Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Xâm lăng Ukraine, Nga phải "xoay trục" thành chư hầu Trung Quốc

Le Monde ngày 18/04/2024 nhận định "Một trong những tác động ấn tượng nhất từ cuộc chiến tranh ở Ukraine : Trục Nga-Trung tăng cường để thách thức Hoa Kỳ". Việc Nga xoay trục sang Trung Quốc buộc Washington phải yêu cầu Châu Âu gây áp lực lên Bắc Kinh.

xoaytruc1

Búp bê Matrioska của Nga với chân dung Tập Cận Bình và Vladimir Putin được bày bán tại các tiệm bán đồ kỷ niệm ở Moskva, Nga ngày 21/03/2023. AP - Dmitry Serebryakov

NATO muốn chi viện phòng không, nhưng Ukraine khác Israel

Liên quan đến Ukraine, Les Echos nhận thấy "Đến lượt NATO đòi hỏi chi viện thêm phòng không cho Kiev". Tổng thư ký Jens Stoltenberg khẳng định cần khẩn cấp tăng cường bảo vệ không phận Ukraine, đồng thời nhìn nhận rằng Châu Âu không có đủ hệ thống Patriot, chỉ Hoa Kỳ mới có thể cung cấp.

Người Ukraine cảm thấy cay đắng sau thành công rực rỡ của Israel và đồng minh, chặn được đến 99% trận bão lửa từ Iran. Nhưng thật ra theo Les Echos, không phải phương Tây "nhất bên trọng nhất bên khinh", bênh vực Tel Aviv hơn Kiev.

Từ 75 năm qua, Israel đã tập trung mọi nguồn lực vào phòng không. Và quốc gia này có may mắn là hệ thống chống hỏa tiễn địa đạo Arrow, được thử nghiệm từ năm 2019, đã chứng tỏ vô cùng hiệu quả trước các hỏa tiễn tầm xa của Iran. Còn về diện tích lãnh thổ phải bảo vệ thì hết sức nhỏ bé so với Ukraine.

Dù vậy Volodymyr Zelensky vẫn đề nghị NATO họp khẩn. Từ nhiều tuần qua ông yêu cầu cung cấp thêm phương tiện phòng không, khi Nga ngày càng oanh kích dữ dội Kharkiv, Tcherniguiv và các nhà máy điện của Ukraine. Hội đồng NATO-Ukraine được thành lập sau hội nghị thượng đỉnh Vilnius hồi tháng Bảy sẽ họp lại ngày mai, nhưng người ta e rằng đồng minh chỉ có thể hứa hẹn nhiều hơn hành động.

Khó kiếm đạn pháo và giàn Patriot hơn là tiền

Tổng thư ký NATO sau khi gặp các thủ tướng Hà Lan, Đan Mạch và Cộng hòa Czech hôm qua, đã hoan nghênh việc giải ngân thêm 1 tỉ euro cho Kiev. Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala cho biết đã ký hợp đồng mua 200.000 đạn pháo và tìm được 300.000 quả nữa có thể mua thêm, nhưng số lượng này thấp hơn hẳn so với kỳ vọng 1 triệu quả lúc ban đầu. Mark Rutte, người có thể kế nhiệm Jens Stoltenberg nhấn mạnh, giờ đây khó kiếm ra đạn pháo hơn là tiền. Tương tự đối với các giàn Patriot mà Kiev vẫn mong mỏi.

Tờ báo cho rằng đại diện ngoại giao EU Josep Borrell có hơi vội vàng khi nói rằng phương Tây sở hữu 100 hệ thống Patriot nên có thể giao cho Ukraine 7 : một lãnh thổ rộng như vậy cần ít nhất 25 giàn, và cũng không thể bảo vệ theo kiểu Vòm Sắt Israel. Bản thân nước Pháp cũng chỉ có 8 hệ thống phòng không SAMP-T.

Hiện Kiev chỉ mới nhận được hai giàn Patriot hoàn chỉnh từ Hoa Kỳ và Đức, và hệ thống tương tự là SAMP-T từ Pháp và Ý. Berlin vừa loan báo gởi thêm giàn Patriot thứ hai. Jens Stoltenberg nhấn mạnh, Châu Âu không thể sở hữu đến 100 hệ thống Patriot như đã nói, sau 30 năm ít đầu tư cho quốc phòng, tuy không tiết lộ con số cụ thể. Tập đoàn Mỹ Raytheon hứa sẽ sản xuất 1 giàn mỗi tháng nếu có hợp đồng mới. Trong khi chờ đợi, ông Stoltenberg cổ vũ các thành viên NATO ưu tiên chi viện phương tiện phòng không cho Ukraine.

Pháp tái vũ trang quy mô

Về phía Pháp đang ra sức đẩy mạnh kỹ nghệ quốc phòng. Le Monde nhận thấy "kinh tế chiến tranh", cụm từ đã biến mất từ sau Đệ nhất Thế chiến – khi các nước huy động cả phụ nữ làm việc tại các nhà máy vũ khí – được tổng thống Emmanuel Macron khơi lại vào tháng 6/2022, gần bốn tháng sau khi Nga kéo quân sang Ukraine. Hai năm sau, "kinh tế chiến tranh" vẫn chưa hình thành, nhưng ít nhất đã vượt qua một cái ngưỡng hôm 26/04. Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu cho biết muốn "trưng dụng" nhân viên, kho dự trữ và công cụ sản xuất nếu các nhà máy không đủ nhanh chóng, ưu tiên dành cho quốc phòng.

Tuy chưa đến mức đó, nhưng mọi việc diễn tiến tốt đẹp. Chẳng hạn Eurenco, dẫn đầu Châu Âu về thuốc súng và chất nổ, bắt đầu sản xuất sớm hai năm. Với 4.000 công ty và mười mấy tập đoàn quốc phòng, kỹ nghệ này được tiếp sức với các hợp đồng của nhà nước. Hiện nay xuất khẩu vũ khí của Pháp chủ yếu là các chiến đấu cơ Rafale với 21 tỉ euro trong năm 2022, chiếm 78% doanh số.

Nga : 90% thiết bị điện tử cho hỏa tiễn, xe tăng nhập từ Trung Quốc

Trên bình diện địa chính trị, Le Monde nhận định "Một trong những tác động ấn tượng nhất từ cuộc chiến tranh ở Ukraine : Trục Nga-Trung tăng cường để thách thức Hoa Kỳ". Việc Nga xoay trục sang Trung Quốc buộc Washington phải yêu cầu Châu Âu gây áp lực lên Bắc Kinh.

Chuyến thăm Bắc Kinh của thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa kết thúc hôm qua, và tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp Tập Cận Bình tại Paris ngày 06/05 tới. Trước đó Hoa Kỳ đã nhấn mạnh với các đồng minh Châu Âu : Vì các vị có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, hãy nhân đó để gây sức ép nhằm làm Trung Quốc ngưng trợ giúp Nga đánh phá Ukraine.

Washington lo ngại sự liên thủ ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Moskva. Để thuyết phục những ai còn hoài nghi, Washington hôm 12/04 đã công khai một số thông tin cho đến nay vẫn còn giữ bí mật. Chẳng hạn trong quý cuối 2023, Trung Quốc đã cung cấp cho Nga trên 70% số máy công cụ nhập khẩu dùng để sản xuất hỏa tiễn đạn đạo. Và trong cả năm ngoái, 90% số thiết bị điện tử nhập khẩu để chế tạo hỏa tiễn và xe tăng là từ Trung Quốc.

Nga và Trung Quốc cùng chống lại vị trí thống soái của Mỹ

Tại sao Mỹ bỗng nhiên nhấn mạnh đến yếu tố Trung Quốc ? Đó là vì Washington bị bất ngờ trước việc Nga dù bị cấm vận vẫn nhanh chóng tái sản xuất một số lượng vũ khí lớn. Nhờ vậy tạo được ưu thế trên chiến trường trước lực lượng Ukraine đang thiếu thốn đủ mọi thứ, do phương Tây cung ứng chậm chạp.

Người ta đã biết rằng Kremlin vẫn rủng rỉnh tiền nhờ bán dầu lửa cho Trung Quốc và Ấn Độ sau khi mất thị trường Châu Âu. Nhưng cho đến nay thế giới vẫn chưa ý thức được tầm cỡ trợ giúp thiết bị của Trung Quốc, đã đóng vai trò rất quan trọng, cho dù chưa vượt qua lằn ranh đỏ là chuyển giao vũ khí sát thương.

Mặt khác, không thể coi nhẹ xu hướng tăng cường trục Nga-Trung, bởi vì yếu tố gắn kết giữa hai chế độ độc tài này là cùng chống lại vị trí thống soái của Mỹ. Moskva đã quay sang Trung Quốc từ 2014, sau đợt trừng phạt đầu tiên của phương Tây vì chiếm Crimea, nhưng Liên Hiệp Châu Âu (EU) vẫn là đối tác kinh tế quan trọng cho đến năm 2022. Một khi ồ ạt xâm lăng Ukraine, Nga phải quay hẳn sang Trung Quốc.

Putin và Tập gặp nhau ba tuần trước cuộc xâm lược, tuyên bố "tình hữu nghị không giới hạn". Chuyên gia Alexander Gabuev của trung tâm Carnegie nhận định : "Cách duy nhất để Nga đối đầu với phương Tây là hội nhập kinh tế, chất xám và công nghệ quân sự trong một "Pax Sinica" - trật tự thế giới do Trung Quốc thống trị. Nga đang trở thành chư hầu của Trung Quốc".

Lãnh chúa Bắc Kinh không gượng nhẹ với chư hầu Moskva

Tuy nhiên trong cuộc hôn nhân có phần gượng gạo này, Bắc Kinh không nhìn về phía đối tác bằng cặp mắt đắm say. Dù các nhà lãnh đạo thường xuyên tiếp xúc - Putin sẽ lại đến Bắc Kinh vào tháng Năm - câu "tình hữu nghị không giới hạn" không được lặp lại lần nào.

Một số chuyên gia Trung Quốc khi trả lời truyền thông ngoại quốc tỏ ra hoài nghi về động cơ xoay trục của Nga. Guan Guihai, đại học Bắc Kinh cho rằng sở dĩ Putin cứ ngoan cố tấn công Ukraine là vì sợ mất đi bản sắc Châu Âu của Nga. Nếu bại trận, Moskva sẽ xa rời trung tâm Châu Âu và Nga trở thành một nước Châu Á.

Hai nước cũng không có cùng quan điểm về sự tiến triển của trật tự thế giới. Nhà nghiên cứu Feng Yujun viết trên The Economist, "Nga tìm cách phá hoại trật tự khu vực và quốc tế bằng chiến tranh, trong khi Trung Quốc muốn giải quyết một cách hòa bình", nhưng "huyền thoại bất bại của Nga đã bị sụp đổ". Le Monde bình luận : Lãnh chúa không hề nhẹ tay trước chư hầu ! Trước trục Nga-Trung, Hoa Kỳ củng cố khối Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời đòi hỏi Châu Âu "lớn tiếng với Bắc Kinh" về Ukraine.

Biden muốn tăng thuế gấp ba lên thép, nhôm Trung Quốc

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết "tổng thống Joe Biden kêu gọi tăng gấp ba thuế hải quan đánh vào thép và nhôm Trung Quốc". Tại Pittsburgh, thành phố biểu tượng của kỹ nghệ Mỹ, ông Joe Biden thu hút giới công nhân bằng đề nghị trên đây. Ông nhắc nhở rằng người lao động Mỹ đang bị cạnh tranh bất chính với thép và nhôm Trung Quốc nhập khẩu, từ các nhà máy thuộc loại ô nhiễm nhất thế giới, được trợ giá quy mô.

Song song đó, chính quyền Biden loan báo mở điều tra về phương thức cạnh tranh của Bắc Kinh trong ngành đóng tàu, hàng hải và hậu cần. Đồng thời hợp tác với Mêhicô để tránh việc Trung Quốc né thuế hải quan. Tiểu bang Pennsylvania vốn thường nghiêng ngả giữa tả và hữu, một lần nữa lại là nơi song đấu giữa Joe Biden và Donald Trump. Ông Trump cũng hứa hẹn sẽ tăng thuế nếu đắc cử.

Modi, người đã thay đổi Ấn Độ

Pháp đẩy mạnh kỹ nghệ quốc phòng, bầu cử Ấn Độ, thủ tướng Pháp Gabriel Attal sau 100 ngày cầm quyền, nhà văn Salman Rushdie cho ra đời tác phẩm mới, đó là những chủ đề được chú ý bên cạnh chiến tranh Trung Đông và Ukraine. La Croix dành trang nhất cho "Tác động Modi", đương kim thủ tướng Ấn Độ hầu như chắc chắn sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử sẽ bắt đầu vào ngày mai.

Narendra Modi, từ một đứa trẻ nghèo giúp cha bán trà trên sân ga đã thành công trong chính trị và mười năm qua đã đưa Ấn Độ lên một vị thế mới. Tuy nhiên sau khi tái đắc cử năm 2019, Modi đề cao Ấn giáo, sách giáo khoa bị chỉnh sửa, những thành phố mang tên có âm hưởng Hồi giáo được đặt tên lại. Thiểu số 200 triệu người Hồi giáo và 35 triệu người Thiên Chúa giáo bị coi như công dân hạng hai. Tờ báo lo ngại sự kết hợp giữa tôn giáo và dân tộc chủ nghĩa, nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân tộc trong thế kỷ 19 và 20 là thế tục, nhưng ngược lại thế kỷ 21 lại dựa vào bản sắc tôn giáo, do người dân lo sợ toàn cầu hóa đe dọa đến văn hóa và các giá trị của mình.

Có nên coi đây là cú sốc giữa các tôn giáo ? Sự việc không đơn giản : Nga Chính Thống giáo chống lại Ukraine cũng Chính Thống giáo, với sự trợ giúp của Erdogan Hồi giáo… Đối với phe dân túy, tôn giáo là công cụ lý tưởng để bảo vệ "nhân dân" chống lại người ngoại quốc và các nhóm thiểu số - bị cáo buộc là phản bội trong một quốc gia được khẳng định bằng tín ngưỡng. Nạn nhân trước tiên là tín đồ các tôn giáo khác trong mỗi nước, và như vậy, bảo vệ tự do tín ngưỡng và các nhóm thiểu số cần phải là giá trị hàng đầu trong luật quốc tế.

Thụy My

Published in Quốc tế

Sau nhiều năm "cuộc chiến mậu dịch" kéo dài, vế kinh tế và thương mại là một trong những hồ sơ hai nhà lãnh đạo Joe Biden -Tập Cận Bình sẽ đề cập đến nhân thượng đỉnh tại San Francisco, bên lề hội nghị Diễn Đàn Hợp Tác Châu Á Thái Bình Dương APEC. Thêm vào đó là yếu tố Nga, kể từ khi Moskva bị quốc tế trừng phạt vì xâm chiếm Ukraina. 

myngatrung1

Tượng nhỏ bằng giấy được trưng bày tại lễ hội Fallas ở Valencia, Tây Ban Nha. Từ trái sang phải : tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin. AFP – Jose Jordan

Mỹ một năm trước bầu cử tổng thống còn tại Trung Quốc, toàn cảnh kinh tế khá ảm đạm : Mỗi bên mặc cả những gì với đối phương trong bối cảnh giao thương quốc tế càng lúc càng bị những tính toán chính trị làm xáo trộn ?

RFI tiếng Việt mời giáo sư Sébastien Jean, Học viện Mỹ thuật và Công nghệ Quốc gia (CNAM) phân tích về một nghịch lý trong quan hệ quốc tế : các nền kinh tế trên thế giới càng lúc càng "gắn kết chặt chẽ với nhau, càng phụ thuộc vào lẫn nhau" đồng thời thương mại, tài chính, công nghệ hay năng lượng… đều là những công cụ - nếu không muốn nói là một loại vũ khí, để mặc cả, để bắt chẹt hay kềm tỏa sức mạnh của đối phương.

Sébastien Jean, nguyên là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng Kinh tế và Thông tin Quốc tế. Cùng với Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, ông vừa cho công bố một nghiên cứu mới về thương mại quốc tế.

Tài liệu mang tựa đề : "Découplage impossible, coopération improbable : Les interdépendances économiques à l’épreuve des rivalités de puissance – (Không thể tách rời, ít triển vọng hợp tác : Những sự phụ thuộc về kinh tế trước những tranh giành để thể hiện sức mạnh)" - Viện IFRI tháng 11/2023.

Mục tiêu một "hiệp định hưu chiến" cho các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc ?

Trước hết trong cuộc thảo luận được dự trù kéo dài trong bốn giờ đồng hồ ngày 15/11/2023 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trên hồ sơ kinh tế, đâu là những ưu tiên của mỗi bên ?

Hãng tin Mỹ AP ghi nhận : Washington vừa tiếp tục kiểm soát xuất khẩu chíp điện tử và linh kiện bán dẫn cho Trung Quốc vừa trấn an Bắc Kinh là Mỹ không tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế nhắm vào quốc gia Châu Á này. Các quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Biden nhiều lần khẳng định Mỹ không chủ trương "tách rời - decoupling" với Trung Quốc mà chỉ là "giảm thiểu rủi ro - derisking" để bớt lệ thuộc quá nhiều vào một quốc gia mà thôi. Ngoài ra phía Hoa Kỳ cũng muốn thăm dò ý định của Trung Quốc trong liên hệ thương mại, kinh tế và tài chính giữa Bắc Kinh và Moskva vào lúc Âu Mỹ phong tỏa kinh tế Nga, trừng phạt chính quyền Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina .

