp, bên cạnh lời giới thiệu kèm theo chân dung của gương mặt đấu tranh cho nữ quyền Gisèle Halimi qua đời ngày 28/07/2020.

Dưới hàng tựa "Gisèle Halimi, những bài học từ một cuộc đời", Le Monde đã trích dẫn một câu nói của người được tờ báo trân trọng gọi là một luật sư và nhà đấu tranh cho nữ quyền, từng được bầu làm dân biểu Pháp vào năm 1982.

Gisèle Halimi : "Đàn ông có điên mới coi nhẹ đóng góp của phụ nữ"

Trả lời nữ ký giả Annick Cojean của Le Monde vào năm ngoái 2019, Gièle Halimi đã khẳng định : "Phụ nữ có điên thì mới không tin vào mình, còn đàn ông có điên thì mới coi nhẹ đóng góp của phụ nữ".

Trong một hồ sơ dài 6 trang bên trong, tờ báo đã điểm lại "quá trình" của nhà đấu tranh hàng đầu của Pháp cho nữ quyền. 

Còn về dịch Covid-19, Le Monde chạy tựa "Chỗ điều trị hồi sức dành cho người cao niên đã bị hạn chế" vào lúc dịch Covid-19 hoành hành dữ dội.

Theo số liệu mà tờ báo tham khảo được, lúc cao điểm của dịch bệnh, chỉ có 14% bệnh nhân trong các khoa hồi sức là hơn 75 tuổi. Số liệu này gây thắc mắc và làm dấy lên câu hỏi: phải chăng người cao tuổi bị gạt ra khỏi bệnh viện vì thiếu chỗ?

Theo Le Monde thì quả đúng là có chuyện này tại một số vùng.

Le Figaro cũng chú ý đến Covid-19, nhưng nhìn sang Châu Mỹ Latinh, nêu trường hợp "Mexico sắp thành nước thứ 3 trên thế giới về ca tử vong do virus corona".

Theo Le Figaro, nhà dịch tễ học Hugo Lopez-Gatell, ngay từ đầu đã nhấn mạnh dịch virus corona ở xứ ông sẽ kéo dài, quả nhiên là có lý. Số ca tử vong tại Mexico vì virus corona sắp vượt qua ngưỡng 45.000 người và không có dấu hiệu là "đợt 1" lây nhiễm tại đây sắp kết thúc trong khi mà Châu Âu đang lo ngại "đợt 2".

Thị trường béo bở hộ chiếu trốn dịch Covid-19!

Về Covid-19, Le Monde tuy nhiên đã khai thác một chủ đề rất lý thú qua bài phóng sự ở trang kinh tế mang tựa đề : "Thị trường béo bở của hộ chiếu trốn dịch Covid-19", nêu lên cụ thể trường hợp ba đảo quốc Vanuatu, Chypre hay Saint-Lucia.

Le Monde hóm hỉnh nhận định: Sau các thiên đường thuế thì đã xuất hiện những "thiên đường không Covid-19". Từ lúc bắt đầu biện pháp phong tỏa, nhiều tỷ phú, triệu phú trên thế giới đã không tiếc tiền mua, với giá cực cao, giấy phép cư trú và hộ chiếu, để có thể đến các nước mà virus "tha", qua đó tránh được dịch bệnh, tránh được cơ sở y tế tồi tệ ở đất nước họ...

Konstantin Kaminsky, đồng giám đốc công ty Astons ở Luân Đôn, có nhiều sáng kiến, giải pháp trong lãnh vực này, giải thích với Le Monde : "Những người rất giàu có ở các nước nghèo đã bị kẹt lại trong nước họ ngay trong lúc dịch bệnh, trong khi họ có thói quen đi chữa bệnh ở nước ngoài".

Nhiều người sợ hệ thống y tế đất nước họ hay vì một lý do nào khác, dứt khoát không muốn chữa trị trong nước. Trong thời kỳ phong tỏa, đóng cửa biên giới, thì cần thiết phải mua được quyền cư trú. Đây là kế hoạch B dành cho người giàu nhất.

Giá hộ chiếu trốn Covid từ 130.000 đến 2 triệu euro

Trên bình diện giá cả, thì hời nhất là hộ chiếu Vanuatu, "chỉ" tốn 130.000 euro và trong vòng 1 tháng, hộ chiếu được bưu điện giao tận nhà. Đây là hộ chiếu rẻ nhất và nhanh nhất.

Mặt tiện lợi là, với hộ chiếu này, doanh nhân Mỹ có thể dễ dàng đến Trung Quốc trong thời buổi quan hệ căng thẳng, còn những người giàu có ở nước nghèo không phải làm thủ tục rắc rối xin visa.

