Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/04/2024

Điểm báo Pháp - Nga "xoay trục" thành chư hầu Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Xâm lăng Ukraine, Nga phải "xoay trục" thành chư hầu Trung Quốc

Le Monde ngày 18/04/2024 nhận định "Một trong những tác động ấn tượng nhất từ cuộc chiến tranh ở Ukraine : Trục Nga-Trung tăng cường để thách thức Hoa Kỳ". Việc Nga xoay trục sang Trung Quốc buộc Washington phải yêu cầu Châu Âu gây áp lực lên Bắc Kinh.

xoaytruc1

Búp bê Matrioska của Nga với chân dung Tập Cận Bình và Vladimir Putin được bày bán tại các tiệm bán đồ kỷ niệm ở Moskva, Nga ngày 21/03/2023. AP - Dmitry Serebryakov

NATO muốn chi viện phòng không, nhưng Ukraine khác Israel

Liên quan đến Ukraine, Les Echos nhận thấy "Đến lượt NATO đòi hỏi chi viện thêm phòng không cho Kiev". Tổng thư ký Jens Stoltenberg khẳng định cần khẩn cấp tăng cường bảo vệ không phận Ukraine, đồng thời nhìn nhận rằng Châu Âu không có đủ hệ thống Patriot, chỉ Hoa Kỳ mới có thể cung cấp.

Người Ukraine cảm thấy cay đắng sau thành công rực rỡ của Israel và đồng minh, chặn được đến 99% trận bão lửa từ Iran. Nhưng thật ra theo Les Echos, không phải phương Tây "nhất bên trọng nhất bên khinh", bênh vực Tel Aviv hơn Kiev.

Từ 75 năm qua, Israel đã tập trung mọi nguồn lực vào phòng không. Và quốc gia này có may mắn là hệ thống chống hỏa tiễn địa đạo Arrow, được thử nghiệm từ năm 2019, đã chứng tỏ vô cùng hiệu quả trước các hỏa tiễn tầm xa của Iran. Còn về diện tích lãnh thổ phải bảo vệ thì hết sức nhỏ bé so với Ukraine.

Dù vậy Volodymyr Zelensky vẫn đề nghị NATO họp khẩn. Từ nhiều tuần qua ông yêu cầu cung cấp thêm phương tiện phòng không, khi Nga ngày càng oanh kích dữ dội Kharkiv, Tcherniguiv và các nhà máy điện của Ukraine. Hội đồng NATO-Ukraine được thành lập sau hội nghị thượng đỉnh Vilnius hồi tháng Bảy sẽ họp lại ngày mai, nhưng người ta e rằng đồng minh chỉ có thể hứa hẹn nhiều hơn hành động.

Khó kiếm đạn pháo và giàn Patriot hơn là tiền

Tổng thư ký NATO sau khi gặp các thủ tướng Hà Lan, Đan Mạch và Cộng hòa Czech hôm qua, đã hoan nghênh việc giải ngân thêm 1 tỉ euro cho Kiev. Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala cho biết đã ký hợp đồng mua 200.000 đạn pháo và tìm được 300.000 quả nữa có thể mua thêm, nhưng số lượng này thấp hơn hẳn so với kỳ vọng 1 triệu quả lúc ban đầu. Mark Rutte, người có thể kế nhiệm Jens Stoltenberg nhấn mạnh, giờ đây khó kiếm ra đạn pháo hơn là tiền. Tương tự đối với các giàn Patriot mà Kiev vẫn mong mỏi.

Tờ báo cho rằng đại diện ngoại giao EU Josep Borrell có hơi vội vàng khi nói rằng phương Tây sở hữu 100 hệ thống Patriot nên có thể giao cho Ukraine 7 : một lãnh thổ rộng như vậy cần ít nhất 25 giàn, và cũng không thể bảo vệ theo kiểu Vòm Sắt Israel. Bản thân nước Pháp cũng chỉ có 8 hệ thống phòng không SAMP-T.

Hiện Kiev chỉ mới nhận được hai giàn Patriot hoàn chỉnh từ Hoa Kỳ và Đức, và hệ thống tương tự là SAMP-T từ Pháp và Ý. Berlin vừa loan báo gởi thêm giàn Patriot thứ hai. Jens Stoltenberg nhấn mạnh, Châu Âu không thể sở hữu đến 100 hệ thống Patriot như đã nói, sau 30 năm ít đầu tư cho quốc phòng, tuy không tiết lộ con số cụ thể. Tập đoàn Mỹ Raytheon hứa sẽ sản xuất 1 giàn mỗi tháng nếu có hợp đồng mới. Trong khi chờ đợi, ông Stoltenberg cổ vũ các thành viên NATO ưu tiên chi viện phương tiện phòng không cho Ukraine.