Về phía ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc chờ đợi gì sau cuộc đối thoại trực tiếp thứ nhì với tổng thống Biden trong bối cảnh, trong giao đoạn từ tháng 7-9/2023 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rút khỏi Hoa Lục cao hơn so với số các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc nước ngoài vào Trung Quốc, hiện tượng này chưa từng xảy ra kể từ 1998 tới nay ?

Vẫn AP dự báo Bắc Kinh muốn được bảo đảm là Washington sẽ không ban hành thêm các hàng rào quan thuế đánh vào hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ, Hoa Kỳ không dùng đòn công nghệ để "triệt hạ" các tập đoàn công nghệ mới của quốc gia này. Lịch làm việc của ông Tập trong bốn ngày từ 14-17/11/2023 có dự trù một cuộc tiếp xúc với giới doanh nghiệp Mỹ với thông điệp chính : Trung Quốc là một điểm đầu tư an toàn.

Cuối cùng nếu như Nhà Trắng muốn thăm dò ý định của chủ tịch Tập Cận Bình về quan hệ giữa Trung Quốc và Nga thì đổi lại Bắc Kinh cũng muốn tìm hiểu về những ý đồ của tổng thống Biden với Đài Loan, một cường quốc trong công nghệ bán dẫn và cũng là trung tâm cuộc đọ sức Mỹ -Trung về công nghệ.

Tầm mức quan trọng của cuộc đối thoại trực tiếp thứ nhì -và rất có thể là đối thoại cuối cùng trong nhiệm kỳ này của tổng thống Biden, giữa hai nhà lãnh đạo, Joe Biden -Tập Cận Bình cho thấy hai vế kinh tế và chính trị gắn chặt đến mức độ nào hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đặc biệt là khi mà "những tham vọng về chính trị, và địa chính trị, yếu tố ý thức hệ càng lúc càng chi phối các hoạt động về thương mại và tài chính quốc tế" :

Sébastien Jean : Dưới tác động từ tiến trình toàn cầu hóa, các siêu cường kinh tế trên thế giới đã được gắn kết chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết, cả về giao thương lẫn tài chính. Nhưng từ hơn một chục năm nay, hay chính xác hơn là từ giữa thập niên 2000, yếu tố chính trị và địa chính trị càng lúc càng chi phối các hoạt động mậu dịch và kể cả trong lĩnh vực tào chính. Lần đầu tiên chúng ta rơi vào nghịch cảnh là các nền kinh tế thì liên hệ rất chặt chẽ với nhau, nhưng đồng thời các các mối hiềm khích, thậm chí là một sự thù nghịch giữa các nền kinh tế đó cũng chưa bao giờ mạnh như hiện tại (…).

Dù vậy hoàn cảnh éo le này không dẫn đến tình trạng gọi là phi toàn cầu hóa. Điều rõ ràng nhất là các quốc gia vẫn rất lệ thuộc vào nhau. Tình hình như vậy lúc nào cũng căng thẳng, bởi vì mỗi bên đều có thể khai thác lá bài kinh tế, tài chính để phục vụ các ý đồ chính trị. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều đòn trừng phạt, nhiều quyết định giới hạn xuất nhập khẩu trên một số thị trường. Tựu chung, các mối quan hệ về kinh tế và tài chính đã bị các chính giới thao túng. Có nghĩa là nhiều nước vẫn cứ ban hành các biện pháp trừng phạt, cấm vận … nhắm vào các đối phương. Câu hỏi còn lại là các biện pháp trừng phạt đó có hiệu quả hay không.

RFI : Hiệu quả có được như mong muốn hay không ? Trong trường hợp giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc thì các biện pháp tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ đánh lên hàng Trung Quốc vẫn không cho phép Washington giảm thâm hụt mậu dich với Bắc Kinh. Thêm vào đó, hai chính quyền Mỹ liên tiếp vì lý do "an ninh quốc gia" ban hành các biện pháp cấm hay giới hạn các chương trình hợp tác về công nghệ giữa các công ty của hai nước, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều liên hệ giữa các một số tập đoàn Mỹ và Trung Quốc kể cả trong những lĩnh vực được coi là nhậy cảm nhất.

Sébastien Jean : Chúng ta nhận thấy rằng khó có thể đạt được những mục tiêu chính trị bằng các công cụ như vậy. Nghĩa là dùng đòn kinh tế để đạt được mục đích chính trị. Cần hiểu rằng, giao thương quốc tế dựa trên nguyên tắc ‘tôi cũng có lợi và anh cũng có lợi’. Vậy nếu tôi trừng phạt anh thì tôi cũng bị thiệt hại. Điều đó có nghĩa là một biện pháp trừng phạt chỉ có lợi nếu như chúng ta biết chắc rằng, đối phương sẽ trả giá đắt hơn so với những thiệt hại mà ta sẽ phải gánh chịu. Đó là điều rất khó thực hiện. Mỗi biện pháp trừng phạt đều luôn luôn có những liều thuốc hóa giải, có nghĩa sẽ nảy sinh những hình thức khác nhau để luồn lách lệnh trừng phát đó".

Để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, căn cứ trên các thống kê, cho thấy, đúng là tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ với bạn hàng Trung Quốc đã giảm. Nhưng trong cùng thời kỳ, nhập khẩu của Hoa Kỳ với một số quốc gia khác như Mêhicô, hay Việt Nam, Ấn Độ… đã tăng mạnh. Bản thân ba quốc gia này thì đã mua vào nhiều hơn hàng của Trung Quốc để bán lại cho sang thị trường Mỹ. Nói cách khách Hoa Kỳ muốn tránh Trung Quốc nhưng để rồi lại bị lệ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp khác và chính những nguồn cung cấp này lại là khách hàng của Bắc Kinh. Trong điều kiện đó không thể kết luận là kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã bớt phụ thuộc vào nhau hay đang ‘tách rời’ khỏi lẫn nhau. Các luồng giao thương giữa hai nền kinh tế này chỉ trở nên mù mịt và phức tạp hơn mà thôi.

RFI : Còn liên quan đến nước Nga ?

Sébastien Jean : Đây là một trường hợp quan trọng, bởi vì lần đầu tiên nhiều biện pháp trừng phạt mạnh đã được ban hành và nhắm vào một nền kinh tế có trọng lượng như là Nga. Cùng một lúc Nga phải đối mặt với các biện pháp cấm vận cả về thương mại lẫn tài chính. Chính sách trừng phạt đã đem lại nhiều hệ quả và gây trở ngại về nhiều mặt cho kinh tế nước này. Nhưng kinh tế Nga đã không sụp đổ như nhiều người mong đợi bởi hai lý do. Về mặt tài chính Moskva vẫn không bị thiếu hụt tiền mặt nhờ vẫn tiếp tục xuất khẩu tài nguyên, dầu khí …. Trong những lĩnh vực khác, đành rằng Nga đã bị kẹt vì không thể tiếp cận được với công nghệ cao, bị cấm nhập khẩu một số phụ tùng có thể sử dụng trong lĩnh vực quân sự, để chế tạo vũ khí, nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh nhưng Moskva đã lách lệnh cấm đó nhờ một số trung gian, như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay một số nước lân cận như Kazakhstan. Trong trường hợp này, lệnh cấm vận có hiệu quả nhưng chỉ một phần.

Tác động đến dây chuyển sản xuất và hoạt động thương mại toàn cầu ?

RFI : Trong nghiên cứu vừa công bố trên trang mạng của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI về thương mại quốc tế, giáo sư đã nêu bật một số điểm chính như sau : giao thương trên thế giới phức tạp hơn bởi các nền kinh tế vừa là những đối tác vừa là những đối thủ của lẫn nhau và lại lệ thuộc rất lớn vào nhau. Cũng chính mức độ lệ thuộc đó mà các luồng giao thương, từ hàng hóa đến tài chính… đều rất dễ bị khai thác để phục vụ cho những mục tiêu chính trị và chiến lược. Kinh tế thương mại, tài chính… dễ trở thành những công cụ để mặc cả, thậm chí là để uy hiếp các đối tác… Thưa ông Sébastien Jean, trong trường hợp đó dây chuyền sản xuất nói riêng và học thuyết thương mại quốc tế nói chung bị xáo trộn như thế nào ?

Sébastien Jean : Các dây chuyền sản xuất đã bị méo mó. Hiểu theo nghĩa, như tôi vừa đơn cử trường hợp của Mêhicô hay Việt Nam và Ấn Độ khi mà các quốc gia này nhập khẩu nhiều hơn hàng của Trung Quốc để bán lại sang Mỹ. Tuy nhiên, trước những thách thức mới đó, các doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược phát triển : đa dạng hóa các nguồn cung cấp, mở các nhà máy ở nhiều nơi khác nhau tránh để yếu tố địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay tránh để phải đóng cửa một số cơ xưởng …. Nhưng đó là những biện pháp đòi hỏi nhiều thời gian để mang lại kết quả. Thí dụ như Apple muốn ra khỏi Trung Quốc, mở địa bàn ở Ấn Độ và Việt Nam nhưng cần thời gian để đóng cửa bớt các chi nhánh hay cắt giảm hợp đồng với các hãng gia công Trung Quốc …. Ở cấp quốc gia, thì các chính phủ đã đẩy mạnh các chương trình tự chủ về công nghiệp, tìm mọi cách -nhất là biện pháp ưu đãi thuế khóa, để khuyến khích doanh nghiệp hồi hương… Tất cả những điều đó đòi hỏi phải mất nhiều năm mới hoàn thành.

Khái niệm An toàn về kinh tế

Cũng vì yếu tố "địa chinh trị", thay vì sử dụng khái niệm "cạnh tranh - competition" trong giao thương quốc tế, giới trong ngành thường nói đến một "sự đối đầu - rivality" giữa các đối tác thương mại.

Do vậy theo Thomas Gomart và Sébastien Jean, hai đồng tác giả công trình nghiên cứu đăng trên trang mạng của IFRI, bài thọc thứ nhất là chưa bao giờ các nền kinh tế trên thế giới phụ thuộc chặt chẽ vào nhau như hiện tại, điều đó không cấm cản, cũng chưa khi nào các đối tác thương mại lại sử dụng "vũ khí hạng nặng" để trừng phạt lẫn nhau.

Bài học thứ nhì đồng thời cũng là hệ quả kèm theo, là các quốc gia vẫn tiếp tục trao đổi mậu dịnh nhưng luôn trong thế thủ với một khái niện mới là "an toàn kinh tế - sécurité économique". 

Đó là lý do vì sao Trung Quốc đã có hẳn chiến lược với ba mục tiêu : tự chủ về công nghệ cao không để phụ thuộc vào Mỹ hay các đồng minh của Washington ; làm chủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ; và bảo vệ quyền lợi quốc gia ở hải ngoại.

Về phía Hoa Kỳ thì chính sách năng lượng được coi là một vấn đề chiến lược từ lâu nay. Ngoài ra, Mỹ cũng luôn thủ thân bằng rất nhiều biện pháp trừng phạt các nước bất hảo và kể cả các nước bạn như Liên Âu. Còn Nga thì dùng khoáng sản, nông phẩm, phân bón, dầu khí... để bắt chẹt hay mua chuộc các đối tác hay đổi thủ của Moskva. Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng đó Liên Hiệp Châu Âu mới vừa "tỉnh ngủ" và chuyển hưởng về mục tiêu tự chủ công nghiệp - Giáo sư Sébastien Jean, học viện CNAM của Pháp kết luận. 

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 14/11/2023

Published in Diễn đàn

Tập Cận Bình và Putin ca ngợi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc

Hôm 18/10/2023, trong buổi tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, nhân dịp Diễn đàn Những con đường tơ lụa mới, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hoan nghênh niềm tin vững chắc ngày càng gia tăng giữa hai nước.

ngatrung1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp song phương bên lề Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/10/2023. AP - Sergei Guneyev

AFP trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết lãnh đạo họ Tập đã nhấn mạnh "sự phối hợp chiến lược gần gũi và hiệu quả" giữa Bắc Kinh và Moskva. Về phía chủ nhân điện Kremlin, ông Putin tuyên bố đôi bên "chia sẻ mong muốn hợp tác bình đẳng trên thế giới" và hoan nghênh thành công của dự án Những con đường tơ lụa mới do ông Tập Cận Bình khởi xướng, đồng thời lưu ý về tầm quan trọng của việc hai nước "phối hợp chặt chẽ về chính sách đối ngoại" trong "các hoàn cảnh khó khăn hiện nay".

Đây là lần thứ 42 hai nhà lãnh đạo Nga - Trung gặp nhau trong 10 năm qua và là lần đầu tiên Putin công du một cường quốc thế giới kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraine. Chuyến thăm Trung Quốc gần đây nhất của tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra hồi đầu tháng 2 năm 2022, ít ngày trước khi ông điều quân sang xâm lược Ukraine.

Cả Moskva và Bắc Kinh đều luôn khẳng định là tổng thống Putin chưa bao giờ nói với đồng nhiệm Tập Cận Bình về ý định tấn công Ukraine. Thế nhưng, kể từ sau tuyên bố về "tình hữu nghị không giới hạn" giữa hai nước, tầm mức quan trọng của Trung Quốc đối với Nga ngày càng tăng.

Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm :

"Khi ông Vladimir Putin liên tục ca ngợi việc xoay trục sang hướng đông, một số người gọi đó là "mối quan hệ đối tác bắt buộc" : bị cô lập với một phần của thế giới, chính quyền Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc vun đắp mối quan hệ với Bắc Kinh.

Cho dù Moskva ca tụng đến mấy đi chăng nữa các công trình và dự án lớn như Con đường chiến lược phía Bắc, đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2 dẫn tới Châu Á, thì trên thực tế, nhiều dự án trong số đó đều cho thấy rõ là có sự mất cân bằng rõ rệt cả về thương mại và tiền tệ.

Một rủi ro khác đang dần hình thành : các khoản nợ. Hiện tại, nợ của Nga vẫn đang ở mức thấp, nhưng sự bùng nổ trong chi tiêu quốc phòng có thể buộc Nga phải vay tiền từ Trung Quốc, nước vốn nổi tiếng là biết cách tạo sự lệ thuộc.

Các câu hỏi được đặt ra về mối quan hệ đối tác then chốt này chắc chắn sẽ một lần nữa bị gạt bỏ. Mối ưu tiên mà Nga đặt lên trên tất cả các trận chiến khác : cuộc chiến ở Ukraine. Để thắt chặt quan hệ, cả Moskva và Bắc Kinh đều ưu tiên một mặt trận chung chống lại phương Tây và đặc biệt là chống Hoa Kỳ".

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 18/10/2023

Published in Châu Á

Phương Tây không thể tiếp tục làm ngơ

Cho đến nay, các đồng minh của Ukraine chủ yếu tập trung vào việc theo dõi, ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga, do lo ngại với sự hậu thuẫn vũ trang trực tiếp của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh của Moskva chống Ukraine có nguy cơ châm ngòi cho một xung đột toàn cầu. Hậu thuẫn của Trung Quốc cho Nga về mặt quân sự, không trực tiếp liên quan đến vũ khí sát thương, dường như đã ít được chú ý hơn nhiều.

ngatq0

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 20/03/2023. AFP – Sergei Karpukhin

Tuy nhiên, hôm 08/05/2023, Ủy Ban Châu Âu thông báo gửi tới các thành viên Liên Âu đề xuất gói trừng phạt thứ 11 chống Nga. Lần đầu tiên trong các đối tượng trừng phạt của Châu Âu, có các doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc xuất khẩu hàng điện tử hoặc chất bán dẫn, phục vụ công nghiệp quốc phòng của Nga. Các trừng phạt dự kiến của Liên Âu nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu hàng phục vụ công nghiệp quốc phòng Nga dĩ nhiên bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, đe dọa trả đũa.

Điều đáng chú ý là các biện pháp trừng phạt nói trên của Liên Âu đã nhắm vào một mảng khuyết lớn : Hậu thuẫn "rất lớn" của Trung Quốc dành cho Moskva trong cuộc xâm lược Ukraine. Trên đây là nhận định của một nhóm chuyên gia Mỹ, chuyên về khu vực Đông Bắc Á, trong một phân tích trên diễn đàn của Viện tư vấn Atlantic Council. Đứng đầu nhóm chuyên gia là ông Markus Garlauskas, một cựu quan chức ngành tình báo Mỹ. RFI xin lược thuật.

***

"Lằn ranh đỏ của Phương Tây" : Thỏa hiệp với Trung Quốc

Trong bài phân tích mang tiêu đề "Bắc Kinh có thể chưa cung cấp "vũ khí sát thương", nhưng hậu thuẫn Trung Quốc dành cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine là "rất lớn",đăng tải ngày 08/05/2023, nhóm chuyên gia Mỹ trước hết vạch ra một mảng khuyết lớn trong sự nhìn nhận của phương Tây về các hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine.

Quan điểm phổ biến tại Hoa Kỳ và hầu hết các nước Châu Âu là Bắc Kinh đã và đang chỉ hậu thuẫn "có mức độ" Nga trong cuộc xâm lược này. Quan tâm chủ yếu của chính quyền Mỹ trong những tuần gần đây là làm sao để Bắc Kinh không "vượt qua lằn ranh đỏ", tức viện trợ các vũ khí, đạn dược hay còn gọi là các phương tiện "sát thương".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong một cuộc điều trần mới đây tại Quốc Hội, đã khẳng định “chúng tôi chưa thấy họ vượt qua ranh giới đó.” Các chuyên gia khẳng định thái độ này của phương Tây "rất có lợi cho Bắc Kinh và Moskva, khi Washington và các đồng minh tập trung cao độ vào lằn ranh đỏ, đến mức mà họ không tập trung ngăn chặn — hoặc thậm chí không liệt kê đầy đủ và tố cáo — các hỗ trợ khác quan trọng khác mà Trung Quốc cung cấp cho Nga".