Điểm bất tiện là nó không cho phép ở quá sáu tháng tại một nước. Trong thời buổi Covid-19 hoành hành, thời gian cư trú ngắn này khá bất lợi.

Trong hoàn cảnh hiện nay, giấy phép cư trú được đặc biệt ưa chuộng là giấy phép của Chyprus, một thành viên Liên Hiệp Châu Âu nằm ở Địa Trung Hải, ở gần vùng Vịnh rất thuận lợi. Cho đến nay, đảo quốc trên 1,2 triệu dân này chỉ có khoảng 1.000 người bị Covid-19. Bệnh viện lại không bao giờ quá tải.

Giấy phép cư trú của Chyprus có thể được đổi thành hộ chiếu Châu Âu trong vòng mấy tháng. Dĩ nhiên cái giá phải trả cao hơn hộ chiếu Vanuatu khá nhiều: 2 triệu euro đầu tư trong bất động sản.

Cảnh sát Pháp cũng kỳ thị chủng tộc

Như nói ở trên, Libération đã dành tít lớn để đề cập đến nạn "Kỳ thị chủng tộc trong ngành cảnh sát"

Theo ghi nhận của Libération, thái độ kỳ thị nhan nhản trong giới cảnh sát ở Pháp, nhất là trong thành phần cảnh sát trẻ có khuynh hướng cực hữu, và họ có hành vi hay lời lẽ kỳ thị đối cả với đồng nghiệp, chứ không riêng gì đối với người bị câu lưu.

Có điều ít ai đề cập đến hiện tượng này. Giữa các đồng đội với nhau, quy tắc vàng là im lặng, và "không bao che tức là phản bội", còn cấp trên có vẻ lơ là, không chú ý.

Vấn đề là hiện nay một số người trong ngành không chịu nổi thái độ này nữa và công khai báo động, nêu bật vấn đề trước truyền thông. Libération đã gặp một trong những người này, ông Amar Benmohamed, và một số cảnh sát đã dám lên tiếng.

Tờ báo dành 5 trang cho chủ đề này với cả phần phỏng vấn các nhà xã hội học. Trong bài xã luận, Libération nêu bật một giải pháp là phải nhấn mạnh trên khía cạnh này trong các trường đào tạo cảnh sát.

Giới chống điện gió phản công

Cũng chú ý đến nước Pháp, Le Figaro dành tựa trang đầu cho sự kiện "Phong trào chống điện gió đang cứng rắn hơn".

Theo tờ báo các hiệp hội và đại biểu dân cử tại Pháp, vốn ngày càng phản đối việc phát triển quá nhiều bãi điện gió, đã không còn hành đông riêng rẽ nữa, mà đã quyết định hợp sức lại.

Theo Le Figaro, 165 hiệp hội đã cùng nhau đưa lên một đơn kiện chung, chống lại một đề án muốn nhân gấp 2,5 lần các trụ điện gió ở vùng Nouvelle-Aquitaine, miền tây nam nước Pháp, nơi đã có sẵn 600 trụ điện gió.

Trong lúc chính phủ muốn đẩy mạnh việc phát triển điện gió, các hiệp hội này cho rằng phát triển quá nhiều như thế không có lợi, vừa phá hoại cảnh quan, vừa không kinh tế vì giá vẫn cao.

Tiết kiệm có hại cho kinh tế ?

Trung thành với mục đích của mình, nhật báo Les Echos hôm nay dành tựa trang nhất cho chủ đề : "Tiết kiệm : Kịch bản đe dọa sự hồi phục kinh tế".

Đối với tờ báo, sau khi lâm vào tình trạng bị bắt buộc phải tiết kiệm vì không có gì nhiều để mua sắm vào thời kỳ phong tỏa, người dân Pháp vẫn tiếp tục dành dụm tiền bạc, kể cả khi phong tỏa được nới lỏng.

Nỗi lo về một đợt dịch thứ hai, về khủng hoảng kinh tế cận kề đã khiến cho người dân duy trì thái độ thận trọng, đe dọa đà hồi phục của một nền kinh tế mà một trong những động lực là sức tiêu thụ.

Chính quyền đã có những biện pháp khuyến khích tiêu thụ, làm dấy lên tranh cãi trong giới chuyên gia kinh tế.

"Mục tiêu Sao Hỏa"

Nhật báo công giáo Pháp đã dành hồ sơ chính để nói về sự kiện vào hôm nay, 30/07, Hoa Kỳ sẽ phóng lên hỏa tinh một con robot thăm dò đặt tên là Perseverance.

Sự kiện này đáng chú ý vì đây là một chuyến thám hiểm Sao Hỏa thứ ba được khởi động trong tháng 7 này sau hai chuyến của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Trung Quốc.