Pháp tái vũ trang quy mô

Về phía Pháp đang ra sức đẩy mạnh kỹ nghệ quốc phòng. Le Monde nhận thấy "kinh tế chiến tranh", cụm từ đã biến mất từ sau Đệ nhất Thế chiến – khi các nước huy động cả phụ nữ làm việc tại các nhà máy vũ khí – được tổng thống Emmanuel Macron khơi lại vào tháng 6/2022, gần bốn tháng sau khi Nga kéo quân sang Ukraine. Hai năm sau, "kinh tế chiến tranh" vẫn chưa hình thành, nhưng ít nhất đã vượt qua một cái ngưỡng hôm 26/04. Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu cho biết muốn "trưng dụng" nhân viên, kho dự trữ và công cụ sản xuất nếu các nhà máy không đủ nhanh chóng, ưu tiên dành cho quốc phòng.

Tuy chưa đến mức đó, nhưng mọi việc diễn tiến tốt đẹp. Chẳng hạn Eurenco, dẫn đầu Châu Âu về thuốc súng và chất nổ, bắt đầu sản xuất sớm hai năm. Với 4.000 công ty và mười mấy tập đoàn quốc phòng, kỹ nghệ này được tiếp sức với các hợp đồng của nhà nước. Hiện nay xuất khẩu vũ khí của Pháp chủ yếu là các chiến đấu cơ Rafale với 21 tỉ euro trong năm 2022, chiếm 78% doanh số.

Nga : 90% thiết bị điện tử cho hỏa tiễn, xe tăng nhập từ Trung Quốc

Trên bình diện địa chính trị, Le Monde nhận định "Một trong những tác động ấn tượng nhất từ cuộc chiến tranh ở Ukraine : Trục Nga-Trung tăng cường để thách thức Hoa Kỳ". Việc Nga xoay trục sang Trung Quốc buộc Washington phải yêu cầu Châu Âu gây áp lực lên Bắc Kinh.

Chuyến thăm Bắc Kinh của thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa kết thúc hôm qua, và tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp Tập Cận Bình tại Paris ngày 06/05 tới. Trước đó Hoa Kỳ đã nhấn mạnh với các đồng minh Châu Âu : Vì các vị có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, hãy nhân đó để gây sức ép nhằm làm Trung Quốc ngưng trợ giúp Nga đánh phá Ukraine.

Washington lo ngại sự liên thủ ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Moskva. Để thuyết phục những ai còn hoài nghi, Washington hôm 12/04 đã công khai một số thông tin cho đến nay vẫn còn giữ bí mật. Chẳng hạn trong quý cuối 2023, Trung Quốc đã cung cấp cho Nga trên 70% số máy công cụ nhập khẩu dùng để sản xuất hỏa tiễn đạn đạo. Và trong cả năm ngoái, 90% số thiết bị điện tử nhập khẩu để chế tạo hỏa tiễn và xe tăng là từ Trung Quốc.

Nga và Trung Quốc cùng chống lại vị trí thống soái của Mỹ

Tại sao Mỹ bỗng nhiên nhấn mạnh đến yếu tố Trung Quốc ? Đó là vì Washington bị bất ngờ trước việc Nga dù bị cấm vận vẫn nhanh chóng tái sản xuất một số lượng vũ khí lớn. Nhờ vậy tạo được ưu thế trên chiến trường trước lực lượng Ukraine đang thiếu thốn đủ mọi thứ, do phương Tây cung ứng chậm chạp.

Người ta đã biết rằng Kremlin vẫn rủng rỉnh tiền nhờ bán dầu lửa cho Trung Quốc và Ấn Độ sau khi mất thị trường Châu Âu. Nhưng cho đến nay thế giới vẫn chưa ý thức được tầm cỡ trợ giúp thiết bị của Trung Quốc, đã đóng vai trò rất quan trọng, cho dù chưa vượt qua lằn ranh đỏ là chuyển giao vũ khí sát thương.

Mặt khác, không thể coi nhẹ xu hướng tăng cường trục Nga-Trung, bởi vì yếu tố gắn kết giữa hai chế độ độc tài này là cùng chống lại vị trí thống soái của Mỹ. Moskva đã quay sang Trung Quốc từ 2014, sau đợt trừng phạt đầu tiên của phương Tây vì chiếm Crimea, nhưng Liên Hiệp Châu Âu (EU) vẫn là đối tác kinh tế quan trọng cho đến năm 2022. Một khi ồ ạt xâm lăng Ukraine, Nga phải quay hẳn sang Trung Quốc.

Putin và Tập gặp nhau ba tuần trước cuộc xâm lược, tuyên bố "tình hữu nghị không giới hạn". Chuyên gia Alexander Gabuev của trung tâm Carnegie nhận định : "Cách duy nhất để Nga đối đầu với phương Tây là hội nhập kinh tế, chất xám và công nghệ quân sự trong một "Pax Sinica" - trật tự thế giới do Trung Quốc thống trị. Nga đang trở thành chư hầu của Trung Quốc".