Tình hình dường như càng thêm có lợi cho Trung Quốc và Nga, khi mà trong lúc phương Tây gần như nhắm mắt trước các hậu thuẫn như vậy, chính quyền Trung Quốc rảnh tay đánh bóng hình ảnh, khẳng định trước công luận quốc tế "Trung Quốc luôn đứng về phía hòa bình". Đây cũng là điều mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại trong cuộc điện thoại với tổng thống Ukraine mới đây.

Nhóm chuyên gia Mỹ đề xuất phương Tây cần có một thay đổi lớn trong chính sách đối với Trung Quốc (điều mà Liên Âu bắt đầu xem xét thực hiện). Cụ thể là vạch rõ các hậu thuẫn rất lớn của Trung Quốc dành cho kinh tế Nga, đặc biệt trong việc mua dầu khí của Nga, bán cho cho Nga các phương tiện vận tải cỡ lớn, có thể dùng trong các chiến dịch quân sự tại Ukraine, cũng như là các linh kiện điện tử, bán dẫn được sử dụng để chế tạo vũ khí.

Cứu vãn ngành dầu mỏ của Nga

Trước hết, bất chấp các trừng phạt nhắm vào Nga, trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và Nga tăng vọt. Trong ba tháng đầu năm nay, tổng trao đổi thương mại Nga-Trung đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu dầu thô từ Nga của Trung Quốc đạt mức kỷ lục trong tháng 3 vừa qua, và có khả năng tăng cao hơn nữa. Các chuyên gia nhận định : Trung Quốc đã giúp "bảo vệ nền kinh tế Nga - đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ quan trọng của nước này", nay bị ngăn không cho xuất sang thị trường Châu Âu. Nếu không bán được dầu cho Trung Quốc, khả năng trữ lại dầu trong nước, vốn hạn chế của Nga, sẽ nhanh chóng đạt đến đỉnh điểm. Có nghĩa là Nga sẽ phải đóng cửa các giếng dầu. Đây là một quá trình rất tốn kém, gây tổn thất cho sản xuất về dài hạn.

"Xe tải siêu nặng" phục vụ chiến tranh

Bên cạnh việc giúp cứu vãn ngành dầu mỏ của Nga, Trung Quốc còn cung cấp cho Nga nhiều phương tiện vận tải. Các tác giả đơn cử việc xuất khẩu "xe tải siêu nặng" (super-heavy truck) của Trung Quốc sang Nga — vốn rất cần cho việc vận chuyển các thiết bị quân sự hạng nặng. Riêng trong tháng 12/2022, số lượng xuất khẩu đã tăng đến hơn 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia Mỹ ghi nhận Nga đã được Trung Quốc cứu trong lĩnh vực xe tải siêu nặng, bởi chưa kể trong thời gian chiến tranh Ukraine, mà ngay trước chiến tranh, Nga đã thiếu trầm trọng các phương tiện hậu cần vận tải.

Linh kiện bán dẫn là một mặt hàng chiến lược mà Trung Quốc đã "chống lưng" cho Nga một cách hiệu quả. Linh kiện bán dẫn rất cần thiết trong việc chế tạo các hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm các tên lửa với số lượng hạn chế mà Nga duy trì, để phục vụ cho các cuộc tấn công tại Ukraine. Từ tháng 2/2022, Hoa Kỳ cùng các đối tác và đồng minh có cùng quan điểm, là về trên nguyên tắc, cần phối hợp kiểm soát xuất khẩu đối với Nga, hạn chế quyền tiếp cận của nước này đối với chất bán dẫn.

Bán dẫn : Xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp sang Nga tăng vọt

Dựa trên việc tổng hợp các số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhóm nghiên cứu Mỹ cho biết trong năm 2022, Trung Quốc đã cung cấp cho Nga vi mạch tích hợp, với tổng trị giá 179 triệu đô la, tăng gấp đôi lượng xuất khẩu của năm 2021. Tuy nhiên, số hàng hóa này chưa phải là tất cả những gì thuộc về lĩnh vực bán dẫn mà Trung Quốc xuất qua Nga. Các chuyên gia Mỹ cho biết thêm : lượng hàng vi mạch tích hợp Trung Quốc xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng vọt, từ gần 73 triệu đô la vào năm 2021 lên gần 125 triệu đô la vào năm 2022, bất chấp tình trạng bất ổn của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Nói cách khác, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không đủ điều kiện hấp thụ lượng hàng lớn nói trên. Trên thực tế, năm 2022, vi mạch tích hợp từ Thổ Nhĩ Kỳ xuất sang Nga tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước 2021. Điều này cho thấy, rất nhiều khả năng Trung Quốc đã thông qua một bên thứ ba, cụ thể ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ, để cung cấp cho Nga các linh kiện bán dẫn mà Nga cần cho cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Các vi mạch tích hợp này được sử dụng trong lĩnh vực dân sự cũng như trong quân sự. Bằng chứng gần đây về nhiều linh kiện do Trung Quốc sản xuất được tìm thấy trong vũ khí của Nga cho thấy hàng hóa lưỡng dụng (dân sự - quân sự) của Trung Quốc có thể đã được sử dụng trong các vũ khí chống Ukraine.

26 loại drone xuất sang Nga

Ngoài ba lĩnh vực dầu mỏ, xe tải siêu nặng và linh kiện bán dẫn, nhóm chuyên gia Mỹ cũng nêu bật một lĩnh vực thứ tư. Có một số bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã xuất khẩu ồ ạt drone sang Nga. Một điều tra của New York Times được công bố mới đây cho biết gần 70 công ty xuất khẩu Trung Quốc đã bán 26 loại drone sang Nga. Như chúng ta biết, drone là một loại phương tiện mà chính quyền Nga sử dụng để tiến hành nhiều vụ oanh kích vào các cơ sở dân sự cũng như quân sự của Ukraine. 

Theo nhóm chuyên gia Mỹ, quy mô nói trên của các hậu thuẫn cho quân đội Nga từ Trung Quốc cho thấy đã đến lúc phương Tây cần công bố đầy đủ thông tin, trực tiếp lên án vai trò của Bắc Kinh - đã tạo điều kiện cho chế độ Putin tiếp tục tiến hành cuộc chiến gây hấn tại Ukraine. Không thể để cho Bắc Kinh lẩn trốn trách nhiệm, bằng cách khẳng định những gì họ làm là hoàn toàn được phép, miễn là không vượt qua "lằn ranh đỏ" cung cấp vũ khí sát thương - điều mà chính quyền nhiều nước phương Tây vẫn chủ trương cho đến nay.

Markus Garlauskas, Joseph Webster and Emma C. Verges

Nguyên tác : "China’s support may not be ‘lethal aid,’ but it’s vital to Russia’s aggression in Ukraine", New Atlanticist, 08/05/2023

Trọng Thành lược dịch

Nguồn : RFI, 11/05/2023

Published in Diễn đàn

Sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc sẽ còn kéo dài sau thời kỳ Putin

Khi Tập Cận Bình đến Moscow trong chuyến thăm chính thức vào ngày 20 tháng 3, các nghi lễ của Điện Kremlin đã tập trung vào việc thể hiện không chỉ sự tôn trọng đối với vị khách nước ngoài quan trọng nhất mà Nga từng tiếp đón kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với Ukraine, mà còn là sự bình đẳng giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc và chủ nhà, Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, nghi thức ngoại giao phức tạp này không thể che giấu sự bất cân xứng ngày càng tăng giữa hai nước.

tap1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc họp tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga tháng 9 năm 2018.

Putin thích đóng khung cuộc tấn công của mình vào Ukraine như một hành động nổi loạn chống lại sự thống trị toàn cầu của Mỹ, và là một bước nhảy vọt hướng tới chủ quyền hoàn toàn của Nga. Nhưng thực tế không như vậy. Mười ba tháng sau khi chiến tranh bắt đầu, Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu cho hàng hóa cơ bản của mình, một nguồn nhập khẩu quan trọng, cũng như đối tác ngoại giao thiết yếu nhất trong bối cảnh sự cô lập toàn cầu ngày càng tăng cao. Năm 2022, Trung Quốc chiếm gần 30% xuất khẩu và 40% nhập khẩu của Nga. Một phần của các giao dịch thương mại này được thực hiện thông qua đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, vì Nga chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây trong việc sử dụng đồng đô la và đồng euro. Sự phụ thuộc này sẽ tiếp tục gia tăng, bởi phương Tây đang nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên của Nga.

Thật vậy, Nga sẽ sớm phụ thuộc vào Trung Quốc còn nhiều hơn vào Châu Âu từ trước tới nay. Nước này đã bắt đầu xoay trục sang Trung Quốc vào năm 2014, sau khi sáp nhập Crimea, để đa dạng hóa đối tác và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Châu Âu. Bây giờ mối quan hệ với phương Tây đã bị phá vỡ không thể sửa chữa, Nga không có lựa chọn hợp tác lâu dài nào khác ngoài Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc chỉ đơn giản là kiếm tiền từ đòn bẩy địa kinh tế ngày càng tăng của mình đối với Nga bằng cách giành được dầu khí xuất khẩu giá rẻ từ Nga và chinh phục thị trường tiêu dùng nước này. Nhưng có lẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc đòi hỏi sự trung thành nhiều hơn về mặt chính trị để giúp đỡ chế độ Putin tiếp tục tồn tại.

Bởi sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc làm giảm đòn bẩy của Điện Kremlin, Trung Quốc có thể yêu cầu nhiều sự nhượng bộ chính trị hơn. Nước này có thể yêu cầu Nga chia sẻ các công nghệ quân sự nhạy cảm, chấp nhận sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở vùng Bắc Cực của Nga, hoặc bật đèn xanh cho nhiều cơ sở của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Trung Á. Trung Quốc cũng có thể muốn có tiếng nói về mối quan hệ của Nga với các nước Châu Á có bất đồng với chế độ của Tập. Ví dụ, Trung Quốc có thể yêu cầu Nga không cung cấp thiết bị quân sự mà họ đã bán cho Ấn Độ trong nhiều thập niên qua. Điện Kremlin có lẽ không thể từ chối một số đề nghị này.

Tại sao Nga lại muốn trói mình vào mối quan hệ mang tính thần phục sâu sắc hơn với Trung Quốc nếu đã từng bị ám ảnh về sự thống trị của Mỹ trong mối quan hệ với phương Tây ? Lý do là vì cuộc chiến chống lại Ukraine và, nói rộng hơn, là với các đồng minh phương Tây của nó, đã trở thành nguyên tắc tổ chức chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại của Nga. Putin và đoàn tùy tùng của ông đã đặt cược quá nhiều vào chiến dịch này đến nỗi cuộc chiến giờ đã mang tính sống còn. Trong tâm trí đen tối của những lãnh đạo cứng rắn ở Điện Kremlin, thua cuộc có nghĩa là mất quyền lực, mất nước, và thậm chí có thể là mất cả tự do và mạng sống của chính họ.

Khi sự kiểm duyệt và đàn áp trở thành chuyện bình thường ở Nga, và nền kinh tế đang ngày càng bị đặt vào tình trạng căng thẳng do chiến tranh, Điện Kremlin đang đánh giá lại mọi mối quan hệ ngoại giao thông qua lăng kính các mối quan hệ đó mang lại ích lợi gì cho cuộc chiến. Trung Quốc xuất hiện với tư cách là đối tác quan trọng nhất, vì ba lý do.

Đầu tiên, việc quốc gia này tăng mua hàng hóa của Nga đã giúp mang lại ngân quỹ chiến tranh cho Putin. Thứ hai, Trung Quốc là một nguồn cung cấp không thể thay thế được cho cỗ máy chiến tranh của Putin, cho dù đó là linh kiện cho vũ khí Nga hay vi mạch cho máy móc công nghiệp. Cuối cùng, mặc dù Điện Kremlin đã tìm cách trừng phạt phương Tây – nhất là nước Mỹ – vì đã hỗ trợ cho Ukraine, nhưng cho đến nay các công cụ mà họ đã triển khai, như vũ khí kĩ thuật số hoặc "tống tiền" năng lượng, đã cho thấy không hiệu quả. Do đó, Điện Kremlin ngày càng tin rằng việc giúp Trung Quốc, đối thủ toàn cầu chính của Mỹ, hạ bệ đối thủ lớn của mình là cách tốt nhất để trả thù cho việc chính quyền Biden giúp đỡ Ukraine. Đây là lý do tại sao việc chia sẻ bí mật quân sự nhạy cảm với Trung Quốc, hoặc hỗ trợ bộ máy quân sự của nước này, dường như không còn là điều cấm kỵ nữa.

Điều làm sự phục tùng đối với Trung Quốc trở nên chấp nhận được không chỉ là sự vui sướng về sự sụp đổ sắp tới của bá quyền Mỹ, mà là khả năng đáng chú ý của Trung Quốc trong việc xoa dịu cái tôi của Nga, mang lại cho Putin thể diện trước công chúng, bao gồm cả thông qua chuyến thăm cấp nhà nước của Tập Cận Bình. Một thực tế an ủi khác là Trung Quốc không quan tâm đến sự đàn áp và tham nhũng bên trong nước Nga, miễn là lợi ích của Trung Quốc được bảo đảm.

Thái độ mới của Nga đối với Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với một năm trước. Trước ngày 24 tháng 2, nhiều ý kiến trong hệ thống quyền lực của Nga đã cảnh giác và phản đối việc Nga nhanh chóng ngã vào vòng tay Trung Quốc một cách mù quáng, ủng hộ một chính sách đối ngoại cân bằng hơn. Những tiếng nói này giờ đây đã lắng xuống, đi theo tầm nhìn hẹp của Putin về lợi ích quốc gia Nga : phá hủy Ukraine và trả thù phương Tây. Bi kịch đối với Nga là ngay cả sau khi Putin rời khỏi chính trường, chính sách mới của chế độ độc tài Á-Âu khổng lồ trong việc phục tùng Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục tồn tại.

Một ngày nào đó cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc, với kết quả không có lợi cho tất cả các bên. Xét cho cùng, Nga có vũ khí hạt nhân, và không có gì chứng minh được là họ sẽ không sử dụng chúng nếu Putin tin rằng thua cuộc có nghĩa là ông sẽ chết. Vì vậy, việc phục hồi biên giới Ukraine, như được quốc tế công nhận năm 1991, dù là điều đáng mong muốn nhưng dường như không thể xảy ra. Tương tự là việc Putin và các tội phạm chiến tranh khác của Nga sẽ tự nguyện bay đến La Hay để đối mặt với một phiên tòa.

Vài năm nữa, phương Tây sẽ loại bỏ được sự phụ thuộc kinh tế vào Nga, trên bất cứ lĩnh vực gì. Nền kinh tế Nga sẽ được điều chỉnh lại – với sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc – để đi theo một mô hình mới : nghèo hơn và lạc hậu về công nghệ, nhưng vẫn tiếp tục sống sót. Trung Quốc sẽ tiêu thụ phần lớn hàng xuất khẩu của Nga và trở thành nguồn duy nhất cung cấp công nghệ hiện đại cho Nga ; hệ thống tài chính Nga sẽ được nhân dân tệ hóa hoàn toàn. Các nhà lãnh đạo đang bị trừng phạt thuộc các cơ quan an ninh và quân đội Nga sẽ trở thành giới tinh hoa mới của đất nước : chủ yếu là các cựu chiến binh của chiến dịch Ukraine, những người chưa hề đến thăm phương Tây kể từ năm 2014, và con của nhiều người trong số đó sẽ học tại các trường đại học hàng đầu Trung Quốc.

Để khôi phục quan hệ với phương Tây và thoát khỏi sự thống trị của Trung Quốc, Nga sẽ phải đáp ứng các yêu cầu của Ukraine về trách nhiệm giải trình đối với tội phạm chiến tranh, bồi thường và trả lại tất cả các lãnh thổ bị sáp nhập, để nhận được phần thưởng là lời hứa dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt. Đó sẽ là một việc khó thực hiện được ngay cả trong một tương lai không tưởng khi Nga có một chính phủ dân chủ thời hậu Putin, và gần như là điều bất khả đối với đội ngũ có thể sẽ điều hành Điện Kremlin sau khi Putin cuối cùng rời đi. Tình trạng làm chư hầu cho Trung Quốc dần sẽ trở nên điều bình thường, dễ đoán hơn và cũng mang lại nhiều ích lợi hơn cho Nga.

Alexander Gabuev

Nguyên tác : "Russia ’s reliance on China will outlast Vladimir Putin, says Alexander Gabuev"The Economist, 18/03/2023.

Nguyễn Thanh Mai biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 21/04/2023

tap2

Alexander Gabuev là giám đốc sáng lập của Trung tâm Carnegie Á-Âu về Nga, đặt trụ sở tại Berlin.