Thủ tướng Modi khiến nền dân chủ Ấn Độ chệch hướng

Về Châu Á, Le Monde đã có một phân tích dài về Ấn Đô, nêu bật mánh khóe của thủ tướng Narendra Modi để chiêu dụ người của phe đối lập trong một bài phóng sự dài mang tựa đề: "Tại Ấn Độ, Narendra Modi làm nền dân chủ chệch hướng đi".

Trong mắt tác giả bài viết Sophie Landrin, một năm sau khi tái đắc cử vinh quang, thủ tướng Modi càng cho thấy sự ham mê quyền lực. Ý muốn triệt hạ đảng đối lập, đảng Quốc Đại, không mảy may suy giảm.

Để đạt mục tiêu, đảng của ông đã không từ bất kỳ mánh khóe nào, liên tục mua chuộc, lôi kéo người của đối phương. Ông Modi đã từng thành công lôi kéo người của đối thủ ở một số bang như Karnataka, Madhya Pradesh, Goa, Manipur… nhưng vố đau mới nhất đối với đảng Quốc Đại là ở bang Rajasthan, 68 triệu dân, nơi mà phe đối lập đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2018.

Từ hai tuần nay, đảng Quốc Đại ở đấy đã bị khủng hoảng chính trị nghiêm trọng do tranh chấp nội bộ : Gương mặt trẻ đầy hy vọng của đảng Quốc Đại, Sachin Pilot, đã quay lại chống người lãnh đạo cao niên cùng đảng đang lãnh đạo chính quyền ở đó.

Chính quyền Modi bị tố cáo đứng sau giựt dây, trong lúc Ấn Độ vừa bị khủng hoảng kinh tế và Covid-19 hoành hành.

Malaysia : Án tù đối với Najib Razak, một điểm son cho tư pháp

Chủ đề Châu Á khác được báo Le Monde quan tâm là phán quyết của tòa án Malaysia đối với cựu thủ tướng Najib Razak. Le Monde chay hàng tựa vừa hài lòng vừa gay gắt: "12 năm tù cho ‘nhà đạo tặc trị – kleptocrate’ Najib Razak, một điểm son dân chủ ở Malaysia".

Bruno Philip, một nhà báo kỳ cựu của Le Monde về Châu Á, khen ngợi: Phán quyết của một thẩm phán tòa án Kuala Lumpur là điều chưa từng thấy trong lịch sử Malaysia. Cựu thủ tướng thất cử năm 2018, bị kết án 12 năm tù về tội tham nhũng, rửa tiền, lạm quyền, và còn phải trả 210 triệu ringgits - 42 triệu euro - tiền phạt.

Theo Le Monde, một phán quyết như thế rất đáng khen đối với một người như thế, trong một đất nước mà sự tin tưởng, uy tín về dân chủ đã sụp đổ đặc biệt là trong 9 năm cầm quyền của ông Najib Razak.

Tác giả bài báo không chút thiện cảm nhắc lại 9 năm cầm quyền của "người hùng" Razak, 67 tuổi, 2009 – 2018, đen tối mờ ám, với những chuyện thanh toán, thủ tiêu nhân chứng, và cuối cùng thì tư pháp Malaysia, mà tính độc lập không phải là điểm son, đã không tha cho ông.

Khen là thế, nhưng Le Monde công nhận : Nếu phán quyết này là một tin vui cho nền dân chủ Malaysia, thì ông Najib Razak cũng không mất hết cơ may thoát nạn : Ông đã kháng cáo và vẫn được tự do.

Có lẽ phải mất nhiều tháng trời để một tòa án khác ra quyết định và nhiều chuyên gia cho rằng ông có thể được tuyên vô tội ở tòa phúc thẩm.

Vòng Đua Nước Pháp (Tour de France) thời hậu Covid-19

Một sự kiện được Libération chú ý là Vòng Đua Nước Pháp năm 2020, sự kiện thể thao lớn còn lại của năm Covid-19 này, dự kiến khởi đầu tại Nice, miền Nam Pháp, ngày 29/08, sẽ ra sao, mang hình dáng gì ?

Điều chắc chắn là vòng đua sẽ bị cô lập chặt chẽ. Đã có một vài quy định : Các tay đua xe đạp bị cách ly hẳn, người thân không được gặp, giới hạn báo chí phỏng vấn, dân chúng ủng hộ hai bên đường phải giãn ra, có đoạn không được đến xem như ở đường đèo, và dĩ nhiên là mọi người, khán giả cũng như các tay đua, phải đeo khẩu trang.

Liệu còn có thêm hình thức gì khác hay không ? Dẫu sao thì một người đã nói hóm hỉnh cho rằng : "Sau này chỉ nhìn hình có khẩu trang là biết ngay đây là năm 2020, không cần phải chú thích !".

Mai Vân

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)