Lãnh chúa Bắc Kinh không gượng nhẹ với chư hầu Moskva

Tuy nhiên trong cuộc hôn nhân có phần gượng gạo này, Bắc Kinh không nhìn về phía đối tác bằng cặp mắt đắm say. Dù các nhà lãnh đạo thường xuyên tiếp xúc - Putin sẽ lại đến Bắc Kinh vào tháng Năm - câu "tình hữu nghị không giới hạn" không được lặp lại lần nào.

Một số chuyên gia Trung Quốc khi trả lời truyền thông ngoại quốc tỏ ra hoài nghi về động cơ xoay trục của Nga. Guan Guihai, đại học Bắc Kinh cho rằng sở dĩ Putin cứ ngoan cố tấn công Ukraine là vì sợ mất đi bản sắc Châu Âu của Nga. Nếu bại trận, Moskva sẽ xa rời trung tâm Châu Âu và Nga trở thành một nước Châu Á.

Hai nước cũng không có cùng quan điểm về sự tiến triển của trật tự thế giới. Nhà nghiên cứu Feng Yujun viết trên The Economist, "Nga tìm cách phá hoại trật tự khu vực và quốc tế bằng chiến tranh, trong khi Trung Quốc muốn giải quyết một cách hòa bình", nhưng "huyền thoại bất bại của Nga đã bị sụp đổ". Le Monde bình luận : Lãnh chúa không hề nhẹ tay trước chư hầu ! Trước trục Nga-Trung, Hoa Kỳ củng cố khối Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời đòi hỏi Châu Âu "lớn tiếng với Bắc Kinh" về Ukraine.

Biden muốn tăng thuế gấp ba lên thép, nhôm Trung Quốc

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết "tổng thống Joe Biden kêu gọi tăng gấp ba thuế hải quan đánh vào thép và nhôm Trung Quốc". Tại Pittsburgh, thành phố biểu tượng của kỹ nghệ Mỹ, ông Joe Biden thu hút giới công nhân bằng đề nghị trên đây. Ông nhắc nhở rằng người lao động Mỹ đang bị cạnh tranh bất chính với thép và nhôm Trung Quốc nhập khẩu, từ các nhà máy thuộc loại ô nhiễm nhất thế giới, được trợ giá quy mô.

Song song đó, chính quyền Biden loan báo mở điều tra về phương thức cạnh tranh của Bắc Kinh trong ngành đóng tàu, hàng hải và hậu cần. Đồng thời hợp tác với Mêhicô để tránh việc Trung Quốc né thuế hải quan. Tiểu bang Pennsylvania vốn thường nghiêng ngả giữa tả và hữu, một lần nữa lại là nơi song đấu giữa Joe Biden và Donald Trump. Ông Trump cũng hứa hẹn sẽ tăng thuế nếu đắc cử.

Modi, người đã thay đổi Ấn Độ

Pháp đẩy mạnh kỹ nghệ quốc phòng, bầu cử Ấn Độ, thủ tướng Pháp Gabriel Attal sau 100 ngày cầm quyền, nhà văn Salman Rushdie cho ra đời tác phẩm mới, đó là những chủ đề được chú ý bên cạnh chiến tranh Trung Đông và Ukraine. La Croix dành trang nhất cho "Tác động Modi", đương kim thủ tướng Ấn Độ hầu như chắc chắn sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử sẽ bắt đầu vào ngày mai.

Narendra Modi, từ một đứa trẻ nghèo giúp cha bán trà trên sân ga đã thành công trong chính trị và mười năm qua đã đưa Ấn Độ lên một vị thế mới. Tuy nhiên sau khi tái đắc cử năm 2019, Modi đề cao Ấn giáo, sách giáo khoa bị chỉnh sửa, những thành phố mang tên có âm hưởng Hồi giáo được đặt tên lại. Thiểu số 200 triệu người Hồi giáo và 35 triệu người Thiên Chúa giáo bị coi như công dân hạng hai. Tờ báo lo ngại sự kết hợp giữa tôn giáo và dân tộc chủ nghĩa, nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân tộc trong thế kỷ 19 và 20 là thế tục, nhưng ngược lại thế kỷ 21 lại dựa vào bản sắc tôn giáo, do người dân lo sợ toàn cầu hóa đe dọa đến văn hóa và các giá trị của mình.

Có nên coi đây là cú sốc giữa các tôn giáo ? Sự việc không đơn giản : Nga Chính Thống giáo chống lại Ukraine cũng Chính Thống giáo, với sự trợ giúp của Erdogan Hồi giáo… Đối với phe dân túy, tôn giáo là công cụ lý tưởng để bảo vệ "nhân dân" chống lại người ngoại quốc và các nhóm thiểu số - bị cáo buộc là phản bội trong một quốc gia được khẳng định bằng tín ngưỡng. Nạn nhân trước tiên là tín đồ các tôn giáo khác trong mỗi nước, và như vậy, bảo vệ tự do tín ngưỡng và các nhóm thiểu số cần phải là giá trị hàng đầu trong luật quốc tế.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 176 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)