Published in Diễn đàn

Trung Quốc và Nga tuyên bố nâng quan hệ quân sự lên tầm mức mới

Minh Anh, RFI, 19/04/2023

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, đang thăm Moskva hôm 18/04/2023 đã bày tỏ "quyết tâm" tăng cường hợp tác với quân đội Nga. 

lienminh1

Hai phái đoàn quốc phòng Nga, Trung Quốc do bộ trưởng Lý Thượng Phúc và bộ trưởng Sergey Shoigu dẫn đầu hội đàm ngày 18/04/2023 tại Moskva, Nga. AP

AFP trích dẫn thông cáo từ bộ quốc phòng Nga cho biết, trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Sergey Shoigu, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tuyên bố rằng chuyến thăm Moskva của ông là nhằm "chứng tỏ cho thế giới bên ngoài thấy rõ quyết tâm củng cố quan hệ hợp tác chiến lược giữa quân đội Trung Quốc và Nga". Ông Lý cam kết "thúc đẩy hợp tác quân sự và kỹ thuật cũng như thương mại quân sự giữa Nga và Trung Quốc", và "nâng các mối quan hệ này lên một tầm mức mới". 

Về phía Nga, bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoigu kêu gọi hai bên phát triển các quan hệ này "bằng cách hỗ trợ mạnh mẽ cho nhau, kể cả trong những vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia". Theo đánh giá của ông Choigu, được tờ South China Morning Post trích dẫn, quan hệ Nga – Trung có ý nghĩa quan trọng cho hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu, do vậy, "việc hai bên có cùng đánh giá về sự chuyển đổi của bối cảnh địa chính trị toàn cầu là điều quan trọng". 

Thông cáo của bộ quốc phòng Nga cho biết, lãnh đạo quốc phòng hai nước khẳng định tăng cường sự phối hợp giữa quân đội Nga và Trung Quốc. Một thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa hai học viện quân sự Nga và Trung Quốc, nhưng biên bản ghi nhớ không cho biết chi tiết về thỏa thuận này. 

AFP nhắc lại, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý Thượng Phúc, vốn dĩ cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến gặp và trao đổi với bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc hôm Chủ Nhật 16/04. Trong cuộc gặp này, ông Lý tuyên bố đã chọn đến thăm Nga nhằm "nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt và tầm quan trọng chiến lược trong mối quan hệ song phương Nga – Trung".

Chuyến công du Nga của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình ở Nga hồi tháng 3/2023. Việc Nga, Trung Quốc ngày càng thắt chặt quan hệ quân sự, nhất là trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, đang khiến Mỹ và khối NATO lo lắng. 

Minh Anh

**************************

Quan hệ Nga - Trung : Liên minh quân sự để bắt đầu một "kỷ nguyên mới"

Anh Vũ, RFI, 18/04/2023

Chuyến thăm Nga của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc từ ngày 16 đến ngày 19/04/2023 đang thu hút sự quan tâm chú ý của phương Tây, trong bối cảnh các đồng minh của Ukraine đang nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Moskva trong cuộc chiến tranh tại Ukraine.

lienminh1

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (trái) trao đổi với tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và đồng nhiệm Nga Sergei Shoigu tại điện Kremlin, Moskva, ngày 13/04/2023. AP - Pavel Bednyakov

Khi cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine được Kremlin phát động, vì những tính toán lợi ích riêng, Trung Quốc luôn tỏ thái độ mập mờ, vừa không muốn làm tổn hại đến quan hệ với các đối tác thương mại phương Tây, đồng thời vẫn duy trì hợp tác chặt chẽ với láng giềng Nga. Thời gian gần đây, trục chống Mỹ Moskva - Bắc Kinh hình thành ngày càng rõ nét hơn, đặc biệt với chuyến thăm Nga của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà trong đó lãnh đạo hai nước đã nhất trí tuyên bố quan hệ Nga - Trung đang bước vào "kỷ nguyên mới".

Chỉ vài tuần sau chuyến thăm Moskva của chủ tịch Tập Cận Bình, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Lý Thượng Phúc, dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức đến Nga. Theo như ông giải thích, đó là nhằm nhấn mạnh "tính chất đặc biệt và tầm quan trọng chiến lược của quan hệ song phương".

Tại Moskva, lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc đã nhấn mạnh "Nga và Trung Quốc gắn kết với nhau bằng mối quan hệ bền chặt vượt qua các mối liên minh quân sự - chính trị thời Chiến Tranh Lạnh". 

 Những tuyên bố của ông Lý Thượng Phúc, như "Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga" để tăng cường trao đổi thông tin chiến lược giữa quân đội hai bên và "đem đến những đóng góp mới cho việc duy trì và ổn định thế giới và khu vực"... đã cho thấy tầm chiến lược rộng lớn trong quan hệ quân sự hai bên. Như để nhấn thêm tầm quan trọng của chuyến đi, tổng thống Nga đã đích thân tiếp của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc. Tại cuộc gặp, ông Putin đã ca ngợi sự hợp tác quân sự giữa hai nước và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và tổ chức các cuộc tập trận chung giữa quân đội hai nước.

Giữa chuyến thăm Moskva của ông Lý Thượng Phúc, hai nước đã tổ chức cuộc tập trận chung quy mô lớn tại Thái Bình Dương, huy động hơn 25.000 quân, 167 tàu chiến, 12 tàu ngầm và 89 máy bay các loại. Tổng thống Putin khẳng định với lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc rằng, mặc dù hiện tại đang phải tập trung quân đội ưu tiên cho chiến dịch tại Ukraine, nhưng Nga không bỏ rơi khu vực Thái Bình Dương, khu vực trọng điểm trong chiến lược của Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung. Các nhà quan sát nhận thấy Nga chung vai sát cánh với Trung Quốc trên Thái Bình Dương như là một đối tác chiến lược, sẵn sàng giúp Bắc Kinh không bị lẻ loi một mình chống chọi với Hoa Kỳ và các đồng minh của họ.

Trên thực tế, quân đội Nga - Trung từ năm 2018 vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, đặc biệt là cuộc tập trận Vostok năm 2018. Từ đó đến giờ, hoạt động hợp tác quân sự như vậy không ngừng phát triển về tần suất cũng như quy mô, trong đó phải kể đến cuộc tập trận Zapad hồi tháng 08/2021. Sau đó đến tháng 05/2022, tức là 3 tháng sau khi nổ ra cuộc chiến tranh Ukraine, hai nước đã tổ chức các cuộc tuần tra chung trên không và trên biển ở các vùng biển Nhật Bản và Biển Đông, giữa lúc tại Tokyo diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Bộ Tứ (Quad).

Tuy nhiên, đó là những hoạt động hợp tác quân sự diễn ra đều ở rất xa khu vực nóng Ukraine. Điều mà các nước phương Tây lo ngại nhất hiện nay là quan hệ quốc phòng "bền chặt" Nga - Trung sẽ dẫn tới việc Bắc Kinh hỗ trợ quân sự Moskva trong cuộc chiến tranh tại Ukraine. Tại Hội nghị An ninh Munich tháng 02/2023, Hoa Kỳ đã cảnh báo khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga. Mặc dù Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ, nhưng giới quan sát vẫn chú ý rất sát mọi động thái có liên quan đến sự hậu thuẫn quân sự của Trung Quốc. Trong khi đó, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng 04, và mới nhất là ngoại trưởng các nước G7 họp tại Tokyo từ đầu tuần này, đã đưa ra những cảnh cáo răn đe với Trung Quốc về chủ đề này.

Những năm qua, Moskva và Bắc Kinh liên tục tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Mối quan hệ "không giới hạn" như xác nhận của ông Tập Cận Bình, ngày tiến xa hơn từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, nhất là khi hai nước tìm được động cơ chung : thiết lập lại trật tự thế giới mới không có sự thống trị của Hoa Kỳ.

Anh Vũ

*************************

Làm thế nào để Châu Âu có thể hãm đà xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc ?

Thùy Dương, RFI, 18/04/2023

Tìm cách đẩy Bắc Kinh ra xa Moskva một chút trong hồ sơ Ukraine, trong chuyến công du cấp Nhà nước 3 ngày đến Trung Quốc, là mục tiêu mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron hướng tới. Nhưng điều quan trọng thiết yếu là ngành ngoại giao Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng phải đo lường được mức độ đoàn kết thực sự của khối Nga - Trung và đoán định được những vết rạn nứt đang xảy ra giữa Nga và Trung Quốc để tận dụng chúng. 

lienminh2

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình trong bữa dạ tiệc tại Cung điện Facets, Kremlin, Moskva, ngày 21/03/2023. AP - Pavel Byrkin

Trên đây là nhận định của nhà địa chính trị Pháp Cyrille Bret, Trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po, trong bài viết "Macron đi Bắc Kinh : Liệu Châu Âu có thể hãm đà xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc hay không ?", đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 17/03/2023. RFI Tiếng Việt trích dịch và giới thiệu bài viết dưới dạng hỏi đáp. 

Nga - Trung : Trục Âu-Á để chống lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương ? 

Sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga không phải chỉ mang tính tình thế. Hai nước đã không ngừng phát triển giao thương và hợp tác trong hai thập kỷ qua. Sau khi giải quyết hồi năm 1994 các tranh chấp biên giới nảy sinh từ thời Liên Xô, Nga - Trung vào năm 2001 đã ký kết thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược song phương, được cụ thể hóa ở nhiều mặt. 

Giao thương tăng trưởng ổn định bất chấp các cuộc khủng hoảng kinh tế (vào những năm 2008, 2014, 2021), thậm chí đạt mức 190 tỷ đô la vào năm 2022, một mức kỷ lục và tăng 30% so với năm 2021. 

Trung Quốc kể từ năm 2010 đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga, sau cả khối Liên Âu, nhưng đứng trên tất cả mọi thành viên Liên Âu nếu tính riêng từng nước. Nga cung cấp cho Trung Quốc năng lượng, khoáng sản và thiết bị quốc phòng, còn Trung Quốc xuất khẩu sang Nga các loại máy - công cụ, dược phẩm và linh kiện điện tử : Hai bên bổ trợ nhau và sự bổ trợ này nhanh chóng được củng cố bằng giao dịch tài chính với đồng rúp và nhân dân tệ, cũng như với ngân hàng phát triển của khối BRICS. 

Đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia, khởi động vào năm 2014 và khai trương vào năm 2019, kết nối vùng Siberia của Nga với miền đông bắc Trung Quốc. Việc xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc sẽ sớm được tăng cường với đường ống Sức mạnh Siberia 2. Các đường ống dẫn khí này mang lại cho Nga một thị trường thay thế Liên Âu, đồng thời giúp Trung Quốc có một nhà cung cấp năng lượng giá thấp, trong bối cảnh Mỹ đã giành lại vị trí dẫn đầu trên thị trường năng lượng thế giới. 

Quan hệ đối tác này còn được củng cố mạnh mẽ do sự chống đối của phương Tây trên trường quốc tế. Rất lâu trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013 và trước khi Nga cắt đứt quan hệ với phương Tây vào năm 2014, Nga và Trung Quốc đã phản đối các hành động quốc tế của Hoa Kỳ nói riêng và phương Tây nói chung. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như ở khắp nơi trên thế giới, các nhà ngoại giao Trung Quốc và Nga đã hỗ trợ lẫn nhau để chỉ trích sự can thiệp của NATO ở nước ngoài (Serbia, Afghanistan), để phản đối các chế độ dân chủ tự do và lên án điều mà họ gọi là "tiêu chuẩn kép-nhất bên trọng nhất bên khinh" của phương Tây vi phạm các quy tắc mà chính phương Tây muốn áp đặt đối với các nước khác. 

Tại Hội Đồng Bảo An, quyền phủ quyết đã được Nga và Trung Quốc sử dụng rộng rãi kể từ năm 1991 (lần lượt 29 và 15 lần) để chống lại các chỉ trích của phương Tây về các hồ sơ Ukraine, Đài Loan, Tân Cương … Có thể nhận thấy một "liên minh phòng thủ khách quan" giữa các cường quốc hạt nhân là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. 

Trục chống phương Tây này đi đôi với sự hợp tác nhất định ở quy mô Âu - Á : đồng sáng lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào năm 2001, Nga và Trung Quốc đã tìm cách thiết lập một thế bá chủ chung thực sự ở lục địa Á - Âu để đấu tranh chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và tội phạm có tổ chức trong khu vực. Thế nhưng, đó cũng là để chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, sau các cuộc chiến tranh ở Irak và Afghanistan. Với các cuộc thao dượt quân sự thường xuyên cả trên bộ, trên không, trên biển và ở không gian mạng, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã giúp hai cường quốc quân sự Nga - Trung và các đồng minh xích lại gần nhau. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga đã được thể hiện vào tháng 09/2022 thông qua việc Trung Quốc tham gia đợt tập trận Vostok 2022 ở vùng Viễn Đông. 

Chuyến thăm Nga vừa qua của Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc là một đồng minh ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng : ở lục địa Á-Âu và tại Liên Hiệp Quốc, về kinh tế cũng như quân sự, quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga đều có thực và được cho là mang một nhãn quan khác (và thù địch) với cách nhìn của phương Tây. Cụ thể là Trung Quốc âm thầm ủng hộ cuộc xâm lược của Nga bằng cách từ chối áp dụng các biện pháp trừng phạt của quốc tế, cung ứng cho các tổ hợp công nghiệp quân sự Nga và mới đây đã đề xuất một kế hoạch hòa bình Nga-Ukraine nhấn mạnh đến việc bảo đảm an ninh cho Nga. 

Thế nhưng, giữa hai nước cũng có những ngờ vực và ganh đua ? 

Châu Âu và Mỹ có nên chuẩn bị để chống lại một khối gồm các chế độ độc tài mà Trung Quốc và Nga sẽ là những nước lãnh đạo, theo sau đó là Iran, Syria, Bắc Triều Tiên và thậm chí là các nước Trung Á ? Nguy cơ địa chính trị của việc "phi phương Tây hóa" thế giới là có thật, nhưng thực ra thì giữa Moskva và Bắc Kinh, các nguồn cơn gây ngờ vực cũng là có thật. Nga từ lâu nay vẫn lo ngại về sức mạnh kinh tế, dân số và quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Viễn Đông Nga vốn kém phát triển và thưa dân. Việc Moskva tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương) tại Vladivostok vào năm 2012 là nhằm không để bị xem là thua kémTrung Quốc. Còn việc Moskva tái quân sự hóa Bắc Cực, với sự hỗ trợ của đội tàu phá băng, là nhằm tái khẳng định quyền kiểm soát của Nga đối với tuyến hàng hải mà Bắc Kinh bày tỏ tham vọng. 

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh thận trọng quan sát các hành động bành trướng của Nga. Trung Quốc không công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia sau cuộc chiến tranh Nga-Gruzia hồi năm 2008. Bắc Kinh cũng không công nhận việc Moskva hồi tháng 09/2022 sáp nhập 4 vùng Nga xâm chiếm của Ukraine. Và trong kế hoạch hòa bình, điểm đầu tiên mà Trung Quốc nêu lên là sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của đất nước - dù không nói rõ là Bắc Kinh có muốn Nga từ bỏ vùng Donbass và bán đảo Crimée đã chiếm được của Ukraine hay không. Nói tóm lại, đối với các câu hỏi mang tính sống còn về địa chính trị của Nga, Trung Quốc vẫn thể hiện sự mơ hồ giữa ủng hộ và hòa giải. Khối này như vậy có dấu hiệu rõ ràng về sự tan vỡ. 

Sự ganh đua, cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nga thậm chí còn mở ra ở cả Trung Á, Nam Á và Châu Phi. Nhiều rạn nứt đã xuất hiện, như dưới thời Liên Xô, khi nói về thế bá chủ trong khu vực. Năm quốc gia Trung Á, trước đây là thành viên Liên Xô, là tâm điểm của sự cạnh tranh kéo dài hàng thế kỷ giữa Moskva và Bắc Kinh. Về phía Nga, Moskva nuôi dưỡng ảnh hưởng thông qua các tổ chức khu vực gạt Trung Quốc ra bên lề : Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO - ra đời năm 2002) giữ vai trò như Khung hợp tác an ninh và quân sự giữa "anh cả" Nga và một số nước thành viên cũ của Liên Xô (trừ Uzbekistan) ; Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) tạo ra các khung, về địa lý và thể chế, nhằm chống lại sự năng động của Trung Quốc trong khu vực. 

Về phía Trung Quốc, dự án "Những con đường tơ lụa mới" được khởi xướng vào năm 2013 cụ thể là nhằm làm lung lay và phá vỡ thế bá chủ của Nga : các khoản đầu tư và cho vay khổng lồ, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt và hậu cần, cũng như việc Trung Quốc lập một căn cứ quân sự ở Tajikistan đã khiến Moskva rất lo ngại. Quả thực là đối tác chiến lược Trung Quốc của Nga đang cố tình tìm cách gạt Moskva ra bên lề khu vực. 

Sự năng động của Nga ở Châu Phi (Trung Phi, Mali, Burkina Faso …) và ở Nam Á (Ấn Độ, Việt Nam) cũng không nên bị xem là chỉ là sự cạnh tranh với phương Tây trên các mặt trận bên ngoài Châu Âu, mà nên được hiểu là Nga muốn cân bằng lại quyền lực trước Trung Quốc. 

Như vậy là việc Nga thúc đẩy Ấn Độ trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hồi năm 2016 trên hết là để gây khó cho Trung Quốc. Đổi lại, để tránh bị suy yếu, Bắc Kinh đã đề nghị để đồng minh Pakistan của Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải. Đưa Ấn Độ gia nhập Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải có nghĩa là đưa một đối thủ lớn có tính hệ thống của Bắc Kinh vào một tổ chức mà Trung Quốc có thể đang ở thế lấn át Nga. Và nếu xét về quan hệ song phương Nga - Ấn, thì Moskva từ lâu đã phát triển các hoạt động trao đổi về quốc phòng, hạt nhân và năng lượng với New Delhi để không phải lệ thuộc vào Bắc Kinh trong cuộc đối đầu với phương Tây. Tóm lại, đối với Vladimir Putin, sự ủng hộ của Tập Cận Bình là điều đáng hoan nghênh, nhưng có thể gây khó xử nếu chỉ có Bắc Kinh ủng hộ Moskva. 

Nga - Trung là bài toán khó cho Liên Âu ? 

Chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Moskva nhắc nhở phương Tây về một nguy cơ địa chính trị mang tính cấu trúc : từ hai thập kỷ nay, hai cường quốc hạt nhân và công nghệ Á - Âu đã tập trung trên mọi mặt trận để công khai thách thức cái nhìn của phương Tây về thương mại thế giới, quan hệ quốc tế cũng như các cấu trúc dành riêng cho an ninh toàn cầu và khu vực. 

Thách thức này rất lớn, đặc biệt là đối với những nước Châu Âu láng giềng của Nga nhưng lại có quan hệ giao thương lâu năm với Trung Quốc. Nhưng liệu thách thức thực sự có phải ở chỗ coi họ như một khối đồng nhất về ý thức hệ trong logic đối đầu ? Hay là nên như tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến đi tới Bắc Kinh, tìm cách dựa vào sự ganh đua, cạnh tranh bên trong để chia rẽ Trung - Nga, hai cường quốc Á - Âu trong cuộc ganh đua, cạnh tranh công khai ở ít nhất ba khu vực ?

Thùy Dương

Published in Diễn đàn

Nga : Sinh viên khoa học phản đối bị bắt buộc học tiếng Hoa

Báo Le Monde hôm 03/04/2023 chú ý tới việc hơn một ngàn sinh viên trường đại học MFTI danh giá của Nga đã ký vào kiến nghị chống lại việc bắt buộc học tiếng Hoa trong suốt bốn năm, được cho là "phi lý và tai hại". Một số giáo sư cũng ủng hộ họ, cho rằng đối với các ngành khoa học cơ bản, tiếng Anh mới là cần thiết.

ngatrung0

Một lớp học tiếng Hoa - Ảnh minh họa

Chủ trương thù địch của Putin khiến Châu Âu thêm cảnh giác

Về việc Nga xét lại chủ thuyết đối ngoại, coi phương Tây là mối đe dọa chiến lược như thời Liên Xô cũ, Le Figaro nhận thấy đây là một thất vọng mới cho những ai vẫn còn mong đối thoại với Moskva. Đồng thời củng cố thêm lý lẽ cho quyết định truy nã Vladimir Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Thêm vào đó, vụ bắt giữ nhà báo Evan Gershkovich của Wall Street Journal cũng mang màu sắc chiến tranh lạnh.

Đặc phái viên Le Figaro ở Vilnius cho biết, từ sau cuộc xâm lăng Ukraine, phi cơ NATO tuần tra thường xuyên hơn trên không phận các nước Đông Âu. Những chiến đấu cơ Rafale của Pháp nay mang theo đại bác và hỏa tiễn không đối không trong mỗi phi vụ. Trong thế giới mạng, Le Monde ghi nhận các vụ tấn công tin học vào Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong sáu tháng qua từ 9,8% vọt lên 46,5%. Theo báo cáo ngày 29/03 của Thalès, sự gia tăng này liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine : 61% vụ tấn công trên thế giới trong một năm qua là từ Nga, và những nước ủng hộ Ukraine là nạn nhân chính.

Hiệu quả cấm vận Phương Tây : Nga bị suy thoái lâu dài

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos khẳng định cấm vận của phương Tây rõ ràng đã làm suy yếu sức mạnh của Nga. Ngay cả ông Vladimir Putin lần đầu tiên đã phải thừa nhận điều này. Các biện pháp trừng phạt nhằm lấp đầy khoảng trống giữa các tuyên bố ngoại giao ít có tác động và các hoạt động quân sự tốn kém. Đó là nhận định của Agedit Demarais, Economist Intelligence Unit (EIU). Bà nói rõ, trừng phạt không nhằm làm sụp đổ nền kinh tế hay thay đổi chế độ, mà để tác động lên khả năng tiến hành chiến tranh với Ukraine, và về mặt này, tỏ ra rất hiệu quả. L'OCDE dự báo năm nay kinh tế Nga thụt lùi 5,6%, Ngân hàng Thế giới cho rằng sẽ -3,3%.

Nhà nghiên cứu Michal Wyrebkowski của Yale School of Management ghi nhận : "Trên 1.000 công ty đa quốc gia phương Tây đã rời khỏi nga. Đối với một nước lệ thuộc vào nhập khẩu và chuyển giao công nghệ, trừng phạt đã chôn vùi giấc mơ phát triển kinh tế trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên". Đó chính là mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh. Tổng cộng khoảng mười mấy ngàn sản phẩm đã bị Mỹ cấm vận, "nhiu hơn c Liên Hip Quc, Liên Hip Châu Âu và Canada cng li". 

Washington đang tìm cách làm giảm thị phần toàn cầu của năng lượng Nga từ 30% xuống 15% trong dài hạn. Chẳng hạn các mỏ dầu khí ở miền cực bắc Nga cần công nghệ tiên tiến mà chỉ Hoa Kỳ mới có. Không chỉ năng lượng, kỹ nghệ Nga lệ thuộc vào phương Tây. Michal Wyrebkowski giải thích, Trung Quốc chỉ cung cấp được 13,3% bảng điều khiển điện, 14,1% động cơ đốt trong và 9,8% phụ tùng máy gia công kim loại. Công nghệ thông tin Nga lệ thuộc phương Tây đến 80% nhu cầu. Chương trình thay thế hàng nhập khẩu phương Tây bằng hàng nội địa tốn kém đến hàng trăm tỉ đô la, hậu quả là Nga không thể đạt nổi mức GDP như trước chiến tranh, ít nhất đến 2027.

Nga-Iran : Liên minh cơ hội giữa hai chế độ bị thế giới tẩy chay

Trong bối cảnh đó, Nga quay sang kết thân với các chế độ độc tài khác. Le Monde nhận định "Nga-Iran : Mặt trận chung của những kẻ bị ruồng bỏ". Moskva, bị quốc tế trừng phạt do xâm lăng Ukraine và Tehran vì chương trình nguyên tử, đã nối kết với nhau trong một liên minh cơ hội. Iran cung cấp các drone Shahed-136, giúp Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng Ukraine mà không mấy tốn kém. Hai bên sắp xây dựng tại Tatarstan (Nga) một nhà máy có thể sản xuất ít nhất 6.000 drone. Theo Sky News, vào đầu năm nay hai tàu hàng mang cờ Nga xuất phát từ Iran đã vận chuyển 100 triệu băng đạn cỡ nhỏ và 300.000 đạn pháo. Đổi lại, Teheran hy vọng được giao hỏa tiễn và chiến đấu cơ.

Tuy chưa thể là đối tác chiến lược, với viễn cảnh Iran gia nhập hai tổ chức mà Nga là thành viên, gồm BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), quan hệ đôi bên dần thăng bằng hơn dù trước nay Moskva luôn thống trị. Những thập niên qua hợp tác quân sự đôi bên không mấy suông sẻ, trong đó Iran ở thế yếu. Một cựu quân nhân Iran cay đắng kể, năm 1990, kiệt quệ sau cuộc chiến tranh với Iraq, Tehran mua vũ khí nơi nhà cung cấp của kẻ thù mình với những điều kiện khắc nghiệt. Moskva giao tiêm kích Mig-29 với tài liệu hướng dẫn tối thiểu, các phi công Iran chỉ được huấn luyện sơ sài, phụ tùng thay thế không đủ. Đến khi cả hai cùng tham chiến ở Syria và hiệp ước nguyên tử Vienna bị hủy bỏ, quan hệ mới được cải thiện.

Trao đổi thương mại tăng 20% trong năm 2022, trong khi trước cuộc xâm lăng, các nhà đầu tư cảnh báo sự khác biệt sâu sắc giữa hai nền văn hóa. Chẳng hạn "đàm phán có thể kéo dài nhiều tháng, phải uống mấy chục lít trà mới xong", "đối tác Iran coi việc không trả lời mail hay điện thoại là bình thường". Tại Teheran, cũng có những ý kiến phản đối, sợ rằng Iran hướng quá xa về Châu Á, hoặc trở thành con tin của Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Sinh viên một trường danh giá ở Moskva chống việc học tiếng Hoa

ngatrung1

Viện Vật lý và Công nghệ Moskva (MFTI). © Wikipedia/Vmenkov

Trên bình diện văn hóa, song song với việc siết chặt quan hệ với Bắc Kinh, thông tín viên Le Monde tại Moskva cho biết sinh viên một trường đại học nổi tiếng của Nga phản đối việc bắt buộc học tiếng Hoa.  Sinh viên Viện Vật lý và Công nghệ Moskva (MFTI) kể từ năm tới phải học Hoa ngữ trong bốn năm. Tiếng Anh được giảng dạy tiếp trong hai năm đầu, các ngoại ngữ khác như Pháp, Đức, Tây Ban Nha chỉ là nhiệm ý, phải trả phí và không được tính vào quá trình học. Hơn một ngàn sinh viên đã ký vào kiến nghị chống lại việc cải cách "phi lý và tai hại này". 

Nhìn nhận rằng tiếng Hoa "mang li nhng cơ hi mi trong mt thế gii đang thay đổi", nhưng họ cho là số lượng hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc chưa đạt đến mức để phải học tiếng Hoa. Các sinh viên yêu cầu "được tự do chọn lựa", vì giảng dạy ngoại ngữ là một điểm mạnh của MFTI, một trường đại học nổi bật trong việc đào tạo các nhà vật lý, sinh học, toán học, kỹ sư... Một mối lo khác là hiện chỉ có hơn một chục giảng viên tiếng Hoa, trong khi trường có 6.000 sinh viên.

Yếu tố Trung Quốc và tác hại đối với khoa học

Ai cũng thấy yếu tố địa chính trị là động cơ của chủ trương này. Hôm 28/03, một cán bộ của MFTI, Viktor Moskalev bị bắt ngay trong trường vì "tung tin thất thiệt", sau khi đăng hai lời bình trên mạng xã hội nêu ra việc "phá hủy" de Mariupol và lính Nga "cướp bóc" ở Ukraine. Vài ngày trước đó, một cuộc thuyết trình của ông Dimitri Muratov, giải Nobel Hòa bình, tổng biên tập báo Novaïa Gazeta đã bị hủy bỏ dưới áp lực của các nhóm "ái quốc". Tuy chủ đề ngoại ngữ ít nhạy cảm hơn, nhưng mang tính biểu tượng, cho thấy Nga nay lệ thuộc công nghệ Trung Quốc.

Trang web kinh tế BFM.ru khi phỏng vấn nhà vật lý thiên văn Sergei Popov, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học, đã ngạc nhiên khi ông ủng hộ quan điểm của sinh viên. Ông Popov nhấn mạnh, đối với các ngành khoa học cơ bản thì chỉ có tiếng Anh, và điều đó sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Ông nói : "Một trăm phần trăm những gì tôi đọc và 90% những gì tôi viết là bằng tiếng Anh". Trưởng khoa Ngôn ngữ phương Đông của Viện Ngôn ngữ học (RGGU), Tarass Ivchenko cũng nhắc lại vị trí trung tâm của tiếng Anh và cảnh báo : sau bốn năm học tiếng Hoa, "sinh viên sẽ không đọc nổi một bài báo khoa học nào".

Tính chính trị làm giảm mức độ tin cậy vào tư pháp Mỹ

Nhìn sang nước Mỹ, các báo chú ý đến sự kiện lần đầu tiên một cựu tổng thống bị khởi tố hình sự. Les Echos nhận thấy "cánh hữu dân túy siết chặt hàng ngũ phía sau ông Donald Trump".  Bị lấy dấu vân tay, chụp ảnh nhìn thẳng và nghiêng, thậm chí có thể bị còng tay… Donald Trump biết rằng có thể tận dụng những hình ảnh gây sốc khi ông bị đối xử như một tên tội phạm thông thường. Trong vòng 24 giờ kể từ khi bị truy tố, tổ chức chiến dịch của ông đã huy động được hơn 4 triệu đô la, một phần tư trong số đó là từ các nhà tài trợ mới.

Đa số người Mỹ nghĩ rằng công tố viên Manhattan thiên vị. Theo một cuộc thăm dò của Quinnipiac, 62% cho rằng ông Alvin Bragg hành động chủ yếu vì lý do chính trị, so với 32% tin rằng ông muốn thực thi luật pháp. Trong số những người ủng hộ luận điểm "chính trị", có 93% đảng viên Cộng hòa và 29% đảng viên Dân chủ tin vào điều này.

Les Echos giải thích "Sự chia rẽ chính trị làm giảm giá trị của các định chế tư pháp". Tại đa số tiểu bang, các biện lý cũng như sherif hay thanh tra tài chánh được bầu ra. Và như vậy để giành được chiếc ghế, họ phải chọn phe Dân chủ hay Cộng hòa, phải vận động tranh cử, gây quỹ như các chính khách. Biện lý Alvin Bragg cũng vậy, ông được hỗ trợ bởi một hiệp hội do quỹ của tỉ phú George Soros tài trợ. Trong ba năm qua, mức độ tin tưởng vào tư pháp liên bang đã giảm đến 22 điểm, còn 47%, thấp chưa từng thấy.

Sáu câu hỏi về vụ Donald Trump bị khởi tố

Les Echos tóm tắt vụ này qua sáu câu hỏi.

1. Ông Donald Trump bị cáo buộc những gi ? Ông bị nghi mua sự im lặng của một nữ diễn viên phim khiêu dâm năm 2016. Luật sư cũ của ông đã chuyển 130.000 đô la cho cô này, vài ngày trước chiến dịch tranh cử, và ông Trump đã hoàn tiền lại, nhưng tư pháp nghi ngờ ông đã tính vào quỹ tranh cử.

2. Các tội danh ? Đến ngày mai, thứ Ba 04/04 mới được biết.

3. Donald Trump có bị vào tù hay không ? Nếu bị kết tội, khả năng này có thể diễn ra.

4. Trump có thể ra tranh cử năm 2024 ? Hiến Pháp Hoa Kỳ không cấm, và đã có tiền lệ là ứng cử viên Eugee Debs, chống lại Đệ nhất Thế chiến, năm 1920 vận động tranh cử từ trong nhà tù ở Atlanta.

5. Có tổng thống nào lâm vào trường hợp tương tự ? Gần đây có Richard Nixon và Bill Clinton, nhưng không phải bị khởi tố hình sự, mà là thủ tục "impeachment" (truất phế).

6. Tư pháp còn cáo buộc ông Trump những gì ? Về hình sự, tội can thiệp bầu cử, giữ tài liệu mật tại nhà ; về dân sự, thổi phồng giá trị của Trump Organization để vay nợ.

Pháp : Trợ tử, vấn đề nhạy cảm

Bên cạnh sự kiện cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị khởi tố, chiến tranh Ukraine và xu hướng các nước độc tài cấu kết với nhau, tham vấn công dân về trợ tử và an tử tại Pháp được báo chí Paris hôm nay đề cập nhiều. Le Figaro chạy tựa "Trợ tử : Macron đứng trước một quyết định nhiều rủi ro". La Croix đặt câu hỏi : "Hội nghị công dân về trợ tử, và nay sẽ là gì" - một dự luật, một sáng kiến ở Quốc hội hay trưng cầu dân ý ? Libération cho rằng "Hội nghị công dân đã phá vỡ điều cấm kỵ" lâu nay.

Theo nhật báo công giáo La Croix, câu hỏi đặt ra cho 184 thành viên của Hội nghị Công dân về việc kết thúc cuộc đời thật đơn giản, thậm chí quá đơn giản, theo một số người. Bản kết luận cho thấy cái chết êm dịu không phải là ưu tiên hàng đầu. Yêu cầu lớn nhất là củng cố hệ thống y tế để hỗ trợ tất cả bệnh nhân, và cụ thể hơn là những người ở giai đoạn cuối đời. Như vậy việc hợp pháp hóa an tử còn là sự thừa nhận thất bại. Với Le Figaro, có hai điều chưa rõ ràng. Trước hết, đa số nhân viên y tế đều chống lại việc trợ tử, sợ rằng nhiệm vụ cứu người của mình trở nên méo mó. Kế tiếp là vấn đề an tử. Triết gia Emmanuel Hirsch đánh giá "Không có luật nào đáp ứng được nỗi đau của chúng ta khi đối mặt với cái chết".

Thụy My

Published in Quốc tế

Nga đã trở thành chư hầu của Trung Quốc như thế nào ?

Trên Le Figaro, chuyên gia Alexander Gabuev coi Nga là "chư hầu mới" của Trung Quốc. Ông nhận thấy cuộc chiến tranh ở Ukraine đã cắt rời Nga khỏi thế giới phương Tây, Kremlin chỉ còn có thể trông cậy vào Trung Quốc để sống sót. Sự lệ thuộc này sẽ biến Nga thành công cụ, rất hữu ích cho cuộc cạnh tranh giữa chế độ Bắc Kinh với Washington.

ngatrung01

Được khánh thành vào tháng 6 năm 2022, chiếc cầu đường bộ xuyên biên giới đầu tiên bắc qua sông Amur nối thành phố Blagoveshchensk của Nga với thành phố Heihe của Trung Quốc. Ảnh Vùng Amur / Dịch vụ báo chí của chính phủ / AFP

Tình hữu nghị nhập nhằng giữa Moskva và Bắc Kinh

Chuyến thăm Moskva của ông Tập Cận Bình tiếp tục được các báo chú ý nhiều nhất. Les Echos nhận thấy "Dưới khung cảnh vàng son của Kremlin, Vladimir Putin và Tập Cận Bình mừng một tình hữu nghị vẫn luôn nhập nhằng". Tờ báo dẫn lời một nhà ngoại giao Châu Âu cho rằng chuyến thăm ba ngày này "là một món quà thực sự cho Putin, bảo đảm một dạng đặc miễn ngoại giao hữu ích trong lúc này. Nhưng đó cũng là một nụ hôn thần chết". Putin hiểu rằng Nga không là gì cả trước Trung Quốc.

Le Monde nói về "sự ủng hộ có tính toán của Tập Cận Bình". Cho đến nay, chừng như Trung Quốc vẫn không trực tiếp giao vũ khí cho Moskva, và cũng không xuất khẩu ồ ạt các loại phụ tùng, chất bán dẫn đang bị phương Tây cấm vận. Kremlin hy vọng một thỏa thuận đổi vũ khí lấy công nghệ nguyên tử Nga mà Bắc Kinh đang cần, nhưng liệu Trung Quốc có dám chấp nhận rủi ro bị trừng phạt ? Về phía Nga, 50 tỉ mét khối khí đốt lâu nay bán cho phương Tây nay sẽ đổi hướng sang Trung Quốc. Nhưng ngoài năng lượng, ít có hợp tác trong những lãnh vực khác, và giới doanh nhân Nga vẫn thích làm việc với người Châu Âu hơn là người Hoa.

Từ vài ngày qua, Bộ ngoại giao Trung Quốc giải thích chuyến công du của ông Tập Cận Bình nhằm mục đích "hữu nghị, hợp tác, hòa bình". Le Monde lưu ý trật tự này là quan trọng : Ukraine đứng ở cuối, sau quan hệ Nga-Trung. Hôm 16/03, China Daily đăng một bài viết dài ca ngợi các hoạt động của Tập Cận Bình từ mười năm qua, nhưng cả nước Nga lẫn Vladimir Putin đều không được nhắc đến.

Quá lệ thuộc vào Trung Quốc, Nga trở thành chư hầu

Cũng về quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh, Le Figaro giải thích "Nga đã trở thành chư hầu của đế quốc Trung Hoa như thế nào". Theo tờ báo, "tình hữu nghị không giới hạn" trên các tuyên bố chính thức chỉ là ngoài mặt.

Tháng 11 năm ngoái, hãng xe hơi Moskvitch tưng bừng giới thiệu mẫu xe mới Moskvitch 3, được quảng cáo là một thành tựu kỹ thuật. Đây là kiểu xe "nội địa" đầu tiên ra đời từ nhà máy của tập đoàn Pháp Renault - đã bán đổ bán tháo cổ phần lại cho hãng Nga AvtoVAZ và rời nước Nga sau khi Putin khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraine. Tuy nhiên ngay sau đó một phóng sự của kênh truyền hình Za Rouliom chuyên về xe hơi tiết lộ, kiểu xe này thực ra hoàn toàn được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc, rồi thêm vào vài phụ tùng để gắn nhãn "made in Russia". Bị lộ tẩy, chính quyền bèn hứa sẽ có xe hơi "100% Nga" vào năm... 2025. Thị phần xe hơi Trung Quốc từ 7% năm 2021 đã tăng lên 18% cuối 2022, và được dự báo sẽ là 60% năm nay.

Xe hơi là một ví dụ cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh lên nền kinh tế Nga kể từ sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, khiến chuyên gia Alexander Gabuev của Viện Carnegie gọi Nga là "chư hầu mới" của Trung Quốc. Ông nhận thấy "Cuộc chiến tranh ở Ukraine đã cắt rời Nga khỏi thế giới phương Tây. Bị trừng phạt, bị báo chí quốc tế tố cáo, bị tẩy chay khỏi các sự kiện văn hóa quan trọng của toàn cầu, Kremlin chỉ còn có thể trông cậy vào Trung Quốc". Nhưng mối quan hệ sẽ ngày càng bất bình đẳng, theo với tốc độ mà chế độ Putin lệ thuộc vào Bắc Kinh để sống sót.

Cuộc xâm lăng Ukraine biến "đại ca" Nga thành đàn em Bắc Kinh

Đã xa rồi, cái thời mà Liên Xô coi Trung Quốc cộng sản non trẻ của Mao là đàn em. Tháng 12/1949, "Người cầm lái vĩ đại" đến Moskva bằng xe lửa, phải chờ chực 5 ngày mới được Stalin chiếu cố. Một nhà ngoại giao cấp cao từng tham dự nhiều cuộc họp thượng đỉnh có cả Vladimir Putin và Tập Cận Bình nói với Le Figaro, chỉ cần quan sát cử chỉ đôi bên sẽ biết ai là ông chủ, và rõ ràng là ông Tập. Nhà phân tích Timothy Ash của BlueBay xác nhận, Putin muốn có quan hệ ngang hàng, nhưng không thể.

Theo Alexander Gabuev, hiện thời Moskva bán đại hạ giá tài nguyên cho Trung Quốc, mời gọi các doanh nghiệp Hoa lục vào thị trường Nga nay đã không còn những người cạnh tranh phương Tây. Trong tương lai, Bắc Kinh hy vọng Moskva sẽ hợp tác trong tất cả những vấn đề mà Trung Quốc quan tâm, theo điều kiện của Trung Quốc. Ông Gabuev cho rằng, để làm hài lòng Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Nga không có chọn lựa nào khác là phải chấp nhận các điều kiện thương mại bất lợi cho mình. "Sự lệ thuộc của Kremlin vào Trung Quốc sẽ biến Nga thành công cụ hữu ích cho chế độ Bắc Kinh, rất có lợi trong cuộc cạnh tranh với Washington".

Với khả năng khuynh đảo đến 70% thu nhập của tập đoàn dầu khí Rosneft, Trung Quốc có thể áp đặt về chính trị hoặc đạt được những dự án đã thèm muốn từ lâu, như việc mở một căn cứ quân sự ở Bắc cực. Đồng nhân dân tệ đã vượt đồng đô la trong giao dịch ở thị trường chứng khoán Moskva, nay chiếm 40%.

Ủng hộ Nga một cách vừa phải, Trung Quốc chừng như không muốn đi xa hơn để không bị tách rời khỏi phương Tây. Liệu Tập Cận Bình có thể xoay đi khối vuông rubic, hứa cung cấp vũ khí cho Putin hay không ? Chuyên gia Vassili Kashine cho rằng việc này sẽ không công khai, vì Bắc Kinh vẫn luôn nuôi hy vọng thương lượng được với Mỹ, tránh đối đầu.

Bị truy nã, Putin chính thức trở thành người không thể giao du

Về tư thế của "chủ nhà" đang tiếp đón ông Tập, xã luận của Le Monde nhấn mạnh "Vladimir Putin chính thức trở thành một người không thể giao du". Tờ báo nhận định lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) làm tăng thêm sự cô lập của tổng thống Nga.

Việc đến thăm Mariupol vào ban đêm có thể là hành động thách thức Tòa án, nhưng kém phần quang minh chính đại. Mà thật ra đã từ lâu ông Putin vẫn tránh mọi tiếp xúc với đám đông, giữ khoảng cách khá xa trong các cuộc họp. Và nay ông là một tội phạm bị truy nã. Tấm áp-phích "wanted" giờ đây lơ lửng trên đầu Vladimir Putin. Đó là ý nghĩa mạnh mẽ nhất của quyết định từ Tòa án Hình sự Quốc tế.

Hiện thời khó có khả năng Putin ra đứng trước vành móng ngựa ở La Haye : Tòa án không có lực lượng cảnh sát, và Nga không giao nộp tổng thống của mình. Ông chủ điện Kremlin vẫn còn khả năng ra nước ngoài, vì tuy có đến 123 quốc gia phê chuẩn quy chế Roma (để thành lập ICC), vẫn còn khoảng 60 nước đứng ngoài, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ. New Delhi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới và trên nguyên tắc, ông Putin cũng được mời.

Ngược lại, tính chính trị và biểu tượng của lệnh truy nã quốc tế vô cùng lớn. Khung cảnh lộng lẫy của Kremlin không che giấu được dưới ánh mắt thế giới, đối tác của Tập Cận Bình là một người bị truy nã vì tội ác chiến tranh - dù báo chí Trung Quốc giữ im lặng về việc này. Tổng thống Nga giờ đây là một nhân vật không thể giao du, cả trực tiếp lẫn qua điện thoại. Tòa án Hình sự Quốc tế đã gởi đến các nước xâm lược thông điệp được chờ đợi : không có hòa bình mà không công lý cho Ukraine.

EU tăng tốc sản xuất đạn dược cho Ukraine

Cũng liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, Le Monde dành hai trang báo cho những vấn đề xoay quanh sự kiện Châu Âu dành 2 tỉ euro để tăng tốc sản xuất đạn dược. Tại Ukraine, mỗi ngày quân Nga bắn ra gần 20.000 quả đạn pháo, trong khi quân đội Ukraine buộc lòng phải sử dụng ít hơn bốn, năm lần do thiếu đạn. Tổng thống Volodymyr Zelensky xin Liên Hiệp Châu Âu (EU) cung cấp 1 triệu quả đạn, nhất là loại 155 ly, nhưng năng lực sản xuất của châu lục không thể đáp ứng.

Trong nhiều thập niên hòa bình, quân đội các nước Châu Âu chỉ đặt hàng số lượng tối thiểu, kỹ nghệ quốc phòng chỉ sống bằng xuất khẩu. Các tập đoàn vũ khí không thể mạo hiểm đầu tư khi không có những hợp đồng lớn dài hạn. Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kalllas đề nghị các nước EU hợp lại đặt sản xuất 1 triệu quả đạn, ước tính 4 tỉ euro. Nhưng rốt cuộc đã có giải pháp khác : mỗi nước chuyển giao một số đạn trong kho cho Kiev, quỹ của Châu Âu bù giá 50-60%. Giai đoạn thứ hai là cùng đặt mua đạn, khoảng 1 tỉ euro và trong giai đoạn cuối, Ủy Ban Châu Âu hỗ trợ 15 công ty tại nhiều nước để sản xuất đạn. Với đơn đặt hàng lớn, thời gian sản xuất từ 18 tháng được rút xuống chỉ còn 6 tháng.

Trong bài "Kinh tế thời chiến đang ở ngưỡng cửa chúng ta", Le Monde nhắc nhở, khi Hoa Kỳ tham chiến năm 1942, chi quân sự lên đến 37% GDP và 90% ngân sách liên bang. Số tàu bè, máy bay, đạn dược xuất xưởng tăng lên gấp 20 lần. Đối với kỹ nghệ quốc phòng Pháp, nhà xuất khẩu vũ khí thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Nga, thế trận mới đòi hỏi rất nhiều đầu tư và nhân lực.

Khí hậu, chiến tranh, tài chánh : những mối đe dọa lớn hơn tuổi về hưu

Việc chính phủ Pháp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội hôm qua với tỉ lệ khít khao 9 phiếu, sau khi vận dụng Điều 49.3 Hiến pháp để thông qua cải cách hưu trí, chiếm trang nhất các báo hôm nay. Le Monde ra từ chiều hôm trước nhận định "Sau 49.3 là một tuần lễ căng thẳng". Libération cho rằng thủ tướng "Elisabeth Borne được cứu vãn, nhưng vẫn thất bại". Les Echos chạy tít "Macron trước những thách thức về sau", Le Figaro đặt câu hỏi "Và giờ đây tổng thống Emmanuel Macron có thể làm gì ?". Riêng La Croix quan tâm đến việc quân đội Ukraine đang gia tăng tuyển quân để chuẩn bị cho cuộc phản công.

Theo Libération, tuy thoát được kiến nghị bất tín nhiệm, nhưng đây là chiến thắng "mang vị đắng" cho chính phủ. Les Echos kêu gọi hãy "Quay lại với thực tại". Việc tăng tuổi hưu cần những cuộc tranh luận chứ không phải sự hỗn loạn, vì còn có những nguy cơ khác lớn hơn đang đe dọa đến đời sống.

Một thực tế : Có thể không đạt được đa số ở Quốc hội ủng hộ tăng tuổi về hưu lên 64, nhưng điều chắc chắn là phía chống đối không chiếm được đa số. Giờ đây đã được thông qua, tuy với đa số khít khao nhưng bởi một Quốc hội được bầu lên một cách dân chủ, việc cấp thiết là chấm dứt ngay bạo lực. Sau hai tháng bừng bừng bốc lửa, giờ là lúc quay trở lại với mặt đất. Đất Pháp là nơi hào phóng về phúc lợi, Nhà nước Pháp chi cho xã hội nhiều nhất trong số các nước OCDE. Đến 2030, người Pháp vẫn về hưu sớm nhất tại Châu Âu đang giảm sút dân số.

Có nhiều vấn đề quan trọng hơn "quyền được lười biếng". Trước hết là "quả bom khí hậu" : trong 10 năm tới nhiệt độ sẽ tăng trên 1,5°C. Kế tiếp, là mối đe dọa địa chính trị. Trong khi người Pháp luôn kêu rêu, thì hàng ngàn người ở biên giới Châu Âu gục ngã dưới gót giày một đế quốc muốn chống lại cách sống phương Tây. Có phải đây là lúc để đình công nhằm làm việc ít hơn ? Rủi ro thứ ba là tài chánh - đừng quên nước Pháp đang nợ nần rất nhiều. Từ chối việc cải cách để làm thăng bằng ngân sách, không chấp nhận kỷ luật Châu Âu, chẳng khác nào là một Frexit mặc nhiên, với những hậu quả tai hại.

Thụy My

Published in Quốc tế

Samarkand và Westminster : Sự sụp đổ quyền lực mềm của Nga và Trung Quốc

Tại Westminter, ngoài sự kính trọng được toàn thế giới dành cho nữ hoàng Elizabeth II, là hai sự chuyển giao quyền lực êm ái : một quốc vương mới và một thủ tướng mới. Cuộc họp ở Samarkand, hầu như cùng thời điểm với thất bại nặng nề của Nga ở Ukraine và sự kiện toàn cầu ở Luân Đôn, cho thấy sự sụp đổ quyền lực mềm của Moskva và Bắc Kinh.

samarkand1

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi chờ thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước cuộc hội đàm bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan ngày 16/09/2022, trong khi lâu nay ông Putin thường để cho các nhà lãnh đạo khác phải đợi mình. AP - Alexandr Demyanchuk

Tang lễ nữ hoàng Anh được cử hành trọng thể tại Luân Đôn hôm nay với sự tham dự của hơn 2.000 khách mời trong đó có nhiều nguyên thủ, thành viên hoàng gia. Tội ác chiến tranh tại Izyum, vùng đất Ukraine vừa được giải phóng ; hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Đó là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay.

Những khuôn mặt độc tài không được dự tang lễ thế kỷ

Le Figaro chạy tít lớn "Toàn thế giới họp lại để tưởng niệm Elizabeth II", dành bài xã luận trang nhất và nhiều bài viết ở trang trong cho nữ hoàng Anh quốc. Sau mười ngày quốc tang, hàng trăm ngàn người dân đến viếng nữ hoàng, hôm nay thế giới nói lời vĩnh biệt với Elizabeth II. Đã hơn hai thế kỷ, kể từ năm 1760 đến nay một tang lễ hoàng gia mới được tổ chức tại tu viện Westminster, có thể đón tiếp khoảng 2.200 khách mời danh dự, trong đó có trên 200 tổng thống, thủ tướng, quốc vương, hoàng hậu các nước.

Trong vòng thân hữu của nữ hoàng, có 16 vương quốc, 56 nước trong khối Thịnh Vượng Chung, sáu hoàng gia Châu Âu và hoàng đế Nhật Bản, các láng giềng, đồng minh…Hơn 1.000 giấy mời đã được gởi đi, nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin không nhận được, bị xếp vào cùng hàng ngũ như phe Taliban ở Afghanistan, tên đao phủ Assad ở Syria và tập đoàn quân sự Miến Điện. Một lần cuối cùng, Elizabeth II đã tách biệt các kẻ thù của những giá trị dân chủ, đa phương và hòa bình, thần dân của bà sẽ nhớ rõ điều này.

Izyum, tội ác chiến tranh mới sau Bucha

Liên quan đến Ukraine, Le Monde chạy tựa trang nhất "Nga một lần nữa bị tố cáo tội ác chiến tranh". La Croix nhận thấy "Trong thành phố Izyum bị tàn phá, bóng tối của những tội ác chiến tranh mới". Đặc phái viên Le Figaro mô tả "Cảnh kinh hoàng ở nghĩa trang Izyum". Les Echos ghi nhận "Nga bị cáo buộc tội ác chiến tranh và ngày càng bị cô lập".

Một chương kinh hoàng mới lại mở ra từ cuối tuần qua tại thành phố 40.000 dân bị quân Nga chiếm hồi tháng Tư sau một tháng giao tranh dữ dội, và được Ukraine giành lại ngày 10/09. Các nhà điều tra trong trang bị bảo hộ màu xanh cật lực làm việc tại một nghĩa trang mọc lên trong một khu rừng thông ở ngoại vi thành phố. Nơi đây, xác của trên 450 người Ukraine đã được chở đến chôn trong 5 tháng chiếm đóng. Trong số những xác được khai quật, có người tay bị trói sau lưng, có người mang dấu vết bị thắt cổ, và theo chính quyền địa phương, đến 99 % có dấu hiệu bị tra tấn. Theo các nhân chứng, những ngôi mộ có thập giá, tên tuổi là nhờ thân nhân chi tiền cho lính Nga, còn mộ vô danh là người chết trên đường phố. Cũng có những người chết đói vì khu vực họ ở bị cô lập, người chết vì bệnh hoặc bị thương nhưng không được chữa trị.

"Thiên lý nhãn" đang làm thay đổi cuộc chiến ở Ukraine

Cũng tại Izyum, Libération đến với những chiến binh đang chuẩn bị vũ khí và các drone high-tech cho những trận tấn công sắp tới. Theo lời những chiến sĩ của lữ đoàn 120 Ukraine, số tù binh Nga bắt được trong trận phản công vừa qua lên đến 10.000 người và theo tình báo Anh, cuộc đột kích của Ukraine đã đặt sư đoàn cận vệ xe tăng số 1 ra ngoài vòng chiến. Tờ Forbes của Ukraine cho biết 2.850 lính Nga đã tử trận và 590 phương tiện bị phá hủy gồm xe tăng, xe bọc thép, giàn pháo… Tất cả diễn ra rất chóng vánh, nhờ những "mắt thần" của Ukraine, cuộc giao tranh chỉ kéo dài vài giờ.

Ba người lính thuộc đơn vị đặc biệt Aerorozveka phụ trách giám sát trên không của lữ đoàn 120 nhấn mạnh : "Mắt của chúng tôi là những drone này, và những gì làm được trong những ngày qua đang thay đổi chiều hướng cuộc chiến". Sau khi bị xâm lăng, Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã tung ra dự án quy mô "Đôi mắt", tăng gấp đôi số đơn vị có trang bị drone. Song song đó, chính phủ có chương trình "Đạo quân drone" dựa vào United24, một nền tảng huy động vốn từ cộng đồng để nhanh chóng trang bị 10.000 drone.

Những toán ba người bố trí dọc theo tiền tuyến sở hữu những drone tinh nhạy Matrice 300 RTK, mà ống kính có thể phân biệt được vật thể ở xa 15-20 km. Một binh sĩ cho biết có thể nhìn thấy một xe tăng đang chạy, một người đang đi, thậm chí bảng số xe… Khi cuộc phản công bắt đầu, lực lượng Ukraine cứ mỗi 10 km lại có 1 drone. Nhờ các thiết bị Starlink của tỉ phú Elon Musk, những "thiên lý nhãn" của Ukraine cung cấp cho các sĩ quan cao cấp ở Kiev những hình ảnh thực 24/24 từ chiến trường. Chỉ cần lướt ngón tay trên máy tính bảng, họ có được tọa độ chính xác của mục tiêu và ra lệnh khai hỏa. Trong ba ngày tái chiếm Izyum, pháo binh Ukraine với công nghệ mới đã làm tan tác quân Nga, mở đường cho lính dù của lữ đoàn 25 nhảy xuống thành phố gần như vắng bóng địch.

Putin trắng tay tại hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Về quan hệ quốc tế, Les Echos nhận định "Trong ngõ cụt, Putin ra về tay trắng từ Samarkand". Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS) ở Uzbekistan với 15 nhà lãnh đạo các nước "bạn bè", tổng thống Nga muốn chứng tỏ với phương Tây là không hề bị cô lập, nhưng ông ta lại chịu áp lực từ các đồng minh và đối tác. Mặc cho những cái bắt tay thắm thiết, vào lúc Moskva đang bị lên án vì tội ác ở Izyum, ông chủ điện Kremlin không nhận được bất cứ một tuyên bố ủng hộ nào tại Samarkand về hồ sơ quan trọng Ukraine.

Bản thân Vladimir Putin nhìn nhận Tập Cận Bình trong hậu trường đã bày tỏ mối "quan ngại". Tại phiên họp toàn thể, đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi chấm dứt cuộc chiến "càng sớm càng tốt". Tổng thống nước chủ nhà Shavkat Mirziyoyev không ngừng cổ vũ "đối thoại", còn Kassym-Jomart Tokayev, tổng thống Kazakhstan - nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ - công khai nhấn mạnh đến việc tôn trọng "toàn vẹn lãnh thổ". Các nhà lãnh đạo khác chỉ đơn giản nêu ra "cuộc khủng hoảng Ukraine" và giữ một khoảng cách gây bối rối cho Kremlin.

Và đòn sấm sét đến từ Narendra Modi. Phát biểu trước báo chí vào đầu cuộc họp song phương, thủ tướng Ấn Độ nói với Vladimir Putin : "Tôi biết rằng chiến tranh lúc này là không nên". Một thành viên phái đoàn Ấn nói với Les Echos, đây là lần đầu tiên ông Modi, có lẽ dưới áp lực của Hoa Kỳ, đã sửa lưng Putin như thế, mặc nhiên lên án cuộc chiến của ông ta.

Đã hẳn Vladimir Putin dẫn dụ về chuyện làm ăn ở Samarkand. Nga bán cho Trung Quốc 50 tỉ mét khối khí đốt một năm thay vì cho Châu Âu, với Thổ Nhĩ Kỳ thì cho trả 25% bằng đồng rúp, ký hợp đồng 4,6 tỉ đô la với Uzbekistan. Ấn Độ cũng lợi dụng mua vũ khí, dầu lửa và phân bón Nga với giá rẻ. Một loan báo khác lẽ ra phải có tiếng vang : cho không 300.000 tấn phân bón đối với các nước đang phát triển, nhưng tất cả hầu như không gây ấn tượng nào. Bởi vì đang trong thế kẹt, Vladimir Putin ra về tay trắng về chính trị.

Nga lép vế, Tập Cận Bình đóng vai thủ lãnh chống phương Tây

Trong khi đó Le Monde nhận thấy "Tại Samarkand, Tập Cận Bình đóng vai thủ lãnh phe chống phương Tây". Một tháng nữa, ông Tập sẽ tiếp tục nắm giữ chức tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc một nhiệm kỳ thứ ba. Hai tháng nữa, ông sẽ gặp tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề G20 ở Indonesia. Nhưng chưa chi Tập Cận Bình đã quyết định đẩy nhanh việc thiết lập một trật tự thế giới mới. OCS là tổ chức quốc tế duy nhất có một cái tên Trung Quốc, thế nên rất quan trọng với Bắc Kinh cho dù Nga vẫn giữ vai trò chính. Theo nhà Trung Quốc học Emmanuel Lincot, rõ ràng đây là một dạng chiến tranh lạnh.

Tập Cận Bình đưa ra lộ trình năm điểm về an ninh, chính trị và hợp tác kinh tế, trong đó có ý đồ sâu xa về Tân Cương. Bị co kéo giữa Nga và Trung Quốc, OCS còn bộc lộ những điểm yếu khác. Ngay trong hội nghị thượng đỉnh, giao tranh vẫn diễn ra ở biên giới hai nước thành viên Kyrgyzstan và Tadjikistan. Ông Tập không gặp riêng thủ tướng Ấn Độ, và không ai biết xử sự ra sao với phe Taliban ở Afghanistan.

Doanh nghiệp Châu Âu bắt đầu quay lưng với Trung Quốc  

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết các công ty Châu Âu ngày càng quay lưng lại với Trung Quốc. Tuy tổng đầu tư của Châu Âu vào Trung Quốc những năm gần đây có vẻ ổn định, nhưng đó là nhờ một ít tập đoàn chủ yếu là Đức. Đây là dấu hiệu cho thấy tâm lý ngờ vực ngày càng cao đối với nền kinh tế thứ nhì thế giới. Nhật báo kinh tế đưa ví dụ tập đoàn BASF của Đức vừa khai mạc một nhà máy hóa chất tại Quảng Đông trị giá 10 tỉ euro, sự kiện hiếm thấy là có sự hiện diện của phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng). Nhưng phía sau những bài diễn văn hùng hồn, một cây không che được rừng.

Thời kỳ các doanh nghiệp phương Tây cúi đầu xin một suất đầu tư đã xa rồi - một nghiên cứu của nhóm Rhodium nhấn mạnh. Hiện bốn tập đoàn Đức Volkswagen, BMW, Daimler và BASF chiếm đến 1/3 tổng đầu tư của Liên Hiệp Châu Âu vào Trung Quốc. Những năm gần đây, hầu như không có thêm công ty Châu Âu mới chọn lựa thị trường Hoa lục, số vụ chuyển nhượng trên 1 triệu euro chỉ còn phân nửa. Sự thiếu minh bạch và zero Covid làm rủi ro tăng cao cho nhà đầu tư. Về phía Berlin cũng đang chuẩn bị giảm lệ thuộc vào Bắc Kinh qua việc siết chặt điều kiện bảo đảm của Nhà nước.

Quyền lực mềm phương Tây lên ngôi ở Westminster, trước Samarkand thù địch

Les Echos cũng so sánh hai sự kiện lớn hôm nay qua bài phân tích "Thế giới giữa Samarkand và Westminster". Thoạt nhìn có thể ngỡ Câu lạc bộ Thượng Hải là biểu tượng cho tương lai thế giới, còn tang lễ nữ hoàng Anh tiêu biểu cho quá khứ. Một bên là trọng tâm thế giới dịch chuyển về Châu Á, bên kia là sự kiện toàn cầu nhưng không che giấu được sự xuống dốc của nước Anh, của Châu Âu và có thể cả phương Tây chăng ? Nhưng thực tế ngược lại, tình hình phức tạp hơn nhiều. OCS, tập hợp đa dạng này là cả một sự nhập nhằng. Chống phương Tây hay trung lập ? Nghịch lý ấy được đào sâu từ khi Nga bắt đầu cuộc phiêu lưu quân sự thảm hại ở Ukraine, sự thù ghét phương Tây không đủ làm chất xi-măng gắn kết.

Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến của Nga nhưng Tập Cận Bình trước khi đến Samarkand đã dừng lại ở Kazakhstan, để chứng tỏ tương lai nước này lệ thuộc Bắc Kinh nhiều hơn là Moskva. Từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine, New Delhi từ chối chọn lựa giữa Moskva và Kiev. Tuy nhiên hiểm họa về lâu về dài cho Ấn Độ là Trung Quốc, và chẳng phải Moskva có thể bảo vệ được Ấn mà là Washington. Khi từ chối đứng về phe dân chủ, phải chăng Ấn Độ của Narendra Modi đã hy sinh lợi ích lâu dài cho lợi ích trước mắt (Ấn Độ lệ thuộc một phần vào vũ khí Nga). Nước Ấn không liên kết của Nehru ngày xưa, nay muốn chối từ thực tại ?

Còn Iran, không thành viên OCS nào muốn nước này trở thành cường quốc nguyên tử, nhưng đây lại là tham vọng chính của Tehran. Về phần Nga khi chọn lựa Châu Á trong khi cội rễ văn hóa sâu sắc là Châu Âu, có nguy cơ tự trói chặt tay chân vào Trung Quốc. Và khó có việc Tập Cận Bình trực tiếp cứu nguy cho Putin ở Ukraine. Tại đông bắc Ukraine, việc quân Nga bại trận chạy dài đã tạo ra nhiều nạn nhân liên đới. Cho dù chiến tranh còn lâu mới kết thúc, nhưng rõ ràng Bắc Kinh đã có chọn lựa sai lầm, vào thời điểm tệ hại.

Tại Westminter, là hai sự chuyển đổi êm ả : một tân vương và một tân thủ tướng. Cuộc họp ở Samarkand, trùng hợp với thời điểm Nga thất bại nặng nề ở Ukraine và vinh dự toàn thế giới dành cho vị nữ hoàng được yêu mến, cho thấy quyền lực mềm (nếu không phải là quyền lực) của Nga và Trung Quốc đã sụp đổ. Ngày lễ toàn cầu ở Westminster, tương phản hẳn với các chế độ độc tài, củng cố thêm quyền lực mềm của thế giới tự do. Putin và Tập đã toan chôn vùi quá sớm các giá trị phương Tây.

Thụy My

Published in Châu Á

Covid-19 : Nga bắt đầu tiêm ngừa 2 triệu liều vac-xin dù chưa xong thử nghiệm

Tú Anh, RFI, 06/12/2020

Từ thứ Bảy 05/12/2020, nước Nga tiến hành tiêm ngừa chống Covid-19 với vac-xin nội địa cho dù chưa xong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Tại Moskva, 70 bệnh viện được phân phối 2 triệu liều Sputnik-5. Đầu tiên là giới nhân viên trong ngành nghề xã hội, y tế, giáo chức. Chiến dịch sẽ mở rộng khắp nước trong những tuần lễ tới. Phản ứng của người dân Nga ra sao ?

vaccine1

Nga cấp tốc sản xuất loại vac-xin ngừa Covid-19 mang tên chính thức là Gam-Covid-Vac, nhưng được biết đến nhiều hơn dưới tên thông dụng Sputnik-V. Ảnh chụp tại hãng công nghệ sinh học BIOCAD ở Saint Petersburg (Nga) ngày 04/12/2020.  Reuters – Anton Vaganov

Từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường thuật :

"Để bảo đảm cho phóng viên phỏng vấn những người tình nguyện tiêm vac-xin Nga, chính quyền tập hợp tất cả lại trong bệnh viện đa khoa số 121, ngoại ô Moskva .

Chính trong khung cảnh này, giữa các ống kính truyền hình, Nikolay, một giáo sư dạy vũ cho trẻ em, giải thích vì sao ông tiêm ngừa : "Bất hạnh thay,nhiều trẻ em lâm bệnh. Do vậy, để không lây bệnh cho cha mẹ tôi, cũng như đẻ bản thân tôi không bị lây nhiễm, tôi quyết định tốt hơn là nên đi tiêm ngừa, nhất là không tốn tiền"

Có điều là thủ tục buộc phải chờ đợi khá lâu. Trước hết, vac-xin phải được bảo quản ở nhiệt độ âm -18°C trong tủ lạnh đặc biệt trước khi tiêm. Andrei Tijelnikov, bác sĩ giám đốc giải thích :"Thủ tục tiêm ngừa mất từ 10 đến 15 phút. Khi dung dịch vac-xin trong suốt, lúc đó mới hút vào ống tiêm và sau khi tiêm xong, phải chờ thêm từ 20 đến 30 phút nữa để xem có phản ứng gì không".

Đúng là phải kiểm chứng xem người được tiêm ngừa Covid-19 có bị phản ứng phụ hay không. Một người tình nguyện khác là Anna, trợ lý giám đốc một trường tiểu học, không hề nghĩ đến tình huống rủi ro này : "Tôi không sợ phản ứng phụ, bởi vì tôi tin tưởng vào Nhà nước, vào chính phủ, vào bác sĩ của chúng tôi. Những điều họ làm là vì lợi ích cho nhân dân".

Đó là một ý kiến dứt khoát. Thế nhưng, theo một kết quả thăm dò ý kiến công bố hôm thứ Sáu (04/12/2020), chỉ có 9% dân Nga cho biết sẵn sàng đi tiêm chủng ngay tức khắc".

Tú Anh

***********************

Covid-19 : Nga bắt đầu chiến dịch tiêm chủng mở rộng bằng vac-xin tự chế

RFI tiếng Việt, 05/12/2020

Nga chính thức bắt đầu chiến dịch tiêm phòng Covid-19 trên diện rộng bằng vac-xin tự chế. Từ hôm nay, 05/12/2020, vac-xin Sputnik-V được triển khai tiêm chủng tại 70 bệnh viện trong vùng Moskva. Đợt đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng mở rộng chỉ dành cho một số đối tượng ưu tiên. Trong khi đó không ít người dân Nga vẫn e ngại với loại vac-xin bào chế trong nước này.

vaccine2

Một nhân viên y tế Nga được chích vac-xin Sputnik-V tại Moskva, trong ngày mở màn chiến dịch tiêm chủng mở rộng ngừa Covid-19, 05/12/2020. AP - Pavel Golovkin

Thông tín viên RFI tại Moskva, Daniel Vallot tường trình :

Để được tiêm chủng ngừa Covid-19, trước tiên cần phải đăng ký tên trên một trang internet dành riêng và phải đáp ứng được các tiêu chí của tòa đô chính Moskva. Người được tiêm chủng phải ở độ tuổi từ 18 đến 60, từ một tháng qua không tiêm vac-xin nào và nhất là phải nằm trong diện nghề nghiệp được lựa chọn cho chiến dịch tiêm chủng đầu tiên gồm : bác sĩ, giáo viên hoặc người làm công tác xã hội.

Theo tòa đô chính Moskva, Ngay từ từ thứ Bảy này, sẽ có 70 điểm tiêm chủng hoạt động. Thao tác tiêm chủng kéo dài khoảng 1 giờ bao gồm các công việc chuẩn bị vac-xin. Vac-xin Sputnik V phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 18 độ C, sau khi tiêm chủng còn phải mất nửa giờ để theo dõi y tế người được chủng.

Nga muốn đi nhanh, thậm chí là quá nhanh theo một số chuyên gia. Thực tế thì giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 phải đến tháng Giêng mới kết thúc và các kết quả cuối cùng chỉ có thể được công bố vào tháng 7 năm 2021. Nhưng chính quyền Nga không thấy đó là trở ngại lớn và họ hài lòng với kết quả của hai công đoạn đầu. Theo giới chức Nga, hai giai đoạn thử nghiệm đầu đã chứng minh được hiệu quả và độ an toàn của vac-xin này.

Nhưng theo một thăm dò dư luận do viện nghiên cứu độc lập Levada thực hiện hồi tháng 10 vừa qua thì 59% người Nga cho biết còn ngần ngại tiêm chủng. Con số này hồi tháng 8 là 54%.

Nỗi lo lắng với loại vac-xin này không bớt đi mà trái lại còn tăng thêm tại Nga mặc dù chính quyền đưa ra những tuyên bố đầy lạc quan, hân hoan chiến thắng về vac-xin Sputnik V.

RFI tiếng Việt

*********************

Thất bại của chính sách ngoại giao Vaccine Trung Quốc

RFA, 02/12/2020

Trung Quốc chậm chân trong việc chế tạo vaccine

Các công ty dược phẩm Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để chứng minh rằng các loại vaccine ngừa Covid-19 mà họ đang thử nghiệm là có tác dụng, sau khi dữ liệu sơ bộ về 3 loại vaccine do phương Tây bào chế cho thấy kết quả hứa hẹn.

vaccine3

Vaccine phòng chống Covid-19 của công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc -Reuters

Đầu tuần này, AstraZeneca và trường Đại học Oxford cho biết vaccine tiềm năng của họ có hiệu quả từ 62-90%, gia nhập hàng ngũ cùng 2 loại vaccine khác của phương Tây cũng đã cung cấp dữ liệu. Kết quả có thể cho phép Mỹ và các quốc gia khác cấp phép quản lý và lên kế hoạch phân phối tiêm chủng rộng rãi.

Trung Quốc từng dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 và đã khởi động các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối hồi tháng 7/2020, gần như cùng lúc với các hãng bào chế vaccine của phương Tây là Pfizer và Moderna. Thế nhưng, dường như nỗ lực này của Bắc Kinh đang gặp phải trở ngại khi những câu hỏi về tính hiệu nghiệm và an toàn được đặt ra. Theo Nikkei Asia, 11 vaccine tiềm năng trên toàn thế giới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, 4 trong số đó là của Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu ráo riết phát triển vắc-xin vào tháng 1/2020, chủ yếu thông qua Sinovac và tập đoàn Sinopharm khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước. Ngày 17/11, chuyên san y khoa The Lancet của Anh đăng một nghiên cứu về tính hiệu nghiệm của vaccine tiềm năng của Sinovac dựa trên các thử nghiệm lâm sàng ban đầu. Nghiên cứu nhận thấy vaccine của công ty này tạo ra mức độ kháng thể bảo vệ thấp hơn so với lượng kháng thể có ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã hồi phục. Tính hiệu quả được xác định là vừa phải. Ngược lại, các vaccine tiềm năng từ các công ty Pfizer và Moderna đặt trụ sở tại Mỹ được xác định có hiệu quả hơn 90%, trong khi vắc-xin của công ty AstraZeneca ở Anh có mức độ hiệu quả tổng thể là 70%. 

Giám đốc cao cấp Meng Weining của Sinovac phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến ngày 20/11 rằng các thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac đang diễn ra suôn sẻ. Ông nói : "Có thể tháng sau chúng tôi sẽ có sẵn dữ liệu". Nhật báo Phố Wall dẫn lời các chuyên gia y tế công cho biết lý do khiến Trung Quốc phải chờ đợi kết quả lâu hơn là vì các quốc gia, nơi các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm kiếm tình nguyện viên như Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Brazil - không chứng kiến Covid-19 lây lan nhanh như ở Mỹ, nơi thử nghiệm chủ chốt của các nhà sản xuất vaccine hàng đầu phương Tây. Các hãng phát triển vaccine của Trung Quốc phải ra nước ngoài để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vì Covid-19 hầu như đã được kiểm soát ở Trung Quốc từ hàng tháng qua. Các đối thủ phương Tây cũng đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài, dù họ đã tuyển mộ hàng chục nghìn tình nguyện viên ở Mỹ và Vương quốc Anh, nơi Covid-19 tác động nặng nề. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc không được tiếp cận những nơi như vậy trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và phương Tây.

Pierre A. Morgon - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh quốc tế của CanSino Biologics, công ty đang hợp tác với quân đội Trung Quốc phát triển vaccine - cho biết các công ty như AstraZeneca và Pfizer có lợi thế hơn các công ty phát triển vaccine Trung Quốc trong việc thiết lập các thử nghiệm lâm sàng quốc tế, bởi vì họ có nhiều nhân viên giỏi chuyên môn hơn để tiến hành thử nghiệm cũng như các mối quan hệ với các cơ quan quản lý nước ngoài. Ông Morgon nói với Nhật báo Phố Wall rằng CanSino dự kiến sẽ cho kết quả tạm thời vào đầu năm sau và từ chối bình luận thêm.

Ba công ty của Trung Quốc là Sinovac, Sinopharm và CanSinoBio đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng ở ít nhất 13 quốc gia. Những quốc gia đó sẽ được ưu tiên hàng đầu nếu vaccine thành công. Tháng 9/2020, UAE đã tiến hành tiêm vaccine Trung Quốc cho các nhân viên y tế. Nhà chức trách Trung Quốc đã không chờ kết quả lâm sàng ở giai đoạn cuối để bắt đầu tiêm chủng ngoài các cuộc thử nghiệm. Họ tiêm vaccine của Sinopharm cho gần một triệu người Trung Quốc mà không có bằng chứng vững chắc về tính hiệu nghiệm của này vaccine, khiến các chuyên gia y tế công quốc tế lo ngại.

vaccine4

Vaccine phòng chống Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ)

Các thử nghiệm giai đoạn cuối của Sinovac cũng đang được tiến hành ở Brazil. Các nhà nghiên cứu giúp tiến hành các thử nghiệm đó cho biết họ hiện có 74 trường hợp Covid-19 được xác nhận trong số những người tham gia, đủ để thực hiện một phân tích tạm thời, và rằng họ sẽ công bố kết quả sớm vào tháng 12 tới. Một phát ngôn viên của Sinovac cho biết thời gian để công bố thông tin phụ thuộc vào đội ngũ ở Brazil và "quy trình khoa học" chứ không phải "sự tự nguyện của con người". Tuy nhiên, ít nhất một chính phủ nước ngoài đang hoãn việc phê chuẩn vaccine của Trung Quốc vì thiếu bằng chứng lâm sàng. Penny Lukito, người đứng đầu cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Indonesia, nói với các nhà lập pháp trong một phiên họp tuần trước rằng cơ quan của bà sẽ trì hoãn việc cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine của Sinovac cho đến cuối tháng 1/2021, thời điểm họ hi vọng sẽ có kết quả tạm thời từ các thử nghiệm đang diễn ra. Bà Lukito cho biết cơ quan của bà đã không thể lấy được dữ liệu lâm sàng từ Brazil. Các thử nghiệm lâm sàng của Sinovac ở Indonesia đã bắt đầu hồi tháng 8/2020, muộn hơn so với các thử nghiệm ở Brazil và kết quả tạm thời từ thử nghiệm ở Indonesia dự kiến sẽ được công bố vào khoảng tháng 1/2021.

Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã quyết định đặt mua trước hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 của 6 hãng dược, nhưng trong số này không có tên một loại vaccine nào của Trung Quốc và Nga. Theo giải thích của Ủy ban Châu Âu, Trung Quốc không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn đề ra là phải có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ Châu Âu. Stephan De Keersmaecker - phát ngôn viên về y tế công cộng, an toàn thực phẩm và giao thông của Ủy ban Châu Âu - nhắc lại bài học khẩu trang là một ví dụ điển hình. Khi dịch bệnh bùng phát, Châu Âu đã ngỡ ngàng phát hiện những vấn đề về cung ứng và cất trữ khẩu trang. Theo ông, "nếu có một đơn vị sản xuất trên lãnh thổ Châu Âu, việc phân phối sẽ được tiến hành nhanh hơn". Hơn nữa, bào chế vaccine chưa bao giờ là một thế mạnh của Trung Quốc, dù rằng có rất nhiều loại thuốc dành cho Châu Âu được sản xuất từ nước này. 

vaccine5

Vaccine Sputnik-V của Nga

Còn về phía Nga thì sao ? Sputnik-V do hãng dược Gamaleya của Nga bào chế sẽ có đợt giao hàng đầu tiên ngay từ tháng 1/2021 cho các nước Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vaccine của Nga có ưu điểm là có thể được sản xuất tại 4 nước khác và cất trữ ở nhiệt độ +2 và +8°C. Cùng với các đối tác, Nga có thể cung cấp cho thế giới trong giai đoạn đầu đến 500 triệu liều. Thế nhưng, theo báo Le Monde (Pháp), mặc dù đã có những tuyên bố trấn an của lãnh đạo các hãng dược Nga, Châu Âu vẫn tỏ ra hoài nghi. Các bước bào chế không minh bạch, quy trình thử nghiệm không rõ ràng, kể cả trong khâu tuyển người tình nguyện, "nhập nhằng" tiêm ngừa cho những người có rủi ro với thử nghiệm giai đoạn 3… là những gì mà giới nghiên cứu Châu Âu phê phán về vaccine Sputnik-V của Nga.

Đặc biệt, cũng giống như Trung Quốc, việc Nga chọn nuôi cấy virus Ad5 (Adeno 5) để gia tăng khả năng miễn dịch khiến nhiều nhà quan sát lo ngại. Phương pháp này đã từng gặp thất bại trong việc nghiên cứu vaccine ngừa SIDA năm 2007. Thay vì ngăn chặn HIV, vaccine được bào chế từ Ad5 còn tạo thuận lợi cho virus xâm nhập cơ thể.

ASEAN mua vaccine từ đâu ?

Trung Quốc đã rất hy vọng trong việc trao đổi vaccine để tạo lấy những ảnh hưởng chính trị của họ, đặc biệt là với các nước ASEAN. Tuy nhiên, chúng ta có thể cùng xem xét chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc này có thể tác động tới quốc gia nào ?

Thái Lan và Philippines là hai quốc gia mới nhất trong ASEAN tuần qua đã ký hợp động đặt mua vaccine do hãng dược AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford University nghiên cứu sản xuất.

Các quốc gia ASEAN khác cũng có những bước đi tương tự, bên cạnh việc hợp tác nghiên cứu để tự sản xuất vaccine.

Việt Nam đã bắt đầu các nỗ lực nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 từ nhiều tháng qua. Thông tin mới nhất do báo Tuổi Trẻ dẫn lại cho hay chậm nhất là đầu tháng 12/2020, vaccine do Công ty Nanogen phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein sẽ được tiêm thử nghiệm trên người giai đoạn 1.

Học viện Quân y sẽ là nơi dự định triển khai thử nghiệm tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên người tình nguyện.

Giới chức y tế cho hay vaccine Covid-19 "made in Việt Nam" ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, tự chủ, làm nền tảng để phát triển vaccine đối phó các chủng virus corona khác trong tương lai.

Tuy nhiên, khả năng vaccine của Việt Nam được sản xuất sớm cũng như đủ liều để tiêm phòng trên diện rộng là rất thấp. Do đó, nguồn cung từ bên ngoài vẫn là chính yếu.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra ngày 15/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng xác nhận Việt Nam đã đặt mua vaccine Sputnik V từ Nga và vaccine của Anh.

Thái Lan

Theo Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, ngày 27/11, Thái Lan đã ký một thỏa thuận trị giá 200 triệu USD để mua 26 triệu liều vaccine của Oxford/AstraZeneca. Theo báo Bangkok Post, dự kiến, số vaccine này sẽ được giao vào giữa năm 2021. Giới chức y tế Thái Lan cho hay 26 triệu liều sẽ được tiêm cho 13 triệu người trong số 69 triệu dân.

Hồi tháng 10, Bộ Y tế Thái Lan, Công ty Siam Bioscience và tập đoàn kinh doanh SCG cũng đã ký một ý định thư với AstraZeneca. Thỏa thuận cho phép Siam Bioscience sản xuất vaccine (AZD1222) tại nhà máy của mình, dự kiến vào giữa năm sau.

Siam Bioscience cho biết nếu các kế hoạch thuận lợi, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á sản xuất vaccine này.

Philippines

Tại Philippines, ngày 27/11, hơn 30 công ty tư nhân đã ký một thỏa thuận mua ít nhất 2,6 triệu liều vaccine từ AstraZeneca. Các chủ doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch hiến tặng phần lớn số vaccine cho chính phủ và sử dụng phần còn lại để tiêm cho nhân viên của họ.

Theo các quan chức Philippines, bên cạnh 2,6 triệu liều nói trên, nước này cũng đang đàm phán mua thêm 1 triệu liều nữa.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Joey Concepcion, cố vấn về doanh nghiệp của tổng thống Philippines, cho hay số vaccine trên dự kiến được giao vào tháng 5 hoặc tháng 6/2021 và có thể được tiêm cho 1,5 triệu người.

Hiện nay, Philippines cũng đang tìm kiếm đặt mua 20-50 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc và công ty Pfizer của Mỹ cùng các nguồn khác.

Chính phủ Philippines cho biết họ đang nhắm mục tiêu khoảng 60 triệu người Philippines được tiêm vaccine Covid-19 trong khoảng hai năm kể từ năm 2021. Kế hoạch này, với chi phí hơn 73 tỷ peso (1,4 tỷ USD), nhằm phát triển khả năng miễn dịch ở phần lớn dân số.

Malaysia

Cũng vào ngày 27/11, Malaysia đã ký thỏa thuận với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ. Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết thỏa thuận đặt mua 12,8 triệu liều vaccine có thể cung cấp cho 6,4 triệu người.

Malaysia dự kiến sẽ nhận được 1 triệu liều đầu tiên từ Pfizer vào quý 1/2021. Các đợt giao hàng tiếp theo sẽ được thực hiện trong các quý còn lại của năm tới.

Tuy nhiên, thời gian giao hàng hiện phụ thuộc vào việc vaccine của Pfizer có được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan quản lý dược phẩm Malaysia phê duyệt hay không.

Bên cạnh đó, Malaysia sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine Covid-19 đầu tiên vào tháng 12, là một phần trong thỏa thuận giữa chính phủ nước này với Trung Quốc. Đây sẽ là thử nghiệm giai đoạn III của một loại vaccine được phát triển bởi Viện Y sinh thuộc Học viện Y khoa Trung Quốc.

Indonesia

Indonesia đã đặt hàng với ít nhất 4 nhà cung cấp vaccine, trong đó có Sinovac Biotech của Trung Quốc và AstraZeneca. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy khả năng tiếp cận này giúp Indonesia trở thành nước đứng thứ hai ở Châu Á, sau Trung Quốc, và ngang bằng với Nhật Bản và Ấn Độ, về đảm bảo việc tiêm ngừa.

Theo The Strait Times, Indonesia đã bắt đầu đàm phán với tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer để đảm bảo đủ nguồn cung vaccine Pfizer-BioNTech Covid-19 trước khi triển khai đợt tiêm chủng lớn vào năm tới ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.

Nước này cho đến nay đã ký các cam kết mua 189 triệu liều vaccine từ Sinovac của Trung Quốc, Novavax của Mỹ và Covax, một hệ thống phân phối vaccine Covid-19 do Tổ chức y tế thế giới đồng dẫn đầu.

Từ tháng 4/2020, công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma của Indonesia - nơi được coi là xưởng vaccine lớn nhất ở Đông Nam Á với công suất 2 tỷ liều mỗi năm - đã hợp tác với công ty Sinovac để phát triển vaccine Covid-19. Một khi thành công, chương trình này có thể sản xuất tới 250 triệu liều mỗi năm.

Trong ngày 27/11, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với gần 6.000 ca, số người chết trong 24 giờ cũng đáng lo ngại với 169 trường hợp.

Tính tới nay, Indonesia có tổng cộng 527.999 ca nhiễm và 16.646 ca tử vong, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Singapore

Các nhà khoa học tại Trường Y Duke-NUS của Singapore đang phối hợp với công ty Arcturus Therapeutics phát triển một loại vaccine (ARCT-021). Thông tin từ Arcturus Therapeutics cho biết các thử nghiệm ban đầu trên người cho thấy nhiều hứa hẹn và vaccine này có thể sẽ sẵn sàng cho việc tiêm ngừa vào năm tới.

Theo đài truyền hình CNBC, Cục Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) đã cam kết chi 220 triệu USD cho vaccine Arcturus, trong đó, cơ quan này đã đầu tư 45 triệu USD vào chương trình nghiên cứu phát triển vaccine. Một khi vaccine được phát triển thành công và được phê duyệt, EDB sẽ chi bổ sung thêm 175 triệu USD để mua.

Báo Strait Times cũng dẫn lời giáo sư Ooi Eng Eong từ Trường Y Duke-NUS nói rằng với nhiều chương trình nghiên cứu vaccine quốc tế đang cho thấy kết quả khả quan, Singapore không vội vã trong việc chọn mua một loại nào. Thay vào đó, chính phủ sẽ cân nhắc để chọn loại có hiệu quả cao nhất.

Như vậy, chúng ta thấy, chỉ có 3 quốc gia ASEAN đặt mua vaccine của Trung Quốc bên cạnh các nguồn cung cấp từ Nga và Phương Tây. Điều đó cho thấy, Trung Quốc mặc dù muốn nỗ lực sử dụng "chính sách ngoại giao vaccine" tuy nhiên, với năng lực của mình, Trung Quốc đang thất bại trong cuộc đua chế tạo vaccine này. Đồng nghĩa với việc chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đang thất bại.

Theo Reuters

Nguồn : RFA, 02/12/2020

Published in Quốc tế
Trang 1 đến 2